Ngày 05-11-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 06/11: Sống khiêm nhường trong phục vụ – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:59 05/11/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa. Người nói với ông rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:44 05/11/2023

3. Nếu chúng ta yêu mến sự nghèo khó thì nhất định cũng yêu kết quả của nghèo khó, như: rét lạnh, đói khát, bị khinh chê.

(Thánh Bertha of Blangy)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:48 05/11/2023
92. VI TRANG ĐAU LÒNG

Vi Trang rất là keo kiết như là thần giữ của, thường ngày chỉ đếm gạo mà nấu cơm, cân củi nấu bếp.

Năm nọ, đứa con út bị chết yểu, bà vợ rất đau lòng, lấy cái áo mới mặc cho con để nhập liệm mà không nghĩ rằng Vi Trang càng đau khổ hơn mình, vì Vi Trang trong lòng nghĩ rằng mặc áo mới cho người chết thì có kinh tế không? Bèn lột cái áo mới trên xác đứa con út, đem chiếc chiếu cũ mà bọc cho tử thi. Đưa đám xong Vi Trang vẫn còn tiếc rẻ nên lại lấy chiếc chiếu bọc tử thi đem về.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 92:

Thường ai keo kiết hà tiện thì người ta gọi là “thần giữ của”, tức là khó mà lấy được của họ một đồng xu, dù đó là con cái vợ hay chồng của họ.

Có những người Ki-tô hữu cũng là “thần giữ của”, của đây không phải là tiền bạc, nhưng là đức tin của mình.

Có những người Ki-tô hữu đem đức tin của mình úp dưới cái thúng, đó là khi họ chỉ biết đi tới nhà thờ dự lễ rồi sau đó đi về nhà, mà không chịu toả sáng đức tin của mình cho mọi người xung quanh biết bằng những việc làm bác ái của mình; lại có những người Ki-tô hữu đem đức tin của mình bỏ trong két sắt và khoá lại, đó là khi họ chỉ bo bo giữ cái đạo của mình với những hình thức bên ngoài như đọc kinh thật lớn, kiệu rước thật rầm rộ, át cà tiếng cầu cứu xin ăn của người hành khất bên vệ đường, hoặc lấp cả tiếng khóc của em bé thiếu ăn của nhà bên cạnh. Những người Ki-tô hữu này là những ông “thần giữ của” không đúng ý của Thiên Chúa và Giáo Hội, mà ý của Thiên Chúa và Giáo Hội là: hãy giữ đức tin của mình cho sáng mãi để người khác thấy rõ đường mà đi đến với Đức Chúa Giê-su…

Lấy Lời Chúa để giữ đức tin, chứ đừng lấy tiền bạc của cải để bao vây đức tin của mình, bởi vì tiền bạc thì dễ bị cháy và bị mất cắp, nhưng Lời Chúa thì tồn tại muôn đời…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Vinh quang phù phiếm
Lm. Minh Anh
14:15 05/11/2023

VINH QUANG PHÙ PHIẾM
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc!”.

Trong tập thơ của mình, William Cowper viết, “Sự tôn trọng của thế giới chỉ là một món hối lộ. Để mua lấy bình yên của nó, bạn phải bán sự bình yên của mình. Bạn phải làm nô lệ cho một lũ kiêu ngạo, họ ghét bạn khi ban cho bạn những niềm vui vô bổ. Đây là cách thế giới thưởng cho kẻ ngốc, những kẻ sống nhờ nụ cười quyến rũ phản bội của ‘cô ta’ với những vinh quang phù phiếm!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến phần thưởng thế giới ban cho kẻ ngốc! Chúa Giêsu đưa ra một lời khuyên khi đãi tiệc. Tổ chức tiệc là điều tốt khi động cơ là tình yêu; nhưng nếu mục tiêu của bữa tiệc, hay bất kỳ hành động từ thiện nào khác là khoe khoang, thì ‘vinh quang phù phiếm’ đạt được từ hành động đó là ‘khoản thu’ mà bạn và tôi sẽ nhận được.

Buồn thay, nhiều người tìm kiếm và nhận được ‘sự trả công’ cho loại ‘vinh quang’ này! Bài học ở đây là, động cơ duy nhất để làm điều tốt phải là động cơ khiêm tốn và thầm kín của phục vụ yêu thương. Do cám dỗ kiêu ngạo, chúng ta dễ nhận ra mình quá quan tâm đến điều người khác nghĩ về mình. Tổ chức một bữa tiệc cho bạn bè và những người giàu chỉ đơn giản là một minh hoạ cho tội kiêu ngạo và khoa trương. Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu đang nói về hành động của một số người với mục đích duy nhất là xây dựng hình ảnh bản thân để ăn mày lời khen và sự xu nịnh. Hình thức ‘vinh quang phù phiếm’ này không chỉ vô ích đối với linh hồn mà còn nguy hại cho nhân cách.

Ngược lại, khi bằng lòng với một việc tốt nào đó dẫu người khác không thấy, bạn vẫn vui vẻ khi không ai hay; động lực để cống hiến hết mình vì lý do duy nhất là muốn tạo nên một sự khác biệt trong cuộc sống tha nhân… thì đây là điều Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài bảo nên làm tiệc cho người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù và tất cả những ai không có khả năng ‘trả nợ’. Nhưng thật thú vị, chính Thiên Chúa ‘tự chuốc’ khoản nợ này và Ngài sẽ ‘trả’ dù bạn không có quyền đòi. Thư Rôma hôm nay viết, “Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau?”. Dù vậy, bạn vẫn có quyền xin Ngài ân thưởng như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày!”.

Anh Chị em,
“Đừng mua lấy bình yên của thế gian bằng cách bán sự bình yên của mình!”. Hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách thức mua bình yên. Đầu tư vào người nghèo! Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “Đó còn là lên tiếng cho những người không có tiếng nói, khẩn cấp mở rộng trái tim và biến những đau khổ và lo lắng của người nghèo, người đói, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người tị nạn, những người bị đánh bại bởi cuộc sống, những người bị xã hội chối bỏ thành của mình trước sự kiêu ngạo của kẻ mạnh. Bằng cách này, việc phục vụ người khác của chúng ta sẽ trở thành chứng tá của tình yêu, và làm cho tình yêu của Chúa Kitô trở nên hữu hình và đáng tin!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, thế gian ghét con khi ban cho con niềm vui vô bổ. Đừng để con bán sự bình yên của con để có được sự bình yên giá rẻ bởi những ‘vinh quang phù phiếm!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày Chúa trở lại
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
21:37 05/11/2023

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 25,1-13

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời cũng giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: Chú rể kia rồi ! Ra đón đi !’ Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng : ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn chúng em sắp tắt rồi !’ Các cô khôn đáp : ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn’.
“Đang lúc các cô đi mua thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi : ‘Thưa Ngài, thưa Ngài ! mở cửa cho chúng tôi với !’ Nhưng Người đáp : ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả !’ Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”.



NGÀY CHÚA TRỞ LẠI

Hơn 1940 năm trước, chính xác là năm 79 Công nguyên, núi lửa Vésuve ở Ý đã phun lên. Khi nó ngưng phun lửa, thành phố Pompéi dưới chân nó đã bị chôn vùi dưới gần 6 mét phún thạch. Thành phố nằm yên như thế mãi đến thế kỷ 18, lúc các nhà khảo cổ khai quật nó lên. Ai ai cũng ngạc nhiên về những điều khám phá được. Bánh mì thành than nhưng vẫn nguyên dạng, trái cây vẫn tiếp tục bốc mùi, những trái ô-liu vẫn còn nổi trong chảo. Tuy nhiên, có những khám phá khiến người ta còn sửng sốt hơn. Phun thạch đã làm đông cứng mọi người ngay trong tư thế họ đang có khi cơn đại họa ập xuống. Các thân thể dĩ nhiên đều bị hư hoại, nhưng chúng đã để lại những lỗ trống trong lớp tro cứng và dày. Dùng cách đổ thạch cao lỏng vào các lỗ trống đó, các nhà khảo cổ học đã khôi phục được hình hài các nạn nhân. Một số tượng này đã gây xúc động. Chẳng hạn có một thiếu phụ đang quấn chặt đứa con trong đôi tay mình, hoặc một lính canh Rô-ma đang đứng thẳng người tại trạm gác, trên người trang bị vũ khí đầy đủ. Nạn nhân thứ ba là một người đàn ông tay cầm gươm trong tư thế chiến đấu, chân đang đặt trên một đống vàng bạc. Rải rác quanh anh là năm xác khác, có lẽ là những kẻ dự định cướp của đã bị anh hạ thủ. Câu chuyện những bức tượng thạch cao này minh họa sống động cho hai chủ đề trong trình thuật Tin Mừng hôm nay.

1. Sống trong sự chờ đợi Chúa.

Ngay từ đầu trình thuật, Đức Giê-su không ngần ngại cho chúng ta một hình ảnh xinh đẹp, trẻ trung, vui tươi : mười nàng trinh nữ. Nét duyên dáng của các cô gái này còn nổi bật lên nhờ cử chỉ của họ : cầm một ngọn đèn bước đi trong đêm. Họ được “mời” dự một cuộc “gặp gỡ”. Một ai đó kết hôn : chú rể chờ đợi họ. Cựu Ước vẫn thường trình bày Thiên Chúa như Phu quân của Ít-ra-en. Khi Mát-thêu viết trình thuật này, hình ảnh đám cưới đã rõ ràng được sống thực : đích thân Đức Giê-su là Hôn phu nhiệm mầu… và chính Giáo hội, chính mỗi người chúng ta là hôn thê (xem 1Cr 11,2). Đính hôn. Thành hôn. Tình yêu. Toàn là những hình ảnh xinh đẹp, sống động, hạnh phúc. Dụ ngôn hôm nay thành thử đưa ta đi sâu vào lòng Đức Giê-su : Người tự coi mình như một hôn phu đang yêu nhân loại. Hình ảnh biểu tượng này, vốn tràn ngập Kinh Thánh Cựu Ước, nổi lên nhiều chỗ trong các Tin Mừng : Mc 2,19; Lc 5,34; Mt 9,15; Ga 3,29. Đối với chúng ta, cuộc sống Ki-tô hữu phải chăng như thế? Phải chăng là việc một hôn thê đi đón hôn phu của mình? Phải chăng là khát vọng cháy bỏng về một cuộc gặp gỡ tình yêu?

“Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn…”. Như mọi khi, Đức Giê-su không cất lời để chỉ kể cho nghe một chuyện vui nho nhỏ. Hãy nhớ vào lúc Người kể dụ ngôn này, bối cảnh rất bi thảm : Đức Giê-su chỉ còn vài hôm nữa là chết, chết cách đau đớn. Người vừa tấn công phái Pha-ri-sêu dữ dội. Giờ đây “vụ án Giê-su” đã có trong tâm trí các đối thủ của Người… họ đã quyết định giết Người như “từng giết các ngôn sứ” (Mt 23,34-37). Năm cô “dại” Người nói đến không chỉ là những ả “khờ dại”, “thiếu phòng xa”. Từ Hy-lạp có nghĩa mạnh hơn nhiều. Đây là chuyện “điên dại” thực sự. Và theo nghĩa Kinh Thánh, người “điên dại” trước hết chẳng phải là kẻ ngu ngốc, thiếu nhận thức, nhưng là kẻ “vô đạo”, điên rồ đến độ chống lại Thiên Chúa : “Kẻ ngu si tự nhủ: làm chi có Chúa Trời!” (Tv 14,1). Trong Tin Mừng, cũng tiếng ấy chỉ kẻ không đem thực hành lời Đức Giê-su (x. Mt 7,26), chỉ những người Pha-ri-sêu “ngu si mù quáng” (Mt 23,17). Năm cô “dại” thành thử không chỉ là những thiếu nữ dễ thương nhưng ngớ ngẩn, lơ đễnh đãng trí. Đó liên can tới một thái độ tinh thần căn bản : “khôn” là kẻ đặt lời mình trên nền tảng Thiên Chúa… “dại” là kẻ đặt đời mình trên nền tảng những giá trị nghèo hèn của nhân loại. Vâng ! Cuộc sống là một cái gì rất nghiêm chỉnh : người ta phải tập chọn lựa dần dần để được hay mất tất cả. Đức Giê-su nhắc chúng ta nhớ điều ấy bằng cách phác thảo chân dung năm trinh nữ khôn và năm trinh nữ dại.

Nhưng dẫu câu chuyện chỉ mô tả một đám cưới thông thường, chỉ tiết vẫn xem ra hơi kỳ quái : “Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả”. Hiển nhiên ta đang nghe một ngôn ngữ biểu tượng. Trong “Diễn từ Cánh chung” chúng đang nằm vào (Mt 24-25), các chi tiết này hết sức nổi bật. Đó cũng là ý tưởng trong dụ ngôn nói đến tên đầy tớ đang khi đợi chủ về, đã bắt đầu tỏ ra hung ác say sưa vì “chủ về chậm” (Mt 24,48-49). Đợi chờ ! Đợi chờ một ai đến trễ. Trong kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng mình trông đợi Đức Giê-su trở lại : “Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Nhưng ngày gặp gỡ thì không thể tiên liệu. Và Đức Giê-su cảnh giác : nguy cơ nghiêm trọng là ngủ quên. Hình ảnh giấc ngủ thật đánh động : “ngủ” thay vì “sống” đời Ki-tô hữu. Cứ mải đợi chờ TC, “Đấng đến trễ”, xem ra xa vời, ta rút cục đâm mệt mỏi, và thế là nguội lạnh, đờ đẫn, quen nếp.

