Phần 2. Hợp tác với điều ác luân lý

Những người tranh đấu cho việc phá thai cho rằng họ đang tranh quyền cho phụ nữ, nhưng trên thực tế, việc thực hành rộng rãi các biện pháp ngừa thai và phá thai đã tạo ra gánh nặng to lớn cho người phụ nữ mang thai. Trước đây, một người phụ nữ thấy mình có mang trong hoàn cảnh khó khăn đã dựa vào gia đình, bạn bè, các tổ chức tôn giáo và dịch vụ xã hội để được hỗ trợ và giúp đỡ; có một cảm thức trách nhiệm chung. Và, rất thường xuyên, người cha của đứa trẻ nhận trách nhiệm của mình đối với tình huống này và sẽ đáp ứng tương xứng. Ngày nay, nền văn hóa ngừa thai đã thay đổi tất cả những điều đó: mang thai đã trở thành “vấn đề của cô ấy”. Đáng lẽ ra, cô ấy phải ngăn cản nó xảy ra, thì bây giờ một mình cô ấy phải tự giải quyết lấy vấn nạn của mình. Tệ hơn nữa, không hiếm những người lẽ ra phải giúp đỡ cô ấy (bố đứa trẻ, gia đình và bạn bè của cô ấy) lại động viên, thậm chí gây áp lực buộc cô phải phá thai. Tình trạng đáng buồn này đưa tôi đến quan điểm thứ hai: phá thai không bao giờ chỉ là hành động của người mẹ. Những người khác, ở mức độ lớn nhỏ khác nhau, phải chia sẻ trách nhiệm bất cứ khi nào sự ác này được thực hiện. Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội đã phát triển một giáo huấn đạo đức có sắc thái về điều chúng ta gọi là “hợp tác với điều ác luân lý”, và điều này có liên quan với câu hỏi khi nào sự tham gia như vậy ngăn cản người Công Giáo rước Thánh Thể, một điều vốn cũng có một ứng dụng đặc thù đối với những người Công Giáo trong đời sống công cộng.

Sự khác biệt chính là giữa sự hợp tác mô thức (formal) và sự hợp tác chất thể (material) với điều ác. Chìa khóa của sự hợp tác mô thức là tôi muốn điều ác đang được thực hiện bởi người khác, và sự hợp tác của tôi được đưa ra để giúp mang lại điều đó. Điều này rõ ràng áp dụng vào những người sẵn sàng giết hoặc hỗ trợ giết đứa trẻ, nhưng cũng áp dụng vào những người khác gây áp lực hoặc khuyến khích người mẹ phá thai, trả tiền cho việc này, cung cấp tài trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai hoặc hỗ trợ các ứng cử viên hoặc luật lệ làm cho việc phá thai dễ dàng hơn. Hợp tác mô thứ với điều ác không bao giờ được biện minh về mặt luân lý.
Trong nhiều thập niên qua, văn hóa phương Tây luôn phủ nhận thực tại khắc nghiệt của phá thai. Chủ đề này bị những người ủng hộ nó đưa vào những lời ngụy biện và việc thảo luận về nó bị cấm ở nhiều địa điểm. Tôi tin chắc rằng âm mưu thông tin sai lệch và im lặng này được nuôi dưỡng bởi nỗi sợ hãi về ý nghĩa của việc nhận ra thực tại mà chúng ta đang đối phó. Làm thế nào chúng ta có thể đối đầu với mức độ to lớn của sự vi phạm này? Cách duy nhất chúng ta có thể chịu làm thế là tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng mà tình yêu thương xót tạo cơ hội cho chúng ta hoán cải và ăn năn. Chúa Kitô ban ơn tha thứ của Người một cách dồi dào, và ơn thánh của Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần sự hoán cải theo nhiều cách khác nhau. Sự ăn năn này là bước đầu tiên trong việc chữa lành cho tất cả những người có liên quan, chắc chắn cho người mẹ, nhưng cũng cho tất cả những người khác có tội. Chỉ khi chúng ta, trong tư cách cá nhân và trong tư cách xã hội, nhìn thấy điều ác ngay trong bản chất của nó, và thừa nhận phần có tội của mình và tìm kiếm sự hoán cải, chúng ta mới có thể bắt đầu việc chữa lành. Tôi khuyên nhủ, tôi nài nỉ các người đồng đạo Công Giáo của tôi, đang mắc tội trọng này, hãy hướng về Thiên Chúa trong bí tích Hòa giải, tiếp nhận ơn tha thứ của Người và làm việc đền tội. Sứ điệp hoán cải này là trọng tâm của Tin Mừng và sứ mệnh của Giáo hội.

