1. Đền Thánh Đức Mẹ Thánh Thể quốc tế Knock

Trước tình hình đại dịch coronavirus càng lúc càng kinh hoàng, tuần này, chúng tôi xin kính mời quý vị và anh chị em cùng với chúng tôi hiệp thông với đền thánh Đức Mẹ nổi tiếng nhất tại Ái Nhĩ Lan hay còn gọi là Ireland.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Kể từ khi bắt đầu đại dịch coronavirus kinh hoàng này, Đền Thánh Đức Mẹ Knock đã không ngừng nỗ lực hỗ trợ cho các tín hữu. Vào tháng 11 năm 2020, họ đã tổ chức một thánh lễ đặc biệt để tưởng nhớ tất cả các công dân Ái Nhĩ Lan đã chết vì COVID-19. Điện thờ được đặt hơn 3,000 ngọn nến xung quanh cung thánh tượng trưng cho những người đã mất vì đại dịch. Thánh lễ đã được hơn 120,000 người tham dự trực tuyến.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng hành hương đền thánh Đức Mẹ này vào ngày 26 tháng 8, 2018 và đã tận mắt chứng kiến lòng sùng mộ của anh chị em giáo dân, không chỉ người dân địa phương mà còn trên toàn lãnh thổ Ái Nhĩ Lan và trên thế giới. Vì thế, hôm 19 tháng Ba năm nay, Đức Thánh Cha đã quyết định nâng địa điểm hành hương nổi tiếng này lên hàng Đền Thánh Đức Mẹ Thánh Thể quốc tế.

Thật phù hợp khi thông báo chính thức xảy ra vào ngày lễ Thánh Giuse, trong năm Thánh Giuse. Vào thế kỷ 19, Thánh Giuse đã hiện ra ở Knock, cùng với Đức Mẹ và Thánh Sử Gioan. Các cuộc hiện ra được chứng kiến vào một ngày mưa năm 1879, khi cả ba vị được nhìn thấy ở đầu hồi phía nam của Nhà thờ Giáo xứ Knock.

Điểm độc đáo đối với cuộc hiện ra tại Knock là phép lạ Thánh Thể. Chúa Phục sinh xuất hiện với tư cách là Chiên Con trên bàn thờ, đứng trước Thập giá của Ngài và được bao quanh bởi một loạt các thiên thần. Khía cạnh này của cuộc Hiện ra được kể chi tiết bởi mười lăm nhân chứng, vào ngày 21 tháng 8 năm 1879. Họ đã đứng dưới mưa tầm tã trong hai giờ để đọc kinh Mân Côi trước cảnh Hiện ra này.

Kể từ đó, Knock đã trở thành một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng nhất của Ái Nhĩ Lan, chào đón khoảng 1.5 triệu du khách mỗi năm. Năm 1979, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm thánh địa với tư cách là một người hành hương. Tiếp theo là Mẹ Teresa thành Calcutta, vào năm 1993, là người đã nói chuyện tại đền thờ về sự thánh thiêng của cuộc sống con người, đặc biệt của những đứa trẻ chưa chào đời.

2. Phép lạ liên tiếp diễn ra tại Đền Thánh Đức Mẹ Thánh Thể quốc tế Knock

Trong bộ phim Hope, nghĩa là Hy Vọng, do đài truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ thực hiện, Cha Richard Gibbons, giám đốc Đền Thánh Quốc Gia Knock, khẳng định rằng Đức Mẹ đang cứu nước Ái Nhĩ Lan qua các phép lạ liên tiếp tại Đền Thánh này.

Cha Gibbons nói rằng Đền Thánh Knock, được xây dựng trên địa điểm xảy ra cuộc hiện ra của Đức Mẹ vào năm 1879, là nơi nhiều người tìm thấy sự chữa lành và bình an trong tâm hồn khi nhận lãnh các bí tích. Ngài cho biết, trung bình có 4,000 người đến xưng tội mỗi tuần tại đền thờ này.

Vì thế, Aidan Gallagher, Giám đốc điều hành của EWTN Ireland nói với thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng: “Chúng tôi muốn đưa Our Lady, Đức Mẹ của chúng ta, ra trước những người Ái Nhĩ Lan và thế giới như một ngọn hải đăng của hy vọng. Chúng tôi muốn bộ phim này là một thông điệp hy vọng cho mọi người.”

Cuốn phim kể lại câu chuyện Đức Mẹ hiện ra tại Knock, và các phép lạ cho đến nay.

