CỬ TRI PHÁP BẦU TỔNG THỐNG NĂM 2012

Tối ngày 15.02.2012 (giờ có người xem nhiều nhất), qua màn ảnh truyền hình tư nhân TF1, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã loan báo sự tham gia tranh cử để đồng bào gởi sự tín nhiệm trong cuộc tuyển bầu Tổng thống cho nhiệm kỳ 2012-2017. Đây chỉ là một sự chính thức hóa một sự kiện mà mọi ứng cử viên hay cử tri đều không ngạc nhiên. Sau lời tuyên bố ngắn về việc tái ứng cử của mình, Tổng thống Sarkozy khẳng định ông hành động như vậy là vì trách nhiệm trước nước Pháp. Trong khi quốc gia đang bị khủng hoảng như hiện nay, không ra ứng cử chức vụ Tổng thống Pháp thì có nghĩa ông là một vị thuyền trưởng đào bỏ ‘nhiệm sở’, khi con tàu đang trong cơn dông bão.

Ứng cử viên đảng UMP (Union pour un Mouvement Populaire, Liên minh vì Phong trào Nhân dân) đã giới thiệu khẩu hiệu cho chiến dịch vận động tranh cử của mình là ‘La France forte’ (nước Pháp mạnh).

Ngày 23.08.2011, Hội đồng Tổng trưởng đã ấn định ngày tổ chức Tuyển cử Tổng thống năm 2012 vào ngày 22.04.2012 và 06.05.2012, vòng hai, nếu không có ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối số phiếu hợp lệ ở vòng một.

I. THĂM DÒ DÂN Ý.

Ngày 21.02.2012, kết quả cuộc thăm dò dân ý do Viện thống kê Ipsos cho báo Le Monde và hệ thống truyền hình France Télévisions, thực hiện vào ngày 17 và 18.02.2012, sau buổi mét-tinh đầu tiên tại Annecy, ông Nicolas Sarkozy vẫn ở mức 25% ý định đầu phiếu tại vòng một, một bách phân không thay đổi so với đợt thăm dò dân ý trước thực hiện vào ngày 03 và 04.02.2012. François Hollande cũng vậy ở mức 32% ý định đầu phiếu. Vào vòng hai, ứng cử viên đảng Xã hội vẫn thắng lớn với tỷ lệ 59% so với chỉ 41% cho đương kiêm Tổng thống. Yếu tố bất lợi khác cho ông Sarkozy là tỷ lệ người cho biết sự lựa chọn của họ là chắc chắn đã gia tăng 4%, tức 57% ý định đầu phiếu tại vòng một. Tại vòng hai, 75% số người được hỏi cho biết ý định của họ không thay đổi. Cuộc thăm dò dân ý được tiến hành qua điện thoại với số mẫu của 967 người, đại diện của dân số Pháp từ 18 tuổi trở lên, theo phương pháp hạn ngạch.

Một cuộc thăm dò khác, cùng được thực hiện vào ngày 17 và 18.02.2012, do Viện thống kê CSA công bố ngày 21.02.2012 cho thấy 27% số người được hỏi trả lời dự định bầu phiếu cho ông Nicolas Sarkozy và 28% cho ông François Hollande.

II. CHỨC VỤ TỔNG THỐNG CỘNG HÒA.

Tổng thống Cộng hòa Pháp (Président de la République franẫaise) hay Tổng thống Pháp, vị nguyên thủ quốc gia được tín nhiệm bởi đa số tuyệt đối số phiếu của người dân đất nước này. Với chức vụ này, Tổng thống Pháp kiêm tước vị Đồng Thái tử (Coprince) Công quốc (Principauté) Andorre.

Cộng hòa Pháp đã được lãnh đạo bởi Tổng thống từ năm 1848, dưới thời Đệ Nhị Cộng hòa, đầu tiên tại Aâu châu và thứ nhì trên thế giới, sau Hoa kỳ với Tổng thống George Washington từ 1789. Từ đó đến nay, chức vụ nầy đã được hoàn tất bởi 23 vị.

Khác với Tổng thống ở đa số các quốc gia Âu châu khác, Tổng thống Pháp hành xử thực quyền, nhất là trong vấn đề ngoại giao. Tổng thống là chức vụ cao nhất tại Pháp, nhưng sự đặc biệt tại nước nầy, quyền Hành pháp được phân nhiệm giữa Tổng thống và Thủ tướng.

