Đây là một bài nói chuyện của Edith Stein trước Uỷ ban Giáo dục của Liên đoàn Phụ nữ Công Giáo Đức ngày 8 tháng 11 năm 1930 ở Bendorf trên bờ Sông Rhine

Toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta vốn đang trong một tình trạng khủng hoảng đã nhiều thập niên qua. Những lời kêu gọi cải cách liên tục được đưa ra ở khắp nơi. Mặc dù một số hướng dẫn quan trọng đã xuất hiện do sự nhầm lẫn của một số nỗ lực, người ta cảm thấy vẫn như đang ở giữa các thử nghiệm có tính chuẩn bị hơn là một diễn trình diễn biến êm đềm, hữu hiệu.

Giáo dục phụ nữ là một phần của cuộc khủng hoảng tổng quát này và nó cũng có những vấn đề riêng. Một giải pháp cuối cùng sẽ chỉ khả hữu song song với cuộc cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục của Đức. Ngày nay, cả khi chúng ta cố gắng xem xét việc giáo dục phụ nữ một cách riêng biệt, chúng ta vẫn phải làm như vậy bằng cách xem xét nó trong mối tương quan của nó với vấn đề nói chung. Giáo dục phụ nữ, mặc dù là một trường hợp đặc biệt, trên thực tế, liên quan đến toàn bộ phạm vi cải cách giáo dục.



I. KHÁI NIỆM GIÁO DỤC (2)

Nếu chúng ta muốn tìm kiếm nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đã làm lung lay hệ thống cũ, chúng ta nên tìm kiếm nó trong khái niệm giáo dục có tính căn bản đối với hệ thống đó, một khái niệm mà ngày nay chúng ta coi là đã thất bại. “Hệ thống cũ” về căn bản là đứa con của Phong trào Ánh sáng. (Ở đây, tôi nghĩ tới các trường tiểu học và trung học và các trường cao đẳng sư phạm. Các trường trung học nhân văn, các đại học, chủng viện dành cho linh mục và các trường hướng nghiệp khác đã phát triển từ một nền tảng khác, nhưng, do sự đan xen thực tế, chúng cho thấy những dấu vết khác biệt chịu ảnh hưởng của phần còn lại trong hệ thống trường học).

Lý tưởng giáo dục trước đây là kiến thức bách khoa: khái niệm giả định về tâm trí là khái niệm tabula rasa (chiếc bảng chưa viết) mà trên đó càng nhiều ấn tượng càng tốt được ghi nhận qua các tri nhận tri thức và học thuộc lòng. Hệ thống phát sinh từ khái niệm này đã tạo dịp cho nhiều chỉ trích ngày càng gia tăng do các khiếm khuyết rõ ràng của nó và cuối cùng, là một cuộc tấn công toàn diện vào nó. Ngày nay, nó giống như một ngôi nhà đang bị phá bỏ - đây đó, người ta vẫn thấy một phần của bức tường gạch, cửa sổ hình cánh cung, rác rưởi chất thành đống ở giữa; ở giữa những thứ này, đây đó, một phân khúc mới được dựng lên. Tôi tự hỏi liệu có nên loại bỏ tất cả những thứ này và dựng một tòa kiến trúc mới trên nền đất kiên cố theo một kế hoạch thống nhất hay không? Xu hướng nghiêng về điều này là thế này: trong nhiều năm, chúng ta đã chứng kiến cuộc đấu tranh để có một khái niệm mới về giáo dục. Tuy nhiên, khái niệm này về căn bản là một khái niệm rất cũ.

Tôi sẽ cố gắng phác thảo ngắn gọn mục tiêu của tất cả những nỗ lực này. Giáo dục không phải là một sở hữu bên ngoài của việc học mà đúng hơn là toàn bộ cấu trúc [gestalt] (3) mà nhân cách con người lãnh hội dưới tác động của các ngoại lực đa dạng, nghĩa là diễn trình đào tạo này. Chất liệu cần được đào tạo, một mặt, là thiên hướng tâm sinh lý được thừa hưởng; mặt khác, nó là các chất liệu đào tạo liên tục được tích hợp. Cơ thể rút tỉa từ thế giới vật chất; tâm hồn từ môi trường tri thức của nó — từ thế giới của con người và từ các giá trị nuôi dưỡng nó.

