PHẦN II:"Mắt họ mở ra"



58. "Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới làng họ muốn đến, Chúa Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: 'Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.' Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất."(Lc 24: 27-31).

Sau khi lắng nghe họ, Chúa ngỏ với hai lữ khách một lời “sắc bén" và quyết đoán, lời có thẩm quyền và biến đổi họ. Vì vậy, một cách dịu dàng và mạnh mẽ, Chúa vào nhà của họ, ở lại với họ và chia sẻ bánh sự sống: chính dấu chỉ Thánh Thể đã giúp hai môn đệ cuối cùng mở mắt ra.

Một lễ Ngũ tuần mới

Hành động của Chúa Thánh Thần

59. Chúa Thánh Thần soi sáng trái tim, mở mắt và kích thích đức tin của hai người hành hương. Người đã làm việc từ khi bắt đầu sáng tạo thế giới để dự án của Chúa Cha thâu tóm mọi sự trong Chúa Kitô sẽ đạt được sự thành toàn của nó. Người hành động, mọi lúc và mọi nơi, trong sự đa dạng của các bối cảnh và nền văn hóa, bằng cách, ngay giữa các khó khăn và đau khổ, kích thích sự dấn thân cho công lý, tìm kiếm sự thật, can đảm hy vọng. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô quả quyết rằng "toàn bộ sáng thế cho đến nay đang rên rỉ trong những đau khổ khi sinh nở" (Rm 8, 22). Khát khao sống trong yêu thương và sự lo lắng lành mạnh này trong trái tim người trẻ là một phần của khát vọng mãnh liệt của toàn bộ sáng thế đối với niềm vui viên mãn. Trong mỗi người họ, ngay cả nơi những người không biết Chúa Kitô, Thần Trí Sáng Tạo vẫn hoạt động để dẫn họ đến vẻ đẹp, sự tốt lành và sự thật.

Chúa Thánh Thần làm trẻ trung Giáo hội

60. Tuổi trẻ là thời kỳ độc đáo và đầy kích thích của sự sống, mà chính Chúa Giêsu đã sống, bằng cách thánh hóa nó. Thông Điệp Gửi Người Trẻ của Công đồng Vatican II (ngày 7 tháng 12 năm 1965) đã trình bày Giáo hội như "tuổi trẻ đích thực của thế giới", một tuổi trẻ có "khả năng vui mừng vì những gì đang bắt đầu, tự hiến không cần đáp trả, tự đổi mới và tự lên đường lại để thực hiện các cuộc chinh phục mới". Với sự tươi mới và đức tin của họ, người trẻ góp phần biểu lộ khuôn mặt đó của Giáo hội, khuôn mặt nơi phản ảnh "Đấng Sống vĩ đại, Chúa Kitô đời đời trẻ trung". Do đó, vấn đề không phải là tạo ra một Giáo hội mới cho giới trẻ, mà đúng hơn, là cùng họ tái khám phá ra tuổi trẻ của Giáo hội, bằng cách mở lòng chúng ta đón nhận ơn thánh của một lễ Ngũ tuần mới.

Chúa Thánh Thần trong đời sống tín hữu

61. Ơn gọi của Kitô hữu là theo Chúa Kitô bằng cách bước qua nước Phép Rửa, nhận lãnh dấu ấn Thêm Sức và trở thành thân thể Người trong Bí tích Thánh Thể: "Chúa Thánh Thần đến, chính là lửa sau nước và bạn trở nên bánh, nghĩa là thân thể Chúa Kitô "(Thánh Augustinô, Bài giảng 227). Trong diễn trình khai tâm Kitô giáo, trên hết, chính Phép Thêm Sức giúp các tín hữu thực hiện cảm nghiệm Ngũ tuần và sự tuôn tràn mới của Chúa Thánh Thần để lớn mạnh và thi hành sứ mệnh. Điều quan trọng là phải khám phá lại sự phong phú của bí tích này, để nắm được mối liên hệ của nó với ơn gọi bản thân của mỗi người đã chịu phép rửa và với nền thần học các đặc sủng, để theo dõi tốt nền mục vụ của nó, để nó không trở thành một khoảnh khắc chỉ có hình thức, ít có ý nghĩa. Chúa Thánh Thần là người sáng tạo mọi con đường ơn gọi: Người là "bậc thầy nội tâm", cần phải để Người dẫn dắt chúng ta.

