Trong xóm Đông Phước không ai lạ gì hai thằng nhãi Đang và Mạc. Hồi đặt tên xóm, ai cũng cho là cái tên thật bình yên. Cái tên phù hộ cho dân làng. Cái tên mang phước lộc cho mọi người. Hai thằng quỷ con Đang và Mạc biến xóm Đông Phước thành Thất Phước, dân làng nói thế. Mấy người có học còn cãi là Vô Phước mới đúng, vì Thất Phước có thể là không có phước, mà cũng có kẻ gàn cãi là Bảy Phước.

Đang và Mạc, hai đứa trẻ mồ côi. Cha mẹ chúng sống ở làng bên. Chiến tranh tràn đến cướp mất cha mẹ chúng, chỉ còn sót lại hai đứa được vị sư già rước về nuôi làm phước. Hai đứa trẻ được sư cụ nuôi nấng cẩn thận. Sư cụ cho chúng ăn học đến hết Tiểu học. Thời gian rảnh rỗi chúng học thêm kinh nhà Phật. Sư cụ biết rằng, trẻ mồ côi dễ hư lắm. Không ai có uy tín hơn là bố mẹ nó. Cũng không ai thương lũ trẻ bằng cha mẹ chúng. Sư cụ sợ nhất là trách nhiệm dạy hai đứa thành người. Bây giờ thì không có gì. Chúng còn nhỏ, nhưng năm mười năm sau nó ra sao ai biết được. Sư cụ đâu có sống mãi để dạy bảo chúng. Từ ngày có hai đứa, dân chúng trong làng dâng cúng chùa thật nhiều. Phật tử đã đành mà cả những người không phải là Phật tử. Sư cụ rất cảm động. Cụ nhắc nhở hai đứa Đang Mạc luôn: “Thầy chỉ có uy tín thôi, còn của cải các con ăn là do lòng từ bi của thiện nam, tín nữ. Các con cố gắng sống lương thiện.” Lần nào cũng thế hai đứa bé chỉ biết dạ, chứ không nói gì hơn.

Đang và Mạc sống trong cảnh Chùa. Chúng gặp khách tứ phương, gặp ai cũng làm quen, riết rồi chúng đâm bạo dạn, lại trưởng thành trước tuổi. Những đứa bé cùng tuổi không thể nào lanh bằng chúng. Dưới sự hướng dẫn của sư cụ đời chúng hạnh phúc hơn bao nhiêu đứa trẻ khác. Chúng như chuột sa hũ gạo. Chúng hiểu điều đó và phục sư cụ sát đất, không bao giờ chúng cãi sư cụ điều gì. Ngoài những việc lặt vặt quanh Chùa và những giờ học. Có thời giờ rảnh rỗi, hai đứa thường ra con sông phía sau Chùa bơi lội. Bơi chán hai đứa leo lên nằm gốc cây gòn nói chuyện. Quanh đi quẩn lại cũng toàn chuyện con nít. Không bao giờ chúng lo đến tương lai. Không bao giờ chúng nghĩ sư cụ có thể mất. Với chúng, Đức Phật luôn phù hộ kẻ tu hành. Ngày giỗ ngày chạp chúng cũng xin sư cụ cầu kinh cho hương hồn bố mẹ, anh em nó. Nó tin Đức Phật thích nghe sư cụ cầu kinh hơn bọn nó. Sư cụ vừa đạo đức vừa khôn ngoan nên sư cụ biết phải xin điều gì và chắc chắn Đức Phật sẽ hộ mạng sư cụ. Trong khi đó sư cụ lại dạy là tất cả Phật tử đều được Đức Phật thương như nhau. Đức Phật không từ chối lời khấn vái của bất cứ ai miễn là họ xin với lòng thành thật. Thời gian trôi đi. Hai đứa trẻ cũng lớn trộng. Sư cụ thì rất gần cõi Phật. Rồi một ngày mưa, sư cụ ngã bịnh bất thình lình. Hai đứa bé đang tắm sông phía sau Chùa được bác từ gọi về. Hai đứa mắt nhìn nhau không hiểu ất giáp gì. Về đến nhà mới biết sư cụ lâm trọng bịnh. Hai đứa, mỗi đứa một bên chõng ngồi canh sư cụ. Bác từ chắc lo việc dọn dẹp Chùa, khóa cổng, dọn dẹp tàn nhang, làm công việc riêng của bác.

