Bà mẹ Chu, tên gọi của dòng họ, tay run run cầm tờ giấy nhàu nát trên tay, chữ còn, chữ mất đọc đi đọc lại tự trấn an mình. Bà không tin có ngày nhận được tờ giấy này. Tờ giấy nhàu nát nhưng lòng bà bằng phẳng, trong sáng. Đó là lệnh cho thăm nuôi. Hơn bảy năm trời chờ đợi một mảnh giấy nhàu nát, rẻ tiền nhưng chữ viết trong đó giá trị dường bao.

Con bà một linh mục công giáo bị bắt vì tội trung thành với đức tin. Bà mẹ đau khổ cùng một tội - trung thành với đức tin. Cả hai mẹ con bị xã hội ruồng bỏ, bị chủ thuyết thù nghịch, bị chính sách trả thù. Chính sách cuồng tín vô thần kết án những ai không theo chính sách đó là cuồng tín. Để tránh tiếng, kẻ vô thần, cuồng tín kết án, đổ tội cho người khác là cuồng tín, bắt đền thay tội cho họ. Nhận tội thay đồng nghĩa với nhận thay hình phạt, nhận thay xỉ vả và nhận thay cái chết.

Hai mẹ con là những người bình thường, xã hội tạo cho họ trở thành những viên đá góc tường như lời tường thuật của bài Thánh Kinh trong phúc âm thánh Mathêu 21,42. Là những viên đá góc sống động trong cuộc sống. quả thế họ bị đẩy ra góc, ra ngoài lề xã hội và họ đã sống trung kiên đến hơi thở cuối cùng.

Cha Chu, cha xứ nhà thờ từ chối tham gia hội công giáo yêu nước. Một tổ chức tôn giáo do đảng tổ chức. Lời từ chối này biến cha trở thành kẻ thù của nhà nước, tội đồ của nhân dân, thù nghịch với cách mạng, phản chống lại chủ nghĩa. Là kẻ thù nên phải trả thù; là tội đồ nên phải đền tội; là thù nghịch nên phải cải hoá; vì chống lại nên cần đè bẹp. Trong cái xã hội quỉ quái chỉ cần một câu nói, một chối từ có thể biến một người đang là yêu nước thành kẻ thù của nước. Đang là bạn dân biến thành kẻ thù của dân. Bản chất thật của con người thay đổi theo luật lệ của đảng. Bản chất thật của con người không nằm trong con người, không phải là căn tính của người đó mà nằm trên giấy tờ, luật lệ của kẻ cầm quyền. Đảng bảo người đó tốt, mọi người phải công nhận là tốt. Đảng bảo kẻ đó xấu thì mọi người phải hô hào là xấu. Ai có ý kiến ngược lại đều bị qui tội phản đảng, chống lại đảng. Cha Chu trở thành xấu vì đảng bảo thế. Dù thực tế người ta biết rõ cha là người tốt nhưng miệng vẫn phải nói xấu vì đảng đã phán như thế. Mấy chục năm qua cha làm việc bác ái, cũng không thắng nổi cái phán quyết đảng đưa xuống. Cái bản chất của con người bị đảng thống trị, phán quyết, phán sao thì ra vậy. Thực tế nó đúng hay sai đảng không cần biết, chỉ cần kẻ chạy theo đảng, tin, phò đảng thi hành điều đảng muốn, đương nhiên trở thành thực tế của xã hội đó.

Vì đảng bảo cha là thành phần xấu, phản đảng, kẻ thù của nhân dân nên đảng ra lệnh cho cha vào tù đền tội. Cửa tù của đảng là cửa đền tội. Một đảng chính trị không tin có thần, có thánh nhưng lại tin là có tội. Hiểu theo Thiên Chúa giáo tội do ma quỉ gây nên. Tội do ma quỷ chủ mưu. Công nhận tội là một thực thể đồng nghĩa công nhận ma quỷ là một thực thể. Một đảng không tin có sự sống sau khi chết nhưng tin có quỷ, có ma. Quỷ ma đều nằm ngoài tầm kiểm soát của đảng. Qui tội cách bất công cho người khác là hành động của ma quỉ.