Một trải nghiệm đích thực về Thiên Chúa

62. Điều kiện đầu tiên để biện phân ơn gọi trong Chúa Thánh Thần là một kinh nghiệm đức tin đích thực vào Chúa Kitô đã chết và phục sinh, bằng cách nhớ rằng "đó không phải là một ánh sáng sua tan mọi bóng tối của chúng ta, mà là ngọn đèn dẫn bước chân ta trong đêm tối, và thế là đủ để đi đường "(Đức Phanxicô, Lumen Fidei, số 57). Trong các cộng đồng Kitô giáo, đôi khi chúng ta có nguy cơ đề xuất, vượt ra ngoài ý định, một chủ nghĩa duy thần đạo đức và có tính trị liệu, đáp ứng nhu cầu an toàn và thoải mái cho con người, thay vì một cuộc gặp gỡ sống động với Thiên Chúa dưới ánh sáng Tin Mừng và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nếu đúng là đời sống chỉ có thể được đánh thức bởi đời sống, thì điều trở nên rõ ràng là người trẻ cần gặp các cộng đồng Kitô hữu bắt rễ sâu trong tình bạn với Chúa Kitô, Đấng hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Cha trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần.

Chương I: Hồng phúc tuổi trẻ

Chúa Giêsu trẻ giữa những người trẻ

Tuổi trẻ của Chúa Giêsu

63. "Trẻ giữa những người trẻ trở thành tấm gương cho những người trẻ tuổi và thánh hiến họ cho Chúa" (Thánh Irênê, Chống lại Các Lạc Giáo, II, 22, 4), Chúa Kitô thánh hóa tuổi trẻ bằng chính sự kiện Người đã sống nó. Câu truyện Sách Thánh trình bày một tình tiết về tuổi trẻ của Chúa Giêsu (x. Lc 2: 41-52), sống không ồn ào, trong cảnh đơn giản và việc làm ở Nadarét, đến nỗi Người được nhận diện là "bác thợ mộc" (Mc 6: 3) và "con trai của bác thợ mộc" (Mt 13:55).



Khi suy ngẫm về cuộc đời của Người, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về tuổi trẻ là một hồng phước như thế nào: Chúa Giêsu có một niềm tin tưởng vô điều kiện vào Chúa Cha, Người quan tâm săn sóc tình bạn với các môn đệ và ngay cả trong những lúc gặp khủng hoảng, Người vẫn luôn trung thành. Người đã biểu lộ lòng trắc ẩn sâu sắc đối với những người yếu đuối nhất, đặc biệt là người nghèo, người bệnh, người tội lỗi và những người bị loại trừ. Người đã can đảm đương đầu với các thẩm quyền tôn giáo và chính trị thời bấy giờ; Người đã trải qua kinh nghiệm bị hiểu lầm và bác bỏ; Người cảm thấy sợ đau khổ và biết sự mong manh của Cuộc Khổ Nạn; Người hướng mắt về tương lai, bằng cách phó mình trong bàn tay chắc chắn của Chúa Cha và bằng cách tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Giêsu, mọi người trẻ có thể tìm thấy chính họ, với các nỗi sợ hãi và niềm hy vọng, các không chắc chắn và giấc mơ của họ và họ có thể phó thác cho Người. Việc chiêm niệm các cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các người trẻ sẽ là nguồn linh hứng cho họ.

Với ánh mắt của Chúa

64. Lắng nghe Chúa Kitô và hiệp thông với Người cũng cho phép các mục tử và nhà giáo dục có được một bài đọc khôn ngoan về thời kỳ này của đời sống. Thượng hội đồng cố gắng nhìn người trẻ tuổi bằng thái độ của Chúa Giêsu, để biện phân trong đời sống họ những dấu chỉ hành động của Chúa Thánh Thần. Thực thế, chúng ta tin rằng ngay cả ngày nay, Thiên Chúa vẫn nói chuyện với Giáo hội và thế giới qua giới trẻ, tính sáng tạo và sự dấn thân của họ, cũng như qua các đau khổ và yêu cầu giúp đỡ của họ. Với họ, chúng ta có thể đọc thời đại của chúng ta một cách tiên tri hơn và nhận ra các dấu chỉ của thời đại; đó là lý do tại sao người trẻ là một trong những "môi trường thần học" nơi Chúa làm chúng ta biết một số kỳ vọng và thách thức của nó để xây dựng ngày mai.

