(Bài chia sẻ trong lễ khai giảng năm học 2019-2020)

Trước hết, con xin kính chào quý Đức Cha, quý Cha, quý Anh em,

Sau hơn 4 tháng tu nghiệp ở Rôma như được nạp thêm năng lượng, nay con trở lại tiếp tục công việc ở Chủng Viện. Con ý thức việc Đức Cha Phaolô và Ban Đào tạo cử con đi học với mục đích là để giúp cho chương trình đào tạo của Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê được tốt hơn. Nhân dịp khai giảng năm học mới, con xin chia sẻ một số điều mà con lĩnh hội từ khóa huấn luyện này:

Trước hết, xin nói đến bối cảnh của khóa học: Giáo Hội hoàn vũ đang đối diện với cuộc khủng hoảng niền tin do các vụ bê bối và lạm dụng tính dục của giáo sỹ xảy ra nhiều nơi trên thế giới.

Ý thức về tầm quan trọng của sứ vụ đào tạo linh mục trong bối cảnh hiện nay với những thay đổi và thách đố mới, hằng năm Bộ Truyền Giáo kết hợp với một số Bộ, Nghành liên quan của Tòa Thánh tổ chức hai khóa học:

Khóa I từ tháng 10 đến cuối tháng 12 cho các nhà đào tạo và giáo sư, với mục đích giúp học viên cập nhật kiến thức theo chuyên nghành như Thần Học, Kinh Thánh, hay Triết Học v.v… và học hỏi về phương pháp sư phạm giúp họ thi hành tốt hơn sứ vụ giảng dạy ở Chủng Viện.

Khóa II từ tháng 02 đến tháng 6 cho các Giám Đốc, Phó Giám đốc Chủng Viện và Tiền Chủng viện thuộc Miền truyền giáo. Khóa học này giúp cho học viên biết tổ chức chương trình đào tạo trong Chủng Viện: từ cơ cấu, định hướng, nội dung, phương pháp và các giai đoạn huấn luyện theo yêu cầu của Ratio mới mà Bộ Giáo Sỹ vừa ban hành.

Mỗi khóa không quá 30 người. Khóa học mà con tham dự có 25 linh mục, trong đó 16 vị đến từ Châu Phi, 8 vị đến Châu Á và 1 vị đến từ Châu Mỹ Latinh.

Nội dung khóa học được dàn trải trong 4 tháng, nên không thể trình bày hết ở đây, con chỉ xin giới thiệu một số điểm quan trọng:

I. Về nội dung khóa học

1) Trước hết là về đường hướng đào tạo linh mục: khóa học giúp tổ chức chương đào tạo theo định hướng của Ratio mới: theo đó, Tòa Thánh yêu cầu chúng ta cần tránh lối huấn luyện một chiều như chỉ lo huấn luyện tri thức, hay quá chú trọng đến việc huấn luyện tu đức, hoặc lối huấn luyện duy kỷ năng chỉ chạy theo hoạt động mục vụ bên ngoài. Đặc biệt tránh lối huấn luyện linh mục như những công chức của một cơ quan, hay như một thứ nghề nghiệp.

Trở thành linh mục là một sự dấn thân toàn bộ con người cho một ơn gọi, một cuộc sống và một sứ vụ cao cả, nên việc đào tạo linh mục phải là một tiến trình huấn luyện toàn vẹn, tiệm tiến và thống nhất từ thời gian, nội dung, nhân sự cũng như cơ cấu tổ chức.

Xin giải thích ba khái niệm này: tính toàn vẹn, tiệm tiến và thống nhất:

* Huấn luyện phải bảo đảm tính toàn vẹn: đào tạo linh mục là đào tạo các ứng sinh biến đổi và trưởng thành toàn vẹn về các phương diện nhân bản, tu đức, tri thức, mục vụ. Mỗi phương diện đều quan trọng trong suốt hành trình huấn luyện, kể cả khi đã là linh mục. Nên không được xem nhẹ một phương diện nào và tránh nguy cơ quá nhấn mạnh một phương diện, để không rơi vào lối đào tạo duy tu đức, duy tri thức hay duy hoạt động...