Việc đào tạo căn bản đầu tiên xảy ra bên trong linh hồn. Giống như một mô thức bên trong nằm trong hạt giống của thực vật, một sức mạnh vô hình làm cho cây thông mọc lên ở chỗ này và cây sồi mọc lên ở chỗ kia, cũng theo cách này, một cái khuôn bên trong con người thúc đẩy sự biến hóa theo một hướng nhất định và hoạt động hướng tới một cấu trúc toàn bộ [gestalt] nào đó với một tính đơn nhất về mục đích không ai thấy, một nhân cách trưởng thành, phát triển đầy đủ và có tính cá thể độc đáo.

Các sức mạnh khác đi cùng với sức mạnh đầu tiên này, một số từ bên ngoài và một số từ bên trong. Đứa trẻ với thiên hướng tâm sinh lý và tính đơn nhất bẩm sinh về mục đích đã được giao vào tay các nhà điêu khắc nhân bản. Việc hoàn thành mục tiêu của em phụ thuộc vào việc các nhà điêu khắc này có cung cấp các chất liệu đào tạo cần thiết cho cơ thể và linh hồn của em hay không. Đặc điểm của các cơ năng tâm thần là chúng chỉ sinh hoa trái khi được kích hoạt trên các chất liệu thoả đáng: tức là các giác quan qua quan sát, biện phân, so sánh màu sắc và hình dạng, âm sắc và tiếng động; lý trí qua suy nghĩ và hiểu biết; ý chí qua những thành tựu của ý chí (quyết định, giải quyết, từ bỏ, v.v.); cảm xúc qua các phản ứng cảm xúc, vv. Các nhiệm vụ thỏa đáng bên ngoài góp phần tương ứng vào việc vun sới các khả năng này.

Có nhiều thiên hướng có thể ngăn cản sự phát triển được quy định bởi quyết tâm bên trong nếu để cho chúng phát triển tự do. Bàn tay đào tạo chịu uốn nắn những mầm mống hoang dại đang chớm nở như vậy sẽ có lợi cho việc đào tạo bên trong.

Cùng với các can thiệp trên, còn có các nhân tố môi trường tích cực. Chất liệu đào tạo hiện thực không những được tiếp nhận bởi các giác quan và trí hiểu mà còn được tích hợp bởi “trái tim và linh hồn” nữa. Nhưng nếu nó thực sự được biến đổi trở thành linh hồn, thì nó không còn chỉ là chất liệu nữa: nó tự hoạt động, đào tạo và phát triển; nó giúp linh hồn đạt được cấu trúc toàn diện [gestalt] dự kiến của nó.

Các năng lực đào tạo bên ngoài còn được một năng lực đào tạo bên trong khác tạo điều kiện. Đứa trẻ được đặt vào tay của những nhà giáo dục nhân bản, nhưng con người đang trưởng thành, nhờ ý thức được tự do tinh thần, cũng được trao vào tay của chính em. Chính em tự làm việc cho sự phát triển của mình qua cơ năng ý chí tự do: em có thể khám phá và phát triển các khả năng của mình; em có thể mở lòng đón nhận các ảnh hưởng đào tạo hoặc tách mình ra khỏi chúng. Em cũng bị ràng buộc bởi chất liệu nhận được và nguyên tắc đào tạo đệ nhất đẳng hoạt động từ bên trong: không ai có thể làm cho mình thành điều gì đó mà họ không là từ bản chất.

Tương phản với mọi năng lực đã nêu, chỉ có một năng lực đào tạo không bị ràng buộc vào giới hạn của bản chất, mà trái lại, có thể biến đổi mô thức bên trong xa hơn và từ bên trong: đó là năng lực của ân sủng.

