Nói đến thằng Tư là dân trong làng ai cũng biết. Các cụ già thì cho là thằng Tư sau này sẽ làm lớn vì bất cứ đi đâu nó cũng mang theo quyển sách nhẩm bài. Nghe ai nói câu gì mới lạ là nó mở sách ghi lấy để học. Các cụ khuyên con cháu nên bắt chước tính chăm chỉ học hành của thằng Tư. Lũ cháu nghe ông bà khuyên lấy tính thằng Tư làm mẫu mực thì cười toác; về vấn đề học vấn lũ trẻ khinh chê thằng Tư ra mặt. Cả trường ai không biết là thằng Tư học dốt, không tháng nào mà nó không đội sổ, hoạ may lắm thì nó mới leo lên được. Không phải tháng đó nó học giỏi nhưng là có mấy đứa ốm đau nghỉ học cả tuần mất điểm nên thằng Tư mới được như vậy. Tuy học ngu nhưng thằng Tư có nhiều bạn bè vì tính tình của nó tốt, lại thích giúp đỡ anh em nên lũ trẻ thương hại cho coi bài vỡ trong các kỳ thi đệ nhất, đệ nhị bán niên nên năm nào thằng Tư cũng được lên lớp. Thầy giáo thì biết rõ thằng Tư chăm học nhưng vì nó quá đặc, tội nghiệp trời sinh nó có như thế, nên cũng chẳng phiền trách nó làm chi. Có đốc thúc nó cũng không khá hơn được. Thằng Tư sợ nhất là thầy cô giáo mới, thầy cô không biết tật bẩm sinh của nó, lại bắt nó chạy đua với những đứa khác thì Tư nhất định giật giải cuối. Cái cảnh khổ trên chỉ xảy ra vài tuần đầu thôi. Vài tuần huấn nhục cũng đủ chết Tư rồi.

Bố mẹ Tư rất lấy làm đau lòng vì đứa con không được bình thường. Ông bà chẳng biết làm sao hơn, chỉ nhìn vào tính nết tử tế, đàng hoàng của Tư mà tự an ủi mình. Chẳng được trí khôn thì cũng được tính tốt. Mới đầu không ai biết việc học của Tư ra sao, chỉ thấy nó siêng học nên ai cũng khen thằng Tư mãi sau này họ mới biết là thằng Tư chậm trí. Từ đó về sau dân chúng trong làng không bao giờ mang chuyện học hành của con cái nói chuyện với bố mẹ Tư, nếu có phải nhắc đến thì họ nhắc qua cái tính khiêm tốn, đạo đức của Tư, nhờ vậy mà hai ông bà thương Tư ngang hàng với những đứa con khác. Năm thi Tú tài một, một số giáo sư đề nghị không cho nó đi thi vì biết rằng thế nào nó cũng rớt. Số khác thì cũng không hy vọng gì Tư nhưng thấy như vậy là bất công. Tư đi học đầy đủ không mất một ngày học nào, nó chẳng bao giờ chểnh mảng viêc học, hơn nữa họ nghĩ thương hại bố mẹ Tư. Điểm quan trọng hơn hết là cho Tư đi để lấy kinh nghiệm. Có rớt thì Tư cũng có kinh nghiệm đi thi. Những lý do trên dẫn Tư đến trường thi. Sau kỳ thi bạn bè hỏi, Tư thành thật như đếm. Có bài thì Tư làm hơn nửa, có bài thì kém, còn những câu hỏi không biết thì nó nói là không biết. Đến ngày kéo bảng kết quả, bố mẹ Tư nghe kể việc thi cử như thế nên cũng chẳng giục Tư đi xem, mãi sao này nghe nói láo kháo là Tư đủ điểm đậu lúc đó nó mới đi coi kết quả. Đến nơi thì bảng kết quả chẳng còn gì. Tư lần mò về trường hỏi mới biết rõ đậu hay rớt. Được tin Tư mừng húm chạy về báo tin bố mẹ. Bố Tư nửa tin nửa ngờ chạy lại trường xác nhận lại hai ông bà mới chịu tin. Hai ông bà đãi gia đình một bữa cơm thịnh soạn khiến những đứa con khác phát ghen, đồng thời cũng sắm cho Tư bộ quần áo mới, đôi giày mới. Tư thì thoả mãn với cái điểm vừa đậu. Tư biết khả năng học của nó và nó chỉ mong đậu chứ không mong đậu cao.

