Kẻ chết sống lại

Từ tiếng pháp « la chair » có thể được hiểu theo nghĩa tiếng việt trong ngôn ngữ đạo Thiên Chúa là xác thịt, xác phàm, người phàm . Cho nên, thành ngữ « la résurrection de la chair » trong kinh Tin Kính của Giáo Hội Công Giáo được dịch sang việt ngữ là « kẻ chết sống lại ». Chúng ta thấy chữ « người phàm » chỉ con người trong thân phận yếu đuối và phải chết (xem : sách Sáng Thế chương 6, câu 3 ; Thánh Vịnh 56, câu 5 ; Sách Tiên Tri Isaia chương 40, câu 6). « Kẻ chết sống lại » có nghĩa rằng sau sự chết không chỉ có sự sống của linh hồn bất tử, mà kể cả « thân xác hay chết » (xem : Thư thánh Phao Lồ gửi giáo đoàn Rôma 8, 11) của chúng ta tìm lại sự sống.

Ðối với con người, tương lai là một huyền nhiệm vượt quá những khả năng tưởng tưởng lí trí. Kinh nghiệm của con người trên thế giới này là kinh nghiệm về một cuộc sống hữu hạn và phải chết . Thánh Âu Tinh là một điển hình bộc bạch cho chúng ta về kinh nghiệm đó. Vả lại, đó là một thực tế không thể bác bỏ và nó đè nặng lên mọi người. Kinh nghiệm về tính hữu hạn dẫn con người tự chất vấn về vấn đề số mệnh của chính mình. Ðâu là số mệnh của chúng ta với tư cách là con người ? Cuộc sống chúng ta có ý nghĩa nào ? Trong con người có tồn tại một yếu tố thiêng liêng (ví dụ như thần trí, linh hồn) có khả năng sống sót sau sự chết của thể xác ? Làm thế nào trả lời được những câu hỏi trên ?

Ðức tin ki tô giáo nói về niềm hy vọng trong sự phục sinh của kẻ chết. Ðâu là ý nghĩa của một xác tín như vậy ? Nhiều người sống không mong đợi gì khác ngoài quảng thời gian ngắn ngủi sống trên đời này. Làm thế nào để loan báo cho họ đức tin vào một Thiên Chúa không ngừng yêu thương trong Ðức Ki Tô phục sinh, Con một của Thiên Chúa, là Lời đã trở nên người phàm bằng việc nhập thể, một Thiên Chúa không ngừng thông chia với chúng ta hết thảy sự sống của Ðấng Phục Sinh ? Làm thế nào hiểu khẳng định của đức tin trong ki tô giáo về việc kẻ chết sống lại ? Theo chiều hướng nào đức tin ấy là một câu trả lời cho câu hỏi về số mệnh của con người ?

Trong bài viết này, chúng ta muốn cùng nhau lắng nghe câu phúc đáp trong ki tô giáo. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc nhắc lại những sự thể hiện về sự sống lại trong nguồn thánh kinh, đặc biệt trong truyền thống do thái giáo và ki tô giáo sơ khai. Tiếp đó, chúng ta sẽ nghiên cứu khái niệm về tinh bất tử của linh hồn trong truyền thống triết học cố của Platon nhằm đánh dấu khái niệm triết học này về sự bất tử của linh hồn có khác gì với sự sống lại. Khác với suy tư triết học, niềm hy vọng vào sự sống lại không phải là hoa quả của sự suy tư lí trí nơi con người. Tiếp nữa, chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề sự sống lại đối với thuyết luân hồi trong các tôn giáo ở Ðông Phương. Qua đó, bài viết này sẽ cho phép chúng ta đối thoại với những truyền thống tôn giáo khác. Cũng qua bài tìm hiểu này, chúng ta sẽ nhận ra rằng để tìm được mảnh đất chung cho đức tin ki tô giáo về sự sống lại và thuyết tin sự luân hồi trong các tôn giáo hin-đu và phật giáo là thực sự khó.

I. Sự khai sinh niềm tin vào sự sống lại trong Cựu Ước.

Cựu Ước là danh từ mà truyền thống Giáo Hội dùng để gọi Sách thánh của Do Thái Giáo. Khi Giáo Hội Công Giáo chính thức xác định những văn thư cũng như bốn sách Tin Mừng vào trong tính qui điển với tên gọi là Tân Ước, thì những sách kế thừa từ Do Thái Giáo được gọi là Cựu Ước.

Con người trong Kinh Thánh, giống như con người nói chung, trải qua những giai đoạn rối ren trong cuộc sống, rối ren trước sự chết, trước đau khổ, trước sự giữ, trước bất công, trước sự từ bỏ của người khác. Chính vì vậy con người kêu lên Thiên Chúa : « Chuá đâu làm phép lạ cho người đã mạng vong. Âm hồn đâu trỗi dậy ca tụng Chúa bao giờ ? » (Tv 88, 11). Trong sách Gióp cũng có lời nói rằng « con người chết rồi làm sao sống lại được » (G, 14, 14) vân vân. Một trong những kinh nghiệm mang tính quyết định của sự tin tưởng của dân Ít ra en vào Thiên Chúa là sự kiện xuất hành. Sự kiện này nói lên việc họ chuyển từ đời sống nô lệ ở Ai Cập đến đời sống tự do ở miền đất Thiên Chúa hứa cho họ, miền đất Canaan. Xuất hành là kinh nghiệm về một Thiên Chúa hành động vì con người. Xuất hành cũng là kinh nghiệm về một Thiên Chúa không phải của những kẻ chết, mà là của những kẻ sống. Trong những lúc tồi tệ nhất, đau đớn nhất, dân Ít ra en hướng về Thiên Chúa đó.

Có một lúc quyết định đối với niềm hy vọng của dân Thiên Chúa vào sự sống lại là sự kiện về « con người » trong sách Ða-ni-en, chương 12, câu 1-3. Sách Ða-ni-en có thể được xác định vào thế kỷ thứ hai trước kỷ nguyên chúng ta, tức trước Chúa Giê Su giáng sinh. Trong chương sách này có đề cập đến những người chết vì niềm tin của họ do cuộc bách hại hy lạp và gợi lên một viễn cảnh về một thế giới trên trời, về đời sống vĩnh cửu vượt qua những khổ đau đã giày xé con người và muốn hủy hoại nó. « Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy : người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao » . (Ðn 12, 1-3)

Chúng ta còn có thể nêu ra một chứng cứ khác nữa không kém tính quan trọng trong việc khai sinh ra niềm hy vọng về một sự sống đời đời. Ðó là sách Macabê quyển thứ hai. Trong sách này có nói đến ý tưởng về sự sống lại của thân xác. Ở chương 6 chỉ đến sự tin chắc về sức mạnh của Thiên Chúa trong cuộc sống và trong sự chết nữa. Còn ở chương 7 thì kể đến cái chết của bảy anh em với một niềm xác tín rất quan trọng : « Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời ». (2Mcb 7, 9). Thiên Chúa sẽ trả lại hơi thở và sự sống cho con người do Người tạo dựng nên (2Mcb 7, 23). Trái lại, kẻ bách hại là Vua nhân trần thì không được sống lại để nếm hưởng sự sống bất diệt (2Mcb 7, 14).

Niềm xác tín đó vào sự sống lại dần dần được hình thành và trở nên thành phần của đức tin của dân Ít ra en. Niềm xác tín vào sự sống lại sẽ mang tính cấu thành của truyền thống pha- ri- siêu- ra-bi. « Toàn thể It-ra-en đều có phần trong thế giới tương lai…Nhưng những kẻ cho rằng không có việc kẻ chết trở lại với sự sống thì sẽ không có chỗ trong thế giới tương lai theo sách Tora, tức sách Luật Môi Sen. » (mSanh 10, 1)

Thế nhưng, vẫn có sự mập mờ của niềm hy vọng vào sự sống lại. Giải thích thế nào về việc không có ý tưởng về sự sống lại của kẻ chết trong môi trường sống tại các cộng đồng Qumran ? Các sách Qumran không nói lên điều gì rõ ràng về đức tin vào sự sống lại. Ðể giải thích cho lỗ khuyết đó, Hermann Lichtenberger đưa ra hai giả thuyết : « hoặc là cộng đồng Qumran không hy vọng vào sự sống lại trong tương lai của kẻ chết, hoặc là niềm tin đó là một một điều quá đỗi hiển nhiên nên con người của cộng đồng này không thấy cần thiết phải bàn đến nữa như là một chủ đề đặc biệt. » Chúng ta cũng có thể kể đến lập trường bảo thủ của nhóm Sa-đốc thời Chúa Giê Su. Họ phủ nhận việc kẻ chết sống lại và việc phán xét (Mc 12, 18-27 ; Cv 4, 1-2 ; 23, 8).

Vậy đâu là khuynh hướng chính xác của niềm tin vào sự sống lại trong Cựu Ước ? Phải chăng đó chỉ là khuynh hướng về việc trông chờ ơn cứu độ, cứu chuộc ? Hay đó chỉ là một sự phán xét hoàn cầu vào ngày sau hết trước Thiên Chúa ? Sự sống lại chỉ dành cho những người công chính ? Tính phức tạp của các cứ liệu về niềm hy vọng vào sự sống lại trong Cựu Ước khiến khó đưa ra câu trả lời dứt khoát. Tóm lại, theo Jürgen Moltmann , thuật ngữ « kẻ chết sống lại » trong Tân Ước vượt xa kẻ chết trong ngôn ngữ của Cựu Ước. Công thức của cựu ước « moị xác phàm ; mọi phàm nhân, mọi chúng sinh » hoặc « không xác phàm nào » (Xem : Sách Sáng Thế 9, 11 ; Thánh Vịnh 65, 3 ; 145, 21 ; Sách Giô-en 3, 1) không chỉ nhắm đến con người trong tính thân xác, nhưng kể cả động vật nữa, tức « moị loài có sự sống ».

