Chúa Nhật 11 Mùa Thường Niên năm B

Mc 4, 26-34


Các đối thoại thường ngày thay đổi theo hoàn cành, nơi chốn và các biến cố xảy ra trong đời sống hàng ngày. Thí dụ sau trận đá banh người ta bàn đội thắng, đội thua, cầu thủ này xuất sắc, cầu thủ kia lanh lẹ, cầu thủ khác giỏi bảo vệ phòng tuyến. Hoặc sau cơn bão cuộc nói chuyện sẽ thiên về thời tiết gió mưa, thiệt chỗ này, hại chỗ kia. Người giầu lòng trắc ẩn thì nói về cứu trợ nạn nhân. Kẻ có trách nhiệm thì lo dọn dẹp. Tôn giáo lo tổ chức cầu nguyện, cho nạn nhân hoặc thăm viếng họ.

Ở những quốc gia quyền tự do ngôn luận được đề cao và tôn trọng thì việc phê bình, chỉ trích được nói cách công khai không cần dấu diếm. Tuy nhiên khi nói về những vấn đề tế nhị hoặc liên quan đến phẩm giá cá nhân, người nói vẫn tỏ ra thận trọng, lựa từng lời nói hoặc nơi chốn hoặc ngay cả cách diễn tả sao mong tránh làm thiệt hại cho người khác.

Ở những nơi thiếu tự do ngôn luận việc thông tin cho nhau trở thành vấn đề nan giải cho mọi người nhất là những tin liên quan đến người lãnh đạo, nguồn tin nghe lén được từ các quốc gia tôn trọng nhân quyền và tự do ngôn luận đều bị cấm đoán. Để tránh gặp rắc rối người ta thường dùng những hình ảnh trong thiên nhiên hoặc điển tích trong quá khứ để thông tin. Những mẩu tin như thế cần có người am hiểu tình hình giải thích thêm mới có thể hiểu chính xác.

Tiên tri Ezekiel trong bài đọc một hôm nay nằm trong trường hợp không thể nói cách công khai vì nói công khai sẽ bị nhà cầm quyền ngăn cản và có thể bắt ông tù đày, kết án. Tiên tri tìm cách nhắn bảo đoàn dân Chúa chọn đang sống trong cảnh lưu đầy bên Babylon. Để chắc chắn điều ông nhắn bảo và khuyến khích đạt đến tai mọi người ông dùng hình ảnh cây cổ thụ mọc trên đỉnh núi trở thành chỗ ẩn thân, che mưa nắng và cung cấp thực phẩm cho chim trời. Thiên Chúa yêu thường loài Chúa dựng nên vì thế không có lí nào Chúa bỏ rơi dân của Ngài. Ông kêu gọi mọi người hãy kiên tâm, bền chí đặt hết lòng tin tưởng vào Chúa, ngày nào đó Chúa sẽ cứu dân Người, sẽ giải thoát họ khỏi cảnh lưu đầy. Ngày và giờ do Chúa chọn, không ai biết được, chỉ mình Ngài quyết định. Điều quan trọng là kiên tâm và vững tin vào Chúa.

Đức Kitô cũng dùng dụ ngôn trong cuộc đời rao giảng của Chúa. Ngài dùng dụ ngôn để rao giảng vì Ngài rõ có nhiều thành phần khác nhau đến nghe giảng. Kẻ đến nghe với dã tâm phá rối hoặc bắt bẻ, nhóm khác đến nghe hy vọng được cho ăn và người đến nghe vì muốn tìm hiểu chân lí, chân thành học hỏi mong trở thành môn đệ Ngài. Vì rõ thâm ý của người nghe nên Đức Kitô chia ra làm hai loại, loại một đến nghe vì thành tâm, thiện chí nên Ngài coi họ là bạn hữu và đám đông. Các câu 33-34 xác định rõ điều này:

Ngài dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có Thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết. 4,33-34

Không phải có kiến thức sâu rộng, bằng cấp cao, vị thế quan trọng trong xã hội giúp người ta nhận biết và tin vào Thiên Chúa mà chính là cuộc sống khiêm nhu và tâm hồn chân thành. Khiêm nhu và chân thành dẫn con người nhận biết Thiên Chúa. Lời rao giảng của Đức Kitô thâm sâu khó hiểu, lại dùng dụ ngôn càng làm cho lời trở nên huyền bí hơn. Dùng dụ ngôn như là phương cách thanh lọc thính giả, phân loại thính giả chân thành và thính giả thiếu thành tín. Ai chân thành đến nghe, học, được Ngài hướng dẫn thêm để hiểu thâm sâu hơn. Kẻ đến nghe cho biết chỉ hiểu sơ sài, phỏng đoán với kiến thức xã hội. Kẻ chống đối hoàn toàn không hiểu gì hết. Nếu trước đây có biết ít nhiều thì tư tưởng chống đối trong họ cũng làm tàn lụi những hiểu biết nhỏ nhặt có được. Vì thế kẻ chống đối thường coi giáo huấn của Đức Kitô là nhằm chỉ trích, phỉ báng họ và họ kết bè, kéo phái tìm cách giết Người. Họ tìm cách giết Đức Kitô và tìm cách hãm hại những ai tin vào Đức Kitô.

Chúng ta cầu xin ơn khiêm nhường thành tâm đón nhân lời Chúa.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org