Tư may mắn đậu Tú tài một và có lẽ cái may mắn đó chỉ đến một lần. Năm lớp Đệ Nhất (lớp 12 ngày nay) bài vỡ nhiều, Tư học ngày học đêm, không bỏ phí lấy một nửa buổi chiều. Nhìn người nó phờ phạc hẳn ra, hai mắt lõm sâu có quầng đen. Nếu phải trả lời những câu hỏi thuộc lòng hay lý thuyết thì chắc chắn Tư đậu cao lắm. Những công thức Toán-Lý-Hóa Tư thuộc lòng như những bài thơ nhưng nếu mang áp dụng để giải toán thì Tư bó tay. Nhất là những câu hỏi có gài bẫy, lắc léo một tí thì Tư bị lạc vào mê hồn trận, không biết đường tháo lui hay tiến tới làm sao. Giáo sư thì bảo Tư sinh lầm thời đại. Nếu nó sinh nhằm lúc học Tứ Thư Ngũ Kinh thì Tư đổ Trạng Nguyên từ lâu rồi. Trời sanh Tư vào thế kỷ 20 mà lại cho nó bộ óc ở thế kỷ thứ 9 thứ 10 thì thật quá uổng cho Tư, họ bảo thế. Đúng vậy, bạn bè mà bí công thức thì cứ đến Tư mà hỏi, khỏi phải lật sách mất công, nhưng đừng hỏi xa hơn nữa mà đâm ra dại. Bạn bè cùng lớp cho là nếu Tư học ban C chắc nó sẽ khá vì ban C chuyên về thơ văn, hỏi trúng tác giả nào Tư cứ ngồi nhớ lại viết ra là có điểm. Mấy anh học trò ban C bị chạm tự ái, cho là mấy anh ban A và B, tức là ban Vạn Vật và Toán chê ban C. Các anh dốt khôngbiết gì về văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế nên mới phải đánh vật với mấy con số lẻ và lũ tế bào chết. Ban C là ban chuyên nghiên cứu về triết lý, những tư tưởng cao siêu của thời đại, những biến đổi thăng trầm của lịch sử tư tưởng nhân loại và nhất là nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Tư không cần biết ban nào chỉ cần đậu là được, ước vọng của Tư là đậu còn ban nào cũng có giá trị riêng của nó, bàn cãi vô ích lại sinh ra mích lòng anh em.

Sau hai ba năm thử lửa với trường thi, ban giám khảo cũng như giáo sư chấm điểm vẫn không hiểu được anh học trò dốt nhưng siêng học. Tư đành bỏ cuộc về giúp gia đình. Tư lúc này cảm thấy cô đơn, bạn bè cùng lớp tiến xa cả, đứa lập gia đình, đứa theo đuổi việc học, Tư chẳng còn ai. Bố mẹ Tư lo việc lập gia đình cho Tư, ông bà kiếm đỏ con mắt chẳng ra, hết bố thúc đến mẹ thúc lập gia đình Tư cũng cứ ù lì ra đấy. Tư cũng có quen mấy cô bạn gái nhưng hễ bàn đến chuyện yêu đương là cô nào cũng lắc đầu quầy quậy. Phải Tư lập gia đình ngay sau khi đậu Tú tài một thì có nhiều cô đeo đuổi đấy, nhưng cái Tú tài hai đã không giúp Tư được gì mà còn gây tai tiếng khiến chàng phải khốn đốn. Một cô trong xóm ỡm ờ nửa đùa nửa thật nên Tư cũng chán, đã có lần Tư than lên, người ta lấy bằng cấp, danh vọng, địa vị chứ không ai chịu lấy tình yêu, đạo đức. Rõ chán cho thời thế. Một phần vì thất vọng, phần khác thì quê với bạn bè nên Tư quyết định đi phương xa lập nghiệp họa chăng có khấm khá hơn không. Tư gom hết tài sản ra đi, không hiểu trời xui đất khiến làm sao lại gặp ngay phải tay điếm đàng. Những lời ngọt ngào như rót vào lỗ tai khiến Tư dốc hết tài cũng như lực chung vốn làm ăn. Mấy tuần đầu thì Tư được nghe giải thích là những ngày đầu chuẩn bị làm ăn nên không nhìn thấy kết quả. Buôn bán cũng như trồng cây phải tới mùa mới sinh bông trái; mấy tuần sau thì lại nghe giải thích là khách hàng chưa quen, phải kiên nhẫn làm ăn thì mới thành đạt được. Những giải thích khôn khéo trên cuối cùng để lại cho Tư một búa chí tử. Cái ông bạn với những lời lẽ ngọt ngào tự nhiên biến mất để lại cho Tư nghe những lời đòi nợ của bà chủ nhà đến rát tai. Bao nhiêu vốn liếng của Tư dành dụm bấy lâu biến sạch, lại cộng thêm mấy tháng ở nhà thuê chưa trả tiền. Tư vừa buồn vừa giận. Buồn vì món nợ không vay nhưng phải trả, buồn vì cái tính điêu ngoa người đối xử với người. Trước đây đi hỏi vợ hụt, Tư cho là đàn bà ham danh lợi, địa vị, bằng cấp, bây giờ học được một bài học quá đắt. Tư cho là đàn bà ham danh nhưng chưa tệ bằng đàn ông, những người lưu manh, đểu cáng. Từ cái kinh nghiệm đó Tư đâm ghét những người ăn nói ngọt ngào. Những cuộc đối thoại càng văn vẻ bao nhiêu, càng dùng nhiều danh từ hoa mỹ bao nhiêu thì lại càng phải đề phòng cái sự giả dối, lừa bịp ở đàng sau đó bấy nhiêu. Tư không giận người nhiều bằng giận chính mình. Tư giận đến độ hằn hộc với chính Tư nhất là những lần đi xin việc, đi đến chỗ nào xin cũng được vui vẻ đón nhận lúc đầu. Có lẽ vì Tư có được phong thái của người có sức lực, khuôn mặt để lộ vẻ chân thật, cần cù. Nhưng sau những lần phỏng vấn thì Tư chỉ được xếp vào loại dự bị phòng khi cần sẽ gọi đến. Tình trạng của Tư là phải đi làm để vừa nuôi thân vừa trả nợ, chứ không phải ăn rồi nằm chờ việc. Chưa bao giờ Tư thấy cuộc đời nhiều rắc rối như thế này. Bài học nào khó mấy Tư cũng có thể học thuộc nhưng bài học ngoài trường đời thì không. Tư để ý bao nhiêu lần phỏng vấn xin việc có bao giờ họ hỏi lại câu hỏi cũ đâu. Cứ nay học được mấy câu hỏi, về tìm cách trả lời học thuộc, mai đến họ lại hỏi những câu hỏi khác nên Tư không thể nào trả lời suông sẻ được. Đối với Tư tìm việc thì không khó, đường xa chàng không ngại, thức khuya dậy sớm không đáng kể, mức lương cao thấp không thành vấn đề, nhưng trả lời những câu hỏi trong lúc phỏng vấn thì quả thực ngoài mức tưởng tượng của chàng. Tư không thể nào hiểu được những câu hỏi ở đâu ra mà nó nhiều thế, lạ hơn nữa là làm thế nào để họ nhớ được những câu hỏi đó để hỏi. Theo kinh nghiệm trong những cuộc nói chuyện, Tư chưa bao giờ hỏi quá năm bảy câu hỏi. Tư chỉ hỏi đến câu thứ năm là hết sau đó thì chàng ngồi yên lặng, hoặc nghe, hoặc ngó mông lung cho hết giờ, còn đi phỏng vấn thì bị hỏi lung tung nhiều khi chưa kịp trả lời câu hỏi này đã bị hỏi câu khác, thật là rầy rà.

