Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 11 thường niên năm B 17.06.2012

“Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ tiên!”
“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười hai, tuổi mười ba?
“Em ước mơ em là, em được là tiên nữ.
Ban phép tiên cho hoa biết nói cả tiếng người
Ban phép tiên cho người chắp cánh bay giữa trời.”
(Phạm Duy – Tuổi Mộng Mơ)
(CV 2: 17)
Y như rằng, tuổi mộng mơ của “nghệ sĩ già” nhà ta chỉ gồm những mơ và mộng, thành tiên nữ dù tuổi nhỏ. Nếu bạn và tôi còn tuổi một ba hay ba một thì mơ gì? Chẳng biết trường hợp của bạn mơ với mộng ra sao, chứ với tôi ở vào tuổi ấy, chỉ biết mỗi tinh nghịch, hoặc vẫn cứ nghịch như tinh, hoặc thành tinh rồi vẫn cứ nghịch, chứ đâu nào đã mơ, những chuyện lờ vờ, hoặc nghịch ngạo chuyện mộng mơ của người khác, lác đác những mơ và mộng, thế này đây:

“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười ba, tuổi mười bốn?
Em ước mơ mang hồn, em mang hồn thi sĩ
Theo gió mưa em đi, hát xây mộng cho người
Trên cánh thơ tuyệt vời, hát yên vui cõi đời.
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ hoa!
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ hoa! “
(Phạm Duy – bđd)

Đúng y chang. Chẳng biết bạn ra sao, chứ bầy tôi đây chỉ thích mỗi “giấc mơ hoa”, chứ nào mấy thích “giấc mơ tiên” hay mơ “tiền” gì đâu cho phí sức! Không tin ư? Thì, mời bạn cứ thử hát câu tựa đề của bài phiếm rất hôm nay, sẽ thấy người hát kết thúc ở chữ “tiền” chứ nào mấy chứ “tiên”! Và thấy đó, tác giả xuống câu thành chữ “tiền” chứ nào phải chữ “tiên” hay “Phật” gì cho cam. Thôi thì, để xác chứng nay mời bạn và mời tôi ta nghe câu hát tiếp, sẽ đỡ hơn:

“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười lăm, tuổi mười sáu?
Em ước mơ không nhiều, xin một điều yêu dấu
Không ước mơ xa xôi, ước mơ được nên người
Cô gái yêu nước Việt bước chân theo giống nòi.
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ ngoan!
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ ngoan!”
(Phạm Duy – bđd)

Mơ gì thì mơ. Khi đã mơ như cô gái nước Việt rồi, thì giấc mơ nào mà chả là giấc mơ hoa những ngoan cường, ngoan ngoãn, rất khôn ngoan? Về giấc mơ ngoan hay giấc “khôn ngoan”, là nói giống hệt nhiều người. Cả, người trong Đạo/ngoài làng, như một số nhân vật nổi tiếng, vẫn mơ như sau:

“Quả vậy, ta dù có giáp mặt với khó khăn của hôm nay và mai ngày, tôi vẫn mơ. Giấc mơ của tôi cắm rễ sâu nơi giấc mơ của mọi người Mỹ.

Tôi mơ ngày nào đó đất nước tôi sẽ trỗi dậy mà sống đúng ý nghĩa của điều mình từng coi như niềm tin để nói rằng: ”Chúng ta nắm vững chân lý này để xác chứng rằng tất cả mọi người được tạo dựng ngang bằng, đồng đều.”

Tôi mơ ngày nào đó ngay trên đồi mầu đỏ ở Georgia này, các con của những người trước đây là nô lệ và con của những người trước đây là người chủ sở hữu các nô lệ có thể ngồi chung một bàn mà tỏ bày tình huynh đệ.

Tôi mơ ngày nào đó ngay tiểu bang Mississipi này lâu nay từng bị ngột ngạt vì lực hấp của bất công, từng chảy mồ hôi vì sức nóng của chèn ép sẽ biến thành ốc đảo có công lý và tự do.

Tôi mơ ngày nào đó cả bốn đứa con tôi được sống tại một đất nước ở đó chúng không còn xét đoán vì mầu da nhưng qua phẩm chất của cá tính.

Tôi vẫn mơ điều ấy, hôm nay!