“Nửa đêm, có tiếng la lên”. Thiên Chúa bao giờ cũng đến “ban đêm” (Mt 24,43-44; Mc 13,35-36; Lc 12,20.39-40; 1Tx 5,2). Một tiếng kêu lớn xé tan màn đêm tĩnh mịch. Cảnh tượng thành ra được cố ý bi thảm hóa. Tiếng la làm ai nấy giật mình : Thiên Chúa đến bất ngờ “vào giờ người ta không ngờ tới” (Mt 24,44), “như chớp lóe từ đông sang tây” (Mt 24,27). Giây phút duy nhất quan trọng đối với mỗi người chính thật là giây phút ấy : giây phút của Thiên Chúa… giây phút của “gặp gỡ”… giây phút mà đối với mỗi một chúng ta, vĩnh cửu xuyên qua và xé toạc thời gian như trong một tiếng kêu bất ngờ. Chẳng ai biết lúc nào điều ấy tới. Hôm nay? Ngày mai? Trong một năm, mười năm nữa? Đức Giê-su cảnh giác chúng ta : bởi thế phải sẵn sàng. Vậy là chúng ta được tiên báo, một lần thay cho tất cả.

2. Chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Người.

“Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy và sửa soạn đèn”. Trong trình thuật của Đức Giê-su, hết thảy đều ngủ : khôn cũng như dại… Mọi cô đều có lỗi trong việc đợi chờ. Trong ngôn ngữ biểu tượng, tất cả đều đã bất trung. Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con ! Chúa không ngạc nhiên vì những yếu đuối của chúng con. Nhưng Chúa chờ đợi nơi chúng con những gì? Ít nhất cũng để “đèn sáng”. Chúa đâu có đòi điều bất khả : chỉ cần chút tỉnh thức còn lại, một ngọn đèn nhỏ tiếp tục “canh đêm” đang khi chúng con ngủ. Nhưng các cô dại thì thế nào? Đèn các cô tắt cả. Đành phải xin các cô khôn nhưng đã bị từ chối khéo. Đến chỗ này, luôn luôn có người công phẫn vì thái độ ích kỷ của những trinh nữ gọi là “khôn”. Phản ứng như thế là chẳng hiểu gì về thể văn “dụ ngôn” cả. Chúng ta đã thường nhận xét : mọi chi tiết trong đó không luôn mang bài học. Ở đây, rõ ràng là Đức Giê-su không thể muốn nói : hãy chỉ nghĩ đến mình… từ chối giúp tha nhân đi… cứ giữ cho mình của cải ! Người đã nói ngược lại đủ trong nhiều đoạn Tin Mừng khác. Nhưng Người hẳn có một bài học lớn muốn dạy chúng ta qua chi tiết khó có thật như thế, một chi tiết cố ý phóng đại, như trong một bức biếm họa để người ta thấy rõ. Vậy Đức Giê-su muốn dạy chúng ta điều gì? Xin nghe phần tiếp câu chuyện.

“Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi : “Thưa Ngài, thưa Ngài ! mở cửa cho chúng tôi với!” Nhưng chú rể đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” Các “trinh nữ dại” đã không biết sẵn sàng. Như những người khác, họ đã nhọc công, nhưng quá trễ ! Như những người khác, họ đã thắp đèn lên lại, nhưng quá trễ ! Như những người khác, họ đã đến cửa phòng tiệc cưới, nhưng quá trễ ! Đây là điều Đức Giê-su muốn nói. Có phải chúng ta được chọn ngày giờ đâu ! Hiển nhiên đây không phải là một chú rể bình thường (ai lại nỡ làm thế trong ngày cưới !) nhưng chính là vị Quan án của Ngày Chung thẩm : “Không phải những ai nói “Lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý Cha thôi” (Mt 7,21).

“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. Phán quyết khủng khiếp này nêu bật tất cả tính nghiêm trọng của tự do chúng ta. Việc chúng ta đã được yêu đâu phải là chuyện cười. Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, các “cô dại” đã bị loại khỏi phòng tiệc cưới chỉ vì trước hết, họ đã loại Thiên Chúa. Phán quyết Thiên Chúa đưa ra chỉ diễn tả cái họ đã đáng chịu vì chính thái độ của họ. Biệt phái (Pha-ri-sêu) thời Đức Giê-su hẳn rất hiểu điều này. Nhưng bây giờ là chúng ta, là tôi, là bạn. Bạn có sẵn sàng không? có tỉnh thức không? Có sợ cảnh dân thành Pompéi không?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lễ Giáng Sinh năm nay Vatican sẽ tái hiện cảnh Chúa Giáng Sinh đầu tiên
Đặng Tự Do
16:46 05/11/2023


Giáng Sinh này, cảnh Chúa Giáng Sinh của Vatican tại Quảng trường Thánh Phêrô sẽ đưa du khách trở lại với “máng cỏ Giáng Sinh sống động” đầu tiên do Thánh Phanxicô Assisi tạo ra vào năm 1223.

Tháng 12 sắp tới, Quảng trường Thánh Phêrô sẽ được trang trí bằng cảnh Chúa Giáng Sinh từ thung lũng Rieti ở miền trung nước Ý để kỷ niệm 800 năm ngày Thánh Phanxicô Assisi tạo ra cảnh Chúa Giáng Sinh trực tiếp đầu tiên ở thị trấn Greccio, vào năm 1223.

Cây Giáng Sinh của Vatican sẽ là một cây linh sam bạc từ dãy Alps, vì nó sẽ đến từ khu đô thị Macra thuộc giáo phận Piedmontese của Saluzzo ở miền bắc nước Ý. Những đồ trang trí Giáng Sinh này sẽ được ra mắt vào ngày 9 tháng 12 và sẽ được trưng bày cho đến ngày 7 Tháng Giêng năm 2024.

Năm 1223, Thánh Phanxicô Assisi đã tạo dựng cảnh Chúa Giáng Sinh đầu tiên. Cùng năm đó, Đức Thánh Cha Honorius Đệ Tam đã phê chuẩn Quy tắc dòng Phanxicô, nhằm quản lý cộng đồng Anh em Hèn mọn mới thành lập. Để kỷ niệm hai năm này, hang đá Giáng Sinh ở Vatican sẽ được trang trí theo phong cách dòng Phanxicô.

Hang đá ở Quảng trường Thánh Phêrô sẽ đưa du khách quay trở lại lễ Giáng Sinh năm 1223 và sẽ lấy cảm hứng từ câu chuyện của nhà văn dòng Phanxicô Tommaso da Celano về việc sau khi Thánh Phanxicô trở về sau chuyến đi đến Thánh địa, ngài muốn kỷ niệm ngày sinh của Chúa Kitô ở một thị trấn khiến ngài nhớ đến Bethlehem. Đó là Greccio, một thị trấn nhỏ ở thung lũng Rieti ở miền trung nước Ý, ẩn mình trong đá và nằm ở độ cao 700 mét so với mực nước biển.

Cảnh Chúa Giáng Sinh của Vatican và các tượng đất nung có kích thước thật sẽ đại diện cho hang động Greccio mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm vào năm 2019. Máng cỏ sẽ có hình một nhân vật dòng Phanxicô đang cử hành thánh lễ với sự hiện diện của Thánh Phanxicô bế Chúa Giêsu Hài đồng và Đức Trinh Nữ Maria. Bên cạnh ngài sẽ có Thánh Giuse đang tôn thờ, cũng như một con lừa và một con bò.

Cấu trúc của cảnh Chúa Giáng Sinh này, sẽ được đặt trên một đế hình bát giác tượng trưng cho lễ kỷ niệm 800 năm sự kiện này, nhằm gợi nhớ đến tảng đá của thánh địa Greccio. Xung quanh nó, một lưu vực sẽ tượng trưng cho dòng sông Velino chảy qua thung lũng Rieti. Tác phẩm do nghệ sĩ Francesco Artese thiết kế cũng sẽ có liên kết đến bốn khu bảo tồn dòng Phanxicô và thị trấn Rieti.

Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican, nơi Đức Giáo Hoàng chủ trì các buổi tiếp kiến chung vào mùa đông, cũng sẽ có máng cỏ của Rieti, được làm từ hàng ngàn tesserae bằng thủy tinh của Venice. Ngoài Thánh Gia, Thánh Phanxicô và Thánh Clare sẽ là một phần của khung cảnh này do nghệ sĩ khảm Alessandro Serena di Spilimbergo tạo ra.

Cây thông Noel của Thánh Phêrô sẽ được vận chuyển đến Rôma từ tỉnh Cuneo, cách thủ đô khoảng 700 km. Với độ cao 82 feet, nó được chọn từ thượng nguồn Thung lũng Maira, được đặt tên theo con sông chảy qua vùng núi Alps có rừng này.

Cây này có nguồn gốc từ đô thị Macra, bao gồm các thị trấn nằm ở độ cao khoảng 900 mét so với mực nước biển. Thông cáo báo chí giải thích rằng cộng đồng nhỏ gồm những giáo dân miền núi sống trong khu vực, những người rất tận tâm bảo tồn truyền thống của họ, đã có ý tưởng tặng một trong những cây của họ cho Vatican.

Với tinh thần sinh thái, cây sẽ được tô điểm bởi hàng nghìn loài hoa edelweis, là loài hoa đặc trưng của thung lũng và mọc tự nhiên ở độ cao 1800 mét. Những cây dùng để trang trí cây sẽ được trồng ở vùng đồng bằng thấp hơn bởi công ty Piumatto của Edelweiss ở Villar San Costanzo.

Lễ khánh thành cảnh Chúa Giáng Sinh và thắp sáng cây thông Noel sẽ diễn ra vào lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 9 tháng 12. Đức Hồng Y Fernando Vérgez Alzaga, Chủ tịch Chính quyền Thành phố Vatican, và Nữ tu Raffaella Petrini, Tổng Thư ký của Chính quyền, sẽ tham dự buổi lễ. Các phái đoàn từ Rieti và Macra sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến sớm cùng ngày.

Những người hành hương và khách du lịch đến Rôma để dự lễ kỷ niệm cuối năm sẽ có thể chiêm ngưỡng những đồ trang trí của Vatican cho đến ngày 7 Tháng Giêng năm 2024, lễ Chúa Kitô chịu phép rửa, đánh dấu sự kết thúc của mùa Giáng Sinh phụng vụ. Chiếc nôi sau đó sẽ được trưng bày vĩnh viễn tại thị trấn Rieti.

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha sẽ đích thân tụ tập dưới chân hang đá ở Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 31 tháng 12, sau giờ kinh chiều cuối cùng trong năm.


Source:Aleteia

 
Các nhà hoạt động Nicaragua vận động phong Hồng Y cho vị giám mục bị cầm tù
Đặng Tự Do
16:47 05/11/2023


Linh mục Dòng Tên José María Tojeira, đồng thời là phát ngôn viên của Dòng Tên ở Nicaragua, đang vận động để yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y cho vị Giám Mục can trường của Nicaragua, là Đức Giám Mục Rolando Álvarez.

Hơn 150 nhà lãnh đạo chính trị ở Nicaragua đã bị giam giữ theo lệnh trực tiếp của Daniel Ortega, bao gồm cả Giám mục nổi tiếng Rolando Álvarez, người đã bị kết án 26 năm tù và theo báo cáo, đã bị tước quốc tịch. Vào đầu tháng 10, thêm ba linh mục nữa đã bị giam giữ bất hợp pháp, là điều mà một số nhà hoạt động nhân quyền ở Nicaragua coi là một kiểu bách hại thẳng tay mang tính chất thách thức. Gần đây, sau khi được cho là đã đạt được thỏa thuận với Vatican, chế độ Ortega đã thả 12 linh mục Công Giáo, trục xuất các ngài sang Rôma. Nhưng cử chỉ biệt lập này còn lâu mới ngăn chặn được điều được coi là sự tiêu diệt có hệ thống đạo Công Giáo ở quốc gia Trung Mỹ này.

Một loạt báo cáo về Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua của luật sư và nhà nghiên cứu dân quyền lưu vong Martha Patricia Molina đã ghi lại 529 vụ tấn công trong 5 năm qua – 90 vụ tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay. Giáo hội đang bị tấn công một cách có hệ thống vì đây là “pháo đài độc lập cuối cùng còn sót lại ở Nicaragua”.

Molina giải thích, chế độ của Ortega “đã kiểm soát được các phương tiện truyền thông, các thể chế, các đảng phái chính trị và các tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, không gian duy nhất còn lại là Giáo Hội.”

