PHẦN I: KHẢO SÁT HỒ SƠ



Chương Một: BẰNG CHỨNG TẬN MẮT



Có thể tin các tiểu sử của Chúa Giêsu không?

Khi tôi gặp Leo Carter, người hay e thẹn và ăn nói nhỏ nhẹ, ông ta là một người 70 tuổi kỳ cựu sống tại khu sống động nhất của Chicago. Lời khai của ông đã bỏ tù 3 tên sát nhân. Và ông ta vẫn mang viên đạn cỡ.33 trong đầu, một nhắc nhớ rùng rợn câu truyện ly kỳ khiếp đảm khi ông mục kích Elijah Baptist hạ sát người bán tạp hóa địa phương.

Leo và một người bạn, Leslie Scott, đang chơi môn bóng rổ khi họ thấy Elijah, rồi tên du đãng 16 tuổi với 30 vụ bị bắt trên hồ sơ bắt giữ của cảnh sát, bắn hạ Sam Blue ở bên ngoài cửa hàng tạp hóa.

Leo biết người bán tạp hóa từ thời thơ ấu. Leo giải thích với tôi bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, “khi chúng tôi không còn chút thực phẩm nào, ông ấy đã cho chúng tôi một mớ. Nên khi tôi tới bệnh viện thì người ta bảo tôi ông ta đã chết, nên tôi biết tôi phải khai điều tôi nhìn thấy”.

Lời khai của nhân chứng tận mắt có giá trị mạnh mẽ. Một trong những giây phút cảm kích nhất trong một phiên xử là khi một nhân chứng mô tả tội ác một cách chi tiết, tội ác mà chính họ được thấy rồi tin tưởng chỉ vào bị cáo như kẻ phạm tội. Elijah Baptist biết rằng cách duy nhất tránh được nhà tù là làm cách nào đó ngăn cản được Leo Carter và Leslie Scott làm điều đó.

Do đó, Elijah và hai người bạn nối khố làm cuộc săn lùng. Chẳng bao lâu, họ lùng được Leo và Leslie, đang dạo phố với người anh của Leo tên Henry, và họ dí súng bắt cả 3 vào khu chứa đồ tối đen gần đó. Người anh họ của Elijah nói với Leo, “tôi thích anh nhưng tôi phải làm việc này”. Nói rồi, hắn ấn khẩu súng vào sống mũi Leo và bóp cò.

Súng nổ; viên đạn chạy hơi xiên, làm mù mắt phải của Leo và nằm lại trong đầu ông ta. Khi ông ngã xuống đất, một phát súng nữa đã phát hỏa, viên đạn này trúng chỗ chỉ cách xương sống 2 “inches”.

Khi Leo, nằm ngửa, giả vờ chết, ông thấy em ông đang thổn thức và bạn ông bị xử tử không thương tiếc cận kề. Khi Elijah và đồng bọn bỏ chạy, Leo bò vào nơi an toàn.

Một cách nào đó, lạ lùng thay Leo đã sống sót. Viên đạn vẫn để yên trong đầu ông vì rất nguy hiểm nếu lấy ra, bất chấp những cơn đau xé đầu mà thuốc thang cũng không thể làm giảm bớt, ông là nhân chứng duy nhất chống Elijah Baptist tại phiên xử tên này vì đã giết người bán tạp hóa Sam Blue. Các bồi thẩm viên tin Leo, và Elijah bị kết án 80 năm tù.

Một lần nữa, Leo lại là nhân chứng tận mắt duy nhất làm chứng chống lại Elijah và hai đồng bọn trong vụ sát hại em ông và bạn ông. Và một lần nữa lời của ông đủ tốt để dẫn ba tên này vào tù mãn đời.

Leo Carter là một trong các anh hùng của tôi. Ông bảo đảm để công lý được phục vụ, mặc dù phải trả một cái giá khổng lồ vì nó. Khi tôi nghĩ tới nhân chứng tận mắt, thậm chí cho tới nay, hơn 20 năm sau, khuôn mặt ông vẫn còn hiện rõ trong tâm trí tôi (1).



Lời chứng từ một thời xa xưa

Đúng, lời chứng của chứng nhân tận mắt rất có tính thuyết phục. Khi một nhân chứng tận mắt có đủ cơ hội để chứng kiến một tội ác, khi không có thiên kiến hay động lực che đậy, khi nhân chứng tận mắt nói thật và hợp tình hợp lý, thì hành vi tuyệt đỉnh vạch mặt một bị cáo tại tòa án đủ để đưa anh ta vào tù hoặc tệ hơn thế.

Và lời chứng của nhân chứng tận mắt cũng chủ yếu trong các vấn đề điều tra có tính lịch sử, cả vấn đề liệu Chúa Giêsu Kitô có phải là Con duy nhất của Thiên Chúa hay không.

Nhưng chúng ta có được loại trình thuật nào của nhân chứng tận mắt? Chúng ta có được chứng ngôn của bất cứ ai đích thân tương tác với Chúa Giêsu không, từng lắng nghe các giáo huấn của Người, thấy các phép lạ Người làm, tận mắt thấy cái chết của Người, và có lẽ còn được gặp Người sau biến cố người ta cho là phục sinh? Chúng ta có được bất cứ ghi chép nào từ “các nhà báo” của thế kỷ thứ nhất không, những người từng phỏng vấn các chứng nhân tận mắt, hỏi những câu hỏi hắc búa và trung thành ghi chép lại những gì họ thận trọng kết luận là chân thật? Điều quan trọng không kém là các trình thuật này đứng vững ra sao trước sự lục lọi của những kẻ hoài nghi?

Tôi biết rằng cũng như chứng ngôn của Leo Carter đã xác nhận việc kết án ba tên sát nhân dã man, các trình thuật của nhân chứng tận mắt từ các mù mịt của thời xa xưa cũng có thể giúp giải quyết vấn đề tâm linh quan trọng hơn hết. Để có được những câu trả lời vững chắc, tôi đã sắp xếp để phỏng vấn học giả nổi tiếng khắp nước, người từng viết cuốn sách về chủ đề này: Tiến sĩ Craig Blomberg, tác giả cuốn The Historical Reliability of Gospels [Tính đáng tin cậy của các Tin Mừng].

Tôi biết Blomberg rất thông minh; thực vậy, ngay ngoại hình của ông cũng đã nói lên điều đó. Cao (sáu bộ hai), gầy và lêu khêu, với mái tóc ngắn, mầu nâu gợn sóng chải một cách phi nghi lễ về phía trước, bộ râu sởn sơ, cặp kính dầy không vành, trông ông giống típ người từng đại diện học sinh đọc bài diễn văn từ biệt ở trung học (ông quả là học sinh này), một Học giả Thành tích Quốc gia (ông quả là học giả này), và đậu tiến sĩ tối ưu từ một chủng viện danh tiếng (Ông quả là người này, từ Trường Thần Học Ba Ngôi Tin Lành).

Nhưng tôi muốn một ai đó không những chỉ thông minh và học thức. Tôi tìm một chuyên gia không che đậy các sắc thái hoặc vô tình bác bỏ các thách thức trong hồ sơ của Kitô giáo. Tôi muốn một ai đó liêm chính, ai đó từng vật lộn với những chỉ trích đức tin mạnh mẽ nhất và ăn nói một cách có thế giá nhưng không có thứ tuyên bố chung chung nhằm che đậy hơn là xử lý với các vấn đề có phê phán.