Bà mẹ Chu nhận được phép thăm nuôi con. Nơi bà đang sống đến chỗ người con đang tù tội phải đi xe lửa hết hai ngày. Nhà không còn gì để tiếp tế cho con. Bà nghĩ ra sáng kiến tự tay mình làm quà rồi ngày nào đó chính tay bà trao cho con. Bà thu góp tất cả những sợi len còn sót lại đan cho con chiếc áo len. Những sợi len nhặt nhạnh được nơi thùng rác đầu đường xó chợ đã nuôi sống bà bấy lâu, nay chúng trở thành món quà quí cho con đang tù nơi xứ lạnh. ở cái xã hội quỉ quái cả chiếc áo len cũng phải vào tù. Chiếc áo lạnh gởi gấm tâm sự của người mẹ. Chiếc áo lạnh gói trọn tâm tình, lòng yêu mến và cả những giọt nước mắt vui buồn. Chiếc áo ghi dấu những biến cố của bảy năm qua, bảy năm cay đắng, bảy năm tủi nhục, bảy năm dở sống, dở chết, bảy năm cắn răng chịu đựng.

Hai ngày trời ngồi xe lửa nhà nước. Thân xác rã rời, đói lạnh, nhưng lòng vui vời vợi vì sắp được gặp mặt con. Trên đường đi bà định tâm điều gì cần cho con biết, điều gì cần giữ kín tránh cho con khỏi khổ vì những tin tức buồn thảm kia. Đến nơi, bà mới vỡ lẽ. Bà chỉ được phép gặp mặt có một giờ đồng hồ và không được phép nói chuyện gì khác ngoài chuyện thăm nuôi. Với bà thăm thì có, nuôi thì không vì chính bà đang đói, khát lấy chi để nuôi. Linh tính trước đó cho biết cuộc gặp gỡ sẽ khó nói điều muốn nói bởi vì đám lính canh cấm thông báo tin tức. Điều này bà được một số người quen thân, tín cẩn dặn trước cho biết. Vì thế bà âm thầm gài đặt những điều muốn nói, cần nói gởi vào tấm áo len. Tấm áo len chứa đựng tâm tư của mẹ Chu là thế. Nó không những chứa đựng tâm tư, tình cảm mà còn gói ghém cả niềm tin Kitô giáo, biểu tượng đức tin dưới hình thức biểu tượng. Lí do vì bà nghe ngóng biết được cái hạn chế tuyệt đối của việc thông tin trong lần gặp mặt. Chiếc áo len mang đủ mầu len khác nhau lí do bà nhặt nhạnh những miếng len cũ thiên hạ vất ra đường, thảy vào thùng rác. Bà lượm chúng về giặt sạch, tháo gỡ rồi xe lại thành sợi len mới đan áo cho con. Ý định đan cho con chiếc áo nảy sinh khi nhận được giấy báo thăm nuôi, hàng đêm bà bà nuôi dưỡng tư tưởng, cố nặn óc làm sao để thêu vào đó tình cảm, đức tin của mình. Bảy năm gom góp, lượm len để làm công việc diễn tả tâm tình yêu mến trong hoàn cảnh đặc biệt này. Chiếc áo len thực sự có mặt trên đời sau khi nhận được tin thăm nuôi, nhưng nó có trong tư tưởng bà nhiều năm trước đó.

