Trong chuyến hành hương Fatima, vào mùa chay 2011, hình ảnh những hàng người di chuyển bằng đầu gối hướng đến trung tâm linh địa, dưới ánh nắng chói chang đã đánh động tôi rất nhiều. Tôi tự hỏi tại sao các tín hữu lại sùng kính Mẹ đến thế? Tại sao người ta đã vượt biết bao ngàn cây số để đặt chân đến nơi ngôi làng nhỏ bé, xa xôi này ? Phải chăng chính niềm tin vào Thiên Chúa và lòng yêu mến Đức Mẹ đã thôi thúc họ đến đây. Cũng phải lẽ thôi, bởi vì niềm tin của các tín hữu đều bắt đầu từ nơi Mẹ và nhờ Mẹ. Nói cách khác, nhờ vào niềm tin của Mẹ mà chúng ta đón nhận ơn Cứu độ, và qua Mẹ mà Đấng Cứu Thế đã được sinh vào thế gian này.

Theo tôi, ngày xưa Abraham nhờ vào lòng tin mạnh mẽ vào Giavê Thiên Chúa nên được chúc phúc, được đặt làm tổ phụ của những người tin. Thời Tân Ước tôi không thấy ai có niềm tin nào hoàn hảo hơn niềm tin của Mẹ Maria vào Thiên Chúa. Chính niềm tin đã làm cho Mẹ trở thành Mẹ của Thiên Chúa, hơn là vì Mẹ cưu mang xương thịt của Thiên Chúa trong cung lòng của mình (GHGHCG 506). Khi nhận lời sinh cho Thiên Chúa một người Con, dĩ nhiên Mẹ không hiểu hết được ý nghĩa, cùng tác động và mục đích của sự kiện lạ lùng này. Dĩ nhiên Mẹ hiểu thụ thai bởi Chúa Thánh Thần và sinh con là điều chưa từng xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa trong nhân loại. Dù Mẹ biết nhiều nguy hiểm đang chờ đón Mẹ, kể cả mạng sống mình, nhưng Mẹ vẫn tin. Theo luật thời đó, một người thiếu nữ kết hôn, chẳng may bị phát hiện không còn trinh tiết lúc lập gia đình. Người phụ nữ khốn khổ ấy sẽ được đem đến trước cửa nhà cha mình và bị ném đá cho đến chết ! (Đnl 22:20-21)

Mẹ là người đầu tiên “không thấy mà tin”, như Thiên Chúa đã phán cùng Thánh Tôma Tông đồ sau khi Ngài Phục Sinh. Nhờ niềm tin sắt đá của « Mẹ đứng đó dưới chân Thánh Giá », Mẹ là người duy nhất được diễm phúc hiện diện và cộng tác trong cả ba biến cố trọng đại của chương trình cứu độ : mầu nhiệm Nhập Thể; mầu nhiệm Vượt Qua và mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống. Như vậy Mẹ có xứng đáng là tổ mẫu của những người tin không ?

Thời Cựu ước, người ta sống theo lề luật, thi hành một cách cứng ngắc các điều luật dạy. Nên có thể nói tôn giáo thời Cựu Ước là tôn giáo của sự sợ hãi, của ràng buộc, Thiên Chúa của ghen tuông [1] . Nhưng tôn giáo thời Tân Ước là tôn giáo của tình yêu, nó hoàn toàn mới mẻ vì chính Ðấng Cứu Thế đã đem vào thế gian. Chính Ngài đã sống và đã chết cho tình yêu. Ngày xưa khi Thiên Chúa lập giao ước với nhân loại trên núi Sinai, Ngài hiện diện trong lửa, đám cháy, sấm, sét, và công bố mười điều răn “Ngươi chớ...”. Dân Do Thái sợ hãi và lẩn trốn Giavê Thiên Chúa của họ, vì ai thấy mặt Ngài ắt sẽ phải chết. Nhưng khi Chúa Giêsu lập Giao Ước Mới với nhân loại, Ngài đến và sống trong thế gian cách hiền lành, khiêm tốn, và chỉ trao cho chúng ta một giới răn tuyệt vời “Mến Chúa, yêu người”. Chính sự biến đổi lạ lùng [2] từ một tôn giáo sợ hãi sang một tôn giáo của yêu thương, của ân sủng, nên mãi cho đến nay vẫn còn rất nhiều người Do Thái giáo không hiểu và không nhận ra !

