Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ba thái độ giúp xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh

Khiêm tốn, hiền lành, rộng lượng, đây là ba điều quan trọng để xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Sáu 21 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta.

“Bình an cho anh em.” Đây là chào của Chúa, lời chào tạo nên một mối dây liên kết, mối dây hòa bình. Lời chào này nối kết chúng ta trong sự hiệp nhất, nên một trong Chúa Thánh Thần. Nếu không có hòa bình, nếu chúng ta không thể chào nhau với nghĩa rộng nhất của từ hòa bình, nếu chúng ta không mở lòng cho tinh thần hòa bình, thì không bao giờ chúng ta có được sự hiệp nhất.

Ác tâm thì gieo rắc chiến tranh, người Kitô hữu tránh những cuộc chiến

Để có thể có sự hiệp nhất trong thế giới, cần có sự hiệp nhất trong những tỉnh thành, trong xóm làng, trong gia đình. Ác tâm thì luôn gieo rắc chiến tranh. Ghen ghét, xung đột, nói hành nói xấu… hủy hoại hòa bình và do đó không thể hiệp nhất. Các Kitô hữu có thể hành xử cách nào để kiến tạo sự hiệp nhất? Thánh Phaolô nói rất rõ: “Anh em hãy ăn ở cho xứng đáng, với lòng khiêm nhường, hiền lành và nhẫn nại.” Đây chính là ba thái độ. Khiêm nhường: bạn không thể trao tặng hòa bình nếu thiếu khiêm nhường. Ở đâu có ngạo mạn, ở đó có chiến tranh, vì người ta luôn muốn thắng người khác, muốn hơn người. Nếu không có khiêm tốn, sẽ không có hòa bình, không có sự hiệp nhất.

Tái khám phá sự hiền lành để nâng đỡ nhau

Ngày nay chúng ta quên đi khả năng ăn nói dịu hiền, lời lẽ của chúng ta quá khô cứng và chua chát. Chúng ta hay nói xấu người khác… Như thế, thánh Phaolô nói là chúng ta cần chịu đựng lẫn nhau, cần kiên nhẫn, cần chịu đựng những lỗi lầm của người khác, những điều mà chúng ta không thích.

Thứ nhất là khiêm tốn. Thứ hai là hiền lành. Hai điều này hỗ tương cho nhau. Thứ ba là nhẫn nại với trái tim bao dung, rộng lượng, cao thượng, có khả năng đón nhận tất cả mà không kết án, không đóng khung với những thứ lặt vặt nhỏ nhặt. Trái tim cần đủ rộng để đón lấy tất cả. Điều ấy làm nên mối dây hòa bình. Đây là cách thức cần để xây dựng hòa bình, và từ đó tạo nên sự hiệp nhất. Đấng làm nên sự hiệp nhất là chính Chúa Thánh Thần, nhưng Ngài thúc đẩy chúng ta chuẩn bị cho sự kiến tạo ấy.

Cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất trong mối dây hòa bình

Đây chính là đời sống xứng đáng với mầu nhiệm ơn kêu gọi mà chúng ta đã lãnh nhận, mầu nhiệm Hội Thánh. Mầu nhiệm Hội Thánh là mầu nhiệm Thân Mình Chúa Kitô: Một đức tin, Một phép rửa, Một Thiên Chúa là Cha tất cả mọi người, Đấng hoạt động nơi mọi người và ở trong mọi người. Đây là sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha ban cho chúng ta, và chúng ta phải cùng nhau xây dựng trong mối dây hòa bình. Mối dây hòa bình sẽ lớn mạnh với lòng khiêm nhường, hiền lành, cùng với lòng cao thượng.

Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài ban cho chúng ta ơn không chỉ hiểu mà còn sống mầu nhiệm Hội Thánh, đó là mầu nhiệm của sự hiệp nhất.

2. Gương hoán cải của Edith Stein

Edith Stein là ai?

Kính thưa quý vị và anh chị em, Edith Stein là tên của một phụ nữ Do Thái, được nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Tây Ðức vào năm 1987.

Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.

Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hòa toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như khôg thể vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách... Edith Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên cường cho người phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.

Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái... Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.

Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá... Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.

Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. “Hãy vác lấy thập giá và theo Ta”, đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.

