Đức Thánh Cha trình bày suy tư về lời cầu nguyện của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Trong buổi triều yết chung hôm 14 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã đề cập đến hình ảnh của Đức Maria, khi Đức Mẹ cầu nguyện cùng các Thánh Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về lời cầu nguyện Kitô giáo, giờ đây chúng ta bắt đầu một chương mới về sự cầu nguyện được nêu trong Sách Tông Đồ Công Vụ và các thư của Thánh Phaolô. Hôm nay tôi muốn đề cập đến hình ảnh của Đức Maria, khi Mẹ cầu nguyện cùng các Thánh Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly trong niềm mong đợi ơn Chúa Thánh Thần. Trong tất cả các biến cố đã diễn ra trong đời Mẹ, từ biến cố Truyền Tin, đến Thánh Giá, và ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Maria được Thánh Luca trình bày như một người phụ nữ luôn chiêm niệm các mầu nhiệm của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô. Tại phòng Tiệc Ly, chúng ta thấy vị thế đặc biệt của Đức Maria trong Giáo Hội, nơi Mẹ là "mẫu mực và gương mẫu xuất sắc trong đức tin và đức ái" (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 53). Là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của Giáo Hội, Mẹ Maria luôn cầu nguyện trong và với Giáo Hội ở mọi thời điểm quyết định của lịch sử cứu độ.

Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ từng khoảnh khắc cuộc sống của chúng ta, và để cho Mẹ dạy cho chúng ta sự cần thiết phải cầu nguyện, để trong tình hiệp nhất yêu thương với Con của Mẹ, chúng ta có thể cầu xin ơn Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên chúng ta và cho Tin Mừng được lan tràn khắp cùng bờ cõi trái đất.

Tôi chào đón nồng nhiệt các sinh viên của Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Lời chào của tôi cũng được gởi đến các giáo xứ và các nhóm học sinh đang hiện diện nơi đây. Tôi cảm ơn dàn hợp xướng đã cất tiếng hát ca ngợi Thiên Chúa. Với tất cả những anh chị em tín hữu hành hương nói tiếng Anh và du khách, bao gồm những người từ Anh, Ireland, Na Uy, Indonesia, Nhật Bản, Canada và Hoa Kỳ, tôi cầu khẩn muôn ơn của Thiên Chúa cho anh chị em niềm vui và bình an.

Buổi đọc kinh Truyền Tin

Trưa Chúa Nhật 11 tháng 3, gần 20 ngàn tín hữu đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng xuân. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài diễn giải ý nghĩa bài Phúc âm kể lại câu chuyện Chúa Giêsu đánh đuổi những người buôn bán súc vật và đổi tiền ra khỏi nơi thánh.

Đức Thánh Cha nói rằng việc Chúa Giêsu đánh đuổi ra khỏi đền thờ Jerusalem những người bán súc vật và đổi tiền được coi như một hành động ngôn sứ tiêu biểu: thực vậy, nhân danh Thiên Chúa, các ngôn sứ vẫn thường tố giác những lạm dụng. Thành ra, sự kiện ấy không gây ra sự đàn áp nào nơi những người bảo vệ trật tự công cộng. Vấn đề nếu có là câu hỏi về quyền bính của Chúa Giêsu. Vì thế người Do thái đã hỏi Chúa “Ông hãy tỏ cho chúng tôi dấu chỉ nào để làm như vậy?”

Việc đánh đuổi những người bán súc vật ra khỏi Đền thờ cũng được giải thích theo nghĩa chính trị-cách mạng, đặt Chúa Giêsu theo chiều hướng của phong trào những người theo phái Zelote. Những người này, vốn là những người “hăng say nhiệt thành” đối với Luật Chúa, và sẵn sàng dùng bạo lực để buộc người ta phải tôn trọng luật Chúa. Vào thời Chúa Giêsu họ mong chờ một Đấng Messia đến giải thoát Israel khỏi sự thống trị của người La Mã. Nhưng Chúa Giêsu làm cho sự mong đợi của họ bị thất vọng, đến độ một số môn đệ đã bỏ Chúa và thậm chí Giuda Iscariote đã phản bội Ngài.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

“Trong thực tế, không thể giải thích Chúa Giêsu như một người bạo lực: bạo lực là điều trái ngược với Nước Thiên Chúa, là một dụng cụ của ma quỷ. Bạo lực không bao giờ phục vụ nhân loại, nhưng chỉ làm cho con người mất nhân tính.”

