Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới: 65,000 người đã trả lời bảng câu hỏi trực tuyến

Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, nói rằng hơn 65,000 người đã trả lời một bảng câu hỏi trực tuyến đã được đăng để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về thanh thiếu niên và sự phân định ơn gọi sẽ được tổ chức vào năm 2018.

Tưởng cũng nên nhắc lại, để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về thanh niên trong năm 2018, Vatican đã phát hành một bảng câu hỏi trực tuyến để hiểu rõ hơn về cuộc sống, thái độ và quan ngại của những người trẻ từ 16 là 29 tuổi trên toàn thế giới.

Các câu hỏi – bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Ý - có thể được tìm thấy trên trang web chính thức của Thượng Hội Đồng: http://youth.synod2018.va/content/synod2018/it.html. Bất bất kỳ người trẻ nào, không phân biệt tín ngưỡng, cũng được mời gọi để điền vào bảng câu hỏi này.

Ban thư ký chung của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên đã công bố trang web này vào ngày 14 tháng 6 để chia sẻ thông tin về kỳ họp thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2018 với chủ đề “Những người trẻ, niềm tin và nhận thức về ơn gọi”.

Các câu trả lời, cùng với những đóng góp từ các giám mục trên thế giới, và các tổ chức khác trong Giáo Hội, “sẽ cung cấp cơ sở cho việc soạn thảo ‘Instrumentum laboris’ tức là tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng.

Danh sách 53 câu hỏi theo lối trắc nghiệm được chia thành bảy phần: thông tin cá nhân tổng quát; thái độ và ý kiến về bản thân và thế giới; những ảnh hưởng và những mối quan hệ; những lựa chọn trong cuộc sống; tôn giáo, đức tin và Giáo Hội; việc sử dụng Internet; và cuối cùng là hai câu hỏi mở rộng về cách thức Giáo Hội có thể đóng một vai trò tích cực trong việc “tháp tùng cùng việc người trẻ trong những lựa chọn của họ”

2. Ra mắt sách mới về những thống khổ người Công Giáo Nga phải chịu dưới thời cộng sản

Trong khuôn khổ tưởng niệm 100 năm cuộc cách mạng Bolshevik, một cuốn sách của nhà sử học Jan Mikrut sẽ được công bố vào ngày 8 tháng 11 tới đây tại Đại Học Giáo Hoàng Grêgôriô ở Rôma.

Trong hai ngày 7 và 8 tháng 11, năm 1917, những người cộng sản Bolshevik do Lenin cầm đầu đã cướp được chính quyền và thành lập một chính phủ cách mạng kết thúc đế chế Sa hoàng và thành lập nên Liên Bang Xô Viết. Diễn biến này thường được gọi là cuộc “Cách mạng Tháng Mười” cứ không phải tháng Mười Một vì lúc đó người Nga vẫn đang dùng lịch Julian. Từ đó, người Công Giáo Nga phải chịu biết bao những thống khổ kinh hoàng mà thế giới Tây phương có thể ít người tưởng tượng nổi.

Lời nói đầu của cuốn sách do Đức Cha Tadeusz Kondrusiewicz, giám mục của Minsk và Mahilëu Bạch Nga viết cho thấy với sự đóng góp của nhiều học giả, cuốn sách trình bày cách thế người Công Giáo chống lại cái “ách” nặng nề của một chế độ đó muốn thủ tiêu tất cả các tôn giáo, và đưa ra những chứng tá anh hùng của các tín hữu Công Giáo theo nghi lễ Latinh và nghi lễ Byzantine.

Cuốn sách có tựa đề là “Giáo Hội Công Giáo ở Liên Xô từ cuộc Cách mạng năm 1917 đến thời cải tổ Perestrojka”, trình bày đàng thánh giá mà Giáo Hội Công Giáo, cả hai nghi lễ, đã trải qua trong thời kỳ này, theo thứ tự thời gian và theo chủ đề.

Cuốn sách đưa ra số liệu và những câu chuyện về các tín hữu trung thành với đức tin đến độ tử đạo. Đó là những câu chuyện đến nay không mấy người biết đến.

