Matthaeus, người thu thuế

Chúa Giêsu khi đi rao giảng giáo lý nước Thiên Chúa ở trần gian vào khoảng năm 30. đã tuyển chọn kêu gọi 12 môn đệ để xây dựng nền tảng Giáo Hội sau này. Trong số 12 Môn đệ có tên Matthaeus. ( Mt 10,3 Mc 3,18, Lc 6,15 và CV 1,13).

Về nguồn gốc lịch sử đời sống của Matthaeus không có bút tích nào ghi chép để lại. Nhưng trong phúc âm Chúa Giêsu thuật kể lại tên cùng hình ảnh về Ông. Nên căn cứ theo đó người ta có thể lần tìm ra lai lịch về con người của Ông.

Tên Matthaeus theo nguồn gốc tiếng Do Thái mang ý nghĩa là “ qùa tặng của Thiên Chúa“. Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Matthaeus (10,3) nói rõ về nghề nghiệp của Mathhaeus là người thu thuế. Dựa vào chi tiết đó Matthaeus được nhận diện ra là người ngồi nơi cửa thuế quan và được Chúa Giêsu kêu gọi:“ Hãy theo Ta!“ ( Mt 9,9, Mc 2,13, Lc 5,27 ).

Dựa theo trình thuật phúc âm thánh Marcô, Chúa Giêsu đến rao giảng , làm phép lạ ở Carphanaum vùng biển hồ Galilaea, nơi đây Chúa Giêsu đã kêu gọi Matthaeus, như thế có thể nói Matthaeus làm nghề thu thuế ở trạm thu bên bờ hồ Galilea, cũng nơi này Chúa Giesu thường tới nhà Ông Petrus.

Ngoài ra Ông còn có tên nữa là Levi: „Sau đó Đức Giêsu đi ra và trông thấy một người thu thuế tên là Levi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo Ông „ Anh hãy theo Tôi!. Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. ( Lc 5,27-28).

Chúa Giêsu kêu gọi những Môn đệ đầu tiên làm thành nhóm những người trong vòng thân tín nhất, nhưng theo suy nghĩ đánh gía của người Israel thời đó, lại bị liệt kê đánh gía là hạng người tội lỗi. Điển hình là Matthaeus, một người thu thuế, một người có liên quan ràng buộc với vật chất tiền bạc bị cho là không thuộc về dân Thiên Chúa, một lớp người không trong sạch. Và còn bị cho là người chạy theo cộng tác với ngoại bang, bị khinh chê chống báng, đi thu thuế bóc lột dân của mình nộp cho họ. Vì thế họ bị cho là hạng quân thu thuế, hạng người tội lỗi điếm đàng ( Mt 21,31, Lc 15,1).

Nhưng Chúa Giêsu không nhìn theo khía cạnh như thế. Người không vì thế mà loại bỏ họ ra. Trái lại người đến nhà Matthaeus Levi ăn cùng bàn, và chỉ cho những người khác có thái độ khó chịu chống đối:“ Không phải kẻ lành mạnh cần đến thầy thuốc, nhưng là người bệnh. Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi, chứ không người công chính“ ( Mt 2,17).

Kinh thánh thuật lại Matthaeus nghe Chúa Giêsu kêu gọi, Ông đứng dậy và bỏ tất cả đi theo Người. Cung cách của Matthaeus nói lên sự hăng hái sẵn sàng là câu trả lời cho tiếng Chúa Giêsu kêu gọi Ông: Hãy theo Ta!

Có thể nói được rằng cung cách đứng dậy bỏ mọi sự lại đàng sau của Matthaeus là từ bỏ con đường cũ tội lỗi, và nhận thức rõ ràng về con đường mới là chấp nhận nếp sống vươn lên trong cộng đoàn với Chúa Giêsu.

Là Tông đồ được Chúa Giesu kêu gọi, Ông có thời gian dài ba năm theo chân Chúa Giêsu ngày đêm, nghe, xem ngài giảng, ngài làm phép lạ cùng học hỏi nơi ngài nhiều điều. Vì thế, sau khi Chúa Giêsu về trời. Matthaeus vì nhu cầu truyền lại giáo lý của Chúa Giêsu cho các tín hữu Chúa Kitô, Ông đã viết phúc âm Chúa Giêsu

Sách phúc âm Matthaeus được viết trước tác vào khoảng từ năm 80 đến năm 90 sau Chúa giáng sinh ở Antiochia, nơi người tín hữu Chúa Kitô sống chung với những cộng đoàn người Do Thái, Hy Lạp và những nhóm dân tộc khác.

Nơi Phúc âm theo thánh sử Matthaeus, Chúa Giêsu được trình bày trong tương quan với Do Thái giáo, là người chính thực cắt nghĩa về lề luật từ thời Mose.

Theo ý kiến các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng Mattheo là một nhà trí thức Do Thái tin theo Chúa Giêsu Kitô thuộc vào thế hệ thứ hai. Là người Do Thái trở thành tín hữu Chúa Kitô nên Ông có cung cách cởi mở với những người không phải là Kitô giáo, điều này thể hiện rõ nét nơi nội dung bản văn phúc âm Ông viết ra.

Theo tương truyền kể lại, vào khoảng năm 42 sau Chúa giáng sinh, Tông đồ Matthaeus đã bỏ vùng Palestina sang truyền giáo ở nước Aethiopia, miền Mesopotamien hay cả vùng Persia. Nơi cùng thời gian Ông qua đời không có sử sách nào viết thuật lại.

Có tương truyền kể lại là Tông đồ Matthaeus chết tử vì đạo bị chém đầu, hay bị thiêu sống ở bên Syria. Vì thế Giáo hội Latinh và Hylạp tôn kính ngài là vị Thánh tử đạo.

Từ thế kỷ 10. thi hài Thánh Tông đồ Matthaeus được di chuyển đưa về Palermo, nơi đây Thánh Tông đồ Matthaeus là vị Thánh quan thầy của Thành phố và của Giáo phận Palermo.

Hình tượng Thánh Matthaeus được khắc chạm vẽ là một người có cánh như một Thiên Thần, và tay cầm bút viết phúc âm Chúa Giêsu.

Hay tay cầm bút viết cũng có thể hiểu nói về nghề nghiệp của Matthaeus ngày xưa trước khi theo Chúa Giêsu là người thu thuế viết sổ sách biên lai.

Lễ kính Thánh Tông đồ thánh sử Matthaeus hằng năm trong Giáo Hội vào ngày 21.09.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long