Tổng kết sự kiện quan trọng của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam năm 2011 (tiếp theo)

II. Các bổ nhiệm giám mục và các giám mục qua đời

1. Giám Mục Hưng Hóa và Đà Lạt

Ngày 01/03/2011, Toà Thánh đã công bố việc Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám Mục giáo phận Hưng Hoá, làm giám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt. Đồng thời, ĐTC bổ nhiệm Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, Giám Mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hoá, hiệu toà Tisiduo, làm Giám mục chính toà Giáo phận Hưng Hoá. Thánh Lễ nhậm chức Giám Mục Giáo phận Đà Lạt của Đức cha Antôn Vũ Huy Chương được cử hành tại nhà thờ chính toà Đà Lạt vào ngày 17/03/2011 và Thánh Lễ nhậm chức Giám Mục Giáo phận Hưng Hóa của Đức cha Gioan Maria Vũ Tất đã được cử hành tại nhà thờ chính toà Hưng Hóa vào ngày 22/03/2011.

2. Tân Giám Mục Giuse Nguyễn Tấn Tước

Ngày 14/03/2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám đốc Trung tâm đào tạo ứng sinh linh mục của Giáo phận Phú Cường làm Giám Mục Phó Giáo phận Phú Cường. Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước sinh ngày 22/09/1958 tại Chánh Hiệp, tỉnh Bình Dương, thuộc giáo xứ Mỹ Hảo, giáo phận Phú Cường. Từ năm 1971-1978, ngài học Tiểu Chủng Viện Phú Cường, từ 1980-1988 học Đại chủng viện Phú Cường. Ngài được phong chức linh mục ngày 04/04/1991 và nhập tịch Giáo Phận Phú Cường, sau đó ngài có hơn 6 năm du học tại Pháp. Lễ tấn phong Giám Mục của ngài diễn ra ngày 29/04/2011 tại Nhà Chung Giáo phận Phú Cường với sự hiện diện của 32 giám mục của 26 giáo phận trong nước và Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli. Huy hiệu Giám Mục của Đức Giám Mục Giuse được xây dựng trên khẩu hiệu “ NGÀI PHẢI LỚN LÊN” (Ga 3, 30).

3. Tân Giám Mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long

Ngày 20/5/2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm linh mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Phó Tổng quyền Dòng Phanxicô, làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Melbourne (Úc). Cha Vinh Sơn sinh ngày 03/12/1961 tại Gia Kiệm, Giáo phận Xuân Lộc. Năm 1983, anh Long gia nhập Dòng Phanxicô và khấn tạm ngày 08/12/1984. Khấn trọn đời ngày 14/01/1989 và được thụ phong linh mục ngày 30/12/1989. Sau đó, ngài được gửi sang Rôma du học tại trường Giáo hoàng học viện St. Bonaventura và được cấp bằng về Kitô học và Linh đạo. Năm 2005, Cha Long được bầu làm Bề trên Tổng Quản Dòng Phanxicô tại Úc, từ năm 2008, Cha được chọn sang Roma làm Phó Tổng Quyền của Nhà Dòng, đặc trách về Á châu và Đại Dương Châu. Lễ phong chức Đức Tân Giám Mục được cử hành ngày 23/06/2011 tại nhà thờ chính tòa Melbourne, Úc.

Tin tức về việc bổ nhiệm này đã lan truyền nhanh chóng trong các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Úc Châu và trên toàn thế giới. Trên khắp mạng lưới truyền thông người ta bắt gặp một cái tít đầy ấn tượng: “Từ thuyền nhân trở thành Giám Mục Melbourne”, vì ngài đã trốn thoát cộng sản vào năm 1980 ở tuổi 18 khi thấy không có chút hy vọng trở thành linh mục tại Việt Nam. Phó thác hoàn toàn vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa, ngài bỏ lại tất cả sau lưng, ra đi trên một chiếc thuyền mong manh đầy những người đi tìm tự do. Huy hiệu của Đức Giám Mục Vinh Sơn được xây dựng dựa trên Khẩu hiệu "DUC IN ALTUM" tiếng La-tinh nghĩa là "Hãy ra khơi!" (Lc 5:4)

4. Năm 2011 có 3 giám mục được Chúa gọi về:

- Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Tích Đức, Nguyên Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột qua đời ngày 23/05/2011, hưởng thọ 73 tuổi, 44 năm linh mục (1967-2011), 11 năm giám mục (2000-2011).

- Đức giám mục Giuse Trịnh Chính Trực, nguyên Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột qua đời ngày 23/09/2011, hưởng thọ 86 tuổi, 57 năm Linh mục (1954-2011), 30 năm Giám mục (1981-2011).

- Đức giám mục Alexis Phạm Văn Lộc, Nguyên Giám Mục Giáo phận Kon Tum, qua đời ngày 17/11/2011, hưởng thọ 92 tuổi, với 60 năm linh mục (1951-2011) và 36 năm Giám Mục (1975-2011).

5. Số giám mục Việt Nam hiện nay là 49 vị, bao gồm: 32 giám mục đang coi sóc giáo phận, 13 giám mục nghỉ hưu, 4 giám mục hải ngoại. Các vị Giám Mục hải ngoại gồm:

- Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, hiệu tòa Rusticiana, được bổ nhiệm Tổng Giám Mục ngày 25/11/2002, hiện nay là sứ thần Tòa Thánh tại Costa Rica.