3. Chỉ bằng giáo lý thì không đủ để biết Chúa Giêsu, chúng ta cần cầu nguyện

Chỉ với giáo lý thì không đủ để biết Chúa Giêsu cách chân thực, và như thế chúng ta cần cầu nguyện, phụng thờ và nhận ra chính chúng ta là những tội nhân. Đức Thánh Cha đã chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Năm 20 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta.

Đức Thánh Cha quảng diễn bài giảng của ngài, khởi đi từ thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi giáo đoàn Êphêsô. Trong đó, thánh Phaolô cầu nguyện cho cộng đoàn được mạnh sức nhờ Chúa Thánh Thần và nhờ Chúa Kitô ngự trong lòng họ.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: Bằng cách nào chúng ta có thể biết Đức Kitô? Bằng cách nào chúng ta có thể hiểu tình yêu mến của Người, một tình yêu vượt quá trí hiểu loài người?

Biết Chúa Kitô không chỉ bằng giáo lý, mà cần cầu nguyện

Chúa Kitô hiện diện trong Tin Mừng và chúng ta biết Chúa Kitô nhờ việc đọc Tin Mừng. Tất cả chúng ta đã làm điều ấy, ít ra là chúng ta nghe Tin Mừng khi tham dự thánh lễ. Việc học hỏi giáo lý cũng dạy cho chúng ta biết Chúa Kitô là ai. Nhưng như thế là chưa đủ. Để hiểu được mọi chiều dài rộng cao sâu của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cần đi vào chiều sâu của thói quen, trước hết là bằng cầu nguyện, như thánh Phaolô đã làm khi quỳ gối thân thưa: “Lạy Cha, xin sai Thánh Thần tới để Ngài dạy cho con biết Chúa Giêsu.”

Tôn thờ Chúa Kitô trong thinh lặng

Để biết Chúa Kitô cách chân thực, thì chỉ việc cầu nguyện cũng chưa đủ, thánh Phaolô nói thêm rằng, ngài “quỳ gối tôn thờ mầu nhiệm này”, một mầu nhiệm vượt quá trí hiểu loài người, và trong tinh thần thờ phượng này, ngài nài xin ân sủng từ Thiên Chúa.

Chúng ta không thể biết Chúa nếu chúng ta không quen với cách thờ phượng này, tôn thờ trong thinh lặng. Nếu tôi không lầm, tôi tin rằng đây là cách cầu nguyện mà chúng ta ít biết đến, đó là một trong những điều chúng ta ít làm nhất. Xin cho phép tôi nói thế này, hãy sẵn lòng lãng phí thời gian để hiện diện trước mặt Chúa, trước mầu nhiệm về Chúa Giêsu Kitô. Tôn thờ Người. Thinh lặng, tôn thờ trong thinh lặng. Người là Đấng Cứu Độ và tôi tôn thờ Người.

Để đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô, cần nhận ra lỗi lầm của bản thân

Điều thứ ba, để biết Chúa Kitô, chúng ta cần biết chính mình, biết chính mình với những bất toàn và tội lỗi. Chúng ta không thể cầu nguyện mà lại thiếu suy xét về chính bản thân mình.

Như thế, để đi vào chiều sâu vô biên của mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cần ba điều. Thứ nhất là cầu nguyện: “Lạy Cha, xin sai Chúa Thánh Thần đến, để Ngài dạy cho con biết Chúa Giêsu”. Thứ hai là tôn thờ mầu nhiệm này, đi vào chiều sâu của mầu nhiệm và tôn thờ Người. Thứ ba là suy xét chính mình: ‘Tôi là người đầy bợn nhơ’. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng mà thánh Phaolô cầu xin cho cộng đoàn Êphêsô, đó là ân ủng được biết Chúa Kitô và biết kiếm tìm Người.

4. Người mục tử thành tín bị bỏ rơi nhưng không bao giờ cay đắng

Người mục tử tốt lành là người đi theo Chúa Giêsu và không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, thậm chí khi bị mọi người bỏ rơi thì người ấy vẫn luôn có Chúa ở bên, sẽ có nhiều sầu khổ nhưng người ấy không bao giờ cay đắng. Đó là điều Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng thứ Ba 18 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta.

