V. Đức Maria trong thế kỷ 20

1. Trong Giáo Hội Công Giáo

Với Công Đồng Vatican II làm điểm rẽ, người ta phân biệt 3 giai đoạn trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo thế kỷ 20: từ đầu thế kỷ tới Công Đồng; Công Đồng làm điểm rẽ; các đường hướng do Công Đồng đưa ra.

A. Từ đầu thế kỷ tới Công Đồng Vatican II

Nền thần học và lòng sùng kính thánh mẫu tiếp tục phát triển theo đà sốt sắng của thế kỷ 19. Có một sự cạnh tranh không ngừng giữa lòng sùng kính và suy tư tín lý. Về phía lòng sùng kính, người ta thấy có sự lớn mạnh của hiện tượng hiện ra so với thế kỷ 19 (Fatima nổi tiếng nhất). Nhưng giáo quyền Công Giáo chỉ “thừa nhận” một số nhỏ. Các cuộc hành hương tới các đền thánh mẫu, cả địa phương lẫn quốc gia, rất đông người. Nhiều cộng đoàn và hiệp hội được đặt dưới sự phù trì của Đức Maria (như Đạo Binh Đức Mẹ, lập tại Dublin năm 1921). Lòng nhiệt tâm đối với Đức Maria đóng một vai trò quan trọng trong việc xử lý mục vụ tôn giáo bình dân. Ngài được coi là mẫu mực của phụ nữ và của các bà mẹ nói riêng. Ngôn từ đơn sơ được ngài dùng trong Tân Ước và trong các sứ điệp lúc hiện ra hùng hồn hơn rất nhiều bài giảng có tính học lý.

Trong phụng vụ và thần học, người ta thấy có sự phát triển trong ưu tư căn bản muốn đạt tới một mức độ lớn hơn để vinh danh Đức Maria. Nhiều ngày lễ kính ngài được thiết lập. Các đại hội thánh mẫu gia tăng hẳn lên trong đó các biểu lộ bình dân và các hội nghị linh đạo được phối hợp. Đây thường là các cơ hội để người ta phát biểu ước ao được thấy sự tiến bộ về giáo huấn thánh mẫu: như các định nghĩa tín điều về Mông Triệu, về vai trò trung gian phổ quát của Đức Maria, về vai trò đồng công cứu chuộc của ngài, và về việc lập ra các ngày lễ mới. Rồi cũng từ năm 1935, các hội nghiên cứu thánh mẫu cũng đã được thành lập để vinh danh Trinh Nữ Diễm Phúc và có được cái hiểu sâu sắc hơn về mầu nhiệm của ngài. Thuật ngữ “thánh mẫu học” (mariology) đã thành hình vào thời gian này. Dường như thuật ngữ này muốn nói rằng tư duy về Đức Maria đang trở thành một phạm vi độc lập của thần học. Một loạt thật nhiều chủ đề đã được đem ra thảo luận, và cả một bộ các ý niệm, phần lớn lấy từ Kinh Viện nhưng được áp dụng cách mới lạ vào Đức Maria, đã được sử dụng để cố gắng đem lại một vị thế tín điều cho mầu nhiệm của ngài.

Chính dưới thời Đức Piô XII, phong trào thánh mẫu này đạt tới cao điểm của nó. Năm 1942, trong Thế Chiến II, vị giáo hoàng này đã dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria, để duy trì lời thề hứa ngài đã gửi tới Fatima. Quan trọng hơn nữa, vào ngày 1 tháng 11 năm 1950, ngài long trọng tuyên bố Đức Maria Mông Triệu là một tín điều phải tin. Việc này tạo nên khó khăn lớn nữa cho con đường đối thoại đại kết.

B. Công Đồng Vatican II

Công Đồng Vatican II biểu tượng cho một khúc rẽ trong tư duy tín lý, linh đạo và mục vụ về Đức Maria. Công Đồng họp ngay vào lúc các khuynh hướng vừa kể trên đây vẫn còn được nhiều nghị phụ chia sẻ trên qui mô lớn. Đến độ nhiều nghị phụ trông mong Công Đồng sẽ ban hành những định nghĩa mới về Đức Maria, hoặc ít nhất cũng tuyên bố các tước hiệu mới cho ngài. (“Ta phải thêm các viên ngọc quí mới vào triều thiên của ngài”).

