Tràn đầy niềm vui trong tâm hồn là điều không phải chỉ riêng người Kitô hữu mong ước mà hầu như ai cũng mong muốn được tràn đầy niềm vui vĩnh cửu. Tuy nhiên không phải hễ mong ước là điều ước mong được toại nguyện. Muốn đạt điều mong ước cần tạo điều kiện để điều ước mong biến thành sự thật. Người Kitô hữu không phải tự hào nhưng được học hỏi để nhận biết chính xác và rõ ràng về nguồn gốc của nguồn vui vĩnh cửu. Nguồn gốc đó bắt nguồn từ Đức Kitô Phục Sinh và một mình Ngài có quyền ban nguồn vui tràn đầy. Ngoài Ngài ra không một phàm nhân nào có thể ban phát cho nguồn vui tràn đầy vĩnh cửu. Mừng lễ Phục Sinh, đi chơi đó đây xa gần, tiệc tùng sáng tối vui chơi hay quà cáp biếu tặng trong mùa Phục Sinh chỉ là cách xã hội con người đón mừng lễ. Tất cả những thứ đó tạo cho niềm vui tăng thêm vì quà cáp tự chúng không có khả năng ban nguồn vui vĩnh cửu. Nếu những vật chất đó đem lại niềm vui hay tạo cho ta vui hơn thì đó cũng là dấu chỉ cho biết ta thực sự chưa nhận được niềm vui tràn đầy, niềm vui còn thiếu. Đã tràn đầy thì không gì làm cho vui hơn được nữa. Còn có thể vui hơn được có nghĩa là chưa tràn đầy. Vật chất trần thế đem lại niềm vui tạm bợ. Bao lâu nó thoả mãn khát khao tâm tính con người thì người đó còn cảm thấy thích chúng. Khi không còn khát khao chúng nữa thì niềm vui nó mang đến cũng cạn sạch. Người Kitô hữu không đặt niềm vui của mình trên vật chất trần thế nhưng dựa vào niềm vui vĩnh cửu của Đức Kitô Phục Sinh. Không có Đức Kitô Phục Sinh sẽ chẳng có mừng lễ và các nghi thức mừng kính kèm theo. Vì thế mừng lễ Phục Sinh mà thiếu vắng Đấng Phục Sinh trong tâm hồn là thiếu sót lớn về linh đạo. Đạo nghĩa trong tâm hồn thiếu sót thì không thể có niềm vui tràn đầy bởi vì nguồn gốc của người Kitô hữu đến từ Đức Kitô Phục Sinh. Linh đạo đến từ hướng dẫn, chỉ bảo, giáo huấn của Ngài. Chối bỏ sự Phục Sinh của Ngài trong tâm hồn chính là mừng lễ Phục Sinh mà vắng bóng Đấng Phục Sinh. Không có Đấng Phục Sinh nghĩa là vẫn còn đang sống trong vùng đất chết. Nơi vùng đất chết khóc than dư thừa, niềm vui khan hiếm trầm trọng. Có chút niềm vui nào vật chất mang đến cũng chỉ là loại vui nhộn trong chốc lát, đến rồi đi qua, không tồn tại lâu vì chúng thuộc về trần thế. Nguồn gốc của vật chất trần thế là tàn lụi, già cỗi, mục và rữa nát.

Kitô hữu có lí do chính đáng để đón nhận niềm vui Phục Sinh vĩnh cửu. Món quà thiên quôc này nằm trong tầm tay với của các Kitô hữu. Nói là nằm trong tầm tay với vì thời gian chay tịnh vừa qua là thời gian giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Đấng Phục Sinh. Bởi được chuẩn bị kỉ, sẵn sàng mở rộng tâm hồn đón nhận thiên ân nên khi thiên ân ban đến người đó kính cẩn, cung kính đón nhận vào tâm hồn. Nguồn tình yêu đó ngự trong tâm hồn làm cho tâm hồn rộn lên niềm vui, tràn qua hành động, lời nói của cuộc sống. Nguồn tình yêu đó tồn tại vì đến từ Đấng Phục Sinh, sống lại từ cõi chết. Sự chết không còn quyền gì trên thân xác Phục Sinh nữa.

Kitô hữu tin những điều đó được thể hiện trong cuộc sống trung thành tin theo. Gương sáng đó nhìn thấy nơi các môn đệ Đức Kitô Phục Sinh. Họ biến thành con người mới lòng tràn niềm vui khi họ gặp Đức Kitô Phục Sinh. Các bà từ sáng sớm ra thăm mộ, các bà gặp Đức Kitô Phục Sinh nhưng tưởng lầm là người làm vườn. Khi nghe Ngài gọi tên các bà nhảy nhón vui mừng, chạy nhanh về báo tin cho các anh em khác. Hai môn đệ trên đường Emmaus nhận ra Đức Kitô Phục Sinh khi nhìn thấy Ngài bẻ bánh trong đêm ăn bữa Tiệc Li. Các ông đang đêm chỗi dậy, quên hết mệt mỏi, lo ngại, sợ sệt, lên đường đi suốt đêm để mang tin vui cho các môn đệ khác. Những nhân chứng trên miệng thuật lại chi tiết, tỉ mỉ những gì mắt thấy, tai nghe, tay chạm đến và chân rộn rã mang Tin Mừng.
Chúc mừng Phục Sinh.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org