Trong số những người Tư thân nhất trong xóm là người ăn mày đầu xóm, anh ta ngồi trên chiếc xe lăn bằng mảnh ván, có 4 cái bánh xe nhỏ xíu, người ăn mày dùng hai tay đẩy xuống đường mỗi khi cần di chuyển. Tư hay cho cơm anh ta nhưng mấy ngày vừa qua Tư bận rộn tìm việc làm, việc chẳng có, tiền cũng không, nhà lại hết gạo nên Tư buồn không muốn gặp ai, kể cả người ăn mày thân thiết. Hồi tưởng lại những ngày đã qua Tư thấy đời mình sao khổ quá, suốt đời vất vả học hành, kết quả là 4 lần thi rớt, phải như Tư lười biếng cũng xong, đàng này Tư siêng năng cần cù mà trời cũng không thương. Lớn lên lập gia đình cũng không được, cũng chỉ tại anh rớt Tú tài. Trong số những bạn bè thì hồi nhỏ thân thiết thế nhưng giờ mỗi người một phương, chẳng ai ngó ngàng tới, chẳng biết đâu mà thư từ. Ngoài xã hội thì gặp người lưu manh. Càng suy nghĩ Tư càng tức, tức cho cái thân phận nhỏ bé, tức cho cái tài mọn, tài gì mà đến nỗi xin việc cũng không ai thèm nhận. Chàng thấy tủi và không muốn sống nữa. Đối với Tư có lẽ tìm cái chết là an toàn nhất. Tư sẽ dũ sạch bụi đời, sạch nợ, sẽ không còn bị phỏng vấn đuổi việc. Nghĩ thế, Tư thức luôn 2 đêm liền suy nghĩ, viết thư tuyệt mạng cho bố mẹ. Sau khi viết thư xong, Tư đọc đi đọc lại kỹ càng, cuối cùng chàng viết lại thật sạch không sai lấy một chữ rồi cẩn thận bỏ vào phong bì đề địa chỉ gởi về nhà. Cuối cùng chàng không có tiền mua tem gởi thơ. Chỉ có 2 người Tư nghĩ có thể mượn tiền đó là bà chủ nhà và người ăn mày. Hỏi bà chủ nhà thì không được vì Tư còn nợ tiền nhà. Lúc đầu Tư nghĩ, tự tử chết là sạch nợ, sau suy đi nghĩ lại Tư lại định đến xin bà ta tha nợ để Tư chết được thảnh thơi hơn, nếu không thì cái công bằng nó dằn vặt, cắn rứt Tư. Chàng đắn đo suy nghĩ không lẽ xin món nợ vừa xong lại ngửa tay ăn mày tiền ngay thì khó coi quá nên chàng quyết định đi gặp người ăn mày để ăn mày lại anh ta. Chàng cũng cầu xin cho người ăn mày gặp may để anh ta có đủ tiền cho Tư ăn mày lại.