Hợp tác chất thể có nghĩa là tôi không đồng ý hoặc nhằm đối tượng của hành vi, nhưng tôi đóng góp vào hành vi một cách nào đó. Hợp tác chất thể còn được phân biệt thêm là trực tiếp (immediate, hợp tác vào chính hành vi) hoặc gián tiếp (mediate, hợp tác liên quan đến việc có mặt trong hoàn cảnh của hành vi). Thí dụ, trong trường hợp phá thai, nếu một người không muốn người phụ nữ phá thai nhưng vẫn hỗ trợ trong thủ tục, thì đây là sự hợp tác chất thể trực tiếp. Nếu người này không tự mình tham gia vào hành vi, nhưng giúp chuẩn bị hoặc theo dõi, thì sự hợp tác này là gián tiếp. Sự hợp tác vật chất trực tiếp trong một điều ác nghiêm trọng không bao giờ được biện minh về mặt luân lý: người đó phạm tội đã tham gia vào hành động xấu xa, ngay cả khi người đó tin rằng hành động đó sai.

Hợp tác gián tiếp có thể thuộc nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào việc nó gần với chính hành vi hơn (cận kề) hay xa cách nhiều hơn (xa xôi). Thí dụ, hỗ trợ chuẩn bị cho bệnh nhân sẽ là sự hợp tác gián tiếp cận kề, trong khi xử lý các mẫu đơn tiếp nhận bệnh nhân vào bệnh viện, trong số nhiều việc khác, thực hiện phá thai sẽ là hợp tác gián tiếp xa xôi. Sự hợp tác như vậy có được phép không, và nếu có thì khi nào?

Tất cả chúng ta đều có bổn phận luân lý là tránh hợp tác với điều ác càng nhiều càng tốt, nhưng thần học luân lý Công Giáo thừa nhận rằng có thể có những hoàn cảnh trong đó được phép hợp tác một cách chất thể gián tiếp với một hành vi xấu xa. Như là tính phức tạp của cuộc sống và sự liên kết qua lại với nhau của xã hội nhân bản khiến chúng ta không thể tránh khỏi một số mối liên hệ với điều ác. Phải thực hiện các phán đoán thận trọng, và các hoàn cảnh có thể gợi ý rằng tôi được hợp tác theo cách chất thể gián tiếp để đạt được một điều tốt nào đó hoặc để ngăn chặn việc mất một điều tốt nào đó. Sự hợp tác như thế phải liên quan đến những hành động tự chúng là tốt hoặc trung lập về mặt luân lý, và chúng phải có sự tương xứng giữa tính nghiêm trọng của điều ác và mức độ tham gia của tôi vào đó. Ở đây một lần nữa, chúng ta thấy cơ sở đôi của việc biện phân luân lý: chính hành động và ý định của người thực hiện nó. Về cơ sở thứ nhất, mức độ nghiêm trọng của hành vi sai trái càng lớn, thì lý do hợp tác chất thể càng phải nghiêm túc để có thể đưa ra. Đối với cơ sở thứ hai, mức độ nghiêm trọng của hành vi sai trái càng lớn, thì sự hợp tác càng phải xa xôi nếu muốn được cho phép về mặt luân lý.

Việc xác định khi nào được phép hợp tác chất thể gián tiếp vào điều ác đòi hỏi sự suy tư cẩn thận và đánh giá trung thực các hoàn cảnh. Sự hợp tác như vậy có thể được cho phép, chẳng hạn, trong thí dụ ở trên liên quan đến nhân viên tiếp tân trong một cơ sở chăm sóc sức khỏe thực hiện phá thai trong số nhiều thủ thuật y tế khác (mặc dù cá nhân này cũng nên chủ động tìm việc làm ở nơi khác nếu có thể). Một thí dụ khác và thậm chí rõ ràng hơn là của một nhà lập pháp bỏ phiếu thông qua một đạo luật về sự đồng ý của cha mẹ: mặc dù luật này giả định trước tính hợp pháp của việc phá thai, nhưng luật này hạn chế phần nào quyền truy cập điều ác này và nhà lập pháp có thể phán đoán rằng điều tốt này cung cấp một sự biện minh cho việc hợp tác chất thể gián tiếp. Thánh Gioan Phaolô II đã đề cập đến chính vấn đề này trong thông điệp Evangelium vitae (số 73) của ngài, một văn kiện mà tôi muốn thúc giục mọi người đọc.