Tôi mơ ngày nào đó thủ phủ Alabama nơi từng có những kẻ chuyên kỳ thị, có quan toàn quyền từng cương quyết “can thiệp” để “tẩy trừ” mọi bất công – mơ ngày nào đó ở đây các bé em trai cùng bé gái có da mầu sẽ cùng nắm tay các em bé da trắng và trở thành anh chị em.

Tôi vẫn cứ mơ điều ấy, hôm nay!

Tôi mơ rằng một ngày nào đó mọi thung lũng được nâng cao và mọi núi đồi bị san bằng xuống thấp, nơi sần sùi được san phẳng, đường cong queo sẽ thẳng tắp và “vinh quang Chúa được tỏ hiện và mọi xác phàm sẽ nhìn lại nhau, mà gần nhau.”

Đó là hy vọng. Là niềm tin tôi đem về miền Nam đây. Bằng vào niềm tin này, ta sẽ đập tan núi đồi tuyệt vọng bằng đá tảng của hy vọng. Với niềm tin, ta biến đổi mọi cãi vã/bất đồng ở nước ta để nó trở thành bản giao hưởng tuyệt tác có tình huynh đệ. Nhờ vào niềm tin, ta sẽ cùng nhau tiến bước, nguyện cầu, cùng đấu tranh, vào tù, rồi vùng dậy cho tự do và tin chắc rằng một ngày nào đó, ta sẽ có tự do, cũng rất gần.” (x. Martin Luther King Jr. “I Have A Dream”, tìm trên Google)

Thế đó là giấc mơ, ở chính trường. Của một người. Người nổi tiếng nhất nước Mỹ, được coi như thánh nhân. Anh hùng tầm cỡ Mahatma Gandhi. Thế đó là giấc mộng của nhà thơ. Của, người cùng Đạo nhưng khác phái. Khác, rất nhiều điều, nhiều sự. Khác, cả giấc mơ của người bình thường ở dân gian, âm thầm chốn huyện thành, chẳng ai biết. Chẳng ai mơ cùng mộng.
“Giấc mơ hoa” hay “mộng ngoan cường”, là giấc mơ của tuổi mười tư/mười tám, rày vẫn hát:

“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười tư, tuổi mười lăm?
Em ước mơ em đẹp như trăng rằm tươi tắn
Thoa phấn son em mang chiếc áo dài khăn hồng
Em sẽ thi đua cùng với hoa khôi khắp vùng.
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ xinh!
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ xinh!”
(Phạm Duy – bđd)

Thế đó, vẫn là giấc mơ của nghệ sĩ, người đời. Ở nhà Đạo, lại cũng có những giấc mợ trở thành hiện thực trong đó thánh Phêrô trụ cột Hội thánh, đã trích lời tiên tri Joel hầu tuyên bố:

“Sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, Thiên Chúa phán:
Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên mọi xác phàm.
Và con trai, con gái các ngươi sẽ tuyên sấm,
Thanh niên của các ngươi sẽ thấy thị kiến,
kẻ già lão trong các ngươi sẽ chiêm điềm mộng.”
(Cv 2: 17)

“Chiêm điềm mộng” , để thấy được ân sủng Thần Khí Chúa vẫn lấp đầy. Ân sủng ấy, vẫn tràn đầy nơi mọi người, một khi người người biết thực thi điều Thiên Chúa truyền dạy, ở Kinh Sách. Chúa truyền và dạy mọi người hãy biến giấc mơ thương yêu thành hiện thực cách ngoan cường, chứ đừng mơ suông. Bởi, dù có mơ hay không, Thần Khí Chúa cũng đà đổ xuống với mọi con trai con gái những xác phàm, trong những ngày rất sau hết.
Ngày sau hết hay buổi khởi đầu, bao giờ con người cũng có giấc mộng và giấc mơ. Mơ hay mộng cả ban ngày. Mơ hay mộng vẫn là những ao ước của người đời, sống ở đời hay trong Đạo, dù đạo hạnh lành thánh, cả triết nhân. Nhà Đạo khi trước, hay hôm nay đều vẫn có các vị vẫn cứ mơ và vẫn ước. Mơ và ước suốt đời mình, như đấng bậc nọ ở trời Tây nước Mỹ, rất như sau:

