Về Bộ Lễ Cầu Hồn Mỹ Sơn

Cha Giuse Nguyễn Ngọc Sinh.

Cha Giuse Nguyễn Ngọc Sinh là linh mục thuộc giáo phận Long Xuyên, và là ấm tử của cha già Phê, linh tông với cha Trọng.

Ngài chính là nhạc sĩ Mỹ Sơn, tác giả của bộ lễ cầu hồn mà hầu như tất cả mọi nguời công giáo Việt Nam khắp thế giới đã biết, đã hát, và đã yêu thích gần nửa thế kỷ qua.

Ngài đã là Tuyên Úy phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Toàn Quốc Việt Nam nhiều năm trước năm 1975.

Ngài còn là một Trưởng Hướng Đạo xuất sắc cùng thời với cha Trần Thái Đức.

Ngài cũng là thầy giáo/cha giáo của tôi trong chủng viện Thánh Emmanuel Phụng, Châu Đốc vào những năm 1960.

Và sau này, Ngài cũng là cha xứ của tôi, xứ Thánh Tâm, kinh 3 B, giáo phận Long Xuyên.

Ngài vừa qua đời tại Pháp, ngày 7 tháng 3 năm 2012

“Nếu mai tôi chết. Trên cõi đời này. Còn ai nhắc tên tôi.

Nếu mai tôi chết. Trên cõi trần này. Còn ai gọi tên tôi….”

Đó là bài hát mà Ngài đã sáng tác lúc ở trong tù Cộng Sản và hay hát xuông(không đàn) cho tôi nghe khi mới ra khỏi khám lớn Rạch Giá năm 1979.

Lúc bấy giờ Ngài đã kiệt sức lắm rồi. Đúng hơn là Cộng Sản đã thả Ngài ra vì sợ Ngài chết rũ tù do bênh lao phổi không được chữa trị. Đựoc cha Giuse Nguyễn Văn Việt bảo lãnh về và tạm trú ở nhà xứ Rạch Giá. Một đêm tôi nghe tiếng gõ trên tường, vội chạy sang thì thấy Ngài như trong cơn hấp hối: một bộ xương cố gắng kìm lại cơn ho để khỏi chảy máu thêm. Tôi xót xa cầm cái loong giugoz bê bết máu. Ngài cố sức: “thầy giúp tôi với, tôi đã đậy lại rồi không bị lây bệnh đâu…”.

Trời ơi, Chúa ơi. Còn đâu hình ảnh một hướng đạo sinh khỏe mạnh nhanh nhẹn với những bằng rừng bằng núi đầy người, đã từng băng đèo lội suối vượt đảo. Một thanh niên tuổi đời mới chỉ 40 mà nằm như bất động.

Còn đâu hình ảnh một thầy giúp chủng viện, lúc nào như cũng nhún nhảy trên đôi chân, ngâm nga một câu hát vừa sáng tác hay một vần thơ vừa nghĩ tới. “Viễn khách ơi chiều nay cảm thấy lạnh rồi phải không…”, “Vui đón hè, nhưng lòng nhớ bạn luyến thầy. Ra đi ngại chân bước… ”

Còn đâu hình ảnh một cha xứ năng nổ, phóng xe honda suốt đầu kênh cuối kênh mua gạch, cát, đá, lá để đổ móng nhà thờ, lợp mái trường học, xây tường nhà xứ… Tất cả cho một xứ đạo nghèo vừa được thành lập trong một vùng mất an ninh.

Ai đã làm cho thầy tôi, cha xứ tôi tàn tạ đến thế này? Tôi vẫn nhớ Ngài nói: “Tớ nhất định không nhận tội vì có tội gì đâu mà nhận…”. Tôi thấy trong Ngài cái nghệ sĩ tính nhưng cũng lại có cái DŨNG của Thánh Nhân.

Giáo dân kênh 3 B hiền lành và chất phát gặp ngay một cha xứ chất phát và hiền lành. Thật vậy, Chúa không dậy: “hãy học cùng ta vì ta ngon lành” nhưng Ngài dậy: ” hãy học cùng ta vì ta hiền lành”. Thêm vào những đức tính ấy nữa là lòng khiêm tốn, tính bình dị, và dễ thương của cha thì còn gì hơn. Thật vậy, trong xứ đạo, ai đến với Ngài cũng được, và đến một cách dễ dàng: già, trẻ, lớn, bé, chức vị, thường dân… Ngài không hề phân biệt đối xử. Không trọng sang khinh hèn. Nhà nào mời cũng vào, nhà nào không mời cũng không phủi bụi chân. Ai cho gì Ngài cũng vui vẻ nhận lãnh: Một củ khoai lang luộc, một nải chuối, một trái dừa… Tất cả đều quí. Nhà Thờ là nhà Chúa. Nhà xứ là nhà Chùa. Ai vào cũng được. Thật thoải mái.

