Phong Trào Cải Cách Thệ Phản

Một trong “các bão tố lớn lao” thời Thánh Têrêxa là Phong Trào Cải Cách Thệ Phản. Dù thiếu nhiều thông tin, Thánh Têrêxa vẫn đích thân biết Giáo Hội “bị chia rẽ” bởi lạc giáo của phe “Luthêrô”, một hạn từ bao gồm mọi kẻ bất đồng với Giáo Hội từng giết chóc các linh mục, triệt hạ các nhà thờ, di chuyển Bí Tích Cực Trọng ra khỏi bàn thờ v.v... Ngài cũng biết Giáo Hội có Tòa Dị Giáo chuyên tìm những người lạc giáo, những người ly giáo, những nhà huyền nhiệm giả dối và những người truyền Đạo Do Thái, kết án họ, và thậm chí còn lên án tử hình họ nữa.

Hai phạm vi đang phủ bóng đen lên Giáo Hội được Thánh Têrêxa biết đến. Trước hết, đó là một Giáo Hội tội lỗi, thiếu sót và cần được cải tổ. Thứ hai, càng sống, ngài càng thấy các thiếu sót và tội lỗi của các nhà lãnh đạo Giáo Hội: các giám mục, kinh sĩ, linh mục, tu sĩ nam nữ. “Giữa bão táp dữ dằn như các bão táp Giáo Hội đang chịu đựng, chúng ta sẽ ra sao nếu không có lời cầu nguyện.” (L.13.21)

Mặc dù các thiếu sót của Giáo Hội, Thánh Têrêxa vẫn yêu thương Giáo Hội và ngài chịu đau khổ cho Giáo Hội để xây dựng Giáo Hội. Ngài là “con gái đích thực của Giáo Hội”. Ngài cũng đau khổ vì Giáo Hội. Ngài biết Giáo Hội có khuynh hướng quá nghiêng về nam giới, chỉ được điều khiển bởi nam giới; nam giới là những người duy nhất được giảng dậy và các quan tòa nam giới luôn để mắt và kết án nhiều thực hành tôn giáo của những người phụ nữ sùng đạo, mà trên hết, là những người thực hành việc cầu nguyện trong tâm trí và có các trải nghiệm huyền nhiệm. Giáo Hội phẩm trật của Tây Ban Nha thế kỷ 16 rất nghi ngờ việc cầu nguyện chiêm niệm, nhất là do các phụ nữ thực hiện.
   
Tây Ban Nha chinh phục Tân Thế Giới

Thánh Têrêxa cũng học biết Giáo Hội ở Tân Thế Giới nhờ tu sĩ Dòng Phanxicô là Alonso Maldonado, người có ghé qua Đan Viện Thánh Giuse năm 1567 và tường trình kinh nghiệm của ngài về người Da Đỏ bị các người khai hoang bóc lột, và thậm chí còn bị chính các nhà truyền giáo và truyền giảng Tin Mừng đối xử tàn tệ nữa, trong số những người này có 7 anh chị em của Thánh Têrêxa.



Ngài nhận ra rằng cánh tay phàm trần (“sức mạnh con người”) không đủ sức đem lại hợp nhất và hòa bình trong Giáo Hội. Điều cần phải có là các bạn bè mạnh mẽ của Thiên Chúa để nâng đỡ người yếu đuối: các phụ nữ (các Kitô hữu tốt lành) sẵn sàng lui vào các đô thị kiên cố (lâu đài) và chiến đấu cho các nhà lãnh đạo và thần học gia của Giáo Hội bằng việc cầu nguyện và các hy sinh. “Chính các cánh tay Giáo Hội, chứ không phải các cánh tay phàm trần, sẽ cứu chúng ta. Vì trong cả cánh tay Giáo Hội lẫn cánh tay phàm trần ta đều không ích lợi chi đối với Vua chúng ta, nên ta hãy cố gắng trở nên những người lấy lời cầu nguyện làm ích để giúp các đầy tớ của Thiên Chúa.” (W.3.2)

Trong quyển Đường Trọn Lành, Thánh Têrêxa nhấn mạnh rõ ràng rằng các chị em của ngài tham gia cuộc sống tu trì không phải cho riêng họ hay cho sự thánh hóa của riêng họ mà thôi. Họ bước vào cuộc sống đó vì Giáo Hội. Con cái của ngài phải mang các nhu cầu và đau khổ của Giáo Hội cận kề trái tim mình.