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi trợ giúp cho nhân dân nước Madagascar bị thiên tai. Ngài nói:

“Anh chị em thân mến, trước tiên tôi nghĩ đến nhân dân yêu quí của nước Madagascar mới bị thiên tai nặng nề, với những thiệt hại trầm trọng về nhân sự, cơ cấu và mùa màng. Trong khi tôi đoan hứa cầu nguyện cho các nạn nhân và những gia đình bị thử thách nặng nề, tôi cầu chúc và khuyến khích sự cứu trợ quảng đại của cộng đồng quốc tế.”

Trận bão Irina và mưa lũ từ hôm 26-2 và kéo dài 1 tuần lễ đã làm cho ít nhất 72 người chết và gần 78 ngàn người bị nạn. Trong số những người bị thiệt mạng có 47 người tại huyện Ifanadiana, cách thủ đô 400 cây số về mạn đông nam. 1.300 nhà bị hoàn toàn phá hủy. Trước đó, trận bão Giovanna ngày 14 tháng 2 đã làm cho 35 người chết, 284 người bị thương và gần 250 ngàn người bị thiệt hại.

Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2012: Tại sao Tòa Thánh nêu bật nhu cầu hỗ trợ cho phụ nữ nông thôn?

Ngày 08 tháng 3 hàng năm là ngày Quốc tế Phụ nữ. Đó là một thời gian để nhận ra những đóng góp của phụ nữ thực hiện cho xã hội và cũng là một thời điểm để xem cần phải có những cải tiến nào để thăng tiến phụ nữ.

Chính vì muốn làm nổi bật vấn đề này, đại diện của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York đã có một bài thuyết trình về những quyền của phụ nữ sống ở nông thôn là các quyền mà không may thường bị bỏ qua.

Trong bài phát biểu của mình, đại diện của Tòa Thánh cho biết những phụ nữ này thường phải làm việc nhiều giờ, mà thường là chẳng được trả công. Họ bị suy dinh dưỡng, thiếu cơ hội tiếp cận với y tế, nước uống, nhưng lại thừa khả năng là nạn nhân của bạo lực, ngay cả khi đang mang thai.

Thông điệp của Vatican được cựu tổng thống Chilê bà Michelle Bachelet nhiệt liệt ủng hộ. Bà hiện đang phục vụ như giám đốc điều hành của UN Women.

Bà Michelle Bachelet nói:

"Họ là những nông dân, các doanh nhân và các nhà lãnh đạo và đóng góp của họ giúp nuôi dưỡng gia đình, cộng đồng, quốc gia và tất cả chúng ta. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với một số bất bình đẳng tồi tệ nhất trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, đất đai và các phương tiện sản xuất khác. "

Mặc dù những thách đố này có vẻ như khó lòng vượt qua nổi, đại diện Vatican nói rằng, những thách đố này cần phải được đề cập đến vì một phần tư dân số thế giới là phụ nữ hoặc trẻ em gái đang sống ở khu vực nông thôn.

Mỗi tháng trong năm, Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho một ý nguyện chung. Trong tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện cho phụ nữ, sao cho sự đóng góp mà họ thực hiện cho sự phát triển của xã hội được công nhận trên phạm vi toàn thế giới.

Đức Giáo Hoàng kêu gọi “một sự bảo vệ hợp lý cho hôn nhân như là một định chế tự nhiên"

Một nhóm các giám mục Hoa Kỳ đã được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tiếp kiến nhân dịp các vị về Rôma viếng mộ các thánh Tông Đồ và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Bày tỏ các quan ngại của ngài về những tấn kích thường xuyên vào định chế hôn nhân và gia đình, Đức Thánh Cha lên án đặc biệt các mưu toan tái định nghĩa lại hôn nhân.

