Chiếc xe đò thả tôi xuống đầu đường vào giáo xứ Bà Râu giữa trưa nắng. Thấp thoáng đã thấy ngọn tháp của nhà thờ hiện ra rực rỡ, hiên ngang giữa nắng và gió của vùng đất Phan Rang, Ninh Thuận, tôi phấn khởi dấn bước. Đi bộ vài trăm mét hết đoạn đường nhựa, tôi đứng trước tấm bảng đề “thôn Bà Râu” với bụi mù mịt, đường ổ voi chằng chịt, các chú bò ngang nhiên thong thả bước đi bên cạnh các chú bé đen nhoẻn và đôi mắt sáng. Quyết tâm đi bộ của tôi không thành công vì “gần nhà xa ngõ”, cuối cùng tôi cũng phải chọn giải pháp đi quá giang một chiếc xe bò. Thế là tôi đã thật sự đặt chân lên vùng đất Bà Râu, “giáo điểm truyền giáo Bà Râu” mà tôi đã nghe bao nhiêu lần về câu chuyện hạt giống đức tin được gieo vào vùng đất Bà Râu khô cằn khắc nghiệt 36 năm trước giờ đã đến mùa thu hoạch.

Xem hình ảnh

Thật may mắn bởi ngay khi bước chân đến nhà thờ Bà Râu, tôi được gặp nữ tu Hạnh Viên, Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang, người mà cách đây 32 năm là một dì phước còn rất trẻ đã đến đây cộng tác đắc lực với linh mục Thừa sai Donatien Béliard phục vụ bà con dân tộc. Rồi vì thời cuộc, giáo điểm truyền giáo không còn được tiếp tục hoạt động nữa. Hôm nay, trong vóc dáng của một nữ tu đã lớn tuổi nhưng vẫn rất hoạt bát, dì lại được trở về phục vụ bà con với cái tên gần gũi “bà Năm”. Những dòng lịch sử Bà Râu cứ hiện dần ra trong cuộc trò chuyện.

Người gieo giống trên sỏi đá

Bà Râu (cách nói trại của người Kinh từ tiếng Raglai B’rau) là một xứ đạo truyền giáo, được Đức Cha Marcel Piquet Lợi, Giám mục tiên khởi của Giáo phận Nha Trang, thành lập từ năm 1960 và bổ nhiệm linh mục Thừa sai Donatien Béliard (tên tiếng Việt là cố Phước) đến làm quản xứ. Mùa hè năm 1963, bà con dân tộc Bà Râu vừa ngạc nhiên vừa tò mò khi thấy một linh mục trẻ người Pháp cùng thầy giúp người Raglai đến dựng lều tại mảnh đất vốn là nghĩa địa bỏ hoang ở cuối làng. Lúc đầu lạ lẫm, nhưng sau thì quen và yêu quý vị linh mục ngoại quốc nhiệt tình, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ mọi người không nề hà và rất yêu mến trẻ em. Một thời gian sau, ngôi nhà nguyện đơn sơ và một phòng học nhỏ bé được dựng nên để mưu ích cho đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc ít người lúc đó hầu như chưa có ai theo đạo.

Giáo điểm ngày càng phát triển, Cố Phước không thể bao quát hết mọi việc. Tháng 8.1970, các nữ tu thuộc Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ được cử đến Bà Râu để cùng với Cố Phước miệt mài lặn lội khắp các thôn làng Bà Râu dạy văn hóa, dạy nghề cho các em dân tộc, đồng thời cũng lo việc từ thiện giúp của ăn, thuốc uống cho người nghèo khó, bệnh tật …

Thời điểm đó, Giáo xứ Bà Râu được ghi nhận có 215 giáo dân, chủ yếu là người Kinh ở ven quốc lộ I (Kỷ Yếu GP Nha Trang năm 1972). Nhiều người Raglai cũng siêng đi lễ, hát kinh, làm kịch vũ Giáng Sinh dù chưa nhập đạo. Cố Phước không hề nôn nóng rửa tội cho anh chị em dân tộc, ngài bảo muốn chờ đến khi họ thật sự thấm nhuần đức tin vào Chúa. Đặc biệt ngài chú trọng việc đào tạo nhân sự cho tương lai bằng cách gởi các em đi học tại Nha Trang và các nơi khác. Ngày nay trong số đó có nhiều người đã trở thành chiến sĩ rao giảng Tin Mừng cho chính đồng bào của mình.

