“Hãy nâng tâm hồn lên, đừng giơ cao điện thoại lên” (ý của ĐGH Phanxicô)

Hội Thánh dung nạp truyền thống sử dụng cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” để diễn tả lời tạ ơn của dân Kitô giáo dâng lên Chúa Cha trong Thánh lễ. Qua việc đối đáp, chủ tế mời gọi cộng đoàn tham gia vào kinh nguyện và hợp ý với ngài để dâng lên Thiên Chúa Kinh nguyện Thánh Thể / Kinh Tạ Ơn, còn cộng đoàn thể hiện sự đồng tình nhất trí với chủ tế cũng như diễn tả sự xác nhận một cách chính thức của dân Chúa đối với vị chủ tế đang chủ sự tiến trình tạ ơn Thiên Chúa. Như vậy, Kinh Tạ Ơn trở thành lời kinh của toàn thể cộng đoàn chứ không chỉ của riêng chủ tế.[1]

Lần đối đáp thứ I: Chúa ở cùng anh chị em - Và ở cùng cha

Câu xướng “Chúa ở cùng anh chị em” được sử dụng nhiều lần trong Thánh lễ và cùng với câu đáp của cộng đoàn “Và ở cùng [thần trí] cha” làm thành một phần có chức năng như lời chào chúc. Câu “Chúa ở cùng anh chị em”thông thường được diễn dịch như là một lời ước mong: “Xin Chúa ở cùng anh chị em”. Lời chào chúc này được một số nghi điển Đông phương / phụng vụ Chính thống giáo mở rộng hơn bằng cách để vị tư tế đọc theo bản văn của thánh Phaolô (2Cr 13,13), chẳng hạn: “Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.”Riêng tại thời điểm này, tức thời điểm trọng tâm của Thánh lễ, thời điểm dành cho Kinh nguyện Thánh Thể với việc biến đổi lễ phẩm bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, lời chào chúc đó xác định rằng cả vị tư tế và dân chúng đều cần đến Thiên Chúa ở cùng khi họ chuẩn bị bước vào mầu nhiệm hy tế thánh của Thánh lễ. Không có Thiên Chúa, con người chẳng làm được gì (x. Ga 15,5).[2]Đây là thời điểm vị tư tế sắp làm lại những gì Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly, cho nên câu “Chúa ở cùng anh chị em”cũng là một lời nguyện mong ước Chúa ở cùng các tín hữu tham dự lúc này như Ngài đã ở với các môn đệ thưở xưa tại phòng Lầu Trên. Câu “Chúa ở cùng anh chị em”còn là lời nhắc nhở cộng đoàn tham dự rằng họ thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô. Họ tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô theo cấp độ của họ vì họ là “dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh dân riêng của Thiên Chúa.” Những gì sắp diễn ra trên bàn thờ là sự canh tân giao ước giữa Thiên Chúa và các tín hữu – dân Ngài đã tuyển chọn – giao ước được đóng ấn bằng máu Chúa Kitô. Vì thế, qua lời chào chúc “Chúa ở cùng anh chị em”, linh mục thừa nhận chức tư tế cộng đồng của các tín hữu.[3]

Câu “Và ở cùng thần trí cha” theo mẫu của thư thánh Phaolô: "Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần" (2Cr 13,13) và "Cầu chúc cho tâm hồn anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô" (Pl 4,23), tuy đây không phải là lời chào gặp gỡ mà là lời chào tạm biệt. [4]

Lần đối đáp thứ II: Hãy nâng tâm hồn lên - Chúng con đang hướng về Chúa

Câu “Hãy nâng lòng lên” (Sursum corda) là của riêng Kitô giáo và là một công thức phụng vụ được biết đến sớm nhất cũng như được sử dụng cả ở bên Tây lẫn bên Đông phương.Câu “Hãy nâng lòng lên” (Sursum corda) cùng với lời đáp “Chúng con đang hướng về Chúa” làm thành một phần có chức năng như lời khuyến dụ hay giáo huấn.

Câu “Hãy nâng lòng lên” được lấy từ sách Ai Ca 3,41: "Hãy giơ tay và hướng lòng lên Đức Chúa, là Đấng ngự trên trời."Trong sách Hiến chế các Tông đồ (Book VIII), câu này là “Hãy nâng trí lên”. Còn trong Kinh tiến dâng (Anaphora) của thánh Giacôbê, câu này là “Hãy nâng trí và lòng lên”.[5]Đây là lời mời gọi cộng đoàn tín hữu nâng tâm trí mình lên “ngai tòa của Thiên Chúa là nguồn ân sủng để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Hr 4, 16). Ngai tòa này là nơi Chúa Giêsu, vì chúng ta, hiến dâng chính mình Ngài cho Chúa Cha đến muôn đời trong phụng vụ thiên quốc. Khi đọc những lời “Hãy nâng tâm hồn lên”, vị chủ tế còn nhấc cao tay ngài lên như là muốn mời gọi cộng đoàn hãy mở rộng tâm hồn cách thích hợp và gạt bỏ ra đằng sau mọi thứ lo lắng quan tâm khác thuộc về thế gian mà chú tâm một cách trọn vẹn trong giờ phút này của Chúa như một khoản khắc theo thánh Augustinô, chúng ta được nghỉ yên bên Chúa; Câu này không chỉ theo nghĩa đen là “nâng trái tim mình lên” mà còn có nghĩa là đặt tất cả “trí khôn, linh hồn, tinh thần” vào những gì sắp diễn ra ngay trước khi đi vào Kinh Tạ Ơn để chúng ta có thể vươn tâm hồn lên gặp gỡ được Thiên Chúa và chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại sắp được hoàn tất, bởi vì trái tim hay tâm hồn con người là nơi phát xuất ra mọi ý nghĩ, tình cảm và hoạt động.[6] Đây cũng là một đỏi hỏi con người phải có đối với Thiên Chúa, tức là yêu mến Thiên Chúa "hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn" (Lc 10,27). Thánh Augustinô nhấn mạnh đến việc nâng tâm hồn lên là thái độ của người được phục sinh, họ hướng lên và chỉ tìm kiếm những thực tại trên trời - nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa - vì quê hương của họ ở nơi thiên quốc (x. Mt 6,21; Cl 3,1-3; Pl 3,20).[7]

Câu “Chúng con đang hướng về Chúa” (cùng với câu “Hãy nâng tâm hồn lên”) được tìm thấy trong các bài viết của thánh Cyprianô (thế kỷ IV). Ngài nói: “Khi chúng ta phải chăm chú cầm trí với tất cả tâm hồn, chúng ta hướng lòng mình về lời nguyện. Tất cả mọi tư tưởng xác thịt và trần tục phải tan biến đi, trí khôn chỉ nghĩ đến lời kinh đọc mà thôi.”Ngài cũng khuyên tín hữu đừng để xảy ra mâu thuẫn giữa tâm trí và miệng lưỡi của mình.[8]Câu “Chúng con đang hướng về Chúa” cùng với câu “Hãy nâng tâm hồn lên” như một vận hành của không chỉ lòng trí chúng ta mà cả cuộc sống của chúng ta quy hồi về Chúa và những sự thiêng liêng thánh thiện, đối nghịch với những gì mà thánh Phaolô gọi là thế gian và xác thịt. Cả hai câu như giúp chúng ta sẵn sàng tham dự vào Kinh Tạ Ơn cũng như cử hành buổi phụng tự một cách đích thực.[9]

Lần đối đáp thứ III: Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta - Thật là chính đáng

Câu “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta” có lẽ mượn mẫu chúc lành trước bữa ăn của người Do Thái rồi đưa vào sử dụng trong phụng tự Kitô giáo nhằm diễn tả lời mời gọi cầu xin chúc phúc đặc biệt trên chén rượu (Berakah/ eucharistia) chứ không chỉ là là lời cảm tạ chung chung.[10] Dường như Chúa Giêsu đã bắt đầu kinh nguyện tại bữa tiệc ly bằng những lời tương tự như vậy.[11]

Bên Đông phương, thay vì nói ở thể xác định, một vài chủ tế đổi sang thể nghi vấn: “Chúng ta có cảm tạ Chúa là Thiên Chúa chúng ta không?” nhằm công khai làm rõ sự tán thành của cộng đoàn đối với những lời chủ tế đọc nhân danh họ cũng như xác định Kinh nguyện Thánh Thể thuộc về toàn thể cộng đoàn phụng vụ. Điều này phù hợp với chức năng của những lời đối đáp như thế trong phụng vụ Do Thái.[12] Câu “Chúng con cảm tạ Chúa ...” thực ra đã nằm trong kinh Vinh danh rồi và đó là tâm tình đáp lại Thiên Chúa rất phổ biến trong Kinh Thánh khi con người nhận ra những việc thiện hảo và công trình cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc sống của họ. Ngày xưa, Thiên Chúa đã cứu dân Itraen khỏi tay kẻ thù; ngày nay, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến trần gian hầu cứu các tín hữu khỏi tội lỗi và sự chết. Ngày xưa, Thiên Chúa đã làm bao dấu lạ diềm thiêng giữa dân của Ngài; ngày nay, do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà phép lạ bánh rượu biến thành Mình Máu Chúa Kitô đang diễn ra trước mắt chúng ta...

Tóm lại, con người phải cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những điều kỳ diệu Ngài đã ra tay thực hiện trong công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa họ. Vì thế, chủ đề tạ ơn bàng bạc trong Kinh Thánh, đặc biệt chúng ta có thể tìm thấy trong nhiều Thánh vịnh (Tv 18; 30; 66,4; 92; 95,2; 118; 100,4; 136; 138; 107,8.15.212.31) cũng như trong các thư của thánh Phaolô (Cl 2,17; 3,16-17; 1Tx 5,18; Pl 4,6; 1Cr 14,16; Ep 5,19-20).[13]

