Nguyên nhân cái chết

Metherell đã trình bầy được trọng điểm của ông, một cách hoạ hình, về nỗi đau đớn phải chịu khi diễn trình đóng đinh bắt đầu. Nhưng tôi cần biết cuối cùng điều gì khiến nạn nhân bị đóng đinh chết, bởi vì đó là vấn đề mấu chốt trong việc xác định liệu cái chết có thể được làm giả hay né tránh hay không. Vì vậy, tôi đặt câu hỏi trực tiếp về nguyên nhân cái chết cho Metherell.



Ông trả lời, "Một khi một người bị treo trong vị trí thẳng đứng, thì việc đóng đinh, trong căn bản, là một cái chết từ từ một cách đau đớn do ngạt thở. Nguyên nhân là do các bắp thịt và hoành cách mô bị căng thẳng. Đưa ngực vào vị trí hít vào; trong căn bản, để thở ra, cá nhân phải chống chân lên để sự căng cơ sẽ giảm bớt trong giây lát. Khi làm như vậy, chiếc đinh sẽ xé toạc bàn chân, cuối cùng sẽ khóa chặt vào xương cổ chân.

“Sau khi cố gắng thở ra, người đó sẽ có thể thư giãn và hít vào một hơi khác. Một lần nữa, họ phải đẩy mình lên để thở ra, cào tấm lưng đẫm máu của mình vào gỗ thô của cây thánh giá. Điều này sẽ tiếp diễn cho đến khi hoàn toàn kiệt sức, và người đó sẽ không thể chống đẩy và thở được nữa.

“Khi người này thở chậm lại, họ rơi vào tình trạng được gọi là nhiễm axít hô hấp [respiratory acidosis] - carbon dioxide trong máu được hòa tan dưới dạng axit carbonic, khiến độ axit của máu tăng lên. Điều này cuối cùng dẫn đến nhịp tim không đều. Thực thế, với trái tim đập thất thường, hẳn Chúa Giêsu biết rằng Người đang ở vào lúc chết, đó là lúc Người nói: 'Lạy Chúa, con xin phó linh hồn con trong tay Ngài'. Và sau đó Người chết vì ngừng tim.”

Đó là lời giải thích rõ ràng nhất mà tôi từng nghe về cái chết do bị đóng đinh – nhưng Metherell thì chưa nói hết.

“Ngay cả trước khi Người chết – và điều này cũng quan trọng – cú kích sốc giảm thể tích máu sẽ gây ra nhịp tim nhanh kéo dài, một điều có thể góp phần gây ra suy tim, dẫn đến sự tích tụ chất lỏng trong màng xung quanh tim, được gọi là tràn dịch ngoại tâm mạc [pericardia effusion], cũng như xung quanh phổi, được gọi là tràn dịch màng phổi [pleural effusion].

“Tại sao điều đó quan trọng?”

"Vì điều xảy ra khi người lính La Mã đến và biết chắc Chúa Giêsu đã chết, xác nhận điều đó bằng cách đâm một ngọn giáo vào bên phải của Người. Có lẽ đó là phía bên phải của Người; điều đó không chắc chắn, nhưng theo mô tả thì có lẽ là bên phải, giữa các xương sườn.

"Ngọn giáo rõ ràng đã xuyên qua phổi phải và đi vào tim, vì vậy khi ngọn giáo được rút ra, một số chất lỏng - tràn dịch màng ngoài tim và tràn dịch màng phổi - chảy ra ngoài. Chất này sẽ có dạng một chất lỏng trong suốt, giống như nước, theo sau bởi một lượng lớn máu, như nhân chứng Gioan đã mô tả trong Tin Mừng của ngài."

Gioan có lẽ không biết tại sao ngài lại thấy cả máu và chất lỏng trong suốt chảy ra - chắc chắn đó không phải là điều mà một người chưa qua đào tạo như ngài có thể dự ứng được. Tuy nhiên, mô tả của Gioan phù hợp với những gì y học hiện đại mong đợi xảy ra. Thoạt đầu, điều này dường như tạo sự khả tín cho việc làm nhân chứng của Gioan; tuy nhiên, dường như có một thiếu sót lớn trong những điều này.