Ngài nói:

"Cần phải đề cập đến xu thế mạnh mẽ về văn hóa chính trị đang mưu toan tìm cách thay đổi định nghĩa pháp lý của hôn nhân. Nỗ lực đầy ý thức của Giáo Hội nhằm chống lại áp lực này mời gọi một sự bảo vệ hợp lý hôn nhân như một định chế tự nhiên bao gồm một phối hợp đặc thù của hai người, bắt nguồn chủ yếu từ tính bổ trợ lẫn nhau của các giới tính và hướng tới việc sinh sản"

Đức Thánh Cha lưu ý rằng "sự khác biệt giới tính không thể bị coi là một điều không liên quan gì đến định nghĩa của hôn nhân".

Thừa nhận rằng hiện nay có nhiều đôi trai gái trẻ tuổi sống chung mà không kết hôn, Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội phải nhận lỗi lầm về phần mình trong việc trình bày giáo huấn cho họ.

Ngài nói:

"Chắc chắn chúng ta phải thừa nhận thiếu sót trong các bài giáo lý của các thập kỷ gần đây, đôi khi chúng ta đã thất bại trong việc thông truyền cho các thế hệ tương lai di sản phong phú của giáo huấn Công Giáo về hôn nhân."

Đức Thánh Cha đã kêu gọi tái xét lại sâu rộng các "chương trình chuẩn bị hôn nhân". Phát biểu về đức khiết tịnh, Đức Thánh Cha nói tính dục cần phải là một nguồn mạch thể hiện tình yêu, tự do, và hạnh phúc.

Đức Hồng Y Quezada Toruño đến tuổi 80. Số cử tri hồng y giảm xuống còn 124 vị

Hôm 10 Tháng Ba, Đức Hồng Y Rodolfo Quezada Toruño đã qua tuổi 80, nghĩa là ngài đã mất quyền bầu Giáo Hoàng. Trong năm 1990, ngài là một trong những trung gian hòa giải chính dẫn đến việc chấm dứt cuộc nội chiến đã tàn phá đất nước của ngài ròng rã suốt 36 năm.

Đức Hồng Y Rodolfo Quezada Toruño, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của tổng giáo phận Guatemala cho biết:

"Chúa Quan Phòng đã cho tôi được làm trung gian hòa giải giữa quân du kích và chính phủ. Tôi tin rằng bất cứ giám mục nào của Guatemala cũng có thể làm tốt công việc này. Điều tôi rất thích là từ lúc hiệp định hòa bình được ký kết đến nay chưa có ai đã từng dính líu đến cuộc chiến đó bị giết”.

Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tấn phong Hồng Y cho ngài vào năm 2003 và hai năm sau đó, ngài đã tham gia bỏ phiếu trong Công Nghị bầu Giáo Hoàng. Sinh nhật lần thứ 80 của Đức Hồng Y Quezada có nghĩa là hiện nay Giáo Hội có 124 Hồng Y có quyền bầu Giáo Hoàng và 88 Hồng Y không còn quyền bầu cử.

Tòa Thánh mời Ca Đoàn Anh giáo đến hát tại đền thờ Thánh Phêrô

Tòa Thánh đã mời Ca Đoàn quan trọng nhất của Anh giáo là Ca Đoàn Tu Viện Westminster đến Vatican để hát cùng với ca đoàn chính thức của Tòa Thánh là Ca Đoàn Sistina. Hai Ca Đoàn sẽ hát chung tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày 29 tháng 6, nhân lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.

Loan báo tin trên hôm 7 tháng Ba, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, nhận xét:

"Đó là một dấu hiệu tốt của phong trào đại kết, đang tiến dần theo hướng trao đổi các truyền thống phong phú về phụng vụ và văn hóa trong thế giới Kitô giáo."

Ca Đoàn Tu Viện Westminster thường hát trong các biến cố trọng thể của Vương Quốc Anh và Hoàng Gia Anh, chẳng hạn như trong đám cưới của Hoàng tử William và Công Nương Kate Middleton vào năm ngoái.

Lời mời ca đoàn Anh giáo này đã được Tòa Thánh đưa ra sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Vương quốc Anh hồi năm 2010. Ý định của Tòa Thánh là muốn cải thiện quan hệ giữa hai Giáo Hội cũng như để kỷ niệm Thánh Phêrô, vị thánh bảo trợ cho cả hai nhà thờ nơi hai Ca Đoàn thường hát.

Trong các ca khúc được hai ca đoàn hát chung sẽ có một số bài thuộc truyền thống Anh Giáo.

