Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Xin Chúa ban ơn để con có thể nói: Chiến tranh kết thúc rồi!

Chiến tranh bắt đầu ngay từ trái tim con người, vì thế tất cả chúng ta đều có trách nhiệm gìn giữ hòa bình. Có biết bao người đang chịu đau khổ vì các cuộc chiến leo thang và vì những vụ buôn bán vũ khí gia tăng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 16 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta

Ngày nay thế giới tiếp tục đổ máu. Ngày nay thế giới đang chìm trong những cuộc chiến. Nhiều anh chị em đã chết, nhiều người vô tội bị giết, bởi vì những kẻ quyền thế muốn chiếm đất đai nhiều hơn nữa, những kẻ ấy muốn có thêm một chút quyền lực, muốn có thêm một chút lợi lộc trong việc buôn bán vũ khí.

Lời Chúa trong bài trích sách Sáng Thế hôm nay nói rất rõ: “Ta sẽ đòi giá máu sinh mạng các ngươi, Ta sẽ đòi giá máu của mọi sinh mạng, Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình” (St 9:1-13). Ngay cả chúng ta đang ở đây, dường như đang sống trong hòa bình, thì Chúa cũng sẽ đòi hỏi chúng ta về máu của những anh chị em chúng ta đang đau khổ trong chiến tranh.

Lời cầu nguyện hòa bình không phải chỉ là hình thức, xây dựng hòa bình cũng không phải là một kiểu làm cho có hình thức. Tất cả những gì mỗi người chúng ta làm đều có liên hệ tới tha nhân và thế giới. Chiến tranh bắt đầu ngay từ trái tim con người, bắt đầu ngay từ gia đình và giữa những người bạn, và sau đó lan rộng ra thế giới. Do đó, khi làm điều gì, trước tiên mỗi người chúng ta hãy tự hỏi lòng mình: tôi muốn xây dựng hòa bình hay lại phá hủy hòa bình.

Cuộc chiến đã bắt đầu ở đây và kết thúc ở đó. Những tin tức ấy chúng ta vẫn xem trên báo chí hoặc tivi… Hôm nay có biết bao người bị giết, và mầm mống của chiến tranh là sự ghen ghét đố kỵ, tham lam trong con tim chúng ta. Các mầm mống ấy nảy sinh, phát triển thành cây, và rồi bùng nổ như quả bom rơi xuống trên các bệnh viện trường học để giết hại các trẻ em. Những tuyên bố về cuộc chiến bắt đầu ngay ở đây, trong con tim của tất cả chúng ta. Câu hỏi đặt ra cho chính chúng ta là: “Làm thế nào để giữ được sự bình an trong trái tim, trong linh hồn, trong gia đình?” Xây dựng hòa bình không chỉ có nghĩa là yêu mến hòa bình. Sự bình an ấy cần đôi tay lao tác để gầy dựng từng ngày từng ngày. Chúng ta cần gầy dựng cần xây dựng hòa bình giữa lòng thế giới.

Tôi còn nhớ kỷ niệm thời còn nhỏ, bắt đầu là âm thanh báo động vang lên, sau đó đến báo chí và rồi thành phố… Những điều ấy được tạo nên để thu hút sự chú ý đến một sự kiện hoặc một bi kịch hoặc là điều gì đó. Và ngay lập tức tôi nghe người hàng xóm gọi mẹ tôi: “Này Bà, đến đây, đến đây, đến đây mà xem!” Và mẹ tôi với một chút sợ hãi nói: “Có chuyện gì thế!” Người phụ nữ từ bên kia vườn nói: “Chiến tranh kết thúc rồi!” Và bà òa khóc.

Hai người phụ nữ ôm nhau khóc. Đó là nước mắt của vui mừng, vì chiến tranh đã kết thúc. Chúa ơi, chúng con tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng con ơn phúc để có thể nói rằng: chiến tranh đã qua đi và chúng con mừng rỡ khóc. Khi chiến tranh kết thúc trong trái tim con, thì chiến tranh cũng kết thúc trong gia đình con, chiến tranh kết thúc trong xóm làng con, chiến tranh kết thúc nơi công sở, và chiến tranh kết thúc trên thế giới.