Sau 14 năm gieo vãi hạt giống Đức tin và vun trồng cây Đức ái giữa vùng đất Bà Râu nắng cháy, năm 1974, cố Phước qua đời vì bạo bệnh trong sự thương tiếc đến sững sờ của mọi người. Phần mộ ngài nằm ngay tại nơi ngài đã sống, giữa miền truyền giáo thân yêu với những đứa con tinh thần và bao dự tính còn chưa hoàn tất.

Hạt giống âm thầm nảy mầm

Sau 1975, vì thời cuộc, các nữ tu Khiết Tâm cũng bị buộc rời khỏi Bà Râu trong ngậm ngùi nước mắt. Nhìn về nhà nguyện nhà xứ bị đổ nát và đoàn chiên còn quá nhỏ bé về mọi mặt, các chị chỉ còn biết phó dâng cho sự quan phòng của Thiên Chúa.

Giáo xứ Bà Râu được tháp nhập vào các giáo xứ lân cận (Gò Đền rồi Gò Sạn). Các linh mục, tu sĩ ít có cơ hội đến cộng đồng Raglai. Nhưng, sức sống đạo mãnh liệt vẫn âm thầm tuôn chảy trong cộng đoàn. Những giáo lý viên Raglai trong làng vẫn theo gương các nữ tu tiếp tục dạy đạo cho trẻ em bằng những bài kinh thuộc lòng, những bài thánh ca ngợi khen Chúa rồi đem đến các Cha, các Soeurs nhà thờ đặc trách gần đó khảo kinh, dạy thêm giáo lý trước khi nhận phép Thánh tẩy hoặc xưng tội vỡ lòng. Nhiều trẻ nguy tử trong làng cũng đã được rửa tội. Thật lạ lùng khi mỗi năm số tân tòng người lớn và trẻ em vẫn gia tăng từ vài chục đến vài trăm. Cao điểm nhất là những năm 1999 - 2001, mỗi năm có đến 200 người gia nhập Hội Thánh. Chỉ khoảng 10 năm, đã có 1.570 anh chị em dân tộc Raglai được rửa tôi, quả thật như một phép màu làm nên mùa gặt bội thu trên cánh đồng truyền giáo Bà Râu này.

Với thời gian, lần lượt các Linh mục Anrê Nguyễn Lộc Huệ, Giuse Nguyễn Thường, Phêrô Phạm Văn Thận, Phaolô Cao Hòa Vinh là chánh – phó xứ Gò Đền kiêm phụ trách Bà Râu. Giáo xứ được tái lập với ngôi thánh đường mới cung hiến vào tháng 8.2011 mở ra một tương lai cho cánh đồng truyền giáo 28 ngàn dân chưa biết Chúa trên vùng sỏi cát. Cha Inhaxiô Trương Đình Phương, một linh mục trẻ giàu nhiệt huyết, được Đức Giám Mục Nha Trang đặt làm quản xứ Bà Râu.

Và những thao thức của người truyền giáo hôm nay

Giáo xứ Bà Râu hiện thuộc huyện Thuận Bắc, một huyện mới được thành lập thuộc phía bắc tỉnh Ninh Thuận giáp với Cam Ranh – Khánh Hòa. Địa bàn giáo xứ rất rộng trải dài trên 5 xã Lợi Hải, Công Hải, Phước Kháng, Phước Chiến và Bắc Sơn. Từ một nhóm nhỏ, giáo dân hiện nay đã trên 2,5 ngàn người, trong đó 95% là người dân tộc, được chia làm 5 giáo họ: Bà Râu, Suối Đá, Karôm – Suối Vang (Du Long), Xóm Bằng và Kiền Kiền.