Cha Federico Lombardi giải thích:

"Có gì là lạ, bởi vì chúng ta cùng chia sẻ một đức tin Kitô giáo chung, vì thế chúng ta sẽ có những ‘bài hợp xướng’ của Bach mà chúng ta vẫn thường hát trong Giáo Hội chúng ta, và điều này cho thấy những bài hát này thuộc gia sản chung của mọi truyền thống Kitô giáo”.

Hai Ca Đoàn sẽ hợp xướng lần đầu tiên trong buổi hát Kinh Chiều trọng thể tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành ngày 28 tháng 6, và sau đó một lần nữa vào sáng hôm sau tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Để chuẩn bị, hai Ca Đoàn sẽ tham gia một buổi hòa nhạc công cộng trong Nhà thờ Chánh Tòa Westminster ở London vào ngày 06 tháng 5.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và Giáo Chủ Anh Giáo Rowan Williams cùng nhau cầu nguyện tại tu viện San Gregorio al Celio

Chiều thứ Bẩy 10 tháng Ba, Giáo Chủ Anh giáo Rowan Williams đã đến Rôma để cùng tham dự với Đức Giáo Hoàng trong buổi Kinh Chiều tại tu viện và cũng là nhà thờ San Gregorio al Celio nhân kỷ niệm 1.000 năm Dòng Camaldoli ở Ý.

Cùng tham dự với hai vị là các thành viên của Hồng Y Đoàn, cũng như các vị đại diện của Anh giáo.

Hơn 1400 năm trước đây, Thánh Augustinô thành Canterbury đã rời tu viện này cùng với 40 tu sĩ khác để lên đường truyền bá Tin Mừng ở Anh. Do đó, thánh đường này giờ đây là một nơi hành hương cho cả các tín hữu Anh giáo và Công giáo.

Trong buổi Kinh Chiều, Đức Thánh Cha nói:

"Cùng với Đức Tổng Giám Mục Canterbury, là người cùng với chúng ta nhìn nhận tu viện này đã là nơi sinh ra sự liên kết giữa Anh Giáo và Giáo Hội La Mã.”

Đây là lần thứ ba rằng một Tổng Giám Mục Anh giáo đã hiện diện với Đức Giáo Hoàng tại nhà của Thánh Grêgôriô Cả.

Nhân dịp này một thánh giá Celtic bằng đá đã được đưa từ Canterbury sang và được đặt trong đền thờ.

Trong phần đáp từ Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams nói:

"Để được đắm mình trong các cuộc sống bí tích của Nhiệm Thể Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta hàng ngày phải chìm sâu trong chiêm niệm, nếu không, chúng ta không thể thấy nhau rõ ràng, không thực sự nhận ra và yêu thương nhau, và cùng nhau thăng tiến trong một Nhiệm Thể Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền".

Trong buổi sáng thứ Bẩy, hai vị đã có một cuộc họp riêng tại Vatican. Các vị đã thảo luận về mối quan hệ giữa hai Giáo Hội và trao đổi các quà lưu niệm.

Quan hệ giữa hai Giáo Hội đã trở nên căng thẳng sau quyết định của Giáo hội Anh giáo tấn phong linh mục cho phụ nữ, cũng như việc phong chức giám mục cho Gene Robinson, là một người công khai tự nhận là đồng tính, trong chức vụ giám mục Anh Giáo tại New Hampshire, Hoa Kỳ. Quan hệ giữa hai bên càng căng thẳng hơn vào năm 2009, khi Tòa Thánh thông báo cho Anh giáo biết rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ hình thành các giáo hạt Tòng Nhân cho anh chị em tín hữu Anh giáo muốn quay về với Công Giáo trong khi vẫn muốn giữ lại nhiều thực hành phụng vụ truyền thống của họ.

Mặc dù có những khác biệt và còn tồn tại nhiều điểm tranh cãi giữa hai Giáo Hội, các nhà lãnh đạo của cả hai Giáo Hội đã chia sẻ một mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ, gần đây nhất là tại Assisi vào tháng 10 năm 2011 nhân ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình.

Gần đây nhất, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã mời dàn hợp xướng nổi tiếng nhất từ Giáo hội Anh giáo đến hát tại Vatican trong ngày lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.

