1. Sứ điệp ngày Hòa Bình Thế Giới

Trong năm 2011 sắp trôi qua, cảm thức bất mãn gia tăng vì cuộc khủng hoảng đang đè nặng trên xã hội, thế giới lao động và nền kinh tế. Dường như một tấm màn đen tối đang che phủ thời đại chúng ta với một tâm lý bi quan lan rộng.

Do đó, cần tăng cường giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình, với xác tín rằng do lòng hăng say và sự theo đuổi lý tưởng, người trẻ có thể mang lại cho thế giới một niềm hy vọng mới.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Đứng trước thách đố khó khăn trong hành trình công lý và hòa bình, chúng ta có thể bị cám dỗ tự hỏi như Tác giả Thánh Vịnh: ‘Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi: ơn phù trợ tôi đến từ nơi nao?’

Tôi muốn mạnh mẽ nói với tất cả mọi người, đặc biệt là người trẻ, rằng: ‘không phải các ý thức hệ cứu vãn thế giới, nhưng là nhờ qui hướng về Thiên Chúa hằng sống, Ngài là Đấng tạo dựng nên chúng ta, là người bảo đảm tự do của chúng ta, người bảo đảm những gì đúng thật là tốt và chân thật”.

2. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 18 tháng 12.

Trong Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, phụng vụ Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta trình thuật truyền tin cho Đức Maria. Chúng ta thấy tầm quan trọng trong câu hỏi của Đức Maria, dành cho sứ thần đang khi Mẹ "rất bối rối": "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! Trong sự đơn sơ của mình, Mẹ Maria thật sáng suốt. Mẹ không hoài nghi quyền năng của Chúa nhưng muốn hiểu hơn ý định của Người hầu theo trọn ý định nhiệm mầu của Chúa. Mầu nhiệm Thiên Chúa vượt xa trí hiểu của Mẹ Maria. Tuy nhiên, Mẹ đã hoàn thành trọn vẹn vai trò được trao phó. Tâm trí của Mẹ tràn đầy khiêm tốn, và chính do lòng khiêm tốn này, Thiên Chúa trông chờ tiếng "Xin vâng" từ Mẹ để thực hiện công trình của Người.

Ngài nói tiếp:

Ai tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa, người đó đón nhận Chúa Giê-su nơi mình, đón nhận cuộc sống thánh thiêng của Ngài do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Đây chính là mầu nhiệm Giáng Sinh! Tôi cầu chúc anh chị em sống mầu nhiệm đó với niềm vui sâu xa trong lòng.

3. Buổi triều yết chung thứ Tư 21/12

Sáng thứ Tư 21 tháng 12 trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến cuối cùng trước lễ Giáng Sinh. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa lễ Giáng Sinh. Ngài mở đầu bài huấn dụ như sau:

Anh chị em thân mến, tôi vui mừng tiếp đón anh chị em trong buổi tiếp kiến chung mấy ngày trước lễ Chúa sinh ra. Lời chào trên môi miệng của tất cả mọi người trong những ngày này là “Mừng lễ Giáng Sinh! Chúc mừng lễ Giáng Sinh!”, chúng ta hãy làm sao để cả trong xã hội hiện nay, lời trao đổi chúc mừng lễ không mất đi ý nghĩa tôn giáo sâu xa của nó, và ngày lễ không bị thu hút bởi các khía cạnh bề ngoài, nhưng đánh động con tim.

Trong Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh chúng ta sẽ hát “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh”. Từ ngữ “hôm nay” hướng đến một thời hiện tại vĩnh viễn vì biến cố Giáng Sinh mặc lấy và thấm nhập tất cả lịch sử, tiếp tục là một thực tại cả ngày nay nữa.

Trong các buổi cử hành phụng vụ, khi chúng ta lắng nghe hay nói lên câu “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã được sinh ra cho chúng ta”, chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta “hôm nay”, bây giờ đây, cho tôi và cho mọi người trong chúng ta, khả thể hiểu biết Người và tiếp đón Người như các mục đồng đã làm xưa kia tại Bếtlehem, để Người cũng sinh ra trong cuộc sống chúng ta, canh tân nó, soi sáng nó, và biến đổi nó với Ơn Thánh, với Sự Hiện Diện của Người.