Tôi được người ta cho hay Blomberg chính là người tôi tìm kiếm, thế là tôi bay tới Denver, thắc mắc không rõ ông có đáp ứng hoài mong của tôi hay không. Quả tình, tôi có một vài hoài nghi, nhất là khi việc nghiên cứu của tôi phát hiện một sự kiện khá đáng lo ngại là Blomberg vẫn luôn hy vọng đội anh hùng thời thơ ấu của ông, đội Chicago Cubs, sẽ thắng World Series trong sinh thời của ông.

Thành thật mà nói, điều trên đủ khiến tôi hơi chút hoài nghi về khả năng biện phân của ông này.

Cuộc Phỏng vấn Thứ nhất: Craig L. Blomberg, Ph.D.

Craig Blomberg được nhiều người coi như một trong các thế giá hàng đầu của cả nước về các cuốn tiểu sử về Chúa Giêsu, mà người ta vốn gọi là bốn sách Tin Mừng. Ông đậu tiến sĩ về Tân Ước tại Đại Học Aberdeen ở Tô Cách Lan, sau đó, phục vụ trong tư cách chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Tyldale House của Đại Học Cambridge, nơi ông là thành phần của một nhóm ưu tú các học giả quốc tế từng cho ra đời một loạt các công trình được ca ngợi về Chúa Giêsu. Trong chừng chục năm gần đây, ông là giáo sư Tân Ước tại Chủng viện Denver được nhiều người trọng kính.

Các sách của Blomberg bao gồm Jesus and the Gospels [Chúa Giêsu cà Các Tin Mừng]; Interpreting the Parables [Giải thích Các Dụ ngôn]; How Wide the Divide? (Sự chia rẽ sâu rộng chừng nào]; và các chú giải Tin Mừng Mátthêu và thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Ông cũng giúp hiệu đính sáu cuốn Gospel Perspectives [Viễn tượng Tin Mừng], bàn thấu đáo tới các phép lạ của Chúa Giêsu, và ông đồng tác giả cuốn Introductio to Biblical Interpretation [Dẫn nhậo vào Việc Giải thích Kinh thánh]. Ông đóng góp nhiều chương về tính lịch sử của các Tin Mừng cho cuốn Reasonable Faith (Đức tin Hợp lý) và cuốn Jesus under Fire [Chúa Giêsu dưới Lửa] được giải thưởng. Ông là hội viên của Hội Nghiên cứu Tân Ước, Hội Văn chương Kinh thánh, và Viện Nghiên cứu Kinh thánh.

Như lòng tôi mong đợi, văn phòng của ông có rất nhiều bộ sách bác học xếp trên giá sách (ông còn đeo chiếc càvạt lóng lánh với các hình vẽ sách vở).

Tuy nhiên, tôi mau chóng nhận thấy các bức tường quanh văn phòng của ông trưng bầy các tranh vẽ của các con gái ông hơn là các bộ sách bụi bặm của các sử gia ngày xưa. Các mô tả tùy thích và đầy mầu sắc của các em về những con lạc đà không bướu (llamas), những căn nhà, và hoa lá không phải hờ hững được gắn lên tường không nghĩ ngợi; chúng hiển nhiên được coi như những giải thưởng, công phu bện tết, đóng khung cẩn thận, và đích thân ký tên bởi Elizabeth và Rachel. Rõ ràng, tôi tự nghĩ, người đàn ông này có cả trái tim lẫn khối óc.

Blomberg nói với sự chính xác của một nhà toán học (đúng, ông có dạy cả toán học nữa, ở đầu đời sự nghiệp của ông), cẩn thận đong đo từng chữ, tránh bỏ qua dù một sắc thái nhỏ nhưng cần cho bằng chứng. Đó chính là điều tôi mong chờ.

Khi ông đã yên vị trong chiếc ghế lưng cao, tay cầm ly càphê, tôi cũng nhâm nhi chút càphê để đánh tan cái lạnh của Colorado. Vì tôi cảm thấy Blomberg là loại người đi thẳng vào vấn đề, nên tôi quyết định bắt đầu cuộc phỏng vấn của tôi bằng cách đi vào cốt lõi của vấn đề.

Các nhân chứng tận mắt đối với lịch sử

Tôi nói hơi chút thách thức trong giọng nói, “cho tôi hay điều này, có thế nào một người thông minh, suy nghĩ có phê phán mà vẫn tin rằng bốn sách Tin Mừng được viết bởi những người có tên gán cho chúng?"

Blomberg để ly cà phê xuống cạnh chiếc bàn làm việc của ông rồi nhìn thẳng vào tôi, ông nói một cách đầy xác tín, “câu trả lời là có”.

Ông ngồi trở lại và tiếp tục nói, “điều quan trọng là thừa nhận rằng nói đúng ra, các sách Tin Mừng đều vô danh. Nhưng chứng từ như nhau của Giáo Hội sơ khai là: Mátthêu cũng gọi là Lêvi, người thu thuế và một trong Nhóm Mười Hai, là tác giả Tin Mừng thứ nhất trong bộ Tân Ước; Gioan Máccô, bạn đồng hành của Phêrô, là tác giả của Tin Mừng ta gọi là Tin Mừng Máccô; và Luca, được biết dưới danh hiệu “y sĩ qúy yêu” của Phaolô viết cả Tin Mừng Luca lẫn Công vụ Các Tông đồ.

Tôi hỏi, “niềm tin cho rằng họ là các tác giả nhất thống đến đâu?

Ông trả lời, “hiện không có người nào tranh chức tác giả của ba Tin Mừng đó. Rõ ràng, vấn đề không bị tranh cãi”.

Cho dù là thế, tôi muốn thử nghiệm vấn đề xa hơn, tôi nói, “xin lỗi về tính hoài nghi của tôi, nhưng có thế nào có ai đó có động cơ muốn nói láo bằng cách cho rằng những vị này viết các sách Tin Mừng nhưng kỳ thực họ không viết không?”

Blomberg lắc đầu. “Có lẽ không. Hãy nhớ, những vị này là những nhân vật không đáng kể” ông nói thế, với nụ cười nở trên khuôn mặt. “Máccô và Luca thậm chí không ở trong số mười hai môn đệ. Mátthêu chỉ là một cựu thuế viên bị người ta ghét bỏ, có lẽ ông là người có tiếng xấu hơn hết sau Giuđa Ítcariốt, tên phản bội Chúa Giêsu.

“Hãy tương phản điều ấy với những gì sẽ diễn ra khi các Tin Mừng ngụy thư đầy óc tưởng tượng được viết ra sau đó. Người ta chọn tên của những người có tiếng và gương mẫu làm tác giả hư cấu cho chúng, Philíp, Phêrô, Maria, Giacôbê. Những cái tên này có nhiều sức nặng hơn các tên Mátthêu, Máccô và Luca. Do đó, để trả lời co câu hỏi của ông, không có lý do gì gán tư cách tác giả cho ba con người ít được kính trọng hơn này nếu chính họ không phải là tác giả.