2. Câu chuyện Dân Thành Athènes

Ngày kia, triết gia Esopos người Hy Lạp ngồi bên vệ đường trước cổng thành Athènes. Một người khách lạ tình cờ đi qua dừng lại hỏi ông như sau: “Dân thành Athènes như thế nào?”.

Triết gia bèn trả lời: “Xin ông cho tôi biết ông đến từ đâu và dân tình ở đó như thế nào?”. Người khách lạ nhíu mày cằn nhằn: “Tôi đến từ Argos và dân Argos toàn là một lũ người láo khoét, trộm cắp, cãi cọ suốt ngày”.

Một cách bình thản, triết gia Esopos mỉm cười đáp: “Tôi rất lấy làm buồn để báo cho ông biết rằng rồi ra ông sẽ thấy dân thành Athènes còn tệ hơn thế nữa”.

Ngày hôm sau, một người khách lạ khác đi qua và cũng dừng lại đặt một câu hỏi: “Dân thành Athènes như thế nào?”. Người khách lạ ấy cũng cho biết mình đến từ Argos là nơi mà ông cho là quê hương yêu dấu mà ông buộc lòng phải rời xa, bởi vì dân chúng Argos là những người rất dễ thương, dễ mến...

Lần này, triết gia Esopos cũng biểu đồng tình với người khách lạ như sau: “Này ông bạn đáng mến, tôi rất vui mừng cho ông biết rằng ông sẽ nhận thấy dân thành Athènes cũng dễ thương dễ mến như thế”.

Câu chuyện mang tính cách ngụ ngôn trên đây muốn nói với chúng ta rằng cách thẩm định người khác tùy thuộc ở tình cảm của mỗi người. Cùng một con người ấy, cùng một khung cảnh ấy, nhưng có người ưa, có kẻ chê. Sự khác biệt trong cách thẩm định ấy thường không nằm trong người khác hoặc cảnh vật khác, mà chính là ở tâm trạng của mỗi người. Thi sĩ Nguyễn Du đã có lý khi bảo rằng: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để có cái nhìn lạc quan về các biến cố và con người, nghĩa là chúng ta được mời gọi để luôn có cái nhìn tích cực về người khác và các biến cố. Một thất bại rủi ro xảy đến ư? Người Kitô hãy cố gắng khám phá ra những đường nét dễ thương dễ mến trong khuôn mặt, trong cách cư xử của người đó. Chúng ta hãy làm như loài ong: từ giữa bao nhiêu vị đắng cay của cánh hoa, loài ong chỉ rút ra toàn mật ngọt...

Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 đã ghi trong nhật ký của Ngài như sau: “Bản tính của tôi là vui vẻ và sẵn sàng chỉ thấy những khía cạnh tốt đẹp của sự vật và con người hơn là phê bình chỉ trích và đưa ra những phán đoán độc hại... Mỗi một cử chỉ khiếm nhã đối với bất cứ ai, nhất là những người nghèo hèn, thấp kém, hoặc bất cứ một chỉ trích phá hoại nào, đều làm cho tôi đau lòng”.

3. Ba đặc tính của người sứ giả loan báo Tin Mừng

Can đảm, cầu nguyện và khiêm nhường, là ba đặc tính của vị sứ giả Tin Mừng tuyệt vời. Nhờ đó, người sứ giả có thể giúp gầy dựng và phát triển dân Chúa trong thế giới và góp phần vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 14 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta, lễ kính thánh Cirillo và Metodio.

Lời của Thiên Chúa không thể được loan báo theo kiểu đề xuất như: “nhưng, nếu bạn thích thì… nhưng, bạn có thể sống thế này…” Những đề xuất như thế tựa như một ý kiến, hoặc điều gì đó tốt, hoặc triết lý gì đó, hoặc điều nào đó về luân lý. Không. Lời Chúa có gì đó khác hơn. Lời Chúa được loan báo cách thẳng thắn cùng với sức mạnh của Lời ấy, như chính thánh Phaolô loan báo. Thánh nhân đã để cho Lời Chúa thấm nhập vào mình đến tận xương tủy. Lời Chúa phải được công bố với sự mạnh dạn và can đảm như thánh nhân đã làm.