- Đức Cha Đa Minh Mai Thanh Lương, hiệu tòa Cebarades, được bổ nhiệm làm Giám Mục ngày 25/04/2003, hiện là Giám Mục Phụ tá Giáo phận Orange, bang California, Hoa Kỳ.

- Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, hiệu tòa Ammaedara, được bổ nhiệm làm Giám mục ngày 06/11/2009, hiện là Giám mục Phụ tá Giáo phận Toronto, Canada.

- Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, hiệu tòa Thala, được bổ nhiệm làm Giám mục ngày 20/05/2011, hiện là Giám mục Phụ tá Giáo phận Melbourne, Úc.

III. Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam

Ngày 13/01, ngay khi được bổ nhiệm là Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã gửi cho Đức Hồng y Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn bức thư “để diễn tả niềm vui sâu xa của tôi đối với sứ vụ mới” và đoan chắc “sẵn sàng phục vụ và cộng tác vì ích lợi của Giáo Hội”, “là khí cụ hiệp thông giữa các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Hội Thánh, cũng như giữa đồng bào Việt Nam”.

Từ khi được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã thi hành sứ vụ này với những chuyến viếng thăm mục vụ Giáo Hội Việt Nam một cách đều đặn. Tổng cộng, Đức TGM Girelli đã đến Việt Nam 5 lần và đã đặt chân đến tất cả 26 giáo phận của Việt Nam:

Trong cuộc viếng thăm lần thứ nhất từ ngày 18/04/2011 đến ngày 01/05/2011, ngài đã đặt chân đến 7 giáo phận, gồm Tổng giáo phận Hà Nội, Tổng giáo phận Sài Gòn và 5 giáo phận khác thuộc giáo tỉnh Sài Gòn (Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, Xuân Lộc và Phú Cường), gặp gỡ và trao đổi với hầu hết các giám mục tại Việt Nam vì đây là dịp Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Hội nghị thường niên, với đông đảo linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân. Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã tham dự và cử hành Tuần Thánh tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, tham dự Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục, dự nghi lễ đặt viên đá đầu tiên cho Trụ sở của HĐGM VN tại Sài Gòn, dự lễ tấn phong Đức Giám mục phó Giuse Nguyễn Tấn Tước tại Nhà Chung giáo phận Phú Cường...

Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã trở lại Việt Nam lần thứ hai để thi hành sứ vụ của ngài từ ngày 05 đến 16/06/2011 tại 5 giáo phận thuộc giáo tỉnh Hà Nội: Bắc Ninh (5-7/6); Lạng Sơn (7-9/6); Hải Phòng (9-12/6); Bùi Chu (12-15/6) và Thái Bình (14-16/6).

Trong lần thứ ba đến Việt Nam từ ngày 03 đến 16/09/2011 Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam viếng thăm mục vụ các giáo phận thuộc giáo tỉnh Huế của Giáo hội Việt Nam: Huế (3-5/9); Đà Nẵng (5-7/9); Quy Nhơn (7-9/9); Kon Tum (9-12/9); Ban Mê Thuột (12-14/9) và Nha Trang (14-16/9). Lần này, ngài đã thăm các Trung tâm hành hương: Trung tâm Thánh Mẫu La Vang (Tổng giáo phận Huế), Đền thánh Anrê Phú Yên, Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu (giáo phận Đà Nẵng) và Đức Mẹ Măng Đen (giáo phận Kon Tum).

Một sự kiện đáng lưu ý khi ngài đến thăm Giáo phận Kontum, theo lịch trình, ngày 09/09/2011, Đức Tổng Giám Mục Girelli và phái đoàn sẽ ngủ qua đêm tại nhà thờ Pleichuet, thuộc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai nhưng chính quyền nhất quyết từ chối dù Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Giám Mục Kontum, đã bảo đảm tăng cường bảo vệ an ninh, không cần chính quyền bận tâm. Khi ĐTGM đi viếng Ðức Mẹ Măng Ðen, công an Kontum đã ngăn chặn giáo dân đi theo, gây rối loạn giao thông. Nhiều giáo dân phải tìm đường vòng, băng đường tắt để được đi. Những người khác đã phải tranh luận với công an, để đòi quyền đi lại của công dân.

Lúc 17:30 chiều ngày 10/09/2011, Đức TGM đã đến chào thăm UBND tỉnh Gia Lai. Sau khi nghe nội dung phát biểu của ông Đào Xuân Liên, phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai toàn tuyên truyền chính sách, đường lối của Đảng, Đức TGM Leopoldo đã lịch sự đáp lời và cám ơn đại diện chính quyền tỉnh Gia Lai. Trước khi kết lời, ngài đã đề nghị chính quyền cần quan tâm đến nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Tại Giáo Phận Nha Trang, ĐTGM Girelli được đón tiếp long trọng tại Quảng trường Ave Maria, Nhà thờ Chính toà Nha Trang. Cũng cần nói thêm, Quảng trường Ave Maria được xây dựng kéo dài trong nhiều năm vì bị chính quyền ngăn cản, làm khó dễ. Trong dịp Giáng Sinh vừa qua, cũng có tin là chính quyền không cho tổ chức Lễ Vọng Giáng Sinh ở Quảng Trường, tuy nhiên, có lẽ do sức ép của dư luận, cuối cùng Thánh Lễ cũng đã được tổ chức long trọng ngoài Quảng Trường.