Điều ấy nghe hợp luận lý, nhưng rõ ràng ông ta đã bỏ qua một trong những vị viết Tin Mừng. Tôi hỏi, “còn Gioan thì sao? Ngài cực kỳ nổi bật. Thực vậy, ngài không phải chỉ là một trong mười hai môn đệ mà còn là một trong ba môn đệ thân thiết của Chúa Giêsu, cùng với Giacôbê và Phêrô”.

Blomberg gật đầu, “Đúng, ngài là một ngoại lệ. Và thật đáng lưu ý, Tin Mừng Gioan là Tin Mừng duy nhất hiện có nghi ngờ về tác giả của nó”.

“Chính xác thì điều gì đang bị tranh cãi?”

Blomberg trả lời, “Tên của tác giả thì không có gì hoài nghi cả, chắc chắn là Gioan. Câu hỏi là đó có phải là tông đồ Gioan hay một Gioan khác”.

“Ông thấy đấy, chứng từ của một nhà văn Kitô giáo tên là Papias, có niên hiệu 125 CN, nhắc đến tông đồ Gioan và vị trưởng lão Gioan, và từ bối cảnh này, không rõ ngài nói về một người từ hai viễn cảnh hay về hai người khác nhau. Nhưng chỉ trừ ngoại lệ này, phần lớn chứng từ tiên khởi đều nhất trí cho rằng tông đồ Gioan, con ông Dêbêđê, là người viết Tin Mừng cùng tên.

“Và”, tôi nói trong một cố gắng khiến ông nói thêm, “ông tin chắc là chính ngài đã viết?”

Ông trả lời, “Vâng, tôi tin đa số đáng kể các tư liệu là của vị tông đồ. Tuy nhiên, nếu ông đọc Tin Mừng này cách kỹ càng, ông có thể thấy một số chi tiết cho thấy các câu kết luận có thể do một người hiệu đính hoàn tất. Bản thân tôi không có vấn đề để tin rằng một ai đó có liên hệ gần gũi với Gioan đã hành động trong vai trò đó, đã tạo hình cho các câu cuối cùng và tạo ra tính thống nhất văn phong cho toàn bộ văn kiện”.

Ông nhấn mạnh, “nhưng dù gì, Tin Mừng rõ ràng dựa trên các tư liệu mắt thấy tai nghe, như ba Tin Mừng kia”.

Đào sâu các điểm chuyên biệt

Cho đến lúc này, dù tôi đánh giá cao các nhận định của Blomberg, nhưng tôi vẫn chưa nhúc nhích. Vấn đề ai viết các sách Tin Mừng cực kỳ quan trọng, và tôi muốn các chi tiết chuyên biệt, các tên, ngày tháng, trích dẫn. Tôi uống cạn ly cà phê, để chiếc ly xuống bàn. Cây viết sẵn sàng, tôi chuẩn bị vào sâu hơn.

Tôi nói, “Chúng ta hãy trở lại với Mátthêu, Máccô và Luca. Ông có bằng chứng chuyên biệt nào cho thấy họ là tác giả các sách Tin Mừng?”

Blomberg ngiêng người về phía trước. “Một lần nữa, chứng từ xưa nhất và có lẽ có ý nghĩa nhất phát xuất từ Papias, người vào năm 125 CN đã chuyên biệt quả quyết rằng Máccô đã cẩn thận và chính xác ghi chép các nhận xét mắt thấy tai nghe của Phêrô. Thật vậy, ngài nói rằng Máccô ‘không mắc sai lầm nào’ và không lồng vào ‘bất cứ tuyên bố sai lạc nào’. Và Papias nói rằng Mátthêu đã giữ nguyên vẹn các giáo huấn của Chúa Giêsu.

“Rồi Irênê, viết vào khoảng năm 180 CN, xác nhận tư cách tác giả như truyền thống truyền tụng. Thật vậy, đây - ” ông vừa nói vừa vươn tay lấy một quyển sách. Ông lần giở cuốn và đọc các lời của Irênê:

“Mátthêu công bố Tin Mừng riêng của mình nơi người Do Thái bằng ngôn ngữ của họ, khi Phêrô và Phaolô đang rao giảng Tin Mừng tại Rôma và thành lập Giáo Hội ở đó. Sau khi họ ra đi, Máccô, đệ tử và thông dịch viên của Phêrô, chính ngài cũng trao lại cho chúng ta bằng cách viết ra bản chất lời rao giảng của Phêrô. Luca, môn đệ của Phaolô, đã viết xuống trong một cuốn sách Tin Mừng do thầy mình rao giảng. Rồi Gioan, môn đệ của Chúa, người từng tựa vào ngực Chúa, chính ngài cũng cho ra Tin Mừng của riêng mình trong khi đang sống tại Êphêsô bên Châu Á” (2).

Tôi nhìn các ghi chép của tôi, rồi nói, “Được lắm, cho tôi rõ điều này. Nếu chúng ta tin chắc rằng các sách Tin Mừng đã được viết bởi các môn đệ Mátthêu và Gioan, bởi Máccô, bạn đồng hành của môn đệ Phêrô, và bởi Luca, sử gia, bạn đồng hành của Phaolô, và là một loại ký giả của thế kỷ thứ nhất, chúng ta có thể vững bụng mà cho rằng các biến cố họ ghi lại được căn cứ vào chứng từ tận mắt trực tiếp hoặc gián tiếp.

Trong khi tôi nói, Blomberg sàng lọc trong đầu lời lẽ của tôi. Khi tôi kết thúc, ông gật đầu, nói quả quyết “Chính xác như thế".

Các tiểu sử xưa và nay

Vẫn còn một số khía cạnh rắc rối của các sách Tin Mừng tôi cần hiểu rõ. Cách riêng, tôi muốn hiểu rõ hơn loại thể văn chúng sử dụng.

Tôi nói, “khi tới một tiệm sách và xem phần tiểu sử, tôi không thấy cùng một lối viết như tôi thấy trong các Tin Mừng. Ở thời này, khi một ai đó viết một cuốn tiểu sử, họ hoàn toàn đào sâu cuộc đời của nhân vật. Nhưng hãy nhìn vào Tin Mừng Máccô đi, tác giả này không nói chi đến việc sinh ra đời của Chúa Giêsu hay bất cứ điều gì thuộc thời thơ ấu và đầu đời trưởng thành của Người. Thay vào đó, ngài tập chú vào thời kỳ 3 năm và dùng nửa Tin Mừng của mình vào các biến cố dẫn tới và lên tới đỉnh cao là tuần lễ cuối cùng của Chúa Giêsu. Ông giải thích việc này ra sao?”

Blomberg giơ cao mấy ngón tay. Ông trả lời, “có hai lý do. Một là văn chương và lý do kia là thần học.

“Lý do văn chương là thế này: xét trong căn bản, đây là cách người ta viết tiểu sử trong thế giới cổ xưa. Người ta không có cảm thức, như chúng ta ngày nay, rằng điều quan trọng là phài dành tỷ lệ bằng nhau cho mọi thời kỳ trong đời một cá nhân hay điều cần thiết là phải thuật câu truyện theo đúng thứ tự thời gian hoặc thậm chí phải trích dẫn người ta từng chữ từng lời bao lâu người ta muốn duy trì điều người ta nói. Người Hy Lạp và Do Thái cổ xưa thậm chí đến dấu ngoặc kép cũng không có.