Vừa trông thấy Tư, người ăn mày mừng rú, la lên như gặp vàng, anh ta liếng thoắng không ngừng, nửa trách móc, nửa hí hửng. Chàng nhìn Tư từ đầu đến chân, hai mắt chàng dán chặt vào người Tư, đôi mắt đi đến đâu cái miệng “phát biểu” đến đấy, nào là mấy ngày nay đi đâu mà không thấy bóng vía, nào là công việc nặng nhọc lắm hay sao mà trông phờ phạc như vịt thay lông vậy, nào là làm để chết hay sao mà bộ mặt coi rầu thế. Chàng cứ tía lia không để cho Tư kịp mấp máy lấy vài ba câu. Một hồi sau chàng ăn mày hầu như không còn gì để nói, chàng nhìn Tư trâng trâng như ngóng đợi câu trả lời. Tư ấp úng mãi mới rặn ra được vài ba câu, chàng cảm thấy như có điều chi chắn ngẹn nên nói không ra. Mà thực những lời Tư nói ra nó khó nói làm sao, toàn là những thất bại, chán chường, toàn là những xua đuổi, ruồng rẫy, không tìm thấy một tí hy vọng mảy may nào, không tìm thấy một tí ánh sáng nào, những câu như tìm việc đỏ con mắt không ra, hay làm gì để sống cho qua ngày, suy nghĩ nát óc cũng không tìm được lẽ sống, đời sao nhiều ê chề quá. Tính toán đến hụt hơi cũng không ra chỉ còn một giải pháp chót là đầu hàng. Giải pháp này cũng không dễ gì, mấy ngày qua Tư tốn hàng mấy chục trang giấy viết thư tuyệt mạng, viết thế nào cũng sợ bố mẹ và gia đình hiểu lầm. Viết xong thư lại không có tiền gởi thơ nên đành đến xin tiền người ăn mày.

Vừa nghe nói đến ăn mày tiền, người ăn mày cười ngất, thật không ngờ trong số những kẻ ăn mày lại có người được đầy ơn phúc làm nghề bố thí. Cả đời anh ăn mày có lẽ đây là cơ hội đầu tiên để anh ta có cơ hội bố thí. Cơ hội này bỏ qua sao được. Người ăn mày cười vì cứ nghĩ là Tư nói chơi, nhìn cái vẻ mặt ngây ngô, khờ khờ của Tư thật anh không thể nào nín cười được. Anh cứ nghĩ là Tư nói chơi nên ba hoa không hề gì. Anh hứa sẽ giúp Tư tất cả ngoài mạng sống thì anh không thể còn cái gì cũng được. Người ăn mày đang cười bỗng nín bặt vì thấy Tư trịnh trọng lôi trong túi áo ra một phong thư với địa chỉ đầy đủ. Tư ngập ngừng run run tay trao vội phong thư cho người ăn mày, anh thổ lộ những ý định thầm kín đã dày vò anh trong những ngày qua. Người ăn mày đón nhận phong thư nhưng anh có cảm nghiệm như đón nhận một sứ mạng quan trọng, sứ mạng của một người mang hung tin, trong đó gói ghém tất cả cuộc đời của một thanh niên suốt đời cố gắng gầy dựng tương lai và cái tương lai đó được chôn chặt trong phong thư như là một lời vĩnh biệt cho gia đình. Một phong thư không trả lời cho sự thách đố của cuộc sống mà là một sự đầu hàng đớn đau.