Chúng ta nhận ra rằng giáo dục phức tạp và mầu nhiệm hơn và ít bị tùy thuộc ý chí võ đoán hơn so với quan niệm của phong trào Ánh sáng; và vì phong trào Ánh sáng đã không xử lý các nhân tố thiết yếu của việc đào tạo, nên hệ thống giáo dục của họ phải chịu thất bại hoàn toàn.

II. BẢN CHẤT VÀ ƠN GỌI CỦA PHỤ NỮ

Mọi công trình giáo dục chính thức phải nhìn nhận bản chất đã có. Do đó khẩu hiệu của những nhà cải cách trường học là: "Mọi sự đều tùy thuộc vào đứa trẻ!" Bởi vì bản chất đã có này là một bản chất cá thể, nên họ nhấn mạnh rằng nó cần "nền giáo dục cá nhân!" Bởi vì các khả năng chỉ phát triển nhờ sự chuyên cần, nên họ kêu gọi “Quyền tự chủ của học viên!” - “Tính tự phát!” Do đó, nếu chúng ta muốn đặt nền tảng cho một hệ thống giáo dục lành mạnh và lâu dài cho phụ nữ, chúng ta phải tự hỏi mình:

l. Bản chất của phụ nữ là gì và đâu là mục tiêu giáo dục được quy định cho bản chất này: chúng ta phải dựa vào những năng lực đào tạo bên trong nào?

2. Giáo dục chính thức có thể giúp ích gì cho diễn trình nội tâm?

Khi xem xét câu hỏi đầu tiên, tôi muốn tự giới hạn vào bản chất của phụ nữ (4). Ta không phủ nhận các khác biệt cá nhân sâu rộng; trong nhiều trường hợp, các phụ nữ cho thấy các đặc điểm chủ yếu có tính nam giới. Mỗi người phụ nữ đều mong có một chức nghiệp đặc thù theo thiên hướng và năng khiếu cá nhân; chức nghiệp này không phụ thuộc vào chức nghiệp nữ giới của họ. Đối với giáo dục tổng quát, ta phải xem xét cá tính của người ta; điều quan trọng hơn hết trong bối cảnh của chúng ta là đặt cơ sở chuyên biệt cho việc giáo dục phụ nữ.

Bản chất của người phụ nữ được xác định bởi ơn gọi nguyên thủy của họ như người phối ngẫu và người mẹ. Tư cách này phụ thuộc tư cách kia. Cơ thể của người phụ nữ được tạo hình để “trở thành một thân xác” với một người khác và nuôi dưỡng sự sống nhân bản mới trong chính nó. Một cơ thể có kỷ luật tốt là một công cụ thích nghi cho tâm trí vốn làm nó sinh động; đồng thời, nó là nguồn sức mạnh và là nơi cư trú của tâm trí. Chính vì vậy, linh hồn của người phụ nữ được thiết kế để phục tùng người đàn ông trong việc vâng lời và nâng đỡ; nó cũng được tạo hình để làm nơi trú ẩn trong đó các linh hồn khác có thể triển khai. Cả tình đồng hành thiêng liêng và tình mẫu tử thiêng liêng không bị giới hạn ở mối tương quan phối ngẫu và làm mẹ thể xác, nhưng chúng mở rộng tới tất cả những ai được người phụ nữ tiếp xúc.

Vì vậy, linh hồn người phụ nữ phải rộng mở, cởi mở với tất cả mọi người; nó phải yên tĩnh để không có ngọn lửa nhỏ yếu ớt nào bị gió bão dập tắt; ấm áp để không làm những mầm nụ mong manh tê liệt; rõ ràng, để không con sâu nào trú ngụ được trong các góc tối và hốc tường tối tăm; độc lập, để không có cuộc xâm lăng nào từ bên ngoài có thể làm cho cuộc sống bên trong lâm nguy; làm rỗng chính mình, để sự sống bên ngoài có thể có chỗ trong đó; cuối cùng, làm chủ chính mình và cả thân xác mình, để toàn bộ con người sẵn sàng đáp ứng mọi lời kêu gọi.