Tôi rút cuốn Kinh thánh của tôi ra và giở đến Goan 19:34, tôi nói, "Khoan đã, thưa bác sĩ". Khi ông đọc kỹ những gì Gioan viết, ngài thấy 'máu và nước' chảy ra; ngài cố ý sắp xếp các chữ theo thứ tự đó. Nhưng theo ông, chất lỏng trong suốt chảy ra trước. Vì vậy, có một sự khác biệt đáng kể ở đây."

Metherell cười khẩy, trả lời, "Tôi không phải là một học giả Hy Lạp, nhưng theo những người như vậy, thứ tự các chữ trong tiếng Hy Lạp cổ thời được xác định không nhất thiết theo trình tự mà theo sự nổi bật. Điều này có nghĩa là vì có nhiều máu hơn nước, nên Gioan đề cập đến máu trước."

Tôi thừa nhận quan điểm này nhưng ghi nhớ trong đầu để tự xác nhận sau. Tôi nói, "Tình trạng của Chúa Giêsu, đến lúc này, ra sao?"

Metherell nhìn chằm chằm vào mắt tôi. Ông trả lời một cách có thẩm quyền, "Hoàn toàn không có nghi ngờ gì về việc Chúa Giêsu đã chết."

Trả lời những kẻ hoài nghi

Lời quả quyết của bác sĩ Metherell xem ra đã được bằng chứng nâng đỡ. Nhưng vẫn còn một số chi tiết mà tôi muốn đề cập đến – cũng như ít nhất có một điểm yếu trong lời tường thuật của ông rất có thể làm suy yếu độ đáng tin của lời tường thuật trong Kinh thánh.

Tôi nói, "Các sách Tin Mừng nói rằng các binh lính đập ống chân hai tội nhân cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Tại sao họ lại làm như vậy?"

"Nếu họ muốn đẩy nhanh cái chết - và với việc sắp đến ngày Sabát và Lễ Vượt Qua, các nhà lãnh đạo Do Thái chắc chắn muốn hoàn thành việc này trước khi mặt trời lặn - người La Mã sẽ sử dụng chiếc trục thép của một ngọn giáo ngắn La Mã để đập bể xương cẳng chân của nạn nhân. Điều này sẽ khiến nạn nhân không thể chống chân lên để có thể thở và tử vong do ngạt thở sẽ xảy ra trong vài phút.

“Tất nhiên, chúng ta được biết trong Tân Ước rằng chân của Chúa Giêsu không bị đập bể, bởi vì những người lính đã xác định là Người đã chết, và họ chỉ dùng giáo để xác nhận điều đó. Điều này làm ứng nghiệm một lời tiên tri khác trong Cựu ước về Đấng Mêxia, đó là xương của Người sẽ không bị đập bể.”

Một lần nữa, tôi lại nhẩy vô, nói, “Một số người cố gắng hoài nghi các trình thuật của Tin Mừng bằng cách tấn công câu truyện đóng đinh. Thí dụ, một bài báo trên Tạp chí Thần học Harvard đã kết luận nhiều năm trước rằng ít có 'bằng chứng cho thấy bàn chân của một người bị đóng đinh bị đinh đâm thâu qua'. Thay vào đó, bài báo cho biết, 'tay và chân của nạn nhân bị trói vào thập tự giá bằng dây thừng.' (9) Há ông không thể thừa nhận rằng điều này nêu ra vấn nạn về độ khả tín của lời tường thuật trong Tân Ước hay sao?"

Bác sĩ Metherell dịch về phía trước cho tới lúc ông ngồi cạnh chiếc ghế, ông nói, “không, vì khoa khảo cổ nay đã xác định rằng việc sử dụng đinh đúng với lịch sử - mặc dù tôi chắc chắn thừa nhận rằng đôi khi người ta cũng sử dụng dây thừng."

"Đâu là bằng chứng?"