Chúng ta hãy sống lễ Giáng Sinh của Chúa bằng cách chiêm ngưỡng con đường tình yêu vô biên của Thiên Chúa, là Đấng đã nâng chúng ta lên với Người qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh của Con của Người.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc tất cả một Lễ Giáng Sinh tuơi vui, an lành, thánh thiện.

4. Đức Tổng Giám Mục Santos Abril nhận chức linh mục trưởng đền thờ Đức Bà Cả

Sáng thứ Tư 21 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Tây Ban Nha Santos Abril đã nhận chức linh mục trưởng Đền Thờ Đức Bà Cả, một trong bốn đại giáo đường tại Rôma. Nghi lễ đã diễn ra rất long trọng và cảm động, bắt đầu với vòng hoa kính Đức Mẹ tại nhà nguyện “Salus Populi Romani”.

Đền Thờ Đức Bà Cả là một di sản nghệ thuật của Rôma với những phù điêu từ thế kỷ thứ 5 và đặc biệt hơn cả là di tích về hang đá nơi Chúa Giêsu đã sinh ra.

Hiện diện trong buổi lễ có Đại Sứ Tây Ban Nha cạnh Tòa Thánh là bà María Jesús Figa. Sự hiện diện của bà cho thấy liên hệ đặc biệt đã có từ thế kỷ thứ 16 giữa Đền Thờ Đức Bà Cả và nước Tây Ban Nha. Vua Tây Ban Nha lúc bấy giờ là Carlos Đệ Ngũ đã tặng cho Đền Thờ Đức Bà Cả một số vàng đưa từ Mỹ Châu về để lát trên trần đền thờ.

Trong diễn từ của mình tại buổi lễ, Đức Tổng Giám Mục Santos Abril đã mời vua Tây Ban Nha đến thăm đền thờ.

Đức Cha Santos Abril là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ngài đã từng là sứ thần Tòa Thánh tại nước Guinea, Á Căn Đình và Bosnia Herzegovina. Dưới triều đại của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ngài phục vụ trong phân bộ/ Tây Ban Nha của Bộ Quan Hệ với Các Nước.

Ngoài chức vụ linh mục trưởng Đền Thờ Đức Bà Cả, Đức Cha Santos Abril còn là Nhiếp Chính của Tòa Thánh.

5. 23 sắc lệnh liên quan đến các án phong hiển thánh và chân phước.

Có 7 sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của 7 vị chân phước, trong đó có chân phước Phêrô Calungsod, giáo dân Philippines tử đạo; nữ chân phước Marianne Cope, dòng ba Phan Sinh tại thế ở Syracuse ở Mỹ, tổng đồ người cùi tại đảo Molokai; nữ chân phước Catarina Tekakwitha, giáo dân người Mỹ.

Có 5 sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của 5 vị Tôi Tớ Chúa; 4 sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của tổng cộng 63 vị Tôi Tớ Chúa, phần lớn bị sát hại trong thời nội chiến Tây Ban Nha 1936 đến 1939. Sau cùng là 7 sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 7 vị Tôi Tớ Chúa.

Với việc công bố các sắc lệnh trên đây, Giáo Hội sắp có thêm 7 vị Hiển Thánh và 68 vị chân phước sẽ được tôn phong.

6. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 bày tỏ tình liên đới với dân chúng bị bão lụt tại Phi Luật Tân.

Trong đêm thứ Bẩy, rạng sáng Chúa Nhật 18 tháng 12, bão Washi, với vận tốc hơn 100 cây số một giờ đã thổi qua và tàn phá 4 tỉnh. Lụt lội và đất chuồi đã khiến 650 người bị thiệt mạng, 800 người mất tích, hàng trăm ngàn nhà cửa bị phá hủy hoặc hư hại. Chính quyền cho biết con số nạn nhân còn gia tăng và đã huy động khoảng 20 ngàn binh sĩ để tìm kiếm những người bị mất tích và cứu trợ tại những vùng bị lụt, đồng thời tìm cách tái lập điện nước cho các khu vực dân cư. Đức Thánh Cha nói:

“Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với dân chúng miền Nam Phi Luật Tân đang chịu thiệt hại bởi một trận bão nhiệt đới tàn khốc. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân, hầu hết là trẻ em, những người vô gia cư và đông đảo những người bị mất tích”.

7. Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia.

Sau khi nồng nhiệt cám ơn các em, Đức Thánh Cha nhắc đến chủ đề suy tư năm nay của các thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia là lời dân chúng nói với người mù Bartimeo trong Phúc Âm: “Đứng dậy đi, Người đang gọi anh đó!” Đức Thánh Cha mời gọi các em hãy thực thi lời này trong các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống: từ lời đánh thức của cha mẹ các em ban sáng, cho đến ơn gọi của bí tích rửa tội, rước lễ lần đầu và ơn gọi dấn thân trong đời sống linh mục, tu sĩ sau này. Một em đại diện nói:

“Trong tim chúng con, lời Đức Thánh Cha vang vọng một lời mời gọi chúng con trở nên các bằng hữu thân tình với Chúa Giêsu”

Đức Thánh Cha đáp lại:

“Hãy luôn nhớ đến những ai đag cần đến sự trợ giúp của các con. Hãy làm như Chúa Giêsu, Đấng không quên bất cứ ai đang cơn hoạn nạn nhưng luôn đón tiếp họ, chia sẻ những khó khăn của họ, củng cố và ban bình an của Thiên Chúa cho họ”.

Các trẻ em đã hát cho Đức Thánh Cha cũng như trao tặng ngài một giỏ kẹo bánh và sách.

8. Đức Thánh Cha thăm viếng nhà tù Rebibbia trong vùng ngoại ô thành phố Rôma.

Omar nói: “Con rất xúc động trước biến cố này. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha dành cho các phạm nhân Công Giáo rất quan trọng và trong sự chịu đựng của chúng con Đức Thánh Cha và gia đình là những điểm bám víu của chúng con như dây cáp điện để chúng con thân thưa với Chúa. Con yêu mến Đức Thánh Cha.”

Federico thì nói:

“Đức Thánh Cha là Giáo Hoàng của tất cả chúng con. Xin đừng để chúng con bị tước đoạt cả nhân phẩm và tự do. Tại sao người ta có thể giả định rằng đã là thân tù tội thì bị tước đoạt tất cả mãi mãi. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha là một vinh dự lớn cho chúng con. Xin kính chúc Đức Thánh Cha và thế giới một Mùa Giáng Sinh hạnh phúc”

Đức Thánh Cha đã phàn nàn về tình trạng đông đúc trong các trại giam và kêu gọi những cấu trúc nhà tù tốt hơn trên thế giới. Ngài nói:

“Tôi biết là sự đông đúc và xuống cấp trong các trại giam làm cuộc sống trong tù tệ hại hơn: Tôi đã nhận được nhiều thư của các tù nhân nhấn mạnh đến điểm này. Điều quan trọng là các cơ quan cần cổ võ một cuộc khảo sát cẩn thận về các trại giam, kiểm tra lại các cơ cấu, các tài nguyên và nhân lực để các tội nhân không phải chịu án ‘gấp đôi’”

Đức Thánh Cha sau đó đã đọc một diễn văn rất xúc động trong đó ngài cho biết luôn cầu nguyện cho các phạm nhân và nhấn mạnh rằng chính Chúa Kitô cũng đã từng bị giam cầm. Ngài nói thêm:

“Tù nhân là con người cho dù đã phạm tội đi chăng nữa. Họ phải được đối xử với sự trân trọng và với phẩm gía. Họ cần được chúng ta lưu ý đến”.

Trước khi rời khỏi nhà tù, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chào thăm nhiều tội nhân. Nhiều người đã trao tặng ngài những quà tặng như tranh vẽ diễn tả hòa bình, gia đình và những trẻ sơ sinh.

9. Đức Thánh Cha đã tiếp đoàn đại biểu Ukraine là nước đã tặng cho Tòa Thánh cây thông Giáng Sinh năm nay.