“Ôi chị em của tôi trong Chúa Kitô, chị em hãy giúp tôi nài van những điều ấy nơi Chúa. Đó là lý do Người đã tụ tập chị em lại với nhau tại đây. Đó là ơn gọi của chị em. Đó hẳn là những vấn đề bận bịu mà chị em đã dấn thân vào. Đó hẳn phải là những điều chị em ước nguyện, những điều chị em vẫn khóc cho; đó hẳn là những đối tượng chị em cầu xin, chứ không phải, thưa chị em của tôi, các việc bận bịu của thế gian. Vì tôi từng cười nhạo và thậm chí còn buồn rầu nữa trước những điều người ta tới đây xin chúng ta cầu nguyện cho: xin Đấng Uy Nghi ban cho giầu có và tiền bạc, và việc này do những người mà tôi muốn yêu cầu nên xin Người ơn thánh để chà đạp mọi sự dưới chân. Họ có ý ngay lành, và cuối cùng, chúng ta cầu theo ý họ vì lòng đạo đức của họ, mặc dù đối với tôi, tôi không nghĩ Chúa có bao giờ nghe tôi khi tôi cầu xin những việc như thế. Thế giới đang rực lửa; họ muốn lên án Chúa Kitô một lần nữa, có thể nói như thế, vì họ đang nêu lên hàng ngàn chứng cớ giả tạo chống lại Người; họ muốn tàn phá Giáo Hội, nên có phải chúng ta đang phí thì giờ cầu xin Chúa những điều mà nếu Chúa ban cho họ thì chúng ta sẽ có ít một linh hồn trên thiên đàng hơn không? Không, thưa chị em, nay không phải là lúc thảo luận với Thiên Chúa những chuyện ít quan trọng.” (W.1.5)

Thánh Têrêxa tin rằng cách tốt nhất giúp Giáo Hội là sống Tin Mừng, trở thành bạn tốt của Chúa Kitô và bạn tốt của nhau, dấn thân cầu nguyện liên lỉ cho các mục tiêu tông đồ: cầu nguyện cho Giáo Hội và cho thế giới. Thánh Têrêxa biết rằng các nữ tu mà ngài viết cho là các nữ tu chiêm niệm nội cấm, những người bị giới hạn trong việc nối vòng tay lớn với Giáo Hội trong các thời buổi khó khăn. Các chị không rao giảng hay dạy dỗ. Các chị giúp đỡ cách nào? Bằng cách sống Tin Mừng, trước hết, ngay trong cộng đồng của họ.  

“Ngoại trừ sự kiện nhờ cầu nguyện, chị em sẽ giúp đỡ rất nhiều, chị em cần có ước nguyện sinh ích cho toàn thế giới nhưng phải tập trung vào những người đang đồng hành với mình, và nhờ thế, việc làm của chị em sẽ lớn lao hơn vì chị em có nhiều nghĩa vụ hơn đối với họ. Chị em có nghĩ rằng sự khiêm nhường sâu xa như thế, sự hãm mình của chị em, việc phục vụ mọi người và đức ái lớn lao đối với họ, và tình yêu Chúa có chút ích lợi nào không? Ngọn lửa tình yêu này nơi chị em làm bừng nóng linh hồn họ, và bằng mọi nhân đức khác, chị em luôn làm họ tỉnh thức. Một phục vụ như thế sẽ không nhỏ bé nhưng rất lớn lao và rất đẹp lòng Chúa. Thực vậy, do những gì chị em làm, điều mà chị em có thể, Đấng Uy Nghi sẽ hiểu rằng chị em sẽ làm nhiều hơn thế. Nhờ vậy, Người sẽ dành cho chị em phần thưởng mà Người có thể dành nếu chị em mang nhiều linh hồn về cho Người.” (7M.4.14)

Con đường sống chiêm niệm của Thánh Têrêxa

Sau khi đã trình bầy với các chị em của ngài về mục đích của cuộc sống chung, Thánh Têrêxa đặt câu hỏi: “Chị em nghĩ chúng ta sẽ phải ra sao nếu chúng ta bị Thiên Chúa và thế giới coi là không bạo dạn lắm?” (W.4.2) Câu hỏi của Thánh Têrêxa nhấn mạnh tới việc là hơn việc làm (more being than doing). Chị em phải là thế nào, trong con người mình, nếu chị em muốn thành bạn tốt của Chúa Kitô và của nhau và tiến hành cuộc chiến thiêng liêng cho Giáo Hội?

Các chị phải sống một cuộc sống không ngừng cầu nguyện. “Qui luật nguyên thủy của ta qủa quyết rằng ta phải cầu nguyện liên lỉ”.[2] Nếu ta làm điều này một cách hết sức thận trọng, vì cầu nguyện liên lỉ là khía cạnh quan trọng nhất của luật dòng, nên các việc ăn chay, giữ kỷ luật và im lặng như Dòng đòi hỏi sẽ không sai phạm.” (W.4.1-2)

Kiểu nói “cầu nguyện liên lỉ” không được Thánh Têrêxa hiểu theo nghĩa như ta đọc trong Đường Trọn Lành; đúng hơn, ngài muốn nói tới cách hiện hữu, một cách hiện hữu đòi thinh lặng, cô tịch, bình an, các liên hệ đúng đắn, và lối sống đơn giản, vì cầu nguyện và lối sống xa hoa không đi đôi với nhau.
    