Tóm lại: về mặt luân lý, không bao giờ được phép hợp tác một cách mô thức với một hành vi xấu xa. Về mặt luân lý, không bao giờ được phép hợp tác một cách chất thể trực tiếp với chính hành vi đó. Có thể có những hoàn cảnh trong đó, được phép hợp tác một cách chất thể gián tiếp với một hành vi xấu xa và điều này được xác định bởi mức độ nghiêm trọng của điều ác và sự cận kề hay xa xôi với nó. Tuy nhiên, vì thực tại phá thai vi phạm nguyên tắc luân lý căn bản nhất, tức chính quyền sống, nên giáo huấn đức tin của chúng ta rất rõ ràng: những ai giết hoặc hỗ trợ giết đứa trẻ (ngay cả khi bản thân mình phản đối việc phá thai), những ai gây áp lực hoặc khuyến khích người mẹ phá thai, những ai trả tiền cho nó, những ai cung cấp tài trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai, hoặc những ai hỗ trợ các ứng cử viên hoặc luật lệ nhằm mục đích làm cho việc phá thai trở thành một “sự lựa chọn” sẵn có hơn, tất cả đều đang hợp tác với một điều ác rất nghiêm trọng. Việc hợp tác mô thức và việc hợp tác chất thể trực tiếp với điều ác không bao giờ được biện minh về mặt luân lý.

Phần 3. Vấn đề lãnh nhận Thánh Thể

Giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội về việc xứng đáng được Rước Lễ đã nhất quán trong suốt lịch sử của Giáo hội, từ thuở ban đầu. Lời tường thuật sớm nhất về Bữa Tiệc Ly được tìm thấy trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, được viết trong vòng ba mươi năm diễn ra biến cố này. Ngay sau khi mô tả việc Chúa chúng ta thiết lập Bí tích Thánh Thể, Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên nhủ này:

Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không biện phân được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình [1 Cr 11: 27–29].

Ăn và uống “mà không biện phân được thân thể” có nghĩa là không biện phân được thực tại của Thân thể Chúa Kitô. Điều này vừa chỉ Nhiệm thể bí tích của Chúa Kitô, tức Bí tích Thánh Thể, vừa chỉ Thân thể mầu nhiệm của Người là Giáo hội. Chúa Giêsu Kitô không thể bị tách biệt khỏi Thân thể Người; lãnh nhận Mình và Máu Thánh Thể của Người trong khi bác bỏ các tín lý thiết yếu về Nhiệm Thể của Người là ăn và uống án phạt chính mình. Thánh Phaolô thúc giục các thành viên trong các cộng đoàn của ngài tạm thời loại trừ những người phạm tội nghiêm trọng ra khỏi giữa họ (thí dụ, 1Cr 5: 1–5), Thư thứ nhất của Thánh Gioan đã viện dẫn thực hành này (1Ga 1:10), và chính Chúa Giêsu cũng nói về điều này trong trường hợp những người không chịu lắng nghe Giáo hội (Mt 18:17). Mục đích của việc loại trừ như vậy là để chữa lành: nó nhằm giúp người phạm tội nhận ra rằng họ đã đi lạc khỏi đoàn chiên của Chúa Kitô bởi tác phong xấu xa tiếp diễn của họ.

Mô tả sớm nhất về phụng vụ Thánh Thể Công Giáo của chúng ta ở Rôma được tìm thấy giữa thế kỷ thứ hai. Thánh Justinô Tử đạo mô tả thứ tự việc thờ phượng Chúa Nhật, và cũng giải thích các tiêu chuẩn để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể: “Không ai được tham dự Bí tích Thánh Thể với chúng ta, trừ khi người ấy tin những gì chúng ta dạy là đúng; trừ khi người ấy được rửa sạch trong nước tái sinh của phép rửa để được tha tội, và trừ khi người ấy sống phù hợp với các nguyên tắc mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta” (4). Để áp dụng những yêu cầu cổ xưa này vào chủ đề hiện nay, những ai bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội về sự thánh thiêng của sự sống con người và những ai không tìm cách sống phù hợp với giáo huấn đó sẽ không được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Về căn bản, đây là một vấn đề về tính liêm chính: lãnh nhận Bí tích Cực Thánh trong phụng vụ Công Giáo là tán thành công khai đức tin và các giáo huấn luân lý của Giáo Hội Công Giáo, và mong muốn sống phù hợp theo. Tất cả chúng ta đều thiếu sót theo nhiều cách khác nhau, nhưng có một sự khác biệt lớn giữa việc đấu tranh để sống theo những lời dạy của Giáo hội và việc bác bỏ những lời dạy này.

