Chúa Nhật 22 thường niên, năm A
Mat 16,21-27

Nguyên cớ gây nên bất bình đến từ nhiều nguồn khác nhau. Có cái nhìn gây hấn. Có cách đứng làm người khinh chê. Có thế ngồi làm mất danh giá. Có kiểu ăn làm người cười. Có kiểu cười gây bất mãn. Có cách đi tạo ngờ vực. Có cách nằm gây tai vạ. Có câu nói gây nên bất bình.

Lời nói đóng vai trò khá quan trọng trong việc kết thân hay gây oán thù. Lời nói khôn ngoan đến từ trời, Phêrô đại diện anh em trả lời được Đức Kitô khen thưởng. Cũng Phêrô đại diện anh em khuyên Đức Kitô đừng để cho bị bắt, bị hành hình và chết trên thập giá lại là nguyên cớ cho chê trách. Khi Phêrô lên tiếng cầu mong những tiên đoán về cuộc tử nạn sẽ không xẩy ra cho Đức Kitô hẳn Phêrô có ý tốt, ý ngay lành. Phêrô nói hoàn toàn với lòng thành. Không muốn Thầy bị bắt, khổ hình và chết trên thập tự. Phêrô và các môn đệ mặc dù theo Thầy đã lâu vẫn không hiểu được việc Đức Kitô chịu khổ hình thập giá, chịu đóng đinh, và sau ba ngày sẽ sống lại là một phần trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nếu hiểu được điều đó Phêrô đã hành động khác hơn.

Đức Kitô giải thích cho việc hiểu sai lầm là vì ông xét sự việc theo thói thường của thế gian. Dùng hiểu biết thế gian để phán đoán việc làm của Thiên Chúa sẽ không bao giờ đúng với ý định của Thiên Chúa. Không thể suy bụng ta ra bụng Chúa được. Con đường của Chúa là con đường tình yêu. Mọi lời nói, việc làm đều qui hướng về tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đức Kitô chết vì yêu nhân loại. Đức Kitô xuống thế cũng vì yêu nhân loại. Đức Kitô về trời cũng vì yêu nhân loại. Tất cả đều nhìn trong con mắt tin yêu. Ngoài con mắt đó ra mọi cách nhìn khác đều lệch lạc.

Tiên tri Giêrêmia loan báo hãy thống hối để hưởng thái bình nếu không Chúa sẽ để mặc cho hung bạo và điêu tàn tàn phá. Người ta đã không đón nhận, trái lại còn nhạo báng, chê cười khiến ông phải than lên,

Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày Gr 20,8

Dù nhục nhã tiên tri vẫn kiên trì kêu gọi thống hối vì ông biết ý định của Thiên Chúa là yêu thương, muốn kẻ có tội khỏi chết.

Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma 12,1-2 dậy cách học biết ý định của Thiên Chúa. Muốn biết ý Chúa cần phải canh tân lòng trí. Nhờ canh tân lòng trí mà biết được đâu là ý Chúa, đâu là ý riêng, ý thế gian. Căn bản của ý Chúa là yêu thương, tốt lành và trọn hảo bởi vì ý đó được thần trí hướng dẫn. Thần trí luôn sống động và ban sự sống nên lời của Chúa ban sự sống trường sinh.

Làm thế nào để canh tân lòng trí? Đức Kitô dậy rất rõ ràng giúp chúng ta thực hiện trong cuộc sống. Muốn canh tân lòng trí việc đầu tiên là phải từ bỏ ý riêng để sống theo ý Chúa. Ngay cả trường hợp ý riêng xem ra có vẻ tốt lành như trường hợp Phêrô. Ý riêng dù có tốt lành mấy cũng không thể tốt lành hơn ý Chúa. Chọn sống theo ý riêng, ngay cả ý tốt lành cũng là chọn sống hạng nhì. Nếu không muốn nói là hạng thứ. Ý của Thiên Chúa tốt lành trên hết mọi tốt lành ta có thể tưởng tượng ra được. Vì ý của Thiên Chúa cao siêu vượt trên trí hiểu. Vì thế chọn sống theo ý Chúa là cách chọn lựa khôn ngoan và tốt lành hơn cả. Sống theo ý Chúa là cách canh tân lòng trí. Nhờ lòng trí canh tân mà chúng ta trở thành chứng nhân đích thực cho Đức Kitô. Sống, thực thi giáo huấn Ngài dậy. Chính Đức Kitô xác nhận,

Ai nghe và giữ Lời Ta thì như người khôn xây nhà trên đá, mưa sa, bão táp nhà đó không sụp đổ, nhà đó vẫn đứng yên vì xây nhà trên nền đá. Mat 7,21-29.

Sống thực thi ý Chúa rất có thể sẽ gặp phải chống đối, chê trách như trường hợp của tiên tri Giêrêmia. Đừng để ý kiến đám đông, đại đa số làm nguyên cớ ngăn cản ta đến gần Chúa. Đừng bao giờ lí luận là đại đa số luôn đúng, thiểu số luôn sai. Kinh Thánh ghi lại nhiều trường hợp đại đa số, đám đông, sai lầm về đức tin, về giáo huấn Đức Kitô dậy. Đừng để truyền thống, phong tục trái tinh thần yêu thương cản trở ta đến gần Chúa.

Giáo huấn của Chúa tóm gọn trong giới răn mến Chúa yêu người. Để mến Chúa yêu người thì hãy gạt bỏ tự ái cá nhân, gạt bỏ sở thích cá nhân. Mến Chúa bằng cách thu góp những gì thuộc về Chúa. Yêu người bằng cách cho kẻ đói ăn, khát uống, thăm người đau yếu, bệnh tật. Dùng của cải, vật chất thế gian để làm giầu cuộc sống nội tâm. Hãy sống để mang lại sự sống cho người khác.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org