Sư cụ nằm mắt nhắm nghiền, hơi thở đều đặn, hai cánh tay gầy nấp dưới tấm chăn mỏng. Cụ nghỉ thật thoải mái, mặc dù bịnh nhưng miệng cụ thật tươi. Đang và Mạc đăm đăm nhìn cụ, thỉnh thoảng lại liếc nhau. Cái cảnh tĩnh mịch dường như làm căn phòng trở nên huyền diệu. Có một cái gì linh thiêng lắm trong căn phòng. Cây đèn cầy màu đỏ cháy đã quá nửa. Đó cũng là lúc bác từ về. Theo sau bác là chú ba thầy thuốc. Lúc đó hai đứa mới biết là bác từ đi rước thầy ba. Thầy ba bước vào căn phòng sư cụ với đầy ngạc nhiên. Ngoài chùa được trang hoàng đẹp như cảnh hội hoa, căn phòng sư cụ sao mà đơn giản thế. Vỏn vẹn có một bộ bàn ghế, một tủ nhỏ và một cái chõng. Trông thật ngoài sức tưởng tượng của thầy ba. Thầy bỏ nhẹ cái giỏ cói xuống mặt bàn, móc ra cái kiếng trắng đeo lên mắt. Đoạn thầy xắn tay áo cao một tí và bắt đầu bắt mạch. Hai ngón tay kế trỏ và ngón trỏ của thầy cứ day day mãi chỗ cổ tay sư cụ. Thầy chậm rãi lắc đầu qua lại như ngầm nói điều gì. Bác từ hình như hiểu ý. Hai mắt mở rộng, miệng bác há hốc trông đến rợn tóc gáy. Thầy ba thở dài buông một câu với giọng thảm não: trễ quá rồi, không cứu được nữa. Thầy ba nhẹ vạch mí mắt sư cụ coi lại cho chắc. Cặp mắt sư cụ hàng ngày coi thật tinh anh, hai luồng nhỡn tuyến phát ra trông thật sắc sảo. Bây giờ con mắt đổi thành màu trắng đục, lờ đờ. Bất thình lình sư cụ run nhẹ lên, cụ thở dài. Cả thầy ba lẫn bác từ đồng thanh kêu “Mô Phật”. Sau cái thở dài đó sư cụ thật sự trả lại cuộc đời. Trả lại ngay cả giọt không khí. Sư cụ thật sự siêu thoát. Bác từ thoăn thoắt bước ra rồi tiếng chuông chùa réo gọi. Tiếng ngân đêm thật thảm thiết, như rên rỉ xoáy vào lòng người.

Đêm nay cảnh Chùa đông thật đông. Tiếng ồn ào của người đi lại, của tiếng bàn tán, của tiếng tụng niệm, tiếng khóc của tín nữ. Dân làng bu quanh bác từ để nghe bác kể diễn biến sự việc. Nghe xong, kẻ bàn ra, người tán vào. Người thì cho rằng sư cụ chết vì bác từ không chịu cạo gió cho cụ; kẻ khác thì sư cụ chết vì bác từ đi gọi hai thằng Đang, Mạc lâu quá khiến thầy ba đến cứu không kịp. Hai đứa nghe nói thế sợ run bắn người lên. Ai mà đổ lỗi gì kỳ khôi vậy. Khi còn sinh tiền, cả sư cụ lẫn dân làng đều thương chúng. Sư cụ mới qua đời đã có người ghét. Chẳng lẽ người chết kéo theo tình thương đi luôn. Đám tang xảy ra thật tốt đẹp. Cả làng tham dự, người nào cũng tỏ lòng mến sư cụ. Sư cụ mất đi để lại cho dân làng một mối lo lớn. Cái bóng rợp của làng mất đi,lấy gì thay thế ? Rồi đây cái yên tĩnh của xóm Đông Phước sẽ ra sao. Còn ngôi chùa nữa. Bác từ thì không khoẻ, tuổi xế bóng. Hai đứa Đang và Mạc đang tuổi trưởng thành. Sau ngày sư cụ mất Đang Mạc buồn chẳng thèm ăn. Vẫn gặp nhau ở khúc sông cũ, vẫn cảnh cũ, người cũ. Cái thú bơi lội, vui đùa biến mất. Mỗi đứa đều đứng trước cái mất mát. Mới mười mấy tuổi đầu mà hai lần mất mát. Con mắt sâu thẳm kia còn phải chứng kiến những gì nữa. Cặp mắt không hướng đi, chúng bị lạc giữa rừng người. Lạc trong cuộc chiến mà đau khổ mỗi ngày mỗi chồng chất, con người không kịp xây dựng so với tàn phá, đổ nát, lạc giữa ban ngày.