“Mục đích duy nhất mà vì đó họ nghĩ lịch sử đáng được ghi lại chính là vì có một số bài học nào đó cần học hỏi từ nhân vật được mô tả. Do đó, người viết tiểu sử muốn dừng lâu lại ở những phần trong đó đời sống của nhân vật này có tính nêu gương, sáng chói, có thể giúp ích cho người khác, có thể mang lại ý nghĩa cho một thời kỳ lịch sử”.

Tôi hỏi, “Và đó là lý do thần học?”

“Nó phát sinh từ điểm tôi vừa nêu. Các Kitô hữu tin rằng bất kể cuộc đời và giáo huấn cũng như các phép lạ của Chúa Giêsu có kỳ diệu đến đâu, chúng cũng sẽ vô nghĩa nếu sự kiện lịch sử không phải là Chúa Giêsu đã chết và đã chỗi dậy từ cõi chết và việc này cung cấp việc xá tội, hay ơn tha thứ mọi tội lỗi của nhân loại.

“Do đó, Máccô, cách riêng, trong tư cách người viết Tin Mừng có lẽ sớm nhất, đã dành gần phân nửa trình thuật của mình cho các biến cố dẫn tới và bao gồm khoảng thời gian một tuần lễ và lên tới đỉnh cao là cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô".

Ông kết luận, “Vì ý nghĩa của cuộc Đóng Đinh, điều này tạo nên ý nghĩa hoàn hảo trong văn chương cổ thời”.

Mầu nhiệm nguồn Q

Ngoài 4 sách Tin Mừng ra, các học giả thường nói tới điều họ gọi là Q, chữ viết tắt của tiếng Đức Quelle có nghĩa là “nguồn” (3). Vì các tương tự về ngôn ngữ và nội dung, truyền thống vẫn cho rằng Mátthêu và Luca rút tỉa từ tin mừng trước đó của Máccô để viết Tin Mừng của riêng họ. Thêm vào đó, các học giả còn nói rằng Mátthêu và Luca cũng kết hợp một số tư liệu từ một nguồn bí ẩn Q, các tư liệu không có trong Máccô.

Tôi hỏi Blomberg, “Q chính xác là gì?”

Ông trả lời trong khi ngả lưng thoải mái tựa vào ghế ngồi, “Nó chỉ là một giả thuyết. Chỉ trừ một số ngoại lệ, phần lớn là các câu nói và giáo huấn của Chúa Giêsu có lúc có lẽ đã tạo nên một văn kiện độc lập, riêng rẽ.

“Ông thấy đấy, thể văn chung là thu thập các lời nói của các bậc thầy đáng kính, cùng loại như chúng ta ngày thu thập âm nhạc hàng đầu của một ca sĩ và đặt chúng thành một album ‘hạng nhất’. Q rất có thể là một điều giống như thế. Ít nhất đây cũng là một lý thuyết”.

Nếu Q có trước Mátthêu và Luca, nó có thể tạo nên tài liệu sơ khai về Chúa Giêsu. Tôi nghĩ, có lẽ nó có thể rõi một ánh sáng mới mẻ nào đó về điều Chúa Giêsu thực sự là.

Tôi nói, “cho phép tôi hỏi điều này: nếu ông lấy một mình tư liệu của Q, thì ông sẽ nhận được loại hình ảnh nào về Chúa Giêsu?”

Blomberg vuốt râu và nhìn lên trần nhà một lúc như đắn đo câu hỏi. Ông trả lời một cách chậm rãi, như thể cẩn thận chọn từng chữ, “À, ông nên nhớ rằng Q chỉ là một sưu tập các lời nói và do đó nó không có tư liệu trình thuật để cung ứng cho ta một bức tranh đầy đủ hơn về Chúa Giêsu.

“Dù thế, ông cũng vẫn thấy Chúa Giêsu đưa ra một số nét rất mạnh về chính Người, thí dụ, Người hiện thân cho đức khôn ngoan và Người là Đấng duy nhất mà qua Người Thiên Chúa sẽ phán xử toàn thể nhân loại bất chấp họ tuyên xưng hay bác bỏ Người. Một cuốn sách bác học gần đây đã lập luận rằng nếu dựa riêng vào các lời nói trong Q, người ta vẫn có thể đạt tới cùng một bức tranh về Chúa Giêsu, về một nhân vật tự khẳng định về mình một cách bạo dạn như ông thấy trong các sách Tin Mừng một cách chung”.

Tôi muốn đẩy xa hơn nữa về điểm này. Tôi thăm dò, “Có thể coi Người như một người làm phép lạ hay không?”

Ông trả lời, “Một lần nữa, ông nên nhớ ông khó có thể có được nhiều câu truyện phép lạ đúng nghĩa, vì những câu truyện này thường chỉ tìm thấy trong phần trình thuật, trong khi Q chủ yếu là bản liệt kê các lời nói”.

Ông dừng lại, với tay tới bàn giấy, lấy cuốn kinh thánh bọc da, và lần giở các trang sách đã rất cũ.

“Nhưng, chẳng hạn, Luca 7:18:23 và Mátthêu 11:2-6 nói rằng Gioan Tây Giả sai các sứ giả tới hỏi có phải Chúa Giêsu thực sự là Đấng Kitô, Đấng Mêxia họ hằng trông đợi hay không. Chúa Giêsu đại ý trả lời rằng, ‘hãy nói để ông xem xét các phép lạ của tôi. Hãy nói cho ông những điều các ông thấy: người mù được thấy, người điếc được nghe, người què đi được, người nghèo được nghe tin mừng truyền giảng cho họ’.

“Thành thử trong Q”, ông kết luận, “rõ ràng đã có ý thức về thừa tác vụ phép lạ của Chúa Giêsu”.

Blomberg nhắc đến Mátthêu làm tôi nhớ một vấn đề khác liên quan tới các sách Tin Mừng đã được mang lại với nhau ra sao. Tôi hỏi, “Tại sao Mátthêu, được coi là một nhân chứng tận mắt về Chúa Giêsu, lại đi kết hợp một phần Tin Mừng được Máccô, người mà mọi người đều nhất trí không phải là nhân chứng tận mắt? Nếu Tin Mừng của Mátthêu được một nhân chứng tận mắt viết, ông hẳn nghĩ ngài phải dựa vào các quan sát của riêng mình mới đúng chứ”.

Blomberg mỉm cười, nói, “Chỉ có nghĩa nếu Máccô quả dựa trình thuật của mình trên ký ức chứng nhân tận mắt của Phêrô. Như ông đã từng nói, Phêrô vốn thuộc vòng thân mật của Chúa Giêsu và được đặc ân thấy và nghe những điều các môn đệ không được thấy và nghe. Thành thử vẫn có nghĩa khi Mátthêu, dù là một nhân chứng tận mắt, dựa vào cách nhìn của Phêrô đối với các biến cố được truyền tải qua Máccô”.

