Về chuyến viếng thăm Viêt Nam mới đây của Tổng Thống Obama, tờ Daily Mail cho hay: vấn đề nhân quyền đã vây quanh cuộc viếng thăm Việt Nam của ông, nơi được coi là có thành tích rất tồi tệ. Sáng Thứ Ba, ông nói chuyện với các nhà tranh đấu cho người khuyết tật, các nhóm thiểu số và một mục sư, và cổ vũ cho tự do phát biểu, tự do báo chí và liên mạng.

Ông cho rằng “Việt Nam đã thực hiện được nhiều cố gắng đáng kể về nhiều mặt” nhưng “vẫn còn những lãnh vực khiến người ta khá quan tâm”.

Tờ này cho hay Việt Nam hiện giam giữ 100 tù nhân chính trị và đã có thêm nhiều vụ bắt giam trong năm nay, cả trong tuần lễ trước, nhưng Hà Nội vẫn một mực cho rằng chỉ những người phạm luật mới bị trừng trị mà thôi.

Trong bài diễn văn tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia ở Hà Nội, ông Obama tìm cách trấn an cử tọa khi nói rằng Hoa Thịnh Đốn không muốn áp đặt việc cải thiện nhân quyền lên Việt Nam. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng: các quốc gia sẽ thành công nhiều hơn khi người dân được tự do phát biểu tư tưởng của họ, tự do hội họp mà không bị xách nhiễu và tự do vào liên mạng cũng như mạng lưới truyền thông xã hội.

Ông nói: “Duy trì các quyền này không hề đe dọa ổn định mà thực sự tăng cường ổn định và là nền tảng của tiến bộ”.

“Việt Nam sẽ thực hiện việc đó khác với Hoa Kỳ… Nhưng có những nguyên tắc căn bản mà tôi nghĩ tất cả chúng ta phải cố gắng thực hiện và cải thiện”.

Cố gắng đáng kể nhưng…

Ai cũng biết, trước chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Obama, nhà cầm quyền Việt Nam đã có cử chỉ “cố gắng đáng kể” là trả tự do cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý, một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng tại Việt Nam liên tiếp trong nhiều thập niên qua. Thế nhưng, cùng một lúc, họ đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm “bịt miệng” những người như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, một việc chính họ đã ngang nhiên làm với ngài giữa thanh thiên bạch nhật trước đây. Đó là triệt hạ Facebook suốt trong chuyến viếng thăm của Tổng Thống Hoa Kỳ.
Tin trên được chính Reuters đăng tải ngày 26 tháng Năm, 2016, căn cứ vào nguồn tin của hai nhà tranh đấu Việt Nam. Hãng tin này nói rằng: động thái trên nhằm ngăn cản các người chỉ trích chính phủ dùng mạng lưới xã hội để tổ chức các cuộc phản đối. Việc này song song diễn ra với việc Ông Obama không được nói chuyện với những người chuyên chỉ trích chính phủ.

Hãng tin trên cũng cho hay: Việt Nam và nhiều nước khác vốn sử dụng Facebook và Twitter như một vũ khí. Khổ một nỗi, người dân cũng dùng hai phương tiện đó để kêu gọi biểu tình phản đối chính phủ.

Việc Obama không được nói chuyện với một số nhà chỉ trích chính phủ đã được chính ông xác nhận trong cuộc gặp gỡ với các nhóm công dân. Theo Arlette Saenz, khi gặp các nhóm này, ông Obama nói rằng: “Có một số nhà tranh đấu khác vốn được mời nhưng đã bị ngăn cản không tới được. Có một số người thấy rất khó có thể tụ họp và tổ chức một cách hoà bình quanh các vấn đề họ quan tâm sâu sắc”.

Matt Spetalnick thì cho hay một trong các nhà trí thức nổi tiếng, Ông Nguyễn Quang A, nói với Reuters rằng khoảng 10 cảnh sát viên đã tới nhà ông lúc 6 giờ 30 sáng, đẩy ông vào một chiếc xe rồi chạy ra khỏi thủ đô cho tới khi Ông Obama rời khỏi.

Một luật sư hay lên tiếng, Ông Hà Huy Sơn, cho biết ông cũng bị ngăn cản không được gặp Obama. Cơ quan Human Rights Watch xác nhận một nhà báo đã được mời nhưng bị bắt vào hôm Thứ Hai.

Nên biết Ông Quang A, một nhà kinh doanh IT trước đây, là một trong hơn 100 người cố gắng ra tranh cử trong tư cách ứng viên độc lập vào quốc hội tuần trước, nhưng đã bị loại. Trước khi bị bắt giữ, Ông có đăng trên Facebook một bức hình của chính ông với lời nhắn: “Trước khi đi. Có thể bị chặn, bị bắt. Loan tin để dân chúng biết”.

Những sự kiện trên chắc chắn ám ảnh Ông Obama đến nỗi ông mượn cả dịp chia sẻ một vài đường lả lướt với ca sĩ nhạc “rap” Suboi (?) ở Sài Gòn để nhắn nhe với nhà cầm quyền Việt Nam về quyền tự do phát biểu. Theo ông, nhạc “rap” vốn xuất phát từ người Mỹ gốc Phi Châu nghèo nàn nay trở thành hiện tượng hoàn cầu, đâu đâu cũng có. Nhưng “các bạn hãy tưởng tượng mà xem, vào lúc nó khởi diễn, nếu chính phủ của chúng tôi nói ‘Không. Vì một số điều các anh hát có tính xúc phạm’ hay ‘một số lời ca khiếm nhã’ hoặc ‘các anh chửi rủa nhiều quá’” thì kết quả sẽ ra sao. Nên “các bạn phải để cho người dân tự phát biểu. Đó là thành phần làm nên nền văn hóa hiện đại của thế kỷ 21”.

