Buổi trưa tháng bảy, trời nắng thật gắt. Cái nắng giao mùa, tranh chấp giữa thần nắng và thần mưa. Ba mẹ con Hùng ngồi trên chiếc chõng tre ngó ra ngoài sân. Hùng, đứa anh lớn nhất cứ đưa mắt theo dõi những hạt bụi li ti lẩn quẩn trong không khí. Chúng bị cuốn đi bởi những cơn gió, cứ tung lên lại rớt xuống, lại bị tung lên, chập chờn trong cánh gió. Trước mặt Hùng lúc này là cả một bầu trời đom đóm. Hàng triệu đom đóm sao từ từ dâng lên từ mặt sân, cứ cao độ vài thước là chúng nổ tan tành như những đốm nhỏ của cái pháo bông. Hùng đang chăm chú theo dõi những hạt đom đóm sao đó, tiếng bà cụ mẹ Hùng nhắc:

‘Thôi hai anh em con đưa lúa đi chà rỗi có không kịp đâu, từ nhà ra đến đó cũng phải hơn tiếng đồng hồ chứ ít gì.'

Bà cụ chép miệng tiếp:

‘Tội nghiệp hai thằng bé nắng chang chang thế này mà cũng phải đi.’

Hùng vẫn ngồi yên, chàng vẫn còn mãi mê chăm chú theo dõi những hạt đom đóm trưa hè. Bà cụ lại phải nhắc thêm một lần nữa. Hùng uể oải, vươn vai đứng dậy, chàng vừa ngáp vừa hỏi:

‘Thằng Huy đâu rồi mẹ?’

Bà cụ trả lời bâng quơ:

‘Thì con đi gọi nó xem, nó vừa ngồi đây với mẹ và con, chắc nó chưa đi đâu xa đâu.’

Hùng ngáp dài:

‘Con chẳng muốn đi tí nào cả, hay để mai đi có được không mẹ?’

‘Mai nhà máy đâu có làm việc, hơn nữa mẹ đã nói với người ta rồi, không đi thì họ chờ chết, vả lại, nếu con không đi thì chiều nay lấy gạo đâu ra mà nấu cơm. Thôi, mẹ bảo ngoan, hai anh em đi rỗi, đi sớm thì về sớm con ạ.’

Bà cụ trả lời.

Hùng và Huy, hai anh em lệ khệ khiêng mấy bao lúa xuống thuyền. Chiếc ghe tam bản tròng trành trên giòng nước đục ngầu, hai anh em chèo thành thạo khiến con thuyền đi thật nhẹ nhàng. Bà mẹ đứng trên bờ nhìn con đi khuất trước khi quay vào. Hùng và Huy cứ lẳng lặng chèo, hai cánh tay đưa đi đưa lại thật đều nhịp, thường thì hai anh em nói chuyện vui vẻ lắm, nhưng hôm nay trời nắng chẳng ai chịu nói cả, thỉnh thoảng Huy lại giơ tay đấm ngang để lau mồ hôi trên trán. Một cơn mây kéo đến che rợp cả bầu trời. Hùng kêu lên:

‘Chết, không mang vải mưa đi, trời mà mưa lấy gì che được.’

Huy nói có vẻ quả quyết:

‘Mưa làm sao được mà mưa, mùa này ít mưa lắm, chẳng còn mấy chốc nữa là đến nơi, lúc đó tha hồ mà mưa.’

Hùng dục em:

‘Chèo khoẻ đi một tí nữa thì thế nào cũng tránh được mưa.’

Chiếc cầu ao của nhà máy chà đã lộ ra trước mắt. Huy reo lên:

‘Tới rồi kìa, em trông thấy chiếc cầu ao rồi đấy, em nói mà, đâu có mưa.’

Hùng có vẻ mệt mỏi, chàng trả lời cộc lốc: ’Ừ’

Con thuyền từ từ được cặp vào bến. Huy nhanh nhẹn phóng ngay lên trên cầu ao, tay kia cầm sẵn chiếc dây cột vào cộc cầu ao. Hùng bảo Huy vào lấy xe đẩy ra để đẩy lúa lên đem đi chà, còn chàng ngồi canh chừng nhỡ có chiếc canô nào đi ngang đánh chìm thuyền chăng. Huy kéo chiếc xe đẩy ra, chàng chẳng thể nào kéo qua được cái con dốc. Huy hai tay cầm chặt lấy cần kéo của chiếc xe, quay ngược người cố kéo nhưng chiếc xe chẳng nhúc nhích. Chàng ghì gà ghì gẵng mãi. Hùng thấy thế, chàng nhón nhén bước qua những bao lúa để đi lên giúp em. Thấy anh lên tới, Huy mừng rỡ, hai anh em túm lại kéo, chiếc xe trườn lên khiến cả hai anh em chúi nhào về phía trước. Tới bờ sông, chiếc xe được chêm cứng lại bằng hai hòn gạch thẻ đặt ở bánh xe. Hai anh em lại ì à ì ạch khiêng lúa chất lên xe. Sau khi đã chất xong xuôi, ông thợ vác lúa đi ra để giúp hai anh em kéo xe lúa vào.

‘Hai anh em giỏi thật, trời nắng thế này mà đi xay lúa giúp mẹ được, ngoan lắm, thôi để cho chú, chú kéo vào cho.’

Hùng hỏi:

‘Chừng nào thì xong hả chú?’

Chắc hôm nay không lâu lắm đâu, vì có ít khách, hơn nữa mẹ cháu có dặn trước rồi. Chú tưởng các cháu không đi nên chú vừa mới xay lúa của người ta xong, sau lần này thì đến phiên cháu.’

Hùng đáp:

‘Cháu định không đi ấy chứ, trời nắng quá, nhưng mẹ cháu bảo đã lỡ hứa với chú rồi nên chúng cháu phải đi.’

Hùng và Huy để lúa cho chủ máy muốn lo sao thì lo, chúng lững thững đi quanh quẩn máy xem một chút rồi bỏ đi ra. Hai anh em rủ nhau ra cầu ao ngồi nghỉ mát. Hùng trông thấy cây táo đầy những quả, chàng quay hỏi em:

‘Huy có ăn táo không?’

Huy tán đồng ngay. Hai anh em bẻ đầy hai túi táo ngồi cạnh cầu ao nhai. Ánh nắng đã dịu lại, vài con cá lên ngớp nước quậy cái đuôi để lại một xoáy nước trông thật đẹp. Hùng nói:

‘Cái ao này mà được câu thì sướng biết mấy.’

Huy cãi lại:

‘Nó chẳng cắn đâu, ở đây cá ăn cám cũng no.’

Hai anh em còn đang chuyện trò vui vẻ. Có tiếng hỏi:

‘Hai con làm gì đấy?’

Cả hai cùng một lượt quay lại, ông cha xứ tay cầm ghi đông xe đạp đứng đó tự bao giờ. Cả hai cùng thưa:

‘Chào cha ạ.’

Ông cha xứ hỏi:

‘Ăn gì cho cha ăn có được không?’

Hùng trả lời:

‘Chúng con đang ăn táo’

Chàng tiếp:

‘Cha ăn táo dai không?’