“Sáng hôm ấy, vừa thức dậy, tôi bèn bước vội xuống phòng ăn làm một ly cà phê nóng để sưởi ấm cõi lòng, rồi lim dim đôi mắt để suy nghĩ về bài chia sẻ sắp tới rồi bất chợt thiếp đi từ lúc nào mà không biết. Trong khoảnh khắc ấy, tôi đi dần vào giấc mơ có cảnh êm đềm của thủ đô Bagdad ở I-rắc không còn tiếng bom tự sát nổ banh xác người trẻ nữa. Rồi lại mơ về cảnh trí có những đứa trẻ tung tăng thả diều lộng gió bốc lên cao, lên cao mãi.

Thề rồi, trong giấc mơ ban ngày ngắn ngủi, tôi lại thấy cảnh người Mỹ ở siêu thị tự dưng ngừng lại không còn mua sắm nữa,cặp mắt lại cứ dán vào màn hình ra như muốn giã biệt người lính vừa chết trận xác còn nằm trong quan tài buồn đưa về nước.

Trong giấc mơ này, tôi nghe như có tiếng nói của các lãnh tụ trẻ tuổi đang tái tạo danh dự và phẩm cách cho đất nước đáng yêu của tôi, để đất nước này không còn chứng kiến cảnh dầu sôi lửa bỏng cùng bạo lực diễn ra ở khắp nơi nhưng đã thấy hoà bình ló dạng ở muôn chốn.

Trong giấc mơ ấy, tôi lại thấy mấy nhà giảng thuyết trên truyền hình quyết định nghỉ hưu sớm để quay về với giáo hội ở địa phương vì nhận ra rằng chia sẻ Lời Chúa cho cái máy vô tri vô giác lấy tiền từ người dưng khách lạ đang ngồi nghe không đòi hỏi của Đức Chúa. Lâu nay Chúa chỉ muốn nhà giàu đến nhà thờ mà ngồi cạnh người nghèo kẻ hèn nhưng cả hai vẫn vui vẻ sẻ san Lời Kinh nhiều ý nghĩa. Mơ đến đó, trong tôi chợt nảy ra ý nghĩ: nếu đây là loại hình của thánh Hội những người theo chân Chúa, thì tôi đây rất muốn theo.

Trong cơn mơ này, tôi lại thấy tường rào/cửa ngõ lâu nay được dựng lên để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp nay bị sập, gần nơi đó lại có vị giảng thuyết đang hăng say tuyên bố: Không gì nói lên sự thất bại chua cay của loài người cho bằng dựng lên bức tường rào ngăn chặn người nhập cư rồi gán cho họ danh xưng ngạo mạn là “người hành tinh lạ” hoặc “nhập cư bất hợp pháp” hay sao đó.

Trong giấc mơ ấy, tôi lại thấy chẳng ai buộc lòng phải chọn lựa hoặc khoa học hoặc niềm tin tôn giáo, như thể đầu óc và tâm can con người không thể đi đôi chung sống; rồi trong đó, người phụ nữ nay có chỗ đứng rất thích hợp cả trong phục vụ người khác cũng như được người khác phục vụ mình. Tranh giành vai vế về giới tính không còn là vấn đề bận tâm của Hội thánh nữa. Mơ tới đó, bỗng dưng trong tôi nảy ra ý định: giả như Hội thánh trở thành những người con đi theo Chúa, tôi sẽ vui lòng chấp nhận.

Trong cơn mơ, tôi lại thấy các giáo hội đang dẫn dắt mọi người có quyết tâm bảo vệ môi trường, đang tiết kiệm năng lượng, tái chế mọi phế phẩm, rao truyền cái lợi của ngành nuôi trồng rất hữu cơ, biết chăm sóc bồn cỏ và thiết lập sân vườn cho cộng đồng. Tôi mơ có được các lớp ngày Chúa nhật đều miễn phí và mở rộng nhiều hội thảo trong đó người lớn tuổi có thể bàn cãi bất cứ vấn đề gì và chẳng ai còn sợ đưa ra tư tưởng và ý kiến mới đưa ra hoặc đường hướng mới để giữ Đạo phù hợp với thế giới hôm nay, nữa.