Giải nghĩa bài đọc trích thư của thánh Phaolô gửi ông Timôthê, Đức Thánh Cha tập trung vào giai đoạn cuối đời của các tông đồ, như của thánh Phaolô, vị thánh đã kinh nghiệm sự cô đơn, bị bỏ rơi, trở thành nạn nhân của những vu cáo, phải xin ăn từ người khác:

Bị đơn độc, phải ăn xin, bị vu cáo, bị bỏ rơi, nhưng là một Phaolô vĩ đại, vì là người nghe thấy lời Chúa, nghe được tiếng gọi của Chúa. Ngài phải đau khổ nhiều và gặp nhiều thử thách trên bước đường loan báo Tin Mừng. Điều này thật hiển nhiên với các tông đồ, vì Chúa muốn rằng dân ngoại cũng được hiệp thông trong Giáo Hội. Phaolô cầu nguyện và được nâng lên tầng trời thứ bảy, được nghe những điều chưa ai từng nghe. Phaolô ở trong căn phòng đó, tại Roma, chờ đợi kết quả của cuộc tranh luận giữa một bên là những người Dothái bảo thủ với bên kia là những môn đệ của ngài. Phaolô đã kết thúc cuộc đời trong sự buồn khổ, trống trải nhưng không cay đắng, không oán giận.

Những điều ấy cũng xảy ra với Phêrô, với Gioan Tẩy Giả. Khi Gioan trong cảnh tù đày cô đơn và đau khổ, ông sai môn đệ đi hỏi Chúa Giêsu xem Ngài có phải là Đấng Mesia không. Kết thúc cuộc đời, Gioan bị chém đầu chỉ là “do ý thích của cô vũ công do bà mẹ là dâm phụ sai khiến”. Thánh Maximilian Kolbe cũng là người tông đồ nhiệt thành với kết thúc bi thảm như thế. Vị ngôn sứ chân chính chẳng mong gì hơn. Vì như Chúa Giêsu nói: nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó sẽ không sinh hoa trái. Sau cái chết, sẽ là sự sống lại. Có nhà thần học của các thế kỷ đầu đã nói: máu của các vị tử đạo là hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu.

Khi chết đi vì làm chứng cho Chúa Giêsu như thế, thì trở nên hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu trên khắp mặt đất. Khi người mục tử sống điều ấy trong đời mình thì không có gì là cay đắng, có lẽ là đơn côi và trống trải nhưng chắc chắn có Chúa luôn ở cùng. Nhưng nếu người mục tử có rất nhiều điều gắn bó với cuộc sống mình mà những điều ấy không là các tín hữu, ví dụ người mục tử ấy gắn bó với tiền bạc, quyền lực và nhiều thứ khác, cuối cùng họ sẽ không phải cô đơn mà có lẽ cháu chắt của họ sẽ mong họ chết đi để lấy được gia tài.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài như sau:

Khi tôi đi thăm các nhà hưu dành cho các linh mục già, tôi thấy rất nhiều người tốt, nhiều điều tốt, tôi thấy những người đã dâng hiến cả cuộc đời cho các tín hữu. Có những người nằm bệnh, có người không đi lại được, có người ngồi xe lăn, nhưng có những nụ cười ở đó. ‘Thật tốt, lạy Chúa’, ‘Rất tốt, thưa Chúa’, họ nói như thế bởi vì họ cảm thấy Chúa ở cùng họ ở bên họ. Có những ánh mắt sáng lên với câu hỏi: “Giáo Hội sao rồi? Giáo phận thế nào rồi? Những ơn gọi dạo này thế nào?”. Họ là những người cha. Họ đã hy sinh cho người khác. Chính Phaolô đã trở nên người ăn xin, nạn nhân của những tranh cãi, bị tất cả bỏ rơi, nhưng vẫn còn một điều: Chúa luôn bên tôi. Người mục tử tốt phải là người có được điều này: đi trên con đường của Chúa và Chúa là điểm tới.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các mục tử trong giai đoạn cuối đời, những người đang chờ đợi Chúa đến dẫn đưa. Cầu nguyện để Chúa trở thành sức mạnh, thành chốn nương ẩn cho các ngài, cho dù các ngài cảm thấy yếu đau và đơn côi, nhưng Chúa ở cùng các ngài, ở bên các ngài. Xin Chúa ban cho các ngài sức mạnh ấy.

5. Đối thoại là một khía cạnh quan trọng của lòng thương xót.

Trong buổi tiếp kiến chung Năm Thánh sáng thứ Bẩy, 22-10, Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại và gọi đây là một khía cạnh quan trọng của lòng thương xót.

Hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô có tới 100 ngàn tín hữu hành hương, trong đó có nhiều phái đoàn từ các giáo phận Italia và Ba Lan, vì 22-10 cũng là lễ kính thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng. Nhiều Giám Mục Italia và Ba Lan cùng với chính quyền địa phương liên hệ đã tháp tùng các tín hữu về dự buổi tiếp kiến này.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Gioan, đoạn thứ 4 (4,6-15) thuật lại cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ xứ Samaria và ngài nhận xét rằng:

“Trước tiên, đối thoại là một dấu chỉ rất tôn trọng, vì nó đặt con người trong thái độ lắng nghe và đón nhận những khía cạnh tốt nhất của người đối thoại. Tiếp đến đối thoại là một biểu hiện của đức bác ái, vì tuy không làm ngơ trước những khác biệt, nó giúp tìm kiếm và chia sẻ ích chung. Ngoài ra, đối thoại mời gọi chúng ta đặt mình trước người khác, coi họ như một hồng ân của Thiên Chúa, Đấng đang gọi hỏi và yêu cầu chúng ta nhìn nhận Ngài”.

Đức Thánh Cha cũng than phiền rằng: “Nhiều khi chúng ta không gặp gỡ người anh em, tuy sống cạnh họ, nhất là khi chúng ta đề cao lập trường của mình hơn lập trường của người khác. Chúng ta không đối thoại khi chúng ta không lắng nghe đủ hoặc có xu hướng ngắt lời người khác để chứng tỏ mình có lý. Trái lại, sự đối thoại đòi phải có những lúc thinh lặng, trong đó chúng ta đón nhận hồng ân đặc biệt là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người anh em”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Anh chị em thân mến, đối thoại giúp con người nhân bản hóa các tương quan và vượt thắng những hiểu lầm. Đối thoại rất cần thiết trong gia đình chúng ta, và chúng ta có thể dễ dàng giải quyết các vấn đề dường nào nếu ta học cách lắng nghe nhau! Cũng vậy trong tương quan giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và các con cái. Bao nhiêu điều ích lợi cũng có thể đạt được nhờ đối thoại giữa giáo chức và học sinh, giữa các giới lãnh đạo và công nhân, để khám phá những đói hòi tốt nhất của công việc”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Tất cả mọi hình thức đối thoại đều nói lên một đòi hỏi lớn của tình yêu Thiên Chúa, Đấng đến gặp tất cả mọi người và đặt nơi mỗi người một hạt giống tốt lành lòng từ nhân của Ngài, để họ có thể cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài. Đối thoại phá đổ các bức tường chia cách và hiểu lầm, nó kiến tạo những nhịp cầu đả thông và không để cho ai tự cô lập mình, khép kín mình trong thế giới nhỏ hẹp của mình.

“Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn của người phụ nữ xứ Samaria; dầu vậy Ngài không chối bỏ quyền của bà được biểu phát biểu và dần dần Ngài đi vào mầu nhiệm cuộc sống của bà. Bài học này cũng có giá trị đối với chúng ta. Qua đối thoại, chúng ta có thể làm tăng trưởng những dấu hiệu từ bi thương xót của Thiên Chúa và biến những dấu hiệu ấy thành phương thế đón tiếp và tôn trọng”.

Trong phần chào thăm các phái đoàn hành hương, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến lễ kính thánh Gioan Phaolô 2 và cám ơn sự tiếp đón của Giáo Hội và nhân dân Ba Lan đã dành cho ngài hồi cuối tháng 7 năm nay nhân dịp Đại Hội Giới trẻ Công Giáo thế giới ở Cracovia. Ngài cũng nhắc lại rằng:

“Cách đây đúng 38 năm, cũng vào giờ này tại quảng trường này vang lên những lời được gửi đến con người toàn thế giới: “Anh chị em đừng sợ! .. Hãy mở toang các cánh cửa cho Chúa Kitô”. Những lời này Đức Gioan Phaolô 2 đã xướng lên vào đầu triều đại Giáo Hoàng của Người, một vị Giáo Hoàng có linh đạo sâu xa, được nhào nặn nhờ gia sản ngàn năm của lịch sử và văn hóa Ba Lan được thông truyền trong tinh thần đức tin, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia sản này đối với Người là nguồn hy vọng, sức mạnh và can đảm, qua đó Người nhắn nhở thế giới mở rộng cửa cho Chúa Kitô. Lời mời gọi này biến thành một lời công bố liên lỷ Tin Mừng Lòng Thương Xót cho thế giới và con người, được tiếp tục trong Năm Thánh Lòng thương xót này”