Nhưng một khuynh hướng khác hẳn mỗi ngày một sáng tỏ hơn, đó là khuynh hướng muốn nói lên sự dè dặt của mình trước điều bị nó coi là “lạm phát thánh mẫu”. Khuynh hướng này có hai chiều hướng. Một là tối đa hội nhập Đức Maria vào Chúa Kitô (chiều hướng loại hình Kitô, christotypic orientation). Hai là để có được cả sự quân bình về tín lý và sự cởi mở về đại kết, các nghị phụ đã được khích lệ đem Đức Maria trở lại với giáo hội của những người được cứu chuộc (chiều hướng loại hình giáo hội, ecclesiotypic orientation) (87).

Cuộc khủng hoảng ngấm ngầm đã bùng nổ trong một cuộc đầu phiếu quyết định: liệu Công Đồng có nên đưa ra một văn kiện độc hữu dành cho Trinh Nữ Maria hay nên sáp nhập chủ đề Đức Maria vào một chương trong Hiến Chế về Giáo Hội? Công Đồng chia thành hai phe gần như bằng nhau; một đa số nhỏ nhoi chỉ gồm có 40 phiếu (trong số hơn 2 nghìn phiếu) đã nghiêng về giải pháp sau. Cuộc bỏ phiếu này, được người lúc đó coi như một bi kịch, cho thấy một ước muốn được thấy phong trào thánh mẫu, dưới dạng phát triển tới lúc đó, được ngưng lại để trở về với một nền thần học thánh mẫu dựa trên Sách Thánh, một nền thần học bình thản hơn trong các phát biểu, được xây dựng vững chãi hơn trên tín lý, và mang lại cho Đức Maria chỗ đứng chân thực của ngài trong toàn bộ mầu nhiệm cứu rỗi.

Bản văn dự thảo nguyên thủy, do đó, đã được soạn lại hoàn toàn, cố ý đặt “Đức Maria vào mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội”; bản văn mới đã trở thành chương cuối cùng của Hiến Chế về Giáo Hội. Như thế, Công Đồng đã chuyển từ một thánh mẫu học độc lập và có nguy cơ tách rời hẳn các ngành thần học khác, qua một giáo huấn về Đức Maria được hòa nhập vào thần học trong toàn bộ tính của nó, và trong chiều hướng ấy, có tính chức năng hơn.

Chương VIII của Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân) được viết một cách chừng mực. Nó dựa vào Sách Thánh làm căn bản để trình bầy và bước theo kế hoạch cứu rỗi, từ việc chuẩn bị từ từ cho Chúa Kitô xuất hiện đến chỗ tôn vinh Đức Maria, trong khi lần bước theo diễn trình đời sống của ngài, lấy các lời tiên tri liên quan tới ngài làm khởi điểm. Văn kiện này không dựa vào nền chú giải Thánh Kinh đúng nghĩa, nhưng dựa vào nền thần học Thánh Kinh, biết đặt căn bản trên các điểm chủ yếu của Sách Thánh và chỉ thận trọng dựa vào những bản văn không thể tranh cãi mà thôi. Văn kiện này cũng dựa vào giáo huấn của các giáo phụ và tiếp nhận nội dung của các tín điều đã công bố. Tuy nhiên, cùng một lúc, nó cũng cố ý tránh các ý niệm và chủ đề từng được thảo luận trong thánh mẫu học của đầu thế kỷ 20. Nó có ý định không đưa ra bất cứ định tín mới nào cũng như không giải quyết bất cứ bất đồng nào đang diễn tiến. Trong vai trò của ngài đối với việc nhập thể và cứu chuộc, Đức Maria được mô tả là “cộng sự viên” (associate) và là nữ tì hèn mọn mà ơn thánh của Thiên Chúa đã cho phép “hợp tác” vào ơn cứu chuộc bằng đức vâng lời, bằng hành trình đức tin, bằng lòng trông cậy và bằng tình yêu của ngài, từ tiếng xin vâng lúc Truyền Tin qua “sự ưng thuận” dưới chân thánh giá.Sau cùng, bản văn nhấn mạnh tới mối liên kết giữa Đức Maria và giáo hội, mà ngài là một loại hình (type) và là chi thể trổi vượt hơn hết và là nơi ngài đóng vai trò làm mẹ.

