Đầu năm mới Tân Sửu, Giáo phận Phan thiết có đợt thuyên chuyển linh mục, 20 cha nhận nhiệm sở mới và 11 tân chức hết “tháng trăng mật” đi nhận sứ vụ phụ tá tại các giáo xứ. Từ ngày 22.2 đến ngày 5.3, mỗi ngày có 2 cha đổi xứ. Dù dịch Covid 19 tái phát, các Thánh lễ nhậm chức vẫn đông đảo quý cha đến đồng tế và quý chủng sinh, quý tu sĩ, bà con giáo dân quy tụ hiệp thông. Đức Giám Mục và Cha Tổng đại diện Giáo phận cùng quý cha Quản hạt liên hệ đã lần lượt đến chủ sự nghi thức và chủ tế thánh lễ.

Đợt thuyên chuyển lần này từ khởi đầu Mùa Chay và kết thúc khi khởi đầu tháng kính Thánh Giuse. Đọc Tin Mừng, suy niệm về hành trình cuộc đời Thánh Giuse người công chính qua những chuyến đi để soi rọi những lần chuyển xứ của anh em linh mục.

Xem Hình

Những Bước Chân Của Thánh Giuse

Hành trình cuộc đời của Thánh Giuse luôn gắn liền với Chúa Giêsu và Đức Maria, nên những bước chân của Thánh Giuse là những bước đi theo Chúa và Đức Mẹ, để bảo vệ, phục vụ Thánh gia là gia đình của Thiên Chúa, gia đình có Ngôi Lời Thiên Chúa hiện diện và hoạt động.

Có 6 chuyến đi trong cuộc đời Thánh Giuse.

Thánh Giuse định tâm bỏ Đức Mẹ bằng kín đáo “ra đi ” (Mt 1,19), không một lời giã biệt, cũng chẳng cần được giải thích, phân trần, khi Đức Mẹ có thai “trước khi hai ông bà về chung sống” (Mt 1,18). Nhưng toan tính “ra đi” lần thứ nhất này đã không thành, vì sứ thần Chúa đã hướng dẫn bước chân Thánh Giuse “trở về nhà”, khi hiện đến báo mộng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20).

Chuyến thứ hai không nằm trong kế hoạch của Thánh Giuse, nhưng xảy ra bất ngờ, hoàn toàn ngoài ý muốn khi Đức Mẹ đã đến ngày sinh con, mà lệnh của hoàng đế Auguttô “truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ” vừa khẩn cấp ban hành. “Thế là Thánh Giuse cùng Đức Maria phải từ thành Nadarét, miền Galilê đi lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê”, vì Ngài thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít (Lc 2,1.4). Đến Bêlem, hai ông bà “không tìm được chỗ trong nhà trọ”, nên đã đi ra cánh đồng và sinh con trong chuồng chiên cừu thiếu thốn mọi sự, chỉ duy nhất một máng cỏ được dùng làm nôi cho Con Thiên Chúa.

Những bước đi từ Nadarét đến Bêlem, rồi từ Bêlem ra chuồng chiên cừu đã không nằm trong chương trình, và dự tính của Thánh Giuse, bởi Ngài đã chu đáo chuẩn bị mái ấm Nadarét cho Đức Mẹ sinh Con Trẻ có tên là Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, mà sứ thần Chúa đã báo trước cho Ngài (x. Mt 1,23), nên đôi chân các Ngài đã không còn được bước đi trên hành trình của con người, nhưng trên đường của Thiên Chúa khi Thiên Chúa thay đổi và hướng dẫn những bước chân ấy đến những nơi hoàn toàn xa lạ theo như ý muốn mầu nhiệm của Ngài.

Chuyến thứ ba là cuộc ra đi bi hùng, nguy hiểm hơn cả, vì là cuộc chạy trốn để bảo toàn tính mạng của Hài Nhi Giêsu khi vua Hêrôđê phát lệnh truy lùng và tàn sát “vua dân Do Thái mới sinh ra” (x. Mt 2,2). Vừa được sứ thần báo mộng, Thánh Giuse “liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,14). Và lần này cũng như những lần trước, vẫn là những bước chân vội vã, bất ngờ, không hề được chuẩn bị, dự liệu.

Chuyến thứ tư là bước chân hồi hương sau những ngày tị nạn trên “đất khách quê người”. Lần này cũng thật bất ngờ, và cũng chỉ được sứ thần báo mộng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi” (Mt 2,20).