Đức Hồng Y Fernando Filoni thăm giáo xứ Rôma mới của mình

Khi một giám mục được nâng lên hồng y, ngài nhận được chiếc mũ truyền thống và một chiếc nhẫn. Thêm vào đó, Đức Giáo Hoàng cũng giao phó cho mỗi tân hồng y một giáo xứ tại Rôma để trông nom.

Đức Hồng Y Fernando Filoni, tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, đang sống ngay tại Rôma. Vì vậy, ngài là người đầu tiên trong số các tân hồng y đến nhận giáo xứ hiệu tòa của mình. Đó là giáo xứ Nostra Signora di Coromoto tại San Giovanni di Dio.

Trong buổi lễ, hàng trăm người, bao gồm cả cha sở của giáo xứ, đã chờ đợi bên ngoài để chào đón Đức Tân Hồng Y.

Sau khi vào bên trong nhà thờ, Đức Hồng Y Filoni đã cầu nguyện vài phút trong im lặng trước Nhà Tạm. Sau đó, ngài cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ mới của mình.

Một vị đại diện cộng đoàn, đã đọc sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng giao phó giáo xứ cho Đức Hồng Y. Anh chị em giáo dân đã vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Filoni đã nói về các nhiệm vụ ngoại giao trước đây của ngài tại Hồng Kông, tại Teheran trong cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq. Ngài cũng đã từng làm việc tại Baghdad chỉ vài tháng trước khi Saddam Hussein bị truất phế. Cuối cùng, Đức Hồng Y đã nói về vai trò của mình như là Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giáo cho các dân tộc.

Ngài nói:

"Bây giờ anh chị em biết tôi, do đó không cần phải hỏi, cha là ai? Cha từ đâu đến, cha làm gì? Không còn nói là chúng tôi không biết gì về ngài nữa nhé. Bằng cách này, chúng ta giải thích chúng ta là ai, để thiết lập một mối quan hệ. Chúng ta có thể đi từ chỗ là người xa lạ đến chỗ là bạn bè với nhau, những người có thể đối thoại với nhau được. "

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Hồng Y và anh chị em giáo dân là một buổi lễ rất long trọng, nhưng trên hết đó là một cơ hội cho Đức Hồng Y gặp gỡ các giáo dân mới của mình.

Giáo xứ đã trao tặng cho Đức Hồng Y Filoni một bức hình Đức Trinh Nữ Maria của giáo xứ, gọi là ảnh Đức Mẹ Coromoto. Sau đó, ngài chính thức nhận vai trò mới của mình bằng cách ký tên vào tất cả các tài liệu cần thiết.

Đức Hồng Y nhận xét về buổi lễ này như sau:

"Đó là một ngày tuyệt đẹp bởi vì tôi có thể làm những gì tôi đã làm 40 năm trước, khi tôi sống trong một giáo xứ và làm cha phụ tá. Một lần nữa tôi cảm thấy tình cảm của anh chị em giáo dân, và sự phong phú của tình nhân loại xung quanh tôi, làm cho tôi cảm thấy rất vui. Tôi coi đó là một hồng ân khi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho tôi. "

Ngày hôm đó, Đức Hồng Y đã đặc biệt yêu cầu giáo xứ mới của mình cầu nguyện cho các nhà truyền giáo.

Đức Giáo Hoàng: Tân Phúc Âm Hóa bắt đầu với Bí Tích Giải Tội

Hôm 10 Tháng Ba, hơn 600 linh mục đã tập trung tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican để tham gia một khóa học độc đáo, được tổ chức bởi Tòa Ân Giải Tối Cao. Khóa học này tập trung vào “tiếng nói nội tâm”. Cuối khóa học, các linh mục đã được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến.

Đức Hồng Y Manuel Monteiro di Castro Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao giải thích lý do tại sao khóa học là quan trọng với tất cả các linh mục.

"Chúng ta nhận thức mạnh mẽ rằng Bí tích hòa giải có liên quan trực tiếp đến Tân Phúc Âm Hóa. Đây là một kinh nghiệm dựa trên đức tin nơi ta có thể cảm nhận được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. "

Đức Thánh Cha nói Tân Phúc Âm Hóa trực tiếp đi vào lòng người thông qua tòa giải tội. Trong bí tích này, linh mục là khí cụ của Thiên Chúa để gặp gỡ với con người. Đức Giáo Hoàng cũng giải thích lý do tại sao bí tích hòa giải tăng cường hiệu quả của Tân Phúc Âm Hóa.