Điều quan trọng là phải nói rõ rằng “sự xứng đáng” trong vấn đề này không liên quan đến trạng thái bên trong của linh hồn người ta: chỉ có Thiên Chúa mới có thể đánh giá điều này. Không ai trong chúng ta thực sự xứng đáng để lãnh nhận chính Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng Thiên Chúa, trong lòng thương xót và hạ cố cao cả của Người mời gọi chúng ta đón nhận và làm cho chúng ta xứng đáng để làm điều đó. Chính Bí tích Thánh Thể là một liều thuốc và là một máng chuyển ơn Thiên Chúa tha thứ cho những tội lỗi nhẹ hơn của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết mình có tội trọng, chúng ta phải chạy đến bí tích Hòa giải trước khi lãnh nhận Ơn Phúc này. Sự tin cậy nơi Thiên Chúa không được nhường chỗ cho sự cao ngạo. Chúng ta là một Giáo hội của các người tội lỗi, và chúng ta cần tận dụng nhiều ơn thánh mà Chúa Kitô ban cho chúng ta trong các bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Chính Chúa Kitô đã ban cho chúng ta hai bí tích này và chúng ta nên thường xuyên lãnh nhận ơn tha thứ của Người trong phép xưng tội.

Khi xét lương tâm của người ta về việc được chuẩn bị đúng cách để rước Thánh Thể, các định nghĩa liên quan đến loại và mức độ hợp tác với một hành vi xấu xa đóng vai trò nguyên tắc hướng dẫn cần thiết. Phần lớn, đây là một vấn đề riêng tư. Tuy nhiên, có những hoàn cảnh trong đó không phải như vậy, những dịp khi những người trong đời sống công cộng vi phạm ranh giới của sự hợp tác được biện minh. Trong trường hợp các nhân vật công cộng tuyên bố mình là Công Giáo nhưng lại cổ súy việc phá thai, chúng ta không phải đối diện với một tội vi phạm vì sự yếu đuối của con người hoặc do sa sút luân lý: mà đây là một vấn đề trì chí, ương ngạnh và công khai bác bỏ giáo huấn Công Giáo. Việc này càng làm tăng thêm trách nhiệm lớn hơn đối với vai trò của các mục tử của Giáo hội trong việc chăm sóc phần rỗi của các linh hồn.

Phần 4. Người Công Giáo trong Đời sống Công cộng

Là những người theo Chúa Kitô, tất cả chúng ta phải lưu ý đến lời nài nỉ của Thánh Phaolô: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12: 2). Điều này không dễ dàng đối với bất cứ ai, nhưng đặc biệt thách thức đối với người Công Giáo trong đời sống công cộng, những người mà sự nghiệp của họ phụ thuộc phần lớn vào sự được lòng dân. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người Công Giáo trong đời sống công cộng, những người đã lao công để bảo vệ nhân phẩm của mỗi người và mọi người, đặc biệt của các thai nhi không được bảo vệ. Nỗ lực này đòi hỏi sự can đảm lớn lao trong nền văn hóa của chúng ta, và qúy vị là nguồn cảm hứng và niềm tự hào cho các đồng đạo Công Giáo của mình.

Đối với những người Công Giáo trong đời sống công cộng tham gia vào việc phá thai hoặc tìm cách thúc đẩy nó qua luật lệ hoặc vận động, chính vì đây là những hành động mà nhiều người nhận thức được việc nó dẫn đến một sự xem xét khác: tai tiếng. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo định nghĩa tai tiếng là “một thái độ hoặc tác phong dẫn người khác làm điều ác” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo số 2284). Những nhân vật nổi bật trong xã hội giúp lên khuôn các phong hóa của xã hội đó, và trong nền văn hóa của chúng ta, việc họ thúc đẩy phá thai dứt khoát dẫn người khác làm điều ác. Điều này phải được tuyên bố một cách rõ ràng: bất cứ ai tích cực hoạt động để thúc đẩy việc phá thai đều chia sẻ một phần cảm thức tội lỗi đối với các vụ phá thai thực hiện vì hành động của họ.