Linh mục Dòng Tên José María Tojeira, đồng thời là phát ngôn viên của Dòng Tên ở Nicaragua, đang vận động để yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y cho Đức Giám Mục Rolando Álvarez.

Theo ghi chú được tờ báo La Prensa của Nicaragua đăng tải, việc tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Álvarez sẽ hàm ý một thông điệp chính trị mạnh mẽ. Nó không chỉ là sự thừa nhận công khai về cuộc đấu tranh cho công lý, hòa bình và tự do của Đức Giám Mục Alvarez ở Nicaragua, mà còn hàm ý một “thông điệp mang tính tiên tri: việc bổ nhiệm một Hồng Y giám mục đang bị cầm tù sẽ giống như quay trở lại nguồn gốc của chính Giáo hội,” học giả Ernesto Medina, một thành viên của Không gian đối thoại và hợp tác giữa các phe phái Nicaragua giải thích.

“Chúng ta biết rằng Giáo hội bắt đầu lan rộng từ những cuộc bách hại và cái chết của hàng ngàn vị tử đạo đã chịu đau khổ để thông điệp của Chúa Giêsu có thể lan rộng. Đau khổ và nhà tù không xa lạ với thông điệp của Giáo hội”, Medina giải thích.

Tháng 3 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Nicaragua tuyên bố rằng quan hệ ngoại giao giữa Nicaragua và Tòa thánh đã bị đình chỉ. Yêu cầu đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao tương ứng của họ được đưa ra một ngày sau khi chế độ Ortega quyết định đóng cửa Caritas Nicaragua, và một tuần sau khi đóng cửa bảy trường đại học – hai trong số đó có quan hệ với Giáo Hội Công Giáo: Đại học Công Giáo Đức Gioan Phaolô II và Trường Đại học Kitô giáo Tự trị. Tuy nhiên, đây không phải là sự rạn nứt dứt khoát trong quan hệ như các phương tiện truyền thông đưa tin khi đó.

Vào tháng 3 năm 2022, Sứ thần Tòa thánh lúc bấy giờ ở Managua, Đức Tổng Giám Mục Waldemar Stanisław Sommertag, đã bị trục xuất khỏi Nicaragua. Vào thời điểm đó, Tòa thánh đã phản ứng trước quyết định của Ortega với sự ngạc nhiên và tiếc nuối. “Biện pháp như vậy dường như không thể hiểu nổi bởi vì trong quá trình sứ mệnh của mình, Đức Tổng Giám Mục Sommertag đã làm việc với sự cống hiến sâu sắc vì lợi ích của Giáo hội và người dân Nicaragua, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, luôn tìm cách thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa thánh và người dân Nicaragua. chính quyền Nicaragua,” như được đọc trong một thông cáo báo chí được Vatican công bố vào thời điểm đó.


Source:Aleteia
 
Nhật Ký Trừ Tà số 264: Chuỗi Mân Côi gây ra cú điện giật cho ma quỷ
Đặng Tự Do
16:49 05/11/2023


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #264: The Rosary Electroshocks Demons”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 264: Chuỗi Mân Côi gây ra cú điện giật cho ma quỷ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một người phụ nữ nói với tôi rằng cô ấy đang bị ma quỷ tấn công và quấy rối. Cô nói: “Trong lúc tuyệt vọng, con đã bắt đầu lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Khi con đọc kinh Mân côi, con có cảm giác như thể con quỷ đang bị điện giật. Sự rung lắc, giật giật rất dữ dội. Chuỗi Mân Côi giống như một cú sốc điện đối với ma quỷ.”

Cô ấy cảm nhận được phản ứng của ma quỷ bởi vì, như cô ấy nói, “'Thứ' này bên trong con phản ứng khác nhau với những lời cầu nguyện và những điều thánh thiện khác nhau. Chúng dường như hòa quyện vào nhau bằng cách nào đó và truyền đạt cho con 'cảm giác và phản ứng' của nó.'“... Đây là một triệu chứng của trải nghiệm bị chiếm hữu- đó là sự đan xen của các tính cách.

Cô nói thêm rằng khi đọc Kinh Mân Côi: “Nó đặc biệt ghét phần ‘tha tội cho chúng con’ trong Kinh Lạy Cha và phần ‘cầu cho chúng con là kẻ có tội’ trong Kinh Kính Mừng. Con thường bị quỷ dữ tấn công khi con cầu nguyện những điều đó.” Tâm tình ăn năn về tội lỗi đã để cho lũ quỷ chiếm hữu của cô đang giúp đóng cánh cổng đối với ma quỷ.

Trong nhiều lần Đức Mẹ hiện ra và trong kinh nghiệm của nhiều vị thánh vĩ đại, Kinh Mân Côi được giơ lên như một lời cầu nguyện mạnh mẽ và quan trọng nhất. Đối với một số người, nó có vẻ không nhiều - chủ yếu là một tuyển tập hai lời cầu nguyện chung: Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, trong khi suy niệm các mầu nhiệm.

Nhưng điều mang lại cho Kinh Mân Côi sức mạnh của nó không phải là sự nhân lên gấp bội những lời cầu nguyện. Đúng hơn, đó là lời khẩn cầu gửi đến một người quyền năng nhất, Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ hứa ban nhiều ân sủng cho những ai cầu nguyện và tin tưởng vào sự chuyển cầu của Mẹ với Con của Mẹ. Trong trường hợp này, Đức Mẹ hứa rằng Kinh Mân Côi sẽ là áo giáp mạnh mẽ chống lại địa ngục. Đúng là như vậy.


Source:Catholic Exorcism
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5 Tháng Mười Một
Đặng Tự Do
20:25 05/11/2023


Chúa Nhật 5 Tháng Mười Một Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 31 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là thầy.

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Từ bài Tin Mừng trong phụng vụ hôm nay, chúng ta nghe một số lời của Chúa Giêsu về các luật sĩ và người Pharisêu, những người lãnh đạo tôn giáo của dân chúng. Đối với những người cầm quyền này, Chúa Giêsu dùng những lời rất nghiêm khắc, “vì họ rao giảng mà không thực hành” (Mt 23:3) và “họ làm mọi việc để cho người khác thấy” (c. 5). Đây là điều Chúa Giêsu nói – họ rao giảng chứ không thực hành và mọi việc họ làm đều để người ta nhìn thấy.

Vì vậy, chúng ta hãy tạm dừng ở hai khía cạnh này: khoảng cách giữa nói và làm, và sự chú tâm đến vẻ bên ngoài hơn là nội tâm.

Khoảng cách giữa nói và làm. Chúa Giêsu thách thức sự dối trá trong cuộc sống của những thầy dạy dân Israel này, những người tuyên bố dạy người khác Lời Chúa và được tôn trọng như những nhà lãnh đạo Đền thờ. Họ rao giảng một đàng nhưng lại sống một nẻo. Những lời này của Chúa Giêsu gợi lại những lời của các ngôn sứ, đặc biệt là ngôn sứ Isaia: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm.” (Is 29:13). Đây là mối nguy hiểm cần cảnh giác: đó là lòng dối trá. Chúng ta cũng có mối nguy hiểm này. Tâm hồn hai lòng này khiến tính xác thực của chứng tá cũng như uy tín của chúng ta với tư cách là những con người và những Kitô hữu gặp nguy hiểm.

Vì sự yếu đuối của mình, tất cả chúng ta đều trải qua một khoảng cách nhất định giữa những gì chúng ta nói và những gì chúng ta làm. Nhưng trái tim dối trá lại là chuyện khác. Đó là sống “một chân ở hai bên hàng rào” mà không gặp vấn đề gì. Chúng ta hãy nhớ điều này, nhất là khi chúng ta được mời gọi thực hiện vai trò trách nhiệm – trong cuộc sống, trong xã hội hay trong Giáo hội – không được nói dối! Quy tắc này luôn có giá trị đối với một linh mục, một nhân viên mục vụ, một chính trị gia, một giáo viên hoặc một bậc cha mẹ: trước hết hãy cam kết sống theo những gì anh chị em nói, những gì anh chị em rao giảng cho người khác. Để trở thành những người thầy đích thực, trước tiên chúng ta cần phải là những chứng nhân đáng tin cậy.

Hệ quả là khía cạnh thứ hai: sự chú tâm đến vẻ bên ngoài hơn là nội tâm. Thực ra, sống trong sự dối trá, các kinh sư và người Pharisêu lo ngại phải che giấu sự bất nhất của mình để giữ lấy danh tiếng bên ngoài. Quả thực, nếu người dân biết được những gì thực sự trong lòng họ thì họ sẽ xấu hổ, mất hết uy tín. Và vì vậy, họ đã làm những việc để tỏ ra chính trực, để “giữ thể diện”, như chúng ta hay nói. Thủ đoạn này rất phổ biến – họ trang điểm trên khuôn mặt, trang điểm trên cuộc đời, trang điểm trên trái tim… Và những người “trang điểm” này không biết sống theo sự thật. Và nhiều khi, ngay cả chúng ta cũng trải qua sự cám dỗ của sự dối trá.

Anh chị em ơi, hãy chấp nhận lời cảnh báo này của Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy tự hỏi: Chúng ta có cố gắng thực hành những gì chúng ta rao giảng hay chúng ta sống dối trá? Chúng ta có nói một đàng và làm một nẻo không? Có phải chúng ta chỉ quan tâm đến việc thể hiện vẻ ngoài hoàn hảo của mình, chỉ bề ngoài thôi hay chúng ta cũng trau dồi đời sống nội tâm của mình bằng sự chân thành của trái tim?

Chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Thánh. Xin Mẹ là người sống liêm chính và khiêm tốn trong lòng theo ý Chúa giúp chúng ta trở thành những chứng nhân đáng tin cậy của Tin Mừng.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi tiếp tục nghĩ về tình hình nghiêm trọng ở Palestine và Israel, nơi có rất nhiều người đã thiệt mạng. Nhân danh Chúa, tôi cầu xin mọi người dừng lại: ngừng sử dụng vũ khí! Tôi hy vọng rằng các con đường sẽ được theo đuổi để hoàn toàn tránh được sự leo thang xung đột, để những người bị thương có thể được giải cứu; và sự giúp đỡ có thể đến được với người dân Gaza, nơi tình hình nhân đạo cực kỳ nghiêm trọng. Cầu mong các con tin được giải thoát ngay lập tức. Trong số họ cũng có rất nhiều trẻ em – cầu mong các em được trở về với gia đình mình! Vâng, chúng ta hãy nghĩ đến các trẻ em, đến tất cả các trẻ em bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này, cũng như ở Ukraine và các cuộc xung đột khác: đây là cách mà tương lai của các em đang bị giết chết. Chúng ta hãy cầu nguyện để có đủ sức mạnh để nói “đủ rồi”.

Tôi ở gần người dân Nepal đang đau khổ vì trận động đất, cũng như những người tị nạn Afghanistan đã tìm được nơi ẩn náu ở Pakistan nhưng giờ đây không biết đi đâu. Tôi cũng cầu nguyện cho các nạn nhân bão lũ ở Ý và các quốc gia khác.

Tôi nồng nhiệt chào tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Vienna và Valencia, nhóm giáo xứ từ Cagliari, Ban nhạc và Ca đoàn từ Longomoso ở Upper Adige. Tôi chào các bạn trẻ đến từ Rodengo Saiano, Ome và Padergnone; các giáo lý viên từ Cassina de' Pecchi và các giáo lý viên từ giáo xứ Thánh Gioan Bosco ở Trieste; Tôi chào Hội đồng “Chấm dứt chiến tranh”.

Tôi hy vọng tất cả anh chị em có một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:https://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2023/doc
 
VietCatholic TV
Tướng Nga đẩy lính vào cửa tử Vuhledar. Kupiansk: Nga bỏ chạy. Satan-2 của Nga bắn lên, nổ tại chỗ
VietCatholic Media
03:03 05/11/2023


1. Quân đội Nga lặp lại cùng một sai lầm khi tấn công Vuhledar.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “A Year Ago, Russian Troops Got Massacred Assaulting Vuhledar. Now They’re Getting Massacred Trying Again.”, nghĩa là “Một năm trước, quân đội Nga đã bị thảm sát khi tấn công Vuhledar. Bây giờ họ đang bị thảm sát một lần nữa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Mùa đông năm ngoái, các Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Nga đã nhiều lần cố gắng và liên tục thất bại trong việc thoát ra khỏi Mykilske, một khu định cư ở tỉnh Donetsk phía nam Ukraine, nhằm chiếm Vuhledar, một thành trì của Ukraine ở phía bắc.

Gần một năm sau, họ thử lại. Hôm thứ Năm, một lực lượng lớn của Nga — có vẻ như thuộc Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 — đã tấn công Vuhledar. Họ nhanh chóng chạy qua bãi mìn và dừng lại trong các khu vực trong tầm bắn của pháo binh và máy bay không người lái do Lữ đoàn cơ giới số 72 của quân đội Ukraine giám sát.