Tổng thống do quốc dân bầu và Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm, nhưng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội tức được sự tín nhiệm hay cùng màu sắc chính trị với đảng đa số của cơ quan Lập pháp này. Điều khác, Tổng thống không có quyền bãi nhiệm Thủ tướng và chính phủ. Do đó :

1/- Khi Tổng thống và Quốc hội cùng một màu sắc chính trị (xanh dương cho phe hữu, hồng cho đảng Xã hội, đỏ cho Cộng sản và xanh lá cây cho đảng Môi trường, ba đảng này hợp thành phe tả) thì Tổng thống có toàn quyền, Thủ tướng chỉ thực thi chính sách của Tổng thống. Không đồng ý với Tổng thống, Thủ tướng (Premier Ministre), Tổng trưởng (Ministre), Bộ trưởng (Secrétaire d’Etat) từ chức. Đó là tình trạng hiện nay.

2/- Khi Tổng thống và Quốc hội không cùng màu sắc chính trị được mệnh danh là ‘sống chung chính trị’ (cohabitation politique). Trong trường hợp này, quyền của Tổng thống bị giới hạn và Thủ tướng, được sự tín nhiệm của Quốc hội, điều khiển quốc gia, chứ không phải vào quyền có từ Hiến pháp. Do đó, người ta dí dỏm : Président thì présider tức chỉ ‘chủ tọa Hội đồng Tổng trưởng’ (Conseil des ministres, Tổng thống họp với Chính phủ mỗi thứ tư) và Gouvernement có nhiệm vụ gouverner, tức cầm quyền hay điều khiển quốc sự.

Từ 1986 đến 2002, tình trạng này đã xảy ra ba lần :

a- từ 1986 đến 1988. Năm 1981, Tổng thống François Mitterand (đảng Xã hội) đắc cử Tổng thống đã áp dụng một chế độ xã hội với nhiều thủ đắc xã hội (acquis sociaux) như tăng lương tối thiểu, đem tuổi hưu xuống còn 60,… và quốc hữu hóa nhiều xí nghiệp như ngân hàng (quốc hữu hóa có bồi thường theo trị giá kế toán, chứ không như sau ngày 30.04.1975 tại Việt Nam hay kiểu cưởng chế đầm nuôi trồng hải sản ông Đoàn văn Vươn ngày 05.01.2012 tại Tiên Lãng Hải Phòng) làm kinh tế suy giảm nên, trong cuộc tuyển cử Quốc hội ngày 16.03.1986, đảng Rassemblement pour la République (RPR, Tập hợp vì nền Cộng hòa) chiếm đa số tại Quốc hội và ông Jacques Chirac, Chủ tịch đảng này, được mời làm Thủ tướng. Năm 1988, ông Francois Mitterand tái đắc cử Tổng thống. Ông đã giải tán Quốc hội và tổ chức bầu lại vào ngày 05 và 12.06.1988 để đảng Xã hội có đa số tại Quốc hội.

b- từ 1993 đến 1995. Hành pháp và Lập pháp được bầu năm 1988 không làm hài lòng người Pháp, nên khi các Dân biểu Quốc hội mãn nhiệm năm 1993, nhiều người trong họ không được tái bầu khiến Quốc hội được cử ngày 21 và 28.06.1993 với đa số do đảng RPR nắm và Tổng thống Mitterand phải mời ông Edouard Balladur vào chức vụ Thủ tướng. Hai năm sau, ông Balladur thất cử Tổng thống ngay từ vòng đầu ngày 23.04.1995 và trình đơn từ chức cho ông Mitterand ngày 11.05.1995 và xử lý thường vụ đến 18.05.1995 khi ông Jacques Chirac nhậm chức Tổng thống và cử ông Alain Juppé (đương kiêm Tổng trưởng Ngoại giao) vào chức vụ Thủ tướng.