Người lính canh cầm chiếc áo giũ mạnh, tung lên, hất xuống rất mạnh tay. Không có gì rơi ra hết ngoài bụi lấm tấm tung bay như hạt cám nhỏ. Sau đó anh ta bóp chặt, nắn chiếc áo từng li, từng tí. Cũng không có gì. Anh lính thất vọng quăng chiếc áo cho bà đưa cho con. Mẹ ngồi bên này bàn, con ngồi phía bên kia bàn, mặt đối diện. Anh lính vặn đồng hồ một tiếng gặp gỡ. Khi chuông đồng hồ reo cũng là lúc kết thúc cuộc gặp gỡ. Xong đâu vào đó người lính ngồi xuống chiếc ghế, mặt hướng nhìn ra sân nhưng tai thì vểnh lén nghe cuộc đàm thoại của hai mẹ con. Một xã hội bất tín, không ai tin ai, sống chuyên rình rập, sợ người khác, sợ ngay cả một tên tù nhân. Bà mẹ đặt chiếc áo len trên mặt bàn. Nói đến đâu tay bà chỉ đến đó. Ngay giữa thân áo len màu xanh, màu chiếc mũ nỉ ba con hay đội vào tiết đông. Sáu năm qua ba không dùng đến nó nữa mẹ dùng len của nó may áo cho con. Riêng ba thì ra ở chung với ngoại. Lời nói run run, ngẹn ngào ngụ ý báo cho con biết cha con mất sáu năm qua. Nói đến đây bà mẹ Chu liếc nhìn con thấy hai giòng lệ dù đã cạn cũng đủ làm hoen nhoà đôi mắt. Bà chắc nẫm người con biết tin cha mình đã qua đời không lâu sau khi mình vào tù. Thằng lính canh cũng nghe nhưng không hiểu gì hết. Ngưng một chút, bà tiếp tục câu chuyện. Không lâu sau ngày cha con không dùng mũ nỉ nữa mẹ dọn đến ở chung với ông ngoại hơn năm. Cha Chu hiểu ngay hoàn cảnh bi đát của mẹ. Ông ngoại chết đã lâu, cha cũng chết chôn cạnh ngoại nghĩa trang sau nhà thờ. Mẹ dọn ở chung với ngoại chính là trú ngụ ngoài nghĩa trang. Lời mẹ ngụ ý cho biết gia đình bị tịch thu, toàn vẹn tài sản bị cưỡng đoạt. Mẹ không còn lối thoát nào khác ngoài nghĩa trang là nơi không ai đoái hoài nên dọn ra đó tạm trú trong hoàn cảnh khó khăn. Cái nhục của đảng là cài đặt người ngồi nghe lén, trong khi hai mẹ con lên tiếng kể tội đảng nhưng đảng viên vẫn mù tịt. Thế mà đảng luôn vỗ ngực tự nhận là sáng suốt. Ngưng một chút để dò ý con, bà tiếp hơn năm sau mẹ lại tiếp ngoại và ba dọn nhà. Từ đó mẹ lại dọn đi nơi khác. Cha Chu hiểu ngay cả người chết cũng không yên với chủ nghĩa. Nghĩa trang chúng còn tàn phá, động đến cả người chết thì người còn sống, sống không yên là điều dễ hiểu.

Con nhớ cái nút áo này không. Lúc còn nhỏ con đứng nhìn nó hàng giờ. Người ta vất nó bên vệ đường mẹ nhặt được khâu vào đây làm kỉ niệm. Nó bị vỡ một nửa nhưng là một kỉ niệm đẹp thời thơ ấu con ạ. Cha Chu hiểu ngay nhà thờ đã bị tàn phá, có lẽ giờ biến thành kho lẫm của nhà nước. Nửa cái nút áo thực ra là hạt đá trên vương miện Đức Nữ Trinh. Kẻ vô thần mạnh tay đập phá tượng Chúa nên hạt đá trên vương miện bể đôi. Ngưng một chút bà tiếp. Mẹ biết mỗi năm hoa nở con rất thích xem hoa. Con xem rõ đó mười bông hoa nhỏ dọc tà áo mẹ hàng đêm nắn nót nhiều lần, đêm nào cũng nắn nót những hoa đó để tìm nguồn ủi an. Hiểu mẹ ngụ ý nhắn siêng lần chuỗi hàng đêm để tìm nguồn ủi an, sức sống tâm linh. Mỗi một bông hoa tượng trưng một kinh mân côi người mẹ gài vào chiếc áo len, ước mong hàng đêm người con dùng lần chuỗi. Người cán bộ vô thần, chú ý lắng nghe, nghe rõ những điều hai mẹ con tâm sự nhưng không hiểu tâm ý hai mẹ con. Người con trái lại hiểu rõ tâm ý mẹ. Để cho mẹ an lòng người con lật ngửa bàn tay trên bàn bà mẹ nhìn rõ trong lòng bàn tay con có vết dấu thập tự. Cha Chu hàng đêm dùng móng tay vẽ tới vẽ lui nhiều triệu lần đến độ đường vẽ trong lòng bàn tay biến thành đường chỉ tay, hình thập tự khắc giữa lòng bàn tay. Cả hai mẹ con nhìn nhau miệng mỉm cười. Lần cười duy nhất trong lần gặp gỡ cả hai tâm hồn thômg cảm, gặp nhau nơi ân sủng Chúa.