Ông cha xứ trả lời:

‘Không, cha không ăn đâu, các con ăn đi’

Liền ngay lúc đó hai, ba bà lão vừa tới nhà máy chờ xay lúa. Các bà rủ nhau ra chào cha xứ. Các bà nghe loáng thoáng cuộc đối thoại giữa ba cha con. Lúa đã chà xong, được chất xuống ghe cẩn thận, ông chủ nhà máy gọi hai anh em Hùng chèo thuyền về, ông còn dặn với lại:

‘Chèo cẩn thận có thuyền chìm vừa ướt gạo, vừa chết đuối đấy, còn tiền bạc thì để chú tính lại với mẹ cháu.’

Hùng và Huy cám ơn ông chủ nhà máy chà xong, xuống thuyền chèo về. Bà mẹ mừng rỡ đón con về, bà giúp mang gạo lên, ân cần hỏi han, mẹ con có vẻ đầm ấm lắm.

Hùng đi học về đến nhà gần ba giờ chiều, trời nắng chang chang. Hùng cảm thấy bụng đói nhưng vì uống nước nhiều quá chàng cảm thấy bụng anh ách. Hùngvừa nói:

‘Thưa mẹ con đi học về’

Chàng được nghe một giọng hằn hộc của mẹ:

‘Về đây rồi tao bảo’

Hùng chẳng hiểu ất giáp gì cả, chàng chỉ thấy mẹ hôm nay có vẻ hơi khác, có vẻ nóng nảy, bực tức điều gì trong lòng. Đợi Hùng cất cặp xong, bà mẹ ra lệnh:

‘Hùng, lên giường nằm.’

Bà chẳng hỏi han gì, kéo ngay cái roi trúc mà bà đã chặt sẵn từ bao giờ, ba cái roi được chập lại làm một, bà giơ thẳng cánh quất. Hùng đau điếng người, chàng chẳng còn đủ bình tĩnh để suy đoán xem mình đã làm gì để đến nỗi phải ăn đòn như thế. Hả cơn giận, bà ngồi xuống cạnh giường thở, điệu bộ thật thiễu não, mệt mỏi. Chàng vẫn còn nằm úp mặt xuống giường nhưng đôi mắt ngó mẹ cho vững bụng. Mỗi lần bà cụ nhúc nhích, Hùng lại có cảm tưởng đau đớn, hình như một cái roi vô hình nào đó đang chực quật xuống cơ thể chàng. Bà cụ thì mồ hôi rướm ra trên da mặt sạm nắng, hai con mắt đỏ, buồn không thèm chớp, cái roi trúc vẫn tênh hênh giữa giường trông chẳng khác nào cây roi tử thần mà chàng đọc trong chuyện “Họa kiếp sau’.

Bình thường Hùng thấy mẹ thật hiền, nhưng hôm nay thấy bà dữ dằn làm sao ấy, cái vẻ hiền từ biến mất hẳn trên khuôn mặt; một vẻ hằn học lộ hẳn trên cặp mắt bốc lửa kia. Hùng nằm yên bất động, nhưng trong đầu chàng nghĩ vẩn vơ vô cùng. Những trò chơi với chúng bạn hiện rõ trong đầu, từng thứ một, mạch lạc, hẳn hoi, tên những đứa bạn thân hiện rõ ràng. Càng nghĩ, chàng càng thấy rõ những thú vui đang chào đón, nếu chàng được thong dong đi chơi với chúng. Bình thường như mọi ngày, giờ này chàng cũng đang hò hét, hay chơi một vào trò chơi, nhưng hôm nay thì.. . Bà cụ ra lệnh tha. Hai tiếng ‘tha cho’ ban ra, Hùng nhận lãnh có vẻ chậm chạp làm sao ấy. Chàng nghĩ thầm trong bụng, đánh mệt rồi tha chứ đâu có thương tiếc gì. Bà cụ gằn giọng:

‘Tao tha cho rồi mà còn cứ nằm đó mãi à, có dậy rửa mặt đi không, nhưng mà cấm không cho ăn chiều nay.’

Hùng mệt mỏi bò dậy, chàng khoanh tay thưa:

‘Thưa mẹ, từ.. . nay... con chừa...con không... dám... vậy... nữa, mẹ... tha... cho... con !’

Bà cụ lẩm bẩm:

‘Lần sau còn vậy nữa thì tao giết, chứ không tha nữa’

Hùng khoanh tay khập khiễng bước ra phía cầu ao, tới nơi thay vì rửa mặt, chàng ngồi phịch xuống, có vẻ đau đớn, những vết roi hồi nãy vẫn còn hành hạ chàng. Hùng đưa tay ra sau rờ những chỗ bị quật thấy chúng nổi lên từng cục, từng cục, chàng bật khóc một mình.

Bà cụ sau khi đánh con, trong lòng cũng còn bực vì cái lỗi hỗn hào của con. Càng nghĩ càng bực, phải như nó nói với người ngoài thì còn đi xin lỗi họ dễ dàng, đàng này nó lại nói với ông cha xứ. Bây giờ nói làm sao cho ông ấy hiểu được, thật khó quá chừng, từ nay còn mặt mũi nào mà ngó ông ấy nữa. Bà định bụng kiếm món quà gì rồi dẫn Hùng đến để hai mẹ con cùng xin lỗi. Nghĩ mãi không ra được cách nào hay cả. Mỗi lần có việc phải nói với người trên hay với đám đông, bà thường suy nghĩ kỹ lắm, định nói những gì bà đã lập đi, lập lại nhiều lần hầu như thuộc, thế mà đến khi phải nói thì nó quên sạch, nhớ chẳng được bao nhiêu. Lần này thì còn khó gấp bội, cuối cùng bà tìm ra giải pháp, để mình thằng Hùng nói, bà sẽ dạy nó học thuộc lòng ở nhà trước, đến đó nó chỉ việc lập lại những gì nó đã học thuộc thế là xong. Bà tạm yên trí. Cái nắng trưa hè cộng với cái mệt lúc đánh con khiến bà thiu thỉu ngủ lúc nào chẳng biết, đến khi tỉnh dậy trời đã về chiều. Bà sửa soạn đi nấu cơm chiều, lúc đó mới phát giác ra là Hùng chưa ăn cơm trưa. Tô canh rau đay và miếng cá kho để cho con vẫn còn nguyên vẹn, chén cơm thì đầy kiến. Bà ra cửa gọi Hùng để cho vài cái bánh quy. Gọi mãi chẳng thấy con đâu, bà yên trí Hùng đi chơi với chúng bạn, Hùng vẫn có tiếng là nhịn đói giỏi, chơi cũng đủ no với lũ trẻ, chúng chẳng cần ăn chỉ thích vui chơi. Mặc dầu đánh con vậy, nhưng trong lòng bà cũng thương con lắm. Bà thầm nghĩ: người mẹ nào cũng muốn cho con mình trở nên ngoan, chẳng ai muốn con mình ngu cả, tất cả các bà mẹ đều thương con, nhưng tất cả các bà mẹ cũng có lúc tức tối vì con, nếu các ông chồng bực bội đổ cái giận dữ lên đầu vợ, thì các con cũng là chỗ mẹ có thể dùng để làm nguôi cơn giận. Nó không phải luôn luôn xảy ra như thế nhưng trong đời ai chả không một lần làm điều đó.