Nhưng có một nguồn gây tai tiếng khác liên quan chuyên biệt tới người Công Giáo trong đời sống công cộng: nếu việc tham gia vào điều ác phá thai của họ không được các mục tử của họ đề cập một cách thẳng thắn, thì điều này có thể dẫn các người Công Giáo (và những người khác) đến chỗ cho rằng giáo huấn luân lý của Giáo Hội Công Giáo về tính thánh thiêng bất khả xâm phạm của sự sống con người không cần được coi trọng. Giáo huấn thường hằng của Giáo Hội Công Giáo từ thuở sơ khai, các lời khuyến dụ lặp đi lặp lại của mọi Giáo hoàng trong thời gian gần đây cho đến và bao gồm Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các tuyên bố thường xuyên của các giám mục Hoa Kỳ, tất cả đều làm rõ giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, liên quan đến việc phá thai. Khi các nhân vật công cộng tự nhận mình là người Công Giáo nhưng lại tích cực chống đối một trong những tín lý căn bản nhất của Giáo hội - phẩm giá cố hữu của mỗi và mọi con người và do đó lệnh cấm tuyệt đối việc lấy đi mạng sống người vô tội - thì các mục tử chúng tôi có trách nhiệm đối với chính họ và đối với những người còn lại trong dân Chúa của chúng tôi. Trách nhiệm của chúng tôi đối với họ là kêu gọi họ hoán cải và cảnh báo họ rằng nếu họ không sửa đổi cuộc sống của mình, họ phải trả lời trước tòa án của Thiên Chúa vì máu vô tội đã đổ ra. Trách nhiệm của chúng tôi đối với phần còn lại của cộng đồng Công Giáo là bảo đảm với họ rằng Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô thực sự coi trọng sứ mệnh của mình là chăm sóc “những người nhỏ bé nhất trong số này,” như Chúa đã truyền cho chúng ta, và sửa chữa những người Công Giáo cổ súy cho việc phá thai một cách sai lầm, và đôi khi ngoan cố.

Việc sửa chữa này có nhiều hình thức, và đúng khi bắt đầu bằng những cuộc trò chuyện riêng giữa người Công Giáo sai lầm và cha xứ hoặc giám mục của họ. Kinh nghiệm của một số người trong chúng ta trong vai trò lãnh đạo Giáo hội trong nhiều năm cho thấy sự thật đáng buồn này là những can thiệp như vậy thường không có kết quả. Có thể xảy ra việc các cuộc trò chuyện có xu hướng không đi đến đâu, do đó khiến cá nhân dễ dàng tiếp tục tham gia trọn vẹn vào đời sống của Giáo hội. Tình trạng như vậy là nguyên nhân gây ra tai tiếng cho nhiều tín hữu.

Bởi vì chúng ta đang đối phó với những nhân vật công cộng và những điển hình công khai về sự hợp tác với điều ác luân lý, nên việc sửa sai này cũng có thể mang hình thức công khai của việc không cho rước lễ. Như đã thấy ở trên, kỷ luật này vốn được thực hiện trong suốt lịch sử của chúng ta, từ thời Tân Ước. Khi các nẻo đường khác đã được dùng hết, mục tử chỉ còn lại phương tiện duy nhất là liều thuốc công cộng tạm thời loại trừ khỏi Bàn tiệc của Chúa. Đây là một liều thuốc đắng, nhưng tính trầm trọng của điều ác phá thai đôi khi cần điều đó. Nói cho riêng mình, tôi luôn giữ trước mặt tôi lời lẽ của tiên tri Êdêkien: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” ”(Edk 33: 8). Tôi run sợ vì nếu tôi không thẳng thắn thách thức những người Công Giáo dưới sự chăm sóc mục vụ của tôi, những người thúc đẩy phá thai, thì cả tôi và họ sẽ phải trả lời với Chúa về máu vô tội.