Ngày xưa Gia-vê Thiên Chúa phán hãy yêu mến Ngài hết sức lực, hết linh hồn, hết trí khôn. Thời Tân Ước, Ngài muốn chúng ta yêu mến Con của Ngài – Đức Giê-su.[3] Theo tôi, Ngài còn muốn chúng ta yêu mến thêm một người khác nữa, dù Ngài không nói trực tiếp, hay rõ ràng ra. Chúng ta nhận ra ý muốn của Ngài là nhờ quan sát và cảm nghiệm từ những hành động và lời trối trăn của Ngài. Trên thế gian này có nhiều loại tình cảm mà con người dành cho nhau, như tình vợ chồng, tình bạn, tình đồng chí, v.v… Tuy nhiên mọi tình cảm nhân loại dành cho nhau vẫn có thể đổi thay, thậm chí bị phản bội ; duy chỉ có tình mẹ con là thâm sâu, mật thiết nhất và không hề đổi thay. Hơn nữa, trên thế gian này, người ta, kể cả pháp luật, luôn tôn trọng ước muốn, di chúc của người quá cố ; huống chi là “di ngôn” của người sắp chết. Chính Chúa Giêsu khi hấp hối trên Thánh Giá, Ngài đã đưa ra một lệnh truyền, tuy chỉ có năm chữ, nhưng thâm thúy hơn một núi sách vở, cho Gioan -người môn đệ Chúa yêu :” Đây là mẹ của anh” (Ga 19:27). Rõ ràng đây là một mệnh lệnh, ở thể xác định, nghĩa là anh phải yêu thương và sùng kính Bà vì là Mẹ anh. Thánh Gioan là người độc thân (giống như Đức Mẹ), và là người môn đệ được Chúa yêu, nhưng ngài cũng đại diện cho tất cả tông đồ của Chúa Giêsu dưới chân Thánh giá ; do đó ngài đại diện cho Giáo hội, như đa số các nhà chú giải thừa nhận.

Bởi thế, tôi nghĩ rằng con cái Giáo Hội sẽ hiểu và làm theo lệnh truyền của Con Thiên Chúa : ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và sùng kính Mẹ Thầy. Nói cách khác, ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, và ai sùng kính Mẹ Thầy thì sẽ bắt chước Mẹ Thầy. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ hài lòng vô cùng khi người người sùng kính và bắt chước Mẹ, học tập nơi Mẹ nhân đức tin triệt để, sự vâng phục đến tận cùng, cũng như lòng khiêm tốn vô song của Mẹ. Quả vậy, chúng ta cần noi gương Mẹ, vì Mẹ là tấm gương, là mẫu thức thánh thiện nhất trên thế gian này. Hơn nữa, Mẹ còn là biểu tượng tuyệt vời và là hình ảnh trung thực của Giáo Hội như lời dạy của Công đồng Vaticanô II.

Thiên Chúa luôn yêu thương và muốn ”kết hôn” với nhân loại. [4] Khi kết hôn, người ta trao cho nhau nhẫn cưới để làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành của nhau. Thiên Chúa đã làm điều đó : Ngài ban cho chúng ta “đức tin”, là chiếc nhẫn cưới của Ngài. Và nếu đức tin là chiếc nhẫn cưới thì rõ ràng Mẹ Ngài –hay Mẹ chú rể - là người đeo “chiếc nhẫn” ấy vào tay mỗi người chúng ta. Vậy bạn và tôi sẽ làm gì để đáp lại Tình yêu được tỏ bày qua cuộc “hôn nhân” này ? Chúng ta phải đối xử thế nào với Thiên Chúa, và với Mẹ Ngài, cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta, Mẹ của Hội Thánh ? Hy vọng mỗi người Công giáo đều có thể tự tìm thấy câu trả lời phải lẽ nhất.

Tóm lại, việc Đức Mẹ hiện ra đây đó trong lịch sử, từ trước đến nay hay trong tương lai, không nằm ngoài mục đích đem sứ điệp của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Đó là sáng kiến của Thiên Chúa, biểu hiện một quyết định tự do và yêu thương của Ngài. Ngài muốn chúng ta nhận ra Ngài cách gián tiếp, và qua trung gian điển hình, thân thương nhất là Mẹ. Bởi vậy chúng ta phải mang ơn và cậy nhờ Mẹ luôn mãi. Chúng ta phải nhận định cho đúng vai trò và vị trí lạ lùng của Mẹ trong chương trình cứu độ. Vai trò của Mẹ hết sức quan trọng đối với từng người chúng ta, ngay đời này và cả đời sau, cho dù chúng ta có nhận ra, có ý thức điều đó không! Hãy sùng kính và bắt chước Mẹ, chúng ta sẽ nắm chắc phần thắng, sẽ đội được triều thiên vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho từng người khi mới sinh vào thế gian này.[5]

[1] Thiên Chúa uy quyền phán :” Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (Đnl 6:5). Ngài phán tiếp : “Anh em không được theo những thần khác trong số các thần của các dân chung quanh anh em, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), Đấng ở giữa anh (em), là một vị thần ghen tương; hãy coi chừng kẻo ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), nổi cơn thịnh nộ với anh (em) và tiêu diệt anh (em)..”,( Đnl 6:14-15).
[2] Thật ra, nằm trong đường lối sư phạm, giáo dục tiêm tiến của Thiên Chúa.
[3] Được phán qua miệng của chính Người Con : "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy…” (Ga 14:23).
[4] “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu” (Hs 2:21); “Vào ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - ngươi sẽ gọi Ta: "Mình ơi", chứ không còn gọi "Ông chủ ơi" nữa” (Hs 2:18).
[5] Life is worth Living của Fulton J. Sheen (trang 40)





Phaolô Ngô Suốt