Cơm chiều đã sắp sẵn, bà sửa soạn vào mâm cơm, Huy cũng đang chờ mẹ làm dấu là cả nhà cùng ăn. Chàng có vẻ rụt rè hơn mọi khi, cũng may mà lúc trưa Huy được tha, không bị roi nào cả, chỉ bị đe mấy câu thôi. Trông thấy Hùng bị đòn, Huy cảm thấy ớn da gà, chàng đứng phía cửa bếp ngó lên thấy anh đau đớn, giẫy dụa dưới những ngọn roi tới tấp. Huy giờ vẫn còn sợ. Bà cụ ngó quanh quẩn không thấy Hùng đâu, bà cao giọng:

‘Trận đòn lúc trưa thế mà vẫn chưa chừa, giờ này mà còn chưa về ăn cơm thì hỏi có đáng đánh không kia chứ.’

Bà quay sang hỏi Huy:

‘Thằng Hùng đâu?’

Huy thấy mẹ quay sang hỏi chàng sợ quá, líu lưỡi đáp:

‘Con, con không biết, con không có đi chơi với anh ấy.’

Bà cụ ra lệnh:

‘Đi gọi thằng Hùng về ăn cơm.’

Lệnh ban ra, thằng Huy nhảy tọt xuống khỏi ghế phóng ra sân mất; từ trong nhà bà nghe rõ tiếng thằng Huy gọi anh. Một lúc sau Huy chạy về thưa:

‘Con gọi mãi mà chẳng thấy anh ấy đâu cả.’

Hai mẹ con ngồi vào mâm cơm. Huy hôm nay ăn có vẻ từ tốn, rụt rè, chậm chạp. Nó ăn ít hơn mọi khi. Huy bỏ chén đũa xuống thưa:

‘Thưa mẹ con ăn xong.’

Bà mẹ bảo Huy:

‘Con đi gọi anh Hùng về đây mẹ bảo.’

Huy ‘vâng’ rồi chạy đi, trong lòng Huy cố tìm cách nói sao để cho anh Hùng bớt sợ. Nó nhẩm tên mấy người bạn của anh, rồi ù chạy một mạch, từ nhà này sang nhà kia. Chẳng nhà nào sót cả, tin tức thằng Hùng vẫn bằn bặt. Trên đường về nó vừa chạy miệng vừa gọi:

‘Hùng ơi.’

Về đến nhà, Huy vội nói:

‘Con tìm hết mọi nhà quen rồi mà chẳng thấy anh ấy đâu cả.’

Bà cụ đâm nghi ngờ, bà chửi Huy:

‘Cho mày ăn tốn cơm.’

Bà ra đi tìm những đứa Hùng thường đi chơi chung. Chẳng đứa nào biết tin tức Hùng, bà rảo bước về giục Huy đi tìm anh, tuy ngoài miệng bà mạnh bạo nhưng trong bụng cũng hơi run, không biết Hùng đi đâu. Lúc đầu thì chỉ tìm ở những chỗ Hùng thường lui tới chơi, giờ thì tìm ở nhà người quen, không ai biết tin tức Hùng. Cái tin mất Hùng thực sự làm bà lo lắng. Trời tối rồi mà tìm con vẫn chưa thấy. Chưa bao giờ Hùng đi chới đến giờ này cả, dù có vui mấy chăng nữa thì Hùng cũng về trước giờ cơm tối. Hôm nay thì cơm nước đã xong mà Hùng vẫn chưa về, hẳn là có chuyện gì xảy ra. Càng lúc bà càng thấy nôn nao, nỗi lo lắng càng lúc càng tăng, nó tăng theo màn đêm, trời tối sụp xuống cũng là nỗi lo lắng của bà. Bà cầu trời tối chậm lại một chút. Bây giờ làm sao tìm ra Hùng, bà thì phải ở nhà coi nhà, còn Huy thì đi tìm Hùng. Bà mượn cho Huy cái xe đạp chạy khắp đầu trên xóm dưới để tìm Hùng, chẳng thấy đâu cả. Trời tối quá, Huy trở về nhà lấy cái đèn chai mắc vào ghi đông xe đạp đi tiếp. Tìm làng trong không có, Huy chạy ra xóm ngoài. Mấy lần cái đèn chai bị tắt, Huy phải ngừng xe để thắp lại đèn. Chân đạp xe nhưng trong lòng thì không biết phải đi đâu, đi để cầu may, may ra gặp Hùng ở dọc đường, trời tối không thấy gì thì hy vọng gì tìm thấy Hùng. Huy mấy lần định đạp xe về nhưng suy đi nghĩ lại, có về cũng không ngủ được, mà đi thì không biết đi đâu. Công việc chẳng thể nào để đến mai. Linh tính báo cho Huy biết điềm chẳng lành. Huy cứ lưỡng lự mãi, đi hay về. Cuối cùng Huy quyết định đạp xe chậm chậm vừa đỡ mệt, vừa nghe ngóng những tiếng ồn ào, hay tiếng chó sủa từ đàng xa vọng lại. Tít đàng xa trước mắt có ánh đèn lấp lánh, không phải một mà là năm bảy. Huy không đặt hy vọng mấy phần vì mệt, phần vì ở quê, đêm đi ra ngoài dân chúng phải mang đèn để nói rằng mình là người lương thiện. Gần tới nơi, tiếng ồn ào, huyên náo nghe chẳng rõ chi, cứ như là một đám đánh nhau hay chửi nhau gì đó. Đến nơi, Huy dò hỏi tin tức được biết là có một đừa trẻ bị bịnh nằm ở vệ đường được một người bồng vào nhà chăm sóc. Vào đến nơi, Huy nhận ra ngay Hùng. Hùng lên cơn sốt gần như bất tỉnh nhân sự, chẳng còn biết ai vào với ai nữa. Huy luống cuống không biết xử trí ra sao. Bà chủ nhà mừng rỡ ra mặt, chỉ sợ thằng bé con nhà ai chết trong nhà mình thì rõ thật là khốn, may mà em nó đến kịp thời. Mấy người đề nghị chở đi nhà thương; làm sao được bây giờ, Huy thì chỉ có một chiếc xe đạp, Hùng thì không ngồi xe được làm sao mà chở. Vài người đề nghị thuê đò. Bà chủ nhà sợ thằng bé chết trong nhà nên sẵn đò nhà chở đi dùm, một là tránh được đám ma trong nhà, hai là làm phước. Hùng được bồng ra đò, chiếc xe đạp cũng được bỏ xuống. Sau khi nhập viện, người lái đò chào từ giã. Huy chỉ kịp nói tiếng cám ơn rồi theo xe đẩy đi vào phòng cấp cứu. Giờ Huy cảm thấy an tâm hơn; dọc đường thỉnh thoảng Hùng lại rống lên thở ra như những hơi thở của kẻ hấp hối, lâu lâu chàng lại rên lên ừ ừ. Cứ mỗi lần như thế Huy lại nín thở như cố gắng nghe tiếng tim đập của Hùng. Tiếng đò át tiếng tim đập, nó tạo nên những âm thanh nghe rợn tóc gáy. Tiếng canô xé nước trong đêm vang lại những âm điệu mê hồn. Hùng thở dốc rồi lại thở nhẹ rồi lại thở dốc. Chàng đang chiến đấu với thần chết.