II. Niềm hy vọng ki tô giáo vào sự sống lại trong những viễn cảnh của đức tin và các nền thần học.

Sự sống lại của con người trong thân phận xác phàm trong ki tô giáo không thể được hiểu ngoài Ðấng vừa là Con Người, vừa là Thiên Chúa. Ðó là Ðức Giê Su Ki Tô. Tại sao ? Bởi vì sự sống lại của phàm nhân (tức là của con người trong tính tổng thể) thì phụ thuộc vào mầu nhiệm nhập thể và phục sinh của Ðức Giê Su Ki Tô. Như vậy, sự sống lại của kẻ chết được giải thích trong sự thật rằng nó phụ thuộc vào Ðức Ki Tô và vào chiều kích cứu độ nơi Ðức Ki Tô nữa. Chúng ta có những cứ liệu trong các thông điệp kinh thánh, nhất là trong tân ước và các thánh thư Phao Lồ cho phép nhận thấy rằng sự sống lại của kẻ chết, trong truyền thống ki tô giáo, là một trong những điều được xác thực sớm nhất. « Tôi tin kẻ chết sống lại » (Xem : Kinh Tin Kính của các Tông Ðồ ; « Chúng ta (chúng tôi) trông đợi kẻ chết sống lại » (xem : Kinh Tin Kinh của công đồng Nicée- Constantinople).

Như vậy, sự chết và sự sống lại của Chúa Giê Su là trọng tâm của việc loan báo của những người ki tô hữu đầu tiên. Có một mối dây giữa hành động của họ với cái chết và sự sống lại của Chúa Giê Su : Dạng cổ nhất trong đức tin phục sinh của ki tô giáo sơ khai là công thức đức tin, một ngữ điệu diễn tả sự kiện phục sinh khi tập trung vào Thiên Chúa như là khẳng định về Thiên Chúa, Ðấng đã làm cho Ðức Giê Su sống lại từ kẻ chết (Xem : Thư thánh Phao lồ 1 Tx 1, 9 ; Rm 10, 9 ; 2 Cr 4, 14 ; Gl 1, 1 ; Rm 4, 24 ; Cl 2, 12 ; Ep 1, 19 ; Thư thánh Phê rô 1 Pr 1, 21).

Hơn nữa, các Sách Tin Mừng kể lại sự sống lại của Chúa Giê Su như một sự kiện qua đó sức mạnh và ý muốn của Thiên Chúa tỏ hiện sự kiện toàn lịch sử khi giải phóng con người khỏi sự chết nhằm dẫn con người đến sự sống. Thánh Âu Tinh, trong bài giảng về sự sống lại của kẻ chết, chỉ rõ rằng « sự sống lại của kẻ chết là mục đích của niềm hy vọng và của đức tin chúng ta. Bỏ đức tin vào sự sống lại đồng nghĩa với việc phá đi nền tảng học thuyết ki tô giáo » . Quả thật, thánh Âu Tinh có được khẳng định trên nhờ thánh Phao Lồ « Nêú kẻ chết không sống lại thì Ðức Ki Tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Ðức Ki Tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, vả cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. » (1 Cr 15, 13-14)

Vậy chúng ta thấy vấn đề kẻ chết sống lại đụng đến một trong những khía cạnh căn bản của đức tin ki tô giáo ở mức nào. Niềm tin này bắt rễ trong Ðức Giê Su Ki Tô phục sinh. Chúng ta cũng thấy rằng không chỉ ý tưởng về sự sống lại theo quan niệm phân loại trong truyền thống do thái giáo cổ tiếp tục tồn tại trong tâm tính của con người thời Chúa Giê Su, mà nhất là niềm tin vào sự sống lại đó đã bị vượt ra xa hơn và được mặc lấy một chiều kích cứu độ được thực hiện trong sự kiện đã xảy đến với con người Giê Su Ki Tô. Và từ đó chúng ta diễn tả sự kiện đó với thành ngữ « kẻ chết sống lại ».

Nên hiểu thế nào thành ngữ « kẻ chết sống lại » hay sự sống lại của xác phàm. Ðối với niềm hy vọng ki tô giáo, sự sống lại ở đây không bao hàm thế giới động vật. Theo Moltmann, « quả thật việc tuyên xưng đức tin của Giáo Hôi sơ khai đã bị giảm theo nguyên tắc chung là chỉ đề cập đến con người » . Joseph Ratzonger thì viết : « Thành ngữ « xác phàm » không thể diễn tả hết những ý nghĩa của tiếng hy lạp trong kinh thánh. Từ Soma chỉ thân xác, nhưng cũng chỉ đến nhân vị. Và từ Soma cũng có thể là sarx, có nghĩa là thân xác trong thân phận trần tục, lịch sử, phải tuân theo những qui luật thể lí-hóa. Nó còn có thể là Pneuma- được hiểu là « thần khí » theo từ vựng, nhưng thực ra từ đó có nghĩa là : nhân vị xuất hiện lúc này trong một vật sờ mó được và tuân theo các qui luật thể lí –hóa. Nhân vị đó có thể xuất hiện trỏ lại cách dứt khoát trong một thể thức phi thể lí » .

III. Sự bất tử của linh hồn và / hay sự sống lại của kẻ chết.

Ðiều chúng ta quan tâm đặc biệt ở đây liên quan đến nước đôi sau : sự sống lại của kẻ chết theo như đức tin ki tô giáo tuyên xưng chỉ được qui theo ý tưởng về sự bất tử của linh hồn, hay là giữa hai điều này không có liên quan gì với nhau ? Sự bất tử của linh hồn và sự sống lại của kẻ chết có được xem như hai khái niệm bổ túc cho nhau ? Chủ đề về sự bất tử của linh hồn có xa lạ với đức tin hay là chủ đề đó được bao hàm bởi đức tin ? Ðiều gì cho phép duy trì những khái niệm về linh hồn và sự bất tử đối với thần học và cánh chung học ki tô giáo ?