Đối với những người Công Giáo công khai ủng hộ tính hợp pháp của việc phá thai, tôi nài nỉ qúy vị hãy lưu ý đến lời kêu gọi hoán cải muôn thuở mà chính Thiên Chúa ngỏ với dân Người qua các thời đại: “Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh (em) : tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống, nghĩa là hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Chúa đã thề với cha ông anh (em), là ông Ápraham, ông Ixaác và ông Giacóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài” (Đnl 30: 19–20). Các lý tưởng Công Giáo của qúy vị đã truyền cảm hứng cho qúy vị trong công việc giúp đỡ những người bị kỳ thị, bạo lực và bất công, và qúy vị xứng đáng được sự biết ơn của các đồng đạo Công Giáo và đất nước chúng ta vì việc phục vụ này. Nhưng chúng ta không thể dành quyền cho kẻ yếu bằng cách đè bẹp kẻ yếu nhất! Một xã hội biết cảm thương, hòa nhập phải dành chỗ ở bàn ăn cho những người thiếu khả năng tự vệ nhất, và nó phải giúp một người đàn bà giữ lại đứa con chưa chào đời của họ, chứ không giết chết nó. Nếu qúy vị thấy rằng qúy vị không muốn hoặc không thể từ bỏ việc thúc đẩy phá thai, thì qúy vị không nên tiến lên để rước lễ. Công khai khẳng định đức tin Công Giáo trong khi cùng một lúc công khai bác bỏ một trong những tín lý căn bản nhất của nó đơn giản chỉ là bất trung thực. Lưu tâm đến lời kêu gọi hoán cải muôn thuở này là cách duy nhất để sống đức tin Công Giáo một cách chính trực.

Kết luận

Một số người có thể đặt câu hỏi tại sao chủ đề phá thai nên được đề cập vào thời điểm này, trong khi đất nước chúng ta đang phải đối đầu, ngay lúc này,với đủ thứ khủng hoảng khác: sự tàn phá kéo dài của một đại dịch chưa từng có, vết sẹo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc một lần nữa hiện lên cái đầu xấu xí của nó, hậu quả của một cuộc bầu cử gây tranh cãi, bạo lực leo thang và lan rộng, sự chia rẽ và phân cực ngày càng tăng ở đất nước chúng ta, v.v. Dù sao, phá thai vốn là một chủ đề gây tranh cãi trong nhiều thập niên qua. Nhưng vì lý do chính đáng, các giám mục Hoa Kỳ đã gọi nó là vấn đề trổi vượt của thời đại chúng ta, vì phá thai là một hành động chuyên biệt duy trì một điều ác luân lý nghiêm trọng. Nó không phải là một thái độ có thể tự biểu lộ theo những cách nghiêm túc ít nhiều khác nhau, cũng không phải là vấn đề của phán xét thận trọng trong đó người ta quyết định nẻo đường tốt nhất để đạt được điều tốt. Thật vậy, khi nhìn thẳng vào những gì thực sự xảy ra trong một vụ phá thai, khó có thể tưởng tượng được điều gì xấu xa khủng khiếp hơn thế. Một trong những điều như vậy là diệt chủng. Nhưng với gần một trong số năm trường hợp mang thai ở Hoa Kỳ kết thúc bằng phá thai, điều chúng ta đang mục kích, thực sự là một tội ác diệt chủng đối với các thai nhi.

Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc gỡ quốc gia của chúng ta ra khỏi tai họa này, và xây dựng một xã hội tôn trọng mọi sự sống. Một số thành viên trong xã hội có vai trò đặc biệt quan yếu. Tôi muốn ngỏ lời với qúy vị vào lúc này.

Gửi những người Công Giáo trong đời sống công cộng đang vận động cho sự sống: cảm ơn qúy vị đã can đảm làm chứng! Lập trường mạnh dạn và kiên định của qúy vị khi đối mặt với điều thường là phản đối gay gắt đem can đảm cho những người khác biết điều gì là đúng nhưng có thể cảm thấy quá nhút nhát không dám tuyên bố điều đó bằng lời nói và hành động. Điều tôi đã nói ở trên nên được nhắc lại ở đây: qúy vị là nguồn cảm hứng và niềm tự hào cho tất cả chúng ta trong cộng đồng Công Giáo!

Gửi những người cung cấp phá thai hoặc can dự bất cứ cách nào vào kỹ nghệ phá thai: Qúy vị hãy nhìn thẳng vào điều ác mà qúy vị đang vi phạm: Qúy vị hãy thừa nhận đúng bản chất của nó, chấp nhận nó và quay lưng lại với nó. Nhiều đồng nghiệp cũ của qúy vị đã làm điều này, họ đang tìm được sự bình an và đang sửa chữa cuộc sống của họ bằng cách tiết lộ các sự khủng khiếp của kỹ nghệ phá thai từ trong ra ngoài.