Phải lâu lắm hai đứa mới lấy lại được cái sinh hoạt xưa. Hầu hết câu chuyện chúng trao đổi là về sư cụ. Mặc dầu lúc này bác từ bảo bọc chúng, nhưng lòng chúng lúc nào cũng hướng về sư cụ. Bác từ biết thế, bác đã không buồn mà lại mừng. Xóm ngõ xảy ra nhiều trộm cắp. Đám trẻ ăn cắp vặt sợ bị đòn nên đổ hết tội lên đầu Đang, Mạc. Tiếng đồn lan dần khiến cả làng nghi cho hai đứa. Đang, Mạc đau lắm, mình vô tội vạ, nhưng làm sao bây giờ. Suốt ngày lẩn quẩn quanh chùa hay vớ vẩn ngoài bờ sông thế mà cũng có tiếng. Bác từ lúc đầu không tin. Bác nghe nói mãi, từ già đến trẻ, bác cũng đâm nghi. Quang cảnh chùa lúc này thưa thớt, khách viếng chùa bớt đi. Tiền dâng chùa, cũng như hoa quả cũng vì đó mà giảm xuống. Một phần dân chúng ghét Đang Mạc không chịu dâng cúng. Dâng cúng để chúng ăn làm giặc à, một số người nói thế. Phần khác, phần đông dân chúng viếng chùa là do uy tín sư cụ. Họ nhờ sư cụ khấn vái cho, ngày nay sư cụ không còn nữa, đến đó nhờ ai bây giờ. Bác từ lo chu đáo mọi công việc như ngày sư cụ còn trụ trì. Chỗ nào trước sao, nay y như vậy, không mảy may thay đổi. Chỉ có nhang đèn giờ thiếu thốn, đắt đỏ. Bác từ thay bằng đốt đèn dầu. Mạc lo phận sự châm đèn dầu thắp sáng thâu đêm. Một tối vô ý, Mạc đổ dầu vô ý thế nào, dầu tràn loang ra cái chiếu hoa nơi chánh điện, lửa bắt cháy. Mạc hô hoán om xòm, không ai đến cứu. Mạc liều thân ôm cả cái chiếu chạy nhanh ra sân. Chàng bị cháy phỏng hết một cánh tay. Nhờ thế mà chùa không bị thiệt hại gì. Bác từ rất cảm kích với hành động trên. Cũng từ đó bác thương Đang và Mạc hơn. Người ngoài hay tin, kẻ cho rằng Mạc có ý đốt chùa nhưng bị phát giác nên ý định không thành. Kẻ khác cho rằng nhờ Mạc hy sinh tính mạng mà cứu được chùa. Từ đó một số người trước kia ghét hai đứa, khinh dể hai đứa nay đâm ra thương chúng, săn đón mời gọi chúng. Kể ra cũng đỡ tủi.

