Sau chuyến công tác Đồng Nai Thượng đầy vất vả, hi sinh và những tất bật đời thường của tất cả anh chị em đồng hành, lắng đọng trong giây phút, như thấy trở về đúng với bản chất thật của mỗi con người chúng ta khi xông pha trên con đường yêu thương. Hành trình đến với trái tim của anh chị em xuất phát từ tận đáy lòng trắc ẩn luôn muốn bộc lộ sự khao khát yêu thương, nhưng bị khuất lấp của những chuyện cơm – áo – gạo – tiền của đời thường. Khi cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn thì sự khao khát đó dễ có điều kiện chỗi dậy để nối rộng đôi tay trong tình yêu thương dưới mái nhà chung của nhân loại.

Xem hình ảnh

Hội Bác Ái Martin:

Là một nhóm hoạt động bác ái – xã hội thuộc Giáo xứ Vinh Sơn 3 154/333 Phạm Văn Hai, P. 3, Q. Tân Bình, Tp. HCM. Nơi có những con người từ các em nhỏ cho đến các bậc lão thành, đặc biệt là các anh chị em trẻ đầy nhiệt huyết đã có những chuyến công tác đầy ý nghĩa thiết thực và lôi cuốn lòng người mà tôi đã được tham gia cùng anh chị em trong những năm qua. Những chuyến đi định mệnh đã gắn kết tôi trở nên như “nhịp đập, hơi thở” như những “bộ phận thân thể” của gia đình Martin mà tôi không thể tách rời được.

Từ những chuyến đi đơn thuần chỉ là phát quà, thăm hỏi anh chị em dân tộc Stiêng, Bình Long – Bình Phước, cho đến các chuyến đi thăm hỏi, chia sẻ, động viên, phát quà hằng tháng ở các mái ấm và đặc biệt là trong hai chuyến gần đây đã phát triển thành những chuyến đi của “tâm hồn”.

Những chuyến đi này đã gắn kết tình yêu thương anh chị em tham gia để chia sẻ yêu thương tinh thần cũng như vật chất, nâng cao nhận thức xã hội cho anh chị em Châu Mạ bằng các trò chơi “Vượt khó” giúp đồng bào nhân rộng mô hình làm kinh tế nông nghiệp là điểm mạnh tự nhiên sẵn có của họ.

Đồng Nai Thượng:

Nơi đây là vùng rừng cấm, chỉ có đồng bào Châu Mạ nói tiếng K’Ho đã sinh tồn ở đây hàng bao đời nay. Đồng Nai Thượng là một xã vùng sâu - vùng xa thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng có địa hình hiểm trở được bao bọc bởi vùng đồi núi thuộc rừng Bắc Cát Tiên có phía Nam tiếp giáp với Tỉnh Đồng Nai, phía Tây nam tiếp giáp với tỉnh Bình Phước, phía Tây Bắc tiếp giáp với Đắk nông . Vì thế đây là vùng đất rất nhạy cảm. Điều đó đã thể hiện ngay từ khi bắt đầu liên lạc địa điểm này.

Gian nan và thử thách:

Để biết được địa điểm này phải qua giới thiệu của nhiều người, liên lạc qua lại rất nhiều lần nhưng không được. Cho đến tháng 02/2011, với sự hiệp thông cầu nguyện của tất cả anh chị em, chúng ta mới liên lạc lại được với họ. Sau khi thiết lập được quan hệ, lên kế hoạch và quyên góp gây quỹ xong thì chúng ta mới được biết đây là vùng rừng cấm. Một điều kì diệu là đến “phút chót”cách 2 ngày nữa là khởi hành, chúng ta được chính quyền địa phương chấp thuận và tạo mọi điều kiện để chúng ta xuống hoạt động như kế hoạch đã đề ra.