Kết quả cuối năm 2023 cũng như đầu năm 2023. Người Ukraine đã phá hủy rất nhiều xe Nga và giết chết rất nhiều quân Nga.

Andrew Perpetua, một nhà phân tích tình báo nguồn mở, người thống kê tổn thất phương tiện trong cuộc chiến kéo dài 22 tháng của Nga với Ukraine, đã nhấn mạnh quy mô của thảm họa khi thủy quân lục chiến Nga va chạm với lực lượng phòng thủ của Lữ đoàn 72.

Chỉ trong một ngày kết thúc vào cuối ngày thứ Năm, Perpetua đếm được gần 60 xe Nga bị hư hỏng, phá hủy và bị bỏ lại - và chỉ có 17 xe Ukraine bị hư hỏng, phá hủy và bỏ lại. Đã có những ngày tồi tệ hơn đối với người Nga trong hai năm qua, nhưng không nhiều.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tóm tắt ngắn gọn sự thất bại của Nga. Ông Zelenskiy tuyên bố: “Đối phương đã cố gắng tiến về hướng Vuhledar, nhưng binh lính của chúng ta đã ngăn chặn họ, gây cho đối phương tổn thất nặng nề: hàng chục phương tiện, nhiều người thiệt mạng và bị thương”.

Thật khó để nói tại sao Điện Cẩm Linh lại tiến hành một cuộc tấn công khác vào một cứ điểm của Ukraine vốn đã nhiều lần chống lại thành công các cuộc tấn công trước đó - và tại sao họ lại làm điều đó vào lúc này.

Trong khi người Nga đã cố gắng bù đắp sự mất mát của hàng nghìn xe thiết giáp và hàng chục nghìn binh sĩ giàu kinh nghiệm bằng cách tái sử dụng các phương tiện cũ và huy động những tân binh mới, sẽ không chính xác khi nói rằng lực lượng Nga có sức mạnh chiến đấu dồi dào.

Và người Nga đang bận rộn. Họ đang phòng thủ trước cuộc phản công của Ukraine ở các tỉnh Kherson, Zaporizhzhia và Donetsk. Họ đang duy trì các cuộc phản công bên ngoài Kreminna và quan trọng nhất là Avdiivka.

Ba tuần tấn công của Nga vào Avdiivka, ngay phía tây bắc thành phố Donetsk, đã khiến các lữ đoàn Nga thiệt hại hàng trăm phương tiện và có thể là hàng nghìn binh sĩ. Những tổn thất ở quy mô đó sẽ khiến một đội quân thận trọng phải giật mình thay đổi hoàn toàn các hoạt động của mình.

Quân đội Nga không phải là đội quân cẩn thận. Thay vì dừng lại để cân nhắc tổn thất so với các mục tiêu của mình, nó đã tiếp tục xông tới - và thực hiện thêm một cuộc tấn công trực diện thứ hai nhằm vào lực lượng phòng thủ đã được chuẩn bị sẵn của Ukraine.

Cái giá phải trả về con người và trang thiết bị có thể sẽ tăng lên khi các cuộc tấn công tiếp tục. Có thể người Nga sẽ đột phá được ở Vuhledar hoặc Avdiivka, hoặc ở cả hai. Nhưng liệu các chiến thắng như thế có đáng giá một ngàn sinh mạng và nửa tỷ đô la thiết bị không?

Chỉ có Điện Cẩm Linh và xã hội Nga nói chung mới có thể trả lời câu hỏi đó.

Đối với người Ukraine, câu trả lời cho câu hỏi tương tự gần như chắc chắn là không. Quân đội Ukraine phải nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ người dân và vũ khí của mình. Họ đã rời khỏi Severodonetsk khi thành phố đó trở nên không thể phòng thủ được vào năm ngoái. Họ đã rời bỏ Bakhmut khi trở nên không thể phòng thủ được vào đầu năm nay.

Việc rút lui không ngăn cản được các cuộc phản công của Ukraine trong cùng khu vực hoặc các cuộc tấn công ở nơi khác dọc theo chiến tuyến dài 600 dặm. Người Ukraine đã chứng tỏ họ sẵn sàng đánh đổi không gian để lấy thời gian và cơ hội, ngay cả khi việc buôn bán này có vẻ như thất bại. Không rõ người Nga có tính toán tương tự hay không.

Quả thực, không rõ người Nga đang nghĩ gì. Không thể hiểu nổi một chút nào.

2. Zelenskiy: 'Đây không phải là tình thế bế tắc'

Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, hôm Thứ Bẩy, 4 Tháng Mười Một, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, nói:

Thời gian trôi qua, người ta mệt mỏi… Nhưng đây không phải là sự bế tắc. Nga kiểm soát bầu trời. Chúng tôi chăm sóc quân đội của chúng tôi. Không ai muốn bỏ rơi họ, giống như nước Nga không tiếc máu xương của binh lính. Làm thế nào để vượt qua điều này? F-16, chúng ta phải đợi các quân nhân của chúng ta học hỏi và chờ họ quay lại. Khi có lực lượng phòng không ở mặt trận, quân đội sẽ tiến lên và sử dụng các trang bị.

Tuần này, Tướng Ukraine Valerii Zaluzhnyi nói với tờ Economist: “Giống như trong chiến tranh thế giới thứ nhất, chúng ta đã đạt đến trình độ công nghệ khiến chúng ta rơi vào bế tắc. Rất có thể sẽ không có sự đột phá sâu sắc và đẹp đẽ nào cả”.

Nhưng Zelenskiy nói rằng vào năm 2022, nhiều người tin rằng quân đội Ukraine đang rơi vào thế bế tắc trước khi họ giành được thắng lợi.

“Một vài thủ đoạn quân sự, và bạn còn nhớ, vùng Kharkiv đã được giải phóng. Chúng ta không có quyền từ bỏ. Giải pháp thay thế là gì? Chúng ta cần phải cho đi một phần ba quốc gia của mình à? Đây sẽ chỉ là sự khởi đầu. Chúng ta biết xung đột đóng băng là gì, chúng tôi đã tự rút ra kết luận. Chúng ta cần hợp tác nhiều hơn với các đối tác về phòng không, khai thông bầu trời, tạo cơ hội cho chiến binh của chúng ta thực hiện các hành động tấn công.”

3. Quân Nga tổn thất nặng nề, rút lui và tập hợp lại theo hướng Kupiansk

Quân xâm lược Nga đã bị tổn thất đáng kể và hiện đang tập hợp lại ở khu vực Yahidne-Kupiansk-Vuzlovyi. Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, đã cho biết như trên hôm Chúa Nhật 5 Tháng Mười Một.

Tướng Syrskyi nói: “Tại khu vực Yahidne-Kupiansk-Vuzlovyi, kẻ thù bị tổn thất đáng kể, rút lui, ngừng các hoạt động tích cực và hiện đang tập hợp lại”.

Theo lời ông, Tập đoàn quân vũ trang tổng hợp số 6 và Tập đoàn quân xe tăng số 1 của Nga đã hứng chịu các tổn thất lớn. Họ rút lui, và ngưng các cuộc tấn công. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng các đơn vị này của Nga sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tấn công gần rừng Kupiansk, Pershotravneve và Orlianske.

Tướng Syrskyi nhận định: “Kẻ thù đang tăng cường nỗ lực chiếm các điểm cao, chiếm Synkivka và tạo điều kiện thuận lợi để chiếm Kupiansk”.

Theo Tướng Syrskyi, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đang thực hiện nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp. Trong tuần qua, Nga đã mất 583 quân trên hướng Kupiansk, trong đó có 220 người thiệt mạng và 358 người bị thương. Năm binh sĩ Nga đã bị bắt làm tù binh.

Kupiansk là một thành phố ở vùng Kharkiv, và là một trung tâm hậu cần quan trọng. Ngày nay, nó là một trong những điểm nóng nhất ở mặt trận.

4. Zelenskiyy nói không có áp lực đàm phán với Nga

Ký giả Paula Andrés của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “There is no pressure to negotiate with Russia, says Zelenskyy”, nghĩa là “ Zelenskiyy nói không có áp lực đàm phán với Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy hôm thứ Bảy đã bác bỏ thông tin cho rằng các quan chức Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ đã nói chuyện với chính phủ ở Kyiv về các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra với Nga.

“Không có nhà lãnh đạo nào của Hoa Kỳ hay Liên minh Âu Châu, các đối tác của chúng tôi – không ai gây áp lực cho chúng tôi buộc chúng tôi phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga và cho đi thứ gì đó”, ông Zelenskiyy nói trong cuộc họp báo chung ở Kyiv với Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen, là người đang có chuyến thăm không báo trước tới đất nước hoang tàn.

Zelenskiyy nói: “Chưa bao giờ xảy ra như thế và sẽ không bao giờ xảy ra chuyện như vậy”.

Trước đó một ngày, NBC News đưa tin rằng các quan chức Mỹ và Âu Châu đã bắt đầu nói chuyện với chính phủ Ukraine về những gì có thể xảy ra trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, dẫn lời một quan chức Mỹ hiện tại và một cựu quan chức Mỹ quen thuộc với các cuộc thảo luận. Theo báo cáo, các cuộc đối thoại có thể bao gồm những gì Ukraine có thể cần phải từ bỏ để đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.

Các quan chức giấu tên cho biết các cuộc thảo luận bắt đầu vào tháng trước trong một cuộc họp bao gồm các thành viên NATO, trong bối cảnh lo ngại rằng cuộc chiến Nga-Ukraine đã đi đến bế tắc, NBC đưa tin. Theo báo cáo, cũng có những lo ngại về việc các nước có thể tiếp tục viện trợ bao nhiêu cho Ukraine. Các quan chức Liên Hiệp Âu Châu hồi tháng trước đã cảnh báo rằng Âu Châu không thể tiếp tục viện trợ nếu Washington ngừng hỗ trợ cho Kyiv.

“Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và sẽ đưa ra các quyết định có chủ quyền,” von der Leyen nhấn mạnh tại cuộc họp báo chung ở Kyiv, đề cập đến đề xuất hòa bình 10 điểm mà Ukraine đưa ra vào năm ngoái.

Hơn 600 ngày tham gia cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Ukraine phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng tài chính do sự chậm trễ trong viện trợ theo kế hoạch từ Mỹ và trong bối cảnh không chắc chắn về thời điểm chính xác gói viện trợ lớn tiếp theo của Âu Châu sẽ được chuyển giao.

Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể khiến Kyiv rơi vào tình trạng thiếu hụt ngân sách vào năm 2024 - một tình huống tiềm ẩn đang gây lo lắng ở Ukraine.

5. Ngoại trưởng Lithuania nhận định về 'thỏa thuận hòa bình' với Nga: Con cháu chúng ta sẽ nguyền rủa chúng ta trong chiến hào

Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis đã cảnh báo chống lại bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga, vì Điện Cẩm Linh sẽ chỉ sử dụng những thỏa thuận đó như một sự tạm dừng để tái vũ trang.

Ông nói với Ukrinform, là thông tấn xã của nhà nước Ukraine, rằng:

“Đối với Nga, ‘thỏa thuận hòa bình’ chỉ có nghĩa là ‘thời gian để tái vũ trang’. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ bỏ lỡ cơ hội chấm dứt hàng thế kỷ xâm lược của đế quốc Nga và bảo đảm tương lai của nhiều châu lục. Con cái chúng ta sẽ nguyền rủa chúng ta trong những chiến hào mà chúng ta đang đào cho chúng bằng các thỏa thuận này”.

Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen tại Kyiv, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ đều không gây áp lực buộc ông phải đàm phán với Nga.

Trước đó, NBC đưa tin đại diện Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu đang bắt đầu thảo luận với Ukraine về khả năng tổ chức đàm phán hòa bình với Nga để chấm dứt chiến tranh. Tin tức này đã bị các phương tiện truyền thông của Kyiv phê bình là thêu dệt từ A đến Z.

6. Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, ca ngợi Ukraine đã đạt được “tiến bộ xuất sắc”

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, nói rằng Ukraine đã đạt được “tiến bộ xuất sắc” trong việc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Cô đã đưa ra lập trường trên vài ngày trước khi có báo cáo quan trọng về việc Kyiv xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Đứng cạnh Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, hôm Thứ Bẩy, 4 Tháng Mười Một, cô cho biết Ukraine đã đạt được nhiều cột mốc quan trọng bất chấp chiến tranh với Nga, đồng thời nhấn mạnh những cải cách tư pháp của Kyiv trong cuộc họp báo chung ở Kyiv.

“Tôi phải nói rằng các bạn đã đạt được tiến bộ vượt bậc. Tôi biết các bạn đang trong quá trình hoàn thành những cải cách nổi bật. Điều này khiến tôi tin tưởng Ukraine có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình là chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong quá trình gia nhập.”

Đánh giá của Liên Hiệp Âu Châu vào thứ Tư dự kiến sẽ cho biết Ukraine đã tiến xa đến đâu trong việc đáp ứng các tiêu chí kinh tế, pháp lý và các tiêu chí khác để dọn đường cho các cuộc đàm phán gia nhập vào tháng 12.

