Trong phiên tòa hôm thứ Hai ngày 17 tháng Sáu vừa qua, Mohamed Morsi, đã xin phép được nói với tòa án vài lời cuối cùng trong phiên tòa xử ông ta về tội phản quốc. Nói được mấy câu, Morsi đã gục xuống và không bao giờ tỉnh dậy.

Mohamed Morsi, 67 tuổi, từng là lãnh đạo của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, một tổ chức khủng bố đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tại Ai Cập. Sau khi tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ vào tháng Hai 2011, Mohamed Morsi đã được bầu lên làm tổng thống thứ 5 của Ai Cập và đảm nhận trách vụ này từ ngày 30 tháng Sáu, 2012 đến ngày 3 tháng Bẩy, 2013 thì bị quân đội Ai Cập đảo chính và bắt giam.

Các phiên tòa xét xử Mohamed Morsi luôn diễn ra trong tình trạng an ninh tối đa. Ông ta bị nhốt trong cũi sắt ngay trong tòa án để đề phòng cướp tòa.

Trong một diễn văn được phát trên truyền hình, Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã đổ lỗi cho tổng thống Al-Sisi của Ai Cập, mà ông ta gọi là “bạo chúa” về cái chết của Morsi.

“Lịch sử sẽ không bao giờ quên những tên bạo chúa đã đưa đến cái chết của anh ấy bằng cách tống vào tù và đe dọa xử tử anh ấy”, Erdogan, một đồng minh thân cận của Morsi, nói trong bài phát biểu trên truyền hình Istanbul.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gọi cựu tổng thống Ai Cập là “một vị tử đạo”.

Trong thế giới Hồi Giáo, nhiều buổi tưởng niệm kèm theo những lời thề trả thù đã dấy lên một bầu không khí căng thẳng đùng đùng sát khí.

Cảnh sát và quân đội đã lập tức được tăng cường xung quanh các nhà thờ Công Giáo Ai Cập trong khi anh chị em giáo dân chuẩn bị mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa – Corpus Christi. Tất cả mọi cuộc rước sách truyền thống đều bị bãi bỏ trong năm nay.

Nhận định về diễn biến đáng lo ngại này, Cha Rafic Greiche, chủ tịch Ủy ban Truyền thông của Hội đồng Giám Mục Công Giáo Ai Cập, nói với thông tấn xã Công Giáo AsiaNews có trụ sở tại Rôma như sau:

“Ông Mohamed Morsi đã đau yếu và có một khối u trong não trước khi được bầu làm tổng thống. Sức khỏe của ông ta rất mong manh và sự căng thẳng từ phiên tòa có thể còn làm suy yếu tình trạng của ông ta hơn nữa. Không có yếu tố nào khác ngoại trừ sức khỏe đã gây ra cái chết này.”

“Gần đây tôi đã đọc tin tức trên các phương tiện truyền thông phương Tây, đặc biệt là tiếng Pháp, về những nghi ngờ xung quanh cái chết của ông ta hoặc cho rằng ông ta có thể đã bị giết, nhưng điều đó không đúng đâu. Trong những năm tù vừa qua, ông ta đã phải nhập viện ba hoặc bốn lần trong các bệnh viện tốt nhất. Chính phủ đã làm mọi thứ để bảo đảm sự chăm sóc tốt nhất cho ông ta.”

Mohamed Morsi đã được chôn cất tại thành phố Nasr, phía đông Cairo, trong bối cảnh an ninh chặt chẽ. Chỉ có vài thành viên trong gia đình và một vài người khác có mặt tại buổi lễ.

Con trai ông Ahmed nói với Reuters rằng chính quyền Ai Cập từ chối yêu cầu tổ chức tang lễ công khai ở quê nhà, vì sợ biểu tình. Chính phủ đã tuyên bố tình trạng cảnh báo tối đa và tăng cường các biện pháp an ninh vì lo ngại các cuộc tấn công hoặc các cuộc biểu tình trên đường phố có thể xảy ra.

Tổng thống Al-Sisi đang ở nước ngoài, tại Belarus, trong một chuyến thăm chính thức. Ông quyết định “không quay về Ai Cập” để cho thấy rằng tình hình đã được kiểm soát.

Cha Rafic Greiche nhận định: “Người Ai Cập đã mệt mỏi với nhóm Huynh đệ Hồi giáo. Có rất nhiều những hô hào trả thù ở nước ngoài, ở Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn, nhưng ở đây không ai buồn nhắc đến.” Tất nhiên, “vẫn có những nguy cơ là ai đó có thể cố gắng tấn công vào các nhà thờ, các nơi thờ phượng, doanh trại cảnh sát hoặc các địa điểm nhạy cảm khác để khuấy động căng thẳng hoặc trả thù, nhưng đối với nhiều người chúng tôi, ông ta đã thuộc về quá khứ.”

Trên bình diện nhân bản, “chúng tôi chia buồn trước cái chết của ông ta và thông cảm với gia đình ông, bất chấp sự bất đồng triệt để về cách thức ông ta cai trị đất nước này trong một năm, một thời gian thật thảm khốc đối với chúng tôi”.

“Nhiều người, đặc biệt là ở phương Tây, nhớ đến ông với tư cách là tổng thống được bầu cử đầu tiên một cách dân chủ và nói về những vi phạm nhân quyền vân vân. Nhưng cần phải nói rằng ông ta là người đầu tiên bẻ cong Hiến pháp vào tháng 11 năm 2012, với một sắc lệnh tập trung quyền lực vào tay ông ta và trong thực tế đã vi phạm hiến pháp và các nguyên tắc của luật pháp nhằm áp đặt luật Hồi Giáo Sharia.”


Source:Asia News