Các giáo phận trong chương trình thăm viếng lần thứ tư của Đức Tổng Giám Mục Girelli đến Việt Nam từ ngày 02 đến 14/10/2011 gồm: Long Xuyên (2-3/10), TP. HCM (3-7/10), Bà Rịa (8-9/10), Phan Thiết (10-11/10) và Đà Lạt (12-14/10). Như vậy trong 4 lần đến Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Girelli đã đến thăm 21 trong 26 giáo phận của Giáo Hội Việt Nam.

Chương trình viếng thăm mục vụ lần thứ năm của Đức TGM Girelli bao gồm các giáo phận thuộc giáo tỉnh Hà Nội: Hưng Hóa (25-28/11), Phát Diệm (28-30/11), Thanh Hóa (1-3/12) và Vinh (3-6/12). Ngoài ra trong dịp này, Vị Đại diện Tòa Thánh cũng tham dự lễ kỷ niệm 75 năm thành lập giáo phận Thái Bình - đồng thời mừng thượng thọ bát tuần Đức cha Phanxicô Xaviê nguyên giám mục giáo phận (ngày 1/12) và Thánh lễ cung hiến và công bố tước hiệu tiểu Vương cung thánh đường cho nhà thờ Sở Kiện, Tổng giáo phận Hà Nội (ngày 8/12).

Một điều đáng lưu ý là ngay trước khi ĐTGM Girelli đến thăm Giáo phận Vinh, nhà cầm quyền đã tấn công Giáo điểm Con Cuông (30/11) và Giáo xứ Mỹ Lộc (22/11) của Giáo phận Vinh.

Qua 5 lần đến thăm Việt Nam Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã thăm khắp các giáo phận của Việt Nam, hy vọng rằng ngài đã hiểu hiện tình Giáo Hội Việt Nam và có phương thế giúp đỡ cho Giáo Hội phát triển vững mạnh và vượt qua những khó khăn để sống chứng tá theo Giáo huấn của Giáo Hội.

IV. Tranh đấu cho tài sản của Giáo Hội, đấu tranh vì sự thật: những áp bức bách hại

1. Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, Sóc Trăng

Ngày 25/06/1976, Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, Tỉnh Dòng Việt Nam cho nhà nước mượn nhà, đất cô nhi viện thuộc Tu viện Dòng Chúa Quan Phòng, nhưng sau khi mượn được cô nhi viện, nhà nước lại yêu cầu Dòng cho mượn luôn một phần đất và vật kiến trúc khác của Dòng Chúa Quan Phòng là khu A, B, C, D, E: nhà nước sử dụng tầng dưới còn tầng trên nhà dòng đang ở thì vẫn được sử dụng bình thường. Việc nhà nước sử dụng 05 khu nhà đất này từ trước đến nay không có quyết định hay giấy tờ nào của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, Tỉnh Dòng Việt Nam cũng không cho hay hiến tặng bằng bất cứ hình thức nào.

Ngày 23/02/2010 Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, Tỉnh Dòng Việt Nam nhận được quyết định số 01/QĐKN-CTUBND ngày 19/01/2010 của Chủ tịch UBND Tỉnh Sóc Trăng bác bỏ đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Rỡ, địa chỉ số 190 đường Tôn Đức Thắng Khóm 2, Phường 8, Thành Phố Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng vì cho rằng không có cơ sở. Trong khi nhà dòng vẫn còn đang tiếp tục khiếu kiện thì ngày 07/10/2010 chính quyền lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường tiểu học phường 8, thành phố Sóc Trăng nằm ngay giữa khuôn viên Tu Viện và dính liền với các dãy nhà khác.

Ngày 23/01/2011, Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã đến thăm Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, tại tỉnh Sóc Trăng (trực thuộc Giáo phận Cần Thơ). Chuyến viếng thăm này của Đức cha chủ tịch mang ý nghĩa quan trọng đối với hồ sơ khiếu kiện vụ việc nhà và đất của Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, tiếp theo sau văn thư số 02/ST-UBCL-HB ngày 23/12/2010 của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình gửi Chủ tịch UBND và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, cho đến nay, vụ việc Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, tại tỉnh Sóc Trăng gần vẫn chưa có tin tức gì sáng sủa. Xin lưu ý thêm là Phó Thủ Tướng Đức Philipp Roesler đã có thời thơ ấu sống trong cô nhi viện của Dòng Chúa Quan Phòng Portieux Sóc Trăng.

2. 49 Giáo dân Cồn Dầu đã được UNHCR cấp quy chế tị nạn

Theo tin của Uỷ ban cứu trợ thuyền nhân vượt biển, một số đồng bào người Việt tại giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng, Việt Nam xin tị nạn tại Thái Lan đã được văn phòng Cao Uỷ về người tị nạn (UNHCR) tại Bangkok cấpquy chế tị nạn.

Trong số 55 người Cồn Dầu xin tị nạn, hiện đã có 39 trường hợp đã được nhận quy chế tị nạn ngày 26/04/2011. Còn lại 9 người đến sau chưa làm xong thủ tục phỏng vấn. Việc 39 người Cồn Dầu được cấp quy chế tị nạn vì lý do bị đàn áp tôn giáo đã cho cả thế giới biết rằng: Hiện nay ở Việt Nam, nhà cầm quyền tiếp tục ngang nhiên vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo. Bởi vì trongquá trình phỏng vấn và điều tra trường hợp cụ thể của nhóm tị nạn Cồn Dầu, UNHCR đã tìm được các bằng chứng nhà nước Việt Nam Cộng Sản hôm nay vẫn chà đạpnhân quyền, ngăn cấm quyền tự do tín ngưỡng của người dân.