Các đặc điểm của tuổi vị thành niên

65. Tuổi trẻ, giai đoạn phát triển nhân cách, được đánh dấu bằng những giấc mơ đang dần dần hình thành, bằng những mối quan hệ ngày càng trở nên nhất quán và cân bằng hơn, bằng những dò dẫm và thử nghiệm, bằng những lựa chọn đang dần dần xây dựng một dự án sống. Vào thời kỳ sống này, người trẻ được kêu gọi tự phóng chiếu lên phía trước, không cắt đứt gốc rễ, xây dựng quyền tự lập của họ, nhưng không phải trong sự cô độc. Bối cảnh xã hội, kinh tế và văn hóa không phải lúc nào cũng cung cấp các điều kiện thuận lợi. Nhiều vị thánh trẻ đã làm cho các đặc điểm của tuổi thiếu niên rạng sáng trong tất cả vẻ đẹp của họ và, trong thời đại của họ, đã là những tiên tri thực sự của sự thay đổi; những tấm gương của họ cho chúng ta thấy người trẻ có khả năng gì khi họ tự mở lòng ra để gặp gỡ Chúa Kitô.

Cả các người trẻ khuyết tật hoặc mắc bệnh cũng có thể cống hiến một sự đóng góp qúy giá. Thượng hội đồng mời gọi các cộng đồng dành chỗ cho các sáng kiến nhằm nhìn nhận họ và cho phép họ trở thành những người chủ động, ví dụ, thông qua việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính, thông qua các lộ trình giáo lý được hoàn thiện tốt, thông qua các thí nghiệm lập hội hoặc hội nhập nghề nghiệp.

Mối lo lắng lành mạnh của người trẻ

66. Người trẻ có một mối lo lắng, trên hết, muốn được lắng nghe, được tôn trọng và đồng hành; họ đánh cuộc với niềm xác tín vào tự do và trách nhiệm của họ. Nhờ kinh nghiệm, Giáo hội biết rằng sự đóng góp của họ có tính nền tảng cho sự đổi mới của mình. Trong một số phương diện, các người trẻ này có thể đi trước các mục tử của họ. Vào buổi sáng Phục sinh, người Môn đệ yêu dấu đã đến ngôi mộ đầu tiên, trong cuộc đua của mình, đến trước Phêrô nặng trĩu bởi tuổi tác và sự phản bội (xin xem Ga 20: 1-10); cũng vậy, trong cộng đồng Kitô giáo, tính năng động của tuổi trẻ là năng lực đổi mới cho Giáo hội, vì nó giúp Giáo Hội cởi bỏ các nặng nhọc và chậm chạp và mở lòng ra đón nhận Đấng Phục sinh. Đồng thời, thái độ của người Môn đệ yêu dấu cho thấy điều quan trọng là phải nối kết với kinh nghiệm của người xưa, để nhận ra vai trò của các mục tử và không đi lên phía trước một mình. Nhờ thế, chúng ta sẽ có bài giao hưởng này, vốn là hoa trái của Chúa Thánh Thần.

Các người trẻ bị thương

67. Giống cuộc sống của mọi người, cuộc sống của người trẻ cũng bị đánh dấu bởi các vết thương. Đó là các vết thương của những thất bại trong lịch sử của chính họ, những ước muốn không thành, các vụ kỳ thị và bất công đã phải chịu, hoặc do sự kiện này là không cảm thấy được yêu thương hoặc được công nhận. Đây là những vết thương của cơ thể và tâm lý. Chúa Kitô, người đã chấp nhận vượt qua cuộc khổ nạn và cái chết, nhờ Thập giá của mình, Người đã tự làm cho mình trở thành hàng xóm của mọi người trẻ đang đau khổ. Cũng có những vết thương tinh thần, sức nặng của các sai lầm mắc phải, mặc cảm có tội sau khi bị nhầm lẫn. Tự hòa giải với các vết thương của chính mình, ngay bây giờ hơn bao giờ hết, là điều kiện cần thiết để sống một cuộc sống tốt. Giáo hội được kêu gọi nâng đỡ mọi người trẻ trong các thử thách của họ và thực hiện các hành động mục vụ thích hợp.

