Chúng tôi vừa được hân hạnh dùng cơm trưa với hai Đức Cha đến từ Việt Nam tại một nhà hàng ở ngoại ô Sydney. Đó là Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh của Huế và Đức Cha Nguyễn Hồng Sơn của Bà Rịa. Trong các trao đổi tâm tình, hai vị giáo phẩm cho hay: giữa lúc tình hình chính trị thuận lợi cho ơn gọi linh mục, thì ơn gọi linh mục tại Việt Nam nói chung đang trên đà xuống dốc kể cả về con số lẫn phẩm chất.



Như thế, hiển nhiên tình hình ơn gọi ở Việt Nam đang rơi chung vào qũy đạo ơn gọi hoàn cầu. Kathryn Jean Lopez, chuyên viên nghiên cứu kỳ cựu của National Review Institute và là tổng biên tập của tạp chí National Review, ngày 21 tháng 5 vừa qua, lên tiếng kêu gọi khẩn thiết cầu nguyện và hy sinh cho các linh mục (An urgent call to pray for priests through prayer and sacrifice, https://www.osvnews.com/2019/05/21/an-urgent-call-to-pray-for-priests-through-prayer-and-sacrifice/).

Thực vậy, Lopez trích dẫn cha John Hardon, Dòng Tên, người trong bài “Giá Trị Lời Cầu Nguyện và Việc Hy Sinh Cho Các Linh Mục” đã viết rằng “Không lời lẽ nào tôi có thể sử dụng lại quá mạnh mẽ để quả quyết rằng chức linh mục Công Giáo cần lời cầu nguyện và việc hy sinh hơn bao giờ hết kể từ biến cố Canvariô”. Vị linh mục này suy niệm về 30 năm giảng dạy các linh mục, sống với các linh mục “và gian khổ vì các ngài, yêu thương các ngài và cùng đau khổ với các ngài”.

Ngài viết thêm: “hết vị thánh này đến vị thánh khác đều đã quả quyết rằng mục tiêu chính của ma quỉ ở trên thế gian này là linh mục Công Giáo. Các linh mục cần, lạy Chúa các ngài cần xiết bao, các ơn thánh đặc biệt của Thiên Chúa. Chúng ta tự hỏi, tại sao cần phải cầu nguyện cho các ngài? Chúng ta phải cầu nguyện cho các linh mục và giám mục vì đây là thực hành của Giáo Hội đã có từ thời các Tông Đồ. Nó là một vấn đề chân lý mặc khải. Nó là lệnh truyền của Thiên Chúa”.

Chúng tôi nghĩ đến việc cầu nguyện cho các linh mục sau khi nghe hai Đức Cha đến từ Việt Nam, nơi vẫn nổi danh là “xuất cảng ơn gọi”, than phiền về độ xuống dốc của ơn gọi tại đó. Lopez nghĩ đến việc cầu nguyện cho các linh mục vào lúc này vì nay đã gần tháng Sáu, mà tháng Sáu ở Hoa Kỳ gần Lễ Thánh Tâm và Ngày của Cha, rất thích hợp cho việc nhớ đến các linh mục, “mục tiêu chính của ma qủi”.

Đặc biệt vì mới đây có tin một linh mục nổi danh vừa tuyên bố đang nộp đơn xin hoàn tục. Lopez cho hay: mỗi lần nghe tin như thế, bà đều có chung một phản ứng: trái tim tan nát và hối hận vì đã không cầu nguyện đủ cho vị linh mục này hoặc cho toàn bộ các linh mục nói chung. Và bà đặt câu hỏi: ai trong chúng ta cầu nguyện đủ?

Có, có một số người đang phổ biến sứ điệp cầu nguyện khẩn thiết cho các linh mục hơn những người khác. Kathleen Beckman, chẳng hạn, đã đáp lại lời kêu gọi cầu nguyện cho các linh mục bằng cách thành lập Thừa Tác Vụ Cầu Nguyện Cho Các Linh Mục. Trong cuốn sách của bà tựa là “Praying for Priests: An Urgent Call for the Salvation of Souls,” Beckman trích dẫn lời Thánh Gioan Vianney: “khi người ta muốn triệt hạ tôn giáo, họ bắt đầu bằng việc tấn công linh mục; vì khi không còn linh mục, thì không còn lễ hy sinh; và khi không còn lễ hy sinh, thì không còn tôn giáo”.