Trong tư tưởng triết học cổ, đặc biệt trong tác phẩm Phédon của Platon, con người được cấu thành bởi hai yếu tố thiết yếu : xác và hồn. Xác đại diện cho thế giới vật chất, có thể hư mất, có thể phân hủy. Hồn đại diện cho thế giới thiêng liêng, bất tử thuộc nguồn gốc thần thánh và vì vậy hồn không thuộc phạm trù tạo vật, nhưng thuộc thần tính và siêu việt. Như vậy, dòng triết học đưa ra một nhãn quan nhị nguyên về con người. Bởi vì xác (sôma) được xem là tù ngục giam hãm hồn, là phần mộ của hồn (séma). Hồn sống lưu đày trong xác. Cái chết của xác đem lại cơ hội giải phóng hoặc giải thoát cho hồn khỏi ngục tù thân xác. Sự giải thoát đó cho hồn trở về với quê hương vĩnh cửu của nó bởi vì sự chết là sự phân chia hồn khỏi xác. Cái có thế hư mất trong con người không thể liên lụy đến hồn lúc xác chết, vì rằng bởi bản chất thì hồn bất tử. « Ðây là những điều rất thật : sống lại, người ta sống lại từ kẻ chết, linh hồn của kẻ chết tồn tại » . Chúng ta tạm thỏa mãn kết luận trong phần triết học này khi chỉ rõ rằng sự bất tử của hồn là một xác tín sinh ra từ những suy tư con người. Nó là một sự tin tưởng vào cái gì đó không hư mất trong con người.

Vậy nhưng, điểm chúng ta quan tâm hơn cả trong bài tìm hiểu này không phải dừng lại ở sự bất tử của hồn, mà là để đối chiếu nó với niềm hy vọng về sự sống lại của kẻ chết trong đức tin ki tô giáo. Chúng ta sẽ tìm cách nói rõ điều gì nói lên rằng niềm hy vọng đó không chỉ được qui theo sự bất tử của hồn như chúng ta đã trình bày, trái lại niềm hy vọng kẻ chết sống lại thì liên quan đến con người với tất cả những gì cấu thành nên nó. Sự sống lại của kẻ chết là sự sống lại của con người nguyên vẹn, chứ không chỉ là sự sống của một phần nơi con người là hồn theo tư tưởng triết lí. Chúng ta có thể nêu ra ở đây một giảng dạy của công đồng Vatican II về con người. Ở đó chúng ta sẽ nhận ra cách hiểu về con người theo giảng dạy của Giáo Hội trong công đồng thì khác với thuyết nhị nguyên triết lí về con người : « Hồn và xác, nhưng thực sự chỉ là một, ngay trong điều kiện xác tính, con người là một bản thu nhỏ vũ trụ, đỉnh cao của vũ trụ vật chất là con người và nó có thế tự do ca ngợi Tạo Hóa (Ðấng tạo dựng chúng). Vậy con người không được coi thường sự sống thân xác. Nhưng trái lại, con người phải quí trọng và tôn trọng thân xác do Thiên Chúa tạo nên, và nó sẽ sống lại ngày sau hết» .

Ở đây chúng ta có một khái niệm rõ ràng đơn nguyên về con người trong ki tô giáo. Con người là một bởi sự kết hợp của xác và hồn. Như vậy, xác và hồn không còn là hai vùng xa lạ nhau như trong quan niệm triết học trường phái Platon. Hồn không còn được khái niệm như có bản chất cao hơn với xác. Hồn cũng chỉ thuộc phạm trù tạo vật như xác. Nếu trở lại rất xa trong quá khứ, chúng ta thấy thánh Âu Tinh dường như cũng đã đi theo lập trường của thuyết đơn nhất : « Là hữu hình thì xác chỉ có thể làm rung chuyển cái hữu hình. Cả hai (xác và hồn) cùng có một Ðấng Tạo dụng vô hình : hãy cùng kinh sợ Người. Chính Người đã tạo ra con người với hai yếu tố hữu hình (xác) và vô hình (hồn). Cái hữu hình được tạo ra từ đất, còn cái vô hình từ hơi thở của Ðấng Tạo Hóa, và bản chất vo hình đó là hồn. Hồn làm cho xác có sự sống » . Dầu vậy, khi nói đến nhân học ki tô giáo, vẫn có thế dùng từ « nhị nguyên » để chỉ hai phần xác và hồn, và cũng bởi vì trong truyền thống ki tô giáo, trạng thái sống sót của hồn sau sự chết không phải cuối cùng, cũng không phải cuối cùng về mặt bản thế. Trái lại, trạng thái đó chỉ mang tính « trung gian » và tạm thời, bởi cuối cùng hồn hồn cũng được qui đến sự sống lại. Tin Mừng thánh Mát-Thêu có thuật lại Chúa Giê Su « Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. »

Chúng ta hãy trở lại trong tư tưởng thần học đương đại. Jurgen Moltmann nhấn mạnh về bản tính tạo hóa của linh hồn : « Moị khái niệm thần học về linh hồn hoặc về cái tôi phải xuất phát từ việc linh hồn là một tạo vật, bởi vì linh hồn hữu hạn, thay đổi, có khả năng yêu thương và chịu đựng, và như vậy linh hồn cũng thuộc nhân tính, chứ không phải thuộc thần tính. Vậy, linh hồn có thể chết, bởi vì chỉ có Ðấng Tạo Hóa mới bất tử. Chúng ta hãy nghe lời giảng dạy của thánh Phao Lồổtong thư gửi Timôtê : « Chỉ Thiên Chúa là Ðấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Ðấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy, khính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời » . Niềm xác tín về việc linh hồn có thể chết cũng xuất hiện trong tư tưởng thánh Âu Tinh : « Bơỉ chỉ Thiên Chúa là Ðấng bất tử, thì linh hồn có thể chết là điều không phải bàn cãi » .