Nhân quyền hai mặt

Nhiều nhà bình luận coi các tấn công nhân quyền của Ông Obama tại Việt Nam là hai mặt. Trong số này, đáng lưu ý là Michelle Kosinski của CNN. Cô này cho rằng “Tổng Thống Barack Obama tìm cách vượt qua một con đường khó khăn ở Việt Nam trong bài diễn văn hôm Thứ Ba, bằng cách cân bằng lời chỉ trích (vi phạm) nhân quyền với lời khen đạt tiến bộ. Nhưng khi làm thế, xem ra ông đã cấp cho xứ Cộng Sản này một điểm đậu hơn hẳn các quốc gia khác có những vi phạm tương tự”.

Thực vậy, trái với cách ăn nói với các quốc gia khác như Kenya và Ethiopia, Obama đã chỉ đề cập tới nhân quyền vào cuối bài diễn văn của Ông với chính phủ và nhân dân Việt Nam. Khởi đầu bài diễn văn này, ông đã xoa dịu người Cộng Sản Việt Nam bằng cách kể ra hàng loạt các thiếu sót của chính nước ông: chia rẽ sắc tộc, phụ nữ đấu tranh giành lương bổng ngang với nam giới! Để kết luận rằng: không quốc gia nào hoàn hảo cả.

Ông cũng khá đại khái trong các nhận định của mình, tránh không nêu ra bất cứ chi tiết chuyên biệt nào trong các nan đề của Việt Nam. Ông nói: “Hiệp Chúng Quốc không tìm cách áp đặt hình thức cai trị của chúng tôi lên Việt Nam. Các quyền mà tôi nói tới không phải là các giá trị Hoa Kỳ, chúng là các giá trị phổ quát được viết vào bản tuyên ngôn chung về nhân quyền. Chúng được viết vào Hiến Pháp Việt Nam là hiến pháp quả quyết rằng các công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền truy cập thông tin, quyền hội họp, quyền lập hội và quyền biểu tình. Điều ấy có trong Hiến Pháp Việt Nam”.

Ta hãy so sánh những lời trên với những lời bạo dạn và trực tiếp hơn nhiều khi ông lên tiếng ở Phi Châu: các bài diễn văn khích động người Kenya và Ethiopia, mùa hè năm ngoái, khiến người ta há hốc miệng quay qua nhìn nhau và sảng khoái nói “anh có tin là ông ta nói thế không?” ngay trước mặt các nhà lãnh đạo của họ.

Ông bảo: “tham nhũng được khoan dung vì đó là cách sự việc luôn được tiến hành. Người ta chỉ nghĩ rằng đó là loại hiện tình thông thường của sư việc. Nay là lúc phải thay đổi các thói quen và cương quyết phá vỡ cái vòng (luẩn quẩn) đó. Vì tham nhũng kìm hãm mọi khía cạnh của sinh hoạt kinh tế và công dân. Nó là chiếc mỏ neo ghì các bạn xuống và ngăn không cho các bạn thực hiện điều các bạn có khả năng. Nếu các bạn cần phải đưa hối lộ và thuê người anh em của một ai đó, một người không tốt lắm và không chịu đi làm, để khởi đầu một doanh nghiệp, thì, thì điều đó sẽ tạo ra ít công ăn việc làm cho mọi người hơn”.

Tại Ethiopia, người ta còn khoái chí hơn nữa với các lời lẽ sau đây: “tiến bộ dân chủ tại Phi Châu cũng gặp nguy cơ khi các nhà lãnh đạo không chịu đứng qua một bên lúc mãn nhiệm kỳ… Nếu các nhà báo bị hạn chế hay các nhóm đối lập hợp pháp không được tham dự vào diễn trình tranh cử”.

Reuters nhận định rằng: điều tệ hại là Việt Nam không hề cố gắng che đậy việc họ liên tiếp kiểm soát xã hội, ngay trong cuộc viếng thăm lịch sử này, một cuộc viếng thăm có hàng ngàn người xếp hàng dọc các phố xá để hoan nghinh Tổng Thống Hoa Kỳ.

Có lúc, chính phủ Việt Nam còn ra lệnh cho Đài BBC ngưng tường trình. Các buổi phát hình tin tức trực tiếp của ngoại quốc vẫn chỉ được phát đi 10 phút sau, để các nhà kiểm duyệt của chính phủ đủ thì giờ kiểm soát trước. Chưa kể con số tù nhân chính trị và các nhà tranh đấu bị cấm không được gặp Obama như trên đã nói, dù bị Nhà Trắng và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phản đối.

Điều oái oăm là các viên chức Nhà Trắng lại bênh vực chiến lược của Obama. Họ cho rằng thực tại đáng lưu ý, vô tiền khoáng hậu là truyền hình nhà nước Việt Nam đã trực tiếp phát đi bài diễn văn của Tổng Thống. Dĩ nhiên đây là một tiến bộ so với 20 năm trước, khi Hà Nội tránh nói chuyện với bất cứ người ngoại quốc nào.

Nhà Trắng làm như thế vì cần phải ký nhiều thỏa hiệp và hy vọng Việt Nam sẽ gia tăng những điều như sự trong sáng và nhiều quyền hơn cho dân chúng. Những điều vừa nói, theo ngoại trưởng Kerry, cần nhiều thời gian. Ông nói: “các bạn cũng nên thừa nhận: cần có thì giờ mới có sự biến đổi về văn hóa, biến đổi về thế hệ, người dân mới có khả năng học cách quản trị và thi hành các quyền và một số tự do của họ”.

Chẳng qua, người Hoa Kỳ tùy cơ mà ứng biến để phục vụ chính quyền lợi của họ thì đúng hơn.