Đức Thánh Cha nói:

"Trong ý nghĩa đó, lời xưng thú tội lỗi dẫn một Kitô hữu đến với sự canh tân. Đây là một bước tích cực hướng đến Tân Phúc Âm Hóa. "

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 khẳng định rằng lời xưng thú tội lỗi là 'một cuộc gặp gỡ và ôm ấp với Chúa Kitô. Ngài cũng nói thêm rằng các linh mục có thể cộng tác với rất nhiều anh chị em khi họ tái khởi đầu lại một cuộc sống tinh thần mới.

Tòa Ân Giải Tối Cao đã bắt đầu tổ chức các loại khóa học đặc biệt như thế này từ 23 năm trước.

Cha Cantalamessa nói về Thánh Athanasiô và đức tin vào thiên tính của Chúa Kitô trong bài thuyết giảng Mùa Chay đầu tiên mình cho giáo triều Rôma

Hôm 09 tháng Ba, cha Raniero Cantalamessa đã thuyết giảng trước Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma về câu hỏi do Chúa Giêsu đặt ra: "Còn các con, các con nghĩ Thầy là ai?” Vị Thần Học Gia Phủ Giáo Hoàng đã mạnh mẽ hô hào anh chị em tín hữu và hàng giáo sĩ trong Giáo Hội cần can đảm đạp bỏ đi giả định sai lầm rằng “chúng tôi đã tin điều đó rồi”, ngõ hầu chúng ta có thể tìm kiếm một đức tin chân thực hơn.

Cha Cantalamessa đã gợi lại những giáo huấn của Thánh Athanasiô, là người đã tái khẳng định tín điều về thiên tính của Chúa Kitô. Vị thuyết giảng nói rằng tín điều này là "nền tảng cho hai mầu nhiệm chính của đức tin Kitô giáo: Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể".

Cha Raniero Cantalamessa là một linh mục dòng Capuchin, người trong suốt 32 năm qua đã được giao một nhiệm vụ rất đặc biệt, đó là thuyết giảng cho Đức Giáo Hoàng và giáo triều Rôma.

Cha Raniero Cantalamessa cho biết về công việc của mình như sau:

"Công việc của tôi bao gồm trình bày các bài suy niệm trước một cử tọa gồm Đức Giáo Hoàng, các vị Hồng Y, và các Giám Mục của Giáo Triều Rôma, cũng như các vị bề trên tổng quyền của các dòng tu. Công việc này không kéo dài là cả năm, nhưng chỉ mỗi sáng thứ Sáu hàng tuần trong Mùa Vọng và Mùa Chay."

Năm nay, ngài đã chọn Năm Đức tin là chủ đề cho các bài Suy Niệm Mùa Chay của mình trước Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma. Ngài đã chọn một phương thức trình bày rất độc đáo, bắt đầu với các giáo phụ của Giáo Hội.

Cha Raniero Cantalamessa cho biết thêm:

"Việc thuyết giảng trong Mùa Chay kỳ này là nhằm đóng góp vào năm Đức Tin. Chủ đề năm nay liên quan đến các Giáo Phụ của Giáo Hội như là những thầy dạy đức tin, những chân lý quan trọng nhất trong đức tin của chúng ta. Mùa Chay này tôi sẽ nói về các Giáo Phụ Hy Lạp như là các thầy dạy đức tin, về thần tính của Chúa Kitô, Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần, và kiến thức về Thiên Chúa. "

Thật không dễ dàng gì để thuyết giảng trước Đức Thánh Cha. Đó là một công việc rất tinh tế mà từ năm 1723 đã được giao phó cho Dòng Anh em Capuchin. Tầm quan trọng lịch sử của vai trò này đã không bị mai một trên cha Raniero Cantalamessa.

Cha Raniero Cantalamessa nói:

“Tôi để mình cảm hứng bởi các vấn đề hay những thách đố mà Giáo Hội đang phải đối mặt trong một thời điểm cụ thể và tôi nhìn vào Kinh Thánh để tìm câu trả lời cho những vấn nạn hiện đại."