Nếu như trong thời cổ đại hy lạp, dường như chiều kích thân xác của con người mất đi giá trị hiển sinh vì sự tan rã của nó sau cái chết, thì truyền thống Giáo Hội lại tiếp tục đề cao giá trị của thân xác ít ra vì hai lí do. Lí do thứ nhất liên quan đến việc tạo dựng nên con người và ơn gọi cuối cùng của con người và liên quan đến việc nhập thể tại thế của Ðức Ki Tô. Lí do thứ hai liên quan đến nguyên lí cứu độ. Vì thế trong thế kỷ thứ 3 và thứ 4 thuộc kỷ nguyên chúng ta, các Giáo Phụ không ngừng bảo vệ hai bản tính của Ðức Ki Tô, nên biết là nhân tính và thiên tính. Ðức Ki Tô thực sự là con người vì việc nhập thế. Con người được cứu đến tận trong nhân tính bởi vì xac phàm cũng đã được đảm nhận bởi Ðức Ki Tô làm người. Qua đó chúng ta thấy nguyên lí cứu độ nhằm đến điều gì theo giảng dạy của các Giáo Phụ : Những gì được đảm nhận bởi Ðức Ki Tô thì được cứu. Ðó là câu có thể tóm lược lập trường của một giai đoạn trong lịch sử của Giáo Hội nhờ các giáo phụ để lại.

Thế là đặc tính vô hình và bất phân li của thân xac với linh hồn một phần dựa vào việc ý thức đến phẩm giá con người trong chiều kích xác tính, và phần khác nhờ có được lời giải đáp trong nền tảng ki tô học. Hồng Y Joseph Ratzinger trong « Ðức tin hôm qua và hôm nay » thực sự đồng ý và nhấn mạnh đến đặc tính đó của nhân học ki tô giáo : « Một lần nữa chúng ta đã khám phá rằngcòn người không thể phân chia ; chúng ta sống xác tính (corporéité) với một cường độ mới, và chúng ta nhìn nhận tính thân xác là cần thiết để thực hình thành nên hữu thể con người. Từ đó, chúng ta có thể hiểu tốt hơn thống điệp kinh thánh không hứa sự bất tử cho linh hồnbị tách khỏi thân xác, nhưng cho cả con người ». Qua đó, chủ nghĩa thuyết nhị nguyên trong triết học quả thật đối lập với lập trường ki tô giáo. Hơn thế nữa, đối với niềm hy vọng ki tô giáo vào sự sống lại của kẻ chết, ý tưởng về sự bất tử của linh hồn chỉ mới là một « lời giải đáp giữa chừng cho chủ đề định mệnh đời đời của con người » bởi rằng « sự sống lại của kẻ chết mà Thánh Kinh nói đến liên quan đến sự cứu độ con người toàn vẹn (homme tout entier), chứ không phải cho một phần nửa của con người, tức linh hồn mà thôi » .

Thần học công giáo theo thần học gia Ratzinger, có ba khía cạnh cho phép chúng ta không tuyệt giao hoàn toàn với sự bất tử của linh hồn. Thứ nhất, niềm hy vọng ki tô giáo « nhắm đến sự bất tử của con người, của hữu thể duy nhất là con người ». Thứ hai, sự bất tử đó mang đặc tính « đôí thoại », vì « công thức kinh thánh về sự bất tử nhờ sự sống lại tìm đem lại một ý tưởng về sự bất tử bao hàm con người toàn vẹn và dựa vào một sự đối thoại ». Cái đặc tính của con người chính là « việc được chất vấn bởi Thiên Chúa, là đối tác đối thoại với Thiên Chúa, hướng đến Ðấng siêu việt ». Thứ ba, sự bất tử của con người phải được mặc lấy tính liên đới giữa cá nhân với toàn thể nhân loại bởi vì sự sống lại được trông chờ vào « ngày sau hết » trong sự hiệp thông của mọi người.