Cha xứ tiên khởi Nguyễn Ngọc Sinh về kênh 3 B không chỉ “coi xứ” mà còn khai hóa và khai sáng giáo dân và đồng bào nữa. Ngài không chỉ đưa giáo lý mà đưa cả văn minh đến cho vùng đất quê này. Ngài về đây, ngoài nhà thờ, cón có trường học, hội quán hướng đạo, phòng tập Vovinam, các lớp ca nhạc, đàn trống, các sinh hoạt giới trẻ. Ngài về đây thì dân mới biết đến danh từ Văn Nghệ…

Vài kỷ niêm về Ngài.

Cha xứ của tôi đã nổi danh, không phải anh hùng xa lộ, mà là “anh hùng đường kênh”. Dân kênh 3 nghèo nên đường xi-măng chỉ to bằng nửa đường xi-măng Kênh 5. Vậy mà cha xứ cứ phóng xe như xa lộ… Tân Hiệp. Rất nhiều heo con, chó con, và gà vịt đã toi mạng vì không chịu tránh đường khi xe Ngài chạy ngang. Một lần đèo bác tôi, lúc ấy đang làm trùm, đi chợ Kênh 8 mua vật dụng làm Hang Đá Giáng Sinh. Về đến nhà xứ, chẳng thấy ông trùm đâu, cha xứ vòng xe lại thì thấy ông trùm đang lóp ngóp dưới sông bò lên vì Ngài lạng ổ gà lám sao và đã quảng ông trùm xuống sông mà không biết.

Một kỷ niệm khác. Trong một thánh lễ chiều, đám con nít bên dưới cứ chỉ trỏ lên bàn thờ rồi khúc khích cười. Cha Sinh bối rối trừng mắt nhìn xuống, chúng im một lát rồi lại cười. Cha lại lúng túng không hiểu gì nên Thánh lễ nhanh hơn mọi khi. Thì ra bố tôi làm trùm đặc trách bàn thờ, mới đi ruộng về, vội quá đã lấy cái bình cá thia thia của em tôi đưa cắm hoa bàn thờ. Con cá được lên bàn thánh cứ nhào lên lộn xuống làm cho bọn con nít khoái chí. Sau thánh lễ cha bảo bố tôi: “ông trùm hại tôi quá. Tôi cứ tưởng mình làm gì sai…”. Thì ra có tật giật mình vì nghe đâu lúc ở trong chủng viện có lần ham chơi, đến giờ chầu, cha Sinh vội quá, khoác đại áo dòng mà không mặc quần dài nên khi đèn bàn thờ sáng lên mà áo dòng thì lại mỏng nên Ngài càng nghiêm trang thì những người gần bàn thờ càng…khúc khích.

Ra khỏi tù, vì căn bệnh hiểm nghèo và vì cần không khí trong lành nên giáo dân Rạch Sỏi đã đưa Ngài sang Pháp và đinh cư ở đó cho đến ngày qua đời.

Lại một người tôi thương mến giã từ cuộc đời.

“Nếu mai tôi chết. Trên cõi đời này. Còn ai nhắc tên tôi…”.

Thưa Cha giáo, còn nhiều người nhắc tên Cha vì những điều tốt lành Cha đã làm cho họ lúc còn sống. Và những điều tốt lành đó đã truyền sang đến thế hệ thứ hai và thứ ba.

Thưa Cha xứ, còn nhiều người gọi tên Cha vì ai cũng có ngày phải về với Chúa. Và ngày đó chắc chắn bộ lễ cầu hồn của Mỹ Sơn sẽ là hương kinh dâng Chúa, sẽ là tấm Visa đưa những người con của Chúa vào Nước hằng sống.

“Chúa là đấng từ bi và nhân hậu…”, xin đưa linh hồn thầy cả Giuse Nguyễn Ngọc Sinh lên chốn nghỉ yên muôn đời. Amen.

Thái Vũ Cali 03/08/2012