Đặc ngữ Công Giáo: Tìm hiểu từ “Dòng” của người Công Giáo Việt Nam.

Khi nói tới từ “Dòng”, người Công Giáo Việt Nam nào cũng hiểu dòng là một tu hội như Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Phan Xi Cô. Nhưng các bộ tự điển quan trọng của Việt Nam, như Việt Nam Tự Điển của hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1931, hay Đại Từ Điển Tiếng Viết của Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam xuất bản năm 1999 lại không giải thích dòng là một tu hội? Vậy phải chăng dòng là một đặc ngữ của người Công Giáo Việt Nam và đâu là nguyên nhân các vị thừa sai dùng từ này để chỉ một tu hội? Đó là nội dung bài nghiên cứu này.

Dòng là từ Nôm lấy dạng của bộ thủy 氵và dụng 用 trong tiếng Hán để ghép lại. Các từ điển thông thường của Việt Nam giải nghiã từ Dòng là sự gì diễn ra liên tục như dòng nước, dòng sông, dòng nhạc, dòng dõi. Hai tự điển tiêu biểu mà chúng tôi đã dẫn chứng giải thích từ Dòng như sau:

(1) Khối chất lòng chảy dọc, dài ra.

(2) Chuỗi dài kế tiếp không đứt đoạn.

(3) Hàng ngang trên giấy như dòng kẻ.

(4) Tập hợp những người cùng một huyết thống kế tục từ đời này sang đời kia.

Như vậy hai tự điển trên không giải thích từ dòng là một tu hội theo cách hiểu của người Công Giáo.

Từ Dòng Là Đặc Ngữ Công Giáo Việt Nam

Từ Dòng xuất hiện rất sớm trong ngôn ngữ của người Công Giáo Việt Nam. Vào năm 1670 khi Đức Cha Lambert De La Motte thành lập tu hội “Mến Thánh Giá Câu Rút Đức Chúa Giêsu”, thì thấy ngài dùng từ Dòng để đặt tên cho tu hội đầu tiên của các phụ nữ Việt Nam. Ngài viết như sau:

“Những bổn đạo nữ ở nước Annam đã lâu khấn cùng Đức Chúa Lời giữ mình sạch sẽ. Ta nghe tin này thì muốn tạ ơn Đức Chúa Lời vì Đức Chúa Lời đã mở lòng cho những kẻ ấy sẵn lòng mà khấn những sự trọng làm vậy, lại xin cho được vào dòng ấy mà tìm lẽ nào cho được phó cả và mình làm tôi Đức Chúa Lời cho lọn. Ấy đàng Đức Chúa Lời đã mở ra, cho nên ta lập dòng chị em tu hành nước Annam, mà đặt tên là Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Jêsu”.

Từ đó, người Công Giáo Việt Nam bắt đầu dùng từ Dòng để chỉ tu hội. Cụ thể là tự điển của Đức Cha Taberd xuất bản năm 1838, ngoài nghĩa thông thường như đã nói ở trên, mục từ Dòng còn được ngài định nghiã là Ordo Religiosus tức Tu Hội Dòng. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của không ghi từ Dòng theo nghĩa như từ điển của Đức Cha Taberd nhưng ghi hai từ: Thầy Dòng: thầy tu, kẻ vào hội tu thân. Vào Dòng: chịu theo phép tu trì cực khổ. Như vậy, người Công Giáo bắt đầu dùng từ Dòng từ năm 1670 tức từ năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá. Trong bài viết Tự Vị Taberd Và Di Sản Văn Hóa Việt Nam in trong phần dẫn nhập của Từ Điển Taberd do nhà Xuất Bản Văn Học tái bản năm 2004, giáo sư Trần Văn Toàn cho rằng từ Dòng là từ ngữ chuyên môn của Công Giáo Việt Nam.

Giống như Công Giáo, Phật Giáo cũng có những tu viện, nhưng không ai gọi tu viện Phật Giáo là Tu Hội hay Nhà Dòng và cũng không ai gọi những vị tu hành trong tu viện Phật Giáo là “Thầy Dòng hay Bà Dòng” mà gọi là những Tăng Ni, Tăng Đoàn.

Như vậy chúng ta có thể kết luận từ Dòng là đặc ngữ của người Công Giáo Việt Nam.

Lý Do Chọn Từ Dòng Để Chỉ Tu Hội

Đến đây chúng ta đặt câu hỏi tại sao các vị thừa sai ban đầu đã chọn từ Dòng để chỉ tu hội? Không có tài liệu nào giúp ta trả lời câu hỏi này. Chúng ta thử đưa ra một suy luận. Trước hết, xin ghi chú là từ Tu Hội mới chỉ có gần đây và từ Tu Hội 修 會 mà người Công Giáo Việt Nam dùng hiện nay là tiếng của người Công Giáo Trung Hoa để dịch từ Ordo Religiosus. Người Trung Hoa phát âm là [xiùhuì] âm Hán Việt đọc là Tu Hội.

Đức Giám Mục Lambert De La Motte biết rất rõ tổ chức đầu tiên của các chị em Mến Thánh Giá Việt Nam là một Ordo Religiosus, hay Ordre Religieuse tức tu hội.

Khi chưa có tiếng Tu Hội, Đức Cha phải đi tìm một danh xưng thích hợp nào đó để đặt tên cho tổ chức này. Muốn làm việc đó, trước hết Ngài phải xác định đâu là những đặc tính của tổ chức các chị em Mến Thánh Giá. Ngài thấy tổ chức của các chị là một tập thể, tuy không cùng huyết thống, nhưng sống chung với nhau, có cùng một lý tưởng mà từ chuyên môn ngày nay gọi là linh đạo, có cơ cấu tổ chức giống như gia đình, gia tộc là sống có trên, có dưới, theo phẩm trật và được kế tục từ đời này sang đời kia, tạo thành một cơ cấu giống như cơ cấu mà ta gọi là dòng tộc.

Từ nhận định trên, các nhà thừa sai ban đầu đã chọn từ Dòng để đặt tên cho một tu hội. Sự chọn lựa ấy hoàn toàn phù hợp với ý nghiã của từ Dòng trong cụm từ Dòng Tộc. Như vậy, ta có thêm bằng chứng để kết luận rằng các nhà thừa sai đã sớm chú ý đến vấn đề hội nhập văn hóa Việt. Các ngài đã không phiên âm từ Ordo (tức tu hội hay dòng) trong tiếng Latin như kiểu phiên âm Đức Thánh Pha Pha do tiếng Papa để chỉ Đức Giáo Hoàng, cũng không dùng từ Tu Hội của người Công Giáo Tầu mà chọn từ Dòng, một tự hoàn toàn Việt Nam, trong cụm từ Dòng Tộc để đặt tên cho tổ chức Dòng Mến Thánh Giá Câu Rút Chúa Giêsu.