Đúng, tôi tự nghĩ, điều ấy phần nào có nghĩa. Thật vậy, một loại suy bắt đầu xuất hiện trong tâm trí tôi từ những năm tháng còn là một ký giả báo chí. Tôi còn nhớ tôi là một thành phần của đám ký giả săn lùng tổ phụ chính trị lừng danh, cố Thị trưởng Richard J. Daley, để hỏi dồn ông một số câu hỏi về một vụ sì căng đan đang âm ỉ lúc đó trong sở cảnh sát. Ông đưa ra một số nhận xét trước khi thoát thân trong chiếc limousine của ông.

Dù tôi là một nhân chứng tận mắt đối với điều đã xẩy ra, tôi vẫn lập tức đi tới một phóng viên truyền thanh, người gần gũi với Thị trưởng Daley hơn, và yêu cầu ông ta cho quay lại khúc băng về lời nói của Daley. Nhờ cách này, tôi có được sự bảo đảm là đã ghi lại chính xác điều ông nói.

Tôi trầm ngâm, đó rõ ràng là điều Mátthêu đã làm với Máccô, mặc dù Mátthêu có ký ức riêng như một môn đệ, việc ngài tìm sự chính xác đã thúc đầy ngài dựa vào một số tư liệu trực tiếp phát xuất từ Phêrô vốn thuộc vòng thân mật của Chúa Giêsu.

Quan điểm độc đáo của Gioan

Cảm thấy thỏa mãn với những câu trả lời ban đầu của Blomberg liên quan tới ba Tin Mừng đầu tiên, gọi là các Tin Mừng nhất lãm, nghĩa là “có thể xem cùng một lúc, vì những phác họa và tương quan qua lại giống nhau (4), tôi quay qua Tin Mừng Gioan. Bất cứ ai từng đọc cả bốn sách Tin Mừng đều lập tức nhận ra điều này: có những dị biệt rõ rệt giữa các Tin Mừng nhất lãm với Tin Mừng Gioan, và tôi muốn biết liệu điều này có nghĩa là có những mâu thuẫn không tài nào hòa giải được giữa chúng với nhau hay không?

Tôi hỏi Blomberg, “Ông có thể minh giải các dị biệt giữa các Tin Mừng nhất lãm và Tin Mừng Gioan không?”

Ông nhíu lông mày, rồi hô lên, “Một câu hỏi vĩ đại. Tôi hy vọng viết cả một cuốn sách về chủ đề này”.

Sau khi làm ông an tâm là tôi chỉ muốn biết những điểm chủ yếu của vấn đề mà thôi, chứ không hẳn một cuộc thảo luận thấu đáo, ông ngồi vào ghế trở lại.

Ông bắt đầu, “Vâng, quả thực Gioan khác nhiều hơn là giống với các Tin Mừng nhất lãm. Chỉ một nhúm các cây truyện chính xuất hiện trong ba Tin Mừng khác ấy tái xuất hiện trong Tin Mừng Gioan, mặc dù điều này thay đổi đáng kể khi tới tuần lễ cuối cùng của Chúa Giêsu. Từ thời điểm đó trở đi, các song hành gần nhau hơn nhiều.

“Dường như cũng có sự khác biệt nhiều về văn phong. Trong Gioan, Chúa Giêsu dùng nhiều từ vựng khác, Người lên tiếng trong những bài giảng dài, và dường như có một nền Kitô học cao hơn, nghĩa là, có những tuyên bố trực diện và hiển nhiên hơn quả quyết Chúa Giêsu là một với Chúa Cha; là chính Thiên Chúa; là Đường, Sự Thật và là Sự Sống; là Sự Sống Lại và là Sự Sống”.

Tôi hỏi, “điều gì giải thích cho các khác nhau này?”

“Trong nhiều năm, có giả định cho rằng Gioan đã biết mọi điều Mátthêu, Máccô và Luca viết, và thấy không cần phải nhắc lại, nên ngài cố ý muốn bổ túc các ngài. Gần đây hơn, có giả định cho rằng Gioan phần lớn độc lập đối với ba Tin Mừng kia, điều này giải thích không những các chọn lựa tư liệu khác mà cả các quan điểm khác về Chúa Giêsu”.

Tuyên bố mạnh bạo nhất của Chúa Giêsu về chính Người

Tôi nhận định, “Có một số khác biệt thần học đối với Gioan”.

“Chắc chắn thế, nhưng liệu chúng có đáng được gọi là các mâu thuẫn hay không? Tôi nghĩ câu trả lời là không, và đây là lý do tại sao: vì hầu hết các chủ đề chính hay khác biệt trong Gioan, ông có thể tìm thấy song hành trong Mátthêu, Máccô, và Luca, cho dù chúng không nhiều”.

Đó là một khẳng định mạnh bạo. Tôi quyết định nhanh chóng thử nghiệm nó bằng cách nêu lên vấn đề có lẽ có ý nghĩa hơn cả liên quan tới các khác biệt giữa các Tin Mừng nhất lãm và Tin Mừng Gioan.

Tôi nói, “Gioan đưa ra các tuyên bố rất minh nhiên Chúa Giêsu là Thiên Chúa, điều được một số người qui cho sự kiện ngài viết sau những vị kia và bắt đầu thêm thắt sự việc. Ông có thấy chủ đề thiên tính này ở các Tin Mừng nhất lãm không?”

Ông nói, “có, tôi có thể. Một cách mặc nhiên hơn nhưng ông thấy có ở đó. Ông hãy nghĩ tới việc Chúa Giêsu đi trên nước, tìm thấy trong Mt 14:22-33 và Mc 6:45-52. Phần lớn các bản dịch tiếng Anh giấu tiếng Hylạp bằng cách trích dẫn Chúa Giêsu nói ‘Fear not, it is I’ (đừng sợ, thầy đây). Thực sự, bản tiếng Hylạp nói nguyên văn như sau, ‘fear not, I am’ [đừng sợ, ta là Đấng hằng hữu). Hai chữ cuối cùng (I am) y hệt như hai chữ Chúa Giêsu nói trong Ga 8:58 khi Người nhận cho mình thánh danh Thiên Chúa ‘I Am’ [Ta là Đấng Hằng hữu], thánh danh được Thiên Chúa mạc khải cho Môsê giữa bụi gai bốc lửa trong Xh3:14. Như thế, Chúa Giêsu tự mạc khải như Đấng có cùng một quyền năng thần linh trên thiên nhiên như Giavê, Thiên Chúa của Cựu Ước”.

Tôi gật đầu, nói, “Đó là một điển hình, ông còn có những điển hình khác nữa không?”

Blomberg nói, “Có, tôi có thể tiếp tục theo hướng này. Thí dụ, danh hiệu chung nhất của Chúa Giêsu dành cho chính Người trong ba Tin Mừng đầu tiên là ‘Con Người’, và...”

Tôi giơ tay cản ông, tôi nói, “khoan đã”. Tôi lục trong chiếc cặp giấy của mình một cuốn sách và lật tới chỗ có đoạn trích tôi mong đợi. Tôi đọc, “Karen Armstrong, một cựu nữ tu, tác giả cuốn sách bán chạy nhất A History of God [một lịch sử về Thiên Chúa], nói rằng dường như hạn từ ‘Con Người’ chỉ nhấn mạnh tới sự yếu đuối và tính tử vong của thân phận con người’, nên khi dùng nó, Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh rằng Người là một hữu thể nhân bản yếu đuối, một hữu thể một ngày nào đó sẽ chịu đau khổ và chết chóc’ (5). Nếu đúng thế, thì đâu có gì là nói về thần tính”.