Về phần mình, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, dựa vào thẩm quyền riêng và độc lập với Công Đồng, đã mau mắn tuyên bố Đức Maria là “Mẹ Giáo Hội, nghĩa là, của toàn thể dân Chúa, cả tín hữu lẫn mục tử”. Việc tuyên bố này không hề có nghĩa một định tín thuộc tín điều.

C. Từ Vatican II

Khởi đầu, tiếp theo Công Đồng là một thời kỳ khá im lặng về Đức Maria. Nền thần học thánh mẫu tiếp nhận một cái nhìn phê phán về chính mình trước khi đi theo các đường hướng của Công Đồng. Hai chủ đề chính của Công Đồng, tức Đức Maria trong kế hoạch cứu rỗi và Đức Maria trong giáo hội, đã đặt ra các vấn đề căn bản. Nói chung, các nhà thần học thánh mẫu đã di chuyển từ một nền thần học coi Đức Maria là Nữ Vương qua một nền thần học nhấn mạnh ngài là nữ tì. Thời của “thánh mẫu học hãnh tiến” xem ra đã kết thúc. Người ta cũng thấy xuất hiện sự suy tư về mối liên hệ giữa Đức Maria và Chúa Thánh Thần.

Đàng khác, lòng sùng kính của người Công Giáo đối với Đức Maria thì vẫn tiếp diễn. Điều đáng lưu ý là mặc dù có sự sa sút lớn lao trong thực hành tôn giáo sau thời Vatican II, nhưng việc đi hành hương kính Đức Maria thì không hề giảm sút.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố hai văn kiện về Trinh Nữ Maria khá sát với đường hướng của Vatican II (88). Văn kiện thứ hai có thể được coi như cuốn “chỉ dẫn” về lòng sùng kính Đức Maria như đã được phác thảo trong chương VIII của Lumen Gentium.

Đức Gioan Phaolô II vốn có lòng sùng kính sâu sắc đối với Đức Maria, đấng mà ngài luôn nhắc tới ở cuối mỗi bài diễn văn của mình. Ngài từng kính viếng các đền kính Đức Maria khắp nơi trên thế giới. Tuyên bố có tính học lý quan trọng nhất của ngài về Đức Maria là thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Chuộc) (1987), một thông điệp đi sát văn kiện của Công Đồng trong các nét chủ yếu của nó. Thông điệp này trích dẫn Công Đồng tới 67 lần. Trong văn kiện này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tới ý hướng đại kết của ngài, đặc biệt, ngài nghĩ tới Giáo Hội Chính Thống. Suy niệm của ngài về Đức Maria cố tình dựa vào Thánh Kinh và một cách hợp pháp đã áp dụng vào Đức Maria các trích đoạn chủ yếu của Thánh Phaolô nói về ưu tuyển, ơn thánh, và công chính hóa nhờ đức tin. Đức tin của Đức Maria, mà ngài hết sức nhấn mạnh, được đem ra so sánh với đức tin của Abraham.

Tuy nhiên, ở phần thứ ba của thông điệp, tức phần nói về “sự trung gian mẫu thân” của Đức Maria, Đức Gioan Phaolô II có đưa vào ít nhiều điều khác với Lumen Gentium. Trong khi Công Đồng cố ý tránh hạn từ “mediatrix” (đấng trung gian), chỉ dùng nó một lần trong danh sách các biểu thức nói đến sự cầu bầu của Đức Maria, thì văn kiện của Đức Gioan Phaolô II đã dẫn khởi kiểu nói “trung gian mẫu thân” như một ý niệm quan trọng trong nền thần học thánh mẫu. Các từ ngữ này được giải thích cẩn thận nhằm loại bỏ mọi hàm hồ. Tư duy Đức Giáo Hoàng khởi đi từ bản văn Thánh Kinh và truyền thống Phaolô vốn tuyên xưng Chúa Kitô là “trung gian duy nhất” (1 Tm 2:5) và luôn trở lại bản văn này, coi nó như viên đá thử nghiệm (touch-stone). Việc “trung gian” của Đức Maria, do đó, được mô tả là tham gia, là phụ thuộc, là trung gian của người mẹ tức chỉ được thực hiện qua lời chuyển cầu. Như thế, nó không hề thuộc một thứ bậc như thứ bậc của Chúa Kitô. Nhưng dưới ánh sáng các dè dặt này, người ta tự hỏi: có thích đáng hay không khi sử dụng một biểu thức cần đến bấy nhiêu giải thích và biện minh để chắc chắn “được hiểu đúng đắn”, nhưng lại theo một nghĩa hoàn toàn loại suy, trong khi rõ ràng tạo ra nhiều khó khăn cho các Kitô hữu xuất thân từ Phong Trào Cải Cách?