Bà mẹ Chu biến những sợi len thiên hạ vất ra đường, nơi thùng rác thành sơi bông căn bản đan áo lên. Thiên Chúa ban cho con người khả năng biến những gì người ta vất đi thành vật hữu dụng. Bà mẹ Chu biến viên sỏi bể thành nút áo nhắc nhớ ngày cha Chu chịu phép thêm sức. Hồi đó cha đứng hàng giờ ngó vương miện ĐứcTrinh Nữ. Bà mẹ Chu là tảng đá đức tin cho con trong tù. Nhờ đức tin học lúc nhỏ, nhờ cách sống của mẹ mà cha Chu dù trong tù vẫn tin tưởng mẹ mình giữ vững đức tin và quả là thế. Trải qua bao sóng gió bà vẫn đứng vững trong niềm tin. Cha Chu, đối với vô thần chủ nghĩa, cha thuộc thành phần vô dụng, ích gì cho xã hội, ngoại trừ đẩy vào tù cho khuất mắt. Trong tù Cha trở thành hữu dụng, biểu tượng đức tin cho các tù nhân khác. Với đảng, với nhà nước, cha vô dụng. Với anh em trong tù cha là nguồn cậy trông, là niềm tin chói sáng trong áo tù lọ lem.

Tảng đá người thợ xây loại bỏ lại trở nên tảng đá góc tường.

Phải chăng Thiên Chúa mời gọi mỗi người trong chúng ta trở thành tảng đá góc cho anh em khác trong cuộc sống. Thực tế cuộc đời có lúc đau khổ, bệnh tật, khi thua lỗ, lúc thất bại, khi bị nghi oan, những lúc như thế người Kitô hữu cần bám chặt Chúa nhiều hơn, cần vững tin hơn và cần kiên tâm trong việc trung thành thờ phượng Chúa. Chính niềm tin sắt đá, lòng kiên tâm này biến chúng ta trở thành tảng đá góc tường. Tự chúng ta không thể biến cải mình nhưng nhờ ơn Chúa giúp biến chúng ta trở thành đá góc như trường hợp hai mẹ con cha Chu.

Ba mươi năm sau cha Chu bỏ xác trong tù. Ngọn nến đức tin tưởng tắt lịm trong trại lao tù, vùi chôn qua loa, trở thành nấm mộ hoang, vô thừa nhận. Thân xác cha là thế nhưng câu chuyện đức tin chói sáng, đời sống đức tin rạng ngời, kể qua, nhắc lại nơi môi miệng những tù nhân sống sót trở về khi đảng và nhà nước vuốt mặt sửa sai, hé mở cánh cửa nhìn thế giới Tây Phương. Chính cánh cửa hé mở này biến câu chuyện cuộc đời cha Chu, viên đá lót đường, vang vọng mãi với niềm hy vọng ai bắt buộc phải đi con đường đó sẽ tiếp tục làm cho con đường nối dài, trải rộng tới Thiên Đường. Cha Chu chết rũ trong tù sau ba mươi năm giam cầm. Cha sống thọ hơn đám lãnh tụ nhập cảng xã hội chủ nghĩa. Điều rõ ràng là cả hai mẹ con dù sống trong hoàn cảnh khó khăn trăm bề đều sống thọ hơn bọn lãnh đạo. Tư tưởng đảng viên lúc chao đảo, lúc tạo nghi ngờ, lúc sửa sai; trong khi đức tin của cha chói sáng, kiên vững như tảng đá góc, mặc dù đức tin đó bị thách thức, bị chèn ép, bị cấm đoán. Hai mẹ con sống lâu hơn nhóm lãnh đạo vô thần xác tín một điều là chủ nghĩa, ý thức hệ, tư tưởng dù tin mãnh liệt thế nào chăng nữa cũng không bảo vệ được mạng sống. Chính những người sống tranh đấu, bảo vệ, truyền bá tư tưởng cũng chết trong tuyệt vọng. Trong khi niềm tin Kitô hữu dù bị bách hại, cấm đoán thế nào chăng nữa Kitô hữu vẫn chết trong hy vọng, hy vọng Phục Sinh khải hoàn với Đức Kitô. Điều rõ ràng là câu chuyện, đời sống của hai mẹ con nhà họ Chu được nhân chứng kể với lòng ngưỡng mộ, cảm phục và quí mến một cách chân tình.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org