3. Đức Hồng Y Robert Sarah nói các quốc gia có quyền phân biệt người tị nạn chân chính và người di dân kinh tế

Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, nói rằng mọi quốc gia đều có quyền phân biệt giữa người tị nạn chân chính và những người nhập cư kinh tế, là những người không chia sẻ nền văn hoá của họ.

Phát biểu tại hội nghị Europa Christi ở Ba Lan hôm Chúa Nhật 22 tháng 10, vị Hồng Y Châu Phi lưu ý rằng quốc gia này có quyền từ chối chấp nhận “luận lý” của việc tái phân bố người di cư mà “một số người muốn áp đặt”.

Tạp chí Gosc của Ba Lan tường thuật rằng Đức Hồng Y Sarah nói thêm rằng trong khi mọi người di cư đều là những con người đáng phải được tôn trọng, tình hình có thể trở nên phức tạp hơn nếu họ có một nền văn hoá khác hoặc một tôn giáo khác, có thể là không phù hợp với công ích của quốc gia tiếp nhận.

Các nhà lãnh đạo thế giới không thể chất vấn quyền của các quốc gia khi các nước này phân biệt giữa người tị nạn chính trị hay tôn giáo - là người bị buộc phải chạy trốn khỏi quê hương bản quán của mình - với những người nhập cư kinh tế là những người chủ động muốn thay đổi nơi mình cư trú nhưng lại không sẵn sàng làm quen với nền văn hóa mới.

Đức Hồng Y Sarah nói thêm: “Ý thức hệ ‘tự do cá nhân’ khuyến khích một sự pha trộn được thiết kế để xói mòn biên giới tự nhiên về quê hương và văn hóa, dẫn đến một thế giới phi quốc gia và một thế giới một chiều trong đó điều duy nhất đáng kể là mức tiêu thụ và sản xuất,”

Nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y nói các nước châu Âu phải gánh vác một phần trách nhiệm đối với các quốc gia mà họ đã từng làm mất ổn định đến nỗi dân chúng ở các xứ đó phải bỏ nước ra đi; tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phải thay đổi chính bản thân quốc gia mình thông qua việc nhập cư ồ ạt.

Đức Hồng Y Sarah cũng than thở rằng châu Âu ngày nay đang bị thế tục hóa, và lục địa này đang trong một cuộc khủng hoảng văn minh chưa từng có trong hai thế kỷ qua, bắt đầu với tuyên bố của Friedrich Nietzsche: “Chúa đã chết, và chúng ta đã giết ông ta.”

Ông nói: “Châu Âu đã trải qua một cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn, gây ra bởi những hệ tư tưởng vô thần và đang rơi vào chủ nghĩa hư vô”.

Đức Hồng Y Sarah nói rằng sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, nhiều quốc gia đã lấy lại quyền tự do và nền dân chủ, và dường như một thời kỳ mới, tích cực đã bắt đầu với châu Âu.

Tuy nhiên, chẳng may, là Liên minh Châu Âu đã quyết định không quay trở lại căn cội Kitô của mình, nhưng thay vào đó bắt đầu xây dựng các thể chế của mình trên các khái niệm trừu tượng như thị trường tự do, và nhân quyền cá nhân.

Đó là một sai lầm, Đức Hồng Y Sarah nói, bởi vì tất cả các luật lệ phải dựa trên khái niệm phẩm giá con người mà chỉ có thể đến từ Thiên Chúa.

Ngài nhận xét cay đắng rằng:

“Châu Âu, xây dựng trên niềm tin vào Chúa Kitô, đã bị cắt đứt khỏi căn cội Kitô của mình, và đang rơi vào một giai đoạn lặng lẽ bội giáo”

4. Giám Mục Ba Lan cấm các linh mục tham gia vào các cuộc biểu tình chống người di dân

Cuộc tranh luận về người di dân đang diễn ra sôi nổi tại nhiều quốc gia Âu Châu. Trong khi Liên Hiệp Âu Châu muốn áp đặt các chỉ tiêu đón nhận người di dân, nhiều người bày tỏ âu lo rằng với việc đó nhận ào ạt những người di dân từ Trung Đông và các quốc gia Hồi Giáo khác, lục địa này sẽ nhanh chóng bị Hồi Giáo chinh phục.