Đến nay, các chỉ dẫn của Vatican II tiếp tục có giá trị. Nhưng trong một vài giới thần học, ta cũng thấy tái xuất hiện các khuynh hướng thánh mẫu của thời tiền Vatican II. Ta cũng có cảm thức này là trong một số tầng lớp Công Giáo, đang phát sinh ra một tiếc nuối đối với lòng sùng kính Đức Maria theo lối cổ truyền. Nhiều giáo dân, nhất là các nhóm thủ cựu, lại bắt đầu lui tới các nơi hiện ra đang bị tranh cãi, bất chấp các lời cảnh cáo nghiêm khắc của các giám mục. Tuy nhiên, cùng một lúc, ta phải thừa nhận rằng nhiều cố gắng đang được đưa ra tại các địa điểm hành hương quan trọng như Lộ Đức, La Salette, nhằm cổ vũ nơi tín hữu một cảm nghiệm đức tin chân chính và có tính đào luyện. Ngày nay, những cuộc hành hương như thế quả là những nơi rất tốt để Giáo Hội Công Giáo thực thi việc giám sát mục vụ đối với Kitô giáo bình dân.

2. Trong các giáo hội phát sinh từ Phong Trào Cải Cách

Vì những phát triển liên tiếp và theo họ vô trật tự của “thánh mẫu học” trong Giáo Hội Công Giáo Rôma, nên các giáo hội phát sinh từ Phong Trào Cải Cách mỗi ngày mỗi cảm thấy bị bó buộc phải phản ứng một cách mạnh mẽ chống lại việc tôn thờ Đức Maria và giáo huấn hỗ trợ nó và là điều bị Karl Barth coi là “lạc giáo”, là “phát triển có hại”, một thứ “nhánh tham lam “ của tư duy thần học.

Không ai hoài nghi rằng việc công bố tín điều Mông Triệu (1950), sau khi công bố tín điều Vô Nhiễm Thai (1854), đã làm xấu thêm các liên hệ liên tín phái và tạo ra những phản đối ồn ào trong các giáo hội khác, là các giáo hội đã tiếp nhận việc công bố ấy với niềm thất vọng sâu xa (89). Người ta cảm thấy hố phân cách lâu đời giữa Giáo Hội Rôma và các giáo hội khác một lần nữa đã bị mở rộng thêm, đến độ ngày nay trở thành không thể bắc cầu qua được nữa, và điều này, oái oăm thay, lại xẩy ra vào thời điểm phong trào đại kết đang gặt hái được nhiều thành quả khích lệ trong các lãnh vực khác.

Đến thời Công Đồng Vatican II, các giáo hội Cải Cách thích thú, khi thấy sự lừng khừng của các nghị phụ, không muốn dành cho Đức Maria tước hiệu đấng trung gian và bác bỏ tước hiệu đồng công cứu chuộc; ngoài ra còn soạn thảo một “Kitô học về Đức Maria”. Việc lồng giáo huấn về Đức Maria trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, và việc bác bỏ không dành một văn kiện riêng biệt cho giáo huấn này được người Thệ Phản hiểu là bằng chứng Công Đồng hết còn tiếp tục tạo ra một thánh mẫu học độc lập tách rời hẳn nền thần học về mầu nhiệm cứu chuộc, có một vị thứ đặc biệt, tương tự và song hành với Kitô học. Thay vào đó, họ thấy Công Đồng nhất quyết sáp nhập bất cứ tư duy nào về Đức Maria vào trong mầu nhiệm giáo hội bằng cách đặt tâm điểm của nó cách trọn vẹn hơn nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng là trung gian duy nhất.