Hùng ra cầu ao ngồi, chàng cứ rấm rức khóc mãi, cố tình nín nhưng không làm sao cầm giữ được, những cơn nấc cục vì đau đớn. Hùng có cảm tưởng, chàng bị bỏ rơi như anh chàng trong chuyện bị dì ghẻ hành hạ đến nỗi phải bỏ nhà ra đi. Sau này làm lớn trở về dì ghẻ không dám đánh nữa, lại được cả làng kính phục. Những ý tưởng này cứ lởn vởn trong đầu óc non nớt của chàng trai trẻ, nó cứ hiện ẩn, hiện ẩn, mạnh dần và cuối cùng Hùng quyết định bỏ đi. Chàng lẩm bẩm đọc đi, đọc lại hai chữ ‘đi trốn’. Chàng vịn tay vào cây mía đứng dậy, gượng gượng mãi mới đứng thẳng được, xuống cầu ao rửa mặt, vuốt lại mái tóc, nhìn bóng mình trong nước ao. Chàng thấy mình là một chàng trai lực lưỡng, chỉ tội hơi lùn. Nước lạnh làm chàng tỉnh hẳn, chàng đứng lên quyết định ra đi. Ra khỏi ngõ. Hùng sờ lại những nốt lươn bị quật lúc nãy, đầu ngón tay trỏ bị dính tí nước dẻo dẻo, chỗ bị sờ sót hẳn lên. Điều này chứng tỏ một chỗ nào đó bị rách da vì nốt quất. Hùng cắn răng chịu đựng, lầm lũi bước đi, nhất định không quay đầu lại nhìn bất cứ vật gì nữa, mặc dù chàng rất luyến tiếc những cảnh cũ. Cái ý tưởng ra đi mạnh hơn những cảnh này nhiều. Hùng cũng để tâm suy nghĩ về những roi đòn hồi chiều, vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ, vừa đặt kế hoạch cho những ngày sắp tới, chàng sẽ phải làm lớn, thành công, lúc đó chàng sẽ trở về, sẽ không bị mẹ đánh nữa. Chàng nhất định không thua những người trong chuyện mà chàng đã đọc. Hình trong bóng nước ao lúc chiều cho thấy chàng lớn lắm rồi, lực lưỡng nữa; lùn cũng chẳng sao, lùn mà giỏi thì họ cũng phải sợ, phải kính nể. Nhất định chàng sẽ trở về trong vinh quang.

Ánh nắng vàng vọt của buổi trưa hè đã gần tàn, những cơn gió chiều đã đến, chúng mang theo những làn gió mát rất dễ chịu, Hùng cảm thấy mỏi chân, chàng ngồi phịch xuống đám cỏ gà lan man tìm vài con cỏ gà, gió mát lùa vào mặt. Hùng nhìn mông lung môt chút rồi nghĩ đến bữa cơm chiều, giờ này ở nhà đang ăn cơm, nghĩ đến cơm, chàng thấy đói, biết ăn gì bây giờ, lấy đâu ra mà ăn. Chàng nhớ lại trong câu chuyện xem họ kiếm cơm ăn như thế nào, nhớ mãi không ra. Phải rồi, họ gặp ông tiên đến giúp, dạy học và nuôi ăn. Hùng vươn vai thở dài hai ba lượt rồi lững thững đứng dậy, buổi chiều tàn. Hùng cất tiếng hát nho nhỏ:

‘... buổi hoàng hôn mang lại sức sống của một ngày, thì ánh chiều tà cũng mang lại những nỗi lo lắng cho khách lỡ độ đường.’

Hùng suy nghĩ, hôm nay mình là nạn nhân của buổi chiều tà. Hùng gắng bước đi thêm một lúc nữa. Nỗi lo càng lúc càng tăng với cái tối của màn đêm, ánh nắng gần như mất hẳn, chỉ còn dọi lại vài tia yếu ớt rất là hiu hắt, vắt ngang chân trời. Hùng cảm thấy ruột gan bị cồn cào, chân tay run lẩy bẩy không làm sao đứng vững được nữa, cổ thì khát, chàng gượng gạo xuống bờ sông, nằm soài ra lấy tay vụm nước uống ngon lành, xong xuôi chàng khạc mãi nhổ ra một cục nước miếng dẻo kẹo. Hùng lảo đảo, đứng lên đi lại vệ đường chàng ngồi phịch xuống, tâm trí còn tỉnh táo lắm, nhưng toàn thân thì hầu như là không còn sinh lực bao nhiêu. Mấy lần chàng gượng để đứng lên đi tiếp, nhưng cái mệt đến kịp sau mỗi lần cố gắng đứng dậy, chàng lại ngồi xuống. Chàng định bụng nghỉ thêm một chút nữa rồi lấy sức đi tiếp.

Khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên giường, cạnh đó Huy ngồi trên ghế, trên đầu giường là một chai nước treo lủng lẳng được chuyền qua một sợi dây, những giọt nước biển nhễu xuống đều đặn. Phía trước mặt là bức hình một vị lương y, hai tai có kẹp ống nghe, cạnh bên kia là tấm giấy ghi đậm chữ ‘người lịch sự không khạc nhổ bậy’. Hùng giơ tay định dụi mắt nhưng Huy kịp thời ngăn lại, lúc này chàng mới nhận ra là mình đang được chuyền nước biển, một cái kim thật to được ghim vào tay trái, phía trên, cái kim được giữ lại bằng một miếng băng keo trắng, chàng bật khóc, Huy vội lấy tay để trấn an, miệng lẩm bẩm gì chàng nghe không rõ. Hùng run lên vì dùng mình, hai cánh tay nổi gai ốc, Huy thấy vậy đứng dậy chạy gọi cô y tá. Cô nữ y tá không chuyền nước biển nữa, rồi cho Hùng uống vài viên thuốc gì nhỏ xíu, cô dặn:

‘Nếu thấy có gì khác phải báo cho bác sĩ ngay.’

Hùng nằm ngủ chẳng được, nửa tỉnh nửa mê, chàng không thèm để ý đến cuộc đàm thoại của bà cụ với Huy. Bà cụ ngồi cạnh đầu giường cháu trên chiếc ghế dựa, hai con mắt để vào cháu nhưng cái miệng thì hình như ở cái giường bên kia, chỗ Huy ngồi. Huy thì cứ ậm à ậm ực cho xong câu chuyện vì ông thấy mấy cô y tá tỏ vẻ khó chịu làm sao ấy. Trong bệnh viện, bệnh nhân cần tịnh dưỡng mà bà cụ thì cứ một giọng oang oang như là ngoài đồng trống thế này thì làm sao họ nghỉ được. Một cô y tá không nhịn được nữa, lấy ngay cái bảng ghi:

‘Xin giữ yên tĩnh’

Và một cái bảng khác có ghi:

‘Bệnh viện, đừng bóp còi’

Treo gần chỗ cửa ra vào cạnh phía giường bà cụ. Bà cụ quay sang hỏi Huy:

‘Họ treo bảng gì vậy?’