Cha Phương cho hay, dù đã có nhà thờ, nhưng vì địa bàn quá rộng và đường đi lại rất khó khăn nên cha vẫn phải đến các giáo điểm xa như Xóm Bằng (cách 14 km), rồi ngược lại Suối Giếng (13 km) .v.v để dâng lễ cho bà con. Rào cản ngôn ngữ cũng là một thử thách cho cha trong việc rao giảng Lời Chúa và dạy giáo lý bởi phần đông người già và trẻ em biết rất ít tiếng Kinh. Cha phải giảng thật đơn giản, dễ hiểu hết sức có thể và phần còn lại thì phó thác cho Chúa Thánh Thần làm việc.

Không chỉ quan tâm về đời sống đạo, cha còn thao thức nhiều cho cộng đồng người dân tộc lương giáo mà phần đông là rất nghèo thuộc giáo xứ mình phụ trách. Chẳng hạn, người Raglai ở vùng này không có chữ viết, nên dần dần không còn giữ lại được truyền thống và bản sắc của mình; Mặt bằng dân trí thấp, người mù chữ nhiều, sinh con đông mà lại không có đất canh tác và điều kiện phát triển kinh tế, ngoài một số ít gia đình có ruộng rẫy để làm thì người ta đi chặt cây thuê, hay phổ biến nhất là lượm phân bò (kiếm được 5-8 ngàn/ngày). Vậy thì làm sao để trao cho họ những kiến thức sơ đẳng để bảo vệ sức khỏe; làm sao để hướng dẫn cho họ cách chi tiêu hợp lý để có cái ăn cái mặc; làm sao để tạo cho họ những điều kiện tối thiểu để từ đó ý thức bảo tồn văn hóa của riêng mình mà vẫn không lạc hậu; làm sao để người Bà Râu có cuộc sống tạm đủ, không bồn chồn cái bụng mỗi kỳ giáp hạt …? Tất cả luôn là trăn trở hàng đầu của vị mục tử trẻ và những cộng sự nơi đây, song song với việc xây dựng cho giáo dân một nền tảng đạo đức và hiểu biết Chúa

Giữa cái thiếu thốn trăm bề, đôi khi giáo xứ vùng hẻo lành này cũng có được niềm vui nho nhỏ khi được các đoàn đến thăm và chia sẻ quà như Caritas Nha Trang , nhóm Ngôi Sao Nhỏ, giáo xứ Trung Đồng – Nam Đồng (Vũng Tàu), giáo xứ Chí Hòa - Phú Hữu – Thủ Đức – Gia đình Đồng Công .v.v. Nhưng đấy cũng chỉ là giúp đỡ nhất thời, không bền vững. Có người gợi ý các nữ tu đang phục vụ ở Bà Râu làm mô hình Quỹ tín dụng – tiết kiệm tương trợ nhỏ cho phụ nữ, như một số nơi đã làm cho người dân tộc và đã thành công. Các chị đã nhìn ra tính khả thi của chương trình nhưng vẫn loay hoay vì không kiếm đâu ra nguồn vốn ban đầu. Người Raglai theo chế độ mẫu hệ, nên khi vợ chết thì người chồng không được coi trọng, thậm chí bị đuổi ra khỏi nhà. Một ngôi nhà Hưu dưỡng cho người già cô thân và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa cũng là ao ước của những người đang truyền giáo ở Bà Râu. Và bao nhiêu dự tính khác nữa nhưng vẫn bỏ ngỏ vì lý do tài chánh.

Chiều dần tàn, thắp nén nhang trên mộ cố Phước đã được cải táng về trong khuôn viên nhà thờ mới. Tôi nhớ lời cha Phương trong cuộc trò chuyện: “Cho dù vất vả thế nào đi nữa, tôi vẫn thấy vô cùng hạnh phúc khi được phục vụ ở Bà Râu, nơi mà tôi có những giáo dân có lòng đạo đức và luôn khao khát để mình và anh chị em dân tộc mình biết về Chúa, biết về đạo hơn”. Cha cười hiền từ nói : ““Phaolô trồng, Appôlô tưới, Thiên Chúa mới cho mọc lên” (1 Cr 3,6). Những người đi trước đã gieo, giờ tôi chỉ là người gặt hái, tôi vui sướng chu toàn bổn phận của mình”.

Cầu chúc cho những mong ước của Cha Phương và các nữ tu sớm thành hiện thực để cánh đồng truyền giáo Bà Râu ngày được mở rộng hơn. (Công Giáo và Dân Tộc số 1853)