Vào một ngày mưa gió dữ dội, cụ thể là ngày 21 tháng 8 năm 1879, 15 nhân chứng tận mắt chứng kiến Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse, Thánh Sử Gioan, các thiên thần và Chúa Giêsu Kitô ở đầu hồi phía nam của ngôi nhà thờ ở thị trấn Knock, được gọi là nhà thờ Thánh Gioan Tông Đồ Thánh Sử. Trong khoảng thời gian khoảng hai giờ, đám đông 15 người này đã tụ tập để thờ phượng, chiêm ngưỡng sự lạ này và đọc kinh Mân côi. Mặc dù mưa bão, mặt đất xung quanh đầu hồi phía nam không bị ướt.

Không giống như hầu hết các lần hiện ra khác, Đức Mẹ im lặng trong suốt thời gian này và không đưa ra thông điệp hay lời tiên tri nào. Một số người đã đưa ra giả thuyết rằng Đức Mẹ im lặng do những thay đổi văn hóa xảy ra ở Ái Nhĩ Lan vào thời điểm đó - người già nhất trong số 15 nhân chứng này chỉ có thể nói được tiếng Ái Nhĩ Lan, trong khi người trẻ nhất, chỉ mới sáu tuổi, chỉ biết nói tiếng Anh.

Sau các cuộc điều tra nghiêm nhặt, Tòa Thánh thấy câu chuyện Đức Mẹ hiện ra tại Knock là “đáng tin cậy và lời khai của các nhân chứng là thỏa đáng” sau hai ủy ban điều tra riêng biệt; vào năm 1879 và một lần nữa vào năm 1936.

Bộ phim mới được đặt trong bối cảnh những đau khổ mà người dân Ái Nhĩ Lan phải chịu đựng trong thế kỷ 19, đặc biệt là ở quận Mayo, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn đói khoai tây.

Nạn đói lớn kéo dài từ năm 1845 đến năm 1849 đã tàn phá Ái Nhĩ Lan dẫn đến cái chết của khoảng 1 triệu người, và khiến 1 triệu người khác quyết tâm di cư khỏi đất nước này vào năm 1851.

Lý do họ quyết tâm di cư bằng mọi giá là vì nạn đói tái diễn nhiều lần đã làm thối chí người Ái Nhĩ Lan trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là ở phía tây bắc. Năm 1879, khi Đức Mẹ hiện ra cũng là “một năm đói kém” của người dân Ái Nhĩ Lan.

Đạo diễn Gallagher nói:

“Khi Đức Maria hiện ra tại Knock vào năm 1879, Mẹ đã mang ánh sáng và hy vọng cho người dân Ái Nhĩ Lan, và Mẹ đã làm như vậy tại một thời khắc đen tối của lịch sử dân tộc này.”

“Vì thế, hôm nay, khi chúng ta có thể nói rằng đang có một nạn đói về tâm linh, là một tai họa đang tàn phá Ái Nhĩ Lan, cùng với những vấn đề lớn như nạn tự tử, trầm cảm, thì Đức Mẹ cũng đang hiện ra giúp chúng ta đương đầu với cuộc khủng hoảng quốc gia này.”

Ái Nhĩ Lan có tỷ lệ trầm cảm mãn tính cao nhất trong số những người trẻ tuổi ở các nước Âu Châu. Thống kê mới nhất của Eurofound cho biết 12% người Ái Nhĩ Lan trong độ tuổi từ 15 đến 24 mắc chứng trầm cảm kinh niên.

Bắc Ireland, là nơi có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, thậm chí cao hơn cả tại Nhật Bản.

3. Phép lạ xảy ra như thời Chúa Giêsu: Bệnh nhân khỏi bệnh tức khắc, đứng bật dậy đi lại như người bình thường

Một sự chữa lành kỳ diệu liên quan đến việc chầu Thánh Thể đã xảy ra tại Đền thờ Knock vào năm 1989 và được chính thức công nhận vào tháng 9 năm 2019.

Phép lạ diễn ra cho Marion Carroll rất ngoạn mục vì giống hệt như các phép lạ chính Chúa Giêsu đã thực hiện như được tường thuật trong Kinh Thánh. Người được chữa lành tức khắc khỏi bệnh một cách triệt để đứng dậy và đi lại ngay lập tức như một người bình thường.

Marion Carroll đã được đưa đến đền thờ trên một chiếc cáng vào ngày 1 tháng Chín, năm 1989 vì bệnh đa xơ cứng, các bác sĩ đã bó tay, và chỉ cho bà uống các liều thuốc giảm đau trong khi chờ chết.

Marion Carroll, lúc đó đang ở lứa tuổi 30, đã thưa với Đức Mẹ trong một lời cầu nguyện mà cô nói rằng “không giống ai”. Cô nói với Đức Mẹ rằng:

“Đức Mẹ cũng là một người mẹ và Mẹ biết con cảm thấy thế nào khi phải lìa bỏ chồng và con mình.”