Tuy nhiên, một nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ba Lan nói ngài sẽ treo chén bất kỳ linh mục nào tham gia vào các cuộc biểu tình chống người di dân.

“Nếu tôi nghe nói về một cuộc biểu tình chống di dân trong đó có các linh mục của tôi dự phần, tôi sẽ có một phản ứng nhanh chóng và quyết liệt”, Đức Tổng Giám Mục Wojciech Polak nói với tạp chí hàng tuần Roman Catholic.

“Không có lựa chọn nào khác, vì tôi chịu trách nhiệm về giáo phận của tôi. Trong những tình huống mà một linh mục ủng hộ một bên trong một tranh cãi, tôi cần hành động ngay lập tức.”

Một số cuộc điều tra gần đây cho thấy phần lớn dân chúng Ba Lan chống lại việc cho phép người tị nạn được định cư tại đất nước của họ và thủ tướng Ba Lan đã thẳng thừng bác bỏ hạn ngạch của Liên Hiệp Âu Châu buộc quốc gia này phải chấp nhận hàng ngàn người tị nạn.

Ý kiến của Đức Cha Polak đã thu hút một làn sóng chỉ trích trên các phương tiện truyền thông xã hội từ những người chống di dân.

5. Sứ điệp Video của Ðức Thánh Cha gởi giới trẻ Canada chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục 2018.

Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các bạn trẻ Canada đừng để ai cướp mất tuổi trẻ của mình và hãy làm cho những môi trường sống của mình đầy niềm vui của Phúc Âm.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong sứ điệp Video gửi các bạn trẻ Canada tối Chúa Nhật 22 tháng 10 năm 2017 trong biến cố truyền hình đặc biệt của đài TV “Muối và Ánh sáng” để giúp các Giám Mục Canada chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục vào tháng 10 năm 2018 về giới trẻ. Hiện diện tại phòng thu ở Ðài truyền hình cũng có Ðức Hồng Y Kevin Farell, Bộ trưởng giáo dân và gia đình, cùng với các bạn trẻ và Giám Mục đến từ 6 thành phố ở Canada.

Ðức Thánh Cha ca ngợi vẻ đẹp của thế giới và nhắc nhở các bạn trẻ đừng để trái đất bị hư hỏng vì những kẻ chỉ muốn khai thác và hủy hoại thế giới. Ngài nói: 'Tôi cũng mời gọi các bạn hãy làm cho những nơi các bạn sinh sống được tràn đầy niềm vui và sự phấn khởi tiêu biểu của người trẻ, hãy tưới gội thế giới và lịch sử bằng niềm vui đến từ Tin Mừng, từ cuộc gặp gỡ với một Nhân Vật là Chúa Giêsu, Ðấng đã làm cho các bạn say mê và thu hút các bạn ở với Ngài”.

“Các bạn đừng để cho tuổi trẻ của mình bị cướp mất, đừng cho phép một ai ngăn cản và làm lu mờ ánh sáng mà Chúa Kitô đặt trên khuôn mặt và trong tâm hồn các bạn. Các bạn hãy kiến tạo những tương quan thấm đượm lòng tín nhiệm, chia sẻ và cởi mở cho đến tận bờ cõi trái đất. Ðừng dựng lên những bức tường chia cách, nhưng hãy kiến tạo những nhịp cầu”.

Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: “Các bạn trẻ thân mến, Chúa Giêsu đang nhìn và mời gọi các bạn đến ở với Ngài. Các bạn có gặp thấy cái nhìn của Chúa, đã nghe tiếng nói và cảm thấy một sự thúc đẩy các bạn lên đường chưa? Tôi chắc chắn rằng mặc dù những tiếng huyên náo dường như đang ngự trị trên thế giới tiếng gọi của Chúa vẫn tiếp tục vang dội trong tâm hồn các bạn để mở con tim các bạn đón nhận niềm vui tràn đầy. Ðiều đó có thể xảy ra theo mức độ các bạn được những người hướng dẫn kinh nghiệm đồng hành và bắt đầu một hành trình phân định để khám phá dự phóng của Thiên Chúa đối với cuộc đời của các bạn.. Cả khi hành trình của các bạn bấp bênh và sa ngã, Thiên Chúa giàu lòng xót thương, vẫn giơ tay để nâng các bạn đứng dậy”.

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: “Thế giới, Giáo Hội đang cần những ngừơi trẻ can đảm, không khiếp sợ trước những khó khăn, đương đầu với những thử thách, có đôi mắt và con tim cởi mở đối với thực tế, để không một ai bị phủ nhận, trở thành nạn nhân của bất công, bạo lực, thiếu nhân phẩm”

6. Ðức Thánh Cha ấn định Tháng Truyền Giáo đặc biệt vào tháng 10 năm 2019.

Ngài đưa ra quyết định trên đây trong thư gửi Ðức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, và được công bố hôm Chúa Nhật 22 tháng 10 năm 2017, trong đó ngài nhấn mạnh rằng “Tháng đặc biệt về truyền giáo nhắm thức tỉnh mạnh mẽ hơn nơi các tín hữu ý thức truyền giáo cho dân ngoại và phục hồi với một đà tiến mới sự biến đổi cuộc sống và việc mục vụ theo tinh thần truyền giáo”. Hồi tháng 6 năm 2017, khi tiếp 120 vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo nhóm đại hội thường niên ở Roma, Ðức Thánh Cha cho biết ngài đã chấp nhận đề nghị của Bộ truyền giáo về việc ấn định tháng đặc biệt về truyền giáo vào tháng 10 năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Tông thư “Maximum illud” của Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức 15 ngày 30 tháng 11 năm 1919.

Hồi đó, sau thế chiến thứ I, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 thấy cần phải tái đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trên thế giới, để thanh tẩy những “bụi bặm của thời thực dân cũng như để tránh xa những mục tiêu quốc gia chủ nghĩa và phong trào bành trướng, gây ra nhiều thiệt hại cho chính nghĩa truyền giáo. Tông thư Maximum illud có đoạn viết: “Giáo Hội của Thiên Chúa là hoàn vũ, và không hề xa lạ với một dân tộc nào” và Ðức Giáo Hoàng cũng kêu gọi loại bỏ bất kỳ hình thức lợi lộc, xét vì chỉ có việc loan báo và đức bác ái của Chúa Giêsu, được phổ biến cùng với đời sống thánh thiện và những công việc làn, mới là lý do của việc truyền giáo”

7. Nữ tu hoạt động thăng tiến phụ nữ và thiếu nữ được nhận giải Opus 2017.

Ngày 12 tháng 10 vừa qua, trước đông đảo khán giả sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên, nhân viên và thành viên của cộng đồng Denver, cha John P. Fitzgibbons, dòng Tên, hiệu trưởng đại học Regis của dòng Tên ở Denver, đã xướng danh sơ Marilyn Lacey dòng Thương xót và tổ chức phi lợi nhuận của sơ đạt giải Opus năm 2017, với tiền thưởng một triệu đô la.

Hoạt động tại Haiti và Nam Sudan, sơ Lacey và tổ chức có trụ sở ở California đang giúp đỡ các phụ nữ và thiếu nữ thoát khỏi tình trạng nghèo khổ cùng cực qua các cơ hội giáo dục và kinh tế.

Giải thưởng Opus là một trong các giải thưởng đức tin lớn nhất cho các doanh nghiệp xã hội. Năm nay lễ trao giải được tổ chức tại đại học dòng Tên Regis ở thành phố Denver. Hàng năm, tổ chức giải thưởng Opus trao giải thưởng 1 triệu đô la cho người đạt giải và 2 giải chung kết 100 ngàn đô. được trao hàng năm cho các cá nhân hay tổ chức thuộc bất cứ tôn giáo nào và ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Các người được giải phải chứng tỏ được chương trình đi tiên phong trong việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề xã hội trong cộng đồng của họ.