c- từ 1997 đến 2002. Ngày 21.04.1997, chiếu điều 12 Hiến pháp, Tổng thống Chirac giải tán Quốc hội và mời cử tri tham gia đầu phiếu bầu Quốc hội vào ngày 25.05 và 01.06.1997. Kết quả vòng một cho thấy tình hình nguy hiểm khi ông Jean Marie Le Pen quyết định không rút các ứng viên Mặt trận Quốc gia (Front National) trong các đơn vị mà họ có quyền tham gia vòng hai, buộc ông Juppé phải hứa sẽ rời chức Thủ tướng sau cuộc bầu cử vòng hai. Chung cuộc, tả phái đã thắng nhờ Le Pen trong khoảng 30 đơn vị. Do đó, ông Chirac phải mời ông Lionel Jospin (đảng Xã hội) là Thủ tướng và thành lập Chính phủ liên hiệp với hai đảng Cộng sản và Môi trường. Thủ tướng Jospin điều hành quốc sự lấn quyền Tổng thống và đã tuyên bố sẳn sàng chờ sự chế tài của quốc dân vì thành quả ‘tồi’ của ông. Lần đầu tiên thời Đệ Ngũ Cộng hòa, một người giữ chức Thủ tướng trọn 5 năm, có cùng một nhiệm kỳ với Quốc hội.

Lời nói đã thành sự thật. Trong cuộc tuyển cử Tổng thống vòng một ngày 21.04.2002, đến khoảng 13 giờ, Trung ương đảng Xã hội vẫn vững tin ứng cử viên Jospin sẽ vào vòng hai. Nhưng khi các con số thăm dò cử tri vừa đầu phiếu được khai thác cho thấy ông Le Pen về nhì và vào vòng hai với đương kiêm Tổng thống Chirac và đó là kết quả vòng một được loan đi từ lúc 20 giờ. Thủ tướng Jospin từ giả chính trường. Đôi lần, ông ngỏ ý trở lại, nhưng, rất tiếc, không ai… hoan nghinh.

Theo Hiến pháp nước Pháp, Tổng thống cũng có những quyền như các Tổng thống các quốc gia khác như :
- Ban hành các đạo luật ;
- Tham vấn tính hợp hiến của các đạo luật với Hội đồng Hiến pháp (Conseil constitutonnel) trước khi ban hành ;
- Bổ nhiệm các chức vụ quan trọng trong chính phủ ;
- Bổ nhiệm 3 trong số 9 thành viên Hội đồng Hiến pháp, trong đó có Chủ tịch của Hội đồng ;
- Nhận ủy nhiệm thư từ Đại sứ các nước và Đức Sứ thần Tòa Thánh…

III. TIẾN TRÌNH ĐẦU PHIẾU.

Các điều 6, 7 và 58 của Hiến pháp Cộng hòa Pháp ngày 04.10.1958 và Luật tổ chức số 62-1292 ngày 06.11.1962 cùng những sửa đổi lần cuối ngày 20.04.2011.

Từ sau cuộc Trưng cầu dân ý ngày 28.10.1962, Tổng thống được bầu theo thể thức đơn danh trong một cuộc phổ thông đầu phiếu kín và trực tiếp. Nếu không ứng cử viên nào hội đủ đa số tuyệt đối (quá bán cộng một tổng số phiếu bầu biểu thị, phiếu trắng hay bất hợp lệ không tính) ở vòng đầu, vòng nhì sẽ tiến hành giữa hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất, 14 ngày sau vòng đầu. Ở đây, cũng vậy, ứng cử viên đạt đa số tuyệt đối trở thành Tổng thống trong nhiệm kỳ năm nay. Trong thực tế, vòng nhì luôn luôn cần phải có vì không có ứng cử viên nào đạt được hơn 50% tổng số phiếâu bầu biểu thị ngay ở vòng đầu.

Tuy nhiên, tại Guadeloupe, Guyane, Martinique, Saint-Pierre-et-Miquelon, Polynésie thuộc Pháp và trong các Tòa Đại sứ, Tòa Lãnh sự, các vòng đầu phiếu sẽ được tổ chức một ngày trước, tức hai thứ bảy 21.04 và 05.05.2012, nếu có vòng nhì. Các thùng phiếu chỉ được khui vào lúc 20 giờ (giờ Paris) ngày 22.04.2012 và 06.05.2012.

Các kết quả đầu phiếu được công bố bởi Hội đồng Hiến pháp (Conseil constitutionnel) cũng là cơ quan có nhiệm vụ xem xét tính các hợp pháp của cuộc truyển cử.

Nhiệm kỳ I của đương kiêm Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ chấm dứt vào lúc 24 giờ ngày 16.05.2012. Ông đang tái tranh cử một nhiệm kỳ thứ hai và là nhiệm kỳ cuối cùng, nếu được sự tín nhiệm của đồng bào.

(Còn tiếp)