3. Tu Viện Kín Camêlô - 72 Nguyễn Thái Học - Hà Nội

Ngày 20/05/2011, Tòa TGM Hà Nội đã gửi Đơn Khiếu Nại Khẩn Cấp do Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ký ngày 16 tháng 05 năm 2011 đến Sở Y Tế Hà Nội, Bệnh Viện Xanh Pôn (Saint Paul), và các cấp chính quyền liên hệ. Dòng Thánh Phaolô cũng đã gửi Đơn Khiếu Nại khẩn cấp đến các cấp chính quyền về Tu Viện Kín Camêlô.

Ngày 27/05/2011, Tòa TGM Hà Nội nhận được văn thư trả lời của Văn Phòng Thành Ủy Hà Nội hứa xem xét và giải quyết về vụ việc khiếu nại của Tòa TGM Hà Nội. Ngày 30/05/2011, TTGM Hà Nội nhận được văn thư của UBND TP Hà Nội ký ngày 27/05/2011, gửi Thanh Tra Thành Phố và Ban Tôn Giáo Thành Phố, “kiểm tra đơn, có ý kiến đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo xem xét, trả lời ông Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và các Nữ tu Dòng Phaolô Hà Nội theo qui định của pháp luật”. Thế nhưng ngày 31/05/2011, công ty xây dựng vẫn tiếp tục phá hủy tường và mái của tòa nhà Tu Viện Kín có Thánh Giá. TTGM Hà Nội đã gửi đơn khiếu nại khẩn cấp lần thứ 2. Từ đó đến nay, xem như TTGM Hà Nội và các nữ tu bất lực trước vụ chính quyền phá sập và chính thức cưỡng chiếm tòa nhà của Dòng Thánh Phaolô cho mục đích của họ.

4. Thanh niên Công Giáo bị bắt, đa số vì tội hoạt động lật đổ chính quyền (điều 79 Bộ Luật Hình Sự)

Nhà nước Việt Nam đã gia tăng các biện pháp đàn áp và sách nhiễu các thanh niên Công Giáo, rất nhiều các vụ bắt bớ theo kiểu “bắt cóc” đã diễn ra trong tháng Bảy và tháng Tám năm nay. Những thanh niên Công Giáo bị bắt là những người rất tích cực trong các sinh họat của nhà thờ và các họat động từ thiện như Hội Doanh Trí, ứng viên của Chủng viện Vinh Thanh, hoạt động thông tin, tham gia viên của các buổi thắp nến cầu nguyện cho Công Lý, Sự Thật và Hòa Bình, là những người tuần hành ôn hòa để chống Trung Quốc Xâm Lược, thành viên của Hội Gioan Phaolô II Bảo Vệ Sự Sống, cộng tác viên của Truyền Thông Sự Thật, và thành viên của Nhóm Ve Chai. Dưới đây là danh sách những người bị bắt giữ một cách bất công:

1. Anh Fx Đặng Xuân Diệu, 34 tuổi, doanh nhân Công Giáo, Hạt Nhân Hòa - Giáo Phận Vinh bị bắt tại Sài Gòn, ngày 30/7/2011, Bị cáo buộc với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền (điều 79); Hiện bị giam tại trại B14, Thanh Trì, Hà Nội, Cộng tác viên Truyền thông Chúa Cứu Thế.

2. Anh Pet Hồ Đức Hòa, 37 tuổi - nhà hoạt động Công Giáo, Hạt Thuận Nghĩa - Giáo Phận Vinh, bị bắt tại Sài Gòn, ngày 30/7/2011, Bị cáo buộc với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền (điều 79). Hiện bị giam tại trại B14, Thanh Trì, Hà Nội.

3. Anh Gioan Nguyễn Văn Oai, 31 tuổi - thanh niên Công Giáo, Hạt Thuận Nghĩa - Giáo Phận Vinh, bị bắt tại TPHCM, ngày 30.7.2011, Bị cáo buộc với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền (điều 79), Hiện bị giam tại trại B14, Thanh Trì, Hà Nội.

4. Anh Pet Trần Hữu Đức, 23 tuổi - thanh niên Công Giáo, Hạt Vạn Lộc - Giáo Phận Vinh, bị bắt tại Hà Nội, ngày 02/08/2011, chưa biết bị bắt vì tội gì. Hiện bị giam tại trại Nghi Kim, Nghệ An.

5. Anh Antôn Đậu Văn Dương, 25 tuổi - thanh niên Công Giáo, Hạt Vạn Lộc - Giáo Phận Vinh, bị bắt tại Nghệ An, ngày 02/08/2011, chưa biết bị bắt vì tội gì. Hiện bị giam tại trại Nghi Kim, Nghệ An, cựu học viên Truyền thông Chúa Cứu Thế.