Trong giấc mơ nhẹ, tôi thấy rằng từ nay người đồng tính luyến ái sẽ được coi như tạo vật chính đáng chứ không phải là thất bại của thiên nhiên. Và do nhận thức bất toàn về bí nhiệm của giới tính, Hội thánh nay đã biết tiếp đón hết mọi người và hành xử đúng chức năng Chúa tạo dựng, bởi dưới chân thập giá, sàn đất vẫn bằng phẳng để mọi người đứng đó rất ngang bằng, không ai cao cũng chẳng ai thấp. Mơ đến đó, trong tôi bỗng chợt tỉnh bằng suy nghĩ: Giả như đây là Hội thánh trong đó có các người theo chân Chúa, tôi cũng muốn Hội thánh như thế…” (x. Robin R. Meyers, A Preacher’s dream: Faith as following Jesus, Saving Jesus from the Church, HarperOne 2009 tr. 228-230)
Đức thày trong Đạo mà lại mơ về một thánh Hội như thế, kể cũng lạ. Lạ lùng như thể, trong Hội thánh chưa từng thấy có hiện tượng mơ màng đến thế cả. Bởi mơ hay màng vẫn chỉ là trạng huống không thật, hoặc chưa diễn tiến. Đằng này, mơ hay thật, thì thành viên nơi thánh hội đều đã nghe và đã biết ý định của Chúa qua Lời Vàng trong Kinh Sách. Bởi thế nên, cách thức của con người thời đại, là cứ sống thực, như mơ. Như chưa bao giờ thấy như vậy.
Xác chứng điều này, cũng nên có được một cảm nghiệm qua lời kể của ai đó, trong câu truyện nhè nhẹ về một chính trị gia khá nổi tiếng ở Nam Mỹ cũng từng có ước mơ. Ước và mơ không cho riêng mình, mà là nhiều người cả người già lẫn trẻ bé thơ, cũng có mơ. Mơ, được no ấm cho mình và gia đình. Mơ, mọi người có cơ hội để phát triển khả năng, tài cáng để giúp người, như bên dưới:

“Chú bé Lula ,sinh ra vào tháng 10 năm 1945, tại 1 gia đình nông dân ở Ba-Tây (Brazil). Vì nhà nghèo ,nên từ lúc mới 4 tuổi ,thằng nhỏ đã phải đi bán đâu-phụng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo tả tơi, và thiếu ăn. Sau khi được lên tiểu học, lúc đó đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, sau buổi học chú bé thường hay cùng với 2 người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đâu đường, hôm nào không có khách, thì kể như nhịn đói.
Năm 12 tuổi, vào buổi xế chiều, có người khách lạ là chủ tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố, 3 đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhìn vào 3 cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng, ông nói: Đứa nào cần tiền nhất , thì ta cho nó đánh giầy và sẽ trả công những 2 đồng.
Công đánh 1 đôi giầy chỉ 20 xu, 2 đồng đúng là món tiền lớn. Cả ba cặp mắt nhỏ sáng rực hẳn lên. Đứa này nói: từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu hôm nay cháu không kiếm được đồng nào, có lẽ cháu sẽ chết đói mất thôi! Đứa khác nói: "Nhà cháu hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, tối nay cháu phải mua thức ăn cho cả nhà, nếu không kiếm được đồng nào, chắc chắn tối nay cháu sẽ bị ăn đòn…“
Bé Lula nhìn 2 đồng bạc nằm trên trong tay ông chủ tiệm giặt ủi và xấy nhuộm, suy nghĩ một lúc, xong rồi nói: “Nếu cháu được ông cho 2 đồng bạc này, cháu sẽ chia cho 2 đứa bạn của cháu mỗi đứa 1 đồng còn cháu thì xin miễn lần này!” Câu nói của Lula làm chủ tiệm giặt suy nghĩ cũng thấy lạ. Hai đứa bé kia cũng rất đỗi ngạc nhiên. Cậu bé Lula thấy tình hình im lặng đến dễ sợ, bèn nói thêm: “Mấy đứa này là bạn thân nhất của cháu; nên cháu biết là tụi nó đã nhịn đói hết ngày trời rồi, phần cháu thì trưa nay cũng có ăn ít hột đậu phụng, nên mới có sức đánh giầy cho khách. Thôi! Ông cứ để cháu đánh giày cho ông đi, chắc chắn là ông sẽ hài lòng thôi, cháu bảo đảm như thế.”
Nghe vậy, người chủ tiệm giặt thấy cảm động trước câu nói của chú bé Lula, bèn chấp nhận cho nó đánh giày mình, Đánh xong, ông trả cho nó 2 đồng và công nhận là nó đánh giày cũng bài bản lắm. Lula giữ đúng lời hứa, trao ngay cho hai đứa bạn mỗi đứa một đồng, dù không đánh.
Vài ngày sau, ông chủ tiệm giặt ủi lại tìm đến thằng nhỏ Lula hôm trước, nhận nó làm việc tại cửa tiệm của ông mỗi khi tan học để học nghề, ông còn bao cả bữa cơm tối nữa. Lương tiền học nghề tuy rất thấp, nhưng so với đánh giầy thì khá hơn nhiều.Lula nay đã hiểu: chính vì mình quyết định ra tay giúp đỡ những kẻ còn khốn đốn hơn mình, nên mới đem đến cho mình cơ hội thay đổi cuộc đời, như giấc mộng.
Từ đó trở về sau, mỗi khi có điều kiện, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình. Về sau, Lula quyết định không học lên, mà chỉ làm thợ trong nhà máy sản xuất để rồi hễ có cơ hội là bênh vực cho quyền lợi của giới thợ. Từ đó, cậu còn tham gia công-đoàn mãi đến năm 45 tuổi Lula cũng đã thành lập đảng Lao-Công.
Năm 2002 , Lula lại đã tham gia ứng cử tổng-thống nước Brazil với khẩu hiệu : Ba bữa cơm no cho mọi người trong nước. Và năm ấy, công nhân Lula đã đắc cử làm Tổng Thống xứ Brazil. Đến năm 2006, ông lại đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa, những bốn năm.
Trong 8 năm tại chức, Tổng thống Lula nhà ta đã thực hiện đúng lời hứa, là: 93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Thực hiện đúng tâm niệm của mình: luôn tìm cách giúp mọi người đạt giấc mơ ở đời! Và nước Brazil dưới sự lãnh đạo của Ông Lula không còn là "khủng long to đùng chỉ biết nhai cỏ" nhưng đã trở nên "Mãnh hổ xứ Mỹ Châu". Và cũng chính ông đã thành công trong việc xây dựng nền kinh tế vững mạnh đứng thứ 10 thế giới. Cũng từ đó, Luiz Inácio Lula da Silva, tên thật của vị tổng thống Brazil suốt nhiệm kỳ 2002-2010, đã nằm sâu trong đầu của người dân xứ Brazil. Chính ông là người biến giấc mơ “ăn no mặc ấm” của người dân thành hiện thực, rất để đời.”

Truyện kể ở trên, là chuyện thật không hư cấu. Cũng rất thật như giấc mộng và ước mơ của nhiều người ở trong Đạo cũng như ngoài đời. Giấc mơ, mà nhiều lúc cũng không to lớn hoặc cao siêu mầu nhiệm gì. Nhưng, giấc mơ ấy có thành hiện thực hay không, đó mới là vấn đề.
Phải chi, giấc mơ của người đi Đạo và giữ Đạo của Chúa chỉ giản đơn/chân chất như của bé em tuổi mười hai, mười ba hay là mười bốn đi nữa, thì chắc chắn bạn và tôi, ta sẽ luôn vui mà ca hát. Hát những lời lẽ rất đơn điệu của nghệ sĩ họ Phạm tiếng là già nhưng tâm hồn lại rất trẻ như sau:

“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười hai, tuổi mười ba?
“Em ước mơ em là, em được là tiên nữ.
Ban phép tiên cho hoa biết nói cả tiếng người
Ban phép tiên cho người chắp cánh bay giữa trời.”
(Phạm Duy – bđd)

Mơ gì thì mơ, bạn và tôi cứ mơ và ước, rất bình thường, ở đời. Để rồi thánh Hội của ta cũng sẽ biến ước mơ ấy thành hiện thực, tức thành “tiên nữ” nói được tiếng người. Tiếng của yêu thương, nhường nhịn như của bé Lula xứ Brazil hay của nhà hoạt động cho chính nghĩa, rất Martin Luther King của mình. Và, của người. Ở khắp nơi.