Huy ngượng quá chẳng biết trả lời sao cho phải, anh chớp chớp mắt vài lần đáp nhỏ:

‘Bảng chữ đỏ như vậy là cấm cản gì ấy mà’

Bà cụ than:

‘Lão già rồi mắt lẻm kẻm, đọc chẳng được, chữ với nghĩa có ai đọc được đâu mà treo với móc.’

Huy liếc mắt nhìn Hùng, thấy chàng ngủ ngon, Huy nhân cơ hội này xin phép bà để đi ra ngoài, ngụ ý tránh cái kiểu nói chuyện của bà cụ. Bà không hiểu ý dặn với:

‘Đi đâu thì đi, để đấy cho lão, lão coi cho.’

Huy cảm ơn rồi bước ra khỏi cửa. Huy định nhắn tin về nhà cho mẹ nhưng chưa tìm được ai quen, làm sao để nhắn tin về nhà, chắc chắn rằng ở nhà giờ này mẹ đứng ngồi không yên, ai mà ngồi yên được khi gia đình có biến như thế, chuyện mất con đâu phải là chuyện thường. Huy ngồi canh chừng con, nhưng trong lòng bồn chồn lắm, tâm trí lúc nào cũng ưu tư, lo lắng. Phần thì sợ anh chết, phần thì lo lắng việc bệnh viện đòi tiền thuốc. Lấy tiền đâu mà trả cho bệnh viện. Giờ này Hùng ngủ yên, lại được bà cụ hứa coi sóc dùm nên Huy tạm yên trí đi tìm người quen nhắn tin về nhà. Huy nghĩ mãi để tìm cách nhắn tin về cho mẹ, chẳng tìm được cách nào khác hơn là ra bến chợ may ra tìm được người quen. Huy khiễng chân ngó qua tấm cửa kính của bệnh viện, thấy Hùng vẫn còn ngủ, bà cụ vẫn còn ngồi cạnh đó trông chừng, Huy cảm thấy yên tâm hơn. Đi ra bến đò chợ tìm người quen. Huy đứng dáo dác ngoài bến đò, người đi lại tấp nập, chen chúc nhau mà đi, chẳng một ai quen, thường thì thứ hai người trong xóm đi chợ bán gà, vịt, heo nhưng hôm nay thứ ba chẳng ma nào đi cả, có chăng phải đợi đến cuối tuần. Hai người cảnh sát nãy giờ đứng ngó Huy, họ đâm nghi xét giấy tờ, Huy chẳng có giấy tờ tuỳ thân càng bị nghi hơn, cuối cùng Huy phải dẫn họ về bệnh viện để làm bằng chứng cho những gì Huy đã khai. Nhân viên bệnh viện phải xác nhận và Huy phải ký tên vào tờ cam đoan là người ngay. Mặc dầu được tha nhưng trong bụng Huy vẫn tức làm sao ấy, một phần vì đang buồn bực mẹ nghe lời đồn thổi của mấy bà buôn điều, đánh con mà đến nỗi ra nông nỗi này, phần khác vì đang lo tìm cách nhắn tin về nhà mà chưa tìm được người quen, rồi thì bệnh tình anh làm sao chưa ngã ngũ, ôi thôi trăm thứ đổ lên đầu, chẳng có ai giúp đỡ, khuyên bảo lấy một câu, được bà cụ già, bà tuy tốt thật nhưng cái miệng lép xép quá khiến Huy chuyển từ có cảm tình lúc đầu, giờ sang ghét. Nói là ghét thì không đúng lắm nhưng mà không ưa mấy. Huy ức nhất là việc bị cảnh sát bắt ký tên vào tờ cam đoan, cái câu ‘tình ngay, lý gian’ làm Huy giận bắn người. Từ hồi nào đến giờ không làm gì đụng chạm đến luật pháp, thành ra Huy đâu có quen với cái lối làm việc của cơ quan dân quyền. Giấy tờ xong xuôi, Huy được trả tự do, đứng trầm ngâm một chút; Huy bước ra khỏi cửa với hai chữ ‘cám ơn’, thật sự hai chữ ‘cám ơn’ đối với Huy lúc này chẳng mang một ý nghĩa gì cả, nó chỉ là lịch sự mà thôi. Mấy người làm việc ở cửa công cũng quá quen với cái lối cám ơn ấy nhưng tự nhiên hôm nay họ thấy khác hẳn, bình thường thì những người được giúp đỡ công việc gì họ cám ơn ríu rít năm lần, bảy lượt, nhưng hôm nay thằng nhỏ này chỉ đáp lại hai tiếng ‘cám ơn’ tẻ nhạt. Người cảnh sát liếc nhìn cô y tá, anh ta nhún vai, không nói gì cả. Ai chả hiểu ơn với nghĩa gì ở cửa công, nhiều khi thì ngoài mặt vui vẻ nhưng trong lòng thì đầy căm thù. Đúng là ‘ngoài mặt thì vồn vã, trong tâm thì đào cả tông ti’. Huy đi ra đến nửa ngõ lại đổi ý đi vào, anh định đi vào nhìn Hùng trước khi nhắn tin về. Vừa chân trong chân ngoài, không nhìn thấy Hùng đâu, anh nghi là đi lộn phòng. Dừng một chút để định vị trí, đúng rồi, đúng căn phòng này, hai tấm bảng cô y tá treo vẫn còn kia, cháu bà cụ còn nằm kia, bà cụ thì không có, Hùng cũng không. Chàng đưa mắt liếc chiếc bàn xem có giấy tờ gì không, chẳng có gì khác, cái bảng treo đầu giường đề tên tuổi Hùng, ngày nhập viện và các chi tiết khác vẫn còn nguyên, Hùng đâu? chàng xớn xác, ngó quanh quẩn chẳng thấy anh đâu, Huy vội vã chạy trở lại văn phòng. Cô y tá và anh cảnh sát vẫn còn ngồi đấy. Huy xuất hiện đột ngột quá làm cả hai sững sờ, không để mất thời giờ, Huy hỏi trống không ‘anh Hùng tôi đâu mất rồi’. Cô y tá đứng bật dậy trở lại bàn làm việc, tay cầm chiếc bút chì nguyên tử để trên cuốn sổ rà nhanh một lượt từ trên xuống dưới, cô cất tiếng: ‘Anh cháu tên gì vậy’. Hùng, Hùng, anh Hùng. Cô y tá dò lại lần nữa, rồi ghi chữ thập cạnh tên Hùng, ‘cậu cứ yên trí, tôi tìm cô y tá trực phụ trách khu nội khoa cho thì ra ngay’. Anh cảnh sát viên nãy giờ đứng xớ rớ chẳng biết làm gì, anh ta với cái mũ đội lên đầu, dùng tay búng kêu cái tách để chào cô y tá rồi đi ra. Cô y tá ngẩng lên nhoẻn miệng cười không nói chi cả, rồi cúi xuống làm việc. Cô nhanh nhẹn cầm ống điện thoại lên quay hai số. Vài giây sau cô quay ra bảo:

‘Cậu cứ yên trí, không sao đâu, Hùng được chuyển sang phòng cấp cứu có bác sĩ chăm sóc thường trực, đừng lo gì cả’

Không đợi cho huy hỏi han gì, cô tiếp:

‘Khu vực đó người ngoài không được vào.’