Đang đến tuổi gia nhập quân đội. Chàng vui vẻ lên đường. Chàng muốn từ bỏ cái nơi mà gần hai mươi năm chàng chôn đời ở đó. Mạc biết tin cũng chẳng vui gì. Chàng đắn đo, ở lại với bác từ hay theo Đang. Ở lại với bác từ thì tốn thêm một miệng ăn, chứ có giúp bác được bao nhiêu. Nghĩ thế Mạc nhất định theo Đang. Hai đứa đi cách nhau độ gần năm. Trong xóm ngõ không ai hay tin chúng. Măc dầu Đang và Mạc đã đi xa nhưng cảnh mất đồ lặt vặt vẫn còn diễn ra. Tệ nhất là vụ ăn cắp chùa. Quân khốn nạn nào đó dám vào chùa ăn cắp bức tượng Quan Am bằng đồng đen, quý vật mà sư cụ thích nhất đã bị mất. Người nọ nghi người kia. Bây giờ thì không còn Đang Mạc để đổ lên đầu chúng. Bác từ sức yếu, tuổi cao lại thêm cái buồn mất tượng Quan Am, bác đâm bệnh và mất hơn năm sau ngày Mạc bỏ đi. Ngôi chùa lúc này trở nên hoang phế. Chỉ còn thấy nhang đèn vào những ngày rằm, ngày kỵ. Tiếng tụng niệm cũng bặt hẳn. Mọi người đều tin rằng dân làng nghi oan cho hai thằng con nuôi sư cụ, Đang và Mạc nên sư cụ không phù hộ cho nữa.

Thắm thoát đã bảy năm, đùng đùng Đang và Mạc cả hai không hẹn mà gặp. Cả hai cùng được phép không biết đi đâu nên quyết định về thăm bác từ. Hai thanh niên trẻ trở về quê cũ. Về nơi mà cách đây mấy năm họ muốn ra đi, đi sớm ngày nào hay ngày ấy.

Cảnh chùa giờ đã khác, cổng chùa đã đóng rêu xanh.Mấy bụi chuối già rũ rượi.Toàn thân được che chở bởi những tàu chuối khô nằm chen chóc với đám cỏ gừng. Mấy khóm cỏ lác mọc lan gần đến lối đi. Những bụi huệ, lan và bông bụt cố tranh sống với cỏ dại. Chỉ có khóm dùng dành là sống thảnh thơi. Dàn hoa trắng chen chúc cạnh những lá xanh thẳm. Mùi nhài thơm tựa hoa đại làm mát mũi. Đang và Mạc quan sát cảnh cũ rồi đi thẳng ra mộ bác từ và sư cụ. Hai chàng ngó nấm mộ dưỡng phụ hồi lâu rồi lững thững bước đi. Có lẽ cả hai cùng mang một tâm trạng. Cả hai cùng cảm thấy bùi ngùi, kỷ niệm xưa hiện về. Khuôn mặt sư cụ vẫn còn đấy, khuôn mặt bác từ trông còn rõ mồn một. Thế mà người đã đi vào thiên cổ hồi nào. Mục đích chính của Đang và Mạc là về thăm bác Từ, bác không còn nữa, họ chẳng muốn thăm ai. Hai chàng trở lại khúc sông cũ. Cây gòn ngày xưa lớn trông tựa cây cổ thụ, tàn lá xum xuê che rợp một khoảng rộng. Hai cái tên Đang Mạc nơi thân cây vẫn còn đó. Nó cũng lớn dần theo thân cây. Hai chàng xuống tắm như hồi còn sống với sư cụ. Lối xuống đã bị cỏ phủ đầy. Hòn đá Mạc đặt ở cạnh bờ sông để rửa chân sau khi tắm không còn nữa. Dưới giòng sông rêu mọc chằng chịt. Sợi nào sợi ấy dài cả thước. Đang nhảy xuống tắm trước. Mạc nhảy theo sau. Cả hai cùng bị vướng bởi rong. Không bơi được thoải mái như xưa. Mấy con rận rong cắn người ngứa không chịu được. Phải vất vả lắm, hai chàng mới leo lên được bờ. Ngồi trên bờ ôn lại những kỷ niệm xưa. Hai chàng nói mãi mà không chán. Cứ mỗi người một câu làm câu chuyện càng thêm hứng thú. Không hiểu làm sao mà câu chuyện dẫn đến chỗ giòng sông chảy cũng như luồng tư tưởng con người. Giòng sông không ai tắm, không dùng đến đã bị cỏ dại mọc lan tràn. Nước thủy triều không đủ mạnh để rửa sạch rác rưởi. Trí óc con người cũng thế, nếu không tìm tòi học hỏi, thì càng ngày càng chậm đi. Những gì đã học được một phần bị quên, phần khác bị lỗi thời, thành ra trí óc đòi hỏi luyện tập luôn. Những kinh nghiệm hằng ngày không đủ để giúp con người theo kịp phát minh mới. À phải, hai chàng nói tới chỗ nhớ nhau. Người này trách người kia không chịu thư từ cho nhau. Té ra cả hai cùng quên viết. Gần bảy năm trời không sách vở, không tụng kinh thì làm sao mà nhớ được. Óc con người là thế đấy. Tư tưởng con người chảy như giòng sông. Càng chịu khó suy nghĩ, học hỏi nó càng bén nhạy. Chẳng bùn rong nào bám được. Bao nhiêu bợn dơ được đưa đi hết. Còn như không chịu tìm tòi thì khác chi vũng nước ao tù, quanh năm suốt tháng chỉ có bấy nhiêu nước, rong rêu biến nước thành chất nước độc, tù hãm, mồ chôn của rận rong.