Trần Ngọc Mười Hai
Cũng đã từng mơ và ước
những ước vọng của đời thường.
Rất ở đây. Bây giờ.


Suy niệm Lời Ngài Chúa Nhật thứ 11 Thường Niên Năm B 17.6.2012
“Hôm nay có phải mùa Thu,
Mấy năm xưa đã phiêu du trở về.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Mc 4: 26-34
Nơi nhà thơ hôm nay, chính là mùa Thu. Mùa, của những phiêu du trở về, từ mấy năm xưa. Với nhà Đạo, nay mùa thường niên phụng vụ. Mùa, của những suy tư, nguyện cầu có Lời Chúa dẫn dắt.
Suy tư nguyện cầu, với trình thuật thánh Mác-cô ghi, có dụ ngôn Chúa kể để người người đi dần vào chốn tâm tư đầm ấm, vẫn lắng đọng. Nguyện cầy suy tư, về người gieo giống nơi đất ruộng ở tình huống tinh mơ mù tối như các nhà chú giải thấy có khoảng cách còn bỏ ngỏ ở dụ ngôn.
Về trình thuật, các nhà chú giải đều suy nghĩ theo cách khác biệt. Crossan gọi dụ ngôn đây là “tình huống không phù hợp, thiếu dứt khoát”. Trong khi đó, bình luận gia Dermode lại thấy câu cuối của trình thuật “chẳng có gì rõ rệt”. Stephen Moore lấy làm thích thú cũng hơi lạ về câu “có hạt rơi xuống vực thẳm không sinh lợi”. Nói chung thì, dụ ngôn thánh Mác-cô ghi, chỉ nói cách gián tiếp, không rõ rệt về lập trường của Chúa. Dụ ngôn hôm nay, không đưa ra điều gì độc đáo, rõ rệt, mà chỉ đảo ngược suy tư, tưởng đoán của người nghe, thôi.
Dụ ngôn đây, là truyện kể không khúc chiết cũng không mạch lạc, có khi còn tinh ranh nghịch ngợm, tức: không hứa hẹn điều gì và cũng chẳng chuyển tải lập trường nào vững vàng chắc nịch hết. Dụ ngôn, chỉ độc đáo ở văn phong thể loại qua đó thánh Mác-cô muốn chứng tỏ, rằng: Chúa đã trỗi dậy từ chốn mông lung, mù tối. Ngài đã biến đổi tình trạng tăm tối của người đời để mặc khải một sự thật, là: các suy tư của ta đều giới hạn.
Có điều lạ, là: khi Chúa bị cáo giác là đầu óc Ngài không lành sạch và chừng như Ngài cũng bị quỷ ám, thì Ngài đáp trả bằng truyện kể dụ ngôn. Cũng thế, khi ta giáp mặt với cách biệt mở ngỏ ở dụ ngôn, và giả như ta có khả năng giải quyết mọi cách biệt như thế trong cuộc sống không ý nghĩa, thì ta đâu phải là người không lành sạch. Và, khi ta vượt qua cảnh đời nô lệ rất không minh bạch để đến với rõ ràng, đúng đắn, thì ta không còn bị quỷ tha ma bắt, nhưng lại có quyền uy tuyệt đối bằng những lời tuyên bố trọn hảo. Và từ đó, ta có thể thư giãn ngồi cười và kể những câu truyện mỉa mai, châm biếm mà Tom Wright vẫn bảo mọi người đi Đạo chúng ta đều mắc phải hội chứng thiếu tính châm biếm, mỉa mai, khôi hài.
Người tỉnh táo hơn, sẽ đọc ra được dấu vết tư tưởng của ngôn sứ Isaya ở dụ ngôn truyện kể do thánh Máccô ghi. Sách Ysaya đoạn 55, câu 10-11 viết: lời của Chúa giống như làn nước ban hạt giống cho người gieo và như bánh trái cho người được ăn. Nhưng, các đoạn này không ‘điều giải’ đuợc sắc thái khác thường/dị biệt ở dụ ngôn. Ngoài ra, các cụm-từ chính dù không rút từ Kinh Sách của người Do thái, nhưng lại đầy đủ ý nghĩa tóm gọn trong câu chính “Người Con Dấu Yêu” gieo vãi/nảy nở ở nhiều chỗ trong Tin Mừng thánh nhân ghi. Chừng như thánh Máccô muốn người đọc quay về với cảnh trí có thanh tẩy để bắt đầu truyện kể về Tin vui ngài công bố.