Huy vội bào chữa:

‘Tôi là em nó mà.’

Cô y tá hiểu ý vội giải thích:

‘Người ngoài đây có nghĩa là ngoại trừ bác sĩ và nhân viên làm việc ra thì không ai được vào cả.’

‘Sao khó thế hả cô? Vậy anh Hùng bệnh nặng lắm à?’

Huy chán nản, biết là nài nỉ cũng vô ích, chàng bỏ ra chợ lần nữa để nhắn tin về nhà. Gặp lại người cảnh sát lúc nãy ông cúi mặt lảng tránh. Huy đi rảo chung quanh chợ nhưng chẳng thấy ai quen, đảo lại vòng thứ hai nhưng cũng chẳng có gì hơn. Huy thở dài chán nản, định leo lên chiếc xích lô ngồi. Huy còn đang lưỡng lự thì một chiếc xích lô khác rề tới, trên xe lố nhố chẳng nhìn rõ, phia đàng sau xe là một đám quang gánh, sọt treo lủng lẳng. Huy bước thêm vài bước để nhìn rõ hơn. Một tiếng gọi lớn vọng lại từ trong đám đông, Huy chẳng rõ là ai gọi, gọi anh hay gọi người khác, tuy nhiên bụng cũng hơi mừng. Chỉ còn độ ba thước nữa là tới chiếc xích lô, Huy vẫn chưa nhìn thấy ai cả, nửa mừng nửa thất vọng, cái phần hy vọng nhiều hơn. Huy cố gắng nhận từng khuôn mặt, cố moi trong trí óc những khuôn mặt người quen. Chẳng có ai quen cả. Nỗi thất vọng tràn trề, một tiếng thở dài nữa phát ra. Huy đánh bạo cất tiếng hỏi ‘lúc nãy ai gọi tôi đấy ?’ Mấy người trong xe ngơ ngác ngó nhau, quay ngang, quay dọc để tìm xem ai đã gọi. Cuối cùng một chị trông vẫn còn trẻ, ngồi gần phía giữa xe xin lỗi vì chị nhìn lầm. Anh lên tiếng, hỏi đại: ‘Có ai về xóm Thượng Chi không nhỉ?’ Đợi một chút chẳng có ai trả lời, một chị thấy thế sốt ruột đáp:

‘Không có ai ở xóm đó cả.’

Chị khác vội nói:

‘Xe này không có ai chứ xe sau thì có, tôi có chị bạn ở xóm Thượng Chi. Tôi gặp chị ấy ở chợ trên, chúng tôi cùng với nhau ra xe nhưng vì xe này chật nên chị ấy phải đi xe sau, cháu đón chuyến xe sau thì sẽ gặp.’

Huy cám ơn rồi bước vội ra phía đầu bến xe, vừa lúc đó chiếc xích lô từ chợ trên trề tới, người lái xích lô không ngừng mà lại chạy đi luôn. Huy vội chạy theo, chân chạy, miệng gọi ầm ỹ lên. Chiếc xe nhanh hơn người, chỉ một thoáng khoảng cách giữa chàng và xe xa tít. Chạy được một quãng Huy dừng lại, mặt cúi gầm xuống đất, thở dốc. Trong ánh mắt hình chiếc xích lô đầy luyền tiếc. Chàng mặt mũi nhợt nhạt, thở dốc, thật mệt mỏi, mồ hôi lăn dài trên trán xuống gò má sạm nắng. Chiếc xích lô mà Huy đuổi theo giờ dừng lại ở trước mắt như có ý chờ, Huy chạy tiếp để đến kịp thời. Tới nơi, con mắt đã hoa chẳng còn nhìn rõ ai vào ai, mấy người trên xe hỏi, Huy trả lời với giọng mệt lả, đứt quãng:

‘Cháu đi tìm người quen ở xóm Thượng Chi để nhắn tin.’

Mọi người ngó nhau, chẳng ai trả lời Huy, một chị nói:

‘Chúng tôi ở làng khác, không có ai ở làng cậu cả.’

Huy cảm thấy chán nản đến tột độ, chàng chán cho kiếp đời đen bạc, toàn bất trắc, khổ đau. Chàng không nói gì, quay đi trong thất vọng, lững thững về bệnh viện. Chàng có ý định, nếu bệnh viện đòi tiền thuốc chắc chàng phải mang chiếc xe đạp đi cầm. Chàng có lần được ông hàng xóm kể cho biết lịch sử chiếc xe. Chiếc xe đạp là một vật quý mà ông hang xóm mang từ Bắc vào Nam, nó là vật kỷ niệm duy nhất còn sót lại. Chiếc xe đạp đã từng giúp gia đình ông kiếm sống trong những ngày đầu di cư. Hàng ngày ông chở võng đay lên tỉnh bán kiếm lời nuôi gia đình, nên chiếc xe đạp gắn liền với quãng đời của ông, ông chẳng cho ai mượn, nhưng cho mẹ Huy mượn vì dùng nó để đi tìm người lạc. Trong hoàn cảnh túng thế quá Huy định tâm làm liều. Câu hỏi lấy tiền đâu mà thuốc thang cho Hùng, lấy tiền đâu mà mua thức ăn trong thời gian chờ cho Hùng khỏi bệnh, rồi thì tiền thuốc. Huy suy đi nghĩ lại mãi, hay là để Hùng nằm đây đạp xe về nhà báo cho mẹ biết để mẹ lo. Huy đi thẳng vào phòng y tá trực để biết thêm chi tiết về con trước khi đạp xe về nhà báo tin. Người y tá trực cho biết Hùng sẽ phải nằm trong phòng cấp cứu chậm nhất vài ba ngày trước khi được chuyển sang khu điều dưỡng. Huy cám ơn rồi ra thẳng chỗ chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp được khóa cẩn thận vào gốc cây trứng cá sau hè nhà thương, giờ chỉ còn lại cái khung và bánh sau, bánh trước đã biến mất tự bao giờ.Vừa trông thấy thế, Huy bủn rủn chân tay, sững sờ trong ngạc nhiên, vừa tức vừa tiếc. Huy nói với chính mình:

‘Quân tệ thật, chiếc xe đạp đã khóa cẩn thận thế mà gỡ mất bánh trước, lại cái lũ trẻ con ranh chứ người lớn ai lại làm những điều tai ác như thế.’

Giờ đâu còn xe để về báo tin nữa. Huy đứng ngó quanh quất để tìm họa may nó vất đâu chăng, ngó mãi chẳng thấy gì, Huy buông xõng hai tiếng:

‘Đi cầm.’