Von der Leyen cho biết thêm, Liên Hiệp Âu Châu đã cung cấp 83 tỷ euro cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine chống lại Nga và có kế hoạch gửi thêm 3 tỷ euro nữa trước cuối năm nay.

Ông Zelenskiy cho biết chính phủ Ukraine đã thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo đảm sự sẵn sàng của mình và cam kết tiếp tục cải cách. Ông nhấn mạnh nỗ lực chống tham nhũng, cải thiện tính minh bạch và giảm ảnh hưởng của các nhà tài phiệt đối với nền kinh tế.

“Chuyến thăm này diễn ra vào một thời điểm lịch sử... khi chúng ta đang chờ đợi một quyết định chính trị về Ukraine. Quyết định này sẽ có tác động then chốt không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với toàn bộ Âu Châu. Ukraine không ngừng chuyển đổi các thể chế của chúng tôi, các cuộc cải cách sẽ tiếp tục.”

Đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine đã nhận được một sự thúc đẩy khác vào hôm thứ Năm khi Ngoại trưởng Đức, Annalena Baerbock, cho biết cô tin tưởng Liên Hiệp Âu Châu sẽ đẩy mạnh đơn ghi danh của Ukraine vào tháng tới.

7. Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết Nga tiếp tục thất bại khi phóng thử hỏa tiễn Satan 2

Hai ký giả Jessica Baker và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “‘OFF-COURSE' TWO of Putin’s nuclear missiles failed during test launches as Russia deployed the ‘unstoppable’ Satan-2, Ukraine claims”, nghĩa là “Ukraine tuyên bố hỏa tiễn Nga lại 'đi chệch hướng '. Hai hỏa tiễn hạt nhân của Putin đã thất bại trong các vụ phóng thử khi Nga triển khai hỏa tiễn Satan-2 'không thể ngăn cản'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Nga đã phóng hỏa tiễn hạt nhân có sức công phá mạnh gấp 100 lần so với bom nguyên tử ném xuống Hiroshima trong cuộc tập trận tấn công ngày tận thế.

Tình báo quân sự Ukraine cho biết nhiều cuộc thử nghiệm hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga đã thất bại, gây ra một đòn đáng xấu hổ cho Vladimir Putin.

Bất kể các lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga, một số người cho rằng các vụ thử hỏa tiễn Yars và Bulava không thành công của Nga có thể chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng về khả năng hạt nhân của Mạc Tư Khoa.

Hôm Thứ Bẩy, 4 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết vào ngày 1 tháng 11, lực lượng phòng không và hỏa tiễn của Putin “đã tiến hành thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars, là thành phần chính của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm đã thất bại”.

Họ cho biết hỏa tiễn đã “đi chệch hướng” như đã từng xảy ra trước đó trong cuộc tập trận mô phỏng vào ngày 25/10.

Yusov cho biết: “Tương tự, vụ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo RSM-56 Bulava từ tàu ngầm mang hỏa tiễn vào ngày 25/10 đã không thành công, một lần nữa chứng tỏ các luận điệu hạt nhân của Nga là không có cơ sở”.

Nga chưa bao giờ xác nhận bất kỳ vụ thử hỏa tiễn thất bại nào mà luôn luôn khẳng định rằng các vụ phóng đã thành công vượt quá mong đợi.

Các cáo buộc của Ukraine được đưa ra trong bối cảnh có đồn đoán rằng Putin đã ra lệnh triển khai hệ thống hỏa tiễn Sarmat khổng lồ cho quân đội Nga, mặc dù chỉ thử nghiệm mới có một lần.

Được phương Tây biết đến với cái tên Satan-2, “hệ thống hỏa tiễn liên lục địa có tốc độ 15.880 mile một giờ, không thể ngăn cản, và có kích thước bằng một tòa tháp 14 tầng.

Nó thay thế RS-20 Voyevoda nhưng theo Ukraine, Satan-2 là một hỏa tiễn “chưa hoàn thiện, không hoàn hảo” và “thiếu bất kỳ lợi thế nào về thiết kế, đầu đạn hoặc phương pháp vượt qua hệ thống phòng thủ hỏa tiễn”.

Trong khi đó, việc giao máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2 mới ban đầu được lên kế hoạch trong năm nay được Kyiv cho biết đã bị hoãn lại do Nga không thể tiếp tục sản xuất phiên bản mới của động cơ NK-32.

Nhà chiến thuật quân sự và chính trị gia Liên Xô Viktor Alksnis trước đó đã chỉ ra một đoạn video quay cảnh Yars phóng từ phi trường vũ trụ Plesetsk ở phía bắc Nga và để lại vệt khói là bằng chứng cho sự thất bại của nó.

Ông cho rằng “một vụ nổ hỏa tiễn đã xảy ra ở phần tăng tốc của đường bay”. Có nguy cơ thực tế là nếu Nga phóng một hỏa tiễn không hoàn hảo như thế, một vụ nổ sẽ xảy ra ở ngay địa điểm phóng chứ không phải ở mục tiêu mà nó nhắm đến.

Diễn biến này xảy ra khi Mạc Tư Khoa vừa hủy bỏ việc phê chuẩn một hiệp ước thử nghiệm hạt nhân mang tính bước ngoặt.

8. Putin không có can đảm từ bỏ chức vụ Tổng thống. Khả năng xảy ra đảo chính là rất cao

Putin vừa công bố tổ chức một cuộc triển lãm hoành tráng nhằm nêu bật những thành tựu của đất nước. Cuộc triển lãm này sẽ kéo dài trong nhiều tháng trước cuộc bầu cử tổng thống. Động thái này khiến nhiều người tin rằng Vladimir Putin sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ Tổng thống mới.

Bình luận về diễn biến này, Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine cho rằng ở tuổi 71, dù mệt mỏi vì bệnh tật, Putin vẫn không có can đảm từ bỏ chức vụ Tổng thống vì không biết điều gì sẽ xảy ra cho ông ta.

Một số nhà quan sát cho rằng sắc lệnh của Putin về việc tổ chức cuộc triển lãm là nhằm mục đích tạo ra một khuôn khổ ý thức hệ cho việc tái tranh cử của ông. Các báo cáo tin tức đã gợi ý rằng Putin có thể tận dụng thời điểm khai mạc để tuyên bố ứng cử trong cuộc bầu cử vào tháng 3, nhưng phát ngôn nhân của ông sau đó cho biết ông sẽ không tham dự sự kiện này. Putin đã lãnh đạo Nga với tư cách tổng thống hoặc thủ tướng từ năm 2000 và việc tái đắc cử sẽ kéo dài nhiệm kỳ của ông cho đến năm 2030.

Sự kiện này được tổ chức tại VDNKh, khu triển lãm rộng lớn ở phía bắc Mạc Tư Khoa do Josef Stalin thành lập và nổi tiếng với bộ sưu tập các gian hàng theo phong cách Gothic tinh xảo của Liên Xô. Bối cảnh này khơi dậy nỗi hoài niệm của nhiều người Nga về thời kỳ Xô Viết và phản ánh nỗ lực của Putin nhằm khôi phục nước Nga trở thành một siêu cường như thời cộng sản.

Về chủ đề, triển lãm tập trung vào Nga như một quốc gia có nhiều dân tộc và nền văn hóa đa dạng được thống nhất bởi ý thức về mục đích quốc gia. Nó bao gồm các màn trình diễn từ từng khu vực của Nga, cũng như từ các khu vực Luhansk và Donetsk của Ukraine mà Nga tuyên bố đã sáp nhập, cùng với một loạt các bài thuyết trình về công nghiệp, giáo dục và công nghệ.

Nó cũng dựa trên quan điểm cho rằng Nga đang tham gia vào một cuộc chiến văn minh, một khái niệm đã được đưa lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận chính thức kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

“Bất kỳ hành động khiêu khích và hung hăng nào nhằm vào Nga đều sẽ thất bại. Bởi vì chúng ta là một dân tộc duy nhất, được ràng buộc bởi một lịch sử chung, tình anh em hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau”, Putin nói trong sắc lệnh tổ chức triển lãm.

9. Dmitry Peskov bác bỏ những đồn đoán cho rằng Putin sử dụng thế thân

Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov một lần nữa tìm cách xóa tan điều mà một hãng thông tấn nhà nước Nga mô tả là “huyền thoại” về những “thế thân” của Vladimir Putin.

“Chúng ta chỉ có một Putin,” ông nói. “Bây giờ các 'chuyên gia' đang đoán – có ba hoặc bốn người thế thân và những người mà chúng ta hiện thấy hàng ngày – sáng nay họ đã đặt hoa tại tượng đài Minin và Pozharsky – đây là “thế thân” thứ ba hay thứ tư đây.”

Tháng trước, Peskov nói để đáp lại tuyên bố rằng Putin đã đổ bệnh: “Đây thuộc loại trò lừa bịp thông tin vô lý mà cả loạt phương tiện truyền thông thảo luận với sự kiên trì đáng ghen tị. Điều này không gợi lên điều gì ngoài một nụ cười.”

Về những tuyên bố liên quan đến tình trạng sức khoẻ của Putin, Peskov nói vào tháng Tư: “Trên thực tế, Tổng thống luôn và là người rất năng động. Chúng tôi, những người làm việc chung với ông ấy, khó có thể theo kịp. Năng lượng của Tổng thống thật đáng ghen tị và người ta chỉ có thể mong muốn được khỏe mạnh như ông ấy”.

Trở lại năm 2020, Putin cho biết ông đã từ chối lời đề nghị sử dụng thế thân để bảo vệ cá nhân trong cuộc xung đột với Chechnya. “Tôi từ chối có thế thân, bất kể đó là thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến chống khủng bố”, ông nói.

10. Tuyên bố mới nhất của Erdoğan gây lo ngại cho Thụy Điển

Ký giả Paula Andrés của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Erdoğan says (again) that Sweden isn’t doing enough against Kurdish militants”, nghĩa là “Erdoğan nói (một lần nữa) rằng Thụy Điển làm chưa đủ để chống lại phiến quân người Kurd”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cho biết Stockholm chưa thực hiện đủ các bước để đối phó với phiến quân người Kurd, đồng thời lặp lại phản đối trước đó đối với yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển. Diễn biến này xảy ra sau khi nỗ lực của Thụy Điển dường như có tiến triển.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho công việc” phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO “miễn là các đối tác của chúng tôi tiếp cận chúng tôi một cách tích cực”, ông Erdoğan nói với các phóng viên hôm thứ Sáu, Reuters đưa tin.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đệ trình đề xuất gia nhập NATO của Thụy Điển lên quốc hội nước này để phê chuẩn vào tháng trước, kết thúc trò chơi đoán mò kéo dài nhiều tháng về việc liệu Ankara có ý định trì hoãn quá trình phê duyệt thêm nữa hay không.

Erdoğan đã yêu cầu Stockholm phải trấn áp những gì ông gọi là “những kẻ khủng bố” người Kurd hoạt động ở Thụy Điển, đồng thời nới lỏng các hạn chế đối với việc Thụy Điển bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ trước khi ông chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập liên minh quốc phòng.

Trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan, Erdoğan hoan nghênh việc Stockholm đã có hành động liên quan đến các cuộc biểu tình do Đảng Công nhân người Kurd, gọi tắt là PKK, có trụ sở tại Thụy Điển tổ chức, cũng như liên quan đến các lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Erdoğan cũng cho biết ưu tiên trong quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây sẽ được dành cho ngân sách nhà nước năm 2024 của chính phủ.

Cả Thụy Điển và Phần Lan đều nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 năm 2022, phá vỡ truyền thống không liên kết lâu đời sau khi Nga xâm chiếm Ukraine. Phần Lan đã gia nhập liên minh kể từ đó, trong khi nỗ lực của Thụy Điển bị trì hoãn ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Hung Gia Lợi.
 
Putin tê tái: Ukraine phá tan chiến hạm hỏa tiễn hành trình và xưởng đóng tầu Nga, áp sát Bakhmut
VietCatholic Media
16:41 05/11/2023


1. Ukraine phóng 15 hỏa tiễn vào xưởng đóng tàu của Nga ở cảng Crimea, phá hủy một con tàu phóng hỏa tiễn hành trình

Thông tấn xã Reuters có bài tường trình nhan đề “Ukraine hits Russian shipyard in Crimea port, damages ship” nghĩa là “Ukraine tấn công xưởng đóng tàu của Nga ở cảng Crimea, làm hư hại tàu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Ukraine đã bắn 15 hỏa tiễn hành trình vào xưởng đóng tàu Zalyv của Nga ở thành phố cảng Kerch trên bán đảo Crimea vào hôm thứ Bảy 4 Tháng Mười Một, làm hư hại một con tàu, Bộ Quốc phòng Nga cho biết như trên. Cuộc tấn công này rõ ràng đã làm suy yếu thêm khả năng tấn công của Mạc Tư Khoa.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn khi báo cáo về các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của Nga, rằng 13 hỏa tiễn đã bị phá hủy trên không, trong khi một hỏa tiễn bắn trúng một con tàu. Ông không cho biết tên con tàu, và cáo buộc Ukraine tấn công vào một các cơ sở hạ tầng dân sự.