6. Anh Antôn Chu Mạnh Sơn, 22 tuổi - thanh niên Công giáo, Hạt Đông Tháp - Giáo Phận Vinh, bị bắt tại Nghệ An, ngày 03/08/2011, chưa biết bị bắt vì tội gì. Hiện bị giam tại trại Nghi Kim, Nghệ An; Cựu học viên Truyền thông Chúa Cứu Thế;

7. Anh Paulus Lê Văn Sơn (Paulus Lê Sơn), 26 tuổi, thanh niên Công Giáo, bị bắt tại Hà Nội, ngày 03/08/2011, Bị cáo buộc với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền (điều 79). Hiện bị giam tại trại B14, Thanh Trì, Hà Nội. Anh là phóng viên Truyền thông Chúa Cứu Thế.

8. Anh Nông Hùng Anh, 23 tuổi - thanh niên Tin Lành, bị bắt tại Hà Nội, ngày 05/08/2011. Bị cáo buộc với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền (điều 79). Hiện bị giam tại trại B14, Thanh Trì, Hà Nội.

9. Anh JB Nguyễn Văn Duyệt, 31 tuổi - thanh niên Công Giáo, Hạt Thuận Nghĩa - Giáo Phận Vinh bị bắt tại Nghệ An, ngày 07/08/2011. Bị cáo buộc với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền (điều 79). Hiện bị giam tại trại B14, Thanh Trì, Hà Nội; Cộng tác viên Truyền thông Chúa Cứu Thế.

10. Anh Phêrô Nguyễn Xuân Anh, 29 tuổi - thanh niên Công Giáo, Hạt Cầu Rầm - Giáo Phận Vinh, bị bắt tại Nghệ An, ngày 07/08/2011. Bị cáo buộc với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền (điều 79). Hiện bị giam tại trại B14, Thanh Trì, Hà Nội.

11. Anh Thái Văn Dung, 23 tuổi - thanh niên Công Giáo, bị bắt tại Hà Nội, ngày19/08/2011, bị cáo buộc với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền (điều 79), hiện bị giam ở B14, Thanh Trì, Hà Nội, cựu học viên của Truyền thông Chúa Cứu Thế.

12. Anh Paul Trần Minh Nhật (Paul Minh Nhật), 23 tuổi - thanh niên Công Giáo, bị bắt trong trường đại học tại Sài Gòn, ngày 27/08/2011, bị cáo buộc với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền (điều 79), đang bị tạm giam ở 237 Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TP.HCM. Cộng tác viên của Truyền thông Chúa Cứu Thế.

13. Anh Hồ Văn Oanh, 26 tuổi - thanh niên Công Giáo, bị bắt tại Sài Gòn ngày 27/8/2011. Bị cáo buộc với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền (điều 79), đang bị tạm giam ở 237 Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TP.HCM. Cựu học viên của Truyền thông Chúa Cứu Thế.

14. Chị Tạ Phong Tần, 43 tuổi - blogger, bị bắt tại Sài Gòn, ngày 05/09/2011; Hiện bị tạm giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, chưa rõ tội danh cáo buộc, Cộng tác viên của Truyền thông Chúa Cứu Thế.

15. Anh Trần Vũ Anh Bình, 37 tuổi - giáo dân và ca viên xóm 7, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - DCCT Sài Gòn. Người nhiệt thành phục vụ Chúa qua lời ca tiếng hát, tham gia các hoạt động bác ái, từ thiện, đã bị bắt ngày 19/09/2011, tại gia đình ở hẻm 14 đường Kỳ Đồng.

Vào những ngày cuối năm, theo tin của Truyền Thông Chúa Cứu Thế, khoảng 4 giờ chiều ngày 24/12/2011, công an TP. Vinh đã xâm nhập nhà ông Khoa ở xóm 7, phường Nghi Phú, TP. Vinh để bắt anh Phêrô Nguyễn Đình Cương, một thanh niên Công giáo hoạt động tích cực trong giáo xứ Yên Đại và Trung tâm Bảo vệ Sự sống Gioan Phaolô 2.

Tương tự như thế, 10 giờ sáng ngày 29/12/2011, anh G.B. Hoàng Phong, ngụ tại Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị một nhóm người lạ mặt lừa ra bưu điện huyện Quỳnh Lưu và bắt cóc anh đưa đi đâu không ai biết. Sau đó, công an gọi điện về cho gia đình anh và xác nhận họ đã bắt anh. Hồi tháng 8/2011, anh cũng đã từng bị bắt và được thả ra.

5. Giáo dân Cầu Rầm phản đối chính quyền cướp đất

Lúc 8h30 ngày 07/08/2011, sau thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Cầu Rầm, gần 5.000 giáo dân giáo hạt Cầu Rầm đã xuống đường tuần hành nhằm phản đối quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về việc lấy khu đất nhà thờ Cầu Rầm cũ làm nơi xây dựng đài tưởng niệm liệt sỹ, công viên công cộng… Cuộc tuần hành xuất phát từ nhà thờ Cầu Rầm trên quãng đường 7km tới Thạch Đài Đức Mẹ Lộ Đức tại giáo xứ Yên Đại. Nguyên do là ngày 27/07/2011 của UBND Tỉnh Nghệ An gửi công văn một chiều đơn phương thông báo lấy khu đất Nhà thờ Cầu Rầm có từ thế kỷ XIX sau nhiều lần bán đi bán lại cho tư nhân.

Ngày 09/09/2011, hơn 1000 giáo dân đã bất ngờ kéo đến trụ sở UBND TP để yêu cầu làm việc, nhưng chính quyền đùn đẩy quanh con và cuối cùng hẹn làm việc vào ngày 12/09.