“Cây thông và máng cỏ Giáng Sinh là những yếu tố đặc thù của Giáng Sinh, là những gì thuộc về di sản tinh thần của các cộng đoàn chúng ta”

10. Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi kinh chiều với hơn 10,000 sinh viên của thành phố Rôma.

Trong cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha đã nói với các bạn trẻ như sau:

“Các sinh viên đại học Rôma thân mến, cha rất vui gặp gỡ các con trong biến cố truyền thống này, cha thân ái chào các con.”

Mỗi người trẻ đến với cuộc gặp gỡ này có thể vì những lý do khác nhau, nhưng tất cả đồng ý rằng gặp gỡ Đức Thánh Cha là một điều tích cực và đặc biệt.

“Đây là dịp tốt cho các sinh viên canh tân tinh thần Kitô của chúng ta, nhưng trên hết là để canh tân dấn thân xã hội của đại học trong xã hội.”

“Tôi thường đến trước hết là để cầu nguyện, và với lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha tôi thấy gắn bó hơn với ngài và ý cầu nguyện của ngài”.

“Cuộc gặp gỡ này luôn hào hứng vì Đức Giáo Hoàng luôn gần gũi với giới trẻ. Lời ngài là điểm tham chiếu cho chúng tôi”.

Chủ đề cho cuộc gặp gỡ năm nay là “Câu hỏi về Thiên Chúa ngày hôm nay”. Nhân dịp Giáng Sinh, Đức Thánh Cha đã mời gọi các bạn trẻ đương đầu với các vấn nạn bằng cách đặt Thiên Chúa là trọng tâm của đời mình.

“Các bạn sinh viên thân mến, chúng ta hãy chạy đến Bethlehem với niềm vui, chúng ta hãy mở rộng cánh tay chào đón hài nhi Giêsu mà Đức Mẹ và Thánh Giuse đưa ra cho chúng ta. Từ nơi Ngài và với Ngài, chúng ta sẽ đối diện với mọi khó khăn”.

Cuối buổi gặp gỡ, một nhóm sinh viên từ Tây Ban Nha đã trao lại bức ảnh “Đức Bà là Tòa Đấng Khôn Ngoan” cho các sinh viên Italia. Đây là bức ảnh Đức Mẹ và Chúa Giêsu mà các bạn trẻ Italia đã cho các bạn trẻ Tây Ban Nha mượn nhân dịp ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

11. Một nữ tu người Đức sắp được Đức Thánh Cha tôn phong là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Sơ Hildegard của thành Bingen sống vào thế kỷ thứ 12 được biết đến như vì những thị kiến và khả năng tiên tri của mình. Sơ Hildegard là một nhà soạn nhạc, một triết gia, một nhà vật lý, và một nhà môi sinh. Sơ là người tiên phong trong nhiều lãnh vực thời Trung Cổ.

Xuất thân trong một gia đình quyền quý, năm 8 tuổi sơ được theo học tại một tu viện nơi sau này sơ đã trở thành một nữ tu và sau đó là Mẹ bề trên.

Những thị kiến và những lời tiên tri của sơ được Đức Thánh Cha đương thời nhìn nhận.

Theo truyền thống, sơ sẽ được phong thánh trước khi Đức Thánh Cha chính thức tôn phong sơ là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Trong buổi triều yết chung tuần qua, Đức Thánh Cha nói rằng sơ đã nhiệt thành phụng sự Giáo Hội trong một giai đoạn đen tối ghi dấu bởi tội lỗi của các giáo sĩ và giáo dân.

“Sơ đã mang đến những suy tư của một người phụ nữ về mầu nhiệm đức tin. Trong nhiều công việc của mình, sơ đã chiêm ngắm cuộc hôn nhân diệu kỳ giữa Thiên Chúa và nhân loại được hoàn thành nơi biến cố Nhập Thể, cũng như sự kết hiệp phu thê giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Sơ cũng tìm hiểu quan hệ thiết yếu giữa Thiên Chúa và tạo vật, và lời mời gọi nhân loại tôn vinh Thiên Chúa qua cuộc sống thánh thiện và nhân đức”.