Người ăn mày không thốt lên được câu nào để khuyên Tư. Hai tay anh nắm chặt lấy tay Tư như cố gắng cầm giữ mạng sống Tư trong tay. Anh không rõ sẽ cầm giữ nó được bao lâu. Có điều chắc chắn là nếu anh thắp lên trong Tư một tia hy vọng, dù là một hy vọng nhỏ xíu thì anh có thể giúp Tư vượt qua cơn thử thách quyết liệt này. Sau khi trấn an tâm hồn anh khuyên Tư đừng làm thế vì xui lắm. Không ngờ hai chữ “xui lắm” lại thêm dầu vào lửa cho cái ý định đầu hàng kia. Tư định tự tử nên ước mong gặp xui chư nếu gặp hên thì còn mặt mũi nào nhìn lại người thân. Cái ý tưởng xui lắm dẫn Tư đi đến quyết định quyết liệt hơn. Tư đã dứt khoát và cái dứt khoát được thôi thúc thi hành ngay lời khuyên của người ăn mày. Thốt xong những câu trên, người ăn mày nhận ngay ra là mình sai lầm, một lầm lỗi có thể khiến anh ân hận suốt đời. Anh liền tìm cách cầm chừng để tìm một giải pháp khác. Anh biết nhược điểm của Tư là rất luống cuống khi bị chất vấn nên anh hỏi Tư thật nhiều câu hỏi, từ những câu dễ đến khó dần, càng lúc anh càng dồn Tư vào chỗ luống cống. Cuối cùng Tư đâm quạu vì bị hỏi tự tử bằng cách nào. Theo Tư, anh tới để vĩnh biệt người ăn mày chứ có ngờ đâu bị hỏi như là đi phỏng vấn để được phép trợ tử. Kế hoạch phỏng vấn không mang lại kết quả, nhưng ít ra nó giúp người ăn mày một thời gian để tìm cách giúp bạn. Thời gian không cho phép người ăn mày cầm chân Tư mãi. Anh đi đến một quyết định dứt khoát là đi báo nhà chức trách để họ tìm người chuyên môn giúp Tư. Anh tin rằng quyết định này mang kết quả tốt vì cái phong thư kia là vật chứng cho những điều anh khai báo. Anh biết cho người khác coi thư của Tư là sai nhưng vì mạng sống của Tư nên anh bất chấp luật lệ, vả lại việc anh làm với mục đích tốt. Vấn đề khó khăn là làm sao anh vừa cầm chân Tư vừa tìm được cơ hội thuận tiện để đi báo nhà chức trách mà không cho Tư biết. Hy vọng của anh là giữ Tư càng lâu càng tốt. Nghĩ thế, người ăn mày bắt đầu kể cuộc đời của mình cho Tư nghe, đổi lại Tư phải chăm chú nghe như là giá trả cho việc chuyển thư dùm. Người ăn mày cố kéo dài thời gian nên anh kể chuyện đời mình với thật nhiều chi tiết nhỏ nhặt. Đời anh miên man kéo dài từ lúc mới sanh cho đến lúc vào viện mồ côi và chiến tranh cướp mất bố mẹ và gia đình anh; rồi những ngày sống nhờ vào tình thương của những bàn tay từ thiện, vào tình bạn mồ côi, rồi thời gian học hành ngày đực, ngày cái, rồi đến những mộng mơ của tuổi thanh xuân. Mộng xuân gẫy ngang khi anh đến tuổi nhập ngũ. Anh kể rất thong thả, chậm từng chữ một để giết thời gian. Tư như bị lạc vào giòng đời của người ăn mày, anh chăm chú nghe tựa hồ như một vị thánh hân hoan kính cẩn đón những lời kinh chiều phát ra từ tấm lòng chân thành của các tín hữu. Người ăn mày kể tới chỗ vỡ mộng, anh lại bắt đầu xây dựng một mộng mới, trong hoàn cảnh mới, hoàn cảnh của đời quân ngũ. Chiến tranh đã đánh cướp tuổi xanh của anh, cướp đi gia đình thân yêu. Chiến tranh giờ đây thiêu đốt luôn mộng đời quân ngũ của anh, cộng thêm một phần thân thể là đôi chân và kết quả là cuộc sống vất vuởng trên hè phố. Đời anh hai lần sống nhờ vĩa hè: thời gian trước khi vào viện mồ côi và thời gian sau khi rời bệnh viện. Có lẽ vì quá xúc động với cuộc đời có nhiều đau thương hơn anh tưởng nên hai dòng lệ lăn dài trên gò má đen sạm lúc nào anh cũng chẳng hay. Có nhìn lại cuộc đời mới thấy sức chịu đựng của con người. Sức chịu đựng đó hầu như vô giới hạn. Có những biến cố xảy ra rồi bây giờ hồi tưởng lại vẫn còn sợ, ấy thế mà nạn nhân vẫn tồn tại, chịu đựng được để sống còn.

Người ăn mày dù sống trong đau thương nhưng anh không than thở, trách móc về số phận hẩm hiu của anh, trái lại anh hãnh diện về cuộc đời đầy chiến đấu, cam go. Chiến thắng quân thù luôn luôn dễ hơn chiến thắng trong cuộc sống vì kẻ thù đến ta còn có thể chống cự hay rút lui. Ta không thể lẩn tránh trong cuộc sống vì đau thương tìm kiếm ta, không mời cũng đến, đến đuổi chẳng đi, lẩn trốn cũng không thoát, chỉ có một giải pháp là chuẩn bị để đối phó. Người ăn mày học được cái kinh nghiệm đó, anh luôn sẵn sàng đối phó với mọi biến cố. Trong đời binh nghiệp, anh áp đảo tinh thần địch bàng câu “hàng sống, chống chết”. Đúng thế, kẻ đầu hàng có cơ hội được tha, chống là giỡn mặt với tử thần. Cái kinh nghiệm trên hoàn toàn trái ngược với cuộc sống, nó không cho phép ai đầu hàng vì đầu hàng là bỏ cuộc, là tự giết mình; nên đời người, sống là tranh đấu. Còn tranh đấu là còn hơi thở, hết tranh đấu là dứt điểm đời người. Với anh, cuộc đời là món quà quý, chính vì nó quý nên cần phải giành giựt; đời càng nhiều phong ba thì cuộc đời càng giá trị, nó cần được bảo vệ một cách tuyệt đối và chỉ những ai xứng đáng được nghe thì mới được cái hân hạnh đó. Tư được nghe cuộc đời của anh vì nó có thể mang lại cho Tư niềm hy vọng, sự sống. Hơn nữa, Tư là người biết lắng nghe, biết đón nhận cái kinh nghiệm bản thân quý hoá đó. Người ăn mày sống vào lòng bác ái của anh em nhưng anh không lấy gì làm xấu hổ. Anh luôn tự hào là kẻ chiến thắng. Cái chiến thắng của anh là luôn đóng tròn vai trò của một người trong nghịch cảnh. Hồi còn nhỏ, phá làng phá xóm có, chửi thề đánh lộn có, trốn học, lười biếng và bao nhiêu điều tệ hại khác. Những trò chơi con nít đó chỉ là cái tính bốc đồng, thiếu hướng dẫn hay là cái vỏ giả hình của một đứa trẻ mồ côi. Trong thâm tâm anh, anh cũng cảm thấy xấu hổ sau cuộc chơi, cảm thấy làm như thế là sai, có hại. Dầu biết thế nhưng cái trẻ con tính của anh lại bộc phát lên và lại một lần nữa ân hận. Có một điều anh kiêu hãnh là dù nghịch cảnh thế nào anh cũng không lừa đảo, lường gạt ai. Anh chưa một lần trong đời sử dụng mánh khóe hay uy lực để hà hiếp, cướp giật của ai. Anh luôn cố gắng sống và đóng vai trò được giao phó.