Từ 6h sáng ngày 12/09/2011, hàng ngàn giáo dân Cầu Rầm tiếp tục kéo đến trụ sở tiếp dân - UBND TP Vinh nhằm biểu dương tinh thần đoàn kết, đồng thời yêu cầu chính quyền trả lời dứt khoát về tương lai khu đất của nhà thờ Cầu Rầm đang bị cưỡng chiếm phi pháp. Lần này 12 người đại diện cho giáo dân được vào làm việc với lãnh đạo TP và kết quả buổi làm việc lần này là lại "hẹn" và "khất". 9h30 tất cả giáo dân đã cùng nhau về nhà thờ, cha quản hạt cầu rầm F.x Hoàng Sĩ Hướng đã gặp giáo dân để động viên tinh thần và kêu gọi giáo dân cùng hiệp thông với nhau, để cầu nguyện cho công lý - hòa bình.

6. Nhà nguyện giáo điểm Con Cuông bị tấn công

Vào khoảng quá nửa đêm 30/11/2011, lúc 0 giờ 30, hai kẻ lạ mặt đã đi xe máy đến ném mìn vào Nhà nguyện Giáo điểm Con Cuông, thuộc giáo xứ Quan Lãng, hạt Bột Đà, Giáo phận Vinh. Quả mìn tự chế đã làm hỏng trần nhà, cửa sổ và nền nhà nguyện. Đây là lần thứ hai, sau đợt gây rối lúc 2 giờ chiều ngày 13/11/2011, khi Lm. Phạm Ngọc Quang và Lm. Nguyễn Đình Thục đang dâng lễ, một nhóm khoảng 300 người đã được huy động kéo đến tụ tập trước cửa nhà nguyện, dùng loa phóng thanh công suất cao hô khẩu hiệu đả đảo, dùng còi báo động, đánh trống gây náo động, chửi bới linh mục, giáo dân, ném đá vào nhà nguyện… gây cản trở không cho linh mục và giáo dân cử hành thánh lễ. Những hành động này, một lần nữa đã cho chúng ta thấy tính cách công khai, trắng trợn của những người muốn chống phá Giáo Hội.

7. Nhà cầm quyền tấn công Giáo xứ Mỹ Lộc

Ngày 22/11/2011, Giáo xứ Mỹ Lộc, thuộc Giáo hạt Văn Hạnh, GP Vinh nằm ở Xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh bị tấn công nhân lúc linh mục đi tĩnh tâm, nhà cầm quyền đã cho nhóm côn đồ tấn công giáo dân bằng nhiều cách, họ đã ném đá, đánh đập giáo dân, và hậu quả là khoảng 7-8 người bị trọng thương phải đi cấp cứu và nhiều người khác bị thương tích, trong đó có 1 người bị hôn mê.

Trước đó, lợi dụng việc đào mương thủy lợi do xã đào nếu đi thẳng theo tuyến thì sẽ không đụng đến Nhà xứ mới xây, nhưng đến khu vực gần nhà xứ đã bị bẻ cong, do vậy sẽ đi sát móng nhà xứ, Ban hành giáo đã đề nghị UBND xã cho đào thẳng để không ảnh hưởng đến Nhà xứ và ngăn cản suốt một tuần. Trong khi đó, nhà cầm quyền còn thâm độc hơn khi dùng loa phát thanh của xã để rêu rao cha xứ và giáo dân giáo xứ đang âm mưu chiếm đoạt đất đai của nhà nước.

Trước sức ép của truyền thông khi những hình ảnh đàn áp được truyền đi, ngày 26/11/2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Minh Kỳ, đã chỉ thị cho chính quyền xã Bình Lộc phải cải chính công khai trên phương tiện truyền thông về nội dung buổi phát thanh sáng ngày 16/11/2011 là, đã dùng những lời lẽ xúc phạm đến linh mục quản xứ và giáo dân giáo xứ Mỹ Lộc, xuyên tạc sự thật dẫn đến sự hiểu nhầm giữa người lương dân đối với giáo dân… Nhưng đó cũng chỉ là chiêu xoa diệu dư luận vì chính quyền xã Bình Lộc đã không thực hiện lệnh trên.

Chiều ngày 02/12/2011, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chăn của giáo phận Vinh, đã về thăm hỏi động viên cha quản xứ và bà con giáo dân giáo xứ Mỹ Lộc đang phải sống trong hoàn cảnh đau thương, đặc biệt là các nạn nhân trong đợt bị tấn công. Trong bài giảng Lễ được dâng tại giáo xứ, ngài đã lên tiếng kiên quyết đấu tranh cho công lý và sự thật, nhưng đồng thời cũng không giữ hận thù trong trái tim: “đối với chúng ta, những người Công giáo, những người con Chúa, thì một mặt chúng ta đòi hỏi công lý, đòi được đối xử một cách hợp tình hợp lý, và cũng yêu cầu những người có trách nhiệm trong vụ này phải có một lời xin lỗi nào đó hay phải đính chính những thông tin sai lạc. Tuy nhiên, mặt khác, giáo huấn xã hội của Công giáo, cũng như tình yêu của Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải biết mở rộng tấm lòng. Chúng ta phải là những con người của Tin Mừng và phải tích cực kiến tạo hòa bình. Dĩ nhiên, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh cho công lý và sự thật, nhưng đồng thời cũng không giữ hận thù trong trái tim để mau chóng thiết lập lại cuộc sống hài hòa xưa kia”.

8. Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà - Hà Nội tiếp tục bị bách hại và bị xâm hại tài sản.

Năm 2008, công luận thế giới đã chứng kiến sự bách hại của chính quyền cộng sản ở Hà Nội với những thủ đoạn, tấn công, bách hại, vu cáo nhằm cưỡng chiếm bằng được đất đai Tòa Khâm Sứ của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và đất đai của Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà với hai dự án siêu tốc độ được gọi là vườn hoa Hàng Trống (Tòa Khâm Sứ) và vườn hoa 1-6 (Thái Hà). Sự bách hại đi đến đỉnh điểm là sự ra đi của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và việc bắt giữ 8 giáo dân Thái Hà với những bản án bất công qua 2 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Từ đó đến nay, Dòng Chúa Cứu Thế luôn là điểm nhắm của chính quyền với những cản trở, gây khó khăn cho các cha như chính quyền tìm mọi cách làm áp lực để Dòng Chúa Cứu Thế không được tham dự Đại Hội Dân Chúa năm 2010, cha Giuse Lê Quang Uy và một số cha luôn bị chiếu cố, gây khó dễ.

Cụ thể, vào ngày 10/07/2011, Cha Vinh sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, trên đường thực thi sứ mạng của Dòng tại Singapore, đã bị công an thành phố Sài Gòn ngăn chặn tại Phi trường Tân Sơn Nhất. Sau đó, Hội nghị các Giám tỉnh DCCT lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Việt Nam vào ngày 15/07/2011. Tương tự, ngày 12/07, cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Chánh Văn phòng tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam bị công an cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh ngăn chận không cho xuất cảnh sang Campuchia.

Lặp lại điệp khúc cưỡng chiếm đất đai, từ tháng 9/2011, nhà cầm quyền đã chuẩn bị để thực hiện dự án Trung tâm xử lý nước thải cho bệnh viện Đống Đa trên trên diện tích 2.000m2 đất hợp pháp của DCCT Thái Hà - Hà Nội. Để làm được điều này, từ ngày 01 đến 04/10/2011, loa phóng thanh của phường Quang Trung, quận Đống Đa đã liên tục phát thông báo cho biết nhà cầm quyền sẽ thực hiện dự án. Những ngày sau đó, đại diện bệnh viện Đống Đa, UBND Phường Quang Trung cũng thông báo cho Giáo xứ Thái Hà nội dung tương tự.

Trước tình hình đó, Giáo xứ Thái Hà đã lập tức gửi đến các cơ quan hữu quan kiến nghị ngưng tiến hành dự án xây dựng trạm xử lý nước thải, đồng thời trả lại giáo xứ khu nhà đất mà nhà nước đang mượn. DCCT đã trưng bảng điện tử để thể hiện nguyện vọng của mình trên chỗ cao nhất của tu viện: “Yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội trả lại Tu viện đang mượn làm bệnh viện Đống Đa cho Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và trả lại Hồ Ba Giang cho Giáo xứ Thái Hà”.

Trước những phản ứng của Giáo xứ Thái Hà đối với dự án, ngày 03/11/2011 nhà cầm quyền Hà Nội đã đưa hàng trăm côn đồ với sự hỗ trợ của công an và truyền thanh truyền hình vào phá phách, chửi bới các linh mục tu sĩ tại Thái Hà. Ngày 08/11/2011, nhà nước cho người đến sinh sự với ông Dũng, một giáo dân trung kiên của giáo xứ, rồi công an lấy cớ đến bắt giam ông Dũng một cách vô cớ.

Sau khi nhận được tường trình của Giáo xứ Thái Hà, ngày 04/11/2011, Linh mục Alphongsô Phạm Hùng, Chưởng ấn Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đã gửi văn thư hiệp thông đến Giáo xứ Thái Hà, trong đó có đoạn: “Tổng Giáo Phận Hà Nội luôn khẳng định và tôn trọng quyền sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế trên khu đất 61.455 m2 của tu viện tại 180 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội, bao gồm cả cơ sở và những phần đất mà các cơ quan nhà nước đang sử dụng trên phần đất này”. Văn thư cũng lên án những lời lẽ xúc phạm, gây hấn và hành vi bạo lực của toán côn đồ.

Tối ngày 16/11/201,1 nhà cầm quyền Hà Nội đã đưa cảnh sát cơ động, công an, an ninh các loại và nhiều thiết bị, xe cộ vào khu vực Tu viện của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, nhằm bắt đầu chiến dịch làm thay đổi dấu tích, xóa bỏ tu viện đã mượn, với mục đích chiếm cướp lâu dài.

Sáng ngày 18/11/2011, 13 linh mục và khoảng 200 giáo dân giáo xứ Thái Hà đã đến Ủy ban nhân dân TP Hà Nội để nộp đơn khiếu nại để phản đối việc thi hành “dự án nước thải” của chính quyền Hà Nội. Vào lúc 15 giờ 20 cùng ngày, ông Michael Orana, tùy viên của Toà Đại Sứ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã đến thăm các linh mục, tu sĩ và giáo dân giáo xứ Thái Hà. Ông cho biết rất ngỡ ngàng vì trước đó 1 tuần tại Washington, D.C vị đại diện nhà cầm quyền Việt Nam đã báo cáo tình hình nhân quyền tại Việt Nam được tôn trọng, nhưng những việc vừa xảy ra tại giáo xứ Thái Hà thì hoàn toàn ngược lại những gì được báo cáo.