Rồi lại đến chuyện nhà xe, họ báo là không có xe và đòi tăng giá. Đồng thời số lượng anh chị đăng kí tham gia quá đông… Nhưng cuối cùng chuyến đi cũng được “lăn bánh” trên 160 Km đường quốc lộ, 50 Km nửa đất đỏ, nửa mới cán nhựa và 20 Km đường đồi núi, đèo dốc trên hai cái xe “heo” (vì xe lớn không đi được trên đoạn đường này, nên phải chuyển qua xe công nông mà anh chị em gọi đùa là xe “heo”) đã chất đầy đồ còn thêm gần 80 con người vượt đồi núi gập gềnh trong các cơn bão bụi và nắng gió ngay lúc chính ngọ. Thế nhưng, không có một ai cảm thấy mệt mỏi mà còn đầy “máu lửa” cùng hát những khúc ca vang dậy núi rừng Cát Tiên để cổ vũ cho hai chiếc xe vô tri vô giác cũng trở nên nhân cách hóa thành những chàng lực sĩ xông pha vượt qua bão bụi trên những đoạn đường khúc khuỷu, gập ghềnh. Và rồi cũng có những đoạn đường tưởng chừng những chàng lực sĩ này không thể vượt qua đã được các anh chi em Martin đoàn kết hết lòng để đẩy chú vượt qua những đoạn đường gập ghềnh rồi cùng tiến thẳng về Đồng Nai Thượng. Chỉ có 20 km mà mất đến gần 2 giờ đi đường. Lên tới nơi là 13h30’ nhìn mỗi gương mặt anh chị em là mỗi sắc thái phong phú đầy màu sắc của bụi đất đỏ, của những làn da bị cháy nắng đã tô điểm cho bức tranh Đồng Nai Thượng đang ảm đạm, vắng vẻ, xoang sơ và nghèo khó thêm sức sống của bình minh như vừa ló dạng.

Kết nối tâm hồn

Sau khi dùng bữa trưa với Cha Nhàn anh chị em háo hức đi tham quan thác nước. Anh chị em phải đi bộ hơn 1 km băng qua cánh rừng cây điều đến tiếp giáp với rừng nguyên sinh. Thác nước hiện ra trước mắt mọi người là một con suối chảy xuyên qua những tán cây và dây leo rậm rạm. Với những dòng nước chảy róc rách một cách khiêm tốn khi đã hết mùa mưa của năm trước và sắp báo hiệu của một mùa mưa sớm năm nay. Con thác nước chảy qua nhiều tầng như những bậc thang của người khổng lồ, thế mà đã lôi cuốn cả đoàn vui thích xông vào những dòng nước mát như bầy chim non gặp hạn.

Người thì tát nước, ngâm chân, kẻ thì xuống tắm “tiên” ở các bậc thang dưới. Những tiếng cười đùa trêu ghẹo tạo bầu không khí thân thiện càng gắn bó anh chị em với nhau nhiều hơn. Những tấm hình cũng được chớp liên tục để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ này.

Xế chiều, đội nấu ăn cũng nồng nhiệt để chuẩn bị bữa tối cho cả đoàn. Khi sử dụng, chúng tôi mới biết nguồn nước nơi đây bị nhiễm rất nhiều phèn sắt, màu nước trở nên đỏ sau khi bơm nước ngầm lên một thời gian không lâu. Thế nên càng thương những con người nơi đây nhiều hơn. Khi vào bữa tối, Cha đãi chúng tôi món rắn cuốn lá lốt ngon tuyệt. Nghe nói con rắn được bắt trong rừng điều bởi người dẫn đường khi chúng tôi từ thác nước trở về nhà thờ tạm.

Tối đến, anh chị em lại được giao lưu với đồng bào trong đêm lửa trại. Người đồng bào, từ trẻ nhỏ cho đến người lớn tuổi cũng đều tham gia một cách nhiệt tình lạ thường. Một cụ ông Châu Mạ đứng bên cạnh tôi nói: “vui thật, vui thật!”. Khi anh Nhiên, chị Trâm , những người quản trò hô to: “anh em ơi…!”. Anh chị em trả lời: “Ơi…!”. Không khí sôi động một cách hừng hực như ngọn lửa đang bốc cháy rực ở giữa vòng tròn. Mọi người cùng hòa vào không khí tưng bừng của tiếng hát, tiếng reo hò mà không còn ai nhận ra đâu là thành viên đoàn, đâu là đồng bào nữa.

