Giới thiệu sách: HỘI ĐỒNG QUÝ CHỨC

Tác giả: Lm Mai Đức Vinh

Nhà xuất bản: Giáo Xứ Việt Nam

Paris, 2008; 444 trang.

Ấn bản tin học, 2011,


Hội Đồng Quý Chức là bản dịch luận án tiến sĩ thần học mục vụ của linh mục Giuse Mai Đức Vinh, nguyên giáo sư Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế, hiện giám đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris từ 1980 đến nay, 2011. Luận án viết bằng tiếng pháp với tựa đề « La participation des notables de chrétientés Vietnamiennes aux ministères des prêtres », mà chính tác giả đã dịch là « Quý chức của các họ đạo tại Việt Nam tham gia vào thừa tác vụ của linh mục ». Do vậy, cuốn sách có hai đề: đề chính tóm gọn là « Hội đồng quý chức »; đề phụ đầy đủ là « Quý chức họ đạo ở Việt Nam tham gia vào thừa tác vụ của linh mục ». Đây là cuốn sách thứ 21 trong tủ sách do Ban Tu Thư Giáo Xứ biên soạn và Giáo Xứ Việt Nam Paris xuất bản (1) vào năm 2008, mà nay được xem lại, tu bổ và cải tiến để phổ biến trên mạng lưới tin học (2).

« Những lý do thúc đẩy chúng tôi chọn đề tài này thì đơn giản và cụ thể: sau nhiều năm làm việc tại Đại Chủng Viện Giáo Tỉnh Huế, chúng tôi luôn ưu tư về việc huấn luyện mục vụ cho các chủng sinh. Trong các giáo phận gửi chủng sinh đến chủng viện, có nhiều vấn đề trầm trọng đặt ra về việc đào tạo giáo dân, cách riêng các thành viên của các Hội Đồng Giáo Xứ, để họ dấn thân làm việc tông đồ. Từ mối ưu tư đó, tôi ý thức nhiều về tầm quan trọng lớn lao của việc tông đồ giáo dân gắn liền với thừa tác mục vụ của linh mục. Đang khi đó, Hội Đồng Quí Chức Họ Đạo là tổ chức tuyệt hảo trong việc tông đồ có tương quan thường xuyên với các linh mục. Vì thế tôi quyết tâm đào sâu một vấn đề nào trực tiếp tương quan như vậy trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội ». Đó là lời đầu tiên mà cha Mai Đức Vinh đã viết trong Nhập Đề, để xác định lý do thúc đẩy ngài nghiên cứu về đề tài « Quý chức họ đạo ».

« Quý Chức hay Chức Việc, Chức Sở là ba từ mà chúng tôi, dựa vào các văn bản chính thức và thói quen ở Việt Nam, dùng để chỉ chung những giáo dân được đề cử hay tuyển chọn làm nên Hội Đồng Quý Chức, Hội Đồng Chức Việc hay Hội Đồng Chức Sở, để cộng tác với linh mục trong việc điều hành Họ Đạo. Chúng tôi muốn dành từ Chức Sắc hay Kỳ Mục cho những người có thế giá và chức phận trong các làng, xã dân sự ». Đó là đối tượng nghiên cứu của luận án.

Về đối tượng « Hội Đồng Quý Chức » này, dưới góc nhìn ‘Sự tham gia của họ vào thừa tác vụ của linh mục », bảy chương đã được khai triển, xoay quanh ba trục chính:

« Trước tiên chúng tôi trình bày đại cương lịch sử của Giáo Hội Việt Nam (Ch. I) và sự tiến triển lịch sử của Hội Đồng Quý Chức (Ch. II). Hội Đồng Quí Chức không được thành hình trên bình diện quốc gia hay giáo phận, mà thực tế chỉ ở trên bình diện mỗi họ đạo. Vì thế, sau khi trình bày những đường nét chung lịch sử, chúng tôi quan tâm đến khuôn mặt của một họ đạo tại Việt Nam: Một trong những đặc tính đáng chú ý của các họ đạo Việt Nam, là được tổ chức theo khuôn khổ của một làng xã cổ truyền và hành chánh. Vì thế chúng tôi phải trình bày khuôn mặt của một làng xã hành chánh và cổ truyền trước khi vẽ lại khuôn mặt của một họ đạo Việt Nam (Ch. III).

Tuy đơn giản, nội dung trình bày của ba chương đầu cho phép chúng tôi đề cập đến việc tham gia của Quí Chức vào các Thừa Tác Vụ của Linh Mục: Thừa Tác Vụ Thánh Hóa (officium sanctificandi) (Ch. IV), Thừa Tác Vụ Giảng Huấn (officium docendi) (Ch. V), và Thừa Tác Vụ Quản Trị (officium regendi) (Ch. VI).

Những dữ kiện trình bày trong các chương trước, cho phép chúng tôi nhận định Hội Đồng Quí Chức dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II, nghĩa là trước hết trình bày những tương quan giữa Hội Đồng Quí Chức với việc tông đồ giáo dân theo quan điểm và giáo huấn của Công Đồng Vatican II, đồng thời trình bày về những điểm tương đồng và những điểm dị biệt so chiếu với Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay (Ch. VII).