Bốn bài giảng tiếp theo của Cha Raniero Cantalamessa nhằm giúp tĩnh tâm chuẩn bị lễ Phục Sinh cho Đức Giáo Hoàng và các viên chức tại Vatican. Thêm vào đó, cha Raniero Cantalamessa cũng sẽ giảng trước Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tại Đền Thờ Thánh Phêrô trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Vatican phát hành tài liệu mới trên các nguyên tắc và tiêu chuẩn thần học

Ngày 08 tháng Ba, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã công bố một tài liệu mới được gọi là "Thần học ngày nay: Quan điểm, nguyên tắc và tiêu chuẩn". Tài liệu này được soạn thảo bởi một nhóm các nhà thần học quốc tế tư vấn cho Đức Giáo Hoàng. Cách đây ba năm, một tài liệu của nhóm về đạo đức phổ quát và luật tự nhiên đã được xuất bản.

Theo các tác giả, văn bản mới này "xem xét các vấn đề hiện tại của thần học, đề nghị ra các tiêu chuẩn mà một phương pháp luận thần học Công Giáo cần phải có trong tương quan với các ngành khác có liên quan, chẳng hạn như tôn giáo học".

Tài liệu gồm ba chương mô tả trọn vẹn nội dung vừa nêu. Chương đầu tiên là "Lắng nghe Lời Chúa,". Chương thứ hai là "Giữ gìn tình Hiệp Thông của Giáo Hội", và chương thứ ba là "Trình bày Sự Thật về Thiên Chúa"

Ủy ban thần học quốc tế đã được hình thành sau Công Đồng Chung Vatican II như là một phương thế cụ thể để các thần học gia có thể tiếp tục hỗ trợ các quyết định của Đức Giáo Hoàng. Ủy ban này hoạt động chặt chẽ với Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Từ khi còn là thần học gia trẻ tuổi người Đức Joseph Ratzinger, Đức Thánh Cha đã từng phục vụ nhiều năm trong ủy ban này.

Thủ hiến của bang Lower Saxony trao tặng Đức Thánh Cha một bản sao tác phẩm của Leibniz

Hôm 08 tháng Ba, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tiếp kiến Thủ Hiến bang Lower Saxony, David McAllister. Lower Saxony là bang đứng thứ nhì về phương diện lãnh thổ trong 16 bang của Cộng Hòa Liên Bang Đức. Bang Lower Saxony nằm ở phía Tây Bắc nước Đức cũng là bang đứng thứ tư về phương diện dân số.

Trong buổi tiếp kiến, vị thủ hiến đã trao tặng Đức Thánh Cha một bản sao một tác phẩm của Gottfried Wilhelm Leibniz, là một nhà toán học và cũng là một triết gia Đức.

Đức Giáo Hoàng chào đón con tem với bức họa "Madonna Sistina" của Raphael

Sau buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 7 tháng Ba, Đức Thánh Cha Benedict XVI gặp gỡ Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Wolfgang Schäuble tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican.

Cuộc họp được tổ chức sau đó để giới thiệu các con tem do Ủy Quan Quản Trị Thành Vatican phát hành nhân dịp kỷ niệm 500 năm bức tranh sơn dầu Sistina Madonna của danh họa Raphael.

Cũng trong ngày thứ Tư 8 tháng Ba, một trong những cầu thủ chính trong đội tuyển quốc gia Đức, là tiền đạo Miroslav Klose, đã được Đức Giáo Hoàng tiếp vào cuối buổi tiếp kiến chung. Thư ký của Đức Giáo Hoàng, Đức Ông Georg Gänswein cho Đức Thánh Cha biết là tiền đạo Miroslav Klose đã bắt đầu chơi tại Rôma cho đội Lazio, trước đó Klose ông là tiền đạo cho đội bóng Đức Bayern Munich, là đội bóng ở quê hương Đức Giáo Hoàng.

Mùa xuân Ả Rập: Tại sao một số Kitô hữu đang thất vọng và thậm chí sợ hãi

Mùa xuân Ả Rập đã trao lại quyền lực cho nhân dân, đã đem đến những thay đổi và hy vọng cho một số nước tại Trung Đông. Nhưng các cuộc cách mạng này cũng đã gây ra sự bất ổn, và thậm chí là sự sợ hãi đối với một số người.

