Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã được mệnh danh là vị giáo hoàng cải tổ, và cũng ngay từ đầu, người ta không rõ cuộc cải tổ của ngài có nghĩa gì. Phải chăng đây là cuộc phục hồi sinh lực cho hình ảnh công cộng về Giáo Hội vừa thoát ra khỏi bầu khí của cuộc khủng hoảng vào hồi tháng 3 năm 2013, thay đổi xu hướng chính trị và thần học của Giáo Hội theo đường hướng mà một số nhà phân tích gọi là cuộc “hồi tâm mục vụ” hay là việc làm sạch nhà ngay tại chính Vatican?

Phải chăng là cả ba công việc trên, hay là một việc khác, hay không là việc nào cả? Thực vậy, liệu một số hình thức cải tổ vừa kể có đáng kể không hay chúng chỉ là những trệch hướng nguy hiểm? Tùy thuộc cách người ta trả lời các câu hỏi này, mà các phán đoán về việc cải tổ của Đức Phanxicô có thể được coi như một thành công vẻ vang hay như một thất bại ảm đạm.

Dù thế nào, năm 2017 cũng là một năm có nhiều biến cố về phương diện cải tổ, và sau đây là một số biến cố đáng lưu ý.

Chính sách nhân viên

Khi được bầu làm giáo hoàng năm 2013, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Á Căn Đình biết rằng một trong các tiền đề cho việc ủng hộ ngài chính là việc ngài biết đầu tay về sự hoạt động bất thường và hết sức chậm chạp của nền hành chánh Vatican, cũng như tâm lý học hết sức thiển cận và chạy vòng quanh của nó vì thiếu kinh nghiệm “dã chiến”.

Ngay sau khi được bầu, ngài đã lập ra một nhóm 8 vị Hồng Y cố vấn để giúp ngài cải tổ giáo triều Rôma. Sau đó, ngài thêm cho nhóm này vị Quốc Vụ Khanh, tức Đức Hồng Y người Ý Pietro Parolin, thành nhóm mà người ta quen gọi là “C9”. Cho đến nay, nhóm này đã họp tới hơn 20 lần.

Các vị giáo phẩm trên xuất thân từ mọi lục địa và gồm nhiều bối cảnh nhân cách, chính trị và thần học khác nhau. Các vị được trao cho nhiệm vụ viết lại hiến pháp của Vatican, nhưng cho đến nay, chưa có tin tức gì cho thấy khi nào diễn trình này hoàn tất.

Năm 2017 là một năm được thấy một vài tiến bộ ít nhất trong việc cung cấp nhân viên cho hai siêu cơ quan mà Đức Phanxicô đã thiết lập vào năm ngoái, dưạ vào các khuyến cáo của C9. Một dành cho việc Phát Triển Nhân Bản, do Đức Hồng Y Peter Turkson của Ghana đứng đầu, còn cơ quan kia dành cho mọi việc liên quan tới gia đình, giáo dân và sự sống, do Đức Hồng Y Kevin Farrell của Hoa Kỳ đứng đầu.

Một động thái khác về nhân viên từng gây chấn động là việc Đức Phanxicô không tái bổ nhiệm Đức Hồng Y người Đức Gerhard Müller đứng đầu thánh bộ Giáo Lý Đức Tin, thay vào đó, đã thăng thưởng người đứng thứ hai của thánh bộ này, tức Đức Tổng Giám Mục dòng Tên người Tây Ban Nha, Luis Ladaria Ferrer.

Xét vì Đức Tổng Giám Mục Ladaria vốn được coi như một người bảo thủ về thần học, giống Đức Hồng Y Müller, nên việc chuyển quyền được những người hiểu chuyện ở Rôma coi không hẳn như một tuyên bố ý thức hệ của Đức Phanxicô, cho bằng như một tuyên bố về lòng trung thành. Đức Hồng Y Müller phần nào vốn đồng hóa ngài với phong trào chống lại văn kiện gây tranh cãi của Đức Phanxicô về gia đình, tức tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, và việc tông huấn này mở cửa để các người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ, trong khi Đức Tổng Giám Mục Ladaria đứng ngoài cuộc.