Jüngel Moltmann cũng đề cập đến yếu tố đối thoại như sau : « trong quan hệ kinh thánh, quan hệ của Thiên Chúa với con người không phải là một mối quan hệ câm, nhưng là một quan hệ đối thoại. Những ai Thiên Chúa làm đối tác trong giao ước mãi là đối tác mà Thiên Chúa muốn nói bao lâu Người muốn, dù đối tác còn sống hay đã chết. »

Cho dù tính mập mờ vẫn còn, song le, về mặt thần học, chúng ta có thể nói về lình hồn và về sự bất tử của hồn ; Joseph Ratzinger trong « La mort et l’au-delà (Sự chết và thế giới bên kia) » tiếp tục sử dụng ngôn ngữ như vậy trong các bài trình bày về thần học và cánh chung học. Nhưng chúng ta hiểu tại sao « niềm hy vọng ki tô giáo vào sự sống lại của kẻ chết không phải sự sống sau sự chết, cũng không phải sự bất tử của linh hồn mà thôi. » Sự sống lại mà định mệnh con người chúng ta được mời gọi tới không phải là một sự trở lại với sự sống phải hư mất hoặc trong một sự sống khác cũng phải hư mất, nhưng sự sống lại là đi vào trong sự sống đời đời, trong sự sống của Thiên Chúa mà Người « mơì đã mời gọi và tiếp tục mời gọi con người thông phần cách toàn vẹn » .

Nên hiểu sự sống đời đời như thế nào ? « Nếu kẻ chết sống lại cho sự sống đời đời, sự sống đời đời có nghĩa gì ? Nếu đó là một sự sống khác sau sự sống trần thế, thì thuật ngữ « sự sống lại » sẽ sai lầm, và sự chết mặt nào đó sẽ là lúc sinh ra sự sống khác đó. Trong khi « sự sống lại của kẻ chết » có nghĩa rằng « Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt » (1 Cr 15, 54).

Niềm hy vọng vào sự sống lại của kẻ chết liên quan đến tương lai của kẻ chết thì thuộc phạm trù thời cánh chung, vì lí đo đó, nó chưa đạt đến cách trọn vẹn nơi con người trong thời hiện tại, sự hoàn thành trọn vẹn của sự sống lại nơi kẻ chết sẽ diễn ra vào thời tận thế với sự đi vào tính vĩnh cửu của Thiên Chúa. « Tiến trình về sự sống lại của kẻ chết đã bắt đầu với Ðức Ki Tô, vẫn tiếp tục trong « Thần Khí ban sự sống », và sẽ hoàn thành trong sự sống lại của những kẻ thuộc về Người và của mọi kẻ chết » . Vì thế mà sự liên kết giữa niềm hy vọng của chúng ta vào sự sống lại của kẻ chết và thần học về Ðức Ki Tô thì không thể phân li. Theo André Dartigues : « không tiếp cận lí luận nào hoặc thuần khiết là triết học nào cho phép quên rằng, trong truyền thống tư tưởng thánh Phao Lồ và các giáo phụ, Ðức Ki Tô là Ðấng Trung Gian duy nhất, mà sự chết và sự sống lại dẫn đưa vũ trụ của tạo dựng đầu tiên đến sự kiện toàn trong vinh quang của Thiên Chúa» .

IV. Sự sống lại của kẻ chết và sự luân hồi trong đạo hin-đu và đạo phật.

Văn hóa đông phương có thể gọi là nền văn hóa mang nặng niềm tin vào sự sống sót của linh hồn. Ðiều đó được cụ thể hóa trong truyền thồng thờ cúng ông bà tổ tiên. Ðó là một cách nhìn nhận sự hiện diện của kẻ chết trong cuộc sống của những người còn sống. Ðó cũng còn được gọi là văn hóa của niềm tin vào khả năng hóa kiếp trong những sinh linh khác sau khi chết. Nền văn hóa như vậy nói lên rằng kẻ chết và người còn sống vẫn tiếp tục quan hệ với nhau. Người còn sống tiếp tục đặt niềm tin vào sự che chở của những người thân, bạn bè quá cố.

Ðâu là lập trường của người ki tô hữu ? Giáo Hội, trong dòng lịch sử, đã luôn phủ nhận luận đề về thuyết luân hồi. Giáo Hội đặc biệt ở những thế kỷ đầu không quan tâm lắm đến vấn đề kiếp hóa thân, tức sự hội nhập, « sự di chuyển của linh hồn » còn sống sót vào một đối tượng sinh linh khác nào đó. Ðâu là những lí do khiên Giáo Hội không chấp nhận thuyết luân hồi ? Trước hết, đối với những người ki tô hữu đầu tiên, việc hóa kiếp là một ý tưởng ngoại lại, nên xa lạ. Irénée thành Lyon đối lập luân hồi với tính duy nhất của con người vì lí do con người được Thiên Chúa tạo dựng. Ngài cũng đối lập luân hồi với tính cá nhân, nhân phẩm, đặc tính không thể thay thể của thân xác và linh hồn theo Kinh Thánh (Lc 16, 19-31). Ngài loại bỏ ý tưởng về kiếp hóa thân bởi đức tin vào sự sống lại và sự xuất hiện của cá nhân từng người cho việc phán xét. Tertulien thì đề cập đến tính cá thể của linh hồn và vì vậy sự phán xét cuối cùng không hợp với thuyết luân hồi (Apol. 48 ; An. 33). Tertulien xem ý tưởng về việc hồn nhập vào đời sống thú vật là một điều ghê tởm và tai ác (Test. An. 4). Ngài nói về xác phàm chúng ta như là « chị em của Ðức Ki Tô » (Sœur du Christ) : « Xác phàm mà Thiên Chúa làm nên từ đôi tay của Người theo hình ảnh Người, mà Thiên Chúa truyền hơi thở nên giống với sức mạnh của sự sống Người, mà Thiên Chúa thiết lập để ngự trong công trình của Người, hưởng thụ và điều khiển nó, mà Thiên Chúa mặc cho những huyền nhiệm…, xác phàm ấy sẽ không sống lại sao, khi đã bao lần là thuộc về Thiên Chúa ? Ý nghĩ rằng Thiên Chúa có thể bỏ rơi công trình của bàn tay Người cho sự hư vô đời đời chăng, người chị (em) của Ðức Ki Tô… : Ðức Ki Tô yêu mến xác phàm vốn là tha nhân của Người với nhiều danh nghĩa » .