Sơ Lacey chia sẻ: “Tôi cảm thấy được Chúa gọi để giúp các phụ nữ và thiếu nữ là những người đang đau khổ. Khi phục vụ tha nhân, chúng ta có thể tìm thấy mối liên kết, mối quan hệ họ hàng đưa chúng ta đến niềm vui gắn bó với nhau.”

Một giải chung kết được trao cho sơ Stan Terese Mumuni, dòng Ðức Maria quý yêu Thánh Thể, là người sáng lập trung tâm “nhà Nazareth cho Trẻ em của Chúa” ở Ghana. Trung tâm này chăm sóc cho các trẻ em khuyết tật về thể lý, hành vi và tâm lý.

Giải chung kết khác được trao cho hai bác sĩ Jason Reinking và Noha Aboelata, hoạt động tại trung tâm Sức khỏe cộng đồng Roots, cung cấp dịch vụ sức khỏe cho người nghèo sống trên đường phố ở Oakland, California.

Cha Fitzgibbons đã nói với những người nhận giải thưởng: “Công việc của anh chị em thật sự khôi phục lại niềm hy vọng và khơi lên những khả năng cho những người sống bên lề xã hội. Chúng tôi được cảm hứng và xúc động bởi gương mẫu của anh chị em.”

8. Thống kê năm 2015: Số tín hữu Công Giáo trên thế giới gia tăng.

Theo hồ sơ thống kê vừa được thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc loan báo nhân Ngày Thế giới truyền giáo năm 2017, số tín hữu Công Giáo trên thế giới năm 2015 gia tăng, chiếm khoảng 17.7% dân số thế giới, với gần 1.3 tỉ tín hữu.

Dựa trên con số thống kê hàng năm của Giáo Hội Công Giáo năm 2015, số tân tòng trong năm 2015 nhiều hơn năm 2014 là 12.5 triệu.

Hồ sơ thống kê cũng cho biết: số tín hữu ở châu Phi là 222 triệu, chiếm 19.42% tổng dân số 1.1 tỉ, tăng 0.12%.

Châu Mỹ có 625 triệu tín hữu , chiếm 63.6% tổng dân số 982.2 trệu, giảm 0.08%

Châu Á có 141 triệu tín hữu, chiếm 3.24% tổng số 4.3 tỉ dân.

Châu Âu có dân số gia tăng, nhưng số tín hữu lại giảm 0.21%, với 285 triệu, chiếm 39.87% tổng số dân 716 triệu.

Châu Ðại dương có 26.36% tín hữu, 10.2 triệu trên tổng số 38.7 triệu, tăng 0.24%.

Trên toàn thế giới hiện có 3,006 giáo phận, đại diện, giám quản tông tòa: 538 ở châu Phi, 1,091 ở châu Mỹ, 530 ở châu Á, 758 ở châu Âu và 81 ở châu Ðại dương.

Số giám mục trong năm 2015 là 5,304, tăng 67 vị, còn số linh mục là 415 ngàn 656, giảm 136 vị.

Trên toàn thế giới có 351,797 thừa sai giáo dân và 3 triệu 122 ngàn 653 giáo lý viên.

Giáo Hội Công Giáo điều hành 216 ngàn 548 cơ sở giáo dục với 60 triệu học sinh và gần 5.5 triệu sinh viên đại học và trung học. Giáo Hội Công Giáo có khoảng 118 ngàn tổ chức xã hội và bác ái Công Giáo (bệnh viện, trại phong, nhà cô nhi, nhà dưỡng lão) trên thế giới.

Các hội truyền giáo thuộc Bộ truyền giáo đã giúp cho các giáo hội địa phương (xây nhà thờ và chủng viên, giáo dục, hoạt động mục vụ và đào tạo), đã giải ngân 134 triệu đô la trong năm 2016.