"Năm 1968, các nhà khảo cổ ở Giêrusalem đã tìm thấy hài cốt của khoảng ba chục người Do Thái đã chết trong cuộc nổi dậy chống La Mã vào khoảng năm 70 sau Công nguyên. Một nạn nhân, tên rõ ràng là Yohanan, đã bị đóng đinh. Và chắc chắn, họ đã tìm thấy một chiếc đinh dài bảy inch vẫn còn đóng vào chân anh ta, với những mảnh gỗ ô liu nhỏ từ cây thập giá vẫn còn dính vào. Đây là một xác nhận khảo cổ tuyệt vời về một chi tiết quan trọng trong mô tả của Tin Mừng về việc đóng đinh.

Tôi nghĩ rất đúng. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh, "Nhưng một điểm tranh cãi khác liên quan đến tài chuyên môn của người La Mã trong việc xác định Chúa Giêsu đã chết hay chưa. Những người này hiểu biết rất thô sơ về y khoa và giải phẫu học, v.v. - làm sao chúng ta biết họ không nhầm khi tuyên bố rằng Chúa Giêsu không còn sống nữa?"

“Tôi đồng ý với ông những binh lính này không học trường y khoa nào. Nhưng ông nên nhớ rằng họ là chuyên gia giết người - đó là công việc của họ, và họ đã làm rất tốt. Họ biết chắc chắn khi nào một người chết, và thực sự không quá khó để tìm ra.

"Bên cạnh đó, nếu một tù nhân bằng cách nào đó trốn thoát, những người lính chịu trách nhiệm sẽ bị xử tử, vì vậy họ có động lực rất lớn để bảo đảm tuyệt đối rằng từng nạn nhân đều đã chết khi được tháo ra khỏi thập giá."

Lập luận cuối cùng

Nại tới lịch sử và y học, khảo cổ học và thậm chí cả các quy tắc quân sự của La Mã, Metherell đã lấp đầy mọi kẽ hở: Chúa Giêsu không thể nào sống sót để bước xuống khỏi thập giá. Nhưng tôi vẫn đẩy ông đi xa hơn. "Có bất cứ cách nào khả hữu - bất cứ cách khả hữu nào - Chúa Giêsu có thể sống sót chuyện này không?"

Metherell lắc đầu và chỉ tay về phía tôi mà nhấn mạnh, nói, "Hoàn toàn không. Ông nên nhớ rằng Người đã bị kích sốc giảm thể tích máu do mất nhiều máu ngay trước diễn trình đóng đinh bắt đầu. Người không thể giả chết, vì bạn không thể giả vờ không thở lâu giờ. Bên cạnh đó, ngọn giáo đâm vào trái tim Người sẽ giải quyết vấn đề một lần và mãi mãi. Và người La Mã sẽ không mạo hiểm cái chết của chính họ bằng cách cho phép Người sống sót bỏ đi."

Tôi nói, "Vì vậy, khi ai đó gợi ý với ông rằng Chúa Giêsu chỉ ngất đi trên thập giá... Tôi nói với họ rằng điều đó bất khả. Đó là một lý thuyết hoang đường mà không có bất cứ cơ sở thực tế khả hữu nào."

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa sẵn sàng để bỏ qua vấn đề này. Dù có nguy cơ làm cho bác sĩ thất vọng, tôi nói, "chúng ta hãy suy đoán rằng điều bất khả đã xảy ra và Chúa Giêsu, bằng cách nào đó, đã xoay sở để sống sót sau khi bị đóng đinh. Chúng ta hãy giả sử rằng Người đã có thể thoát khỏi lớp khăn quấn của mình, lăn tảng đá lớn ra khỏi cửa mộ của mình và vượt qua những người lính La Mã đang đứng gác. Về mặt y học, tình trạng của Người sẽ ra sao sau khi truy tìm các đệ tử của mình?"

Metherell miễn cưỡng, không muốn nhập trò chơi này. Tuy nhiên, trở nên sôi nổi hơn một chút, ông nhấn mạnh, "Một lần nữa, không đời nào Người có thể sống sót thập giá. Nhưng nếu có sống sót đi nữa, thì làm sao Người có thể đi quanh quẩn sau khi những chiếc đinh đã đóng vào chân Người? Làm thế nào Người có thể xuất hiện trên đường Emmaus chỉ một thời gian ngắn sau đó, đi bộ một quãng đường dài? Làm thế nào Người có thể sử dụng cánh tay của mình sau khi chúng bị kéo căng ra và kéo ra khỏi khớp? Ông nên nhớ rằng, Người còn có những vết thương lớn trên lưng và một vết thương do giáo đâm vào ngực."