Đó là một hình ảnh lý tưởng của toàn bộ cấu trúc [gestalt] của linh hồn nữ giới. Linh hồn của người phụ nữ đầu tiên được đào tạo vì mục đích này, và linh hồn của Mẹ Thiên Chúa cũng được đào tạo như vậy. Nơi tất cả những phụ nữ khác kể từ cuộc Sa ngã, có một mầm mống phát triển như vậy, nhưng nó cần được chăm bón đặc biệt nếu không nó sẽ bị chết ngạt giữa đám cỏ dại mọc um tùm xung quanh nó.

Linh hồn người phụ nữ nên rộng mở; không có gì nhân bản nên xa lạ với nó. Rõ ràng, nó có thiên hướng tự nhiên muốn đạt được mục đích như vậy: xét trung bình, quan tâm chính của nó hướng đến con người và các mối tương quan giữa con người với nhau. Nhưng, nếu người ta để mặc bản năng tự nhiên cho chính nó, thì quan tâm này được phát biểu một cách độc lập đối với mục tiêu của nó. Thường thì mối quan tâm chủ yếu chỉ là sự tò mò, muốn được biết người ta và các hoàn cảnh của họ; đôi khi nó là sự tham lam thực sự muốn xâm nhập các phạm vi xa lạ. Nếu ta dung túng cho bản năng này, thì ta sẽ không giành được điều gì cho chính linh hồn đó hoặc cho các linh hồn khác. Có thể nói, nó ra khỏi chính nó, và mãi đứng ở bên ngoài nó. Nó tự đánh mất mình, mà không đem lại được điều gì cho người khác. Điều này quả không sinh ích chi, thậm chí còn gây hại nữa. Linh hồn người phụ nữ sẽ chỉ sinh ích nếu nó ra ngoài để tìm kiếm và mang về nhà kho báu ẩn giấu vốn nằm sâu trong linh hồn mỗi con người, và có thể làm phong phú thêm không những linh hồn họ mà còn cả các linh hồn khác nữa; và nó sẽ chỉ sinh ích nếu nó tìm kiếm và mang về gánh nặng ai cũng biết hoặc giấu ẩn vốn đang đè lên linh hồn mỗi con người. Chỉ những ai biết chiêm ngưỡng kính phục trước linh hồn con người mới tìm kiếm cách đó, cách biết rằng linh hồn con người là vương quốc của Thiên Chúa, biết rằng ta chỉ có thể đến gần họ khi được sai đến với họ. Nhưng bất cứ ai được sai đến đều sẽ tìm thấy điều mình đang tìm kiếm, và bất cứ ai được tìm kiếm như thế sẽ được tìm thấy và được cứu rỗi. Rồi linh hồn sẽ không đứng lại ở bên ngoài mà trái lại, sẽ mang chiến lợi phẩm về nhà; và không gian của nó hẳn sẽ mở rộng để có thể tiếp nhận những gì nó mang về.

Linh hồn phải tĩnh lặng, vì sự sống mà nó phải bảo vệ, rất e lệ và ăn nói nhỏ nhẹ; nếu chính linh hồn lại xao động, nó sẽ không nghe thấy sự sống này, một sự sống chẳng bao lâu sau sẽ hoàn toàn bặt tiếng và biến mất khỏi linh hồn. Tôi tự hỏi liệu ta có thể nói rằng linh hồn phụ nữ được bản chất lên khuôn như vậy hay không? Thoạt nhìn, điều ngược lại có vẻ đúng. Linh hồn phụ nữ xôn xao náo động rất nhiều và rất mạnh mẽ; sự náo động này tự nó tạo ra nhiều ồn ào; và, thêm vào đó, linh hồn còn được thúc giục để bày tỏ sự náo động ấy ra. Tuy nhiên, khả năng cho sự yên tĩnh này phải có đó; nếu không, nó không thể được thực hành một cách sâu sắc như hiện nay, xét cho ngay, bởi nhiều phụ nữ: những người phụ nữ này mà nơi họ người ta nương náu để tìm kiếm sự bình yên, và là những người có đôi tai dành cho những tiếng nói nhỏ nhẹ và khó nghe nhất.

