So với việc con người bay vào vũ trụ lần đầu tiên cách đây nữa thế kỷ để khám phá ra những điều kỳ diệu của thế giới bên ngoài, thì sự nhận biết về bản thân vẫn luôn là một chuyến bay không kém phần khó khăn trong đời mỗi người, để khám phá những bí ẩn trong thế giới nội tâm của mình. Việc nhận thức bản thân không tùy thuộc vào những thành tựu mà ta đạt được trong cuộc sống, cũng không phụ thuộc vào cách mà người khác đối xử với chúng ta. Nhận thức bản thân là một cuộc hành trình tìm lại những gì đang có ở trong mỗi người, nhằm tái khám phá những giá trị cốt lõi, mục đích cuộc đời,… Nhận thức bản thân là bước đầu tiên hiểu biết về chính mình nhằm khắc phục những yếu điểm, giúp chúng ta ứng xử, hành động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình…

Chiều thứ Bảy, 15.10.2011, gần 200 khán giả đã tham dự và giao lưu với Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, Giảng viên Đại Học Hành Chánh, Chuyên viên tư vấn tâm lý, qua đề tài: “NHẬN THỨC VÀ KIỂM SOÁT BẢN THÂN”. Đây là một đề tài hấp dẫn mang đầy tính triết lý và suy tư. Với giọng nói dễ thương, tính cách năng động, và giọng hát trữ tình, sâu lắng, Ths. Phạm Thị Thúy, đến với khán giả của Chương Trình Chuyên Đề bằng cả trái tim và chị đã xuất sắc khi đưa khán giả vào một chuyến du hành tái khám phá thế giới nội tâm, thông qua các hoạt động trong lớp để trả lời cho các câu hỏi sau:

Nhận thức bản thân là gì?

“Tôi là ai?” Câu hỏi tưởng như ngớ ngẩn ấy lại không dễ trả lời một cách chính xác và đúng nghĩa cho tất cả mọi người. “ Nhận thức về bản thân của một người là cơ sở nhân cách của người đó. Nó ảnh hưởng đến mọi phương diện đời sống của con người: khả năng học hỏi, khả năng trưởng thành và thay đổi, sự nghiệp và bạn đời. Không quá đáng khi nói rằng nhận thức đúng về bản thân là sự chuẩn bị khả dĩ và tốt nhất cho sự thành công trong cuộc sống.” (TS Joyce Brothers)

Điều quan trọng nhất để nhận biết mình là ai là việc nhìn thấy giá trị của bản thân. Mỗi người đều có một giá trị và ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị đó một cách nghiêm túc. “Ai đó yêu bạn không phải vì bạn là ai mà vì họ sẽ là ai khi họ đi bên cạnh bạn.” Mỗi người là một cá vị độc đáo với những tố chất có sẵn, là một mắc xích quan trọng trong một sợi dây xích khổng lồ, thiếu bất cứ một cá nhân nào cũng sẽ gây ra sai sót. Hãy thử đọc bản văn được đánh bởi chiếc máy vi tính hỏng phím a, để thấy tầm quan trọng của phím đó: “Chiếc mxý đxnh chữ của tôi hoxt động rxt tốt ngoxi trừ một phím bị hỏng. Bxn sẽ nghĩ rxng với cxc phím hoxt động tốt còn lxị thì không xi để ý đến phím hỏng. Nhưng một phím hỏng dường như cũng đủ sức phx huỷ mọi nỗ lực chung đxy bxn x. Bxn có thể tự nhủ rxng không sxo, chỉ có mỗi mình tôi như thế. Sẽ chxng xi để ý tôi có nỗ lực hết mình không. Nhưng có sự khxc biệt đxy vì một txp thể muốn hoxt động hiệu qux rxt cxn txt cx cxc thxnh viên hoxt động hiệu qux bxng cxch nỗ lực hết khx nxng củx mình. Vì thế, nếu có lúc nxo bxn nghĩ rxng mình không quxn trọng, hxỹ nhớ đến chiếc mxy đxnh chữ cux tôi. Bxn lx nhxn tố quyết định.”

Làm thế nào để nhận thức bản thân đúng?

Nhận thức đúng về bản thân sẽ giúp người ta giữ tâm an bình, không dễ bị chi phối quá nhiều trước những biến cố buồn vui của cuộc sống; giúp họ tự tin, yêu thương, tôn trọng chính mình và người khác. Đây cũng là điều kiện cần để có được thành công và hạnh phúc.

Muốn nhận diện đúng mình là ai, điều kiện đầu tiên đòi buộc là phải có thời gian lắng lòng để hiểu tại sao mình suy nghĩ, cảm nhận và hành động như vậy; nghiềm ngẫm về những những ước mơ, khát vọng, những thành công – thất bại, những điểm mạnh – yếu, những thuận lợi – khó khăn, những đức tính tốt – xấu, quan điểm sống, các quan hệ xã hội đang có, cần hiểu được lý do tại sao và bằng cách nào chúng ta trở thành con người như hiện tại.