Sau cùng, chúng tôi kết thúc công việc nghiên cứu bằng mấy nhận định vắn gọn về sự khôn ngoan mục vụ và phương pháp truyền giáo chính thống của các Linh Mục và Tu Sĩ Thừa Sai, về địa vị thiết yếu của họ đạo và của giáo xứ, và nhất là về sự hợp tác của giáo dân vào việc tông đồ tại các xứ truyền giáo hôm qua và ngày nay (Tổng kết).


Luận án cha Mai Đức Vinh đã viết từ năm 1977, có nội dung nghiên cứu giới hạn vào thời điểm 1533-1953. « Năm 1533 chính là năm khởi đầu công trình Truyền Giáo tại Việt Nam, hay đúng hơn là năm chào đời của Giáo Hội Việt Nam. Chính vì đời sống của Giáo Hội này mà Hội Đồng Quí Chức được thiết lập. Tổ chức này tiến triển và gầy tạo nhiều sự nghiệp tông đồ sáng giá. Còn năm 1953 là năm ấn hành lần cuối cùng một tài liệu liên quan trực tiếp đến tổ chức các Hội Đồng Quí Chức. Đó là cuốn Chức Sở Mục Lệ do đức cha Colombert đã soạn và xuất bản năm 1884. rồi đức cha Phêrô Ngô Đình Thục, bấy giờ là giám mục giáo phận Vĩnh Long, đã tu chính lại đôi chút trước khi tái bản, năm 1953. Hơn thế 1953, là niên tuế giáp cận với một biến cố lớn trong Lịch Sử Nước Việt Nam: Ngày 20.07.1954, hiệp định đình chiến tại Genève chia đôi nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17, Miền Bắc thuộc chính phủ Cộng Sản và Miền Nam thuộc chính phủ Quốc Gia. Đương nhiên Giáo Hội Việt Nam cũng bị chia thành hai: Giáo Hội Miền Bắc nằm dưới chế độ Cộng Sản, và Giáo Hội Miền Nam dưới chế độ Quốc Gia »

Nhưng 31 năm sau, vào năm 2008 nó mới được phổ biến. Vì đây là dịp mừng ngân khánh thành lập Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1983-2008. Đó là lý do khiến ngoài văn bản luận án của linh mục tiến sĩ Mai Đức Vinh (trên 300 trang), còn có Lời Ngỏ và Phụ Lục với năm bài trình bày tóm lược những nét chính yếu lịch sử, tiến triển, sứ mệnh, công tác, thực hiện, niềm vui,… của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris:

Lê Đình Thông: Lời ngỏ (trang 5-6)

Trần Văn Cảnh: Tiến trình thành lập Hội Đồng Mục Vụ (trang 351-360)

Lê Đình Thông: Hình thành và tu chính Nội Quy HĐMV (trang 361-377)

Cung Chi: Hội Đồng Mục Vụ - Thơ (trang 378)

Trần Văn Cảnh: Sứ mệnh và công tác của HĐMV (trang 379-409)

Mai Đức Vinh: Niềm vui chung (trang 411-415)

Một nội dung phong phú: Về lịch sử giáo hội việt nam, về lịch sử hội đồng quí chức, mà nay gọi là hội đồng mục vụ; Về vai trò mục vụ quan trọng và tích cực của giáo dân trong sự trường tồn và phát triển của giáo hội, đặc biệt trong ba lãnh vực mục vụ thánh hóa, mục vụ giảng huấn và mục vụ quản trị; Về đối chiếu hội đồng quý chức với vai trò và sứ vụ tông đồ của người giáo dân ngày nay dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II, về so chiếu hội đồng quý chức với hội đồng giáo xứ hiện nay trong những năm 1960-1970 ở những giáo phận Nha Trang, Huế, Sài Gòn, Phú Cường, Long Xuyên, Xuân Lộc, Đà Lạt và Cần Thơ; Về tiến trình thành lập, nội quy, sứ mệnh, công tác và thực hiện của một hội đồng mục vụ dang sinh hoạt hiện nay, 1983-2011, Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris.

Một tiếp cận đa diện: Lịch sử với những biến cố, những nhân vật, những di vật phẩm trong quá khứ và hiện tại; Văn hóa với cách sống, phong tục và ứng xử của ngôi làng truyền thống việt nam, của họ đạo công giáo việt nam; Tu đức với đời sống bí tích, đời sống đạo đức và đời sống gương mẫu của các quý chức; Mục vụ với việc giảng dậy kinh bổn cho trẻ em và tân tòng, việc rao giảng tin mừng cho lương dân, việc tham dự các hội đoàn, các hoạt động bác ái xã hội, các sinh hoạt văn hóa giáo dục; Quản trị, từ quản trị nhân sự là các giáo dân trong họ đạo, qua quản trị cơ sở, tài sản, sổ sách, vật dụng, chi thu, tổ chức, sinh hoạt của họ đạo, đến quản trị phát triển truyền giáo cho lương dân và đồng hương, đồng bào.