Tư lệnh Không quân hàng đầu của Ukraine cho biết Hải quân Nga đã đồn trú ở đó một trong những tàu hiện đại nhất của họ, là một Hàng Không Mẫu Hạm mang hỏa tiễn hành trình Kalibr. Mạc Tư Khoa thường xuyên tấn công Ukraine trong cuộc chiến kéo dài 20 tháng bằng hỏa tiễn Kalibr.

“Tôi hy vọng một con tàu khác đã theo chân Moskva!” Trung Tướng Mykola Oleshchuk, Tư Lệnh Lực lượng Không quân Ukraine, cho biết như trên. Moskva là soái hạm của Hạm đội Hắc Hải của Nga bị hỏa tiễn Ukraine đánh chìm vào ngày 14/4/2022.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết việc Kyiv tăng cường khả năng tấn công tàu chiến và giảm bớt các lựa chọn giám sát của Nga ở Hắc Hải đã làm suy yếu các nỗ lực chiến tranh của Nga và giúp Ukraine bảo đảm tuyến đường vận chuyển để xuất khẩu ngũ cốc.

Sergei Aksyonov, nhà lãnh đạo Crimea do Nga bổ nhiệm, cho biết không có thương vong trong vụ tấn công hôm thứ Bảy vào xưởng đóng tàu ở Kerch ở Crimea. Mạc Tư Khoa sáp nhập Bán đảo Crimea từ Ukraine trong một động thái bị lên án rộng rãi vào năm 2014.

Theo một số kênh Telegram giám sát chiến tranh của Ukraine, một tàu mang hỏa tiễn hành trình tên là Askold của Nga đã bị hư hại trong cuộc tấn công.

Vào tháng 9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu Askold của Hạm đội Hắc Hải đã tham gia tiêu diệt các mục tiêu của Ukraine ở vùng biển ngoài khơi Crimea.

Theo truyền thông nhà nước Nga trước đó, con tàu được trang bị hệ thống hỏa tiễn Kalibr và hệ thống hỏa tiễn đất đối không và pháo phòng không tầm trung Pantsir sẽ đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2023.

2. Ukraine phản bác cáo buộc của Bộ Quốc Phòng Nga cho rằng xưởng đóng tầu Zalyv ở bán đảo Crimea là một cơ sở hạ tầng dân sự

Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam, Nataliya Humenyuk, cho biết “Vào tối ngày 4 tháng 11 năm 2023, Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công thành công vào cơ sở hạ tầng hàng hải và cảng của xưởng đóng tàu Zalyv ở thành phố Kerch tạm thời bị tạm chiếm”.

Cô khẳng định rằng “Những cơ sở như xưởng đóng tàu Zalyv có trụ sở tại Kerch ở Crimea bị Nga tạm chiếm là mục tiêu quân sự hợp pháp của Lực lượng Phòng vệ Ukraine.”

“Bạn không thể giấu một con mèo trong túi. Người Nga đã thừa nhận rằng con tàu đã bị hư hỏng. Và thiệt hại là khá nghiêm trọng. Bản thân đối tượng này, một xưởng đóng tàu, cũng là một mục tiêu quân sự hợp pháp vì nó bảo đảm khả năng của đối phương trong cuộc chiến này”, Humeniuk nói.

Theo lời cô, năng lực của doanh nghiệp này có thể được sử dụng để tăng cường nguồn lực của đối phương trong chiến tranh. Như vậy, phía Ukraine đã nỗ lực vạch mặt và đánh trúng mục tiêu.

“Các cuộc tấn công vào năng lực của hạm đội, ngay cả những tàu chưa tham gia chiến sự, chẳng hạn như con tầu Askold vừa bị tấn công, là một đòn rất mạnh về mặt tinh thần và tâm lý đối với tâm trạng chung của Hạm Đội Hắc Hải và quân đội Nga nói chung”.

Đồng thời, Humeniuk kêu gọi không nên đánh giá thấp đối phương, bởi người Nga vẫn còn rất nhiều lực lượng và phương tiện để tiến hành các cuộc tấn công. Mối đe dọa tấn công hỏa tiễn của Nga từ Hắc Hải vẫn còn cao.

3. Nga đang chứng kiến những tổn thất gia tăng đáng kinh ngạc trong một tháng qua

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Sees Staggering Jump in Losses in a Month, According to Kyiv Figures”, nghĩa là “Theo các số liệu của Kyiv, Nga chứng kiến những tổn thất gia tăng một cách đáng kinh ngạc trong một tháng.”

Theo số liệu mới nhất của Ukraine, tổn thất về quân đội của Nga tăng mạnh trùng hợp với cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa vào thị trấn Avdiivka.

Các lực lượng Nga được cho là đã chịu thương vong cao và tổn thất lớn về trang thiết bị trong cuộc tấn công vào thị trấn ở phía đông tỉnh Donetsk mà họ phát động vào đầu tháng 10.

Số lượng quân Nga mà Kyiv cho là đã “thanh lý” đã tăng dần từ khoảng 300 đến 600 mỗi ngày kể từ đầu tháng 7 lên khoảng 600 đến 1.000 binh sĩ kể từ đầu tháng 10. Kể từ tháng 7, tổng số binh sĩ Nga tử trận hàng ngày được ghi nhận thấp nhất là 320 vào ngày 26 tháng 9 và cao nhất là vào ngày 8 tháng 8, với 820 binh sĩ tử trận. Hầu hết các tổn thất hàng ngày đều ở mức 600.

Tuy nhiên, trong bản cập nhật hôm thứ Bảy, Ukraine cho biết Nga đã phải đối mặt với tổn thất lên tới 830 người. Điều này nâng tổng số thiệt hại trong suốt cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 lên 304.100 binh sĩ Nga tử trận. Cột mốc nghiệt ngã 300.000 đã đạt được vào đầu tuần này.

Con số thiệt hại của Nga về quân đội và trang thiết bị do Ukraine đưa ra cao hơn các ước tính khác. Vào cuối tháng 10, các quan chức quốc phòng Anh cho biết Nga đã mất từ 150.000 đến 190.000 nhân sự. Con số này bao gồm những người thiệt mạng hoặc bị thương vĩnh viễn, mặc dù nó không bao gồm những người lính từ Nhóm lính đánh thuê Wagner. Bộ Quốc phòng Anh cho rằng việc tấn công Avdiivka là nguyên nhân khiến tổn thất gia tăng.

Trong khi đó, số liệu từ cơ quan điều tra Mediazona, phối hợp với BBC News Russian, dựa trên các cáo phó có thể truy cập công khai, đã tính toán rằng, tính đến thứ Bảy, 35.780 binh sĩ Nga đã thiệt mạng.

Vào ngày 3 tháng 11, họ cho biết số người chết thực tế có thể cao hơn rất nhiều so với con số do họ đưa ra, vì họ chỉ dựa vào các cáo phó, và trước đó họ ước tính rằng, vào cuối tháng 5 năm 2023, cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin đã giết chết 47.000 người Nga dưới 50 tuổi.

Trong bản cập nhật phát hành hôm thứ Sáu, Mediazona cho biết 900 tên người Nga thiệt mạng đã được thêm vào danh sách. Cáo phó được đưa ra từ những tổn thất trong trận chiến giành Avdiivka, cuộc tấn công của Ukraine vào một con tàu ở Sevastopol và những người thiệt mạng trong cuộc tấn công của ATACMS vào các phi trường Berdyansk và Luhansk vào ngày 17 tháng 10.

Mediazona nói thêm rằng hầu hết những người thiệt mạng trong trận chiến đều đến từ các khu vực nhất định của Nga, cụ thể là Sverdlovsk, Bashkiria, Chelyabinsk và Buryatia.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Hoa Kỳ, quân đội Nga đã đạt được những tiến bộ hạn chế được xác nhận ở Avdiivka. ISW nói rằng đoạn phim được định vị địa lý được công bố hôm thứ Sáu cho thấy những bước tiến của Mạc Tư Khoa cách thành phố 2,5 dặm về phía bắc.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết quân đội của họ đã đẩy lùi hơn 17 cuộc tấn công của Nga ở phía bắc, phía tây và tây nam thị trấn.

4. Các quan chức Ukraine cho biết Nga có ý định chiếm nhà máy luyện than cốc Avdiivka

Thị trưởng Vitaliy Barabash, phát biểu trên truyền hình quốc gia, vào sáng Chúa Nhật 5 Tháng Mười Một, cho biết việc chặn đường truyền âm thanh của các sĩ quan Nga đã tiết lộ rằng Mạc Tư Khoa hiện đang tìm mọi cách chiếm được nhà máy này. “Họ có mục tiêu mới và đó là nhà máy luyện than cốc. Họ phải chiếm được nó bằng mọi giá. Chấm hết,” Barabash nói.

“Chúng tôi hiểu rằng làn sóng tấn công thứ ba chắc chắn sẽ bắt đầu bất kỳ ngày nào khi mặt đất khô ráo và chúng có thể tiến về phía trước. Chúng đang chuẩn bị và xây dựng lực lượng. Chúng tôi thấy và nghe thấy điều đó.”

Bộ Tổng tham mưu Ukraine, trong một báo cáo tối thứ Sáu, cho biết lực lượng của họ đã đẩy lùi 17 cuộc tấn công trong và xung quanh Avdiivka.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Chúa Nhật mùng 5 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm vào các khu vực khác nhau cho thấy các cuộc tấn công mới vào cơ sở hạ tầng đã bắt đầu khi mùa đông đến gần.

Báo cáo của Bộ Tổng tham mưu cũng cho biết lực lượng Ukraine đã đẩy lùi 7 cuộc tấn công gần Kupiansk, một thị trấn ở phía đông bắc bị Nga chiếm giữ lần đầu tiên, nhưng đã bị lực lượng Ukraine chiếm lại trong một cuộc tấn công nhanh chóng vào cuối năm ngoái.

5. Quân Ukraine áp sát khu vực thành phố Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật mùng 5 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đạt được những thành công nhất định theo hướng Bakhmut, mặc dù chưa có thay đổi căn bản nào được thực hiện.

Ông cho biết: “Lữ đoàn pháo binh biệt lập số 26 được đặt theo tên của Trung tướng Roman Dashkevych đã đẩy lùi thành công các đợt phản công của quân xâm lược. Chúng ta có một số bước tiến ở sườn phía nam, nơi có các tuyến hỏa xa. Có một số lượng đáng kể các khu vực rừng rậm, nơi quân xâm lược đang cố thủ. Ở một số nơi, chúng ta đã đẩy lùi được đối phương, loại bỏ quân phòng thủ Nga trong các chiến hào và đang dần tiến lên”.

Theo ông, người Nga quyết tâm giữ thành phố Bakhmut nên việc tiến quân là một hoạt động đầy thử thách do các bãi mìn và việc quân Nga tích cực sử dụng máy bay không người lái trinh sát.

Trong 24 giờ qua, có tất cả 71 cuộc giao tranh, 990 quân xâm lược bị loại khỏi vòng chiến cùng 8 xe tăng, 14 xe thiết giáp, 12 hệ thống pháo, và 6 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Không quân Ukraine đã tiến hành 3 cuộc tấn công vào các cụm nhân lực, vũ khí và thiết bị quân sự của đối phương, một cuộc tấn công nhằm vào hệ thống hỏa tiễn phòng không của đối phương, và một cuộc tấn công vào một nhà máy đóng tầu ở bán đảo Crimea.

6. Các cuộc tấn công của Nga ở Ukraine đã làm bị thương ít nhất 14 dân thường trong ngày qua.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu mùng 1 tháng Chín, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine cho biết 9 người bị thương trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào làng Zarichne. 26 thành phố và khu định cư trong khu vực đã bị tấn công trong 24 giờ qua.

Tại vùng Kherson, có 5 người bị thương. Cô cho biết các cuộc tấn công trong khu vực đến từ pháo binh, súng cối, máy bay không người lái, chiến đấu cơ và xe tăng.

Tại khu vực Dnipropetrovsk, Nikopol, một thành phố ở bờ đối diện sông Dnipro với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, lớn nhất Âu Châu, đã bị hỏa hoạn nhưng không có thương tích nào được báo cáo ngay lập tức.

7. Không có cuộc đàm phán bí mật nào giữa Kyiv và quốc gia xâm lược.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ZDF của Đức, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết hiện nay “không có cuộc đàm phán bí mật nào giữa Kyiv và quốc gia xâm lược.”

Khi được hỏi về bất kỳ cuộc đàm phán nào diễn ra 'đằng sau cánh cửa đóng kín' giữa Ukraine và Nga, Kuleba trả lời ngắn gọn: “Không”.