Thần Khí đến với Chúa khiến Ngài trở nên Con Một của Chúa Cha. Và, động thái này gây ảnh hưởng lên tính “Người” của Ngài, khiến tính chất ấy yếu dần đi để Ngài trở thành “con người” đích thực để rồi biến đổi tính mỏng dòn của người thành động thái mở ra với Chúa. Người đọc dụ ngôn, có thể diễn rộng tư tưởng ấy. Cũng có thể, diễn rộng cung cách giảng giải tiêu biểu của Chúa. Chính vì thế, Chúa đã nói lên những điều chưa hoàn tất để thêm vào. Và, đó là nét đặc thù của dụ ngôn, hôm nay.
Chính trong phần kể truyện thánh Mác-cô sử dụng, các dụ ngôn được tháp nhập vào trong đó. Chừng như đó chính là đặc trưng của chính dụ ngôn. Nên, khi thánh Máccô viết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa là ngài viết qua tư cách làm con của loài người không tự bảo vệ chính mình trước uy lực dẫn Ngài đi đến hệ quả là, nỗi chết. Có thể tất cả sự việc được nghiên cứu và suy nghĩ thật cặn kẽ để biến thành dụ ngôn, rất ý nghĩa.
Quanh dụ ngôn người gieo giống ở Tin Mừng Mác-cô đoạn 4 câu 14-20, có hai đoạn văn qua đó tác giả sử dụng phương pháp diễn giải, đặc biệt ở đoạn 4 câu 10-13 và câu 20-25, tác giả tập trung nhấn mạnh đến sự kiện mù tối/hiểm hóc, qua cung cách sử dụng ngôn ngữ của dụ ngôn. Hiểm hóc/mù tối ban ra để chỉ một ít người được chọn là người có tai để nghe, chứ không được mặc khải, cả với mình.
Khi nói về hạt giống tăng trưởng, thánh Mác-cô nhấn mạnh chữ “hạt giống lớn lên”, ngài muốn nói: ngay cả những người gieo giống cũng không biết hạt ấy tăng trưởng cách nào. Cũng vậy, có nhiều điều người nghe vào thời ây không thể hiểu, tựa như sự chết và sự sống mới. Điều đó, khởi sự từ chức năng “Con Thiên Chúa” tiếp theo sau là phần tự sự nói theo nghĩa chữ, tức sự thành tựu đem con người đến nơi nào chẳng ai biết được. Và, ở dụ ngôn, điều này thách thức con người đạt đến thành tựu bằng chính ngôn ngữ của mình. Theo chân Chúa, người người đi vào chốn mù tối vượt quá mọi dẫn giải. Chính vì thế, con người nên sẵn sàng với tình huống ấy, tức: cuối cùng ra, dụ ngôn chỉ là ngôi mộ, luôn trống vắng.
Có điều khiến ta thấy rõ, là: thánh Máccô đưa mọi người vào với thứ gì đó hơn cả dụ ngôn. Dù, thánh nhân dạy ta suy tư theo cung cách của dụ ngôn. Tựa hồ phụng vụ Hội thánh cũng dẫn ta về với suy tư giống như thế, về cộng đoàn do Chúa thiết lập. Suy tư, là bởi: ở đây nữa, luôn có sự mù mịt tối nghĩa. Bởi, tất cả đều tiến triển theo cung cách của dụ ngôn, thôi.
Con dân Đạo Chúa là tập thể khá bất thường. Có người gọi họ là gia đình không dựa trên quan hệ họ hàng. Người khác lại bảo: họ là nhóm người đã được biến đổi bên trong Do thái dựa trên ý tưởng về “đầy tớ Chúa” như ngôn sứ Ysaya từng nói. Ý tưởng này, không đối chọi với ý niệm về “người ngoại cuộc” sống ngoài nhóm hội của các thánh. Với Ysaya, đây chỉ là chuyện nhỏ về người đầy tớ tái tạo bộ tộc của Do thái mà không cần trở thành ánh sáng muôn dân nước. Chúc lành của Thiên Chúa là sự lành thánh ban cho dân Do thái, nhưng điều đó cũng có nghĩa là: ơn lành được ban cho toàn thế giới qua dân Do thái. Cũng đúng cả hai và ngược lại. Đó chính là sự mù tối, thiếu nghĩa. Đó, cũng là dụ ngôn, cũng rất thật.