"Sợ hãi là chắc chắn rồi. Ở Syria, chẳng hạn, đó là những nỗi lo sợ rằng chính phủ mới sẽ là một chính phủ Hồi giáo áp đặt các luật Sharia theo Hồi giáo, và loại trừ các Kitô hữu trong tiến trình này", Đức Tổng Giám Mục Cyril Salim Bustros của Công Giáo theo nghi lễ Hy Lạp tại Beirut và Byblos cho biết như thế.

Cộng đồng Sant Egidio tại Rôma, đã mời các chính trị gia chủ chốt, các nhà hoạt động và các giáo sư đến nói về quá khứ, hiện tại và tương lai của mùa xuân Ả Rập. Cuộc họp bao gồm những người từ Tunisia, Lebanon, Ai Cập, Syria, Irak và Thánh Địa.

Cha Pierbattista Pizzaballa, hiệp sĩ quản thủ Thánh Địa nói:

"Phong trào Hồi giáo sẽ có một vai trò quan trọng trong việc xây dựng các xã hội trong đó hơn 90% dân số là người Hồi giáo. Vì vậy, chúng tôi phải đối phó với thực tế này và đối thoại là quan trọng bởi vì điều đó sẽ giúp chúng tôi có quan hệ với những người Hồi giáo ôn hòa và đặt sang một bên, các trào lưu Hồi giáo cực đoan."

Trong quá trình chuyển đổi này, có lẽ Ai Cập là nước đã nhận được sự chú ý nhiều nhất của các phương tiện truyền thông. Đặc biệt là sau khi ít nhất 26 Kitô hữu Coptic đã bị thiệt mạng trong tháng Mười Một, trong một cuộc xung đột với quân đội.

Tại Ai Cập, việc một người Hồi giáo cải đạo sang Thiên Chúa Giáo được coi là bất hợp pháp. Báo cáo cho thấy trong quá khứ, một số người đã bị bắt và thậm chí bị đưa vào bệnh viện để buộc quay lại Hồi Giáo.

Ông Sameh Fawzy thuộc diễn đàn đối thoại Bibliotheca Alexandrina của Ai Cập cho biết:

"Chúng tôi cũng đã hình thành được một khuôn khổ pháp lý nhất định, nhằm tổ chức việc cải đạo từ tôn giáo này sang tôn giáo khác."

Việc xây dựng các nhà thờ cũng đã là một điểm gây tranh cãi. Trong nhiều năm, chính phủ hạn chế việc xây dựng các thánh đường - vấn đề đó vẫn còn tồn đọng cho đến nay.

Ông Sameh Fawzy nói tiếp:

"Khi chúng ta nói về mối quan hệ giữa người Hồi giáo và Kitô hữu chúng ta phải áp dụng pháp luật, phải tuân thủ đúng quy định của luật pháp. Các vấn đề liên quan đến xây dựng và tái thiết các thánh đường, hoặc nơi thờ tự nói chung, là một vấn nạn thực sự ở Ai Cập trong nhiều thập kỷ cho nên cần phải tuân theo pháp luật và áp dụng đúng các quy định."

Khi nói đến việc thiết lập thực sự một chính phủ mới, ông Fawzy nói chính phủ ấy phải được hình thành theo ý nguyện của công dân nước đó mà không chịu sự chi phối của ngoại bang.

Ra mắt cuốn phim tài liệu 3 chiều dài 22 phút về lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II.

Đạo diễn Ý ông Italo Moscati vừa cho ra mắt cuốn phim tài liệu 3 chiều dài 22 phút về lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II. Bộ phim của ông "John Paul II, một người khổng lồ", nhìn vào cuộc sống, triều đại giáo hoàng, và lễ phong chân phước cho vị Giáo Hoàng người Ba Lan.

Để hoàn thành bộ phim, Moscati đã hợp tác với Tòa Thánh Vatican và các đài truyền hình Ý. Bộ phim sẽ được chiếu trên kênh Rai HD Ý vào ngày 01 Tháng 4, nhân kỷ niệm lần thứ 7 ngày qua đời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.