Ông dừng lại ở đó. Một điều gì đó xuất hiện trong đầu ông, và đến lúc này, ông sẵn sàng đưa ra điểm cuối cùng sẽ mãi mãi đánh đòn cuối cùng vào tâm điểm của lý thuyết ngất xỉu. Đó là một lập luận mà không ai có thể bác bỏ kể từ khi nó được nhà thần học người Đức David Strauss đưa ra lần đầu tiên vào năm 1835.

Metherell nói, "Ông nghe đây, một người trong tình trạng thảm hại như thế sẽ không bao giờ truyền cảm hứng cho các môn đệ của Người đi ra ngoài và tuyên bố rằng Người là Chúa của sự sống, Đấng đã chiến thắng âm phủ.

"Ông có thấy những gì tôi đang nói không? Sau khi chịu đựng sự ngược đãi khủng khiếp đó, với tất cả những vết thương và mất máu thảm khốc, trông Người sẽ rất đáng thương đến nỗi các môn đệ sẽ không bao giờ tung hô Người như một người chiến thắng cái chết; họ sẽ cảm thấy thương hại Người và cố gắng chăm sóc cho Người khỏe lại. Vì vậy, thật vô lý khi nghĩ rằng Người xuất hiện với họ trong tình trạng tồi tệ đó, mà những người theo Người vẫn được thúc giục bắt đầu một phong trào trên toàn thế giới đặt căn bản trên niềm hy vọng một ngày nào đó thân xác họ cũng sẽ được phục sinh như thân xác của Người. Không hề có cách ấy."

Một câu hỏi cho cõi lòng

Một cách đầy thuyết phục và bậc thầy, Metherell đã xác lập được lý lẽ của mình vượt quá sự nghi ngờ hợp lý. Ông đã làm điều đó bằng cách tập trung hoàn toàn vào câu hỏi "cách nào": Chúa Giêsu đã bị hành quyết cách nào để tuyệt đối bảo đảm Người sẽ chết? Nhưng khi chúng tôi kết thúc, tôi cảm thấy thiếu một điều gì đó. Tôi đã khai thác kiến thức của ông, nhưng tôi chưa chạm đến cõi lòng ông. Vì vậy, khi chúng tôi đứng lên bắt tay nhau, tôi cảm thấy buộc phải hỏi "câu hỏi tại sao".

"Này Alex, trước khi đi, tôi xin hỏi ý kiến ông về một điều không phải là ý kiến y khoa, không phải việc đánh giá khoa học, mà là điều gì đó thuộc cõi lòng của ông."

Tôi cảm thấy ông bớt dè dặt đi một chút. Ông nói, "được, tôi sẽ cố gắng."

“Chúa Giêsu tự ý bước vào bàn tay của kẻ phản bội Người, Người không kháng cự việc bắt giữ Người, Người không tự bênh vực Người tại phiên tòa, rõ ràng là Người sẵn sàng chịu đựng những gì ông mô tả là một hình thức tra tấn nhục nhã và đau đớn. Và tôi muốn biết tại sao. Điều gì có thể đã thúc đẩy một người đồng ý chịu đựng hình phạt này?"

Alexander Metherell – lần này là người đàn ông, chứ không phải bác sĩ đang tìm kiếm những chữ thích hợp, cuối cùng trả lời, "Thành thật mà nói, tôi không nghĩ một người bình thường có thể làm điều đó. Nhưng Chúa Giêsu biết điều gì sắp xảy ra và Người sẵn lòng trải qua điều đó, bởi vì đây là cách duy nhất Người có thể cứu chuộc chúng ta - bằng cách phục vụ như người thay thế chúng ta để trả giá án tử hình mà chúng ta đáng phải chịu vì sự phản nghịch của chúng ta chống lại Thiên Chúa. Đó là toàn bộ sứ mệnh của Người khi xuống trần gian."

