Tôi đi hành hương kính viếng Áo Thánh Chúa

Tunica Christi - Áo Thánh Chúa, chiếc áo mặc trong không có đường khâu của Chúa Giêsu, một di tích thánh quan trọng vào bậc nhất của Kitô giáo nói chung và của Giáo phận Trier (CHLB Đức) nói riêng, được trưng bày từ ngày 13.4. đến ngày 13.5.2012 cho các khách hành hương từ khắp giáo phận và khắp thế giới đến kính viếng nhân dịp kỷ niệm năm thứ 500 (1512-2012) Áo Thánh Chúa được trưng bày công khai.

Trong thời gian trưng bày này, hằng ngày và hằng giờ tại hàng trăm nhà thờ to nhỏ cũng như các nhà nguyện của các giáo xứ hay của các Tu Viện ở thành phố Trier, vốn được coi là „Roma thứ hai“, đều được liên tục cử hành Thánh Lễ cho các khách hành hương. Và lịch trình phân chia cử hành Thánh Lễ tại các nhà thờ cho các phái đoàn hành hương trong cũng như ngoài nước đã được bố trí từ cả năm trước đó.

Riêng 17 sắc dân công giáo ngoại kiều cư trú trong lãnh thổ Giáo phận Trier, trong đó có khoảng trên dưới 1000 người Công Giáo Việt Nam, được chia phiên hành hương kính viếng Áo Thánh Chúa vào lúc 13giờ30 ngày Chúa Nhật 6.5.2012. Khởi đầu là Thánh Lễ đồng tế tại nhà thờ St. Maximin dưới sự chủ tế của một vị Hồng Y đến từ Brasil, 6 Giám Mục và hơn 20 Linh Mục Tuyên Úy của các sắc dân ngoại kiều. Những bài hát và điệu nhạc du dương của các dân Đông Âu như Nga,Tiệp, Nam Tư và những nhịp trống và các giọng ca sôi động của các sắc dân Phi Châu và nhất là các Lời Nguyện Giáo Dân được trình bày bằng 17 ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau, đã thực sự làm cho tính chất và màu sắc sự hiệp nhất Kitô giáo trở nên hiện thực một cách độc đáo.

Và sau khi Thánh Lễ kết thúc vào khoảng hơn một giờ đồng hồ sau đó, toàn thể tín hữu hành hương xếp hàng thứ tự theo từng sắc dân tiến về nhà thờ chánh tòa Trier cách đó khoảng 300m, nơi Áo Thánh Chúa được trưng bày trong một lồng kính, để kính viếng và chiêm ngưỡng. Các tín hữu hành hương vừa đi vừa hát các bản thánh ca hoặc bằng tiếng Đức hoặc bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Đến cổng Porta Nigra, cổng thành vĩ đại và thời danh do hoàng đế Konstantin xây hầu như vẫn còn nguyên vẹn, thì đoàn rước dừng lại nghe bản Phúc Âm nói về Áo Thánh Chúa và sau đó lại tiếp tục tiến về nhà thờ chánh tòa. Tuy khoảng cách giữa nhà thờ St. Maximin và nhà thờ chánh tòa bình thường người ta đi bộ mất khoảng 10 phút, nhưng vì đoàn tín hữu hành hương quá đông và chỉ nhúc nhích từng bước một, nên vào ngày Chúa Nhật hôm ấy chúng tôi đã phải mất gần ba tiếng đồng hồ mới đến lượt được diễm phúc tiến gần bên tấm lồng kính trưng bày Áo Thánh Chúa. Tuy phải chen chúc và chờ đợi lâu để được tận mắt chiêm ngưỡng Tunica Christi như thế, hàng vạn khách hành hương vẫn kiên nhẫn và vui vẻ: hoặc cùng nhau hát các bài thánh ca hoặc vui cười trao đổi những câu chào hỏi hay làm quen thân thiện.