Người phụ nữ sẽ thành công nếu các yêu cầu khác được đáp ứng: nếu linh hồn họ tự làm trống rỗng mình và sống độc lập. Thật vậy, khi cái tôi đầy kích động hoàn toàn không còn nữa, thì sẽ có chỗ và sự yên tĩnh để làm mình được người khác tri nhận. Nhưng không ai, cả đàn ông lẫn đàn bà, có thể tự làm cho mình được như vậy bởi một mình bản chất mà thôi. Lời kinh cổ xưa của Đức đọc rằng, “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin lấy con ra khỏi chính con và trao con hoàn toàn cho một mình Chúa”. Bản thân chúng ta không thể làm gì được; Thiên Chúa phải làm điều đó. Như vậy, nói chuyện với Người tự bản chất, vốn dễ dàng đối với người phụ nữ hơn là đối với đàn ông vì một ước muốn tự nhiên sống trong họ là trao mình hoàn toàn cho một ai đó. Khi họ đã một lần nhận ra rằng không ai khác ngoài Thiên Chúa có khả năng tiếp nhận họ hoàn toàn cho chính Người và quả là hành vi trộm cắp đầy tội lỗi đối với Thiên Chúa khi hiến mình hoàn toàn cho người khác ngoài Người ra, thì việc hiến mình như thế không còn khó khăn nữa và họ được giải thoát khỏi chính họ. Sau đó, điều cũng hiển nhiên đối với họ là được ở trong lâu đài của mình trong khi trước đây, họ phải hứng chịu những cơn bão vùi giập họ từ bên ngoài hết lần này đến lần khác; và trước đây, họ cũng đã đi vào thế giới để tìm kiếm thứ gì đó xa lạ có thể giải quyết cơn đói của mình. Bây giờ họ có tất cả những gì họ cần; họ vươn ra xa khi được sai đi và chỉ cởi mở đối với điều họ cho phép. Họ là nữ chủ nhân của lâu đài này trong tư cách nữ tỳ của Chúa mình, và họ sẵn sàng làm nữ tỳ cho tất cả những ai mà Chúa mong muốn họ phục vụ. Nhưng, trên hết, điều này có nghĩa họ sẵn sàng đối với người được ban cho họ như một người có chủ quyền hữu hình trên họ— bất luận là người phối ngẫu của họ hoặc những người có thẩm quyền đối với họ cách này hay cách khác.

Linh hồn phụ nữ chắc chắn là ấm áp tự bản chất, nhưng sự ấm áp tự nhiên của nó rất hiếm khi liên tục. Nó tự làm nó hao mòn và hết hoạt động khi cần thiết nhất; hoặc nó được tăng cường bởi một tia lửa thành ngọn lửa phá hủy khi nó chỉ nên ấm áp dịu dàng. Nhưng ở đây một lần nữa, điều đó chỉ có thể được trợ giúp khi, thay vì ngọn lửa trần gian, họ phải biết ngọn lửa trên trời. Khi ngọn lửa trên trời, tức tình yêu thần linh, đã thiêu rụi mọi chuyện ô uế, thì nó bùng cháy trong linh hồn như một ngọn lửa lặng lẽ không những sưởi ấm mà còn chiếu sáng; lúc đó, tất cả đều sáng láng, tinh khiết và rõ ràng. Thật vậy, sự rõ ràng cũng không tự biểu hiện như do bản chất ban cho. Ngược lại, linh hồn phụ nữ xuất hiện mờ mịt và tăm tối, mờ đục đối với chính họ và đối với người khác. Chỉ có ánh sáng thần linh mới làm cho nó rõ ràng và sáng sủa.

Do đó, mọi điều đều dẫn đến kết luận này: người phụ nữ chỉ có thể trở thành điều mà họ nên là phù hợp với ơn gọi chính yếu của họ khi việc đào tạo nhờ ân sủng đồng hành với việc đào tạo tự nhiên ở bên trong. Do đó, giáo dục tôn giáo phải là cốt lõi của việc giáo dục mọi phụ nữ.

Còn tiếp