Nét mặt Blomberg trở nên chua cay, ông quả quyết nói, “Trời, trái với niềm tin bình dân, ‘Con Người’ chủ yếu không có ý nói tới nhân tính của Chúa Giêsu. Thay vào đó, nó có ý trực tiếp nhắc tới Đanien 7:13-14”.

Nói rồi, ông mở Cựu Ước và đọc những lời sau của tiên tri Đanien: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong”.

Blomberg gấp cuốn Kinh Thánh lại, ông tiếp tục nói, “thành thử ông hãy xem điều Chúa Giêsu làm khi áp dụng hạn từ ‘Con Người’ vào chính Người. Đây là một người tiếp cận Thiên Chúa trong ngai trên trời của Người và được trao cho thẩm quyền và quyền cai trị vũ trụ. Điều này làm cho ‘Con Người’ thành một tước hiệu tôn vinh cao cả, chứ không phải để chỉ nhân tính đơn thuần”.

Sau này, tôi sẽ gặp một nhận định của một học giả khác, người mà tôi sẽ phỏng vấn cho cuốn sách này, William Lane Craig, người cũng đã đưa ra một nhận định tương tự.

“‘Con Người’ thường được coi là để chỉ nhân tính của Chúa Giêsu, giống như biểu thức ‘Con Thiên Chúa’ để chỉ thiên tính của Người. Thật ra, điều ngược lại mới đúng. Con Người là nhân vật thần linh trong sách Cựu Ước Đanien, Đấng sẽ đến vào ngày tận thế để phán xử nhân loại và cai trị đến muôn đời. Như thế, cho rằng mình là Con Người có nghĩa là cho rằng mình là Thiên Chúa” (6).

Blomberg tiếp tục, “Ngoài ra, trong các Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giêsu còn cho rằng Người có quyền tha thứ tội lỗi, và đây là điều chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Chúa Giêsu chấp nhận lời cầu nguyện và việc thờ lạy. Chúa Giêsu từng nói, ‘bất cứ ai nhìn nhận ta, ta sẽ nhìn nhận họ trước mặt Cha ta ở trên trời’. Phán xét cuối cùng dựa vào phản ứng của người ta với ai? Với hữu thể chỉ là phàm nhân này? Không, vì như thế sẽ là một yêu sách quá cao ngạo. Phán xét cuối cùng dựa trên phản ứng của người ta với Chúa Giêsu như là Thiên Chúa.

“Như ông thấy, có đủ loại tư liệu trong các Tin Mừng nhất lãm nói về thiên tính của Chúa Kitô, và rồi những tư liệu này trở nên minh nhiên hơn trong Tin Mừng Gioan”.

Nghị trình thần học của các sách Tin Mừng

Khi viết Tin Mừng cuối cùng, Gioan có lợi điểm nghiền ngẫm các vấn đề thần học trong một thời gian lâu hơn. Nên tôi hỏi Blomberg, “Há sự kiện Gioan viết với nhiều xu hướng thần học hơn không có nghĩa là tư liệu lịch sử của ngài có thể bị tì vết và do đó không đáng tin cậy hay sao?”

Blomberg nhấn mạnh, “tôi không tin Gioan có tính thần học hơn. Ngài chỉ có một số nhấn mạnh thần học khác mà thôi. Mátthêu, Máccô và Luca mỗi vị đều có các góc cạnh thần học khác biệt được họ muốn nhấn mạnh: Luca, nhà thần học về người nghèo và về các quan tâm xã hội; Mátthêu, nhà thần học cố gắng hiểu mối tương quan giữa Kitô giáo và Do Thái giáo; Máccô, người trình bầy Chúa Giêsu như người đầy tớ đau khổ. Ông có thể lên dánh sách dài cho các nền thần học học khác biệt của Mátthêu, Máccô và Luca.

Tôi cắt ngang vì tôi sợ Blomberg bỏ lỡ điểm bao quát hơn của tôi. Tôi hỏi, “được, nhưng há các động cơ thần học này không tạo hoài nghi đối với khả năng và sự sẵn lòng của họ trong việc tường trình chính xác những điều xẩy ra sao? Há các nghị trình thần học của họ không có khả thể thúc đẩy họ tô mầu và vặn vẹo lịch sử họ tường trình hay sao?”

Ông nhìn nhận, “Điều ấy chắc chắn có nghĩa cũng như đối với bất cứ tài liệu ý thức hệ nào, chúng ta phải coi đó là một khả thể. Có những người có sẵn búa rìu để làm méo mó lịch sử nhằm phục vụ các mục tiêu ý thức hệ của họ, nhưng bất hạnh thay người ta lại kết luận là việc này luôn xẩy ra, điều này không đúng.

“Trong thế giới cổ xưa, ý tưởng viết một lịch sử vô tư, khách quan chỉ để ghi lại các biến cố theo thời gian, chứ không nhằm mục đích ý thức hệ, là điều chưa hề nghe thấy. Không ai viết lịch sử nếu không có một lý do gì để học hỏi từ đó”.

Tôi mỉm cười, gợi ý, “Theo tôi, ông muốn nói rằng điều đó khiến mọi sự trở thành đáng hoài nghi”.

Ông trả lời, “đúng, quả đúng ở một bình diện. Nhưng nếu ta có thể tái dựng lịch sử một cách tương đối chính xác từ tất cả các nguồn cổ thời, thì ta nên làm điều đó từ các sách Tin Mừng, cho dù chúng cũng có tính ý thức hệ”.

Blomberg suy nghĩ một lúc, lục lọi trong đầu để tìm ra một loại suy thích đáng nhằm trình bầy rõ quan điểm của mình. Cuối cùng, ông nói, “Đây là một song hành hiện đại, từ kinh nghiệm của cộng đồng Do Thái có thể soi sáng điều tôi muốn nói.

“Một số người, thường là vì các mục đích bài Do Thái, bác bỏ hay làm giảm giá các kinh hoàng của nạn Diệt Chủng. Nhưng các học giả Do Thái đã tạo ra các viện bảo tàng, viết các cuốn sách, duy trì các nghệ phẩm, lên tài liệu các chứng ngôn của nhân chứng tận mắt liên quan tới Nạn Diệt Chủng.

“Nay, họ có một mục đích rất ý thức hệ, tức là, để bảo đảm rằng việc tàn bạo như thế không bao giờ xẩy ra nữa, nhưng họ cũng hết sức trung thành và khách quan trong việc tường trình sự thật lịch sử.

“Cũng thế, Kitô giáo đã được đặt căn bản trên một số tuyên bố lịch sử cho rằng Thiên Chúa đã độc đáo bước vào không gian và thời gian trong con người Chúa Giêsu thành Nadarét, nên chính ý thức hệ được các Kitô hữu cố gắng cổ vũ đòi hỏi công trình lịch sử càng thận trọng bao nhiều càng tốt”.

Ông để cho loại suy của mình chìm xuống. Quay lại nhìn tôi trực diện hơn, ông hỏi, “Ông có thấy quan điểm của tôi không?”

Tôi gật đầu cho thấy tôi thấy.

Tin nóng từ lịch sử

Nói rằng các sách Tin Mừng bắt nguồn từ chứng từ trực tiếp hay gián tiếp tai nghe mắt thấy là một chuyện; mà cho rằng thông tin này được duy trì một cách đáng tin cậy cho tới khi cuối cùng được viết xuống vào nhiều năm sau lại là một chuyện khác.Tôi biết điều này là một điểm tranh cãi lớn, và tôi muốn thách thức Blomberg về vấn đề một cách hết sức thẳng thắn bao nhiêu có thể.

Một lần nữa, tôi lại dựa vào cuốn sách nổi tiếng của Armstrong, A History of God, tôi nói “Ông hãy lắng nghe một điều khác do bà viết”:

“Chúng ta biết rất ít về Chúa Giêsu. Trình thuật đầy đủ thứ nhất về cuộc đời của Người là Tin Mừng của Thánh Máccô, chỉ được viết vào khoảng năm 70, khoảng 40 năm sau cái chết của Người. Đền lúc đó, các sự kiện lịch sử đã bị chồng chất thêm các yếu tố huyền sử nhằm nói lên ý nghĩa Chúa Giêsu từng gặt hái được cho các người theo chân Người. Chính ý nghĩa này được Thánh Máccô chuyển tải hơn là bức chân dung đáng tin cậy” (7).

Ném cuốn sách vào chiếc cặp giấy mở sẵn, tôi quay qua Blomberg và tiếp tục, “Một số học giả nói rằng các sách Tin Mừng viết sau các biến cố rất xa đến nỗi dã sử đã khai triển và làm méo mó điều cuối cùng được viết xuống, biến Chúa Giêsu từ một nhà giáo đầy khôn ngoan thành Con Thiên Chúa đầy huyền thoại. Có phải đó là một giả thuyết hợp lý hay có bằng chứng là các sách Tin Mừng đã được ghi chép sớm hơn, trước khi dã sử hoàn toàn làm thoái hóa điều cuối cùng đã được ghi lại?”

Đôi mắt Blomberg nheo lại và giọng ông mang một âm sắc cứng rắn hơn, ông nói, “Ở đây có hai vấn đề riêng biệt, và điều quan trọng là giữ cho chúng riêng biệt. Tôi quả nghĩ rằng đã có đủ bằng chứng tốt cho thấy các sách Tin Mừng được viết trước đó. Nhưng dù không có bằng chứng tốt đi nữa, lập luận của Armstrong vẫn không đi đến đâu”.

Tôi hỏi, “tại sao không?”

“Việc xác định ngày giờ hợp tiêu chuẩn bác học, ngay trong các giới cấp tiến, là Máccô ở thập niên 70, Mátthêu và Luca ở thập niên 80, còn Gioan ở thập niên 90. Nhưng xin ông lắng nghe, những niên biểu ấy vẫn còn trong sinh thời của một số nhân chứng tận mắt thấy cuộc đời Chúa Giêsu, gồm cả các nhân chứng thù địch vẫn có thể sửa sai nếu ác giáo huấn sai lạc về Chúa Giêsu được loan truyền.

“Thành thử, các niên hiệu muộn màng của các sách Tin Mừng này thực sự không muộn màng chi cả. Thật vậy, chúng ta có thể làm một sự so sánh khá có tính cách giáo huấn.

“Hai cuốn tiểu sử sớm nhất về Alexander đại đế được Arrian và Plutarch viết 400 năm sau cái chết của Alexander vào năm 323 TCN, nhưng các nhà chép sử về ông đều coi chúng đáng tin cậy cách chung. Đúng, các huyền thoại về Alexander quả có được khai triển với thời gian, nhưng chỉ trong các thế kỷ sau hai nhà văn này.

Nói cách khác, năm trăm năm đầu tiên đã giữ cho lịch sử của Alexander khá nguyên vẹn; tự liệu dã sử bắt đầu xuất hiện trong năm trăm năm kế tiếp. Thành thử, liệu các sách Tin Mừng có được chép 60 năm hay 30 năm sau cái chết của Chúa Giêsu, thì so sánh ra, thời gian ấy quả không đáng kể. Gần như không thành vấn đề.

Tôi có thể thấy điều Blomberg nói. Đồng thời, tôi cũng có một vài dè dặt đối với nó. Đối với tôi, điều xem ra hiển nhiên một cách như bản năng là khoảng cách giữa biến cố và lúc nó được viết xuống càng ngắn, thì các trước tác này càng ít có cơ hội trở thành nạn nhân của dã sử hay ký ức sai chạy.

Tôi nói, “Tôi xin tạm chấp nhận quan điểm của ông lúc này, nhưng ta hãy trở lại với vấn đề xác định niên biểu của các sách Tin Mừng. Ông cho rằng ông tin chúng đã được viết trước các niên biểu ông vừa nhắc”.

Ông nói, “đúng, trước đó. Và chúng ta có thể hỗ trợ điều này bằng cách đọc sách Công vụ Tông đồ, được Luca viết. Công vụ rõ ràng chưa được hoàn tất, Phaolô là nhân vật chính của sách, và lúc đó đang bị giam tại Rôma. Với cuốn sách dừng lại đột ngột. Điều gì xẩy ra cho Phaolô? Chúng ta không tìm thấy gì từ Công vụ, có lẽ vì sách được viết trước khi Phaolô bị xử tử

Blomberg càng nói càng trở nên lo lắng hơn “Điều này có nghĩa Công vụ không thể có niên biểu muộn hơn năm 62 CN. Một khi đã xác định như thế, chúng ta có thể từ đó quay trở lại. Vì Công vụ là phần thứ hai của công trình hai phần, chúng ta biết phần đầu, Tin Mừng Luca, hẳn phải được viết sớm hơn thế. Và vì Luca kết hợp một phần Tin Mừng Máccô, thì điều này có nghĩa là Máccô còn sớm hơn nữa.

“Nếu ông trừ hao có lẽ một năm cho mỗi niên biểu này, thì kết cục ông sẽ có Máccô viết không trễ hơn năm 60 CN, rất có thể trong thập niên 50. Nếu Chúa Giêsu bị hành quyết năm 30 CN hay 33 CN, chúng ta có thể nói tới khoảng cách tối đa 30 năm hay gần như thế”.

Ông ngồi vào ghế với một vẻ chiến thắng, nói, “Về phương diện lịch sử mà nói, nhất là so sánh với Alexander Đại Đế, nó giống như những bản tin nhanh!”

Quả thực, điều ấy rất gây ấn tượng, có thể lấp khoảng trống giữa các biến cố trong đời sống Chúa Giêsu và việc viết ra các sách Tin Mừng đến nỗi, theo tiêu chuẩn sử học, không còn đáng lưu ý nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn đẩy vấn đề xa hơn. Mục tiêu của tôi là vặn lại đồng hồ càng về xa càng hay để có thể có được các thông tin sớm nhất về Chúa Giêsu.

Trở về lúc khởi đầu

Tôi đứng lên và tha thẩn tới gần tủ sách. Quay về phía Blomberg, tôi nói, “Ta hãy xem xem liệu có thể trở lại sớm hơn nữa hay không. Chúng ta có thể trở lại sớm bao nhiêu để định niên biểu cho những niềm tin căn bản vào việc xá tội của Chúa Giêsu, việc Người phục sinh, và mối liên kết độc đáo của Người với Thiên Chúa?”