Trong 33 vị Tiến Sĩ Hội Thánh, chỉ có 3 vị là nữ giới. Trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng đã loan báo rằng thánh San Juan de Avila người Tây Ban Nha sẽ được tôn phong là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Với việc tôn phong này Giáo Hội chính thức nhìn nhận những đóng góp của thánh nữ trong Thần Học Công Giáo.

12. Giáo phận Syracuse, New York hân hoan trước tin nữ chân phước Marianne Cope thuộc dòng ba Phan Sinh tại thế sắp được phong thánh.

Trong thông cáo đưa ra trong tuần qua, giáo phận Syracuse, New York đã bày tỏ vui mừng sau khi Đức Thánh Cha chuẩn y án phong thánh cho nữ chân phước Marianne Cope.

Vào thập niên 1860, chị đã phục vụ tại Syracuse, New York, trước khi đến đảo Hawaii nơi chị đã phụ giúp cha Damien trong việc chăm sóc sức khoẻ cho những bệnh nhân phong.

Phép lạ dọn đường cho việc phong thánh của chị đã diễn ra khi một phụ nữ đang hấp hối đã được chữa lành nhờ kêu cầu đến chị. Bộ Phong Thánh đã xác nhận biến cố này là phép lạ sau khi một nhóm các nhà thần học và các vị Hồng Y đã tiến hành điều tra sâu rộng.

Chị Cope đã là giáo viên và sau đó là hiệu trưởng một trường học tại New York. Chị cũng đã giúp xây dựng bệnh viện St. Elizabeth tại Utica và bệnh viện St. Joseph tại Syracuse. Đây là những bệnh viện đầu tiên được xây dựng tại New York.

Trong thời gian hoạt động tại Hawaii sơ cũng đã mở một trung tâm giáo dục cho con em của những bệnh nhân phong.

13. Đức Thánh Cha thay đổi nghi lễ tiếp kiến tân đại sứ đến trình quốc thư

Từ nay trở đi, Đức Thánh Cha sẽ không đọc diễn văn khi tiếp kiến mỗi tân đại sứ đến trình quốc thư. Truyền thống đọc diễn văn khi tiếp kiến tân đại sứ đã được hình thành từ thập niên 1960 bởi Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục. Thực ra, điều này không được áp dụng ở các quốc gia khác.

Đây là một thay đổi nhỏ nhưng giúp giảm thiểu công việc tại Tòa Thánh xét vì hiện nay Tòa Thánh đã có quan hệ với 178 nước và mỗi năm một con số đông đảo các vị tân đại sứ đến thay cho các vị tiền nhiệm của mình.

Trong tuần qua, Đức Thánh Cha đã tiếp tập thể 11 vị tân đại sứ thay vì từng vị một.

Trong diễn từ với các vị ngài nói:

“Trinidad và Tobago, Cộng Hòa Guinea-Bissau, Liên tổng Thụy Sĩ, Burundi, Thái Lan, Pakistan, Mozambique, Kyrgyzstan, Cộng Hòa Andorra, Sri Lanka và Burkina Faso.”

Trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình liên đới đối với sự phát triển toàn cầu và mời gọi các vị đại sứ cổ vũ cho việc giáo dục các giá trị luân lý cho thế hệ trẻ. Ngài nói:

“Tôi khích lệ mỗi người, bất kể mức độ trách nhiệm của họ như thế nào, đặc biệt là các nhà cầm quyền, hãy phát huy những sáng kiến, đầu tư các tài nguyên cần thiết để trao cho những người trẻ những căn bản luân lý nền tảng giúp họ trưởng thành và chiến đấu chống lại các vấn nạn xã hội như thất nghiệp, ma túy, tội ác và thiếu tôn trọng con người”.

Bên cạnh các quốc gia, Tòa Thánh cũng có đại diện tại các cơ chế khác như Liên Hiệp Âu Châu, Khối Malta, và duy trì những quan hệ ngoại giao đặc biệt với Palestinẹ

Hiện nay Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Ả Rập Saudi và Bắc Triều Tiên.