* Huấn luyện là tuân theo từng giai đoạn tiệm tiến

Công cuộc đào tạo linh mục là một tiến trình dài với các giai đoạn trước, trong và sau Chủng Viện. Mỗi giai đoạn có những nét đặc trưng riêng. Cần tránh sự lẫn lộn, chồng chéo, hay đốt giai đoạn. Chẳng hạn, giai đoạn ở Tiền Chủng Viện sẽ khác với giai đoạn ở Đại Chủng Viện. Ratio mới hướng dẫn chúng ta huấn luyện theo từng giai đoạn: Giai đoạn triết học là giai đoạn đào tạo người môn đệ Chúa Kitô, bước theo Người (sequela Christi); Giai đoạn thần học: đào tạo nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Tôi Tớ và là Mục Tử; Giai đoạn tập vụ (hay tổng hợp ơn gọi) là giai đoạn học hỏi mục vụ, thực tập sứ vụ phó tế và linh mục. Vì thế, mỗi năm, mỗi giai đoạn phải có những mục tiêu, những chủ đề riêng cho việc huấn luyện theo một tiến trình.

* Huấn luyện phải có tính thống nhất

Chương trình huấn luyện không phải là sáng kiến cá nhân, nhưng phải theo đường hướng, giáo huấn của Giáo Hội. Đây là nền tảng bảo đảm cho tính thống nhất và chính thống của chương trình đào tạo linh mục. Quan điểm giáo dục của mỗi nhà đào tạo phải dựa trên nền tảng này.

Tóm lại, việc huấn luyện linh mục ở Chủng Viện phải mang tính toàn vẹn, liên ngành và đa diện thì mới phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

2) Điểm thứ hai, một số chủ đề quan trọng được nghiên cứu trong khóa học như: những quy định về việc tiếp nhận các ứng sinh vào Đại Chủng Viện và tiến chức linh mục cho các ứng sinh theo đòi hỏi của Giáo Luật hiện hành. Tòa Thánh yêu cầu không được tiếp nhận và truyền chức linh mục một cách bừa bãi và dễ dàng. Nguyên tắc: Không vì thiếu linh mục mà truyền chức ẩu. Vì hậu quả khôn lường! Nếu một ứng sinh mà Ban Đào Tạo nhận xét không thì Giám Mục không được truyền chức cho họ.

Việc đồng hành và lượng giá từng chủng sinh cần được thực hiện một cách bài bản, đầy đủ và liên tục; Việc phân định cá nhân, phân định cộng đoàn và phân định mục vụ cần được nghiên cứu và áp dụng trong môi trường đào tạo để giúp các nhà đào tạo và các chủng sinh trở thành những người có khả năng phân định khi thi hành sứ vụ.

Khóa học cũng nghiên cứu về việc sử dụng hiểu biết tâm lý để giúp các chủng sinh trưởng thành về nhân cách, tính tình, tình cảm, tương quan liên vị và cách hành xử phù hợp với sứ vụ linh mục.

Về nhân sự ở Chủng Viện, Tòa Thánh yêu cầu các nhà đào tạo phải có những phẩm chất cần thiết, đời sống gương mẫu và có sự hiểu biết chuyên môn, được huấn luyện để trở thành nhà đào tạo. Đối với các giáo sư dạy các chuyên môn Triết – Thần trong Chủng Viện phải có học vị thích hợp, ít là bằng cử nhân (Master).

Bộ Giáo Sỹ khuyến khích Chủng Viện mời các chuyên viên y tế, sư phạm, nghệ thuật, hành chính, sinh thái và tâm lý v.v... nên mời các nữ chuyên viên, các nữ tu tham gia vào công cuộc đào tạo linh mục theo khả năng và chuyên môn của họ. Ở Việt Nam, chúng ta đang thiếu về điểm này. Văn hóa phong kiến vẫn còn thống trị trong cách nghĩ và lối tổ chức ở ngoài đời cũng như trong đạo, nên vai trò phụ nữ ít được đón nhận. Nhiều Chủng Viện chưa dám mời nữ tu, nữ giáo dân vào dạy hay tư vấn, có chăng chỉ lo nấu nướng. Nên họ ít có cơ hội để đóng góp theo chuyên môn của họ. Tòa Thánh mong muốn phụ nữ có một vai trò đặc thù quan trọng và cần thiết trong đào tạo linh mục (x. Ratio s. 150).