Chiều ngày 20/11/ 2011, vào lúc 4 giờ 45, chính quyền đưa dân phòng tên Mai Quyết Chiến vào nhà thờ trong thánh lễ dành cho các cháu thiếu nhi nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, tên côn đồ mang áo dân phòng lầm lì tiến lên cung thánh nhà thờ Thái Hà. Tay cầm điếu thuốc bốc khói, định dí vào mặt linh mục Vũ Đồng Tùng đang dâng lễ.

Sau khi gởi đơn kiện lần 1 mà không nhận được hồi âm trong khi “dự án nước thải” vẫn được ngày đêm thi công. ngày 02/12/2011, các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tiếp tục đi nộp đơn kiện lần 2. Trên đường nộp đơn khiếu nại trở về trong trật tự thì họ bị áp bức, đánh đập, bắt giữ trái pháp luật. Nhà cầm quyền đã đưa vào tạm giữ tại trại Phục hồi nhân phẩm ở Lộc Hà hay còn gọi là Trung tâm lưu trú Lộc Hà.” Đây thực chất là trại để giam giữ gái mại dâm, chứng tỏ nhà cầm quyền thành phố Hà Nội không từ bỏ bất cứ dã tâm nào trong việc triệt hạ tôn giáo một cách tinh vi.

Ngay khi tin tức về cuộc tấn công và bắt bớ các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà, từ Hà Nội loan truyền trên các cơ quan thông tin Công Giáo Việt Nam trong và ngoài nước, cùng với những đêm thắp nến cầu nguyện từ trong nước đến hải ngoại, từ Hoa Kỳ, Úc đến các nước Âu Châu, các vị lãnh đạo Giáo Hội và nhiều tổ chức đã cất lên tiếng nói hiệp thông với Thái Hà.

Ngày 02/12/2011, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Kontum đã lên tiếng: “Bất cứ trường hợp nào không tôn trọng sự thật và công bằng thì đó là điều bất chính, và do vậy, điều đó chúng ta không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ rằng, bao giờ cũng thế, phải sống thật với nhau, phải tôn trọng nhau, nhất là chính quyền phải tôn trọng người dân”.

Ngay khi tin tức về cuộc tấn công và bắt bớ các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà, từ Hà Nội loan truyền trên các trang mạng truyền thông, ngày 02/12/2011, Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, vị giám mục can trường, nhiệt thành với quê hương, yêu mến Giáo Hội Việt Nam đã có thư bày tỏ và hiệp thông với Dòng Chúa Cứu Thế và Thái Hà: “Tôi rất xúc động trước những biến cố đang liên tục xảy đến cho các anh em và giáo dân tai GX Thái Hà, nhất là sự kiện công an Hanoi tấn công, bắt bớ và hành hung dã man đối với các anh em và giáo dân trong khi biểu tình ôn hòa vì những bất công mà chính chính phủ Hanoi là thủ phạm. Tôi muốn bày tỏ sự hiệp thông sâu xa đến mọi nạn nhân và mọi người đang can đảm tranh đấu trước bạo quyền”

Cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế đã bày tỏ tâm tình hiệp thông: “Chúng tôi rất khâm phục sự dấn thân của Tỉnh Dòng Việt Nam, cách riêng sự dấn thân của chính Cha Giám tỉnh, để cổ vũ cho những nỗ lực kiến tạo công lý và hòa bình cho những anh chị em tại Việt Nam, là những người đang chịu đau khổ vì bạo lực, vì bất công, và vì những nỗ lực của chế độ cộng sản, một thể chế luôn vi phạm hay xem thường các quyền con người”.

Cha Bernado Cervellera, giám đốc thông tấn xã Công Giáo Asia-News viết từ Rôma, thủ đô của Giáo Hội Công Giáo: “Tôi cầu nguyện cho anh em và toàn thể Giáo Hội tại Việt Nam trong thời khắc đầy thách đố và khó khăn này”.

Ngày 10/11/2011, Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam ra thông cáo báo chí nghiêm khắc lên án và tố cáo trước dư luận quốc tế những hành vi khủng bố tại giáo xứ Thái Hà và yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam: 1) Chấm dứt những hành vi khủng bố Giáo Xứ Thái Hà; 2) Chấm dứt việc đàn áp Giáo Hội Công Giáo và các tôn giáo khác. Bảo đảm an ninh cho các nơi thờ tự của tất cả các tôn giáo; 3) Nghiêm chỉnh tôn trọng luật pháp do chính họ ban hành và trả lại tất cả tài sản đã chiếm đoạt của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và của các tôn giáo bạn; 4) Tuyệt đối tôn trọng Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo theo như bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc khẳng định.

Năm 2011 trôi qua với những sự kiện vui, buồn, đau đớn, bị bách hại nơi Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Tất cả đã trôi qua và trong năm 2012, những người con Chúa vẫn tiếp tục làm chứng tá giữa đời theo gương các Thánh, nhất là theo gương trung kiên của các Thánh Tử Đạo Việt Nam để gìn giữ, bảo tồn đức tin Công Giáo, tuân theo lệnh truyền của Chúa Kitô loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi. Cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng giữ gìn chúng con, chúng con xin phó thác vào sự quan phòng của Chúa.

Lã Thụ Nhân.