Ai Cập hội đàm gấp về xung đột tôn giáo

Các xung đột tôn giáo giữa cộng đồng Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo đang có dấu hiệu căng thẳng tại Ai Cập.

Thủ tướng Ai Cập triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp sau vụ đụng độ gây chết người giữa những người Hồi giáo và Thiên chúa giáo tại Cairo hồi đêm qua, theo truyền thông nhà nước.

Thủ tướng Essam Sharaf đã hoãn chuyến thăm của ông tới vùng Vịnh để thảo luận về diễn biến bạo lực làm 10 người chết và 186 người bị thương.

Cuộc đụng độ nổ ra sau khi hàng trăm người Hồi giáo có khuynh hướng bảo thủ tập trung tại một nhà thờ ở quận trung tâm Imbaba.

Những người này cáo buộc rằng một phụ nữ muốn cải giáo sang đạo Hồi đã bị cầm giữ ở đây, trái với mong muốn của người này.

Vụ việc bắt đầu khi có lời qua tiếng lại giữa những người phản đối, các nhân viên bảo vệ nhà thờ và người dân sống gần đó.

Căng thẳng sau đó bùng phát thành một cuộc đụng độ với súng nổ, tạc đạn và ném đá diễn ra, theo những gì được tường thuật.

Hai nhà thờ và một số căn nhà gần đó bốc cháy và phải mất một số giờ trước khi các dịch vụ cấp cứu triển khai và quân đội kiểm soát được tình hình.

Bùng phát bạo lực công cộng với quy mô lớn vốn có thể nổ ra trong lúc chính phủ quân sự đang lãnh đạo quá trình chuyển đổi dần dần sang thể chế dân chủ là một nguy cơ gây gây quan ngại cho Ai Cập, theo phóng viên BBC Jonathan Head ở Cairo.

'Côn đồ chuyên nghiệp'

"Thủ tướng Sharaf đã kêu gọi một cuộc họp khẩn của nội các để thảo luận về vụ việc đáng tiếc ở Imbaba," ông Ahmed al-Saman, một phát ngôn viên của nội các nói với hãng tin chính thức Mena.

Truyền hình nhà nước đưa tin ông Sharaf đã hoãn chuyến thăm Bahrain và các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống nhất được dự kiến vào ngày Chủ Nhật.

Tử vong và thương vong nói chung tiếp tục gia tăng vào sáng Chủ nhật, với truyền thông nhà nước loan báo số liệu mới nhất là 10 người thiệt mạng và 186 người bị thương.

Các nhân chứng cho biết hàng trăm người Hồi giáo thuộc phong trào Salafist đã tập trung tại nhà thờ Coptic Saint Mena tại Cairo vốn tọa lạc ở một khu phố đông đúc cư dân của Imbaba vào tối thứ Bảy.

Thủ tướng Ai Cập Sharaf (ở giữa) kêu gọi hội đàm khẩn cấp để giải quyết xung đột tôn giáo.

Những người này biểu tình dựa trên một cáo buộc rằng một phụ nữ Kitô giáo đã bị cầm giữ tại đây trái với ý nguyện, vì bà đã kết hôn với một người đàn ông Hồi giáo và muốn cải giáo sang đạo Hồi, hãng tin Mena tường thuật.

Tuy nhiên, một người trong khu vực, blogger có tên Mahmoud, nói với BBC rằng những người chứng kiến ​​bạo lực bùng phát nghĩ rằng thủ phạm gây ra vụ đụng độ trông giống như những "kẻ côn đồ chuyên nghiệp" hơn là các tín đồ Salafists.

Nhân chứng này đã chứng kiến ​​việc đốt nhà thờ thứ hai, al-Azraa, ở cùng một quận, và cho hay nhiều người dân địa phương đã rất đau buồn về việc các nhà thờ bị đốt cháy và họ đã nỗ lực giúp các nhân viên cứu hỏa dập tắt ngọn lửa.

Lo ngại tuyển cử

Các tuyên bố tương tự về các phụ nữ bị giữ trái với ý nguyện sẽ có thể còn được đưa ra bởi các nhóm tín đồ Salafist, trào lưu đang tỏ ra cứng rắn hơn vào giai đoạn hậu Mubarak, theo phóng viên của BBC.

Trong tháng Ba, 13 người thiệt mạng trong một vụ đụng độ tương tự ở một khu phố khác.

Các diễn biến xã hội hậu kỷ nguyên Mubarak tiếp tục gây quan ngại trong một số cộng đồng dân cư ở Ai Cập.

Hồi tháng trước, những người biểu tình ở thành phố mạn nam là Qena đã cắt đứt tất cả các tuyến đường giao thông với Cairo trong vòng một tuần lễ để phản đối về việc bổ nhiệm một lãnh đạo là người Thiên chúa giáo.

Giáo dân thiên chúa giáo theo hệ phái Coptic chiếm khoảng 10% dân số Ai Cập, và từ lâu đã phàn nàn về sự phân biệt của nhà nước đối với họ.

Hiện tại, họ đang bày tỏ lo ngại về an toàn bản thân nếu người Hồi giáo thực hiện một đường lối cứng rắn trong cuộc bầu cử vốn được dự kiến vào ​​tháng Chín, theo tường thuật của phái viên chúng tôi.