Marion Carroll nói với cộng đoàn rằng:

“Đó không phải là một lời cầu nguyện, cũng chẳng phải là một lời tuyên bố, nhưng đó là một người phụ nữ đang trò chuyện với một người phụ nữ khác.”

“'Ngay lúc đó tôi có cảm giác rất tuyệt vời - một cảm giác thật lạ như có một làn gió thì thầm nói với tôi rằng tôi đã được chữa khỏi. Tôi có một cảm giác thật tuyệt vời như có ai nói với tôi rằng tôi có thể đứng dậy và bước đi.”

Và Marion Carroll trỗi dậy bước đi. Những người khiêng cáng là những người đầu tiên há hốc mồm trước một phép lạ nhãn tiền trước mắt họ.

Người đứng đầu Văn phòng Y tế tại đền thờ Knock, Tiến sĩ Diarmuid Murray, nói với RTÉ News rằng phải mất 30 năm để xác định rằng không thể giải thích về mặt y khoa cho việc chữa lành ngoạn mục này. Đồng thời cần phải có thời gian để có thể khẳng định rằng phép lạ là triệt để, chữa lành hoàn toàn, và bệnh nhân không mắc trở lại bệnh cũ.

“Trong những tình huống như thế này, Giáo hội phải luôn luôn thận trọng. Phép lạ này được chứng thực và được công nhận bởi thực tế là ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi điều này diễn ra, và trong suốt thời gian này các kiểm tra của Cục Y tế chứng minh rằng không có lời giải thích nào về mặt y khoa cho việc chữa lành này.”

4. Ý Niệm Con Số 0 Thời Covid

Có thể nói, những ngày khốn cùng của cơn cuồng phong thời covid chưa qua, chúng ta nhận thấy mọi giá trị trần thế dường như trở về con số 0. Người ta chứng kiến trên đường phố “không” một bóng người, quán café “không” ai lui tới, nơi chợ búa “không” thể nhóm họp, ngôi thánh đường “không” cầu kinh nguyện ngắm và trên cuộc đời sự giàu nghèo hơn thua “không” cần phải lưu tâm. Tuy nhiên, trong muôn vàn cái “không” ấy có một cái “không” vừa mang giá trị nhân linh vừa mang giá trị thiên linh, đó là những: siêu thị 0 đồng, chợ 0 đồng, gian hàng rau củ quả 0 đồng, quán cơm 0 đồng, bánh mỳ 0 đồng, xăng 0 đồng và chuyến xe 0 đồng…

Trong toán học, nhiều lúc người ta quên mất giá trị của con số 0 trong dãy số từ 0 đến 9. Nếu số 0 mà đứng một mình thì chẳng mang giá trị, nhưng khi nó liên kết với một số nào đó, giá trị của nó thật là khủng khiếp. Lịch sử toán học thời cổ mãi cho đến thế kỷ 15, con số 0 quyền lực như ngày nay lại gây nhiều tranh cải, bởi rằng người ta nghĩ giá trị của số 0 là chẳng có giá trị. Nhà toán học Hannah Fry đã lý giải nguồn gốc của con số 0 và ông nói rằng: “Con số đầy quyền lực này đã gây nhiều tranh cãi và cũng mang lại nhiều sự ngạc nhiên đầy bất ngờ hơn bất cứ con số nào mà tôi biết. Nó cho phép chúng ta dự đoán cả tương lai”.

Lật mở những trang Kinh Thánh, chúng ta bắt gặp những con số mang nhiều ý nghĩa thần học như: dân Do Thái lưu lạc 40 năm trong sa mạc trước khi vào đất hứa, Chúa Giêsu ăn chay 40 đêm ngày, rồi 12 chi tộc Itrael, nhóm 12 tông đồ...và rất nhiều con số khác. Tuy nhiên, tìm trong Kinh Thánh, chúng ta ít khi bắt gặp con số 0 và dường như nó không thể hiện hữu, vì nhiều lý do. Trong cuốn Hiểu Để Sống Đức Tin - tập 2 - cha Phan Tấn Thành, ngài giải nghĩa các con số trong Kinh Thánh, nhưng cũng không thấy một thông tin nào về con số 0 này.