Hành vi cảm tạ phải dựa trên sự suy gẫm và xem xét thận trọng. Đây là hành vi được thực hiện một cách ý thức và đòi buộc về phía con người. Cảm tạ được xác định như là “phải lẽ và công bình” (dignum et iustum) ngay sau câu xướng “Hãy cảm tạ Chúa là Thiên Chúa chúng ta”. Hai từ này (“phải lẽ và công bình”), theo Dom Botte, chúng có nghĩa như nhau. Kinh Tiền tụng chung 4 trong Sách lễ hiện nay viết rằng: “…chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ (salutare) cho chúng con.» Điều này phản ánh chiều kích cứu độ của tạ ơn.[14]

“Thật là chính đáng” (Dignum et ustum est) dịch cho đầy đủ hơn là "Thật là phải lẽ (dignum) và công bằng" [công minh; công chính] (iustum) như chúng ta thấy trong một số đoạn văn Thánh Kinh: "Thưa anh em, chúng tôi phải luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em: đó là điều phải lẽ (axion)[2Tx 1,3]; "Các ông hãy nghe những điều anh em đồng bào các ông kiện tụng, và hãy xử công minh (iustum) giữa một người đồng bào với một người đồng bào, hoặc với một ngoại kiều ở với người ấy (Đnl 1,16); "Thiên Chúa làm như vậy, để sự công chính (iustitia) mà Luật đòi hỏi được hoàn toàn thực hiện nơi chúng ta, là những người không sống theo tính xác thịt, nhưng theo Thần Khí (Rm 8,4).

Câu đáp “Thật là chính đáng” âm vang những lời dẫn nhập của bài ca chúc tụng (Hallel) của vị đứng đầu bàn tiệc vượt qua: [i] “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền, vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên.” (Kh 4, 11); [ii]“Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân” (Kn 5, 9); [iii]“Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc” (Kh 5, 12).[15]

Lời đáp lại “Thật là chính đáng” biểu lộ sự hợp nhất thâm sâu giữa vị tư tế và cộng đoàn; biểu tỏ sự ưng thuận đồng tình của các tín hữu tham dự trước những lời khích lệ và đề nghị của chủ tế; cũng như biểu lộ lòng ao ước của họ được cùng với vị chủ tế dâng lời tạ ơn Thiên Chúa [với những lý do về phía Thiên Chúa như các phẩm tính siêu vượt của Ngài và những công trình kỳ diệu Ngài ra tay thực hiện cho loài người trong lịch sử mà sẽ được trình bày thêm tùy theo từng kinh Tiền tụng].[16]Tựu chung, người ta thấy những ý chính để tạ ơn là: [i]Mầu nhiệm sáng tạo và những ân huệ Thiên Chúa rộng ban cho loài người qua trật tự tự nhiên; [ii]Mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu: nhập thể, khổ nạn, phục sinh, lên trời và tất cả những gì cần thiết cho ơn cứu độ; [iii]Mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh tỏ hiện qua chư thánh, nhất là qua các vị tuẫn đạo…[17]

LM. Giuse Phạm Đình Ái

[1]Xc. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể(Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001),120; Barry Ryan, "Eucharistic Prayers" trong The New Dictionary of Sacramental Worship, ed. Peter E . Fink, SJ(Collegeville, Minnesota: A. Michael Glazier Book / The Liturgical Press, 1990), 451-459.

[2]Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass(Pennsylvania: Ascension Press, 2011), 96.

[3] Clifford Howell, Mean What You Say: The Short Reponses in the Mass (Collegeville, MN: The Liturgical Press, 1965)), 44.

[4]Davit Power, "Theology of the Latin Text and Rite", trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal,ed. Edward Foley ((Collegeville, Minnesota: A Pueblo Book / The Liturgical Press, 2011),259.

[5]Frank C. Senn, "Anaphora" trong The New Dictionary of Sacramental Worship, ed. Peter E . Fink, SJ(Collegeville, Minnesota: A. Michael Glazier Book / The Liturgical Press, 1990), 46-47.

[6] Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass, 96; Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites(Chambray: C.L.D, 2001), 139.

[7]Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể,120-121; Xc. Adoft Adam, Eucharistic Celebration: the Source and Summit of Faith, trans. Robert C. Schultz (Collegeville,Minnesota: A Pueblo Book /The Liturgical Press,1994), 72; Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 138.

[8] Clifford Howell, Mean What You Say: The Short Reponses in the Mass, 45.

[9]Davit Power, "Theology of the Latin Text and Rite", 261-62.

[10]Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist:Essence, Form, Celebration(Collegeville,Minnesota:The Liturgical Press, 1997),180.

[11] Sean Swayne, Communion: The New Rite of the Mass (Dublin: Veritas Publicatons, 1974), 59.

[12]Kevin Seasoltz (ed.), Living Bread, Saving Cup (Collegeville,Minnesota: The Liturgical Press, 1982), 115.

[13]Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass, 98-99.

[14] Xc. Enrico Mazza, The Eucharist Prayers of the Roman Ritetrans. Matthew J. O’Connell (Collegeville, MN: Liturgical Press / A Pueblo Book, 2004), 42.

[15] Jerome Gassner, The Canon of the Mass: Its History, Theology and Art(London: B. Herder Book, 1949),106-107.

[16]Xc. Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 141.

[17] Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (1999), 400.