Lúc này, màn đêm và sự tĩnh lặng như bị xóa tan bởi ánh lửa mỗi lúc một cháy lớn và tiếng reo hò, tiếng cười, tiếng hát...vang động cả núi rừng Cát Tiên. Khi kết thúc lửa trại, anh chị em cũng như đồng bào vẫn còn bịn rịn, cuốn quýt cười nói và dạy nhau những câu nói của tiếng K’Ho. Đến lúc đi ngủ, dường như vẫn còn đó tiếng hát, lời ca, tiếng cười và cùng với những tiếng tí tách của ngọn lửa vẫn chưa muốn ngủ yên còn đọng trong tâm trí của mỗi người.

Hoạt động ngày Chủ Nhật

Sau khi thức dậy và dùng món mì thị bò, tất cả anh chị em trong gia đình Martin cùng xông pha ra “trận” như đã được phân công trước đó. Mỗi người một việc trông rất bận rộn như công trường đang thi công xây dựng nhà thờ phía sau. Mỗi người một việc cùng nhau chuẩn bị phân phát quà, thu xếp nơi cắt tóc và chuẩn bị vật dụng cho các trò chơi của chương trình Vượt Khó trước giờ tan lễ.

Sau khi tan lễ, đồng bào được hướng dẫn vào các hoạt động của các trò chơi bằng một cái loa phát thanh đầy ấn tượng. Song song với các trò chơi của chương trình Vượt Khó là hoạt động cắt tóc diễn ra xuyên suốt chương trình.

Chương trình Vượt Khó: Đồng Nai Thượng gồm có 5 thôn, được chia thành 5 đội chơi. Các đội tham gia gồm có thiếu nhi và thanh thiếu niên. Các trò chơi gồm có ba vòng dành cho cá nhân và tập thể. Mỗi vòng sẽ được tính điểm tích lũy. Mỗi một trò chơi là một hoạt động làm nông nghiệp hằng ngày nhằm nâng cao ý thức làm nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Bảng xếp hạng sẽ được tính theo điểm của mỗi thôn tích lũy. Tổng số tiền được cấp vốn và quà là 20 triệu đồng.

Sau trò chơi các thôn sẽ tự chọn ra gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhất để nhận vốn trợ cấp nuôi bò. Lứa bê đầu tiên ở năm gia đình này sẽ được chia cho các hộ khác. Sau khi chia bê đầu lòng, phần còn lại về sau sẽ là của họ.Còn các con bê khi trưởng thành và sinh ra thế hệ thứ hai lại chia cho các hộ khác chưa được nhận bò. Như vậy đàn bò sẽ được nhân rộng với thời gian. Đồng thời số tiền trợ giúp sẽ không bị mất đi do “ăn” hết mà còn sinh lợi cho đồng bào sau này.

Xen kẽ với các trò chơi là chương trình hướng dẫn đồng bào diệt muỗi bằng phương pháp sinh hóa. Chương trình này để nâng cao ý thức về phòng bệnh do muỗi gây ra và vệ sinh xung quanh nơi ăn, chốn ở không để muỗi làm nơi khu trú và sinh sản.

Các trò chơi vừa chấm dứt là đến phần phát phần thưởng và trợ vốn, đồng thời đồng bào cũng được nhận quà ngay lúc đó. Quà là những nhu yếu phẩm như: gạo, đường, muối, dầu ăn, mì tôm… quần áo, sách báo cũ.

Các hoạt động diễn ra sôi động như ngày hội và kết thúc vào buổi trưa ngày 27/03/2011. Mặc dù tất cả mọi người ai cũng mệt, nhưng tinh thần thì không ai cảm thấy mệt mà còn rất háo hức và mãn nguyện vì những việc đậm nghĩa tình người đã làm. Trước lúc chia tay, cả đoàn gia đình Martin cùng dùng bữa cơm thân mật với Cha Nhàn cùng một số anh chị em đồng bào.

Trong tinh thần đoàn kết yêu thương, những lời chia tay đầy hân hoan và tình người đã đúc kết bằng những bài hát ngất ngây lòng người như hương rượu cần vẫn thoảng đâu đây. Cảm ơn tất cả quý vị ân nhân, các mạnh thường quân, Cty CP Địa Ốc Kim Oanh và anh chị em trong đoàn đã tham gia bằng cả trái tim của mình đến với đồng bào Châu Mạ. Thương hẹn gặp lại tất cả anh chị em Đồng Nai Thượng vào chuyến đi lần sau.