Quả thật lúc thăm mộ sư cụ và bác từ, cả hai cùng cố nhớ lại lấy một kinh để đọc cho các ngài. Những kinh mà trước kia hai chàng đọc như pháo rang. Đang ngủ gật, mơ mơ, màng màng mà nghe tiếng sư cụ tụng, hai chàng còn theo được. Bây giờ thì đọc không ra câu cú nào cả. Chỗ nào ngân, chỗ nào lên giọng cũng không còn nhớ. Trước đây Đang cứ lầm tưởng là một tháng đọc kinh một lần là đủ. Ngày rằm, ngày kỵ đi chùa là đủ. Đang đâu có biết là tâm hồn con người cũng có thể nguội lạnh được.Tụng kinh niệm Phật cũng cần phải giữ luôn.Phải thực hành đàng hoàng và thực hành luôn. Nếu không thì việc tụng niệm cũng như giòng sông quên lãng kia. Cỏ dại sẽ đóng đầy. Rận rong làm tổ. Người xuống tắm có thể bị rong quấn chết ngộp. Hoặc nữa rận rong chích cho sưng người lên. Đã từ lâu lắm, Đang và Mạc không tụng niệm. Bao nhiêu lần hứa đi chùa cúng ngày kỵ của bố mẹ, của sư cụ. Hứa thì cứ hứa, chứ có lần nào thi hành điều hứa đâu. Lâu ngày không cầu kinh, bây giờ nói đến cũng ngại chứ đừng nói tới làm. Tâm hồn hai chàng trai trẻ bị rong đóng giống như giòng sông quên lãng. Làm sao hai thân thể tráng kiện lại có hai tâm hồn yếu đuối. Lúc này Đang Mạc mới hiểu, sức khoẻ thân xác và sức mạnh tâm linh không bắt buộc phải đi cùng chiều. Sư cụ có thân hình gầy yếu. Cụ lại có tâm trí sáng suốt. Tâm hồn cụ thảnh thơi, khoẻ mạnh. Đang và Mạc có thân hình cường tráng, nhưng tâm trí thật nông cạn. Tâm hồn thật yếu nhược. Hai chàng đồng ý là:

Muốn có thân thể cường tráng thì phải luyện tập.

Muốn có một tâm trí sáng suốt thì phải học hỏi, tìm tòi.

Muốn có một sức mạnh tâm linh thì phải tụng niệm, khấn vái.

Nếu không thì sẽ giống giòng sông quên lãng.

(Viết tại Parkville, tiểu bang Victoria, Úc Đại Lợi, ngày 5 tháng 2 năm 1987)

TiengChuong.org