Có những người không có đủ dũng cảm để công bố Lời Chúa, bởi lẽ họ không có đủ sự dũng cảm thiêng liêng, vì họ chưa có sự can đảm trong tâm hồn, vì họ chưa có lòng dũng cảm xuất phát từ tình yêu mến của Thầy Giêsu. Không. Không phải là chỉ nói về điều gì đó thú vị hấp dẫn, điều gì đó tốt lành, điều gì đó cần phải làm tốt, không chỉ thế, mà còn cần nói về Lời Chúa. Và Lời Chúa chính là năng lực, là lời lẽ để tạo thành dân Chúa, để gầy dựng dân Chúa. Lời Chúa được loan báo cách chân thực thẳng thắn cùng với lòng can đảm, như thế dân Chúa được thành hình.

Lời Chúa phải được công bố cùng với đời cầu nguyện, thành tâm cầu nguyện. Luôn luôn như thế. Nếu không cầu nguyện, thì bạn chỉ có thể tạo nên một hội nghị tốt đẹp, một nền giáo dục tốt đẹp. Điều đó tốt, tốt! Nhưng như thế chưa phải là Lời Chúa. Hãy cầu nguyện, vì Chúa đã gieo vãi hạt giống là Lời, vì Chúa đã tưới nước để hạt giống có thể nảy mầm và Lời ấy trổ sinh. Lời Chúa phải được công bố cùng với đời sống cầu nguyện. Đó là lời cầu nguyện của người loan báo Lời Chúa.

Một nhà truyền giáo đích thực, là người biết rằng mình yếu đuối, và người ấy cũng biết rằng mình không thể tự bảo vệ cho bản thân. Khi sai các môn đệ đi loan báo Lời Chúa, Thầy Giêsu đã nói: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” Các môn đệ có thể thưa lại: “Nhưng, lạy Thầy, lỡ chúng ăn thịt con thì sao?” Có lẽ Thầy Giêsu nói tiếp: “Anh em cứ đi đi! Đó là con đường.”

Tôi nhớ rằng, có một vị thánh đã suy gẫm rất thâm sâu câu Lời Chúa này, và vị thánh ấy nói: “Nhưng nếu con không đi như chiên con, mà lại đi như con sói giữa bầy sói, thì Chúa lại không bảo vệ con, và như thế chỉ mình con chống đỡ sao nổi”. Khi nhà truyền giáo quá tự tin vào sức riêng của mình, vào sự thông minh của mình, khi những người có trách nhiệm loan báo Lời Chúa mà lại loan báo theo kiểu khôn khéo, thì có vẻ tốt đấy, nhưng kết quả là tồi tệ. Có những thứ trái với Lời Chúa, ví như dựa vào quyền lực hoặc dựa vào tự hào kiêu hãnh…v.v

Lạy Chúa, thánh Cirillo và Metodio đã gieo vãi Lời Chúa và giúp phát triển Giáo Hội giữa lòng thế giới. Các ngài là những con người dũng cảm với đời sống cầu nguyện và lòng khiêm tốn. Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh, xin cho chúng con chúng biết loan báo Lời Chúa theo cung cách mà các ngài đã làm.

4. Kitô hữu không nuôi dưỡng oán thù

Sự chia rẽ trong gia đình và sự sụp đổ của cả một dân tộc thường bắt đầu bằng những ghen ghét nhỏ nhen. Thế nên, anh chị em phải dừng lại ngay lập tức những bất bình dù là nhỏ mọn, vì những bực bội ấy sẽ phá hủy tình huynh đệ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 13 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta

Bài đọc trích sách Sáng Thế kể về chuyện anh em Cain và Abel. Đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh nói về từ ngữ anh em. Câu chuyện về tình anh em này, lúc đầu phát triển rất tốt đẹp, nhưng lại kết thúc thật tồi tệ. Bi kịch xảy ra vì một chút ghen tỵ của Cain, là người đã tức giận vì của lễ anh dâng không làm đẹp lòng Thiên Chúa. Cái cảm giác tức giận ấy nhen nhúm và bắt đầu kiểm soát anh ta.

