Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm B

Ga 12, 20-33


Người ta thường ví von: sống kể ngày, chết kể năm. Khi nói đến cái chết người ta không nói đến ngày, tháng năm mà lại nói đến giờ chết. Nói đến giờ chết vì nó xảy ra trong khoảng khắc, trong giờ phút nào đó. Một khi giờ đã điểm không ai có thể chống cự, có cố gắng cũng chỉ dùng máy trợ tim, giúp tim đập với hy vọng bập bùng theo từng nhịp tâm đập. Hy vọng bởi vì không thể dự đoán biến chứng nào sắp xảy đến, phản ứng nào đang rình rập và giờ phút nào là giờ phút giờ đã điểm.

Điều chắc chắn giúp các Kitô hữu vững tin vào Chúa là giờ chết của ta không phải là bị huỷ diệt, tắt ngủm hơi thở là hết, là chết. Theo mạch văn của Kinh Thánh, giờ con người thế gian sợ hãi lại là giờ người Kitô hữu vững tin vào Chúa, làm Vinh Danh Thiên Chúa. Không niềm tin chết là hết, vinh quang tàn lụi. Có niềm tin chết là bắt đầu cuộc sống mới, vinh danh bắt đầu sáng chói. Phải chăng đây chính là giờ mà Chúa Nhật đầu mùa chay nhắc đến trên núi thánh. Áo trắng như tuyết, mặt mày sáng rực như ánh hào quang. Cái chết của người không có niềm tin chính là danh vọng đang có biến mất, chấm dứt. Cuộc đời đổi trắng ra đen. Cái chết của người Kitô hữu trái lại biến đổi đời mình đang từ không danh vọng lại được ban cho danh vọng. Rõ là đang đen ra trắng. Trắng như tuyết, chói lọi như ánh sáng hừng đông vì họ chết trong ánh sáng Đức Kitô, Người là sự sáng đến trong thế gian để ban ánh sáng chói lọi cho những ai tin vào Ngài. Ánh sáng chói lọi này bắt đầu toả sáng khi giờ người đó điểm cũng chính là lúc họ kết hợp, nên một với Đức Kitô để Ngài sống lại vinh hiển thế nào thì chúng ta những người tin theo cũng được sống lại với Người như vậy.

Nói như thế không có nghĩa người Kitô hữu không buồn sầu khi nghe tin người thân qua đời, hay chính mình mang bệnh nan y. Không phải thế, người Kitô hữu không vô cảm đến phũ phàng, vô tình như thế. Đứng trước cái chết dù là của người thân hay cái chết thương tâm của một người chúng ta không khỏi tiếc thương bởi vì đó là dấu hiệu của chia lìa, ngăn cách. Dù là ngăn cách một thời gian cũng là ngăn cách. Chúng ta khóc thương vì gắn bó tình cảm con người bị chia sẻ, vì cảm thấy mất mát dù là mất tạm bợ. Chúng ta khóc thương, đau buồn xúc động vì đó là phản ứng tự nhiên của cảm xúc con người. Cảm xúc đó cần được bộc lộ, diễn tả thể hiện tình yêu chân thành. Bản tính thự nhiên là như thế. Điểm khác biệt là Kitô hữu khóc, thương và nhớ nhưng không bao giờ tuyệt vọng. Trái lại Kitô hữu luôn sống trong hi vọng, hi vọng ngày gặp lại người thân, ngày tái đoàn tụ trên thiên quốc. Ngày mà Đức Kitô diễn tả như hạt lúa mì chết đi để biến thành cây lúa mới với bông lúa vàng trĩu hạt, mỗi hạt vàng ươm, đầy hạt gạo thơm, của mùa thu hoạch tràn đầy niềm vui, hạnh phúc.

Nước không thể bốc hơi nếu nhiệt độ không biến thể lỏng thành thể khí. Gió không lay động cành cây nếu không khí không chuyển động. Chúng ta không tiến vào vinh quang Thiên Chúa nếu không có cảnh chia li giữa ta và trái đất. Giờ phút chia li đó mang lại niềm đau nhưng cần thiết giúp ta trở về với Đấng Sáng Tạo nên ta.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org