Cảm xúc dạt dào được tận mắt chiêm ngưỡng Tunica Christi:

Khi vừa bước chân vào nhà thờ chánh tòa người ta nhìn thấy hai tấm bảng lớn dựng ngay ở hai lối vào với hàng chữ bằng 3 thứ tiếng Đức, Anh và Pháp ngữ: „Stille, Bitte“; Silence, please, S.V.P.!“: Xin giữ im lặng! Nhưng trên thực tế, khi đã bước vào trong nhà thờ chánh tòa, tâm hồn mỗi tín hữu hành hường đều vô cùng xúc động và dạt dào cảm xúc khi nghĩ mình sắp sửa được diễm phúc chiêm ngắm chiếc Áo Thánh của Chúa, chiếc áo đã thấm đượm mồ hôi Chúa khi Người phải vất vả lao nhọc trong xưởng mộc để sinh nhai hay lúc lang thang trên các nẽo đường gồ ghề đầy sỏi đá để rao giảng Tin Mừng; vâng, chiếc áo đã che chở bảo vệ cho thân thể Chúa Giêsu trong bao năm trời trước các cơn nắng nóng hay mưa lạnh, v.v…, thì không ai bảo ai mọi người đều cảm thấy một bầu không khí linh thiêng đang bao trùm lấy họ và tự động im lặng hay lâm râm lần hạt, nên có lẽ sự nhắc bảo của hai tấm bảng kia không còn cần thiết nữa!

Riêng bản thân tôi, dù đã sống và làm việc ở CHLB Đức đã khá lâu rồi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới được diễm phúc nhìn tận mắt chiếc Tunica Christi, chiếc Áo Thánh của Chúa. Lòng tôi vô cùng sung sướng và bồi hồi cảm động. Khi đứng bên lồng kính đựng Áo Thánh Chúa, tôi đã quan sát rất kỹ và nhìn thấy rằng, quả thực chiếc Tunica Christi hoàn toàn không có đường may, chỉ trừ chung quanh cổ áo cũng như gấu áo và hai đầu cánh tay áo mới có đường may mà thôi. Chiếc Áo Thánh của Chúa chắc chắn được dệt hay đan bằng vải thô, và có lẽ cũng vì bằng vải thô nên mới có thể tồn tại được trong hàng ngàn năm qua giữa sức ép và bao thay đổi khủng khiếp của thời tiết khắc nghiệt cũng như sự giằng co xâu xé của loài người. Tuy nhiên, một điều quá rõ ràng là các điều kiện của thời gian đã tác động không nhỏ đến chiếc áo, đã làm thay đổi và biến dạng hoàn toàn màu sắc cũng như chất vải của chiếc áo..

Vì thế, mới thoạt nhìn, người ta có cảm tưởng như chiếc áo được làm bằng vỏ cây được đập giập ra và may lại thành áo mặc. Và theo kích thước của chiếc Tunica Christi, người ta có thể phỏng đoán được chiều cao của chủ nhân chiếc áo vào khoảng từ 1,55m đến 1,60m, tùy theo cách mặc: sát, dưới đầu gối hay chạm mắt cá chân.

Khi được tận mắt nhìn ngắm và chiêm ngưỡng chiếc Áo Thánh, tôi nghĩ ngay đến chủ nhân của nó và cả người thợ đã kiên nhẫn và khéo tay đan dệt nên nó. Vâng, tôi cảm thấy Chúa Giêsu như đang mặc chiếc Tunica và đang hiện diện một cách hữu hình trước mắt tôi, và đồng thời tôi cũng nghĩ đến Mẹ Maria, Người Hiền Mẫu đã vất vả thức khuya dậy sớm ngồi trên khung cửi trong bao nhiêu ngày tháng để dệt nên được chiếc áo này cho Con Mẹ. Đầy dạt dào những liên tưởng và cảm nghĩ như thế, tôi cảm thấy lòng mình vô cùng thổn thức, xúc động và sung sướng.