Theo quan điểm Thệ Phản, cố gắng này của Công Đồng muốn đặt lại trọng tâm mọi sự nơi Chúa Kitô chưa trả lời được các khó khăn vẫn do giáo huấn chính thức về Đức Maria của giáo hội đặt ra. Có hai lý do để họ nghĩ như vậy:

Lý do thứ nhất liên hệ tới căn bản Thánh Kinh của giáo huấn. Cả tín điều Vô Nhiễm Thai lẫn tín điều Hồn Xác Lên Trời của Đức Maria đều không có nền tảng Thánh Kinh đáng tin cậy. Chúng chỉ được biện minh bằng các luận chứng của thánh truyền hay dựa vào sự nhất quán tín lý. Làm thế nào để có thể chấp nhận một giáo huấn được trình bầy như chân lý đức tin mà lại không có gốc rễ nơi Sách Thánh? Lý do thứ hai, chồng lên lý do thứ nhất, liên quan tới sự cộng tác nhân bản trong công trình cứu rỗi (90).

Nay cũng như trước đây, các Giáo Hội Cải Cách tự hạn chế, không dành cho Đức Maria một chỗ đứng nào khác hơn chỗ đứng chính đáng của ngài, chỗ đứng mà thiên thần Gabrien đã dành cho ngài. Nhân danh lòng trung thành đối với chứng tá tông đồ và nhân danh lòng tôn trọng và âu yếm của họ đối với Mẹ của Chúa, họ mạnh mẽ chống lại bất cứ cố gắng nào hiển dương Đức Maria và dựng nên một song hành giữa ngài và Chúa Kitô hay giữa ngài và giáo hội bằng cách gán cho ngài các tước hiệu mà dưới cái nhìn của họ chỉ tổ làm ngài ra méo mó hơn là chứng thực con người thực của ngài. Trong một Đức Maria như thế, họ không còn thấy “Đức Maria bé nhỏ” của Tin Mừng nữa, người vốn là “chị em chúng ta” (91).

Như thế, trong các Giáo Hội Cải Cách, không hề có “thánh mẫu học” cũng như lòng sùng kính thánh mẫu nào, nghĩa là không có các buổi lễ hay lời cầu nguyện nào cùng Đức Maria. Mặt khác, người ta thấy một suy tư đổi mới về ngài. Dựa vào bối cảnh các tuyên bố Kitô học vĩ đại của các công đồng chung tiên khởi, nhất là Êphêsô và Canxêđoan và trước tác của các nhà cải cách thế kỷ 16, việc suy tư này mặc lấy hình thức tái định vị Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm cứu rỗi và coi ngài như nữ tì khiêm hạ và chứng tá tuyệt vời của đức tin và là người hàng đầu của các tạo vật được cứu chuộc. Người ta cũng thấy việc khai triển một lòng sùng kính, dựa trên Tin Mừng, mỗi ngày một chú ý tới đức tin đáng ca ngợi của Đức Maria hơn, một đức tin được Kinh Ngợi Khen phát biểu hết sức thâm sâu.

Người ta có thể thấy sự phát triển theo các nét trên đây trong các nền phụng vụ, thánh ca, và sách giáo lý của các Giáo Hội Luthêrô và Cải Cách ở Pháp từ cuối thế kỷ 19 cho đến tận nay. Trong khi ở thế kỷ 19, cùng với hiệp thông các thánh, con người của Đức Maria trên thực tế hầu như vắng bóng, thì tới thế kỷ 20, một vị trí dần dà đã được dành cho hai chủ đề này.

Trong thời kỳ này, các sách giáo lý được các giáo hội vừa kể sử dụng đã dành nhiều chương dài ngắn khác nhau cho việc xác định điều người Thệ Phản tin và không tin về Đức Maria. Sau đây là một trích đoạn có giá trị từ một sách giáo lý loại này: “Ngài là nữ tì tuyệt hảo của Thiên Chúa. Thiên Chúa chọn ngài và kêu gọi ngài trong mọi phụ nữ để làm mẹ Con của Người. Ngược với Evà, người đàn bà đã chọn con đường bất tuân, Đức Maria đã đáp lại lời kêu gọi mình bằng đức tin và lòng khiêm nhường. Ta lại thấy ngài một lần nữa dưới chân thánh giá và trong cộng đoàn đầu tiên của các môn đệ (Cv 1:14). Các lời lẽ đẹp nhất của ngài được chứa trong ca khúc Magnificat của ngài (Lc 1:46-55).