Tư bám chặt hai vai người ăn mày lay mạnh, lúc đó anh mới sực tỉnh để trở về thực tại. Thì ra trong lúc kể về đời mình, anh đã lạc vào cuộc sống quá khứ, nó không phải là mơ mà là nhìn lại cuộn phim của đời anh, nó luôn gắn liền với cuộc sống nhưng dễ mấy ai có được cơ hội để xem lại lịch sử đời mình.

Phải mất một lúc khá lâu người ăn mày mới nhớ lại được quãng đời anh kể bị đứt quãng. Đó là thời gian trong bệnh viện, nằm trong Quân y viện anh có những tư tưởng giống như Tư, có khi mãnh liệt hơn vì cái tính bộc trực khẳng khái của anh. Nhớ lại hồi mới bị cưa chân, anh đã chửi rủa vị bác sĩ làm công việc đó hàng năm trời. Kẻ thù của anh lúc đó là bác sĩ và y tá, những người phục dịch anh. Giả như giết được họ thì anh đã làm từ lâu. Không giết được người, anh giả câm, giả điếc, giả điên khùng với hy vọng ai đó làm phước hay ghét bỏ để họ kết liễu đời anh. Nhìn người ta đi lại mà mình thấy thèm. Lúc đó anh mới thực sự cảm nghiệm được giá trị của đôi chân. Anh ghen tức với tất cả những ai có chân. Qua kính cửa sổ anh thấy lũ trẻ chạy nhảy, đôi chân chúng như những cái đinh đóng vào cặp mắt cú vọ của thằng lính cụt chân. Bao nhiêu lời chửi rủa thậm tệ nhất anh đã dùng hết, bao nhiêu kế hoạch anh nghĩ được đã sử dụng cả. Kết quả vẫn là cuộc sống của một thằng lính cụt chân. Thời gian trôi đi, anh không hiểu sức huyền bí nào giúp anh chấp nhận số phận của mình. Có lẽ bằng lòng với những gì anh đang có và tìm thấy cái giá trị của đời sống đó. Ý nghĩa và giá trị đời người không nằm trong đôi chân hay đôi tay hay ở bất cứ một phần thân thể nào của con người. Giá trị đời người là cả cuộc sống, là cách sống, cách xử thế. Có lẽ vì nghĩ như thế mà anh chấp nhận cuộc sống thương tật. Nếu phải làm một cuộc so sánh thì đời anh vẫn còn may mắn hơn bao người. Anh vẫn thấy đời anh có giá trị và ý nghĩa; chung quanh anh vẫn còn bao người thương mến và cả thương hại nữa.

Chấp nhận cuộc sống dẫn anh đến chấp nhận những lỗi lầm, thiếu sót. Anh liền đi tìm vị bác sĩ đã cưa chân anh để xin lỗi. Lúc đầu vị bác sĩ tránh mặt vì ông ta tin tưởng là anh tìm đến để trả thù về việc ông ta đã cứu anh. Mãi sau này anh nài nĩ, phiền hà quá vị bác sĩ mới chấp nhận cho gặp. Anh phủ phục trước mắt ông ta xin lỗi vì những cố chấp vừa qua. Vị bác sĩ bất chấp bộ quần áo bẩn thỉu của anh ăn mày bồng chặt anh trên tay, ôm hôn như sợ cơ hội một thuở ngàn năm mới xuất hiện một lần mà ông là người may mắn gặp được. Thực sự, sau này vị bác sĩ kể, suốt đời làm bác sĩ ông chưa thấy ai trả thù lao cho ông lớn bằng người ăn mày kia. Anh ta không phải trả bằng tiền của, mồ hôi nước mắt mà bằng chính tấm lòng chân thật, bằng trái tim của người được giúp đỡ. Cũng chính từ lúc đó một lành một què trở nên thân thiết. Người ăn mày cứ miên man kể, giòng tư tưởng của anh tuôn trào ra như suối nước trong, không dứt. Trong khi đó Tư cũng hồi tưởng lại cuộc đời của anh. Trước đây anh cứ nghĩ đời của anh là đời tàn tạ, gặp nhiều đắng cay, tủi nhục, thất bại nhất, không ai đau khổ hơn anh. Nghe về cuộc đời của người ăn mày anh lại thấy là đời anh còn may mắn quá. Người ăn mày đã cho anh một bài học mà có lẽ anh sẽ không bao giờ quên. Một bài học không phải chỉ soi sáng sự hiểu biết về cuộc đời con người với những thân phận mỏng dòn mà nó còn đưa ra ánh sáng giá trị và mục đích cuộc đời của mỗi người, dù ở hoàn cảnh nào thì cuộc sống cũng có giá trị riêng của nó và ta phải ngồi suy gẫm thì mới thấy cái giá trị thực của đời người. Đối với Tư, anh thấy anh còn may mắn quá, anh còn có gia đình, bố mẹ, anh chị em thân yêu. Anh có sức khoẻ và được học hành dẫu không thành công. Càng suy nghĩ về cuộc đời anh càng thấy mình may mắn. Từ những may mắn kia nảy lên trong anh mầm mống hy vọng, thèm khát sống và muốn mang tất cả khả năng sẵn có ra để chung lưng đấu cật với những người khác tạo dựng xã hội. Một con đường đã vạch ra trong trí anh, một ánh sáng hy vọng đã mang đến cho anh một niềm vui, sự vui mừng chấp nhận khả năng thực của chính anh.