Cain ưa thích bản năng, Cain nuôi dưỡng cảm xúc bực bội và ghen ghét ấy, rồi anh để cho cái cảm giác ấy được phóng đại lên. Anh để cho cái ghen tức tiếp tục phát triển. Và rồi những hành vi tội lỗi đến sau đó. Chúng ta cũng thế, sự xung khắc giữa chúng ta, đã bắt đầu với những điều nhỏ nhặt, với sự ghen ghét đố kỵ. Tiếp theo, những cái tệ hại đó được chúng ta nuôi dưỡng và lớn mạnh. Khi cuộc sống của chúng ta bị những loại cảm xúc ấy chi phối và điều khiển, thì tình huynh đệ giữa chúng ta bị phá hủy.

Những bất bình nhỏ nhặt cứ thế lớn lên, lớn mạnh thành những thù nghịch, và rồi kết cục thật tồi tệ. Luôn luôn như thế. Khi ấy, tôi không còn nhìn người trước mặt tôi là anh em nữa, tôi coi đó không phải là anh em tôi, nhưng lại coi đó là kẻ thù cần phải tiêu diệt và loại trừ… và thế là con người tiêu diệt lẫn nhau, và thế là sự thù nghịch phá hủy gia đình và tiêu diệt tất cả!

Có một nỗi ám ảnh và Cain là người bị ám ảnh ấy. Cái ám ảnh ấy làm anh ta băn khoăn xao động với những lời lẽ như: chỉ có tôi thôi, còn nó không phải là anh em tôi. Cái ám ảnh ấy làm anh ta cay đắng. Còn chúng ta, chúng ta hãy ngay lập tức ngưng lại quá trình tồi tệ này. Một Kitô hữu thì không bao giờ cay đắng. Kitô hữu không giữ trong mình những bất bình. Người Kitô hữu có đau đớn, nhưng không cay đắng; có cực khổ, nhưng không oán giận. Vì cứ có bao nhiêu thù hằn, thì sẽ có bấy nhiêu chia rẽ.

Ngay giữa các linh mục và trong hàng giám mục, cũng có những rạn nứt bắt đầu như thế. Bắt đầu với những vết nứt nhỏ nhen, và rồi tình huynh đệ bị phá hủy. Thiên Chúa hỏi Cain: “Abel em của ngươi ở đâu?” Cain trả lời cách mỉa mai: “Tôi không biết. Tôi đâu phải là người giữ em tôi”. Chúa nói: “Máu em ngươi từ đất kêu thấu đến Ta”. Còn mỗi người chúng ta, chúng ta có thể nói rằng, tôi chưa bao giờ giết người, nhưng nếu chúng ta giận ghét anh em mình, thì chúng ta đã giết người anh em trong tâm hồn mình. Việc giết hại là một tiến trình khởi đi từ những gì rất nhỏ nhen.

Hãy thử nghĩ đến chuyện bắn phá của bom đạn. Đó thực sự không phải là tình anh em. Làm thế nào chúng ta có thể nói mạnh mẽ điều này với thế giới. Người ta quan tâm đến mảnh đất này đến vùng đất nọ. Nếu một trái bom có dội xuống và giết chết 200 trẻ em, thì người ta nói: đó không phải lỗi của tôi mà là do trái bom, và điều tôi quan tâm chỉ là đất đai. Thế đấy, tất cả cái ác tồi tệ đã bắt đầu với những đổ vỡ rất nhỏ, cái đổ vỡ rất nhỏ ấy nói cho tôi rằng: đó không phải là anh em tôi. Chiến tranh cứ thế tiếp diễn. Máu của biết bao người vẫn tiếp tục kêu thấu tới Thiên Chúa.

Giờ đây chúng ta hãy lặp lại câu hỏi của Chúa: “Em ngươi đâu?” Nguyện xin Chúa giúp chúng con suy nghĩ về những thứ ngôn ngữ gây hủy diệt, suy nghĩ về những cách đối xử không theo tình huynh đệ, bởi vì nhiều khi người ta coi trọng mảnh đất hơn là tình anh em.