Ông bắt đầu, “Điều quan trọng là phải nhớ rằng các sách Tân Ước không theo thứ tự thời gian. Các sách Tin Mừng đã được viết sau hầu hết các thư của Phaolô, là người mà thừa tác vụ viết có lẽ đã bắt đầu từ cuối thập niên 40. Phần lớn các thư chính của ngài xuất hiện trong thập niên 50. Muốn tìm các thông tin sớm nhất, ta phải đọc các thư của Phaolô và hỏi, ‘Có dấu hiệu nào cho thấy cả những nguồn sớm nhất đã được sử dụng để viết chúng không?’”.

Tôi gợi ý, “và ta tìm thấy gì?”



“Ta tìm thấy Phaolô đã kết hợp một số niềm tin, một số tuyên xưng đức tin, hay thánh ca từ Giáo Hội Kitô giáo sớm nhất. Những điều này phát xuất từ hừng đông Giáo Hội ngay sau biến cố Phục Sinh.

“Các niềm tin nổi tiếng nhất bao gồm đoạn 2:6-11 thư Philiphê, nói về việc Chúa Giêsu có bản tính Thiên Chúa, và đoạn 1:15-20 thư Côlôssê, mô tả Người như ‘hình ảnh Thiên Chúa vô hình’, Đấng tạo dựng mọi sự và qua Người mọi sự được hòa giải với Thiên Chúa ‘bằng cách tạo hòa bình bằng máu của Người, trên thập giá’.

“Những điều trên chắc chắn có ý nghĩa trong việc giải thích những điều các Kitô hữu tiên khởi đã xác tín về Chúa Giêsu. Nhưng có lẽ niềm tin quan trọng nhất liên quan đến Chúa Giêsu lịch sử là chương 15 thư Côrintô thứ nhất, trong đó Phaolô dùng các hạn từ kỹ thuật để chỉ cho thấy ngài đã đi theo truyền thống truyền khẩu này dưới hình thức tương đối đã được xác định”.

Blomberg tìm được đoạn trên trong cuốn Kinh thánh của ông và đọc to cho tôi nghe:

“Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ”(8).

Blomberg nói, “và đây là trọng điểm. Nếu việc Đóng Đinh diễn ra sớm vào năm 30 CN, thì việc trở lại của Phaolô vào khoảng năm 32 CN. Ngay lập tức, Phaolô được đưa vào Đamát nơi ngài gặp Kitô hữu tên Anania và một vài môn đệ khác. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của ngài với các tông đồ ở Giêrusalem có thể vào năm 35 CN. Tại một thời điểm nào trong số này, Phaolô được học biết niềm tin này, một niềm tin vốn đã được lên công thức và được sử dụng trong Giáo Hội sơ khai.

“Nay, ở đây, ông có các chi tiết chủ chốt về cái chết của Chúa Giêsu vì tội lỗi chúng ta, thêm một danh sách chi tiết những kẻ được Người hiện ra dưới hình thức đã sống lại, tất cả đều có niên biểu từ hai đến năm năm sau chính các biến cố!

“Đó không phải là truyện huyền thoại sau này từ 40 năm hay nhiều hơn, như Armstrong gợi ý. Có đủ lý lẽ bênh vực việc quả quyết rằng niềm tin Kitô giáo vào sự phục sinh, dù chưa được viết xuống, có thể được định niên biểu trong vòng hai năm sau chính biến cố.

Ông nói, giọng nâng cao một chút để nhấn mạnh, “Điều đó có ý nghĩa to lớn. Nay ông không còn so sánh 30 tới 60 năm với năm trăm năm vốn có thể chấp nhận được cách chung đối với các dữ kiện khác, ông chỉ phải nói có hai năm thôi!”.

Tôi không thể bác bỏ tầm quan trọng của bằng chứng ấy. Chắc chắn nó làm cụt hứng lời tố cáo cho rằng Phục sinh, vốn được các Kitô hữu trưng dẫn như minh chứng tối hậu cho thiên tính của Chúa Giêsu, chỉ là một ý niệm huyền thoại phát triển trong những thời kỳ lâu dài khi các dã sử làm thoái hóa các trình thuật mắt thấy tai nghe về cuộc đời của Chúa Kitô. Điều này tác dụng một cách thân thiết và đích thân tới tôi, một người hoài nghi, nó vốn là một trong các luận bác lớn nhất của tôi đối với Kitô giáo.

Tôi tựa lưng vào kệ sách. Chúng tôi đã bàn luận tới nhiều tư liệu, và quả quyết tuyệt đỉnh của Blomberg xem ra là chỗ rất tốt để tạm dừng lại.

Tạm nghỉ

Lúc này trời đã về chiều. Chúng tôi đã nói khá lâu không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, tôi không muốn kết thúc cuộc đàm thoại của chúng tôi mà không thử nghiệm các trình thuật tai nghe mắt thấy y như các luật sư và nhà báo quen làm. Tôi cần biết chúng có đứng vững trước một khảo sát như thế hay không, hay chúng tỏ ra tốt nhất là đáng ngờ vực mà tệ nhất là mất tin tưởng.

Việc tạo cơ sở đã được đặt định, tôi mời Blomberg đứng dậy và duỗi chân duỗi tay cho thoải mái trước khi ngồi lại để tiếp tục cuộc thảo luận của chúng tôi.

Các nguồn tài liệu khác về chủ đề này

Barnett, Paul, Is the New Testament History? [Tân Ước có phải là lịch sử hay không] Ann Arbor, Mich.: Vine, 1986.
Barnett, Paul, Jesus and the Logic of History [Chúa Giêsu và Luận lý Lịch sử]. Grand Rapids. Eerdmans, 1997.
Blomberg, Craig, The Historical Reliability of the Gospels (Tính Đáng tin cậy của Các Tin Mừng]. Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1987.
Bruce, F.F., The New Testament Documents: Are They Reliable? [Các Tài liệu Tân Ước: Chúng có Đáng Tin cậy hay không]Grand Rapids: Eerdmans, 1960.
France, R.T. The Evidence for Jesus [Chứng cớ Bênh vực Chúa Giêsu]. Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1986.

Ghi Chú

(1) Lee Strobel, “Youth’s Testimony Convicts Killers, but Death stays near” [Chứng từ Tuổi trẻ Kết tội Những kẻ Sát nhân, nhưng Caí Chết vẫn ở gần], Chicago Tribune (October 25,1976)

(2) Irenaeus, Adversus haereses [chống các dị giáo]3.3.4.

(3) Arthur G. Patzia, The Making of the New Testament [việc tạo ra Tân Ước] Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 19950, 164.

(4) Ibid. 49.

(5) Karen Armstrong, A History of God [Một lịch sử về Thiên Chúa], (New York: Ballantine/Epiphany, 1993), 82.

(6) William Lane Craig, The Son Rises: Historical Evidence for the Resurrection of Jesus Christ [Chúa Con Sống Lại: Chứng cớ Lịch sử cho việc Sống lại của Chúa Giêsu Kitô] (Chicago: Moody Press, 1981), 140

(7) Armstrong, A History of God [Một lịch sử về Thiên Chúa], 79.

(8) 1Cr 15:3-7.