Đã gần một năm kể từ ngày các tin tức đầu tiên về các tố cáo chống lại cựu Hồng Y Theodore McCarrick xuất hiện. Beckman viết: “thời khắc quyết định này trong Giáo Hội khẩn thiết đòi các cải tổ thuộc trật tự trần thế, nhưng các cải tổ này cùng lắm cũng chỉ mạnh mẽ như các đáp ứng thiêng liêng như cầu nguyện, thống hối và đền tạ, những đáp ứng phải nâng đỡ các cải tổ kia. Cần phải yêu cầu việc đền vì tội lỗi trong Giáo Hội trong quá nhiều thập niên qua... Tình yêu Thiên Chúa và Giáo Hội sẽ giúp chúng ta chống lại cơn cám dỗ thích ném đá vào các giáo sĩ, mà đại đa số vẫn là các mục tử tốt lành. Thánh Kinh đề nghị cách đáp ứng tốt hơn: chia sẻ nỗi đau của dân tội lỗi của Thiên Chúa và dấn thân cầu nguyện, ăn chay và bố thí nhiều hơn để đền vì tội lỗi tập thể”.

Trong số tháng Sáu năm 2019 của tạp chí Atlantic, trên tờ bìa, có hàng chữ “Abolish the Priesthood” (Hãy Bãi Bỏ Chức Linh Mục). Trên một "Tweet", một nữ tu Dòng Thánh Phaolô (#MediaNuns) có một đáp ứng tuyệt vời chống lại ý kiến thế tục đó. Nữ tu Andrew Marie (@SrAndrewFSP) gửi qua Twitter bản sao các thiệp thụ phong linh mục bà đã nhận được. Bà tin rằng bà có ơn gọi “trong một ơn gọi” cầu nguyện cho các linh mục và bà vốn kêu gọi các linh mục gửi thiệp thụ phong cha bà. Bà lưu giữ các thiệp này trong sách nguyện để luôn có thể cầu nguyện cho các ngài. Một số thiệp có hình cảnh đóng đinh và hình Thánh Tâm Chúa Giêsu bừng lửa. Trong một “tweet” khác, bà đề nghị: “Đọc kinh mân côi cho vị linh mục đã rửa tội cho bạn. Có thể bạn không biết rõ tên ngài, nhưng Chúa biết! Nhưng nếu tìm được chứng chỉ rửa tội, bạn có thể cầu nguyện cho ngài đích danh!”. Bà quả đang cổ động cho công trình khẩn thiết của Cha Hardon.

Nữ tu Francis Marie Seale thực hiện một bước nhẩy khác khi thành lập Dòng Đức Mẹ, Mẹ Các Linh Mục, một dòng tu nhận các linh mục làm con thiêng liêng. Dòng mới này hỗ trợ các linh mục bằng lời cầu nguyện và hy sinh. Nữ tu Francis hiện cư trú tại Spokane, tiểu bang Washington, và đang tìm các phụ nữ tham gia sứ mệnh của bà. Muốn liên lạc với bà hay muốn nhận một linh mục làm con thiêng liêng, hãy viếng trang mạng www.adoptapriest.org.

Thiển nghĩ nhiều tín hữu Việt Nam thích làm cha mẹ nuôi các linh mục. Điều này đóng góp rất lớn vào sự phong phú ơn gọi làm linh mục ở Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện trở thành cha mẹ nuôi vật chất. Nhưng cha mẹ nuôi thiêng liêng, kiểu của nữ tu Francis, thì ai cũng có thể làm được. Và điều này đang cần thiết hơn bao giờ hết. Giáo hội còn hay không hệ ở chỗ còn các linh mục hay không.

Lopez nghĩ rằng: đừng để mùa này qua đi mà không làm thêm một cam kết là cầu nguyện cho lòng trung thành, và sự táo bạo thánh thiện của các linh mục.