Thế nhưng thế giới đương thời bị cuốn hút hơn bao giờ bởi thuyết luân hồi, kể cả con người tây phương. Johann Baptist Metz và Hermann Haring nói lên tính phức tạp của vấn đề luân hồi vì có nhiều chú giải khác nhau : « Ý tưởng về sự đầu thai lại trong kiếp khác (luân hồi) được biết đến dươí nhiều dạng và giá trị của ý tưởng đó thì đa dạng. Ở Ấn Ðộ ý tưởng đó được sống như một con đường đau khổ, cần biết đó là chu kỳ không bao giờ muốn kết thúc, trong khi đó ở Tây Phương lại xem ý tưởng đó như một sự tiến hóa, như một con đường dẫn đến việc chu toàn con người. Cũng ý tưởng đó, trong các nền văn hóa khác, được xem như là cái dẫn đến sự giao tiếp với những người đã khuất, thì ở Tây Phương lại trở nên một sự tò mò thực sự đáng sợ liên quan đến quá khứ của con người. Giá trị được áp đặt cho thuyết luân hồi liên quan chặt chẽ tới những minh họa về con người và của tính cá nhân của nó, về xác và hồn, về một khái niệm theo chu kỳ của thời gian. Rút cục, sự luân hồi được ăn sâu trong một hình ảnh nào đó về đấng tuyệt đối, dù là im lặng hay hành động, thì vẫn chỉ là một đấng tuyệt đối vô danh hoặc trở nên vị Chúa yêu cách đắm say. Ý tưởng về kiếp luân hồi quá phụ thuộc vào kinh nghiệm của con người… Có lẽ chỉ ai tin ý tưởng đó mới có thể hiểu được nó. Có lẽ ý tưởng về kiếp luân hồi chỉ có thể là điều có thể hiểu được đối với những người ki tô hữu lớn lên trong những nền văn hóa đã thấm nhuần ý tưởng luân hồi. »

V. Sự sống lại và căn tính của con người : đối thoại với Thiên Chúa hay sự tiếp nối thời gian ? Một chủ đề đang bàn luận.

Chủ đề về sự sống lại của kẻ chết làm sinh ra ý tưởng về căn tính. Cái gì làm cho chúng ta thực sự là con người ? Con người chất vấn về chính mình vì con người là ột huyền nhiệm cho chính nó. « Ta là ai ? » Ðức tin ki tô giáo có được câu giải đáp theo ánh sáng từ sự sống lại của Ðức Ki Tô từ kẻ chết. Khẳng định về chiến thắng của sự sống lên sự chết tác động và hình thành nên căn tính của những người ki tô hữu. Căn tính của họ được diễn tả trong sự đối thoại với Thiên Chúa. Chúng ta đã nói đến chiều kích đối thoại theo thần học gia Joseph Ratzinger như là yếu tố cấu thành thiết yếu của con người. Chúng ta chỉ nói thêm ở đây hai gương mặt khác : thánh Âu Tinh và nữ thánh Tê- rê- xa thành Avila. Trong tập Tự Thuật, cả cuộc đời của Âu Tinh là một quãng đối thoại cao độ với Thiên Chúa. Cuộc đời của thánh nữ Tê rê xa có nhiều giai đoạn đối thoại trực tiếp với Thiên Chúa. Trong hai gương mặt đó, căn tính của con người được sống như đối thoại với Thiên Chúa.

Thật vậy, nếu căn tính của con người phải liên quan đến niềm hy vọng vào sự sống lại của kẻ chết, nhưng làm thế nào hiểu cái căn tính đó ? Theo Matthew Lamb, « moị người đều được gọi vào sự hiệp thông và sự liên đới vượt quá những vùng hạn hẹp và chủ nghĩa cá nhân đơn độc. Vì không ai có thể trả lời được câu hỏi « Ta là ai ? » nếu không tính đến những người đã sinh ra mình, những người mình đã và đang sống với. Không ai có thể nói mình là ai mà không nhắc đến những người khác mà con người và tình bạn đã là thành phần làm nên nhân phẩm của mình… Hiểu và biết mọi người sẽ dẫn chúng ta đến với Mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể trong Ðức Ki Tô. Con người đích thực đó là một Ngôi Vị Thiên Chúa. Vì mọi người, kể cả trong tính toàn vẹn, không bao giờ có thể hiểu được cách đầy đủ và có thể biết được hết mình chỉ trong chính con người mà thôi. Là con người, chúng ta ai cũng đến cách tận căn từ một Người Khác, nơi Người đó mình sống, chuyển động và có bản thể. Trong mầu nhiệm sống lại, nhân loại sẽ sống kinh nghiệm về lòng tốt được cứu chuộc cùng toàn thể tạo vật » .