Huy vác chiếc xe không bánh ra tiệm cầm đồ bình dân để cầm. Người chủ tiệm từ chối không chịu nhận, mượn cớ là chiếc xe không dùng được nữa, nó chỉ có thể bán cho tiệm sửa xe đạp mà thôi. Huy đứng giải thích mãi họ cũng chẳng chịu, cuối cùng người chủ tiệm đồng ý cầm với giá rẻ và với điều kiện Huy phải cam kết không phải là đồ ăn cắp và phải chuộc lại chiếc xe trong vòng một tuần. Huy căm giận lắm vì bị chủ tiệm nghi chàng thuộc loại trộm cắp trong xóm. Họ nghi là chính đáng vì chàng không có giấy tờ của chiếc xe. Ngay cả chàng cũng không có giấy tờ tuỳ thân. Chỉ có một điều chứng minh được là hai ba ngày qua chàng thường trực tại bệnh viện. Thực sự ý Huy chẳng muốn cầm chiếc xe đạp chút nào. Huy chỉ muốn cầm thế một thời gian rồi sẽ kiếm tiền chuộc lại sớm chứng nào hay chừng ấy. Lại một cái tức nữa, đồ của mình mang đi cầm rẻ như đồ phế thải, thế mà lại phải mang ơn với nghĩa. Huy nghĩ thầm trong bụng quân ở chợ đểu thật, đã dèm pha để mua rẻ mà còn làm ra như là ân nghĩa lắm. Không trách gì người ta gọi là ‘thế gian’. Gian dối mà còn có thế để gian. Đời quả lắm gian dối.

Cầm tiền trong tay, Huy ra thẳng bến xích lô đi về, trong lòng cầu mong làm sao về kịp đò chợ để khỏi phải đi bộ.Chiếc xích lô vừa trề tới thì cũng là lúc chiếc đò chợ rời bến, Huy phải vội vã lắm mới kịp được chuyến đò. Leo lên đò, toàn người quen, Huy mừng thầm ‘may thật, giá chậm tí nữa thì mất chuyến đò’. Vài người hỏi thăm, Huy kể đầu đuôi câu chuyện rồi kết luận. ‘Sau này cháu nhất định không ở gần chợ, ở như thế hư người đi.’

Bà mẹ Hùng cũng đau khổ không ít, suốt mấy đêm qua bà chẳng làm sao chợp mắt được, tin tức của Hùng chẳng thấy đâu, cho Huy đi kiếm thì mất cả Huy. Bà vừa lo lắng cho Hùng, vừa lo lắng cho Huy. Cứ mỗi lần chó sủa đâu đó trong xóm bà lại mừng, nỗi mừng đó dần dần đi vào trong đêm tối, tan dần theo tiếng văng vẳng trong đêm. Có thức đêm mới thấy đêm dài, có thức đêm mới thấy con người yếu đuối, bóng tối quả đáng sợ, nó chính là kẻ thù của con người, trong đêm tối con người có thể vẽ ra được vô số những sợ hãi, kinh hoàng. Một mình trong căn nhà vắng bà chẳng biết kêu cầu ai, Huy thì ban ngày nghịch ngợm, ban đêm thì Huy nhát như gián ngày. Huy còn nhỏ nhưng cũng đủ khôn để cảm thấy có một cái gì không ổn trong gia đình, con mắt ngây thơ của tuổi xuân dễ để lộ vẻ sợ hãi, những điệu bộ rụt rè của trẻ làm cho người yếu bóng vía sợ lây. Những tiếng kêu rả rích của dế mèn, tiếng gió thổi đập vào vách lá kêu rè rè, và tiếng chim quạ ăn đêm buông những tiếng dài não nuột nghe thật ghê rợn, ban đêm mọi thứ âm thanh đều có mãnh lực, mỗi thứ có mãnh lực riêng của nó, tiếng chuột chạy trên mái rơm ban đêm cũng đủ làm cho người trong nhà ngó trước ngó sau, tiếng nói mơ của con cũng đủ làm cho các bà mẹ nghe rõ tiếng đập của tim mình. Có những lúc bà nghe rõ ràng tiếng mạch máu chạy lên đầu, mỗi lần máu chạy qua thái dương bà nghe rõ, bà cảm nghiệm được rõ, xa xa vọng lại tiếng đại bác cứ ình ình nổ khiến bà hình dung ra được cái cảnh chết chóc của những nạn nhân nơi trận mạc, chính bà từng là nạn nhân nên bà chẳng lấy làm lạ khi nhìn thấy trong đầu những cảnh đó. Những hình ảnh tưởng tượng trong đầu hành hạ bà không ít. Ôi ! đêm dài, đêm của âm u, tịch mịch, đêm của những kinh hoàng, đêm của thần chết, tối tăm, đêm của hận thù chém giết, đêm của tranh chấp, đêm là mầm móng của hầu hết những sự dữ trên đời, bao nhiêu kẻ đã được sinh ra trong đêm dài, cũng bao kẻ đã được dẫn đi trong đêm đen. Màn đêm còn bao phủ biết bao nhiêu điều bí ẩn, đêm nay, đêm của gia đình bà. Bà bị giam trong chính căn nhà của mình, ngoài kia, đêm đang che dấu tăm tích của hai đứa con yêu. Đêm nay quả thực dài hơn mọi khi, bà đã từng bao nhiêu đêm mất ngủ vì con, bà đâu có cảm thấy đêm nào dài như đêm nay, tiếng gà gáy đêm nghe rõ mồn một, nó không đáng sợ cho bằng nghe tiếng tích ta tích tắc của chiếc đồng hồ để bàn, cứ nghe nó gõ từng tích tắc một cũng đủ chán, sáu mươi lần gõ mới được một tiếng, bà nghe đến sốt cả ruột, mấy lần bà định tắt cái tiếng kêu đều đều quái đản kia nhưng rồi lại thôi. Nằm ngủ không được cứ phải đi viếng ‘lăng bác’ hoài chán quá, bà cứ nằm xuống rồi lại bò dậy, ngủ không được nên cảm thấy mỏi lưng, cứ phải xoay bên phải rồi lại bên trái, ngồi dậy lại nằm xuống không biết bao nhiêu lần mà kể, cuối cùng bà lấy quần áo cũ ra vá, dưới ánh đèn dầu bà phải khó khăn lắm mới xỏ được cái lỗ kim. Bà loay hoay vá mãi đến khi xong, trải áo xuống giường lúc đó mới phát giác ra là bà đã vá lộn, chỗ vá không vá lại vá chỗ không. Bà chép miệng

‘Rõ thật công dã tràng.’

Đêm đã gần tàn, tiếng đò đưa người đi chợ đã nổ dòn ở cuối xóm, trên đường tuy còn yên ắng nhưng tiếng canô chạy cũng đã khiến bà yên tâm lắm, rồi thì đêm tối sẽ qua đi, ngày sẽ đến. Bà vẫn phân vân không biết làm cách nào để tìm được con. Suốt đêm qua bà vẽ ra biết bao nhiêu là kế hoạch để đi tìm con, bây giờ ánh sáng đến làm tan tất cả những gì đã vẽ trong đêm. Bao nhiêu câu hỏi trong đêm qua nay chẳng được giải đáp nhưng tự nó cũng tan biến không còn sót một di tích nào cả. Tiếng đò chợ gần hơn, tiếng chó sủa cũng nhiều hơn, tiếng gà thi nhau gáy cũng nổ dòn hơn, tất cả cái mãnh lực trong đêm của những tiếng đó giờ chẳng còn gì cả, nó chỉ mang một dấu hiệu không hơn không kém, nó báo hiệu một ngày sắp tới.