Một số chủ đề mang tính thời cũng được học hỏi: vấn đề đồng tính và cách giải quyết đối với những ứng sinh có liên hệ: Theo hướng dẫn của Tòa Thánh, ứng sinh có khuynh hướng đồng tính, người đã thực hành đồng tính hay người cổ võ văn hóa “gay” thì không được tiếp nhận vào Chủng Viện và tiến chức linh mục. Rồi những trường hợp tâm bệnh như rối loạn nhân cách, tính tình bất ổn, chứng nghiện rượu cũng phải rất cẩn trọng để xét cho vào Chủng Viện hay tiến chức.

Vấn đề lạm dụng quyền, lạm dụng lương tâm và lạm dụng tính dục của giáo sỹ và việc bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương cũng là chủ đề thời sự được nghiên cứu: thực trạng và hướng giải quyết hiện nay của Giáo Hội. Tòa Thánh đã thiết lập hành lang pháp lý để bảo vệ các trẻ em và các nạn nhân trong Tự Sắc “VOS ESTIS LUX MUNDI” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô ký ngày 07/5/2019, tài liệu này là đúc kết của cuộc hội thảo của Tòa Thánh vào cuối tháng 02 năm 2019. Trong đó quy định những quyền và nghĩa vụ phải trình báo, quyền được bảo vệ và giữ bí mật, bổn phận phải chăm sóc mục vụ như thế nào cho các nạn nhân nếu có lạm dụng xảy ra. Điều đó cho thấy Giáo Hội trung ưng hiện nay đang lo bảo vệ các nạn nhân, trong khi nhiều Giáo Hội địa phương thì lo bảo vệ cơ chế mình.

Vấn đề quản trị tài sản và tài chính trong Chủng Viện cũng được nghiên cứu để canh tân theo sự cải cách hiện nay của Tòa Thánh. Theo đó, việc quản lý tài chính phải được thực hiện theo 3 nguyên tắc: 1) Phải có tính chuyên nghiệp; 2) Tính minh bạch và tập thể; 3) Và theo tinh thần Tin Mừng.

Lối quản trị tài chính trong Giáo Hội Việt Nam thường chỉ giao cho một người, người nắm tiền là người có quyền quyết định mọi sự, nhiều lúc tùy tiện trong việc sử dụng tiền bạc, hằng năm lại không có báo cáo rõ ràng cho những người liên quan biết như Giáo Luật quy định.

Nếu việc quản trị tài chính được thực hiện theo sự canh tân này sẽ tạo niềm tin, đảm bảo sự công bằng và làm chứng cho sự thật Tin Mừng qua việc sử dụng tiền của Giáo Hội cách minh bạch, khoa học và đúng mục đích. Chủng Viện quản trị và huấn luyện chủng sinh theo định hướng này để sau này khi thi hành sứ vụ linh mục, họ trở thành những quản gia trung tín và thanh liêm.

Ngoài ra, khóa học cũng đề cập đến vấn đề: như linh hướng, truyền thông và truyền giáo trong thế giới phẳng. Khóa học cũng tạo cơ hội để các tham dự viên chia sẻ những nghiệm đào tạo và học hỏi lẫn nhau về cách tổ chức, điều hành và giải quyết các vấn đề trong Chủng Viện.