Vậy nhưng, kinh nghiệm của con người thời hiện đại về căn tinh lại đánh dấu một thay đổi khá tận căn đặc biệt với dòng văn chương loại tự truyện. Jean- Jacques Rousseau muốn tách Thiên Chúa ra khỏi con người, đồng thời muốn tự chế tạo cho mình một vị chúa. Lúc này , « Thiên Chúa không còn là một đối tác đối thoại trong cuộc sống con người nữa, nhưng đúng hơn là một người chứng kiến để đánh giá. » Như vậy, vấn đề căn tính chỉ là một hiện tượng phụ. Chính trong bối cảnh đó, thuyết luân hồi lôi cuốn con người xã hội hiện đại, nhất là với khái niệm về « sự tiếp nối của thời gian » trong cuộc sống và não trạng con người. Như vậy, « căn tính đối với con người thời hiện đại dường như gắn kết với sự tiếp nối của thời gian trải dài từ quá khứ đến hiện tại và vào đến tận tương lai » .

Vấn đề chúng ta cần đặt ra là liệu thời gian có phải là vô hạn. Jean Baptist Metz quan tâm đến chủ đề này. Theo ông, ẩn chứa sau sự tranh luận về sự sống lại và thuyết luân hồi là vấn đề thời gian, vì thời gian theo kinh thánh thì có một quãng nhất định. Khái niệm về tính hữu hạn của thời gian trong Kinh Thánh là do khái niệm về thời cánh chung. Trong khi đó, cũng có một khái niệm về thời gian vô hạn trong triết học. Triết gia Nietzsche, với việc kẻ điên cho rằng Chúa chết trong tác phẩm Le Gai Savoir là một trong số họ. Cái chết của Chúa tạo đà cho triết gia có một chiều hướng chú giải như thế này rằng « cái vẫn tồn tại trong những gì diễn ra chính là thời gian » .

Kết luận : Niềm hy vọng sự sống lại của xác phàm, tức của con người toàn vẹn, không chỉ bắt rễ trong truyền thống đức tin vào Thiên Chúa của sự sống, nhưng còn có nguyên do sâu sắc trong cái đã xảy đến với Ðức Giê Su Ki Tô, cần biết đó là sự sống lại. Chúng ta sẽ mở ra một vào hậu quả thần học và đạo đức học.

Niềm hy vọng này phải được hiểu như là một thực tại đối thần, siêu nghiệm vượt quá khả năng tuwongr tưởng của con người. Và vì thế nó cần được đón nhận trong tự do. Niềm hy vọng đó cũng muốn chỉ ra rằng không gì mất đi đối với Thiên Chúa cũng như đối với con người. Thiên Chúa luôn luôn trung tín với những lời hứa thông ban sự sống đời đời, sự sống bất diệt cho chúng ta. Cái chết và sự sống lại của Chúa Giê Su là sự mạc khải về định mệnh cuối cùng và vinh quang tương lai mà Thiên Chúa muốn cho mọi dân. Ðó cũng là sự mạc khải về kiểu mẫu của ý tưởng ki tô giáo về sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa. Chúa Giê Su chết và sống lại chi biết lịch sự của chúng ta tiến đến một đích điểm, một hồi kết, chứ lịch sử cuộc sống chúng ta không phải là một sự xuay tròn mãi mãi không điểm dừng.

Niềm hy vọng ki tô giáo vào sự sống lại là một niềm hy vọng cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ là niềm hy vọng cho một mình ai đó. « Chúng ta thường hay khái niệm sự hy vọng cách cá nhân quá, như thể hy vọng ơn cứu độ là chỉ hy vọng cho một mình ta mà thôi. Vậy nhưng, niềm hy vọng chủ yếu là về những hành động của Thiên Chúa liên quan đến toàn tạo vật. Chúng ta trông chờ ơn cứu độ của cả thế gian. Thực vậy, niềm hy vọng là hy vọng mọi người được cứu độ-, và chỉ khi trong chừng mực tôi được bao hàm trong mọi người thì hy vọng được cứu mới tới tôi. » Cũng theo chiều hướng này, thần học gia Joseph Ratzinger đúc kết phần suy luận về việc sống lại của kẻ chết như sau : « Mục đích của người ki tô hữu không phải để được chúc phúc cho riêng mình, mà là được cùng chúc phúc với mọi người. Là người tin vào Ðức Giê Su Ki Tô, vì thế người tín hữu tin vào tương lại của thế gian, chứ không chỉ tin vào tương lai của cá nhân mình. Nó biết rằng tương lai thì ở ngoài những gì nó có thể thực hiện. Nó biết rằng có một Ý Nghĩa mà nó không có khả năng phá đi. »

Về mặt đạo đức học, đức tin vào sự sống lại có hậu quả đến cuộc sống con người ở hạ thế. Con người được mời gọi sống trọn vẹn cuộc sống ở đời này, không xem thường hạnh phúc trần thế, yêu thương và tôn trọng sự sống thân xác bởi vì thân xác và linh hồn cấu thành con người và có ơn gọi quí giá vào « ngaỳ sau hết » : « Có một ngày sau hết mà định mệnh của mỗi người riêng biệt sẽ được chu toàn, bởi vì lúc đó định mệnh của toàn nhân loại được chu toàn » .


Văn Hào