Ký sự về một giáo xứ Viêt Nam ở Arlington, Texas



Tôi trở về Arlington trong một chiều Thu ấm áp có mây xám giăng giăng, có gió nhẹ thổi, có lá vàng khoe sắc. Một chiều Thu đẹp như thế thì rất hiếm hoi ở vùng bắc Texas nóng cháy này. Mục đích là đi dự đám cuới của một cô cháu gái.

Từ khi rời Arlington tới nay, kể cũng trên 17 năm rồi, những lần về lại chỉ là một trong hai lý do, hoặc đám cưới, hoặc đám ma.

Đám cuới thì được (hoặc bị) mời, đám ma là tự mình tìm đến. Dù thế nào, mỗi lần như vậy, tôi cũng cảm thấy nao nao khi nghĩ tới những bộ mặt thân quen lâu ngày được tái ngộ...Nhưng tuổi đời càng cao, đám ma càng nhiều, những hình bóng thân quen càng vơi dần đi.

Thế cuộc đổi thay, đôi mắt chong chong, chỉ là để điểm xem những gì còn hay mất.

Cho nên sau khi rời Spur-408 để đổ xuống con dốc I-20 và Arlington thấp thóang xuất hiện phía chân trời, tôi không thể không liên tưởng tới tâm tình của Ngô Thụy Miên trong bài "Paris có gì lạ không em?", trong đó tác giả thố lộ cõi lòng đầy ắp của mình, nhưng tự hỏi còn có mấy ai biết cho chăng?

"Mai anh về mắt vẫn lênh đênh,

giận hỏi, lòng mình là hương cốm,

chả biết tay ai làm lá sen?"


Với tâm tình của một khách phương xa nhiều năm mới trở lại nhưng không ảo vọng tìm được một cố nhân, tôi cũng tự hỏi bâng quơ "Arlington có gì lạ không em?"

...

Arlington là một thành phố cỡ trung của tiểu bang Texas nằm giữa Dallas và Fort Worth, nổi tiếng vì có hai đội banh nhà nghề, đó là đội bóng chùy (baseball) Texas Ranger, chưa hề vô địch bao giờ, chỉ 'súyt' vô địch mà thôi (nhưng 'súyt nữa', dù cho có tới 2 lần, thì vẫn kể là hụt)... Còn đội thứ hai? đó là đội bóng ném (người Mỷ cứ thích gọi là bóng chân (football)) tên là Dallas Cowboys...cái tên tuy mang danh hiệu Dallas nhưng chưa bao giờ cơ sở của Cowboys nằm trong đất Dallas cả, hồi trứơc sân Cowboys nằm tại thành phố Irving, mái để hở và người ta vẫn gọi đùa là 'cái sân thủng mái,' mới đây hội xây lại một sân mới ở Arlington, to lớn hơn, hiện đại hơn, nhưng vẩn 'cố tình' để hở một cái lỗ lớn hơn (mở đóng tùy theo nhu cầu)...gọi là để 'tiếp nối' cái 'di sản cổ truyền'. Từ khi về Arlington đến nay thì hội Dallas Cowboys cũng chưa chiếm được chức vô địch nào, chỉ 'súyt nữa' mà thôi...

Với người Mỹ thì Arlington chỉ có thế, hơn chút nữa người ta sẽ kể thêm các trung tâm giải trí Six Flags với những trò chơi 'xe dốc ngược đầu' nhiều vòng, cầu tuột cao nhất 'thế giới', dàn gỗ cao nhất 'thế giới', máng nước cũng...cao nhất 'thế giới' v.v. và v.v.. .Những trò xoay vần ở đây đã sáng tác ra nhiều câu chuyện ly kỳ và rùng rợn giữa các 'mệnh phụ phu nhân' Việt Nam không rõ hư thực được bao nhiêu, nhưng nếu mô tả sự 'táo bạo' của Six Flags một cách 'đúng đắn' hơn, có lẽ phải lập lại lời của một vị linh mục đã từng 'thám hiểm và thóat hiểm' nơi đây, là nó quay đến nỗi súyt nữa thì 'hồn văng ra khỏi xác'...

'Hồn' còn lưu luyến với quê cha đất tổ là tâm trạng chung của những người Việt tỵ nạn đầu tiên khi đặt chân lên đất Arlington những năm 75, hồi đó 'các cụ' ta chưa nói rành tiếng Mỹ thường đổi tên các phố xá địa phương thành những địa danh quen thuộc, thí dụ Fort Worth thì gọi là Phú Quốc, Dallas nghĩa là Đà Lạt, Houston là Hiếu Tân vv và vv, còn Arlington dễ gọi? thì vẫn gọi là Arlington!... Cũng vậy, tình cảm giữa những người Việt với nhau khi còn ít ỏi thì sâu đậm mặn mà lắm, họ rủ nhau lập ra một cộng đoàn nhỏ khỏang 50 người tại giáo xứ Mỹ St Matthew, và giúp những người đến sau tìm công ăn việc làm sốt dẻo. Nghề 'may tại gia' đã từng có một thời thịnh vượng giúp cho vô số gia đình đạt tới một nền tài chính dư giả trước khi sức cạnh tranh lao động từ Mễ và Tàu làm cho nó 'nguội' đi.

Xem hình ảnh tân thánh đường

'Đất lành chim đậu', vùng Arlington không có thi đua lao động với dân Mễ như ở bên Phú Quốc (Fort Worth,) hoặc với dân Da Đen như ở miệt Đà Lạt (Dallas,) và vào thời điểm đó thành phố chiếm vinh dự là thành phố lớn mau nhất nước trong một bối cảnh kinh tế vùng Sun Belt gặp thời nhẩy vọt. Thuê nhà ở Arlington không dễ, thường phải ghi danh đợi hàng tháng trời, nhưng may mắn cho người Việt, vì có nhiều người đang làm sẵn trong các Apartments, cho nên việc dẫn 'bà con với nhau' vào thuê thì dễ dàng hơn 'người ngòai' nhiều lắm. Thêm vào những yếu tố thuận lợi đó, phải kể đến viện Đại Học UTA (University of Texas at Arlington) với nhiều chương trình lôi cuốn các sinh viên gốc Việt, đã tạo cho giới trẻ nhiều cơ hôi thăng tiến...

Và người ta đã rủ nhau định cư nơi đây, mua nhà tậu đất, con cái lớn lên tìm được nhiều công việc thơm tho...Ngày nay cộng đòan 50 người đã trở thành một giáo xứ lớn nhất vùng với khỏang 7000 giáo dân, lấy danh hiệu là giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Nhưng con đường dẫn tới địa vị Giáo Xứ không mau chóng. Một phần, giáo xứ St Matthew dành nhiều ưu đãi cho cộng đòan VN, phần khác, người Việt đầy tình cảm vẫn giữ những liên hệ mật thiết với các gia đình bảo trợ Mỹ. Do đó, mặc cho ngày qua tháng lại, khi các cộng đòan nhỏ hơn ở chung quanh đã mua nhà thờ và ra ở riêng gần hết, thì cộng đòan VN ở St Matthew vẫn tiếp tục ca bài 'hòa hợp ba bên' (Mỹ-Việt-Mễ)!

Sự hòa hợp nói trên đã đem lại nhiều lợi ích cho Giáo hội địa phương, cách riêng cho giáo xứ St Matthew để có thể gây quĩ xây được một nhà thờ mới rộng rãi khang trang như ngày nay. Không rõ tỷ số đóng góp cho nhà thờ của cộng đòan Việt có được một phần ba hay không, nhưng theo tin hành lang thì nhiều hơn cộng đòan Mễ nhiều lắm, mà việc đó xảy ra trong khi dân số vẫn còn khiêm nhường, trứơc khi các làn sóng 'H.O.' tràn tới Arlington làm cho dân Việt tăng vọt.

Trong giai đọan các làn sóng H.O. ồ ạt tới, thì cộng đòan VN ở St Matthew bỗng nhiên thấy mình mất chủ chăn (1994). Các cha dòng Đa Minh đã rút về Houston để cho cộng đòan trở thành mồ côi một thời gian khá lâu, cho tới khi các cha dòng Đồng Công được đưa về thay thế cho tới ngày nay.

Sự kiện một cộng đòan không người cai quản mà vẫn tự bảo tồn trên 6 tháng là một sự kiện hy hữu, chứng tỏ có một sức kiên trì và hy vọng lớn lao. Tôi rời Arlington cũng vào thời điểm đó, nhưng không bao giở nghi ngờ về tương lai của một cộng đòan đòan kết như thế.

Thực vậy, sau 25 năm xây dựng cộng đòan thì vào năm 2000, tôi đã được hân hạnh chứng kiến ngày khánh thành ngôi nhà mới của cộng đòan, một cơ sở gồm nhà nguyện, cafeteria và nhiều lớp học, cải biến từ một khu thương mại đóng cửa, Food Lion grocery.

Từ đó họ được nâng cấp thành giáo xứ mang tên Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Quan trọng hơn, từ đó họ không còn phải hạn chế các sinh họat trong chiều Chúa Nhật mà thôi, họ có thể mở lớp học ngày thứ Bảy, có thể cử hành nhiều thánh lễ ngày Chúa Nhật, có thể bán đồ ăn gây quĩ ở cafeteria vv và vv, có một thời những món 'đặc biệt' của Arlington đã thu hút nhiều khách trung thành từ những miệt xa xôi mãi tận 'Đà Lạt' hoặc Ola (Oklahoma)đến mua...

...

Từ Dallas về đến Arlington là đúng 1 giờ nếu đường thông. Khi cái giọng của cô gái trên GPS báo hiệu cho tôi biết 'you reach your destination in 500 ft', thì trước mắt tôi xuất hiện một bất ngờ: Nơi mà trước đây là một sân cỏ, thì nay sừng sững một tòa thánh đường mái đỏ vuông vắn thanh tao. Chiều Thu mây giăng, ánh sáng mờ dịu, cơn mưa vừa tạnh, ngôi thánh đường sừng sững như một tòa lâu đài, dây vàng còn giăng quanh báo hiệu công trình chưa hòan tất và người ngòai nên phải tránh ra, tất cả gợi dậy tính tò mò cố hữu. Tôi quyết định tìm cách lén vào thăm.

Parking lot chiều nay đầy xe đậu, một đám cưới đang cử hành trong nguyện đường (cũ), đám cưới cháu gái tôi sẽ bắt đầu ngay sau đám này trong hơn nửa giờ nữa. Tôi thầm lo không hiểu hai đòan xe ra vào sẽ được giải quyết cách nào đây? Nhu cầu parking là một vần đề lớn của hầu hết các giáo xứ bên Mỹ, khó mà giải quyết xuông sẻ được. Parking càng rộng, giáo dân càng đông, nhu cầu xây cất càng tăng. Đó là cái vòng luẩn quẩn.

Một vài giáo dân đang dựng cột đèn quanh 'nhà thờ mới' gật đầu đáp lễ lời chào hỏi của tôi, ngòai việc dựng cho xong các cột đèn họ còn giăng thêm hoa lá để chuẩn bị cho ngày khánh thành vào ngày 10 tháng 12 sắp tới.

Tuy chiều nay không có nhiều người tới làm, nhưng những dấu tích vội vã còn lại thì đầy dẫy, những cụm hoa cây cối mới trồng trên đất vừa xới, nền gạch rửa sạch nhưng vết bụi sót lại còn rõ nét, những kiện hàng hé mở nằm cạnh hai hàng tượng đá của Đàng Thánh Giá...

Những bức tương cẩm thạch trắng hầu như đang đứng quanh vòng ngôi nhà thờ mới. Trước cửa là một pho tượng Đức Mẹ La Vang dựng trên một bể nước. Tôi chưa từng thấy một pho tượng Đức Mẹ La Vang to như thế và thanh tú như thế, nghệ thuật của người Việt chúng ta quả là không thua kém bất kỳ ai, nhưng...là người có vài trách nhiệm phải bảo trì những bức tượng giá rẻ từ Việt Nam chở sang, chỉ trong vòng 10 năm thôi thì đã không chịu nổi cái nắng mưa khắc nghiệt của vùng này và bắt đầu có nhiều rạn nứt, tôi thầm mong mỏi, với thời gian và kinh nghiệm cạnh tranh trên thương trường quốc tế, phẩm chất từ bên Việt Nam sẽ phải cải tiến hơn và mong rằng tượng của Mẹ sẽ giữ được vẻ mỹ miều mãi mãi.

Bên trong nhà thờ lúc này vắng tanh nhưng đèn bật sáng chói chang. Tôi thử mở cửa, cửa đóng chặt. Nhìn qua cửa kính, hàng hàng lớp lớp các dãy ghế bằng gỗ màu gụ hiện ra, cây Thánh Giá đã đựợc treo lên, ngay trên một bàn thờ cẩm thạch có khắc hình cảnh Tiệc Ly. Phía sau Thánh Giá là một kính mầu vĩ đại tả cảnh Chúa Sống Lại. Hình như mọi bức tường đều giát đá cẩm thạch thì phải, cửa kính nào củng là kính mầu diễn tả một sự tích Tin Mừng.

Kiến trúc với đá, gỗ và kính tạo ra một số vấn đề âm thanh, nhất là trong bối cảnh điều hòa không khí 'kín mít' như ở đây. Ở một số nơi người ta lót nệm vào ghế, gắn 'sound panels', giăng màn và dùng nhiều loa nhỏ để giải quyết. Thật sẽ là một kinh nghiệm đáng học hỏi để xem nơi đây họ giải quyết âm thanh bằng cách nào.

Thử mở hết một vòng cửa, tôi củng không thể tìm được một cửa quên đóng mà đi vào...may thay, nghe tiếng động và có lẽ thông cảm cho một sự kiên trì như thế, một cái đầu quan sát bỗng xuất hiện và ra dấu cho tôi đi vòng ngã sau.

Lối 'ngả sau' dẫn tôi tới ngay phòng 'Cry Room' là nơi dành cho các bà mẹ có con còn bú mớm. Phòng rộng, rộng, rộng...ghế ngồi trùng điệp, dám có thể chứa dược hàng trăm đứa trẻ chứ chẳng chơi! Rõ ràng, đây là một giáo xứ có thừa lạc quan và rất trẻ trung, họ chuẩn bị đón chào một số lượng đông đảo trẻ thơ.

Phòng 'Cry Room' nằm ở bên trái thì nhà nguyện Thánh Thể nằm đối diện ở bên phải, cũng cùng một kích thứơc và cũng có cửa kính nhìn sang bàn thờ chính. Như vậy khi có lễ đông, người ta có thể dùng hai phòng này để chứa thêm nhiều trăm người một cách dễ dàng.

Khu vực chính của nhà thờ có hình Thánh Giá. Hai cánh Thánh Giá có thể chứa tới một phấn ba tổng số ghế, cách riêng cánh bên phải có sàn cao của ca đòan hướng về phía cộng đòan.

Một điểm đáng ghi nhận là ngòai sự rộng rãi và cao ráo, người ta còn thiết trí nhiều màn ảnh 'Flat panel' hai bên tường. Những hệ thống Video càng ngày càng trở nên quan trọng trong những việc phụng vụ và mục vụ. Không những chỉ là những phương tiện trình chiếu hình ảnh mà thôi, một số nhà thờ đã dùng để chiếu lên sách lễ bằng tiếng Anh cho các con em chưa rành tiếng Mẹ Đẻ có thể theo dõi buổi lễ cách dễ dàng.

Trong khi còn ngây ngất trứơc một phong cảnh mà tôi đã được lén vào xem trước khi mọi người trong giáo xứ được vào, thì có nhiều tiếng ồn ào vọng tới. Nhìn xem, tôi thấy một số đông đảo đang tụ tập trước cửa nhà thờ. Một lễ cưới vừa chấm dứt và cả hai họ đã rủ nhau tới đây chụp hình kỷ niệm. Có vài người tìm cách mở cửa một cách vô vọng, làm cho tôi hãnh diện thêm cái may mắn có một không hai của mình, nhưng, như vậy cũng báo hiệu giờ cưới của đứa cháu gái sắp bắt đầu, tôi vội vàng cám ơn hai vị 'thợ mộc' đã cho tôi vào và vội vã bước ra.

Tường bên ngòai nhà thờ còn dang dở trong việc 'làm đẹp', một số đá cẩm thạch từ Việt Nam đang xếp hàng chờ gắn lên tường. Số đá đã gắn xong phía trứơc nhà thờ tạo cho bộ mặt của ngôi thánh đường một vẻ quí phái, nhất là mầu đá hồng lại rất hợp với mầu đá tự nhiên của vùng này. Tôi đã có dịp được chiêm ngưỡng những kiến trúc nổi danh của vùng Dallas và Fort Worth cũng dùng các lọai đá hồng như thế.

Nhưng cơn mưa hôm qua đã, một cách nào đó, thấm vào nhiều viên đá làm cho một số nơi trở thành loang lổ nếu nhìn kỹ. Không rõ khi nắng lên, các vết loang có bay mất đi không? Đá từ Việt Nam là đá non và sẽ không ngạc nhiên khi thấy có một số vấn đề như thế. Quả là, cái giá phải trả cho 'tình nghĩa quê hương đậm đà' thì không rẻ...

Đi về phía nguyện đường (cũ), tôi đi ngang qua tựợng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Một tụ hợp bằng đồng đen của nhiều vị thánh nổi tiếng trong đó có bà Thánh Đê, một giáo dân lao động lam lũ, nhờ tìm cách bảo vệ cho một chủ chăn mà được phúc Tử Vì Đạo.

Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nuôi dưỡng tinh thần bảo vệ Đạo Thánh Chúa ờ nơi đây, như từ trước, cho đến nay và mãi mãi.

Xin chúc mừng giáo xứ Các Thánh Tử Đạo VN, Arlington, Texas.