Gửi những người Công Giáo trong đời sống công cộng đang thực hiện hành việc phá thai hoặc thúc đẩy việc này: việc giết người phải dừng lại. Làm ơn, làm ơn, làm ơn: việc giết chóc phải dừng lại. Thiên Chúa đã giao phó cho qúy vị một địa vị có thanh thế trong xã hội. Qúy vị có quyền ảnh hưởng đến thực hành và thái độ của xã hội. Qúy vị hãy luôn nhớ rằng một ngày nào đó, qúy vị sẽ phải giải trình với Thiên Chúa về việc quản lý của qúy vị đối với sự tin tưởng này. Qúy vị đang ở trong một vị trí có thể làm điều gì đó cụ thể và có tính quyết định để ngăn chặn việc giết người này. Xin qúy vị hãy dừng việc giết người này lại. Và xin hãy ngưng đừng giả dụ cho rằng việc ủng hộ hoặc thực hành một điều ác luân lý nghiêm trọng - một tội ác cướp đi mạng sống con người vô tội, một tội ác phủ nhận quyền căn bản của con người - cách nào đó phù hợp với đức tin Công Giáo. Không phải vậy đâu. Xin qúy vị hãy trở về với tính trọn vẹn của đức tin Công Giáo của mình. Chúng tôi đang chờ qúy vị với vòng tay rộng mở để chào đón qúy vị trở về.

Gửi các phụ nữ đã phá thai và những phụ nữ khác bị ảnh hưởng bởi nó: Thiên Chúa yêu các chị. Chúng tôi yêu các chị. Chúa muốn các chị được chữa lành, và chúng tôi cũng vậy, chúng tôi có đủ nguồn lực để giúp các chị. Xin các chị hãy hướng về chúng tôi, vì chúng tôi yêu các chị, muốn giúp các chị và muốn các chị được chữa lành. Hơn bất cứ ai khác, do những gì các chị đã chịu đựng, các chị có thể trở thành một tiếng nói mạnh mẽ cho sự thánh thiêng của sự sống. Nhiều người đã thực hiện bước ngoặt này trong cuộc đời của họ. Các chị có thể dùng giai đoạn đau đớn và xấu xí này trong cuộc sống của mình và biến nó thành điều gì đó đẹp đẽ cho Thiên Chúa, với sự giúp đỡ của Người. Hãy để chúng tôi giúp các chị làm điều đó, để các chị có thể trải nghiệm sức mạnh chữa lành của tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và là Đấng Cứu Rỗi chúng ta.

Gửi tất cả những người có thiện chí: chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một nền văn hóa sự sống, bắt đầu ngay từ đầu. Chúng ta hãy làm việc cho một xã hội, trong đó mỗi em bé đều được đón nhận như một hồng ân quý giá từ Thiên Chúa và được chào đón vào cộng đồng nhân loại. Với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và sự cộng tác một cách tôn trọng lẫn nhau, chúng ta có thể xây dựng một xã hội biết tôn trọng và khẳng định sự tốt lành của sự sống mỗi con người, chứ không vứt bỏ nó.

Ghi chú

(1)Marjorie A. England, Life Before Birth, 2nd ed. (Vương quốc Anh: Mosby – Wolfe, 1996), 31. Để biết danh sách đầy đủ các tài liệu tham khảo để tìm phôi học hiện đại chứng minh rằng sự sống của con người bắt đầu từ khi thụ tinh, hãy xem https://www.princeton.edu/~prolife/articles/embryoquotes2. html.

(2) Lời khai của Anthony Levatino, MD, JD trước Ủy ban Tư pháp, Hạ viện Hoa Kỳ, “ Vạch trần Planned Parenthood: Khảo sát Các Thủ tục Phá thai và Đạo đức học Y khoa tại Nhà cung cấp Phá thai Lớn nhất Quốc gia” ngày 8 tháng 10 năm 2015 (https://docs.house.gov/meetings/JU/JU00/20151008/104048/HHRG-114-JU00-Wstate-LevatinoA-20151008. pdf).

(3) Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, “Thư Dẫn nhập về việc Đào tạo Lương tâm cho Tư cách Công dân Trung tín” ngày 12 tháng 11 năm 2019 (https://www.usccb.org/about/leadership/usccb-general-assembly/upload/usccb-forming-consciences-faithful-citizenship-introductory-letter-20191112.pdf).

(4) Apologia, Cap. 66: 6, 427–431.