Một tinh thần khách quan, lấy dữ kiện lịch sử làm căn bản lý luận.

Một tâm tình yêu mến và chung thủy với đức tin, với Chúa Kytô và với Giáo Hội.

Một cấu trúc rõ ràng, minh bạch và thuần lý.

Một ngôn ngữ đơn sơ, trong sáng và dễ hiểu.

« Hội Đồng Quý Chức » quả thật là một cuốn sách đáng cho mọi người công giáo trách nhiệm đọc, từ giáo dân, đến tu sĩ, giáo sĩ, linh mục, giám mục, hồng y.

Paris, ngày 26 tháng 01 năm 2011

Trần Văn Cảnh

Phụ chú

(1) SÁCH GIÁO XỨ XUẤT BẢN.

Trong trang cuối cùng của sách này có liệt kê những sách giáo xứ đã và sẽ xuất bản. Bản liệt kê này bỏ sót sáu cuốn mà chúng tôi đã thêm vào ở những số 2, 13, 16, 18, 20 và 23, in chữ nghiêng trong bảng sau đây.

Đã xuất bản và phát hành:

1. Kỷ yếu Giáo Xứ 50 năm (1947-1997), 112 tr. (1997) (hết)

2. Kỷ yếu 10 năm 1986-1996 Đoàn Kitô Vua, GXVN Paris, 40, XVIII tr. (1996)

3. Giáo lý cho người trưởng thành (1997) (hết)

4. Hành trang sống thế kỷ XXI (1999)

5. Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII, 540 tr. (2000)

6. Đường vào tình yêu (chuẩn bị hôn nhân, đời sống gia đình công giáo), 336 tr. (2000) (hết)

7. Fatima, Hòa Bình – Tình Thương (2000)

8. Tâm tình tuổi xuân (Hỏi để biết sống), 456 tr. (2001)

9. Sống Đức Tin trong thiên kỷ mới (2001)

10. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn I: Từ nguồn gốc cho đến thánh Grégoire Cả, 606, 2 tập, 852 tr. (2002).

11. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn II: Thời trung cổ, 600-1500, 2 tập, 850 tr. (2003)

12. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn III: Cải cách và chống cải cách, 2 tập, 918 tr. (2004)

13. Kỷ niệm 20 năm tái bản báo Giáo Xứ Việt Nam, 1984-2004, 130 tr. (2004)

14. Văn hóa và Đức tin, 640 tr. (2004)

15. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn IV: Kỷ nguyên ánh sáng, các cuộc cách mạng và canh tân, 2 tập, 840 tr.(2005)

16. Kỷ yếu Curia Maria Nữ Vương nước Việt Nam, 40 năm thành lập 1965-2005 tại GXVN Paris, 138 tr. (2005)

17. Tặng cho nhau (Kỷ niệm 60 năm Hội LTS/VN/P), 270 tr. (2006)

18. Kỷ yếu 30 năm hành trình Đức Tin của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1976-2006), 150 tr. (2006)

19. Văn hóa Gia đình, 552 tr. (2006)

20. Suy niệm Tin Mừng, Bộ I (A,B,C), (2006)

21. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn V: Giáo Hội trong thế giới hiện đại, 1848 đến ngày nay, 2 tập, 1202 tr. (2007)

22. Hội Đồng Quý Chức, 444 tr. (2008)

23. Kỷ niệm thành lập: 25 năm Hội Đồng Mục Vụ, 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris, 96 tr. (2008)

24. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn VI: Đời sống các Đức Giáo Hoàng qua 2000 năm lịch sử, 308 tr. (2009)

25. 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1947-2007, 2 tập, 1190 tr. (2010)

Sẽ xuất bản

26. Những điểm nóng gia đình hiện nay

27. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn VII, Lịch sử các Công Đồng

28. Suy niệm Tin Mừng, Bộ II (A,B,C)

(2). Theo lời đề nghị của ký giả Nguyễn Long Thao, Ban Tu Thư Giáo Xứ Công Giáo Việt Nam Paris quyết định sẽ cho phổ biến cuốn sách thứ 22 đã ấn hành, cuốn « Hội Đồng Quý Chức », trên ba mạng tin học:

http://www.giaoxuvnparis.org/

http://www.vietcatholic.net/news/

và http://www.dunglac.org/index.php?m=module3.

Người ta có thể bảo rằng đây là tái bản thứ nhất, được phổ biến dưới ấn bản tin học 2011 của cuốn sách « Hội Đồng Quý Chức », có tu bổ và cải tiến. Chúng tôi đã dựa vào văn bản gốc tiếng pháp của luận án để tu bổ một số trang đã bị bỏ sót và cải tiến cấu trúc trình bày cho thống nhất theo đúng như trình bày nguyên thủy.

Trong phạm vi có thể, chúng tôi sẽ lần lượt phổ biến những cuốn khác.