Khi nói tới đời sống cầu nguyện, Thánh Têrêxa trở nên thực tế và có tính toàn diện. Quả thực, ngài nói: “chị em yêu cầu tôi nói một điều gì đó về cầu nguyện ư? Được, xin chị em chờ trong giây lát, vì trước khi tôi nói bất cứ điều gì về các vấn đề nội tâm, tôi phải nhắc đến một vài điều cần thiết đối với những ai tìm kiếm cách cầu nguyện, cần thiết đến nỗi cho dù những người này không chiêm niệm bao nhiêu, họ vẫn có thể tiến xa trong việc phục vụ Chúa nếu họ sở đắc được các điều này. Và nếu họ không sở đắc được, thì họ không thể chiêm niệm bao nhiêu. Nếu họ nghĩ họ chiêm niệm, thì họ quả đã tự đánh lừa mình rất nhiều. Ba điều đó là: yêu thương nhau, không dính bén các tạo vật, và khiêm nhường thực sự, điều vốn là thực hành chính và bao gồm mọi điều khác. (W.4) Thánh Têrêxa nói với con cái ngài, và cả chúng ta, làm người chiêm niệm có nghĩa gì. Nó không phải là chuyện dành thì giờ để thinh lặng cầu nguyện hay sống trong một đan viện, mặc dù dành thì giờ qúy báu để cầu nguyện chiêm niệm là một điều chủ yếu đối với đặc sủng Têrêxa. Làm người chiêm niệm không phải là chuyện có các thị kiến hay thần ngôn, mà đúng hơn, là chuyện phải liên hệ với Thiên Chúa, với người khác, với sáng thế và với chính mình chúng ta như thế nào, và theo học thuyết của Thánh Gioan Thánh Giá, phải sống đời sống tin, cậy và mến ra sao. Trong tòa thứ 7 (Interior Castle), Thánh Têrêxa viết rằng: “tôi xin nhắc lại, điều cần thiết là nền tảng của chị em không chỉ bao gồm cầu nguyện và chiêm niệm. Nếu chị em không cố gắng vươn tới các nhân đức và thực hành chúng, chị em sẽ mãi là những người lùn.” (7M.4.9)

Như tôi từng nói trong hội nghị lần trước, Thánh Têrêxa dẫn dắt các chị em của ngài, và cả chúng ta nữa, đi vào một diễn trình hồi hướng và biến đổi con người mình. Nếu chúng ta muốn trở thành bạn tốt của Chúa Kitô, thì ta phải bước vào diễn trình thanh tẩy và biến đổi hàm chứa trong ba nhân đức này. Cam kết lớn lên trong ba nhân đức này sẽ củng cố tình bạn của ta với Chúa Kitô. Nếu cầu nguyện là một liên hệ, thì cầu nguyện bao hàm mọi mối liên hệ của ta và hàm nghĩa một diễn trình hồi hướng và biến đổi ý thức.

Thánh Têrêxa coi mọi đan viện Carmel như một lâu đài nhỏ của các Kitô hữu tốt lành đang giúp Giáo Hội bằng việc cầu nguyện và hy sinh của họ. Tôi nghĩ hình ảnh lâu đài còn có một ý nghĩa khác. Mỗi người là một lâu đài, là kim cương, là hòn ngọc đông phương, là cây sự sống trồng ở biển sự sống, tức Thiên Chúa, vốn là các biểu tượng cho phẩm giá con người chúng ta như là nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, lâu đài nội tâm của Thánh Têrêxa đơn giản không phải là một “lâu đài say đắm lòng người” như ta thấy ở Disney World, nhưng, là lâu đài chiến đấu, nơi diễn ra trận chiến thiêng liêng. Muốn giúp Giáo Hội và thế giới, chúng ta không những phải cầu nguyện, mà còn phải chiến đấu với các lực lượng bóng tối ngay trong trái tim mình, những lực lượng vốn góp phần vào sự ác của thế giới này, như lòng ích kỷ, giận dữ, các khuynh hướng bạo động, tính ganh tị, ghen ghét v.v... của ta.

Có một câu truyện về một vị giáo phụ sống trong sa mạc. Vị này nói rằng ngài vào sa mạc vì ngài giống một con chó cần được nhốt lại để đừng cắn ai. Các giáo phụ và giáo mẫu sa mạc tin rằng việc nội tâm do các ngài thực hiện tại hang trú của các ngài là để làm sạch môi trường. Các ngài càng được chữa khỏi các chứng ích kỷ, giận dữ, kiêu căng, ham muốn v.v... thì xã hội bên ngoài sa mạc càng được chữa lành và biến đổi. Ta tin rằng chiêm niệm có hiệu quả chữa lành và biến đổi đối với thế giới. Một cộng đồng chiêm niệm giống như một trung tâm năng lượng phát ra sự chữa lành. Tình yêu chiêm niệm có sức chữa lành. Bởi thế, ta phải thực hiện việc nội tâm của ta và mở lòng đón nhận hành động thanh tẩy của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện chiêm niệm, thanh tẩy ta khỏi gốc gác của xáo trộn và tội lỗi trong tâm hồn ta. Hiệu quả chữa lành và biến đổi của tình yêu chiêm niệm sẽ góp phần vào việc chữa lành thế giới bị thương của ta, vốn bị sự ác, bạo lực và chết chóc làm hại.

Kỳ sau: Quay hướng nhìn về Chúa Giêsu