Có người hỏi: vậy thì, với Đức Giêsu, gia đình là gì? Khi sống đời trưởng thành, Chúa có gia đình không? Phải chăng ta muốn đây là việc thăng tiến các gia đình; và bằng vào việc này, ta lại thăng tiến cả lịch sử đứng sau con người? Phải chăng đó cũng là cách Chúa muốn ta gắn bó với nhau nhưng không dứt khoát, cũng chẳng rõ ràng? Cung cách ấy, có thể thực hiện được không? Có tốt đẹp lắm không? Vẫn nên tư duy một lần nữa về sự khác biệt giữa ta và người sống chung quanh mình?
Thật ra, suy tư về sự khác biệt giữa những người sống với nhau và cạnh nhau, có nghĩa là ta phải sống đích thực mà thi hành ý định của Đấng Khác với mình. Đấng ấy đang hiện diện ở chốn thiên cung? Cũng thế, có nên suy tư về tính cách “chính trị” của động thái ủng hộ hoặc chống đối không? Có nên phân tách kỹ ý nghĩa của tả phái với hữu khuynh không? Phải chăng các tương phản như thế vẫn được thăng hoa theo cung cách rất rộng? Phải chăng có yếu tố nào lúc đầu khá rõ rệt để ta có thể định nghĩa được chính mình nếu ý định rất đoan quyết của Đấng Khác với ta, đang ở chốn thiên cung, vẫn chỉ là một và chỉ có tính quyết định, không? Nếu thế thì, đó là tính chất rất dụ ngôn!
Cuối cùng thì, quan điểm chính ở đây, là: sự khác biệt giữa tính hiệp thông và cộng đồng. Hội thánh Chúa đáng ra phải mang ý nghĩa của thể thức khá lạ kỳ về cộng đồng xã hội luôn tuôn chảy từ thể thức kỳ lạ của hiệp thông tâm linh, huyền nhiệm. Bởi, hầu hết các vết thương lòng ở thánh hội, đều đến từ sự diễn giải quá đáng về chiều kích bí nhiệm hoặc mang tính rất xã hội, thôi.
Cuối cùng thì, công cuộc dựng xây thánh hội sẽ mang ý nghĩa chữa lành vết thương ấy. Giả như Đức Chúa sử dụng dụ ngôn xây dựng hội thánh tựa như khi Ngài đặt tên cho ông Simôn thánh Phêrô rất đá tảng ở Tin Mừng thánh Mátthêu, thì Hội thánh sẽ luôn có đó để được xây dựng thêm một lần nữa. Và, cũng được chữa lành thêm một lần nữa. Và khi ấy, Chúa lại sẽ khuyên nhủ thánh Simôn Phêrô hãy cứ tiếp tục mà dựng xây/chữa lành cho hội thánh của Ngài, mãi như thế.
Cuối cùng ra, tất cả dụ ngôn về người gieo giống là dụ ngôn về một dựng xây cộng đồng thánh hội cũng rất mới, trên đá tảng mang nhiều chấm hỏi, cả dấu chấm.
Trong cảm nghiệm ý nghĩa của dựng xây, cũng nên ngâm tiếp lời thơ còn bỏ đó vẫn chưa xong:

“Hôm nay có phải là Thu?
Mấy năm xưa đã phiêu du trở về.
Cảm vì em bước chân đi,
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.”
(Đinh Hùng – Bài Hát Mùa Thu)

Chắc chắn, bài hát của nhà thơ sẽ không như ca lời của dụ ngôn Chúa dạy. Bởi, mùa Thu có phiêu du vẫn là mùa của những dẫn dụ ta nên về với Chúa mà dựng xây thánh hội vẫn cứ “lưu ly phớt buồn”.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh -
Mai Tá phỏng dịch