Tư đang lạc trong mộng mơ của một tương lại đầy hy vọng và cái tương lai đó bị cắt ngang khi anh trông thấy bức thư của anh rơi xuống đất từ áo người ăn mày. Anh nhặt vội lấy xé nó thành trăm mảnh không thương tiếc. Kết quả của hai đêm thức trắng đang nằm gọn trong bàn tay giận dữ của Tư. Anh phải xé, xé thật nhiều, nghiền nát cái mầm mống đầu hàng kia đi. Niềm hy vọng mới sẽ đè nén nó, không để một cơ hội nhỏ nào cho nó phá quấy Tư. Những mảnh giấy vụn theo gió tung bay như bụi cát và rồi sẽ biến mất không để lại một mảy may di tích nào. Tư thở phào nhẹ nhõm, khuôn mặt tươi tỉnh và cảm thấy khoẻ hẳn lên, một niềm sinh khí mới tự đâu đến ban cho anh sức sống. Tiếng xé giấy đã kéo người ăn mày trở về thực tế. Thì ra trong lúc hồi tưởng lại quá khứ, người ăn mày đã dành hết tâm trí vào đó mà quên thực tại nhất là để Tư ngồi một mình. Người ăn mày xin lỗi Tư trong khi Tư lại xin lỗi người ăn mày vì đã vô ý xé giấy làm ngăn trở giấc mộng của người ăn mày. Tư cũng giải thích thêm cho biết là lần đầu tiên trong đời anh có được một buổi chiều sung sướng, đầy ý nghĩa như thế. Anh cho người ăn mày biết ý định tự tử của anh giờ thay bằng ý chí vươn lên. Vừa nghe thế, người ăn mày mừng rống lên, anh ôm chặt Tư, bốn mắt nhìn nhau đổ lệ. Rồi cả hai cùng một lượt nói lớn “Tạ ơn anh.”

Qua sự giới thiệu của người ăn mày, vị bác sĩ đã giúp Tư học Anh văn để trở thành thông dịch viên.Tư lại trở về với sách đèn, lần này thì mọi người đều thán phục cái trí nhớ có một không hai của Tư. Có lẽ anh nhớ không sót một chữ ngữ vựng nào đã học trong lớp. Nếu trước đây mọi người đều biết anh nổi tiếng về học dốt. Khi học ngoại ngữ mọi người đều biết về tài nhớ của Tư. Kỳ thi tới anh nắm chắc phần thắng. Anh phải đậu thủ khoa là ít, mọi người đều nói thế. Ngày thi tới, người ăn mày lăn xe đến tận cổng trường chúc anh gặp nhiều may mắn. Thi xong, anh hớn hở chạy ra khoe với người ăn mày, anh còn kể rõ anh trả lời làm sao. Thầy giáo đứng nghe anh kể đều lấy làm hài lòng, đắc ý về công lao dạy dỗ. Ấy thế mà kéo bảng kết quả tên Tư bị lọt sổ. Anh tự tin là mình dư điểm đậu không cần xem bảng kết quả cũng biết. Tất cả bạn bè học cùng lớp rất ngạc nhiên, không hiểu sao Tư lại rớt. Họ kéo nhau đến hỏi Tư, chàng chỉ cho là họ đùa dai, đến khi mọi người xác nhận là nói thật Tư mới bị lung lạc. Tư chạy đến gặp thầy giáo, các ông cũng ngạc nhiên. Rồi đơn khiếu nại đi về năm bảy lượt, họ đồng ý cho Tư thi lại nếu rớt thì Tư phải trả mọi phí tổn. Lần này Tư chứng tỏ cho họ thấy cái khả năng thực sự của Tư. Chàng làm không sai lấy một chữ mà lại còn dư giờ nữa. Mãi về sau này Tư mới biết lý do tại sao anh rớt, thì ra Tư chú trọng vào các câu trả lời mà quên bẳng đi mục tên, tuổi, địa chỉ.