II. Về tinh thần và phương pháp huấn luyện ở Chủng Viện

Tòa Thánh mong muốn các Chủng Viện áp dụng mô hình và phương pháp mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang thực hiện dựa trên nền tảng thần học về một “Giáo Hội như là Dân cùng nhau tiến bước” (una Chiesa come un popolo in cammino). Việc huấn luyện là sự kiện thuộc Giáo Hội học mà Chủng Viện là nôi để sống và thể hiện mô hình Giáo Hội hiệp thông theo hình tròn: Nghĩa là làm sao tạo được tinh thần và phương pháp làm việc chung với nhau nơi Ban Đào tạo theo các nguyên tắc: hiệp thông, huynh đệ thần bí, tham dự, đối thoại, cộng tác, tính công nghị và tính tập đoàn để cùng phân định, cùng quyết định theo sự khôn ngoan của Thánh Thần (comunione, fraternità mistica – partecipazione – dialogo – corresponsabilità, collegialità - sinodalità). Sứ vụ đào tạo là công trình chung, nếu tạo được bầu khí này ở Chủng Viện, thì sẽ tránh được lối đào tạo “mỗi người một kiểu,” thiếu tính thống nhất và phối hợp, thiếu lắng nghe và đối thoại. Như thế, việc đào tạo sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực hơn. Các chủng sinh cũng như các nhà đào tạo cùng nhau học hỏi và cộng tác với nhau theo mô hình và tinh thần này.

III. Những nguyên tắc căn bản cho việc đạo tạo linh mục ở Chủng Viện

Việc huấn luyện linh mục là một nghệ thuật của các nghệ thuật. Người huấn luyện phải có sự hiểu biết về huấn luyện, biết phương pháp huấn luyện và có chiến lược huấn luyện.

Xin chia sẻ 5 nguyên tắc huấn luyện linh mục:

1) Huấn luyện là hướng tới giá trị hơn là cấm đoán. Mục tiêu huấn luyện là giúp ứng sinh biến đổi. Nếu không biến đổi là không có kết quả. Mà con người chỉ biến đổi nhờ sống các giá trị. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: đừng huấn luyện theo kiểu cảnh sát!

2) Huấn luyện là hướng tới sự siêu việt và tuyệt đối. Theo đó, huấn luyện là hướng tới Thiên Chúa, yêu mến Người trên hết mọi sự và hiến thân cho Người. Huấn luyện là giúp ứng sinh trở thành “người của Thiên Chúa.”

3) Huấn luyện cũng là giúp thụ huấn sinh biết yêu mến Giáo Hội và phục vụ người khác. Ơn gọi linh mục ở trong Giáo Hội và cho người khác, chứ không phải cho mình. Nên việc huấn luyện đích thực là giúp ứng sinh trở thành một người biết yêu mến Giáo Hội và phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo. Linh mục là “người của Giáo Hội.”

4) Huấn luyện bao gồm mọi phạm vi, không chỉ ở phạm vi chính thức (formal) mà cả phạm vị không chính thức (informal). Nghĩa là không chỉ huấn luyện trong môi trường nghiêm túc, như ở lớp học, nhà thờ, nhưng ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực, như thể thao, âm nhạc, hoạt động văn hóa, lao động chân tay, nơi sân cỏ, tại bàn ăn, ngoài đường, khi giao tiếp, đi dã ngoại, khi nghỉ hè… tất cả đều được nhìn như là phương tiện và cơ hội để giáo dục.

5) Huấn luyện phải theo nguyên tắc bao gồm (inclusive) và loại bỏ não trạng loại trừ (exclusive). Nghĩa là lối tiếp cận huấn luyện một con người bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai; bao gồm những khả năng, tiềm năng và cả những yếu đuối, giới hạn và những tổn thương của họ. Nguyên tắc này có thể áp dụng cho nhiều lãnh vực như nghiên cứu, mục vụ, tổ chức và lượng giá... Nó mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội. Còn lối loại trừ thì ngày nay đã lỗi thời và không nên áp dụng trong giáo dục.

Trên đây là những điểm chính yếu mà con tóm tắt và chia sẻ. Hy vọng chúng sẽ gợi hứng và giúp cho chương trình đào tạo linh mục của chúng ta được phù hợp hơn với đòi hỏi hiện nay của Tòa Thánh.

Nhân dịp này, con xin trân trọng cảm ơn quý Đức Cha, quý Cha giáo đã tín nhiệm, giúp đỡ và cộng tác với con. Tôi xin gửi tới tất cả anh em chủng sinh lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta trong năm học mới này!

CV Thánh Phanxicô Xaviê - Vinh
http://nguoinguphu.blogspot.com