Nhà lãnh đạo cơ quan ngoại giao Ukraine lưu ý rằng Công thức Hòa bình dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Nói một cách đơn giản, Nga phải rời khỏi lãnh thổ Ukraine.

“Cho đến khi điều đó xảy ra, cho đến khi Nga sẵn sàng làm như vậy, thì việc tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Ông kêu gọi sự tin tưởng vào Ukraine và ủng hộ Ukraine, và khi đó chiến thắng của nước này cũng sẽ là chiến thắng của Đức.

Bình luận về tình hình với hỏa tiễn tầm xa Taurus mà Ukraine đã yêu cầu Đức kể từ mùa xuân năm ngoái, Kuleba đề cập rằng “câu hỏi vẫn còn ngỏ, nhưng Đức cần thời gian”.

Kuleba nhấn mạnh Ukraine đã phát triển mối quan hệ tin cậy với các đối tác và họ không nên lo lắng rằng vũ khí được cung cấp có thể không được sử dụng như đã thỏa thuận.

Đồng thời, Bộ trưởng Ukraine cảm ơn Chính phủ Liên bang Đức về hệ thống Patriot thứ hai, hệ thống này sẽ giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Theo Kuleba, phía Ukraine không cảm thấy sự hỗ trợ từ các đối tác phương Tây giảm đi, mặc dù cuộc chiến ở Trung Đông đã khiến truyền thông giảm sự tập trung vào Ukraine.

8. Gần 44 tỷ Mỹ Kim đã được chính quyền Tổng thống Biden chi để hỗ trợ an ninh cho Ukraine

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết gần 44 tỷ Mỹ Kim đã được chính quyền Tổng thống Biden chi để hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi nước này bị Nga xâm chiếm vào tháng 2 năm 2022.

Ông cho biết vẫn còn khoảng 5 tỷ Mỹ Kim trước khi hết tiền. Một cuộc thăm dò của Gallup trong tuần này cho thấy 41% người Mỹ tin rằng Mỹ đang làm quá nhiều để giúp Ukraine, tăng từ mức 24% chỉ ba tháng trước.

Theo NBC, Ukraine muốn có thêm thời gian trên chiến trường - đặc biệt là với những trang thiết bị mới mà nước này đã nhận được. Tuy nhiên, một quan chức chính quyền cao cấp nói với NBC: “Nhưng ngày càng có cảm giác rằng đã quá muộn và đã đến lúc phải thực hiện một thỏa thuận”.

Quan chức giấu tên, mà NBC đề cập đến, cũng dự đoán rằng các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine vào mùa đông này có thể một lần nữa có thể gây khó khăn nghiêm trọng cho dân thường. Lập luận này củng cố thêm nhu cầu phải thực hiện một thỏa thuận với Nga. NBC News nhấn mạnh rằng các quan chức Mỹ và Âu Châu đã bắt đầu nói chuyện với chính phủ Ukraine về khả năng phải đàm phán với Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy hôm thứ Bảy đã bác bỏ thông tin của NBC và khẳng định không có áp lự nào từ các quan chức Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ liên quan đến các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra với Nga.

Sau các phản bác của Tổng thống Zelenskiy, các phương tiện truyền thông ở Kyiv cho rằng báo cáo của NBC có thể đã được thêu dệt từ A đến Z.

9. Von der Leyen gợi ý về việc mở cửa Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine, nhưng thách thức vẫn còn

Các ký giả Barbara Moens, Veronika Melkozerova và Elisa Braun của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Von der Leyen hints at opening EU door for Ukraine, but challenges remain”, nghĩa là “Von der Leyen gợi ý về việc mở cửa Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine, nhưng thách thức vẫn còn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine vào hôm Thứ Bẩy, 4 Tháng Mười Một, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã hứa với Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy rằng Liên Hiệp Âu Châu sẽ tiếp tục hỗ trợ Kyiv trong bối cảnh lo ngại rằng xung đột Israel-Hamas đang chuyển sự chú ý khỏi cuộc chiến ở Ukraine.

Chuyến thăm của Von der Leyen tới thủ đô Ukraine diễn ra trước một thông báo quan trọng vào ngày 8 tháng 11, khi Brussels chuẩn bị công bố báo cáo về tiến trình của Ukraine và các ứng cử viên Liên Hiệp Âu Châu đầy tham vọng khác. Von der Leyen ám chỉ mạnh mẽ rằng Brussels sẽ khuyến nghị các nước Liên Hiệp Âu Châu mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine.

“Tôi tin tưởng rằng các bạn có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình: Đó là quyết định lịch sử mở ra quá trình đàm phán gia nhập sẽ được thực hiện trong năm nay,” von der Leyen nói trong cuộc họp báo hôm thứ Bảy với Tổng thống Zelenskiy. Cô cũng đã hoan nghênh “sự tiến bộ xuất sắc” của Kyiv.

Để bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập, Ukraine bắt buộc phải đáp ứng bảy điều kiện do Ủy ban đưa ra, bao gồm cải cách tư pháp và kiềm chế tham nhũng. Dựa trên đánh giá của Ủy ban, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu sau đó sẽ thảo luận tại cuộc họp vào giữa tháng 12 về việc có nên khởi động các cuộc đàm phán thành viên chính thức với Ukraine hay không.

Mykhailo Zhernkov, nhà lãnh đạo hội đồng quản trị của Dejure Foundation và là người thường xuyên chỉ trích chính phủ Ukraine, nói với POLITICO rằng ông nhận thấy có tiến bộ đáng kể trong cải cách tư pháp, mặc dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước. “Chúng ta cần ghi nhận sự tiến bộ của Ukraine. Nếu điều đó không được thực hiện ngay bây giờ, nó sẽ không đưa ra bất kỳ lý do nào để các chính trị gia của chúng ta tiếp tục những cuộc cải cách đau đớn”, Zhernkov nói.

Các quyết định mở rộng cần có sự ủng hộ của tất cả 27 nước Liên Hiệp Âu Châu. Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán tháng trước đã kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu thực hiện một chiến lược mới đối với Ukraine, cho rằng chiến lược hiện tại đã thất bại. Thủ tướng mới đắc cử của Slovakia Robert Fico cũng chỉ trích việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Các nước Liên Hiệp Âu Châu khác ủng hộ việc mở rộng về mặt chính trị, nhưng nhấn mạnh rằng điều này phải đi đôi với cải cách nội bộ Âu Châu.

Do đó, hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 12 sẽ rất quan trọng, Lukas Macek từ Viện nghiên cứu Jacques Delors của Pháp cho biết.

Macek nói: “Các nước Trung Âu là những người ủng hộ rất nhiệt tình, nhưng tôi tự hỏi liệu họ có dần dần thay đổi quan điểm hay không, nhận ra rằng những người mới đến sẽ tước đi những lợi thế nhất định của các quốc gia này, đặc biệt là các quỹ của Âu Châu”.

Cả Zelenskiyy và Phó Thủ tướng Ukraine Olga Stefanishyna, người phụ trách hội nhập Âu Châu, đều lạc quan về việc gia nhập trong tương lai trong các bình luận hôm thứ Bảy.

Trong cuộc họp báo chung với von der Leyen, Tổng thống Zelenskiyy nói rằng liên quan đến “những khuyến nghị cần thiết để bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên, chúng tôi đã thực hiện những khuyến nghị này. Nhưng Ukraine không dừng lại ở việc chuyển đổi các thể chế của chúng tôi, các cuộc cải cách sẽ tiếp tục.”

Khi được POLITICO hỏi liệu cô có lo ngại sự phản kháng từ bất kỳ quốc gia nào trong số 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu hay không, Stefanishyna nói: “Tôi thực sự nghĩ rằng Hung Gia Lợi sẽ lợi dụng động lực để thao túng và đầu cơ nhất định, nhưng nhìn chung tôi nghĩ sẽ có sự đồng thuận.”

Chuyến thăm của von der Leyen cũng gửi thông điệp quan trọng tới Kyiv rằng bất chấp xung đột ở Trung Đông, Liên Hiệp Âu Châu vẫn tập trung hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas có nguy cơ đẩy Ukraine ra khỏi tâm điểm chính trị khi làn sóng lãnh đạo Âu Châu và Mỹ quay cuồng khắp Trung Đông. Mỹ đặc biệt ngày càng bị phân tâm bởi cuộc chiến ở Trung Đông và có lập trường chia rẽ về việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine cũng như cuộc bầu cử sắp diễn ra vào năm 2024.

Trong cuộc họp báo chung ở Kyiv, ông Zelenskiyy nói rằng mặc dù rõ ràng “cuộc chiến ở Trung Đông đang thu hút sự chú ý của quốc tế” nhưng ông vẫn tin tưởng vào sự hỗ trợ quốc tế tiếp tục dành cho Ukraine.

Theo Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny trong một cuộc phỏng vấn với Economist, cam kết của Liên Hiệp Âu Châu cũng có thể thay đổi khi cuộc chiến ở Ukraine đã sa lầy trong chiến hào. Zelenskiyy không đồng tình với đánh giá của tướng quân đội.

“Mọi người đều mệt mỏi và có nhiều ý kiến khác nhau,” Zelenskiy nói với các phóng viên hôm thứ Bảy. “Nhưng đây không phải là một sự bế tắc.”

Tuy nhiên, phương Tây có thể phải bắt đầu chuẩn bị cho một kịch bản trong đó cuộc chiến ở Ukraine kéo dài và có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột đóng băng, giống như đã xảy ra ở Bắc Hàn.

Kai-Olaf Lang thuộc Viện An ninh và Quốc tế Đức cho biết: “An ninh là một phần quan trọng của quá trình gia nhập. Ông nói rằng sự đoàn kết và cân nhắc về địa chính trị sẽ vẫn là vấn đề then chốt. Lang nói, đàm phán và cải cách là một chuyện, bảo đảm an ninh cho Kyiv sau khi nước này trở thành thành viên chính thức của Liên Hiệp Âu Châu lại là chuyện khác.

10. Báo cáo của NBC cho rằng quan chức Mỹ và Âu Châu thảo luận về khả năng đàm phán hòa bình Ukraine-Nga

Kênh tin tức NBC của Mỹ đưa tin, dẫn lời một quan chức cao cấp của Mỹ và một cựu quan chức cao cấp khác, cả 2 đều giấu tên, đã thông báo cho mạng lưới về các kế hoạch dự kiến, và các cuộc đàm phán đang được tiến hành để phác thảo những gì Ukraine có thể phải từ bỏ để bảo đảm một thỏa thuận hòa bình với Nga.

NBC đưa tin các quan chức cho biết đại diện của hơn 50 quốc gia ủng hộ Ukraine, bao gồm cả các thành viên NATO, đã đề cập đến chủ đề này vào tháng trước. Các quan chức Mỹ và Âu Châu ngày càng lo ngại rằng cuộc chiến đang rơi vào bế tắc, vì cuộc phản công của Ukraine đã không thể đạt được đột phá.

Một số quan chức quân sự Hoa Kỳ được cho là đã nói riêng rằng kết quả của cuộc chiến có thể chỉ phụ thuộc vào việc bên nào có thể tồn tại lâu hơn bên kia, khi cả hai bên đều chuẩn bị trước một mùa đông sẽ khiến mọi bước tiến lớn nào đều trở nên khó khăn hơn. Ukraine cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển mộ binh lính mới, trong khi Nga có dân số đông hơn rất nhiều.

Các cuộc thảo luận cũng phản ánh bối cảnh chính trị đang thay đổi trong bối cảnh cuộc chiến Israel-Hamas và lượng tài trợ nước ngoài khổng lồ cần thiết để duy trì nỗ lực chiến tranh của Ukraine.

NBC đưa tin: “Các quan chức cũng nói riêng rằng Ukraine có thể chỉ còn thời gian đến cuối năm nay hoặc ngay sau đó trước khi các cuộc thảo luận khẩn cấp hơn về các cuộc đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu”. Các quan chức Mỹ cho biết: “Các quan chức Mỹ đã chia sẻ quan điểm của họ về mốc thời gian như vậy với các đồng minh Âu Châu”.
 
Công Giáo Nicaragua tha thiết xin ĐTC tấn phong Hồng Y vị Giám Mục đang bị bách hại với 26 năm tù
VietCatholic Media
16:45 05/11/2023


1. Lễ Giáng Sinh năm nay Vatican sẽ tái hiện cảnh Chúa Giáng Sinh đầu tiên

Giáng Sinh này, cảnh Chúa Giáng Sinh của Vatican tại Quảng trường Thánh Phêrô sẽ đưa du khách trở lại với “máng cỏ Giáng Sinh sống động” đầu tiên do Thánh Phanxicô Assisi tạo ra vào năm 1223.

Tháng 12 sắp tới, Quảng trường Thánh Phêrô sẽ được trang trí bằng cảnh Chúa Giáng Sinh từ thung lũng Rieti ở miền trung nước Ý để kỷ niệm 800 năm ngày Thánh Phanxicô Assisi tạo ra cảnh Chúa Giáng Sinh trực tiếp đầu tiên ở thị trấn Greccio, vào năm 1223.