Tư có việc làm, mọi người đều thích anh vì Tư tỏ ra là người đáng tin cẩn, có trách nhiệm, cần cù. Lần lãnh lương đầu tiên anh mua quà tặng vị bác sĩ và dẫn gnười bạn què đi nhà hàng. Nhìn hai người có vẻ tâm đầu ý hiệp, ai cũng biết họ là đôi bạn chí thân. Chẳng bao lâu sau anh trả xong món nợ thuê nhà và cũng từ ngày đó anh rước người ăn mày về nuôi. Người ăn mày chỉ đồng ý ở chung nhưng nhất định không chịu để Tư nuôi,vì anh nghĩ rằng cuộc đời của anh, anh luôn cố gắng đóng tròn vai trò của anh dù ở bất cư hoàn cảnh nào. Chẳng bao lâu sau người ăn mày trở thành thợ đánh giày ngoài vĩa hè. Người đến đánh giày đông không phải vì họ thương hại anh mà vì thích nghe anh kể chuyện, cái tài kể chuyện của anh được thiên hạ tặng cho là người có tài ăn nói. Anh thường trả lời không dám, chỉ xin nhận một nửa những gì thiên hạ tặng cho, không dám nhận cả đâu. An nhận là có tài nói mà không có tài ăn.Một hôm Tư đang kể chuyện với người ăn mày, bỗng có người đến trao cho anh phong thư và nhắn rằng người bạn trước đây anh hùn làm ăn gởi. Lần này anh bạn khéo ăn nói không đến dụ hùn hạp làm ăn mà đến để trả nợ, kèm theo lá thư giải thích lý do. Lúc chưa có việc làm, một đồng Tư cũng quý, bây giờ cầm một nắm bạc trong tay anh cũng cảm thấy thường. Của cải vật chất không phải là thứ qúy hoá nhất. Giá trị của nó được tăng lên nhiều ít tùy theo nhu cầu ta cần. Đối với Tư, điều quý nhất trên đời có lẽ là tình người, nó quý ngang với mạng sống. Quả thực, Tư còn sống cho đến hôm nay chính là nhờ anh bạn cụt chân.

Ước vọng của Tư được toại nguyện. Ngày bỏ làng mạc ra đi Tư ước ao được trở về trong vinh quang. Nay có công ăn việc làm vững chắc lại có được của ăn của để, Tư thu xếp trở về thăm bố mẹ. Trên chuyến xe về quê, cả Tư lẫn anh bạn cụt chân cảm thấy nôn nao. Lần đầu tiên anh bạn cụt chân về miền đồng bằng sông Hậu. Kể từ sau ngày cưa chân đây cũng là lần đầu tiên anh được bồng lên xe. Lòng anh rạo rực, cặp mắt trong sáng để lộ khuôn mặt đầy nghị lực. Tư thì bồn chồn thấy rõ, khuôn mặt tươi tắn đầy hy vọng. Anh mường tượng ra lúc anh chị em nhận được những gói quà quý do chính anh lựa chọn. Những hình ảnh vui nhộn nhảy múa trong tâm trí anh và anh mĩm cười thoả mãn. Anh định bụng sẽ kể cho cả nhà nghe về công việc anh đang làm, những gì đã xảy ra và được anh bạn cụt chân giúp đỡ làm sao. Anh còn đang mơ màng về ngày hội ngộ thì quang cảnh nhà anh hoàn toàn trái ngược với những gì anh tưởng tượng. Cảnh nhà vắng tanh vắng ngắt. Mẹ anh đang vá quần áo trên chiếc phản gần cửa sổ. Nghe tiếng Tư, bà ngưng tay, miệng há hốc nhìn Tư không nói được một lời.

Trên chiếc bàn thờ con phía bên cửa sổ, Tư thấy nhang đèn nghi ngút, cạnh đó là tấm hình của Tư. Anh lấy làm kinh ngạc không hiểu sao có chuyện đó. Tối đến, cả nhà về đông đủ bố Tư mới kể chuyện về lá thư tuyệt mạng. Lúc này thì cả Tư lẫn người bạn cụt chân đều kinh ngạc. Cả nhà cứ đi từ hết ngạc nhiên này sang đến kinh ngạc khác, không ai hiểu sự thể ra sao. Rõ ràng chính tay Tư xé tan bức thư và anh ngồi nhìn từng miếng giấy vụn biến mất theo cánh gió mà sao ở nhà còn nhận được lá thư tuyệt mạng. Ông bố lục tủ tìm lại bức thư. Ông không muốn đốt nó đi vì đó là những lời trăn trối cuối cùng của Tư. Cầm cánh thư trong tay anh không biết nói gì. Anh ôm chặt người cụt chân, miệng không ngớt nói “tạ ơn anh”.

Không ai thèm để ý tìm hiểu đến lá thư tuyệt mạng kia. Cả nhà xôn xao mừng đón Tư còn sống trở về.

Lm Vũđình Tường

(viết xong ngày 19/10/1988)

TiengChuong.org