Trong quá trình học để sống trong xã hội loài người, cá nhân không chỉ tự mình “soi gương” để nhận thức về bản thân, mà còn phải xem cái nhìn của xã hội như là một yếu tố không thể thiếu trong việc điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình, nhằm trở thành một thành viên hợp chuẩn trong xã hội. Tuy nhiên, con người cần có niềm tin, sự hiểu biết và bản lĩnh để không bị cuốn vào những dòng xoáy của thế gian: “Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đừng để thái độ ruổng rẫy của người khác trở thành nguyên nhân khiến bạn không chấp nhận bản thân.” ( Vui hưởng Cuộc sống- J. Osteel - Đình Tứ dịch)

Điều gì xảy ra khi chúng ta nhận thức sai về bản thân?

Trường hợp bị cách ly khỏi xã hội của mình, cá nhân không thể nhận thức đúng mình là ai. Câu chuyện “Đại Bàng - Gà” là một minh họa sinh động về vai trò môi trường sống và việc nhận thức bản thân có tác động mạnh mẽ đối với chính cuộc sống của cá nhân. Chuyện kể rằng: Một người đàn ông nọ tìm thấy một quả trứng chim đại bàng, nhưng không biết nên đã đặt nó vào ổ gà mái đang trong thời kỳ ấp trứng. Chim đại bàng con cùng nở ra và lớn lên với đàn gà con. Từ nhỏ cho đến lớn, con đại bàng con đều làm những việc mà những con gà thực thụ làm và luôn nghĩ mình là con gà không hơn không kém. Nó đào đất tìm giun và côn trùng, kêu cục tác, cũng vỗ cánh và bay được một ít trên không trung. Năm tháng trôi qua, con “đại bàng-gà” cũng đã trưởng thành. Một ngày đẹp trời nọ, nó nhìn lên bầu trời và thấy một con chim rất đẹp, dũng mãnh lướt đi trong gió. Nó ngước nhìn con chim đang bay đầy vẻ kính sợ, và hỏi những con gà quanh đó “Ai đấy?” “Đó là chim đại bàng, chúa tể của các loài chim”, một trong những con gà trả lời. “Ông ấy thuộc về bầu trời, còn chúng ta thuộc về mặt đất – vì chúng ta là gà.”

Khi nhận thức sai về bản thân người ta không biết mình thuộc về nơi đâu. Con “đại bàng – gà” chỉ biết bới đất tìm giun, cam chịu với số phận của mình, nó đã sống và chết như một con gà, vì nó luôn nghĩ mình chỉ là một con gà mà thôi. Nó không nhìn ra những khả năng tiềm ẩn và sự khác biệt của mình.

Sống với một bầy gà, ngay từ khi mở mắt chào đời, con đại bàng đã nhìn bản thân và thế giới bằng nhãn quan của một con gà. Môi trường sống không thuận lợi là yếu tố đầu tiên khiến nó nhận thức sai về bản thân. Tuy nhiên, sự thiếu sót lớn nhất trong cuộc đời của nó chính là thiếu niềm tin, khát vọng và niềm say mê khám phá bản thân. Nó chưa bao giờ mơ ước được bay cao và chưa bao giờ học bay để có thể tự tin bay vút lên trời xanh như tổ tiên ngàn đời của nó.

Làm thế nào để kiểm soát bản thân?

Việc đầu tiên là phải ngừng chỉ trích và kiểm soát người khác, nhận thức những yếu điểm của mình. Lập danh sách những điều mà bản thân có thể và không thể làm chủ được.

Kiểm soát bản thân là không để tình huống hay người khác quyết định sự buồn vui của mình. Khi kiểm soát suy nghĩ sẽ kiểm soát được cảm xúc và hành vi vì suy nghĩ chi phối mọi cảm xúc và hoạt động của con người.

Mỗi người phải chịu trách nhiệm về những suy nghĩ của mình.

Không đồng hóa quyền sử dụng và quyền sở hữu để tránh sự tham lam – yếu tố quan trọng dễ khiến người ta hành động mất kiểm soát.

“Nhận thức và kiểm soát bản thân” là điều không dễ dàng đối với tất cả mọi người. Dù là người thuộc tầng lớp nào cũng có khả năng nhận thức không đúng về bản thân mình. Khi nhận thức sai về bản thân sẽ khiến người ta mất cơ hội để có một đời sống sung mãn, và họ dễ rơi vào một trong hai thái cực: đề cao bản thân mình quá tới mức tự tôn, không coi ai ra gì; hoặc rơi vào mặc cảm, tự ti khi nhận thấy người khác hơn mình.

Đại bàng vốn là một loài chim săn mồi sống trên núi cao, cưỡi lên trên những cơn bão. Vì không nhận thức đúng mình là ai, “đại bàng – gà” đã tự biến mình thành con mồi với những cú đáp cánh lè tè trên mặt đất và tiếng kêu cục ta, cục tác đáng thương.

(Mời xem tài liệu của diễn giả tại đây, và nghe toàn bộ nội dung buổi nói chuyện tại đây hoặc mục Audio của trang web: chuongtrinhchuyende.com)