Trở thành người lớn

Tuổi lựa chọn

68. Tuổi trẻ là thời gian sống phải kết thúc để nhường chỗ cho tuổi trưởng thành. Giai đoạn chuyển tiếp này không chỉ là một diễn trình xa rời hình tượng (processus anagraphique) (*), mà nó hàm nghĩa một con đường trưởng thành, không phải lúc nào cũng được môi trường nơi người trẻ sống tạo điều kiện. Thực vậy, tại nhiều vùng, đã có một nền văn hóa tạm thời ủng hộ việc kéo dài vô hạn tuổi thiếu niên và trì hoãn các quyết định; nỗi sợ điều dứt khoát do đó tạo ra một loại tê liệt quyết định. Tuy nhiên, tuổi trẻ không thể mãi là một thời gian lơ lửng: đó là tuổi của các lựa chọn và tính quyến rũ cùng nhiệm vụ lớn nhất của nó hệ ở chính ở điều này. Những người trẻ tuổi đưa ra quyết định trong các lĩnh vực chuyên nghiệp, xã hội, chính trị và các lĩnh vực khác, có tính triệt để hơn, nhằm mang lại cho cuộc sống của họ một hướng đi quyết định. Chính vì các lựa chọn vừa nói, mà người ta nói đến "sự lựa chọn cuộc sống": thực thế, chính cuộc sống, trong tính đặc thù độc đáo của nó, nhận được từ đó định hướng dứt khoát của nó.

Hiện hữu dưới dấu chỉ sứ mệnh

69. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời các bạn trẻ suy nghĩ về cuộc sống của họ trong chân trời sứ mệnh: "Rất nhiều lần trong đời, chúng ta lãng phí thời gian để tự hỏi:" Nhưng tôi là ai? ". Nhưng bạn có thể tự hỏi mình là ai và dành cả cuộc đời để tìm kiếm bạn là ai. Đúng hơn bạn hãy tự hỏi, "Tôi sống cho ai? "" (Đức Phanxicô, Bài phát biểu trong buổi canh thức cầu nguyện để chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới, Vương Cung Thánh Đường Santa Maria Maggiore, ngày 8 tháng 4 năm 2017). Sự khẳng định này làm sáng tỏ một cách sâu sắc các lựa chọn của cuộc sống, vì nó mời gọi ta đảm nhiệm chúng trong chân trời giải phóng của việc tự hiến chính mình. Đây là cách duy nhất để đạt được hạnh phúc đích thực và lâu dài! Thực tế, "sứ mệnh ở cõi lòng dân Chúa không phải là một phần của cuộc sống tôi cũng không phải là một vật trang trí mà tôi có thể lìa bỏ, cũng không phải là một phụ lục cũng không phải là một khoảnh khắc hiện hữu. Nó là một điều mà tôi không thể nhổ bỏ khỏi hữu thể mình nếu tôi không muốn tự hủy hoại bản thân mình. Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này và vì thế, tôi đang ở thế giới này "(Đức Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 273).

Một phương pháp sư phạm có thể chất vấn

70. Sứ mệnh là một la bàn chắc chắn cho đường đời, nhưng không phải là "hoa tiêu", có thể cho thấy toàn bộ diễn trình bằng cách dự đoán. Tự do luôn có một chiều kích rủi ro cần phải được trân qúi một cách can đảm, và được đồng hành một cách tiệm tiến, khôn ngoan. Nhiều trang Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta dám ra khơi, từ luận lý học tuân giữ các giới răn bước qua việc hiến mình một cách quảng đại và vô điều kiện, mà không che giấu yêu cầu phải vác thập giá của mình (x. Mt 16:24). Người triệt để: "Người cho đi mọi sự và yêu cầu mọi sự: Người cho đi một tình yêu trọn vẹn và yêu cầu một trái tim không phân chia" (Đức Phanxicô, Bài Giảng ngày 14 tháng 10 năm 2018). Bằng cách tránh đánh lừa người trẻ bằng những đề xuất duy giản lược hoặc đè nặng họ bằng một bộ quy tắc tạo ra một hình ảnh giảm thiểu và dạy đời cho Kitô Giáo, chúng ta được kêu gọi đánh cuộc trên sự táo bạo của họ, khuyến khích họ và huấn luyện họ chịu lãnh trách nhiệm, chắc chắn rằng lầm lỗi, thất bại và khủng hoảng cũng tạo nên những kinh nghiệm có thể giúp họ lớn lên về phương diện nhân bản.