Về Trinh Nữ Maria, Giáo Hội Tin Lành tin mọi điều viết về ngài trong Thánh Kinh; điều này có nghĩa, chúng tôi không tin:

- sự vô nhiễm thai của ngài, nghĩa là việc ngài được hạ sinh cách lạ lùng [sic] (92) từ bà mẹ Anna theo dã sử;
- hay sự mông triệu của ngài, nghĩa là, việc ngài hồn xác lên trời (được cử hành ngày 15 tháng 8);
- hay việc ngài tham dự vào công trình cứu rỗi, một điều không được Thánh Kinh nói tới (93).

Dĩ nhiên, mọi sách giáo lý đều dành nhiều trang cho điều thứ hai của Kinh Tin Kính Các Tông Đồ: “Người xuống thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần và sinh bởi Trinh Nữ Maria” khi nói tới bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại nơi Chúa Giêsu Kitô.

Khởi đầu từ thập niên 1960, việc canh tân nền Kitô học Thệ Phản một đàng và đàng khác phong trào đại kết đã dẫn tới việc nhắc nhiều đến Đức Maria trong thánh ca và phụng vụ. Hai đặc điểm cần được ghi nhận ở đây: sự hạn chế của những nhắc nhớ này và căn bản Thánh Kinh được minh nhiên nói tới. Các nhắc nhớ này tập chú vào câu Đức Maria trả lời thiên thần, sự vâng lời của ngài, đức tin của ngài, sự ghi nhớ của ngài, và sự tuyệt vời làm mẹ của ngài. Cách đặc biệt hơn vào các mùa Vọng và Giáng Sinh, và trong các bản văn dùng trong Thánh Lễ và thờ lạy (94), ngài được nêu tên và được coi như một vị trong hiệp thông chứng tá của mọi thời mọi nơi. Cũng không phải là chuyện dửng dưng khi 6 dị bản của Kinh Magnificat được lồng vào phụng vụ trong ca khúc Arc-en-ciel (Cầu Vồng Trên Trời) (1988) hiện đang được sử dụng rộng rãi trong các cộng đoàn phụng vụ; trước đó, chỉ có hai bài trong bộ Nos Coeurs te chantent (Tâm hồn chúng con ngợi ca Ngài) (1969), một bài trong Louange et Prière (Ca ngợi và cầu nguyện) (1939) và không có bài nào trong bộ Sur les ailes de la foi (dưới cánh đức tin) (1926).

Cuộc thảo luận về Trinh Nữ Maria cho thấy rõ ngày nay có lẽ ngài là điểm, nơi mọi dị biệt ẩn tàng có tính tín phái, nhất là về cứu thế học, nhân học, giáo hội học, và khoa chú giải, trở nên rõ ràng nhất. Các vấn đề đó đều là căn bản, đến nỗi khi mọi sự đã được nói ra và thực hiện, thì cuộc đối thoại đại kết về Đức Maria chính là nơi thích đáng để nói rõ các bất đồng tín lý của chúng ta, cũng như nó là nơi không kém thích đáng để nhìn một cách tự phê phán vào tác phong giáo hội liên hệ của ta đối với Mẹ của Chúa.

Chú thích
(87) Về tình thế này, xem R. Laurentin, La question mariale (Paris: Seuil, 1963).
(88) Signum magnum, 1967 (DC, số 1495 [1967] 961-72) và Marialis cultus, 1974 (DC số 1651 [1974] 301-9)
(89) Thí dụ, xem J. Bosc, P. Bourget, P. Maury, và H. Roux, Le protestantisme et la Vierge Marie (Paris: “Je sers”, 1950); P. Petit, Lourdes, les protestants, la tradition chrétienne (Paris: Les Bergers et les mages, 1958).
(90) Ở đây, chúng tôi chỉ phúc trình hoàn cảnh lịch sử mà thôi; việc phân tích sự bất đồng về các điểm này sẽ được trình bày ở chương ba.
(91) Xem A. và F. Dumas, Marie de Nazareth (Geneva: Labor et Fides, 1989).
(92) Tài liệu này lẫn lộn vô nhiễm thai với việc chịu thai đồng trinh Chúa Giêsu. Xem chú thích 10, chương 4.
(93) A. Wohlfahrt, Le cep et les sarments. Catéchisme à l’usage de l’Église de la Confession d’Augsburg (Strasbourg: Éd. Oberlin, 1965).
(94) Liturgie des dimanches et fêtes de l’ANELF (1983) 195, 197, 219; Liturgie expérimentale de l’ERF (phụng vụ “Cam”), Kinh Bữa Tiệc Ty, tr. 44.