Chuyến thứ năm là hành trình lên Giêrusalem dâng Hài Nhi Giêsu cho Thiên Chúa theo như Luật định. Lần đi này được xem như không có gì trắc trở, vì mọi sự được nằm trong kế họach, nếu không có lời tiên tri sắc như dao làm nát gan, đứt ruột Thánh Giuse của cụ già Simêon về Con Trẻ Giêsu và mẹ Người: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,34-35).

Chuyến thứ sáu là những bước chân “tìm con” nặng trĩu lo buồn: buồn vì để lạc mất con, lo vì không biết con mình ở đâu, đói khát thế nào… Mặc cảm thiếu trách nhiệm khi cả hai “ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm” (Lc 2,44-45) càng thiêu đốt, xé nát tâm can hai ông bà.

Đi theo Thánh Giuse trên những bước chân của Ngài, chúng ta thấy cuộc đời Ngài gắn liền với những lần ra đi, trở về, như những lần “ra đi, trở về” theo tiếng gọi của Giavê Thiên Chúa đã làm nên hành trình đức tin của những Ápraham, Isaác, Giacóp, Môsê, các ngôn sứ trong Cựu Ước … và của các tông đồ, môn đệ Đức Giêsu trong Tân Ước.(Từ tuyển tập “Trái Tim Người Công Chính” cuốn sách của Năm Đặc Biệt Kính Thánh Giuse. Tác giả: Jorathe Nắng Tím).

Bước đi như người công chính

Người công chính là người luôn sẵn sàng đáp trả đúng lúc, đúng nơi lời mời gọi của Thiên Chúa, như Thánh Giuse trên suốt hành trình dương thế nhiều thách đố, gian truân, nhiều trái ý, nghịch lòng, nhiều nhọc nhằn, vất vả, nhiều thử thách, nguy hiểm, và trong mọi tình huống, Ngài đã luôn đặt mình sẵn sàng trước Thánh Ý và tuyệt đối vâng phục Lời Thiên Chúa dạy. Nhờ tinh thần sẵn sàng của người công chính nơi Ngài mà mọi chương trình của Thiên Chúa có trên Ngài đã được thể hiện “đúng nơi, đúng lúc” như ý muốn thánh thiện của Thiên Chúa.

Tin Mừng cho chúng ta biết: là người khôn ngoan, có trách nhiệm, Thánh Giuse luôn suy nghĩ, tính toán thế nào để Đức Mẹ và Chúa Giêsu được bảo vệ an toàn, được chăm sóc chu đáo, được nuôi nấng đầy đủ, được hạnh phúc, yên ấm.

Song Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy: hầu hết những kế hoạch, chương trình được Thánh Giuse cẩn thận chuẩn bị, sắp xếp kỹ lưỡng đều đã không được thực hiện như ý Ngài muốn, nhưng bất ngờ bị đảo lộn, hủy bỏ ở giờ chót, thay vào là những bước đi mới, những hành trình đến những địa chỉ hoàn toàn xa lạ, những tình huống, biến cố, công việc không hề được nghĩ trước, nhưng tất cả được thực hiện một cách khác: khác với ý của con người, khác để theo Thánh Ý Thiên Chúa, khác để phù hợp với Lời Hứa của Thiên Chúa, khác để mọi việc xảy ra “đúng nơi, đúng lúc” như kế hoạch mầu nhiệm đã có từ đời đời của Thiên Chúa.

Và Thánh Giuse đã đón nhận tất cả những “cái khác” được Thiên Chúa truyền dạy và hướng dẫn thực hiện với tâm tình và thái độ của người công chính, đó là sẵn sàng vâng phục và làm theo Thánh Ý. (Từ tuyển tập “Trái Tim Người Công Chính” cuốn sách của Năm Đặc Biệt Kính Thánh Giuse. Tác giả:Jorathe Nắng Tím).

Linh mục giáo phận là người được sai đi

“Linh mục giáo phận là người được sai đi như các tông đồ được Chúa sai đi. Linh mục giáo phận được sai đến với những cộng đoàn dân Chúa để phục vụ dân Chúa”.

Từ nhu cầu mục vụ, việc bổ nhiệm và thuyên chuyển các cha trong giáo phận trở thành sinh hoạt thường niên không chỉ đối với linh mục đoàn mà cả với cộng đoàn dân Chúa trong toàn giáo phận. Các cha rời giáo xứ thân yêu, đến nhiệm sở mới.