Cây Giáng Sinh của Vatican sẽ là một cây linh sam bạc từ dãy Alps, vì nó sẽ đến từ khu đô thị Macra thuộc giáo phận Piedmontese của Saluzzo ở miền bắc nước Ý. Những đồ trang trí Giáng Sinh này sẽ được ra mắt vào ngày 9 tháng 12 và sẽ được trưng bày cho đến ngày 7 Tháng Giêng năm 2024.

Năm 1223, Thánh Phanxicô Assisi đã tạo dựng cảnh Chúa Giáng Sinh đầu tiên. Cùng năm đó, Đức Thánh Cha Honorius Đệ Tam đã phê chuẩn Quy tắc dòng Phanxicô, nhằm quản lý cộng đồng Anh em Hèn mọn mới thành lập. Để kỷ niệm hai năm này, hang đá Giáng Sinh ở Vatican sẽ được trang trí theo phong cách dòng Phanxicô.

Hang đá ở Quảng trường Thánh Phêrô sẽ đưa du khách quay trở lại lễ Giáng Sinh năm 1223 và sẽ lấy cảm hứng từ câu chuyện của nhà văn dòng Phanxicô Tommaso da Celano về việc sau khi Thánh Phanxicô trở về sau chuyến đi đến Thánh địa, ngài muốn kỷ niệm ngày sinh của Chúa Kitô ở một thị trấn khiến ngài nhớ đến Bethlehem. Đó là Greccio, một thị trấn nhỏ ở thung lũng Rieti ở miền trung nước Ý, ẩn mình trong đá và nằm ở độ cao 700 mét so với mực nước biển.

Cảnh Chúa Giáng Sinh của Vatican và các tượng đất nung có kích thước thật sẽ đại diện cho hang động Greccio mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm vào năm 2019. Máng cỏ sẽ có hình một nhân vật dòng Phanxicô đang cử hành thánh lễ với sự hiện diện của Thánh Phanxicô bế Chúa Giêsu Hài đồng và Đức Trinh Nữ Maria. Bên cạnh ngài sẽ có Thánh Giuse đang tôn thờ, cũng như một con lừa và một con bò.

Cấu trúc của cảnh Chúa Giáng Sinh này, sẽ được đặt trên một đế hình bát giác tượng trưng cho lễ kỷ niệm 800 năm sự kiện này, nhằm gợi nhớ đến tảng đá của thánh địa Greccio. Xung quanh nó, một lưu vực sẽ tượng trưng cho dòng sông Velino chảy qua thung lũng Rieti. Tác phẩm do nghệ sĩ Francesco Artese thiết kế cũng sẽ có liên kết đến bốn khu bảo tồn dòng Phanxicô và thị trấn Rieti.

Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican, nơi Đức Giáo Hoàng chủ trì các buổi tiếp kiến chung vào mùa đông, cũng sẽ có máng cỏ của Rieti, được làm từ hàng ngàn tesserae bằng thủy tinh của Venice. Ngoài Thánh Gia, Thánh Phanxicô và Thánh Clare sẽ là một phần của khung cảnh này do nghệ sĩ khảm Alessandro Serena di Spilimbergo tạo ra.

Cây thông Noel của Thánh Phêrô sẽ được vận chuyển đến Rôma từ tỉnh Cuneo, cách thủ đô khoảng 700 km. Với độ cao 82 feet, nó được chọn từ thượng nguồn Thung lũng Maira, được đặt tên theo con sông chảy qua vùng núi Alps có rừng này.

Cây này có nguồn gốc từ đô thị Macra, bao gồm các thị trấn nằm ở độ cao khoảng 900 mét so với mực nước biển. Thông cáo báo chí giải thích rằng cộng đồng nhỏ gồm những giáo dân miền núi sống trong khu vực, những người rất tận tâm bảo tồn truyền thống của họ, đã có ý tưởng tặng một trong những cây của họ cho Vatican.

Với tinh thần sinh thái, cây sẽ được tô điểm bởi hàng nghìn loài hoa edelweis, là loài hoa đặc trưng của thung lũng và mọc tự nhiên ở độ cao 1800 mét. Những cây dùng để trang trí cây sẽ được trồng ở vùng đồng bằng thấp hơn bởi công ty Piumatto của Edelweiss ở Villar San Costanzo.

Lễ khánh thành cảnh Chúa Giáng Sinh và thắp sáng cây thông Noel sẽ diễn ra vào lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 9 tháng 12. Đức Hồng Y Fernando Vérgez Alzaga, Chủ tịch Chính quyền Thành phố Vatican, và Nữ tu Raffaella Petrini, Tổng Thư ký của Chính quyền, sẽ tham dự buổi lễ. Các phái đoàn từ Rieti và Macra sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến sớm cùng ngày.

Những người hành hương và khách du lịch đến Rôma để dự lễ kỷ niệm cuối năm sẽ có thể chiêm ngưỡng những đồ trang trí của Vatican cho đến ngày 7 Tháng Giêng năm 2024, lễ Chúa Kitô chịu phép rửa, đánh dấu sự kết thúc của mùa Giáng Sinh phụng vụ. Chiếc nôi sau đó sẽ được trưng bày vĩnh viễn tại thị trấn Rieti.

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha sẽ đích thân tụ tập dưới chân hang đá ở Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 31 tháng 12, sau giờ kinh chiều cuối cùng trong năm.


Source:Aleteia

2. Các nhà hoạt động Nicaragua vận động phong Hồng Y cho vị giám mục bị cầm tù

Linh mục Dòng Tên José María Tojeira, đồng thời là phát ngôn viên của Dòng Tên ở Nicaragua, đang vận động để yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y cho vị Giám Mục can trường của Nicaragua, là Đức Giám Mục Rolando Álvarez.

Hơn 150 nhà lãnh đạo chính trị ở Nicaragua đã bị giam giữ theo lệnh trực tiếp của Daniel Ortega, bao gồm cả Giám mục nổi tiếng Rolando Álvarez, người đã bị kết án 26 năm tù và theo báo cáo, đã bị tước quốc tịch. Vào đầu tháng 10, thêm ba linh mục nữa đã bị giam giữ bất hợp pháp, là điều mà một số nhà hoạt động nhân quyền ở Nicaragua coi là một kiểu bách hại thẳng tay mang tính chất thách thức. Gần đây, sau khi được cho là đã đạt được thỏa thuận với Vatican, chế độ Ortega đã thả 12 linh mục Công Giáo, trục xuất các ngài sang Rôma. Nhưng cử chỉ biệt lập này còn lâu mới ngăn chặn được điều được coi là sự tiêu diệt có hệ thống đạo Công Giáo ở quốc gia Trung Mỹ này.

Một loạt báo cáo về Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua của luật sư và nhà nghiên cứu dân quyền lưu vong Martha Patricia Molina đã ghi lại 529 vụ tấn công trong 5 năm qua – 90 vụ tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay. Giáo hội đang bị tấn công một cách có hệ thống vì đây là “pháo đài độc lập cuối cùng còn sót lại ở Nicaragua”.

Molina giải thích, chế độ của Ortega “đã kiểm soát được các phương tiện truyền thông, các thể chế, các đảng phái chính trị và các tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, không gian duy nhất còn lại là Giáo Hội.”

Linh mục Dòng Tên José María Tojeira, đồng thời là phát ngôn viên của Dòng Tên ở Nicaragua, đang vận động để yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y cho Đức Giám Mục Rolando Álvarez.

Theo ghi chú được tờ báo La Prensa của Nicaragua đăng tải, việc tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Álvarez sẽ hàm ý một thông điệp chính trị mạnh mẽ. Nó không chỉ là sự thừa nhận công khai về cuộc đấu tranh cho công lý, hòa bình và tự do của Đức Giám Mục Alvarez ở Nicaragua, mà còn hàm ý một “thông điệp mang tính tiên tri: việc bổ nhiệm một Hồng Y giám mục đang bị cầm tù sẽ giống như quay trở lại nguồn gốc của chính Giáo hội,” học giả Ernesto Medina, một thành viên của Không gian đối thoại và hợp tác giữa các phe phái Nicaragua giải thích.

“Chúng ta biết rằng Giáo hội bắt đầu lan rộng từ những cuộc bách hại và cái chết của hàng ngàn vị tử đạo đã chịu đau khổ để thông điệp của Chúa Giêsu có thể lan rộng. Đau khổ và nhà tù không xa lạ với thông điệp của Giáo hội”, Medina giải thích.

Tháng 3 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Nicaragua tuyên bố rằng quan hệ ngoại giao giữa Nicaragua và Tòa thánh đã bị đình chỉ. Yêu cầu đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao tương ứng của họ được đưa ra một ngày sau khi chế độ Ortega quyết định đóng cửa Caritas Nicaragua, và một tuần sau khi đóng cửa bảy trường đại học – hai trong số đó có quan hệ với Giáo Hội Công Giáo: Đại học Công Giáo Đức Gioan Phaolô II và Trường Đại học Kitô giáo Tự trị. Tuy nhiên, đây không phải là sự rạn nứt dứt khoát trong quan hệ như các phương tiện truyền thông đưa tin khi đó.

Vào tháng 3 năm 2022, Sứ thần Tòa thánh lúc bấy giờ ở Managua, Đức Tổng Giám Mục Waldemar Stanisław Sommertag, đã bị trục xuất khỏi Nicaragua. Vào thời điểm đó, Tòa thánh đã phản ứng trước quyết định của Ortega với sự ngạc nhiên và tiếc nuối. “Biện pháp như vậy dường như không thể hiểu nổi bởi vì trong quá trình sứ mệnh của mình, Đức Tổng Giám Mục Sommertag đã làm việc với sự cống hiến sâu sắc vì lợi ích của Giáo hội và người dân Nicaragua, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, luôn tìm cách thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa thánh và người dân Nicaragua. chính quyền Nicaragua,” như được đọc trong một thông cáo báo chí được Vatican công bố vào thời điểm đó.


Source:Aleteia

3. Nhật Ký Trừ Tà số 264: Chuỗi Mân Côi gây ra cú điện giật cho ma quỷ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #264: The Rosary Electroshocks Demons”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 264: Chuỗi Mân Côi gây ra cú điện giật cho ma quỷ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một người phụ nữ nói với tôi rằng cô ấy đang bị ma quỷ tấn công và quấy rối. Cô nói: “Trong lúc tuyệt vọng, con đã bắt đầu lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Khi con đọc kinh Mân côi, con có cảm giác như thể con quỷ đang bị điện giật. Sự rung lắc, giật giật rất dữ dội. Chuỗi Mân Côi giống như một cú sốc điện đối với ma quỷ.”

Cô ấy cảm nhận được phản ứng của ma quỷ bởi vì, như cô ấy nói, “'Thứ' này bên trong con phản ứng khác nhau với những lời cầu nguyện và những điều thánh thiện khác nhau. Chúng dường như hòa quyện vào nhau bằng cách nào đó và truyền đạt cho con 'cảm giác và phản ứng' của nó.'“... Đây là một triệu chứng của trải nghiệm bị chiếm hữu- đó là sự đan xen của các tính cách.

Cô nói thêm rằng khi đọc Kinh Mân Côi: “Nó đặc biệt ghét phần ‘tha tội cho chúng con’ trong Kinh Lạy Cha và phần ‘cầu cho chúng con là kẻ có tội’ trong Kinh Kính Mừng. Con thường bị quỷ dữ tấn công khi con cầu nguyện những điều đó.” Tâm tình ăn năn về tội lỗi đã để cho lũ quỷ chiếm hữu của cô đang giúp đóng cánh cổng đối với ma quỷ.

Trong nhiều lần Đức Mẹ hiện ra và trong kinh nghiệm của nhiều vị thánh vĩ đại, Kinh Mân Côi được giơ lên như một lời cầu nguyện mạnh mẽ và quan trọng nhất. Đối với một số người, nó có vẻ không nhiều - chủ yếu là một tuyển tập hai lời cầu nguyện chung: Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, trong khi suy niệm các mầu nhiệm.

Nhưng điều mang lại cho Kinh Mân Côi sức mạnh của nó không phải là sự nhân lên gấp bội những lời cầu nguyện. Đúng hơn, đó là lời khẩn cầu gửi đến một người quyền năng nhất, Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ hứa ban nhiều ân sủng cho những ai cầu nguyện và tin tưởng vào sự chuyển cầu của Mẹ với Con của Mẹ. Trong trường hợp này, Đức Mẹ hứa rằng Kinh Mân Côi sẽ là áo giáp mạnh mẽ chống lại địa ngục. Đúng là như vậy.


Source:Catholic Exorcism
 
Thánh Ca
Thánh Ca Tháng Các Linh Hồn : LỜI KHẨN CẦU - Trình bày: Kim Thúy – Nguyễn Thanh Phong
Kim Thúy
06:05 05/11/2023
 
Nếu mai Chúa đến
Lm. Thái Nguyên
21:46 05/11/2023

 
TV 62
Lm. Thái Nguyên
21:48 05/11/2023