Mọi ngày bà dậy nấu cơm sáng để Hùng, Huy còn ăn rồi đi học nhưng hôm nay thì không cần. Cả hai đều không có ở nhà. Trời sáng hẳn bà đi mượn tiền ở những nhà hàng xóm quen biết. Bà định mượn đủ tiền sẽ thuê người đi tìm con. Bây giờ biết trông cậy vào ai. Hàng xóm thì chỉ nhờ họ làm những việc gần đây chứ làm những việc phải đi vài ba ngày đàng thì làm sao mà dám nhờ. Bà không nghĩ là Hùng còn ở gần đây vì nếu ở gần đây chắc chắn Hùng đã về, chỉ có một điều bà nghi ngờ là Hùng đi chơi xa quá không biết đường trở về, đi càng xa, càng lạc. Bà định thuê hai người chạy xe đạp, một ra xóm ngoài, một vào làng trong tìm thì thế nào cũng thấy. Tiền đã có trong tay, còn người thì chưa thuê ai được. Bà còn đang luống cuống thì Huy về đến nhà. Trông thấy Huy, bà mừng như muốn điên lên được, cái tin Hùng bị bịnh đang nằm trong phòng cấp cứu không làm bà hoảng sợ bao nhiêu, vì dù sao đi nữa ít nhất cũng có người chia sẻ, an ủi cái nỗi lo. Huy giục bà nấu cơm ăn rồi chuẩn bị đi nuôi Hùng, mọi việc để đó sau này hãy tính. Cơm nước xong xuôi, hai mẹ con xuống canô đi ra bệnh viện với Hùng. Câu chuyện được kể dọc đường. Hùng có ý định bỏ nhà ra đi, nhưng vì quá mệt hay bị bịnh chi đó Hùng nằm bất tỉnh ở bờ đê được một gia đình kia thương tình giúp đỡ, giờ thì Hùng còn đang nằm trong khu điều trị đặc biệt. Huy kể miên man đến chỗ xe đạp bị ăn cắp, rồi bị cảnh sát xét giấy, chỗ đi cầm thế xe đạp lấy tiền về báo tin...

Hùng được chuyển ra khu dưỡng bịnh chỉ vài giờ trước khi mẹ và Huy tới, chàng tỉnh táo hơn, nước da xanh nhưng cặp mắt vẫn còn tinh anh lắm. Hùng đang nằm quay ra phía sân, thấy mẹ bước vào chàng sụt sùi khóc rồi quay mặt trở vô không nhìn mẹ nữa. Bà thấy con nằm, xanh xao, nhợt nhạt không làm sao cầm được nước mắt, bà cố nín để khỏi khóc thành tiếng, hai giọt nước mắt lăn dài trên má nhăn nheo đủ chứng tỏ bà thương con và đau đớn đến chừng nào, ở tuổi bà mà phải khóc thì không phải là việc thường. Bà hỏi han con một lúc lâu, Hùng nghe những lời ngọt ngào của mẹ chàng bớt giận, chàng mừng nhất là có Huy, Huy kể cho nghe tất cả những gì xảy ra từ hai ba ngày qua. Tin tức của Huy ngoài vụ cầm xe đạp thì chẳng có gì là quan trọng, nó chỉ là những vụ đá gà, bắt dế, thằng này chửi thằng kia. Bà nghe thì chán nhưng Hùng có vẻ thích thú, chàng lắng nghe rất cẩn thận.

Hùng bị bịnh là vì ăn nhiều trái cây xanh trong người, rồi bị đói, dìm người trong nước sông cộng với cái nắng làm cơ thể chịu không nổi. Ngoài ra những vết bầm và trầy da trên người bị nước làm nhiễm trùng. Cơ thể không chịu quá sức nên phản ứng. Những nguyên nhân này dẫn đến chứng bịnh mà Hùng đang mắc. Bà nghe thấy rằng một trong những nguyên nhân gây bịnh là vì trận đòn, bà cảm thấy ngượng lắm, chỉ sợ ông bác sĩ nhắc đến thì thật là xấu hổ chết được. Đánh con mà đến nỗi phải đi nằm nhà thương thì mang tiếng hết đời chứ không phải chơi. Có một điều bà phải thú nhận là chưa bao giờ bà đánh con mạnh tay như hôm đó, những lần trước có đánh thì cũng chỉ là để răn đe chứ đâu có đánh dữ tợn như thế. Bà thầm tạ ơn trời khi thấy ông bác sĩ quay đi mà không hề đá động, khuyên lơn đừng đánh con như thế nữa. Bà hối hận lắm, từ trong thâm tâm bà hứa sẽ chẳng bao giờ đánh con thêm một roi nữa, nếu chúng có hư thì kiên nhẫn bảo nó, cứ nhìn cái kiểu kể chuyện của thằng Huy đủ biết là chúng ưa ngọt hơn là roi vọt. Sau lần này bà học được bài học. Dạy con bằng roi vọt không phải là cách tốt nhất để dạy con nữa, đánh con chỉ là cách đẩy chúng đi vào con đường tội lỗi mau hơn, nếu Hùng không bị bịnh mà lại được một bọn trẻ con ở chợ dạy dỗ thì thật Hùng sẽ trở thành lưu manh trước tuổi, cái lỗi đó có phải do đánh con mà ra không. Tất nhiên đánh con thì không làm chúng lưu manh nhưng hậu quả của đánh con sẽ dẫn chúng đến tìm cách tránh đòn, và hậu quả đó không ai có thể lường được. Bà đau lòng nhất khi thấy Hùng quay lưng đi để tránh nhìn lại mẹ, chỉ một cử chỉ nhỏ đó đủ cho thấy những roi đòn không mang chúng lại gần mà lại đẩy chúng ra xa hơn. Những roi đòn kia không có mãnh lực mạnh như những lời nói của Huy. Những lời nói của Huy quả thực có mãnh lực vô cùng, nó mang đến những nụ cười tươi, hồn nhiên, thoải mái cho hai anh em. Giờ nghĩ lại bà mới thấy thái độ của Huy suốt từ ngày đó đến nay, lúc nào nó cũng gờm gờm mẹ, làm gì nó cũng để ý đến mẹ, tuy không dám nhìn thẳng nhưng lúc nào nó cũng để ý liếc trộm. Giờ bà mới tìm ra nguyên do tại sao thằng Huy có vẻ sợ sệt đến như thế. Mấy ngày qua, nó có vẻ ngoan nhưng cái ngoan đó chứa đựng sự rụt rè, bẽn lẽn. Bà thầm nói với chính bà ‘hai con ơi từ nay hai con sẽ không bị đòn nữa đâu’.

Lm Vũđình Tường (viết xong ngày 21 tháng 11 năm 1984. Campion College, Studley Park Road, Kew, Victoria, Australia)

TiengChuong.org