Nói thế xong, tôi vẫn cảm thấy đầu óc có tổ chức, luôn hợp lý và hợp luận lý của Metherell đang tiếp tục nghiền ngẫm câu hỏi của tôi để tìm ra câu trả lời căn bản nhất, không thể giản lược được.

Ông kết luận, "Vì vậy, khi ông hỏi động cơ nào thúc đẩy Người, thì... tôi cho rằng câu trả lời có thể được tóm tắt trong một chữ - và đó sẽ là tình yêu."

Khi lái xe về vào đêm hôm đó, câu trả lời này cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi.

Nói tóm lại, chuyến đi của tôi đến California đã hoàn toàn hữu ích. Metherell đã chứng minh một cách thuyết phục rằng Chúa Giêsu không thể sống sót qua thử thách thập giá, một hình thức tàn ác đến mức người La Mã đã miễn trừ công dân của họ khỏi điều đó, ngoại trừ những trường hợp phản quốc.

Các kết luận của Metherell nhất quán với những phát hiện của các bác sĩ khác, những người đã nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này. Trong số họ, có Bác sĩ William D. Edwards, người mà bài báo năm 1986 trong Tạp chí của Hội Y khoa Mỹ, đã kết luận, “Một cách rõ ràng, sức nặng của bằng chứng lịch sử và y khoa đã cho thấy rằng Chúa Giêsu đã chết trước khi vết thương cạnh sườn Người được gây ra.... Thành thử, những cách giải thích dựa trên giả định cho rằng Chúa Giêsu không chết trên thập giá dường như trái ngược với kiến thức y học hiện đại” (10).

Những người tìm cách giải thích sai sự sống lại của Chúa Giêsu bằng cách tuyên bố rằng cách nào đó Người đã thoát khỏi nanh vuốt của tử thần tại Galgotha cần phải đưa ra một giả thuyết hợp lý hơn phù hợp với sự kiện.

Và rồi cuối cùng họ cũng phải bàn đến câu hỏi ám ảnh mà tất cả chúng ta đều cần phải xem xét: Điều gì có thể đã thúc đẩy Chúa Giêsu sẵn lòng để mình bị sỉ nhục và hành hạ dã man như cách Người đã chịu?

Tài liệu đọc thêm

Edwards, William D., et al. "On the Physical Death of Jesus Christ." [Về cái chết thể xác của Chúa Giêsu Kitô], Journal of the American Medical Association (March 21, 1986), 1455-63

Foreman, Dale. Crucify Him [Hãy đóng đinh nó]. Grand Rapids: Zondervan, 1990.

Hengel, M. Crucifixion in the Ancient World. [Việc đóng đinh trong thế giới cổ thời] Philadelphia: Fortress, 1977.

McDowell, Josh. The Resurrection Factor [Nhân Tố Phục Sinh]. San Bernardino, Calif.: Here's Life, 1981.

Ghi chú

1. Surah IV- 156-57.

2. Wilson, Jesus: The Evidence [Chúa Giêsu,Bằng chứng] 140.

3. Craig, Reasonable Faith [đức tin hữu lý], 234.

4. D. H. Lawrence, Love between the Haystacks and Other Stories [tình yêu giữa đống rơm và các câu truyện khác] (New York: Penguin, 1960), 125.

5. Hugh Schonfield, The Passover Plot [Cốt truyện Vượt Qua] (New York: Bantam, 1965), 165.

6. Habermas, The Verdict of History [Phán quyết của lịch sử], 56.

7. Michael Baigent, Richard Leigh, và Henry Lincoln, Holy Blood, Holy Grail [Máu Thánh, Chén Thánh](New York: Delacorte, 1982), 372

8. Johnson, The Real Jesus [Chúa Giêsu đích thực], 30.

9. J. W, Hewitt, “The Use of Nails in the Crucifixion,” [việc dùng đinh trong việc đóng đinh], Harvard Theological Review 25 (1932), 29-45, được trích dẫn trong Josh McDowell, The Resurrection Factor ( San Bernardino, Calif: Here's Life, 1981), 45.

10. William D. Edwards et al., "On the Physical Death of Jesus Christ," [về cái chết thể lý của Chúa Giêsu Kitô], Journal of the American Medical Association (21-3-1986), 1455-63