Ý nghĩa thực sự của thẩm quyền

71. Để thực hiện một hành trình trưởng thành thực sự, người trẻ cần người lớn thi hành thẩm quyền. Theo nghĩa từ nguyên của nó, auctoritas (thẩm quyền) chỉ khả năng làm cho lớn lên; nó không nói lên ý tưởng về một sức mạnh ra chỉ thị, mà là một sức mạnh sinh sản thực sự. Khi Chúa Giêsu gặp các người trẻ, thuộc đủ bậc sống và điều kiện, thậm chí cả chết nữa, bằng cách này hay cách khác, Người thường nói với họ: "Hãy đứng dậy đi! Hãy lớn lên! ". Và lời của Người đã đáp ứng những gì Người nói (xin xem Mc 5: 41, Lc 7:14). Trong tình tiết chữa lành người động kinh bị quỉ ám (x. Mc 9: 14-29), một tình tiết gợi lên nhiều hình thức tha hóa của giới trẻ ngày nay, điều xem ra rõ ràng là nắm tay của Chúa Giêsu không nhằm lấy đi sự tự do, mà là để kích thích nó, giải phóng nó. Chúa Giêsu thi hành đầy đủ thẩm quyền của Người: Người không muốn gì hơn là sự trưởng thành của người trẻ, không có bất cứ ý muốn chiếm hữu, thao túng hay rù quyến nào.

Mối liên kết với gia đình



72. Gia đình là cộng đồng đức tin đầu tiên, nơi, bất chấp các giới hạn và bất toàn, người trẻ trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và bắt đầu biện phân ơn gọi của riêng mình. Các Thượng hội đồng trước đây, sau đó là Tông huấn Amoris laetitia, không ngừng nhấn mạnh rằng gia đình, trong tư cách một giáo hội tại gia, có nhiệm vụ sống niềm vui Tin mừng trong cuộc sống hàng ngày và làm cho mọi thành viên Giáo Hội tham gia vào đó theo điều kiện riêng của họ, bằng cách giúp họ mãi cởi mở đối với chiều kích ơn gọi và truyền giáo.

Tuy nhiên, không phải tất cả các gia đình đều luôn dạy con cái họ nhìn về tương lai từ viễn tượng ơn gọi. Đôi khi việc theo đuổi tiếng tăm xã hội hoặc thành công bản thân, tham vọng của cha mẹ hoặc xu hướng ấn định lựa chọn cho con cái, xâm chiếm hết không gian biện phân và lên điều kiện cho các quyết định. Thượng hội đồng nhìn nhận sự cần thiết phải giúp các gia đình nhận được cách rõ ràng hơn một quan niệm về cuộc sống như một ơn gọi. Câu chuyện Tin Mừng về Chúa Giêsu lúc thiếu niên (x. Lc 2: 41-52), vâng lời cha mẹ, nhưng vẫn có khả năng tự tách mình ra khỏi họ để chăm lo sự việc của Chúa Cha, có thể cung hiến nhiều ánh sáng quý giá để hướng dẫn các mối liên hệ gia đình trong ý hướng Tin Mừng.

Được kêu gọi tới tự do

Tin Mừng về tự do

73.Tự do là một điều kiện chủ yếu cho một sự lựa chọn đích thực của đời sống. Tuy nhiên, nó có nguy cơ bị hiểu lầm, nhất là vì không phải lúc nào nó cũng được trình bày chính xác. Dưới mắt nhiều người trẻ, chính Giáo hội kết cục bị xem như như một định chế chuyên áp đặt các quy tắc, cấm đoán và nghĩa vụ. Hoặc, Chúa Kitô đã "giải phóng chúng ta cho tự do" (Gal 5: 1), giúp chúng ta vượt khỏi chế độ của Luật lệ để bước vào chế độ của Chúa Thánh Thần. Ngày nay, dưới ánh sáng Tin mừng, điều hợp thời là nhìn nhận một cách rõ ràng hơn rằng tự do từ trong cốt lõi của nó vốn có tính tương quan và cho thấy các đam mê và xúc cảm là điều quan trọng trong chừng mực chúng dẫn chúng ta đến cuộc gặp gỡ đích thực với người khác. Một viễn ảnh như vậy rõ ràng chứng thực rằng tự do đích thực là điều chỉ có thể hiểu được và khả hữu trong tương quan với sự thật (xem Ga 8: 31-32) và nhất là đức ái (1 Cr 13: 1-13;, 13): tự do là trở nên chính mình trong trái tim của một người khác.