Chuyển xứ không chỉ là chuyện chuyển đổi nơi ở nơi phục vụ, mà còn là dịp người linh mục thể hiện đức vâng lời triệt để, thể hiện tinh thần hiệp thông phục vụ và từ bỏ khi nhận được thư bổ nhiệm của Đức Giám Mục.

Lẽ thường tình, sau bao năm phục vụ cộng đoàn, đến lúc ra đi, nhiều cung bậc cảm xúc bịn rịn lưu luyến. Nếu xét theo tình cảm tự nhiên thì đó phải là nỗi đau cào cứa trong lòng. Nhưng đối với đời linh mục, đó là chuyện bình thường. Bởi vì linh mục là người chọn Chúa chứ không chọn công việc của Chúa. Mới hôm qua, chính nơi đây là nhà của mình, thì hôm nay không còn là nhà của mình nữa. Mới hôm qua còn lo lắng xây dựng và gìn giữ, thì hôm nay để lại tất cả và ra đi.Thế mới thấy linh mục là người từ bỏ vì Chúa.

“Nghi thức nhận xứ nói lên nhiệm vụ của Cha Chánh xứ là người được Đức Giám Mục sai đến để coi sóc một giáo xứ, có nhiệm vụ dẫn dắt đàn chiên, và chịu trách nhiệm về giáo xứ của mình. Ngài ân cần phục vụ với sự hiệp lực của giáo dân, để thông phần với Đức Giám Mục vào 3 chức vụ: Tiên Tri,Tư Tế và Vương Đế của Đức Kitô”. Như thế, linh mục Chánh xứ là thừa tác viên chính thức của Giáo Hội, là người được sai đến để phục vụ sự hiệp thông, là chứng tá Tông truyền và là người hành động nhân danh Đức Kitô, Đầu của Giáo Hội. Linh mục Chánh xứ là dấu chỉ, là hiện thân của Đức Kitô, ngài là đầu, chủ tọa cộng đoàn được trao phó.Nghi thức nhận xứ khởi đầu cho sứ vụ của Linh mục nơi nhiệm sở mới và cũng là khởi đầu mới trong lịch sử của cộng đoàn Giáo xứ.

“Mùa thuyên chuyển” đã kết thúc trong tháng kính Thánh Giuse của năm đặc biệt kính Thánh Giuse. Nhìn trong ánh sáng Tin Mừng qua 6 chuyến đi của Thánh Cả để nhận ra rằng, suốt cuộc đời Thánh Giuse đã thi hành với tâm tình và thái độ của người công chính, đó là sẵn sàng vâng phục và làm theo Thánh Ý Thiên Chúa.

Cầu chúc tất cả các linh mục được Đức Giám Mục bổ nhiệm đến giáo xứ mới trong dịp này, bước đi bằng đôi chân của người công chính và người tôi tớ trung thành, được tràn đầy niềm tín thác như Thánh Giuse, nhiều niềm vui Tin Mừng tại môi trường mới. dân Chúa rất khao khát nơi các ngài hình ảnh Đức Kitô Mục Tử nhân hậu, quảng đại và giàu lòng thương xót. dân Chúa mong muốn các ngài là khuôn mẫu cho lòng đạo đức và bác ái.

Đến giáo xứ mới, đây không chỉ là việc chuyển đổi nơi ở, chuyển đổi nơi làm việc, mà còn là việc lãnh nhận và thực thi sứ vụ Chúa trao ban cho người linh mục. Mong rằng sự chuyển đổi không dừng lại ở sự thay đổi không gian, mà là việc chuyển đổi mang tính biểu tượng cho sự thay đổi tâm linh, đổi mới suy nghĩ, đổi mới cung cách mục vụ. Được thế thì quả thật các ngài đã tạo phúc cho cộng đoàn dân Chúa nơi xứ mới.

Các linh mục chuyển xứ là được Chúa sai đi trong tư cách nhân danh Chúa, trong quyền năng của Chúa, là hiện thân của Chúa để mang tình yêu Chúa cho đoàn chiên trong viễn tượng ơn cứu chuộc: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(Mt 28,19).

Ước mong, niềm vui, sự hiệp nhất của ngày nhận nhiệm sở mới sẽ được nối dài mãi nơi cộng đoàn các Giáo xứ.

Thánh Tâm 6.3

Lm Giuse Nguyễn Hữu An