BERLIN - Giáo sư Thomas Engelbert, trường Đại Học Hamburg (Đức), đã viết riêng cho đài BBC bài phân tích về những diễn biến gần đây tại Campuchia:

Vào ngày 27-7 này, Campuchia sẽ bầu cử quốc hội.

Trong tổng số 22 đảng tham dự, chỉ có ba đảng có triển vọng.

Đó là Đảng Nhân Dân Campuchia (CPP) của Thủ Tướng Hun Sen, Đảng FUNCINPEC của Hoàng Thân Ranaridh và Đảng Sam Raingsy của ông Sam Raingsy.

Ông Sam Raingsy đã khôn khéo lợi dụng những tranh chấp lao động, vấn đề xã hội và khó khăn hàng ngày của đại đa số dân chúng Campuchia để lên án gay gắt chính phủ ông Hun Sen.

Tổ chức của ông từng ủng hộ hàng loạt các cuộc bãi công. Công an Campuchia đã ra tay, có lúc phải dùng cả bạo lực, đối với tổ chức này.

Theo một số nguồn tin, vào ngày 27-1 năm nay, chính những người thân với đảng của Thủ Tướng Hun Sen đã tạo nên cuộc xung đột bài Thái ở Campuchia, sau những lời bịa đặt bị tung ra rằng một nữ diễn viên Thái xúc phạm quốc thể Campuchia.

Diễn biến này nhằm tranh thủ tình cảm của các cử tri.

Để đối phó, Sam Raingsy chọn con đường lên án Việt Nam, lên án người Việt đã bí mật di cư để “Việt hóa” Campuchia này.

Ai đã đến Campuchia cũng biết rằng việc di cư bí mật là có thật.

Chuyện này luôn luôn có và sẽ có trong lịch sử hai nước láng giềng này, do những điều kiện địa lý, dân số, kinh tế quyết định. Nhưng có lẽ mức độ di cư không nhiều tới mức một triệu dân như phe Sam Raingsy nói.

Có thể khẳng định rằng trong cuộc đấu tranh nội bộ giữa các chính đảng, phe phái ở Campuchia suốt từ những năm sau 1945 tới nay, vấn đề Việt Nam luôn luôn bị lợi dụng để phê phán phe phái nào là “thân Việt”.

Thế nhưng liệu người dân Campuchia sẽ tán thành và ủng hộ một lần nữa chính sách bạo lực hay không?

Chẳng hạn hành động phá phách những nhà thờ Công giáo như ở tỉnh Svay Rieng vừa qua, hay giết những người Việt bình thường?

Điều này chỉ có thể biết được sau kết quả cuộc bầu cử sắp tới.

Về mặt chính thức, Thủ Tướng Hun Sen đã khẳng định đảng của ông sẽ thắng, nhưng thắng một cách trong sạch và vinh quang.

Trong khi đó, chính phủ Hoa Kỳ đã đặt ra điều kiện là sẽ chỉ tiếp tục và mở rộng viện trợ nhân đạo cho Campuchia với điều kiện rằng cuộc bầu cử sẽ tự do, chính nghĩa và không có bạo lực.(bbc)