Có một người nọ ví cuộc đời của mình như một người lữ hành đang đi trên một bãi biển đầy cát. Khi nhìn lại cuộc hành trình, anh nhận ra hai điều kỳ lạ:

Điều thứ nhất: Khi anh thành công, hạnh phúc, vui sướng... anh thấy có bốn dấu chân trên cát. Đó là hai dấu chân của anh và hai dấu chân của Chúa. Thiên Chúa đồng hành để chia sẻ niềm vui với anh.

Điều thứ hai: Khi anh thất bại, đau khổ, buồn sầu...anh chỉ thấy có hai dấu chân trên cát. Và anh nghĩ đó là hai dấu chân của mình. Thiên Chúa đã bỏ rơi khi anh thất bại. Thiên Chúa đã vắng bóng khi anh đau khổ.

Sau đó, anh thắc mắc với Chúa: “Khi con thành công, hạnh phúc thì Chúa lại đồng hành với con, đi với con. Nhưng khi con thất bại, đau khổ là những lúc con cần Chúa nhất thì Chúa lại bỏ rơi con. Tại sao Chúa lại đối xử với con như thế?”

Chúa trả lời: “Khi con vui thì Ta đi bên cạnh con, đi với con, song hành cùng con. Còn khi con buồn, đau khổ, thất vọng thì Ta lại vác con trên vai của Ta. Cho nên dấu chân trên cát là của Ta chứ không phải của con.” (Câu chuyện sưu tầm trên Internet).

Trong cuộc sống, có lẽ những lúc thất bại, đau khổ, buồn sầu chúng ta cũng có cảm giác bị Chúa bỏ rơi như người đàn ông trong câu chuyện trên đây. Nhưng trong thực tế, Ngài không bỏ rơi chúng ta, Ngài luôn ở với chúng ta, đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường của cuộc sống. Ngài không chỉ đồng hành khi chúng ta hạnh phúc, thành công mà còn đồng hành với chúng ta, ở bên cạnh để an ủi và nâng đỡ mỗi khi chúng ta gặp khó khăn đau khổ. Các bài Lời Chúa hôm nay cũng chứng minh cho chúng ta thấy điều đó.

Bài đọc 1, trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất: khi Êlia bênh vực cho dân Chúa, kéo dân Chúa khỏi sự thống trị của tà thần. Ông đã thắng được cả ngàn sư sãi thờ thần Baal của hoàng hậu và nhà vua. Nên ông bị bà hoàng hậu I-de-ven truy bắt. Ông đã phải chạy trốn lên núi Kho-rép. Trong quảng đường chạy trốn đó, có những lúc ông không còn tha thiết với cuộc sống nữa, nhưng Thiên Chúa luôn ở cùng ông. Thiên thần đã dọn bánh cho ông ăn khi đói và nước cho ông uống khi khát (x. 1V 19,1-8). Tại núi Kho-rép, ông còn được Thiên Chúa hiện ra với ông qua làn gió hiu hiu. Sau đó, Thiên Chúa sai ông đi xức dầu cho một số người làm vua và làm ngôn sứ: xức dầu phong Kha-da-ên làm vua A-ram; xức dầu Giê-hu con của Nim-si làm vua Ít-ra-en; xức dầu Ê-li-sa con Sa-phát, người A-vên Mơ-khô-la, làm ngôn sứ (x. 1V 19, 9-18).

Bài Tin mừng hôm nay tiếp nối bài Tin mừng Chúa Nhật tuần trước. Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua. Nhưng ý muốn của họ không phù hợp với sứ mạng của Ngài. Vì thế, Ngài đã giải tán dân chúng. Trước khi giản tán họ, Ngài đã bảo các môn đệ xuống thuyền đi sang bờ bên kia. Còn Ngài thì lên núi cầu nguyện một mình. Nhưng khi thuyền các môn đệ đi ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Cùng lúc đó, Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ. Nhưng các môn đệ tưởng rằng đó là ma và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Ngay lập tức, Đức Giêsu trấn an các ông: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Nghe vậy, Thánh Phê-rô đã xin Đức Giêsu “nếu thực sự là Thầy, xin truyền cho con đi trên mặt nước để đến với Thầy. Đây là một lời cầu xin đầy táo bạo và mang tính thách thức. Dầu vậy, Đức Giêsu vẫn chấp nhận lời cầu xin của ông. Phê-rô đã bước xuống khỏi thuyền và đi trên mặt nước. Đó là hành động của niềm tin. Bởi vì, nếu không có niềm tin chắc chắn không ai hành động như thế. Nhưng khi đi được nữa chừng, thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” (Mt 14,30). Đức Giêsu đưa tay cứu lấy ông, đồng thời trách nhẹ ông rằng: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Sau đó, Đức Giêsu đã làm cho sóng gió yên lặng.

Câu chuyện của tiên tri Êlia và câu chuyện của Phê-rô cho chúng ta thấy phảng phất hình ảnh của Giáo Hội, của mỗi người kitô hữu chúng ta trong đó. Thật vậy, lịch sử Giáo Hội và cuộc đời mỗi người kitô hữu chúng ta giống như con thuyền chòng chành trên biển khơi. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Giáo Hội bị bách hại một cách khốc liệt và kéo dài suốt 300 năm. Hầu hết các Tông đồ đều chịu Tử đạo. Vô số các kitô hữu bị giết chết. Từ đó tới nay có lẽ không giây phút nào mà Giáo Hội không bị bách hại. Lịch sử cuộc đời mỗi người kitô hữu chúng ta cũng vậy: Có những khi chúng ta phải chạy trốn “ba thù” như tiên tri Êlia. Có những khi chúng ta bị nhận chìm xuống tận đáy của vực thẳm như Phê-rô bị nhận chìm xuống biển. Đúng như lời Đức Giêsu tuyên bố: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Ta.”(Lc 9,23). Thập giá đó là những sự bắt bớ, tù đày, đòn vọt đến từ những người chống đối Giáo Hội. Thập giá đó là khi chúng ta chống chọi với những cám dỗ của thế gian, ma quỷ, xác thịt. Ngoài ra, thập giá cũng có thể là những đau khổ thể xác như bệnh tật, đói khát do thiên nhiên hay do người khác gây nên.

Nhưng cho dù trong hoàn cảnh nào, Giáo Hội và các kitô hữu vẫn có thể vượt qua nếu biết nhìn lên Chúa, biết kêu cầu Ngài giúp đỡ. Vì thế, lời kêu cầu của Thánh Phê-rô “Lạy Chúa, xin cứu con,” cũng là lời kêu cầu của mỗi người chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Hãy xin Chúa cứu giúp khi chúng ta gặp thử thách đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Hãy xin Chúa cứu giúp khi chúng ta gặp thử thách trong đời sống đức tin. Hãy xin Chúa cứu giúp khi chúng ta gặp những thất bại trong cuộc sống. Trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nếu chúng ta biết nhìn lên Chúa, kêu cầu Ngài, chắc chắn Ngài sẽ nắm lấy tay chúng ta và bảo rằng: “Cứ yên tâm, Thầy đây đừng sợ.”

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của chúng con nhiều khi cũng cảm thấy hoang mang lo sợ như tiên tri Êlia và Thánh Phê-rô ngày xưa. Xin cho chúng biết cảm nhận được Chúa ở bên cạnh, để luôn biết kêu cầu Chúa và xin Chúa hãy ra tay cứu giúp chúng con. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành