Ngày giỗ mười năm Đức Ông Nguyễn Văn Lập - Viện trưởng viện đại học Đà Lạt

Bích chương 10 năm ngày giỗ do anh Chung Thế Hùng thực hiện

Thi hào Victor Hugo (1802-1885) coi phạm vi của thơ không có bến bờ. Ngoài thế giới hiện thực còn là thế giới duy tâm, nhà thơ dệt nên những cung tơ trầm tư, lắng đọng. Những vần thơ Thụ Nhân nói về tình cha con xe kết bởi tơ vương nhẹ nhàng. Vì vậy, Thụ Nhân Paris lấy ‘‘Vần thơ Tưởng niệm’’ làm chủ để cho ngày giỗ 10 năm Đức Ông Nguyễn Văn Lập (19/12/2011 - 19/12/2011), cố Viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt, cử hành tại Hội trường Giáo Xứ ngày 18/12 sắp tới.

Lá thư tháng sau, chúng tôi sẽ in lại phần văn xuôi (prose), gồm bài nói chuyện của GS Vũ Quốc Thúc, các phát biểu khác, cũng như phần giới thiệu của anh Đinh Hùng. Lá thư tháng này xin giới thiệu ‘‘Vần thơ Tưởng niệm’’, được diễn ngâm trong khuôn khỗ lễ giỗ, với sáo trúc quê hương và cung đàn thập lục Phượng ca Quốc nhạc.

Nói đến vườn thơ Thụ Nhân, ta không thể không nói đến nhà thơ Trần Văn Lương. Sáng tác của anh trải rộng phong phú, lắng đọng trong tâm tư khách thưởng ngoạn, như Victor Hugo đã nhận xét. Thơ Trần Văn Lương vượt qua làn ranh Thụ Nhân, từ nay đi hẳn vào văn học nước nhà.

Năm nay, Thụ Nhân trong nước và Thụ Nhân nhiều nới khác, trong số có Paris, cử hành lễ giỗ 10 năm. Cũng vì câu nói của Quản Trọng, Thụ Nhân nặng nợ với con số thập phân (nombre décimal) : 1, 10, 100. Ngày giỗ 10 năm nằm trong chuỗi thập phân giáo dục. Số 1 khởi đầu nhằm lúc Đức Ông Nguyễn Văn Lập mất năm 2001. Nhà thơ Trần Văn Lương đã viết thay cho chúng ta những vần thơ thời gian nối liền năm tháng : 60 năm tháng, 90 tuổi trần ; đồng thời nối kết không gian : Lâm Viên, Bình Triệu. GS Ngô Tằng Giao đã có bài họa tuyệt bút. 10 năm sau, chúng tôi họa nguyên vận bài thơ là để nối lại chu kỳ 10 năm :

Tiễn Cha

Cuối cùng Cha cũng đã ra đi,
Đau đớn đàn con biết nói chi.
Chín chục tuổi trần, đời mãi nhớ,
Sáu mưoi năm thánh, Chúa luôn ghi.
Lâm Viên trường cũ buồn xa cách,
Bình Triệu xóm nghèo khóc biệt ly.
Dẫu biết Cha về nơi cõi phúc,
Nhưng sao nước mắt vẫn tràn mi.
Trần Văn Lương

Họa nguyên vận :

Sinh ký tử biệt có lúc đi,
Bụng buồn còn muốn nói năng chi (1).
Tháng tận năm tàn sầu vĩnh biệt,
Ngày buồn khấp báo khắc tâm ghi.
Công khó Thụ Nhân còn tiếp nối,
Sự nghiệp Trồng Người chẳng cách ly.
Bách niên chi kế dâng từ phụ
Thiên thu đệ tử vĩnh cơ mi (2)
Lê Đình Thông
(Paris, 19/12/2011)

(1) Thơ Tú Xương
(2) 千秋第子永羈縻
Ngàn năm học trò ràng buộc mãi với từ phụ

Giữa quãng thời gian 10 năm, thi nhân họ Trần sáng tác bài Đường thi ‘‘Ngày Giỗ Cha’’, luật trắc, như nén tâm hương dâng lên Đức Ông Nguyễn Văn Lập, nhân ngày giỗ sáu năm :

Ngày Giỗ Cha

Thoắt đã đến ngày lễ giỗ Cha,
Đất trời ngăn cách sáu năm qua.
Tấm thân cát bụi tuy biền biệt,
Hình bóng thương yêu chẳng nhạt nhòa.
Đau đớn, nơi xưa thành tổ quỷ,
Nghẹn ngào, chốn cũ biến hang ma.
Âm thầm tưởng niệm ngày Cha mất,
Đất khách đàn con lặng xót xa.

Trần Văn Lương
Cali 12/19/2007

Vì nguyên tác trác tuyệt, chúng tôi có bài họa, viết cùng ngày với tác giả, tuy vẫn là thất ngôn bát cú, nhưng là luật bằng :

Mùa đông tháng chạp nhớ công cha,
Tuyết trắng thông buồn gió lạnh qua.
Thể phách phai tàn hình bóng cũ,
Tinh anh sáng tỏ chẳng phai nhòa (1).
Thành tâm khấn vái xin thần thánh,
Nhất định xua tan bóng quỷ ma.
Cúi lạy Cha hiền ngày giỗ kỵ,
Trầm hương nối kết có bao xa.

Lê Đình Thông
Paris 12/19/2007
(1) Thác là thể phách còn là tinh anh (Nguyễn Du).

Trong chiều Thụ Nhân (18/12/2011) tại Giáo Xứ còn có bài song thất lục bát sau đây, thuật lại hành trình nhân thế của Đức Ông Nguyễn Văn Lập, xin chép lại thay cho lời kết lá thư tháng này.

Cuối tháng Chạp ngô đồng lá rụng,
Gió than van ấp úng nghẹn lời.
Đức Ông nhắm mắt lìa đời.
Mười năm ngày giỗ chơi vơi tấc lòng.

Khắp trái đất đoàn con tưởng nhớ,
Bóng hình Cha cởi mở cao minh.
Cha con như bóng với hình,
Nghìn trùng xa cách nghĩa tình biển dâu.

Năm Tân Hợi tuyến đầu Quảng Trị,
Cha ra đời ý chí thiết tha.
Simon anh cả trong nhà,
Năm mười hai tuổi Cha là chủng sinh.

Tuổi niên thiếu một mình tự LẬP,
Theo văn chương vun đắp tương lai.
Quốc văn, Pháp ngữ miệt mài,
La tinh, chữ Hán mai này biến thiên.

Hai mươi tuổi cần chuyên thi đậu,
Bằng tú tài phụ mẫu an tâm.
Kim Long tu học âm thầm,
Năm hai bẩy tuổi uyên thâm đạo đời.

Chịu chức Thánh đời đời cảm tạ,
Chúa thương ban phép lạ quê nhà.
Ban ơn giáo hóa miệt mài,
Chăm lo dạy học tương lai rạng ngời.

Vì giáo dục một đời tận hiến,
Giúp cháu con, tự nguyện hy sinh.
Trăm năm giáo hóa tận tình,
Nghìn năm mục vụ hết mình mến thương.

Năm hai tám xuất dương du học,
Tới Paris đại học Sorbonne.
Theo ngành sử học sắt son,
Khách quan nhận định, tấc lòng can qua.

Ba hai tuổi đăng khoa đại học,
Cha là nhà sử học tiền phong.
Sông Hương núi Ngự thân thương,
Về trường Thiên Hựu vun trồng Thụ Nhân.

Bốn bảy tuổi chuyên cần việc đạo,
Lo Tiến hành Công giáo thắm tươi.
Tới ngày sinh nhật năm mươi,
Cha lên Đà Lạt trồng người đắn đo.

Làm Viện trưởng chăm lo giáo dục,
Cha ưu tư nhận thức tương lai.
Trăm năm kiến tạo người tài,
Văn khoa, Khoa học một mai vẹn toàn.

Trường Sư Phạm lo toan đào tạo,
Lớp giáo sinh nhà giáo mai sau.
Pháp văn, Triết học làu làu,
Văn chương, Toán pháp ở đâu cũng cần.

Năm sáu bốn : Kinh Doanh Chánh Trị,
Số sinh viên xấp xỉ một ngàn.
Bốn năm học tập chuyên cần,
Ghi tâm tạc dạ tinh thần Thụ Nhân.

Năm sáu bẩy : lo toan Hội thảo,
Trong mười ngày phác họa ‘‘Mục tiêu’’.
Diễn đàn thức giả cũng nhiều,
Ưu tư thảo luận nhiều điều lợi dân.

Năm sáu chín : mở ban Cao học,
Ngành Kinh doanh biển ngọc rừng vàng.
Học trình Chánh trị thênh thang,
Kinh doanh Chánh trị dọc ngang cũng đành.

Từ dạo đó loanh quanh khắp chốn,
Trong thâm tâm thiếu thốn tình Cha,
Không gian giờ đã cách xa,
Thời gian vào buổi chiều tà xót than.

Nhớ Đà Lạt trăm ngàn tiếc nuối,
Cây Thụ Nhân của tuổi học đường.
Cha là Viện trưởng yêu thương,
‘‘Hối nhân bất quyện’’ (1) theo gương thánh hiền.

Tòa Viện trưởng mang tên ‘‘Hòa Lạc’’,
Gieo niềm vui Đà Lạt sắc hoa.
Văn phòng ‘‘Đôn Hóa’’ hiền hòa,
Nguyện đường ‘‘Năng Tĩnh’’ tinh hoa ý lành.

Nơi giảng đường ‘‘Minh Thành’’ sáng tỏ,
Chốn thư phòng biết ngỏ cùng ai.
‘‘Đạt Nhân’’, ‘‘Tri Nhất’’ người tài,
‘‘Thượng Hiền’’, ‘‘Hội Hữu’’ miệt mài bút nghiên.

Có danh hiệu thiêng liêng quý nhất,
Là ‘‘Thụ Nhân’’ sự thật canh tân.
Vượt lên giới hạn không gian,
Thời gian biến hóa Thụ Nhân một lòng.

Trước cửa viện Cha trồng cây bách,
Sau nhiều năm thử thách tang thương.
Cây thông cổng viện mờ sương,
Ngày nay mọc khắp bốn phương địa cầu.

Viện Đại Học tinh cầu bát ngát,
Rặng anh đào gió mát thênh thang.
Nhịp cầu nho nhỏ bắc ngang,
Thềm hoa thư viện xôn xang lá vàng.

Hồ Than Thở bàng hoàng tiếc nhớ,
Núi Lâm Viên nặng nợ thiên thu.
Cam Ly trắng xóa ưu tư,
Suối Vàng nước cuốn phiêu du một dòng,

Cuối năm Tỵ đông phong giá lạnh,
Chim viễn phương cất cánh tìm về.
Vành tang tóc xõa lê thê,
Mồ côi viện trưởng não nề khóc than.

Thân côi cút chứa chan dòng lệ,
Bút mồ côi kể lể đoạn trường :
Cha nay tới cõi Thiên đường,
Mười năm ly biệt nhớ thương nghẹn lời.

Lá Thụ Nhân rụng rơi về cội,
Cây Thụ Nhân tiếp nối ngàn phương.
Công trình giáo dục cha ông (2),
Từ nay nỗ lực vun trồng ‘‘Thụ Nhân’’.


Lê Đình Thông (Thụ Nhân Paris)

(1) ‘‘Hối nhân bất quyện’’ : dạy người không mệt mỏi.
(2) Cha, Ông : Ngày 6-11-1998, Cha Viện trưởng được Tòa Thánh vinh thăng Đức Ông.