ĐTC: Croatia cần bảo vệ căn tính tôn giáo và văn hóa

VATICAN - Ngày 11-4, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp ngài Filip Vucak, Đại sứ mới của Croatia cạnh Tòa Thánh, khi ngài đại sứ đến trình ủy nhiệm thư cho ĐTC. Croatia là đất nước ĐTC sẽ đến thăm ngày 4 và 5-6-2011.

ĐTC nhắc đến "vẻ đẹp của nền văn hóa và chiều sân đức tin của tổ tiên người dân Croatia”, và nhấn mạnh tầm quan trọng của “việc củng cố điều này của các thế hệ hiện tại, bằng cách họ tỏ cho người khác thấy rõ ràng di sản lịch sử phong phú của Croatia và nền văn hóa Kitô giáo, và di sản ấy đã luôn hỗ trợ người dân Croatia trong các nghịch cảnh".

Nhắc lại rằng “Croatia sớm sẽ hoàn toàn gia nhập Liên minh châu Âu (EU)", ĐTC nhận xét rằng “sự hội nhập này phải được thực hiện, trong khi vẫn hoàn toàn tôn trọng các tính chất đặc biệt của Croatia, liên quan đến đời sống tôn giáo và văn hóa. Thật là ảo tưởng khi phủ nhận căn tính này, nhằm chọn một căn tính khác ra đời trong các hoàn cảnh khác với sự ra đời và xây dựng đất nước Croatia”.

Ngài nói tiếp: “Khi gia nhập Liên minh châu Âu, quốc gia của quý vị sẽ không chỉ thừa hưởng một hệ thống kinh tế và pháp lý với cả các lợi thế và mặt hạn chế, nhưng cũng phải mang theo sự đóng góp riêng của Croatia cho Liên minh châu Âu. Croatia không nên sợ, khi tuyên bố cách xác quyết sự tôn trọng lịch sử của mình, căn tính tôn giáo và văn hóa của mình. Cần có tiếng nói nghiêm khắc khi tranh cãi nguồn gốc tôn giáo của châu Âu với tính qui tắc khiến người ta bối rối. Chứng hay quên và sự phủ nhận bằng chứng lịch sử đã trở thành thông lệ. Việc tuyên bố rằng châu Âu không có gốc rễ Kitô giáo cũng giống như nói rằng con người có thể sống mà không có oxy hoặc ăn uống... Tôi đoan chắc rằng đất nước quý vị sẽ biết cách bảo vệ căn tính của mình, với niềm xác tín và niềm tự hào, và để tránh các cạm bẫy mới khi chúng xuất hiện, vì khi lấy cớ vì sự tự do tôn giáo bị hiểu lầm, chúng đã trở nên trái với luật tự nhiên, gia đình, và đạo đức”.

ĐTC bày tỏ sự hài lòng của Ngài cho sự quan tâm mà Croatia đã chứng tỏ trong việc giúp “người Croatia ở Bosnia-Herzegovina chu toàn vai trò của họ, như một trong ba dân tộc làm nên thành phần của đất nước này". Trong bối cảnh ấy, Ngài khẳng định rằng "Croatia đóng góp kinh nghiệm đặc thù của mình, để tạo thuận lợi cho đối thoại và sự hiểu biết giữa người dân của các truyền thống khác nhau, sống chung với nhau qua nhiều thế kỷ", và khuyến khích họ "tiếp tục đi theo con đường của hòa bình được củng cố thông qua sự tôn trọng mọi người". Ngài cũng bày tỏ vui mừng khi thấy Croatia "thúc đẩy tự do tôn giáo và tôn trọng sứ vụ đặc trưng của Giáo Hội".

Ngài kết luận diễn từ với tân đại sứ: “Vì tất cả các lý do này, tôi rất hài lòng để thực hiện chuyến đi thăm đất nước của quý vị sau vài tuần lễ nữa... Như quý vị đã biết, chủ đề được chọn cho chuyến đi sẽ là “Đoàn kết trong Chúa Kitô !”... Cùng đoàn kết bất chấp vô số khác biệt của con người với nhau, cùng đoàn kết trong tính đa dạng ... Nhân danh Chúa Kitô, là Đấng đã đồng hành với người dân Croatia trong suốt nhiều thế kỷ với đức thiện hảo và lòng thương xót của Chúa, tôi muốn đưa ra lời khuyến khích đất nước của quý vị và Giáo Hội đang đồng hành với quý vị”. (VIS 11-4-2011)