Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Nếu như Mosul được coi là trung tâm của Kitô Giáo tại Iraq; thì Aleppo được coi là thủ phủ của Kitô Giáo tại Syria với các Giáo Hội Đông phương, trong đó nhiều Giáo Hội đã được thành lập từ thời các thánh Tông Đồ.

Trong các ngày này tình hình tại Aleppo đang rất nghiêm trọng đe dọa sự tồn vong của Kitô Giáo tại Syria. Điều đáng nói là thảm kịch nhân đạo này đang diễn ra trước sự thờ ơ của thế giới.

Trước khi nói về tình hình tại Aleppo, Trúc Ly và Hà Thu xin mạn phép kính mời quý vị và anh chị em theo dõi một vở bi hài kịch diễn ra trên đài truyền hình MSNBC hôm thứ Năm 8 tháng 9 vừa qua.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong chương trình truyền hình này, ông Gary Johnson nguyên là thống đốc bang New Mexico, và hiện là ứng cử viên tổng thống của đảng Tự Do đã được biên tập viên Michael Barnicle của MSNBC hỏi ý kiến về chính sách của ông đối với Aleppo nếu ông được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ.

Xin quý vị và anh chị em xem lại lần nữa.

Michael Barnicle: Nếu được đắc cử tổng thống, ông sẽ làm những gì liên quan đến Aleppo, liên quan đến Aleppo.

Gary Johnson: Nhưng Aleppo là cái gì?

Michael Barnicle: Ông đùa với tôi à?

Gary Johnson:Không.

Michael Barnicle: Aleppo ở bên Syria. Nó là tâm chấn của cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Gary Johnson:À, hiểu rồi.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Phản ứng trước vở bi hài kịch này, từ Aleppo, Đức Thượng Phụ Ignatius III Younan của Công Giáo nghi lễ Syriac nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ:

“Tôi cảm thấy ngỡ ngàng và đau đớn”.

Chuyện không dừng lại ở đó, trong chương trình MSNBC tiếp theo Christopher Hill, cựu đại sứ Mỹ khi chê bai Gary Johnson lại phạm sai lầm khi cho rằng Aleppo là thủ đô của cái gọi là Nhà Nước Hồi Giáo. Thực ra, thủ đô của bọn khủng bố Hồi Giáo IS là Raqqa cách Aleppo 202 km. Khi được hỏi về vở bi hài kịch của Gary Johnson, ứng cử viên tổng thống Hilary Clinton có vẻ cũng không khá gì hơn. Bà cười túm tím nói: “Bạn nhìn trên bản đồ thì thấy Aleppo chứ gì”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Khi con số người chết trong cuộc nội chiến tại Syria đã lên tới gần nửa triệu người, 4.8 triệu người phải tỵ nạn bên ngoài Syria và 6.6 triệu người phải tản cư bên trong lãnh thổ nước này, đúng là ngỡ ngàng và đau đớn thật khi một ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ phát biểu tỉnh bơ “Aleppo là cái gì?”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Aleppo là một thành phố nằm ở phía tây bắc Syria gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là thủ phủ của tỉnh Aleppo, và là thành phố đông dân nhất của Syria trước chiến tranh. Ngày nay nó là chiến trường quan trọng nhất trong cuộc xung đột ở Syria giữa một bên là quân đội của tổng thống Bashar al-Assad, được Nga và Iran hỗ trợ; và bên kia gồm phe nổi dậy gồm nhiều nhóm khác nhau; trong đó có những nhóm được Hoa Kỳ và các nước phương Tây yểm trợ, và cả những nhóm được các quốc gia theo Hồi Giáo Sunni trong vùng Vịnh đỡ đầu. Quân khủng bố Hồi Giáo IS cũng có mặt tại Aleppo.

Từ năm 2011, các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Syria đã lan rộng thành một cuộc nội chiến, Aleppo đã là một địa bàn quan trọng cho một số phe phái phiến quân. Cuộc chiến tại Aleppo diễn ra rất ác liệt, và không một phe nào có thể kiểm soát hoàn toàn được thành phố.

Từ tháng Chín năm ngoái 2015, quân đội của tổng thống Assad bắt đầu một chiến dịch tái chiếm thành phố. Đến tháng Mười Hai, họ đã có những tiến bộ đáng kể xung quanh thành phố, và đến ngày 5 tháng Hai, quân chính phủ bắt đầu bao vây thành phố này.

Trong khi đó trên không, Nga tập trung một phần quan trọng trong chiến dịch không kích của mình vào các vị trí phiến quân và các đường tiếp tế trong tỉnh Aleppo.

Chiến lược của quân chính phủ là bao vây, ngăn chận đường tiếp tế ở phần phía Đông thành phố nơi vẫn còn dưới quyền kiểm soát của phiến quân. Chiến lược này tỏ ra có hiệu quả vì các lực lượng phiến quân mất ý chí chiến đấu và thường dân thường tỏ ra hợp tác với quân chính phủ để khỏi phải chết vì đói.

Tháng Bẩy vừa qua, quân chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa trên các vùng nổi dậy, cắt đứt hoàn toàn nguồn tiếp tế, khiến cho 320,000 người có thể bị lâm vào nạn đói.

Trong khi đó, quân phiến loạn pháo kích bừa bãi vào các khu dân cư trong các quận do chính phủ kiểm soát.

Vào cuối tháng Bảy, các nhóm phiến quân phản công phá vỡ cuộc bao vây thành phố, cho phép viện trợ được đưa vào.

Ngày 04 tháng 9 một phần phía Đông Aleppo lại bị “bao vây lại” bởi các lực lượng của chính phủ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những gì diễn ra trong 5 năm qua cho thấy 3 điểm sau đây:

Thứ nhất: Không bên nào đủ mạnh để đè bẹp đối phương, vì vậy chiến thắng đạt được rất là mong manh và tạm thời.

Thứ hai: Tại bất kỳ thời điểm nào, hoặc là quân chính phủ hoặc là các phiến quân sẽ cảm thấy như họ đang chiến thắng trên chiến trường. Vì thế họ không có động cơ để đi đến một thỏa thuận hòa bình.

Thứ ba: Cả quân chính phủ lẫn phiến quân đều được hậu thuẫn bởi các tác nhân bên ngoài đất nước, là những kẻ có xu hướng muốn kéo dài cuộc chiến gần như bất tận trong một cuộc thương thảo nhằm giành được những ưu thế địa chính trị.

Đấng bản quyền Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Aleppo nói rằng chiến tranh đang leo thang dữ dội tại Aleppo vì các bên tham chiến cảm thấy rằng người nào kiểm soát được thành phố này sẽ là người giành được chiến thắng trong cuộc nội chiến tại Syria.

“Mọi người lo sợ”, và các Kitô hữu cũng như người Hồi giáo đang “cầu nguyện không ngừng cho hòa bình”, Đức Cha Georges Abou Khazen cho biết như trên trong một báo cáo được đăng tải trên tờ Irish Catholic..

“Dân chúng không biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai,” ngài nói thêm. Trong bối cảnh của các dự đoán, người ta tin rằng “sắp xảy ra một trận chiến lớn, một trận chiến mà tất cả mọi người hy vọng sẽ có thể tránh được, bởi vì cuối cùng thường dân sẽ là những người phải trả giá đắt nhất.”