Một tự do có tính đáp ứng

74. Qua tình huynh đệ và tình liên đới, nhất là với những người bé nhỏ nhất, người trẻ phát hiện ra rằng tự do đích thực nảy sinh từ cảm quan thấy mình được lắng nghe và nó phát triển bằng cách dành chỗ cho người khác. Họ cũng thực hiện một trải nghiệm tương tự khi cố gắng trau dồi sự tiết độ hoặc tôn trọng môi trường. Trải nghiệm công nhận hỗ tương và cam kết chung dẫn họ tới chỗ phát hiện ra rằng trái tim của họ được mời gọi thầm lặng tiến đến tình yêu vốn phát xuất từ Thiên Chúa. Nhờ thế, người ta trở nên dễ dàng hơn trong việc nhận ra chiều kích siêu việt mà tự do vốn mang theo nó từ nguyên thủy và là một chiều kích, khi tiếp xúc với những trải nghiệm mãnh liệt nhất của cuộc sống - sinh và tử, tình bạn và tình yêu, lỗi lầm và tha thứ - tự đánh thức nó một cách rõ ràng hơn. Các kinh nghiệm này giúp nhận ra rằng bản chất của tự do có tính đáp ứng triệt để.



Tự do và đức tin

75. Hơn 50 năm trước, Thánh Phaolô VI đã dẫn nhập cụm từ "đối thoại ơn cứu rỗi" và giải thích sứ mệnh của Chúa Con trên thế giới như biểu thức của "đòi hỏi yêu đương đáng sợ". Tuy nhiên, ngài nói thêm rằng chúng ta "được tự do đáp ứng hoặc từ chối nó" (Ecclesiam suam, số 77). Trong viễn cảnh này, hành vi đức tin bản thân xuất hiện như tự do và giải thoát: nó sẽ là khởi điểm cho việc dần dần sở hữu hóa các nội dung của đức tin. Vì vậy, đức tin không tạo nên một yếu tố được thêm vào gần như từ bên ngoài cho tự do, nhưng nó đáp ứng mong muốn của lương tâm luôn khao khát sự thật, điều tốt và điều đẹp, bằng cách chào đón chúng một cách trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Chứng từ của nhiều vị tử đạo trẻ trong quá khứ và trong hiện tại, từng vang dội mạnh mẽ tại Thượng hội đồng, là bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy đức tin trở thành tự do trong tương quan với các thế lực trần gian, các bất công và thậm chí cả cái chết nữa.

Tự do bị thương tích và được chuộc lại

76. Tự do của con người được đánh dấu bằng những vết thương của tội lỗi bản thân và tư dục. Nhưng khi, nhờ sự tha thứ và lòng thương xót, con người nhận thức được các trở ngại giam hãm họ, họ lớn lên trong độ chín mùi và có thể dấn thân một cách sáng suốt hơn vào các lựa chọn dứt khoát của cuộc sống. Trong viễn tượng giáo dục, điều quan trọng là giúp người trẻ không nản lòng trước những sai lầm và thất bại, thậm chí cả các nhục nhã nữa, vì chúng là một phần cấu thành ra con đường dẫn đến một sự tự do chín mùi hơn, ý thức được sự vĩ đại và yếu đuối của nó.

Tuy nhiên, cái ác không có lời cuối cùng: "Vì Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho họ Người Con duy nhất của mình" (Ga 3:16). Người yêu chúng ta đến cùng và do đó chuộc lại tự do của chúng ta. Bằng việc chết vì chúng ta trên thập giá, Người đã ban phát Chúa Thánh Thần và "Thần Khí của Chúa ở đâu, ở đấy, có tự do" (2 Cr 3: 17): một sư tự do mới mẻ, vượt qua, được hoàn thành trong việc tự hiến hàng ngày.

Kỳ sau: Chương 2: Mầu nhiệm của ơn gọi

______________________________________________________________________________________________________________

(*) Có bản Việt Ngữ dịch cụm từ này là "diễn trình khám phá"; thực ra "anagraphique" gồm tiền từ ana (chữ Hy Lạp có nghĩa là xa rời, như trong anachorète (xa lìa xã hội = ẩn sĩ), và "graphique" (họa hình) chúng tôi tạm dịch là "diễn trình xa rời hình tượng" (từ thiếu niên qua tuởi trưởng thành).