Tuy nhiên, nếu đọc những chương đầu của sách Sáng Thế, chúng ta dễ dàng nhận thấy một kiểu nói mang ý nghĩa biểu tượng về con số 0. Câu đầu tiên của sách Sách Thế nói rằng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 1). Như vậy, Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng và chưa có hình dáng, có thể hiểu như là Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật từ hư vô (ex nihilo). Câu chuyện bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ trong sách Macabê quyển thứ 2, chúng ta thấy niềm xác tín vào Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn vật từ hư vô qua lời khuyên bảo của người mẹ đối với bảy người con trước khi chịu chết dưới bàn tay tàn nhẫn của vua Antiôkhô: “Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy”(2 Mcb 7, 28).

Thật vậy, ở đây chúng ta không có ý đặt mối tương quan giữa đức tin và lý trí trong ý niệm hư vô và con số 0 theo nghĩa triết học hay một số quan niệm của các tôn giáo như Ấn giáo, Phật giáo…mà chỉ muốn trưng dẫn theo lăng kính toán học áp dụng cho đời sống, và nhất là theo nhãn quan của Kinh Thánh, để nhấn mạnh rằng: Thiên Chúa dùng lời quyền năng trong tình yêu mà sáng tạo vũ trụ từ hư vô. Ngài sáng tạo, nghĩa là làm ra muôn loài muôn vật trong trời đất “từ không ra có” với tất cả tự do, quyền năng và tình yêu của Ngài.

Trở lại với những gian hàng 0 đồng thời Covid, đặt trong mối liên hệ với ý nghĩa sáng tạo, chúng ta thấy có ít nhất 2 chiều kích cần suy gẫm: tính nhân linh và tính thiên linh tiềm ẩn trong cái gọi là 0 đồng.

Dù khó khăn trong gặp gỡ và đối thoại giữa những ngày đại dịch này, nhiều hàng quán 0 đồng luôn âm thầm hoạt động, để trợ giúp anh chị em thiếu thốn. Ngoài vấn đề dân tộc “tương thân tương ái”, con người trong đại dịch đối xử với nhau đầy tính nhân văn. Mọi thứ trước kia đều phải mua bằng một giá trị tiền bạc nào đó, nhưng trong sự khốn cùng của đại dịch, người ta có thể nhận mà chẳng nghĩ đến giá trị của đồng tiền. Tiền trong đại dịch không thể làm thỏa lòng con người, người người san sẻ yêu thương đượm mãi ấm áp nghĩa tình. Dịch Covid đặt lại giá trị trần thế, xếp lại trật tự của đồng tiền và nâng tầm tính nhân linh trong xã hội hiện đại. Như thế có thể xác tín rằng, con số 0 đồng thời Covid cho chúng ta dự đoán một tương lai rất khác sau cơn đại dịch này.

Hàng trăm chuyến xe trao gởi yêu thương từ khắp đất nước hướng về Sài gòn trong những ngày đại dịch, mới thấy tình Chúa quan phòng. Sự sáng tạo đi liền với quan phòng trong yêu thương của Thiên Chúa giúp chúng ta lo lắng nhưng không sợ hãi, buồn phiền nhưng không mất niềm hy vọng. Hành trình hồi hương của anh chị em trong thời dịch Covid bằng những chiếc xe hai bánh vượt hàng ngàn cây số, cho chúng ta thấy vẫn còn đó bao điều kỳ diệu thuộc linh nơi những trạm tiếp sức dọc theo quốc lộ 1A. Sự toàn thiện của Thiên Chúa lan tỏa khắp chốn qua nghĩa cử yêu thương và chia sẻ của tình người trong cơn dịch bệnh. Thời Covid giúp chúng ta ý thức hơn những giá trị thiêng liêng, giá trị của thiên linh; thôi thúc chúng ta hành động cho những giá trị cao diệu hơn và đặt chúng ta trong suy tư về ý nghĩa của cuộc đời. Thời Covid đánh tan sự vội vàng hấp tấp của chúng ta cho những thói tham lam và hưởng thụ, để giúp chúng ta sống chậm lại trong mối tương quan liên ngã vị với anh chị em và với Thiên Chúa. Thời Covid giúp chúng ta hướng nhìn lên Chúa với những giá trị của thời gian, hầu nhận ra ơn hoán cải Chúa đang mời gọi. Thế đó, thời Covid mời gọi chúng ta “xuất phát lại” từ con số 0 của phận người, để Thiên Chúa làm một cuộc sáng tạo mới nơi chính cuộc đời chúng ta.

Ý niệm con số 0 thời Covid cũng chỉ là ý niệm yêu thương vô vị lợi, ý niệm của lòng nhân ái và ý niệm của tình người tình Chúa trong mọi khốn cùng của phận người. Tất cả ý niệm con số 0 thời Covid đong đầy mối giao liên qua những hành động tầm thường nhưng mang một giá trị phi thường.