Một yếu tố lay động Giáo Triều Rôma nữa và là một yếu tố được nhiều người ủng hộ là các thay đổi liên quan đến các cuộc thăm mồ các Thánh Phêrô và Phaolô (ad-limina) của các vị giám mục thế giới, cứ năm năm một lần. Trong cuộc gặp gỡ vào cuối chuyến viếng thăm với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng, nếu có một tranh luận nào đó xẩy ra, thì căn cứ vào loạt đầu thăm viếng vừa qua, Đức Giáo Hoàng sẽ không về phe với các “quan chức” ở Rôma của mình, nhưng về phe với các vị mục tử của các giáo hội địa phương.

Về phương diện hoàn cầu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục thúc đẩy để có một Giáo Hội chú trọng tới mục vụ nhiều hơn, hiển nhiên nhất qua các lần đề cử các tân giám mục cho hai thành phố Mexico và Paris. Đức Hồng Aguiar Retes và Đức Cha Michel Aupetit thay thế Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera và Đức Hồng Y André Vingt-Trois, đều là các vị vốn lãnh đạo các giáo phận của các ngài lâu năm.

Việc lạm dụng tình dục trẻ em

Nói tới cuộc đấu tranh bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, Ủy Ban Bảo Vệ Vị Thành Niên của Đức Phanxicô hiện đang bế tắc, chờ để Đức Phanxicô công bố danh sách thành viên mới. Danh sách hiện nay có nhiệm kỳ 3 năm, chấm dứt vào ngày 17 tháng 12.

Vì cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em vốn được coi như cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong Giáo Hội kể từ cuộc Cải Cách Thệ Phản, nên nhiều nhà quan sát cho rằng việc Vatican trì trệ trong việc cung cấp cho ủy ban các tài nguyên và sự trợ giúp cần thiết là điều gây lo ngại.

Thêm vào đó, còn có vụ người Ái Nhĩ Lan sống sót cuộc lạm dụng, Marie Collins, từ chức khỏi Ủy Ban hồi tháng Ba, vì quá thất vọng với Giáo Triều Rôma. Một người sống sót khác, tức Peter Saunders, người Anh, từng xin nghỉ khiếm diện năm 2016 và ít ngày trước khi hết nhiệm kỳ đã tuyên bố từ nhiệm chính thức.

Cũng gây tranh cãi năm 2017 là vụ của Đức Hồng Y George Pell, người Úc; hồi tháng Sáu, ngài bị các công tố viên tại quê hương qui cho tội “vi phạm tính dục đã lâu năm”. Đức Hồng Y Pell cực lực bác bỏ các tố cáo này và hiện đang có mặt tại quê hương để bào chữa cho mình, sau khi được Đức Phanxicô cho phép nghỉ khiếm diện khỏi chức vụ đứng đầu Văn Phòng Kinh Tế của Tòa Thánh.

Một khoảnh khắc chủ yếu khác của Đức Phanxicô trong mặt trận chống lạm dụng tính dục sẽ diễn ra vào giữa tháng Giêng tới, khi ngài tới Chile trước khi qua Peru. Việc ngài, năm 2015, bổ nhiệm Đức Cha Juan Barros đứng đầu giáo phận Osorno, bất chấp việc vị này bênh vực một linh mục ấu dâm tai tiếng nhất của Chile, đã phát khởi một cuộc tranh cãi sâu rộng và cuộc tranh cãi này đã tăng cường độ vì một cuốn video ghi được ở Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô trong đó, Đức Phanxicô đích danh gọi những người biểu tình chống Đức Cha Barros là “đần” và cho rằng những người này “bị nắm mũi bởi những người cánh tả đã dàn dựng tất cả những điều này”.

Lúc ở Chile, có phần chắc Đức Phanxicô sẽ bị áp lực phải giải thích việc ngài xử lý vụ Đức Cha Barros.

Vấn đề tài chánh của Vatican

Khi Đức Phanxicô được bầu hồi tháng Ba năm 2013, một số vị Hồng Y khi rời Nhà Nguyện Sistine có nói rằng “Sẽ không còn những tên Calvis nữa!”, môt câu nói tổng hợp tất cả những gì các ngài mong mỏi nơi vị tân giáo hoàng. Câu nói này ám chỉ nhà tài chánh người Ý Roberto Calvi, người trước đó vốn có liên hệ sâu sắc với Ngân Hàng Vatican và đã chết trong những hoàn cảnh bí mật vào năm 1982, thành thử khi nhắc đến tên ông ta là một cách nói tắt thời tai tiếng tài chánh của Vatican đã qua rồi.

Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã lập ra 3 cơ quan mới để lãnh đạo cuộc cải tổ toàn bộ việc quản lý tiền bạc của Vatican theo đường hướng trong sáng và có tinh thần trách nhiệm nhiều hơn: một Hội Đồng Kinh Tế để đưa ra chính sách; một Văn Phòng Kinh Tế, để thi hành chính sách vừa nói; và một Tổng Thanh Lý độc lập, để buộc mọi người phải trung thực.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, hai trong số ba cơ quan mới này dường như đã chết yểu, trong khi quyền hành tài chánh từ từ đã trở về với Phủ Quốc Vụ Khanh, một cơ quan, oái oăm thay, vốn là thành trì mà các cuộc cải tổ thoạt đầu có ý định nhằm tới.

Đức Hồng Y Pell hiện đang ở Úc và việc ngài trở lại nhiệm sở mỗi ngày mỗi thấy xa vời thêm, khiến cho Văn Phòng Kinh Tế không có vị Hồng Y đứng đầu. Trong khi ấy, Tổng Thanh Lý, người giáo dân Ý tên Libero Milone, thì hồi tháng Sáu, đã chấm dứt chức vụ của mình ở Vatican mà không có lời giải thích rõ ràng lý do tại sao.

Tháng Mười Một vừa qua, Milone đã được nối chân bởi phó giám đốc Ngân Hàng Vatican, cũng là 1 giáo dân Ý tên Giulio Mattietti, người đã bị hộ tống ra khỏi lãnh thổ thị quốc Vatican một cách không kèn không trống, và một lần nữa, cũng không có lời giải thích lý do.

Một phiên xử cao cấp ở Vatican vì các tội phạm tài chánh năm2017 cũng khiến nhiều người không hài lòng, vì nó kết thúc với việc qui tội một giáo dân Ý đã chuyển một ngân khoản nửa triệu dollars vốn dành cho một bệnh viện được Đức Giáo Hoàng bảo trợ để sửa một căn hộ cho một vị Hồng Y của Vatican, nhưng không có một án lệnh nào được ban hành, thậm chí đến cả một cuộc điều tra cũng không nốt đối với vị Hồng Y được hưởng lợi ích của chuyển khoản này.

Tất cả các điều trên khiến một số quan sát viên không do dự cho rằng cuộc cải tổ tài chánh đã chết yểu, và nếu Đức Phanxicô muốn hồi sinh nó, hẳn ngài phải khởi sự lại từ đầu trong năm 2018.

Tản quyền và phụng vụ

Đức Phanxicô cũng đã thúc đẩy việc tản quyền. Về phương diện này, điều đáng chú ý là các tu chính hồi tháng Chín của ngài nhằm thay đổi luật lệ của Giáo Hội liên quan tới việc phiên dịch các bản văn phụng vụ, qua đó, các hội đồng giám mục địa phương được dành cho nhiều thẩm quyền hơn.

Quyết định trên đặt Đức Phanxicô vào thế đối nghịch ít nhiều công khai với vị đứng đầu thánh bộ phụng vụ là Đức Hồng Y Robert Sarah của Ghana với việc ngài sửa sai Đức Hồng Y sau khi vị này cho rằng Rôma vẫn tiếp tục có tiếng nói sau cùng.

Dù một số coi động thái trên như một chiến thắng cho phe cấp tiến Công Giáo, đặc biệt nếu người ta nghĩ đến các bản dịch đang thực hiện của Đức và của Ý, nhưng chẳng bao lâu sau đó, Đức Phanxicô lại quay qua hướng đối nghịch khi về phe với vị tiền nhiệm là Đức Bênêđíctô XVI để nhấn mạnh rằng trong Thánh Lễ, lúc truyền phép, chính xác hơn phải nói là “vì nhiều người” chứ không phải “vì mọi người”