Chúa Nhật 23 thường niên, năm A

Mat 18,15-20

Người Thiên Chúa giáo Việt Nam có thói quen gọi người không cùng tôn giáo với mình là ‘người ngoại’. Kiểu gọi vắn tắt này gây hiểu lầm cho các tôn giáo bạn. Khi dùng từ ‘người ngoại’ người nói ngụ ý chỉ người đó là người ngoài Thiên Chúa Giáo. Trong khi người nghe lại hiểu từ ‘người ngoại’ là người ngoại giáo, không có đạo. Cách hiểu thông thường, bình dân này gây tai hại trong tôn giáo. Có người đặt vấn đề không lẽ chỉ có Thiên Chúa giáo mới là đạo còn các tôn giáo khác đều không phải là đạo. Thực ra từ nguyên thuỷ ‘người ngoại’ không có ý nói người khác vô đạo hay coi thường các tôn giáo khác mà chỉ muốn nói người đó ngoài tôn giáo với mình. Kinh Thánh dùng từ ‘người ngoại’ khác với cách hiểu thông thường chung trong đại chúng.

Kinh Thánh dùng từ ‘người ngoại’ với hai ý. Ý thứ nhất chỉ những người không cùng tôn giáo Kitô. Ý thứ hai chỉ những Kitô hữu không sống theo tinh thần Phúc Âm, thiếu yêu thương và tha thứ. Họ sống trong cộng đoàn nhưng hành xử như người ngoài cộng đoàn. Đức Kitô còn dùng hình ảnh khác nói đến các Kitô người ngoại, đó là hình ảnh sói đội lốt chiên làm công việc cắn phá, âm thầm giết hại chiên. Bởi vì chúng mặc áo chiên nên khó nhận ra tính lang sói ẩn núp sau dáng điệu hiền từ của chiên. Chỉ sau khi trở thành nạn nhân lúc đó chiên mới nhận ra tính lang sói. Khi đã là nạn nhân thì không còn tư thế để phanh phui tính lang sói. Cũng có thể chiên bị chết còn đâu cơ hội để báo cho cộng đoàn biết sói đang sống giữa bầy chiên.

Như vậy trong đoàn chiên luôn có sói trá hình, đội lốt. Trong cộng đoàn Kitô hữu luôn có ‘người ngoại’ sống chung. Kitô hữu trở thành ‘người ngoại’ khi Kitô hữu chọn lối sống theo ý riêng mình. Bề ngoài thì họ là Kitô hữu như những người khác nhưng bên trong họ không có chất Kitô hữu trong mình. Chính vì thế mà khó phân biệt ai là Kitô hữu chân chính; ai là Kitô hữu ngoại lai. Kitô hữu ngoại lai sống chung với các Kitô hữu chân chính, ăn nói như những Kitô hữu chân chính. Họ cũng nhân danh cộng đoàn nói về Chúa, cũng nói về yêu thương, bác ái, cũng đôi khi, thỉnh thoảng tham dự thánh lễ, sinh hoạt chung trong cộng đoàn, đôi khi họ còn hăng say tranh đấu dành quyền lợi cho cộng đoàn. Những sinh hoạt trên có thể qua mặt, làm cho một số người hiểu lầm họ là Kitô hữu chân chính. Thực ra họ là Kitô hữu ngoại lai. Họ qua mặt loài người mà không thể qua mặt Đức Kitô, Đấng không nhìn bề ngoài mà thấu suốt bên trong tâm hồn con người. Đại đa số chúng ta đánh giá người khác qua việc đạo đức mà quên phần thánh thiện. Đức Kitô không nhìn người khác bằng hành động đạo đức bên ngoài. Ngài nhìn phần đạo đức xuất phát từ trong tâm hồn. Đạo đức đến từ tâm hồn được gọi một từ riêng là thánh thiện. Đạo đức bề ngoài không giúp cho người đó nên thánh. Chỉ có phần đạo đức thực sự đến từ trong tâm hồn, phần thánh thiện mới giúp cho Kitô hữu nên thánh. Đạo đức thánh thiện thực sự được thánh Phaolô nhắc lại điều Chúa dậy tóm gọn trong giới luật yêu thương.

Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Đó là: Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham... Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác Rm13,8-10

Câu đáp ca trong thánh lễ hôm nay cho biết dấu chỉ của Kitô hữu chân chính là Kitô hữu có lối sống khiêm nhường.

Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Các ngươi đừng cứng lòng ( c. 8).

Kitô hữu ngoại lai là Kitô hữu nghe tiếng Chúa nhưng vẫn cứng lòng. Như thế nào là cứng lòng, biến hoá, thoái hoá thành Kitô hữu dân ngoại. Phúc âm đưa ra thí dụ sau.

Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.Mt 18,15tt.

Kitô hữu không nghe lời giáo huấn của người lãnh đạo cộng đoàn trở thành Kitô hữu ngoại lai, chọn sống theo lối sống riêng, thích đấu tranh. Kitô hữu phạm lỗi mà từ chối nghe sửa dậy thì không thể là Kitô hữu chân chính. Bởi Kitô hữu chân chính khi lỗi phạm họ nghe theo lời chỉ dậy, sửa sai. Kitô hữu dân ngoại thiếu tinh thần khiêm nhường. Từ chối nghe theo hướng dẫn của người lãnh đạo cộng đoàn. Coi mình quan trọng hơn cả mọi người. Sống trong cộng đoàn để lợi dụng cộng đoàn làm bàn đạp gây thanh thế cho mình thì không thể coi là thành tâm phục vụ cộng đoàn.

Chúng ta hãy xin ơn chớ cứng lòng khi nghe tiếng Chúa.

Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. Tv 94,9.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org