Trong khi các bậc vua chúa trần gian ăn mặc lụa là gấm vóc, thì chính Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa Làm Người và là Vua Cao Cả của toàn vũ trụ, lại hằng ngày phải khoác lên mình tấm áo quá thô sơ khó nghèo của tầng lớp lao động vô sản như vậy. Nhưng chiếc Tunica Christi không những là nhân chứng hùng hồn cho cuộc sống khó nghèo và thanh bạch của gia đình Na-da-rét năm xưa, mà chính điểm đặc thù của nó „từ trên xuống dưới không có đường khâu“ là biểu tượng quan trọng cho chính Chủ Nhân của nó: „Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một“, cũng như của các tín hữu của Người: „Tất cả họ phải hợp nhất nên một, như chúng ta là một: Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.“ Đó cũng là chủ đề chính mà giáo quyền Giáo phận Trier đã đề ra cho cuộc hành hương Áo Thánh Chúa năm 2012 này: „Und führe zusammen, was getrennt ist“: Và xin hợp nhất lại, những gì đang bị phân ly và chia rẽ.“

Kết quả cuộc hành hương:

Theo ban tổ chức cuộc hành hương vĩ đại này thì trong ba ngày cuối cùng của cuộc hành hương còn có trên 60.000 tín hữu từ khắp nơi tuôn về kính viếng Áo Thánh Chúa, và đã nâng tổng số khách hành hương trong suốt một tháng qua lên tới 545.000 người. Trong số khách hành hương này không những chỉ có các tín hữu Công Giáo, nhưng còn có rất đông các đoàn thể tín hữu Tin Lành và Chính Thống do các vị lãnh đạo tinh thần cao cấp của họ hướng dẫn công khai đến tham dự. So với các cuộc hành hương trước kia thì cuộc hành hương năm nay tuy thời gian chỉ giới hạn trong vòng một tháng chứ không kéo dài nhiều tháng như trước kia, mà số tín hữu đến kính viếng Áo Thánh Chúa lên cao như thế là hoàn toàn vượt sự ước định lúc đầu của ban tổ chức.

Đây là một thành quả vô cùng đáng khích lệ cho nguyện vọng và sự mong đợi tha thiết của ban tổ chức với chủ đề đã được nói trên. Trong bài giảng Thánh Lễ bế mạc cuộc hành hương vào ngày Chúa Nhật 13.5.2012, trước sự hiện diện của hàng vạn tính hữu hành hương, Đức Giám Mục Giáo Phận, Dr. Srephan Ackermann, đã phát biểu: „Chiếc Tunica Christi đã hướng đẫn tất cả khách hành hương trở về với khởi đầu đức tin của mình, trở về với nguồn cội mà chúng ta không bao giờ bỏ sót lại phía sau lưng như một lịch sử đã qua, đó là Đức Kitô! Chính nhờ nguồn cội này mà chúng ta sống và cũng từ nguồn này mà Giáo Hội luôn luôn phát triển không ngừng.“ Tiếp đến, ngài còn nói: „Sứ điệp Tin Mừng của Đức Kitô không hề là một giáo huấn xa lạ đối với nhân loại, nhưng là Lời nhằm tới chính cuộc sống của chúng ta và mở ra cho cuộc sống ấy những chân trời mới mẻ.“ Và trước đông đảo các đoàn thể tín hữu hành hương thuộc các giáo phái khác nhau từ các sắc dân và màu da khác nhau, Đức GM Ackermann khẳng định: „Với đức tin vào Đức Kitô, tôi không bao giờ lẻ loi một mình, nhưng được liên kết với một cộng đồng đông đảo các tín hữu khác.“

Vì thế, trên đường trở về nhà tôi đã thầm thì ý nguyện:

Lạy Chúa, xin dẹp tắt mọi hận thù, ghen ghét và bất khoan dung nơi mỗi chúng con. Xin Chúa liên kết và hợp nhất tất cả mọi tâm hồn lại với nhau trong một thế giới đầy yêu thương, đầy thông cảm và tha thứ lẫn cho nhau như Chúa hằng thiết tha mong muốn, hầu thế gian biết rằng chúng con thực sự là môn đệ của Chúa. Amen.

LM Nguyễn Hữu Thy